~ Tuesday, July 19th, 2022 ~
Chủ nhật vừa qua (17/7/2022), một buổi offline phím cơ đã diễn ra tại MoOon Coffee (9 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) với sự chủ trì của bạn Phùng Tuấn Anh (tức Tony Phùng). Đây là lần đầu tiên mình thấy Động chủ trực tiếp ra Hà Nội & tổ chức hẹn hò cùng bá tánh tính từ thời điểm group "Động Phím Cơ" được thành lập (5/11/2021). Được biết Tuấn Anh đã nhen nhóm lên kế hoạch cho buổi offline từ đợt 9/7 (ở ĐÂY), sau 3 ngày thăm dò thì thời gian & địa điểm off đã chính thức được publish bên NÀY. Đến với buổi offline, Động chủ đã mang theo 68 chiếc switch Feker Panda (L+F) cùng một bộ keycap (không rõ tên) làm quà tặng cho những người tham dự. Ngoài ra, một cơ số các món đồ do nhiều AE khác tài trợ cũng được đem ra tặng trong game GA, điển hình như: cáp xoắn của 15cable, 70 sw HB Red burn 2 triệu lần tới từ Delicious Cherry của Hoàng Hải Đăng, set keycap CSA Love Letter tới từ Sói Gear của Huy Ngô, kit Tester 68 tới từ Mỡ Setup của Nguyễn Tân, Lube station mica 50 slot tới từ bạn Mạnh Trần & 2 pack grab JTK tới từ TaoBao Shop của tay to Vũ Minh Tuấn.
Các thông tin về buổi offline được Động chủ công bố trong một status đợt 12/7.
Địa điểm offline lần này là MoOon Coffee toạ lạc tại địa điểm: 9 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.
Đôi bạn nam nữ phục vụ đồ uống bên quầy tiếp tân.
Theo quan sát của mình, diện tích khuôn viên buổi offline khá lớn, tuy nhiên cơ sở vật chất (nhất là các bàn trưng bày, nền nhà, tường xung quanh) thực sự không đẹp về thẩm mỹ, chưa kể ánh sáng từ các bóng đèn trong phòng chỉ ở mức lờ mờ. Mặc dù nơi đây có tổng cộng 3 lầu nhưng theo chia sẻ của nhân viên chốn này thì khách hàng chỉ có thể sinh hoạt ở tầng trệt, còn 2 lầu trên dành riêng cho người của bổn tiệm. Dưới đây là toàn bộ các góc của gian phòng dưới ống kính của mình trước thời điểm diễn ra buổi offline.
Khoảng 8:30AM, vợ chồng Động chủ Phùng Tuấn Anh cùng cô con gái 3 tuổi đã có mặt & mang theo một số vật phẩm làm quà GA như đã nói ở trên, chưa kể một số món khác được AE mang đến sau.
Quảng cáo
Công tác bài trí được gấp rút chuẩn bị ngay sát giờ G.
Đúng theo dự tính, ngoài 9:00AM bá tánh thập phương đã tề tựu đông đủ với tinh thần hào hứng & hết sức sôi nổi, hầu hết ai cũng găm hàng nóng bên người để tiện show off.
Quảng cáo
Quá trời các bộ bàn phím với đủ các thể loại layout được bá tánh đem đến buổi off, từ những layout 40 nhỏ gọn đến các loại bàn phím fullsize cũng như một số biến thể khác...
Đây là lần thứ 2 mình góp vui trong các buổi offline bên Động, cả 2 buổi đều có lượng người tham dự rất đông, ước tính lên đến cả trăm mạng. Ngoài những gương mặt trẻ trung thường thấy, buổi offline lần này còn chứng kiến sự hiện diện của một vài AE ở độ tuổi trung niên, đặc biệt đâu đó còn thấp thoáng bóng dáng của những bạn nữ - điều trước đây mình rất hiếm khi bắt gặp.
Tương tự các buổi offline từng tham dự, mình để ý thấy hầu hết bá tánh đều chơi keycap theo set, gần như không mấy ai chơi grab, hạn hữu lắm mới thấy có người xài SA.
Khoảnh khắc Động chủ Tony Phùng giao lưu cùng AE Hà Nội.
Một trong những điều không thể thiếu trong các buổi offline phím cơ chính là việc thẩm âm, do không gian rộng & ồn nên việc đưa sát bàn phím lên tai để gõ là hình ảnh thường thấy, một số bạn còn ngả người sát mặt bàn để tập trung trải nghiệm âm thanh phát ra từ switch.
Dưới quan sát của mình, đa phần AE chơi & show phím, khá hiếm artisan trong buổi off.
Dùng điện thoại lưu lại hình ảnh kit & keycap là điều rất dễ nhận thấy trong hầu hết các buổi off.
Dùng điện thoại lưu lại hình ảnh kit & keycap là điều rất dễ nhận thấy trong hầu hết các buổi off.
Đây là bộ Polaris MT75 của mình, thông tin cụ thể như sau: Case nhôm, Plate nhôm, Tạ nhôm, Led Diffuser (mica), Stab EGv3 tuned, foam PE, Badge (đồng), switch: Fantasy Virus. Bộ keycap grab mình lượm từ nhiều set & kit lẻ khác nhau, trong đó cụm alpha là SA SP White Selectric. Nếu quy ra thóc thì bộ grab có giá trị gấp 3 lần so với kit theo đúng nghĩa đen, thứ mình ưng nhất có lẽ không gì khác ngoài cụm arrows 1976, chữ M (vàng) của Chocolatier cùng 2 novel Ps & Ai (128k).
DO TK 43 là tên bộ bàn phím trong ảnh đính kèm bên dưới, bộ này thuộc sở hữu của bạn Mạnh Trần. Đây là một trong những bộ bàn phím rất nhỏ gọn nhưng lại gây ấn tượng mạnh với mình trong buổi offline diễn ra hôm Chủ nhật vừa qua. Theo chia sẻ của Mạnh Trần, keycap gắn trên DO TK 43 là GMK dot (clone), còn switch là Fantasy DVA.
Cả 2 chiếc bàn phím bên dưới đều của bạn KTS Châu, trong đó layout 60 (bên phải) là loại noname, hàng nhựa CNC gia công: bộ keycap được phối từ nhiều set SA khác nhau: alpha Maxkey KA, mod Amazing Chocolatier. Chiếc bên trái có tên VJF 82, alpha Carbon dual-alpha, mod Daisy + Novel Amazing Chocolatier.
Chiếc NJ68 này của một bạn có nick tiếng Nhật: "ベン・グエン ミッチェル", keycap là grab DCS.
Hiếm hoi lắm mình mới thấy có người chơi SA trong buổi offline, chủ nhân bộ này là Nguyễn Quang Duy. Theo chia sẻ của bạn này, bộ kit có tên: Spark 67 R2, toàn bộ đám alpha + mod cũng như novel cắm trên kit đều là SA SP 2600 - một trong những keyset được rất nhiều AE bên Grab-bag Exchange xé ra chữa thọt cho nhau.
AE nào chơi SA chắc đều dễ dạng nhận ra tông màu trắng đỏ vô cùng đặc trưng đến từ SA SP Rocket, bộ kit này có tên NJ80 thuộc sở hữu của Bé Su. Mã màu trong bộ keycap (RA) có lẽ là màu đẹp nhất trong các loại màu đỏ mình từng biết & cũng là gam màu không thể thiếu mỗi khi đem ra phối ghép trong các bộ grab của mình.
CherryB NEO 87 là tên kit bên dưới, chủ nhân là bạn Nguyễn Việt Anh, keycap là GMK WoB.
Kit phía dưới là Apolo Space 80 của bạn Tr Khánh Dư, keycap noname mua trên Lazada cùng khuôn với XMI profile là Cherry. Màu sắc của keycap dễ khiến mình liên tưởng đến bộ stock màu White - Grey đến từ hãng Leopold - một gam màu đặc trưng, đượm nét hoài cổ.
Tiếp tục là một bộ kit khác có tên NextTime 75 với set keycap là Shimmer Retro Element XDA Profile, bộ này của bạn Nguyễn Tùng. Trước đây mình cũng từng sở hữu một bộ keycap với profile là XDA với tên đầy đủ là: Keychron XDA Profile PBT Retro Keycap Set. Tuy nhiên, do chỉ hứng thú với SA nên đã nhượng bán qua một kèo rao bán cuối tuần cách đây tầm 3 tháng, giờ nom bộ Shimmer bất giác lại nhớ đến set Retro của Keychron ngày nào.
Chiếc bàn phím nhỏ nhắn (case đỏ) với layout hết sức cân đối này có tên Katze 60, hàn Kẹo dẻo (L+F), keycap gắn trên phím là CRP bản tiếng Đức (QWERTZ), khá hiếm tại thị trường Việt Nam. Nếu không nhầm, mình từng thấy sự xuất hiện của bộ keycap tương tự trong một buổi offline đợt tháng 6 vừa qua ở Foglian Coffee (bên NÀY), tuy nhiên chủ nhân bộ đó là bạn Nghĩa Vũ với kit Revo-Happy chứ không phải Katze 60. Chiếc bàn phím này thuộc sở hữu của Động chủ Tony Phùng, còn kit đặt ở phía trên là TGR 911 (clone của TGR 910). Bộ này cũng của Động chủ, theo những giãi bày của bạn này thì TGR 911 được hàn SOTC, trong đó keycap là GMK WoB.
Mình đã từng có dịp thử trải nghiệm layout Alice tương tự như chiếc Fancy Alice 66 trong ảnh bên dưới, tuy nhiên cảm giác thật sự rất khó để làm quen, có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do mình chỉ gõ được 5-6 ngón nên việc di chuyển & bao quát toàn bộ các nút phím trên layout dạng này cần một khoảng thời gian dài để thích ứng. Qua tìm hiểu, mình được biết bộ keycap gắn trên phím là Cherry pbt Dyesub, chủ nhân bộ này là bạn Triệu Quốc.
Gọn gàng, nhỏ nhắn & dễ thương, tên kit bên dưới là Libra mini 40, theo chia sẻ của Dat Nguyen - chủ nhân của bộ Libra thì bạn này đang xài switch Cherry Hyperglide Black (L+F) thay lò xo 60g. Dưới góc nhìn của bản thân, việc thao tác thành thục trên layout như này hoàn toàn không dễ trong một sớm một chiều, nhất là với những người không quen gõ 10 ngón như mình.
Cả 2 bộ kit bên dưới (XR68 CIY Maigc Sakura + keycap Mamalist clone & MK61 budget bcp + DSA grab) đều của bạn Gia Toàn, đây cũng là người đến sớm nhất trong buổi offline vừa qua. Điều khiến mình ngạc nhiên ở bộ phím màu trắng này chính ở nút Start 2u (xanh lá), theo chia sẻ của Gia Toàn thì nguyên nhân là do thiết kế lỗi. Nom gam màu xanh đỏ vàng khiến mình nhớ tới cụm mod & arrows rực sắc màu từng tậu qua AliExpress thời điểm 2020 khi còn dùng DSA Honeywell.
Thêm một bộ nữa cũng của Gia Toàn với cái tên: SA Cuppid MK870 Cherry Red + JWK YEllow, tuy nhiên bộ keycap màu hồng đầy nam tính kia lại thuộc sở hữu của bạn Nguyễn Quang Thắng.
Đây có lẽ là bộ kit & keycap ấn tượng nhất trong buổi offline mình từng thấy, chủ nhân bộ này là Nguyễn Quang Thắng. Theo những gì bạn này chia sẻ thì bộ kit có tên AKKO 3068B World Tour Tokyo - GuguXlace switch, còn keycap cắm trên kit là DSA Honeybee X novelty Scopio từ DSA Astrology X novelty Sà cân từ DSA 420. Vào thời điểm mình chắp bút soạn thảo nội dung bài chia sẻ này (tối 18/7) thì bộ kit đang được bid ở ĐÂY.
Chiếc bàn phím phía trên là Wind X98 Prototype, Assem Gat Box Ink, chủ nhân bộ này là bạn Lữ Cẩm Vinh, còn keycap là MW Demon Girl (Cherry PBT Dyesub). Kit bên dưới là Stello của bạn Võ Thanh, XMI Grey Purple Assemble TaoYao 62g.
Cả 2 chiếc bàn phím trong ảnh bên dưới đều thuộc sở hữu của một bạn tên Đức (nếu mình không nhầm thì bạn này là người đeo kính đến khá sớm, từ trong Nam bay ra Hà Nội để tham dự offline & mang theo một vali kéo bự chảng chứa rất nhiều đồ liên quan tới phím cơ). Theo chia sẻ từ thành viên Lữ Cẩm Vinh, bộ kit phía trên là Thera75, keycap có tên F64v2, kit bên dưới là NCR80-R2, keycap gắn trên kit là CRP. Cũng theo chia sẻ của Vinh thì chủ nhân 2 bộ kit này cũng đồng thời là người đã trực tiếp thiết kế tấm deskmat trong hình.
Thêm vài bộ bàn phím khác mình chưa rõ danh tính.
Những giây phút diễn ra game GA cuối buổi.
Một số khoảnh khắc hậu trường trong buổi offline.
Những giây phút diễn ra game GA cuối buổi.
Một số khoảnh khắc hậu trường trong buổi offline.
- Bài viết sử dụng một số thông tin do các thành viên trên group Động Phím Cơ cung cấp.