Google đã giới thiệu thiết bị chạy Jelly Bean (Android 4.1) đầu tiên, là một máy tính bảng thuộc dòng Nexus – Nexus 7. Tuy nhiên ngoài chiếc tablet này ra, hầu hết người dùng android còn lại vẫn đang mỏi cổ chờ bản update Ice Cream Sandwich (Android 4.0.x) cho thiết bị của mình. Vấn đề ở đây không phải là sự phân mảnh gây kìm hãm sự phát triển của Android, mà vấn đề thực sự chính là tốc độ cập nhật OS cho các thiết bị là quá chậm chạp. Thêm vào đó, các nhà sản xuất phần cứng thường ứng dụng giao diện người dùng (UI) riêng của mình cho các thiết bị của họ, góp thêm rắc rối cho việc phân mảnh.
Các số liệu thống kê cho thấy chỉ mới có khoảng 7,1% người dùng Android là nhận được bản cập nhật ICS chính thức từ hãng (không kể rom Cook), mặc dù ICS đã được giới thiệu từ 8 tháng trước. Làm một phép tính đơn giản nhé: giả dụ trên thị trường đang có 1000 máy Android thì chỉ có 71 cái trong số đó được hỗ trợ lên ICS 4.0. Tiếp theo, Honeycomb (Android 3.x) ngày càng bị thu hẹp về thị phần khi chỉ chiếm 3% tổng số máy chạy Android, trong khi đó, chiếm đa số (gần 2/3 tức 65%) chính là phiên bản Gingerbread (Android 2.3.x). Theo sau đó là Froyo (Android 2.2) với khoảng 19,1%, kế tiếp là Eclair (Android 2.1) ở 5,2%, Donut (Android 1.6) và Cupcake (Android 1.5) chỉ còn dưới 1%. Thật trớ trêu khi thị phần của ICS 4.0 chỉ bằng 1/3 phiên bản GB 2.3 đã 1,5 tuổi.
Nhiều ý kiến cho rằng các UI (User Interface - giao diện người dùng) hào nhoáng như Blur (Motorola), HTC Sense, Sony TimeScape và TouchWiz (Samsung) chính là nguyên nhân. Tuy nhiên, theo lời của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Motorola Mobility (Google), bà Christy Watt, UI không phải là nguyên nhân, mà việc Android có mặt trên quá nhiều nền tảng phần cứng và hàng trăm nhà mạng khác nhau mới chính là nguyên nhân chính của hiện tượng này.
Giao diện TimeScape của Sony
Không may là tất cả các bên đều bị ảnh hưởng của vấn đề này, từ Google, các nhà mạng, các nhà sản xuất phần cứng, các nhà phát triển… và cuối cùng người dùng là phía lãnh đủ. Và nếu Google cố gắng giải quyết vấn đề này, họ sẽ phải hết sức cẩn thận để đảm bảo và cân bằng lợi ích của các bên. Ở một khía cạn nào đó, Google có thể giải quyết vấn đề bằng cách thay đổi cách thức update các bản Android – thu phí thay cho miễn phí như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nói rằng, việc này sẽ đẩy người dùng chuyển sang các nền tảng khác như iOS hoặc Windows Phone.
Một cách khác là Google sẽ mang lấy gánh nặng của các nhà sản xuất bằng cách tự biên dịch các bản cập nhật cho tất cả các thiết bị. Google có dư nguồn lực để làm việc này, nhưng lợi ích đem lại có xứng đáng với công sức bỏ ra hay không? Có lẽ là không. Jean-Baptiste Querum, kỹ sư trưởng của dự án Mã nguồn mở Android (AOSP) nói rằng khoảng thời gian 5 tháng để Sony đem ICS lên chiếc tablet Sony S là "Rất hợp lý. Vì bên trong ICS khác rất nhiều so với Honeycomb”. Nhưng họ quên rằng nếu 5 tháng được xem là "rất hợp lý", vậy thì tiêu chuẩn “hợp lý” của ông sẽ là bao lâu? 10 tháng, hay 1 năm??? Và chậm cỡ nào được xem là "không hợp lý"? Có trời mới biết. Hậu quả vẫn chỉ có người dùng lãnh đủ, bởi ít ai đủ kiên nhẫn và trung thành với suy nghĩ "ráng chờ đi, máy mình sẽ lên được Android mới nhanh thôi", cuối cùng phải bán lỗ giá chiếc máy chỉ mới mua mấy tháng.
Đưa ra khung thời gian có các bản cập nhật Android mới chỉ là 1 trong những khó khăn mà Google phải đối mặt, nếu muốn đeo lên vai tất cả gánh nặng của việc biên dịch các bản cập nhật cho tất cả thiết bị Android. Ưu tiên thiết bị nào, nhà sản xuất nào, nhà mạng nào trước sẽ khiến cho Google đau đầu và trên hết, tất cả các thiết bị sẽ có giao diện giống nhau như đúc, vì các UI sẽ bị gạt bỏ hết. Vậy thì mua máy này làm gì khi cái kia cũng có giao diện y chang? Quả thật là không khả thi cho khả năng này.
Apple không hề gặp vấn đề này vì đơn giản, họ tự sản xuất phần cứng cũng như phần mềm, và Microsoft cũng vậy, khi MS yêu cầu tất cả các nhà sản xuất đi theo một chuẩn cấu hình do hãng đưa ra, chỉ khác vẻ bề ngoài và một số tính năng không liên quan đến cấu hình như panel màn hình, camera… Tóm lại MS sáng suốt khi đưa ra nhiều bậc cấu hình khác nhau một cách rạch ròi, miễn điện thoại của bạn đạt chuẩn này thì chắc chắn nó sẽ lên được bản OS mới.
Từ trái qua phải: HTC G1, Nexus One, Nexus S và Galaxy Nexus
Đều này dẫn đến câu hỏi “Google có thể làm gì để giải quyết vấn đề chậm cập nhật OS trên các thiết bị Android?”. Câu trả lời hợp lý và đơn giản nhất ở thời điểm này có lẽ là “Không làm gì cả”. Chỉ cần đà tăng trưởng của Android vẫn đều đặn, Google không cần thiết phải đau đầu suy nghĩ cho một giải pháp triệt để, nếu không muốn nói là không tồn tại, để giải quyết tận gốc vấn đề phân mảnh, cũng như làm hài lòng tất cả các bên như nhà sản xuất phần cứng, nhà mạng, nhà phát triển phần mềm, và người dùng cuối.
Như vậy, đừng cho rằng bài viết này làm bạn thất vọng, bởi nó đã nói lên thực tế nó là như vậy, vốn như vậy và sẽ vẫn như vậy, ít nhất là trong tương lai gần. Cho nên, đừng cố mất công tìm một giải pháp giúp cho Google vào lúc này, tự họ biết sẽ phải làm gì. Và chúng ta đều biết, dân gian có câu “Có chơi có chịu, hãy liệu mà chơi”. Khi chọn Android rồi thì dĩ nhiên bạn phải chấp nhận việc này mà thôi.