Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Hoài niệm cùng thế hệ 8x đời đầu với bộ truyện chữ "Tây Du Ký" phát hành đợt 1988-1989

26/12/2020 8:14Phản hồi: 25
Hoài niệm cùng thế hệ 8x đời đầu với bộ truyện chữ "Tây Du Ký" phát hành đợt 1988-1989
Ảnh cover.jpg
~ Saturday, December 26th, 2020 ~

Cầm trên tay 4 tập truyện chữ “Tây Du Ký” dày bự chảng - món quà chú Ngọc (tên chú tôi) gửi tặng, trong tôi như thấp thoáng thứ gì đó hết sức gần gũi, một thứ vô tình thất lạc đã lâu trong quá khứ, một mảnh ghép còn thiếu trong hằng hà sa số những ký ức mà tôi đang ra sức tìm lại bấy lâu nay. Tôi như không tin vào chính mắt mình nữa: hình ảnh trang bìa của cuốn truyện đã khơi gợi được chính xác cái nét xa xưa cố hữu đủ đảm bảo để 10, 20 thậm chí là 30 năm sau cũng khó phai mờ trong tâm trí tôi. Đó là hình tượng nhân vật Ngộ Không đang đằng vân, cầm thiết bảng trên vai (tập 1-2) cũng như khoảnh khắc đang nện một đòn chí tử vào nhân vật phản diện Bạch Cốt Tinh (tập 3-4)... Chỉ với 2 hình ảnh này đã quá đủ làm sống lại trong tôi hồi ức về một tuổi thơ đã ngấu nghiến đọc từng câu chữ, từng trang giấy một cách say mê lạ kỳ...

2.jpg

Nhớ lần cuối cùng tôi giữ được bộ truyện này là đợt còn học cấp III Yên Hoà (những năm 1996-1999), một người bạn cùng lớp đã ngỏ ý mượn và... quên trả lại, còn tôi lúc đó vẫn vô tư như một chú dế & không hề nghĩ rằng đó là thời điểm chính thức phải rời xa bộ sách. Cách đây không lâu (tháng 5/2020), tôi đã vô cùng sửng sốt khi được một người quen qua mạng cho mượn bộ truyện tranh “Tây Du Ký” 27 tập - đúng bản được phát hành lần đầu năm 1990. Giờ đây sau nửa năm, ký ức ấy một lần nữa lại được dịp ùa về trong tôi qua những cảm giác bồi hồi, lâng lâng vô cùng khó tả. Không cần nói thêm, hẳn các bạn cũng thấu được phần nào tâm trạng một độc giả mang nặng trong mình đầy tính hoài niệm như tôi.

1.jpg


Tới thời điểm này (2020), tôi thực không biết "Tây Du Ký" đã trải qua bao nhiêu lần tái bản, duy có một điều tôi biết chắc chắn: 4 tập truyện Nhà xuất bản Văn Học phát hành năm 1988-1989 mà tôi đang may mắn sở hữu đã để lại nhiều mảnh vụn ký ức nhất trong các bộ truyện chữ tôi từng đọc ngày ấy. Nhắc đến "Tây Du Ký" của tác giả Ngô Thừa Ân, thật khó để bất cứ ai có thể xoá nhoà những dấu ấn, những niềm thương nỗi nhớ từng một thời reo sâu trong tâm khảm, đặc biệt là những thế hệ từng may mắn trải qua giai đoạn 1986-1990 của thế kỷ trước. Ngày ấy, ngoài việc được tiếp cận qua hình thức truyện tranh, truyện chữ, lứa tuổi như tôi còn được dịp thưởng thức tuyệt phẩm “Tây Du Ký” qua màn ảnh nhỏ. Thời bấy giờ cả khu tập thể có lẽ lác đác chỉ 1-2 nhà có tivi nên mỗi bận nhạc hiệu quen thuộc trong phim "Tây Du Ký" vang lên là y như rằng mọi thế hệ từ trẻ em đến người già, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp... lại được dịp tề tựu đông đủ & hồ hởi không khác đi trẩy hội. Cảm giác bon chen giữa đám đông đúng kiểu tình làng nghĩa xóm, khác hoàn toàn với cảnh bá tánh xem bóng đá tập thể trước một màn hình hàng trăm inch ở những nơi công cộng. Mỗi bận hình dung ra viễn cảnh Đài truyền hình Việt Nam chiếu phim duy nhất một lần trong tuần (thứ 4 hay thứ 6 gì đó, tôi thực sự không còn nhớ nổi nữa) thì mới thấu hiểu được tâm trạng mong đợi đến mòn mỏi của bà con khối phố khi ấy. Có lẽ cũng từ thời điểm đó trở đi, “Tây Du Ký” đã chính thức trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân đất Việt, đến mức sau này dù được phát đi phát lại hàng tá lần nhưng bộ phim này vẫn thu hút một lượng lớn khán giả ngồi xem...

3-1.jpg

Trở lại với bộ truyện trứ danh thuộc diện siêu hiếm mà chú Ngọc gửi tặng đợt thứ 6 ngày 13 vừa qua (13/11/2020), điều khiến tôi không thể ngờ là cả 4 tập truyện sau 3 thập niên vẫn trong tình trạng khá hoàn hảo về hình thức. Các trang giấy lành lặn, từng câu chữ trong từng trang truyện không bị phai mờ, đâu đó có chăng chỉ là những nếp gấp rất nhỏ ở mép dưới của một số trang đơn lẻ, hạn hữu lắm mới thấy các vết ố hay mối mọt theo dấu ấn thời gian, rồi cả thứ mùi đặc trưng mà không một bộ sách nào ngày nay có được... Thật tôi không biết diễn tả cái hương vị này như nào để các bạn 9x & các thế hệ sau dễ hình dung: thứ gì đó rất nồng nàn, không hề đượm hương vị sách mới như cái cách mà lâu nay chúng ta vẫn đưa lên mũi hít hà một cách thích thú & khoái trá. Phải rồi, chút gì đó nhẹ nhàng, & thoang thoảng mùi hôi hôi, sền sệt của... loài gián quen thuộc - mùi của những năm 90 thuộc thế kỷ trước! Đôi khi tôi vu vơ trộm nghĩ: phải chăng dòng thời gian & sự vô tình của tạo hoá đã bỏ qua sự tồn tại của 4 tập truyện kinh điển này? Phải chăng người chủ cũ trước đó đã cất trữ bộ tiểu thuyết ở một nơi hẻo lánh & tận cùng nào đó của thế giới, để rồi trước lúc lâm chung mới quyết định lôi ra & truyền lại cho hậu thế?

5.jpg

Một sự khác biệt không hề nhẹ giữa bộ truyện chữ “Tây Du Ký” xuất bản đợt 1988-1989 với các bộ truyện ngày nay chính ở cách đóng gáy. Nhiều năm trở lại đây trong khi các bộ sách được dập bằng ghim, đóng gáy keo nhiệt hay dán bằng băng keo thì bộ truyện trong bài này lại được đóng theo một cách rất đặc trưng của thời bấy giờ: khâu chỉ. Thật vậy, hình thức này giúp người đọc có thể mở rộng các trang sách một cách tối đa mà không lo bị quăn hay gấp nếp. Những nét vẽ trong bộ “Tây Du Ký” khá mộc mạc, chân phương nhưng vẫn đượm được nét tinh xảo trong từng chi tiết: từ những cành cây, chóp núi bên vệ đường đến những manh giáp, xiêm y, dải dút trên trang phục của các nhân vật đều được lột tả khá chi tiết qua một phong cách ký hoạ đặc thù của người xưa. Chưa kể cách hành văn của nhóm biên dịch ngày ấy cũng khiến bao người thuộc thế hệ 8x đổ về trước như tôi phải thầm xuýt xoa & nhớ mãi. Những vần thơ mô tả cảnh núi non, nhân vật... xen lẫn những lời trần thuật & cả những dòng đối thoại. Cái cách mà tác giả liên kết nội dung giữa các hồi truyện cũng rất riêng & tôi đồ rằng câu nói quen thuộc ở cuối mỗi hồi vẫn đọng lại trong sự hoài niệm của bất cứ ai từng đọc bộ truyện này: "muốn biết sự thể ra sao, xem hồi sau sẽ rõ..."

10.jpg

Với tổng cộng 100 hồi chẵn tròn (2.035 trang) được chia thành 4 tập, “Tây Du Ký” dưới ngòi bút đầy tinh hoa của tác giả Ngô Thừa Ân đã khéo léo dẫn dắt người đọc dõi theo hành trình đi lấy kinh đầy gian nan của 4 thầy trò Đường Tăng. Ở đó, ta dễ dàng bắt gặp một Tôn Ngộ Không đầy bản lĩnh với thất thập nhị huyền công cùng khả năng biến hoá khôn lường, đã bao phen trừ yêu bắt quái, bảo vệ đoàn người đi thỉnh kinh. Một Trư Bát Giới tham ăn, mê gái tột độ khiến thầy trò nhiều phen rơi vào cạm bẫy của yêu quái. Một Sa Tăng chín chắn, điềm đạm. Một sư phụ Đường Tăng chính trực với đôi mắt phàm trần đã không ít lần đẩy Ngộ Không vào thế khó xử, rồi cả một Bạch Long Mã tận trung, hết lòng phò tá Tam Tạng trên đường sang Tây Trúc.

11.jpg

Quảng cáo



Như nhiều độc giả lớn nhỏ khác, nhân vật đọng lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi qua bộ tiểu thuyết dài hàng ngàn trang này không ai khác, chính là vị Tề Thiên Đại Thánh nọ - người từng khiến Thiên cung của Ngọc Hoàng mấy trăm năm trước phải chao đảo, cũng như khiến Thuỷ cung của Tứ hải Long Vương phải thất kinh hồn vía. Với tài trừ yêu bắt quái, hàng long phục hổ, Tôn Ngộ Không đã bao phen vào sinh ra tử, trải qua hàng trăm kiếp nạn nhưng rốt cục cũng thành công trong việc phò tá Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh & tu thành chính quả.

14.jpg

Ở topic lần nọ (bên NÀY), tôi đã có dịp chia sẻ những cảm xúc cá thân về bộ truyện tranh "Phong Thần" khá nổi tiếng cũng của Trung Quốc nhưng ở bài viết này tôi không đi sâu vào việc phân tích tính cách của từng nhân vật cũng như mổ xẻ nội dung cốt truyện, mà đơn thuần chỉ dừng lại ở việc khơi gợi ký ức từng một thời bị quên lãng qua 4 tập truyện chữ đình đám này, còn bên dưới là ảnh bìa của 4 tập cũng như danh sách 100 hồi của bộ truyện...

Tap 1.jpg
Tap 2.jpg
Tap 3.jpg
Tap 4.jpg

Quảng cáo


TẬP 1:

1. Gốc thiêng nấy nở nguồn rộng mở, tâm tính tu trì đạo lớn sinh
2. Thấu lẽ bồ đề vào chính quả, dứt căn ma quỉ rõ nguyên thần
3. Bốn bề nghìn non đều sợ nép, chín u mười loại xoá tên rồi
4. Quan phong bật mã lòng sao xứng, tên gọi Tề Thiên dạ chẳng yên
5. Loạn vườn đào Đại Thánh trộm thuốc tiên, Về thiên cung các thần bắt yêu quái
6. Quan âm đến hội hỏi nguyên do, tiên thánh ra oai thu Đại Thánh
7. Đại Thánh trốn khỏi lò Bát quái, Hầu vương bị giam núi Ngũ hành
8. Phật Tổ viết kinh truyền cực lạc, Bồ Tát vâng lệnh đến Tràng An
9. Trần Quang Nhị nhậm chức gặp nạn, Sư Giang lưu trả thù báo ơn
10. Lão Long Vương vụng tính phạm phép thiên đình, Nguỵ thừa tướng gửi thư nhờ Quan Âm phủ
11. Qua địa phủ Thái Tôn về dương, dâng quả bí Lưu Toàn được vợ
12. Vua Đường lòng thành mở đại hội, Quan Âm hiển thánh hoá Kim Thuyền
13. Sa hang cọp Kim Tinh cứu thoát, núi Song Soa Bá Khâm mời sư
14. Vượn già theo chính, sáu giặc mất tăm
15. Núi Rắn Cuốn mọi thần ngầm giúp, khe Ưng Sầu ý mã thắng cương
16. Viện Quan Âm sư lừa bảo bối, núi Hắc Phong quái trộm cà sa
17. Tôn Hành Giả đại náo Hắc Phong, Quan Thế Âm thu phục con yêu gấu
18. Chùa Quan Âm Đường Tăng thoát nạn, nhà Cao lão Đại Thánh trừ ma
19. Động Vân Sạn Ngộ Không thu Bát Giới, núi Phù Bồ Tam Tạng nhận tâm kinh
20. Núi Hoàng Phong Đường Tăng gặp nạn, đón giữa núi Bát Giới lập công
21. Hộ pháp làm nhà lưu Đại Thánh, Tu Di Linh Cát bắt Phong Ma
22. Bát Giới đánh ở sông Lưu Sa, Mộc Xoa vâng lệnh bắt Ngộ Tĩnh

TẬP 2:

23. Tam Tạng không quên gốc, bốn thánh thử lòng thiền
24. Núi Vạn Thọ đại tiên lưu bạn cũ, quán Ngũ Trang Hành Giả trộm nhân sâm
25. Trấn Nguyên Tiên đuổi bắt người lấy kinh, Tôn Hành Giả làm nhộn Ngũ Trang quán
26. Nơi Tam Đảo Ngộ Không tìm thuốc, nước Cam Lộ Bồ Tát chữa cây
27. Thầy ma ba lượt trêu Tam Tạng, Đường Tăng giận đuổi Mỹ Hầu Vương
28. Núi Hoa Quả, lũ yêu hợp nghĩa, rừng Hắc Tùng Tam Tạng gặp ma
29. Thoát nạn Giang Lưu về đất nước, đội ơn Bát Giới chuyển sơn lâm
30. Tà ma phạm chính đạo, Tiểu Long nhớ Ngộ Không
31. Bát Giới lấy nghĩa khích Hành Giả, Ngộ Không dùng trí phục Ma vương
32. Núi Bình đính công tào truyền tin, động Liên Hoa Bát Giới gặp tai
33. Ngoại đạo làm mê tính thực, nguyên thần đến giúp lòng ngay
34. Ma vương mưu giỏi khốn Hầu vương, Đại Thánh khéo lừa lấy bảo bối
35. Ngoại đạo ra oai lừa kẻ thắng, Ngộ Không được báu phục tà ma
36. Tâm viên đứng đắn thắng cơ duyên, trừ bỏ đạo tà loè ánh sáng
37. Vua quỷ đương đêm cần trưởng lão, Ngộ Không hoá phép dẫn hài nhỉ
38. Trẻ thơ hỏi mẹ hay tà chính, Kim Mộc thăm dò rõ thực hư
39. Một hạt kim đơn xin thượng giới, ba năm vua cũ về dương gian
40. Trẻ thơ bỡn cợt lòng thuyền rối, vượn múa đao về mộc mẫu trơ
41. Đại Thánh lửa đốt bại, Bát Giới ma bắt đi
42. Đại Thánh ân cần cầu Bồ Tát, Quan Âm từ thiện trói Hồng Hài
43. Ma sông Hắc Thuỷ lừa sư bắt, hồng bể Tây dương tróc quái về
44. Thần thông phép vận đun xe nặng, yêu quỷ tâm trừ vượt cổng cao
45. Quán Tam Thanh Đại Thánh lưu danh, nước Xa Trì Hầu Vương hoá phép
46. Ngoại đạo cậy tài lừa phép chính, Ngộ Không hiển thánh giết yêu ma

TẬP 3:

47. Thánh tăng đêm vướng sông Thiên Thuỷ, Hnafh Giả làm ơn cứu tiểu đồng
48. Ma nổi hàn phong sa tuyết lớn, sư cầu bái phật giẫm băng dày
49. Chìm đáy sông Đường Tăng gặp nạn, hiện làn cá Bồ Tát trừ tai
50. Tình rối tính theo vì ái dục, thần mở tâm động gặp yêu ma
51. Nghìn mưu Đại Thánh thành vô dụng, nước lửa không công khó lọc ma
52. Ngộ Không làm nhộn Kim Đâu động, Như Lai mách kín vị chủ nhân
53. Tam Tạng uống lầm mang nghén quỷ, Sa Tăng lấy nước giải thai ma
54. Pháp tính sang Tây qua nữ quốc, tâm viên lập mẹo thoát vòng tình
55. Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng, đứng đắn kiên trì chẳng hoại thân
56. Điên hồn trừ giặc cỏ, mê đạo đuổi Hầu vương
57. Hành Giả thực kể khổ núi Lạc Già, Hầu vương giả đọc văn Thuỷ Liêm động
58. Hai lòng xáo lộn cả càn khôn, một thể khó tu thành tịch điệt
59. Tam Tạng bị nghẽn tại núi Hoả Diệm, Hành Giả lần đầu lấy quạt ba tiêu
60. Ma vương ngừng đánh đi dự hoa duyên, Hành Giả hai lần lấy ba tiêu phiến
61. Bát Giới giúp sức bại Ma vương, Hành Giả lần thứ ba lấy quạt
62. Giặt bẩn rửa lòng nên quét tháp, bắt ma trả chủ chính tu thân
63. Náo long cung hai sư diệt quá, lấy bảo bối các thành trừ tà
64. Núi Kinh Cức Ngộ Năng gắng sức, Am Mộc tiên Tam Tạng làm thơ
65. Yêu tà đặt Tiểu Lôi Âm giả, bốn vị rơi vào nạn ách to
66. Các thần gặp tay độc ác, Di Lặc trọc nã yêu ma
67. Cứu xóm Đà La lòng vững đạo, thoát đường ô uế tính càng thanh
68. Nước Chu Tử Đường Tăng bàn lịch sử, chữa Quốc vương Hành Giả làm lương y
69. Tâm chủ thâu đêm hoàn xong thuốc tễ, Quân vương trên tiệc thuật chuyện yêu tà
70. Bảo bối yêu ma tung khói lửa, mưu mô Đại Thánh trộm nhạc vàng

TẬP 4:

71. Đại Thánh giả danh thu quái vật, Quan Âm hiển tượng bắt yêu ma
72. Động Bàn Ty bảy tinh làm mê gốc, suối Trạc Cấu Bát Giới suýt quên mình
73. Giận cũ vì tình gây độc hại, tâm viên diệt quỉ phá kim quang
74. Trường canh truyền báo nhiều ma dữ, Hành Giả ra tay lắm phép tài
75. Bình âm dương Ngộ Không khoan thuỷ, đạo chân như ma chúa theo về
76. Hành Giả về nhà, ma trở mặt, Ngộ Năng cùng đánh quái hoàn nguyên
77. Lũ ma lừa bán tính, tất cả luỵ chân như
78. Nước Tỳ Khoeo thương trẻ khiên âm thần, điện Kim Loan yêu mà bàn đạo đức
79. Tìm động yêu ma gặp sao Thọ, giữa triều dậy vua thấy trẻ con
80. Gái trẻ thèm chồng tìm bạn lửa, Ngộ Không giữ chú biết yêu tà
81. Chùa Trấn Hải Ngộ Không biết quái, rừng Hắc Tùng đồ đệ tìm thầy
82. Gái trẻ gạ trai chay, nguyên thần giữ đạo lớn
83. Hành Giả biết được đầu mối, gái tơ lại về kiếp xưa
84. Khó diệt nhà sư tu chính quả, pháp vương chánh đạo, thề theo giới
85. Hành Giả trêu Bát Giới, chúa ma mưu bắt sư
86. Bát Giới giúp oai trừ quái vật, Ngộ Không hoá phép diệt yêu tà
87. Quân vương trên dối trời bị hạn, Tôn Đại Thánh khuyến thiện làm mưa
88. Sư đến ngọc hoa làm phép lạ, Ngộ Không Bát Giới dạy con vua
89. Tinh sư tử vỡ hội yến Đình ba, ba đồ đề đại náo núi Đầu Báo
90. Sư tử bắt thầy trò Tam Tạng, Thiên Tôn thu yêu quái cửu đầu
91. Phủ Kim Bình vui xem đèn Tết, động Huỳnh Anh phải khai khẩn cung
92. Ba nhà sư đánh núi Thạch, bốn vì sao bắt ma tê giác
93. Vườn Cấp Cô hỏi cũ bàn nguồn, nước Thiên Trúc chầu vua được vợ
94. Sư dự yến vườn hoa, quái mong vui tình dục
95. Xem hình biết giả bắt ngọc thỏ, giúp chính về chân rõ gốc nguồn
96. Khấu viên ngoại mừng đãi cao tăng, Đường trưởng lão không ham phú quí
97. Trả của cải gây thêm ách hoạ, hiện u hồn cứu giúp chân tu
98. Vườn thuộc ngựa thuần vừa thoát xác, công thành hạnh đủ gặp chân như
99. Tam mươi mốt nạn yêu ma hết, gông hạnh tu tròn đạo lớn thành
100. Về thẳng phương Đông, năm thánh thành Phật

Ảnh minh hoạ 1.jpg
Ảnh minh hoạ 2.jpg
Ảnh minh hoạ 3.jpg
Ảnh minh hoạ 4.jpg
Ảnh minh hoạ 5.jpg
Ảnh minh hoạ 6.jpg
Ảnh minh hoạ 7.jpg
Ảnh minh hoạ 8.jpg
Ảnh minh hoạ 9.jpg
Ảnh minh hoạ 10.jpg
Ảnh minh hoạ 11.jpg
  • Cảm ơn chú Ngọc về món quà tặng siêu hiếm này.
  • Đồng cảm ơn 3 em Hà - Phương - Trang đã làm mẫu để A hoàn thiện bài viết.
Theo dõi toàn bộ các bài viết chia sẻ của mình ở ĐÂY hoặc bên NÀY nếu AE hứng thú 😎
25 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Đợt này dịch bệnh triền miên nên làm biếng, ko quay clip, AE thông cảm 😥
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
IQ52
TÍCH CỰC
3 năm
In thời này thì chắc là bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, khá là ăn tiền vì dịch đủ và ko bị lược bớt như bản của Thụy Đình, Chu Thiên. Bản dịch này chỉ xuất hiện lại năm 2015 do Đông A làm, có thêm 2 hình minh họa mỗi hồi đọc rất phê.
Bộ của anh hơi ít gặp, đúng ra thì thời đó bộ 1988 10 cuốn này gặp nhiều hơn.
117908956_1577608415753421_9086998849707159318_o.jpg
Bộ 10 tập của chú có vẻ hơi lạ, trước đây hình như A chưa từng biết đến. Chắc hồi đó có nhiều phiên bản truyện khác nhau, ngày ấy A khoái đọc truyện tranh hơn, duy nhất "Tây Du Ký" A chịu bỏ thời gian để đọc bản chữ 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
@IQ52 Người cùng thời ;)
6517170E-BCD7-4871-B8B2-897731102A55.jpeg
khitamdao
TÍCH CỰC
3 năm
- bác đang quảng cáo em gái à, xinh lắm đó 😁
- Tây Du Ký thì xem phim hay đọc truyện đều hay cả. Tốt nhất là đọc truyện trước khi xem phim để có thể hiểu nội dung 1 cách có hệ thống 😃
@khitamdao Xưa mình cũng đọc truyện trước khi xem phim, đọc cho cái thú rất lạ mà xem phim ko có được, đọc lời trần thuật cũng như các cuộc hội thoại giữa các nhân vật cũng đem lại 1 cái hứng rất riêng. Xem phim thường ko toát lên hết được các ý cần nói, nhiều khi khiến người xem ko mường tượng được hết tâm lý của từng nhân vật 👍
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
Thật là ơ mây ding, gút chóp thế là cùng ! Kiểu chương hồi rất quen thuộc trong Tam Quốc.
@iPhonecafe Mình chưa đọc bộ truyện chữ của TQC, trước chỉ đọc truyện tranh vì có nhiều thứ khô khan, ko hợp với sở thích của mình. Thích mấy đoạn vẽ tả cảnh đánh nhau, sau còn lấy bút & dầu từ đèn đốt để căn ke & vẽ vào giấy 😆
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
Nhìn mấy quyển Tây du ký chữ đagn bán ngoài hiệu sách hiện nay nhìn hình họa nó chán vãi nhỉ ? Xấu hơn bộ truyện tranh 27 tập xưa kia nhiều.
Nói về tam quốc: Ngày xưa mình có 1 tập tam quốc (trọn bộ là 3 quyển y như Tây du ký) loại cũ rích xuất bản năm 1958 của nhà xuất bản Phổ Thông. Những năm 1990s về sau này thì ông già mua cho đủ bộ, lúc này đã được chế ra thành 4 tập nhưng khi đọc lại thấy ngôn từ thay đổi khá nhiều, trong đó có nhiều từ ngữ tiếng nam bộ chứ không còn như bộ năm 1958 nữa, nên giá trị nó cũng giảm đi nhiều nhiều.
@iPhonecafe Mỗi người có 1 văn phong khác nhau, nếu đã từng đọc các cuốn ngày xưa thì khó có bộ nào gây được cảm hứng lắm, mặc dù về nội dung thì ko khác gì nhau. Mình cũng nhận thấy bộ TDK ngày đó mang 1 nét rất riêng, có lẽ mang nặng tính hoài niệm & dấu ấn tuổi thơ nên dù sau này được tái bản thế nào cũng ko thấy kích thích bằng 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
Híc người mẫu toàn đẹp thế chắc yêu quái cả :p
@meotom81 Coi chừng bị lừa đó bạn, tập trung nhìn vào truyện thôi nhé 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
Ước một lần được gặp lại bộ sách truyện này. Nó là cả bầu trời tuổi thơ của mình. Hồi đó nhà cho thuê truyện, đọc đi đọc lại nhiều lần bộ này. Khi đó không ý thức được gì, chỉ mê truyện thôi nên không để ý người dịch là ai, hơn nửa truyện cho thuê thì mẹ mình thường tách thành nhiều phần, bao lại giấy khác nên mình cũng không biết được là bản dịch nào. Giờ muốn tìm lại cũng không có thông tin. Nhưng đọc tên chương của bạn thấy quen lắm. Có lẽ chính là bộ đó!
@TuanKV Nếu thật sự bạn đã từng đọc chính xác bộ này thì chỉ cần nhìn qua ảnh bìa cũng sẽ nhận ra ngay thôi. Thời đó có khá nhiều bản dịch khác nhau nhưng mình ấn tượng nhất bộ này, thật sự rất may mắn nên mình mới có cơ hội được sở hữu lại bộ trong bài 😁
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena 
maithuy7802
ĐẠI BÀNG
3 năm
Ngày trước cứ đến hè là nghe thấy nhạc tây du kí, bao nhiêu năm xem vẫn không thấy chán.
@maithuy7802 Chục 5 trước thấy gần như hè 5 nào đài truyền hình VN cũng chiếu lại bộ phim này, xem hoài ko chán, cứ nghe đến nhạc hiệu là y như rằng đang làm việc gì cũng gác lại hết để ngồi ôn lại tuổi thơ 😁
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena 
Phong2398
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bây giờ mình mới biết Tây Du Kí cũng có truyện tranh nhé
@Phong2398 Ủa, chú sinh 5 bao nhiêu mà giờ mới biết điều này? 😃
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena 
KingR
TÍCH CỰC
2 năm
Đẹp đấy, ảnh bìa 1.
@KingR Trước khi đưa ảnh đó lên, mình cũng phải cân nhắc òi 😁
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena 
Chả hiểu sao tinhte nó gợi ý cho bài này của anh. Nhà em vẫn có 4 bộ tứ đại kỳ thư: Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa. Đều là sách in từ thời trước. Sách thời đó cái khác không chỉ là ở đóng gáy, bìa hay giấy hay cách in đâu anh ạ. Mà quan trọng là cách dịch và chú giải ấy. Sách thời trước các dịch giả cảm giác rất trau truốt trong từng câu từng chữ và sách luôn có kèm phần chú giải. Có những trang mà chú giải chiếm tới 3/4 diện tích trang giấy, đặc biệt là những lúc mà nhân vật nói về một điển tích nào đó. Đọc phần chú ý nhiều lúc còn hay hơn đọc mạch truyện chính vậy. Đó mới thực sự là dịch thuật một cách nghiêm túc và có trình độ.

À, em xin info 3 em gái anh với =))
CpT
TÍCH CỰC
2 năm
Sách này quý nên đóng cái gáy lại để giữ đi bác ơi
@CpT Mình hiện vẫn để tình trạng như ban đầu & cất tủ, nhác quá chưa đi đóng gáy 😁
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena 
Ai thấy nốt ruồi giơ tay
@firework1805 Zoom cho cố, hạt ngọc đấy, làm gì có nốt ruồi nào? 😆😆😆
 Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena 

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019