HP Zbook Firefly 14 G8 - chiếc máy trạm di động nhỏ gọn, rất đáng xài

bk9sw
5/12/2022 13:56Phản hồi: 50
HP Zbook Firefly 14 G8 - chiếc máy trạm di động nhỏ gọn, rất đáng xài
Dù không phải là thế hệ mới nhất nhưng ZBook Firefly G8 vẫn là một chiếc laptop mà mình luôn muốn trải nghiệm của HP. Đây là chiếc máy trạm di động nhỏ nhất của HP và cũng là một chiếc máy hiếm hoi được HP Việt Nam bán đại trà tại các đại lý, thẳng đến người dùng cuối thay vì phải qua các kênh doanh nghiệp hay dự án. Mình đã mượn được, xài được ZBook Firefly G8 trong gần 1 tuần và chia sẻ với anh em những trải nghiệm dưới đây:

004 HP Zbook 14.jpg
Zbook Firefly 14" bắt nguồn từ dòng Zbook 14/14u được HP ra mắt lần đầu vào gần 10 năm trước. Vào thời điểm đó thì trên thị trường hầu như không có hãng nào làm máy trạm di động với cỡ màn hình 14", đa phần vẫn là 15,6" hay 17,3". Lợi thế của máy 14" là nhỏ gọn và Zbook Firefly 14" vẫn đáp ứng được yếu tố này khi nó chỉ nặng khoảng 1,35 kg, mỏng 17,9 mm, rất tiện để mang theo.

Tổng quan về thiết kế

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 1.jpg
Thiết kế của Zbook Firefly 14" G8 tương tự thế hệ G7, chuyển sang G9 vừa ra mắt tại CES 2022 thì HP đổi thiết kế theo truyền thống 2 thế hệ đổi 1 lần. Tuy nhiên mình vẫn thích thiết kế của thế hệ G7, G8 nhất bởi nó cứng cáp, ra dáng máy trạm di động hơn. Chiếc máy vẫn dùng vỏ bằng hợp kim nhôm, màu xám, hoàn thiện nhám mịn, chất lượng chế tạo cao và đạt tiêu chuẩn độ bền MIL-STD . Mặt A của Zbook Firefly 14" đơn giản với logo Z mạ chrome, mình thì thấy thiết kế này hơi lạc quẻ, logo Z này nhỏ lại nằm lệch góc có khi lại hay.


tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 ports.jpg
Các cổng kết nối đều được đặt tại 2 bên, cạnh trái gồm 2 cổng USB-A (USB 3.2 Gen1 5 Gbps), jack âm thanh 3,5 mm combo và khe SmartCard. Tại cạnh phải có 2 cổng USB-C (Thunderbolt 4 40 Gbps, hỗ trợ sạc PowerDelivery 65 W, trình xuất DisplayPort 1.2, hỗ trợ sạc khi đã sleep máy), HDMI 2.0, cổng nguồn chân kim và một khe SIM đã được bịt kín dành cho phiên bản có card WWAN 5G. Có thể thấy các cổng kết nối này đủ tiêu chuẩn cho một chiếc máy trạm di động cỡ nhỏ. Thunderbolt 4 sẽ mở ra nhiều tiềm năng cho máy như sử dụng với dock Thunderbolt 4, eGPU. Chiếc máy này vẫn có cổng sạc chân kim và cục sạc đi kèm 65 W cũng dùng cổng này, tuy nhiên anh em vẫn có thể sạc qua cổng USB-C, quên sạc theo máy vẫn có thể xài sạc ngoài, xài ké với MacBook hay laptop Windows khác.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 hinge.jpg
Ở cạnh trước máy khi đóng lại vẫn có một khe hở để chúng ta để ngón tay mở nắp máy lên và điều mình thích là bản lề của chiếc Zbook Firefly 14 G8 rất mượt, mở nắp máy bằng 1 tay. Góc mở của màn hình tối đa 180 độ, gần như là tiêu chuẩn trên thiết kế máy trạm di động.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 17.jpg
Nội thất của Zbook Firefly 14 G8 gọn gàng với bàn phím có layout thoáng, bàn rê khá lớn và màn hình thiết kế viền mỏng cân đối.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 16.jpg
Về phần màn hình, HP thiết kế viền mỏng 6 mm ở 2 cạnh bên và 13 mm ở cạnh trên và dưới. Nếu bóp vào viền màn hình thì anh em sẽ thấy nó rất cứng bởi phần viền này bao gồm phần vỏ mặt A bo vào trong, kèm với một phần viền nhựa cứng lồi lên khoảng 1 mm rồi mới đến viền nhựa ở trong. Thiết kế này nhằm giúp cho màn hình sống sót tốt hơn khi rơi cũng như khó cấn móp hơn.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 15.jpg
Ở viền trên có webcam 720p có nút gạt đóng mở để tăng tính bảo mật. Bên trái webcam mình thấy có một phần như cảm biến hồng ngoại nhưng đây là phần khoét chờ bởi chiếc máy này có tùy chọn webcam IR hỗ trợ đăng nhập bằng khuôn mặt, phiên bản mình trên tay thì chỉ là webcam 720p thường.

Quảng cáo


tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 13.jpg
Màn hình của Zbook Firefly 14 G8 như chiếc máy trong bài này dùng tấm nền IPS 14" của AUO, phân giải 1920 x 1080 px, tốc độ làm tươi 60 Hz và đây là tùy chọn tấm nền tốt nhất mà HP cung cấp cho dòng Zbook Firefly 14 G8. Nó có độ sáng tối đa 400 nit, tương phản trên 1000:1 và bao phủ 99% dải sRGB hay 70% dải AdobeRGB. Với kích thước 14" cùng độ phân giải FHD thì mật độ điểm ảnh ở 157 ppi, đủ nét khi quan sát ở cự ly tầm 40 cm. Làm việc hay giải trí trên chiếc màn hình này nều rất ổn, không phải nói là rất tốt đối với một chiếc máy thiên hướng doanh nghiệp. Bên cạnh tùy chọn màn hình IPS 400-nit thì Zbook Firefly 14 G8 có 2 tùy chọn nữa là IPS 250-nit 45% NTSC và IPS 1000-nit 72% NTSC hỗ trợ tính năng bật tắt màn che chống nhìn trộm HP Sure View. Mình từng trải nghiệm một chiếc EliteBook dùng công nghệ HP Sure View và thực tế thì không thích cho lắm bởi dù không bật Sure View, màn hình vẫn cho góc nhìn không lớn và hình ảnh thiếu độ nét do phải có thêm một lớp màn chống nhìn trộm.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 7.jpg
2 loa của Zbook Firefly 14 G8 đặt 2 bên bàn phím và hướng âm thanh lên phía người dùng. Loa cho âm lượng đầu ra lớn, mid rõ, có chút ít bass, âm thanh được tối ưu bởi B&O và nó được thiết kế cho nhu cầu hội họp là chính.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 4.jpg
Bàn phím và bàn rê của Zbook Firefly 14 G8 cũng rất đáng chú ý. Máy được trang bị bàn phím Premium Quiet - một loại bàn phím được HP thiết kế riêng cho dòng EliteBook lẫn Zbook. Bàn phím này như tên gọi có độ ồn thấp, lực nhấn và hành trình hợp lý, độ nẩy cao cho cảm giác phản hồi xúc giác rất tốt, rất kích thích khi gõ.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 10.jpg
Keycap của bàn phím cũng là thứ mình thích, nó không nhám mà cũng không bóng, bề mặt có một lớp phủ chống bám mồ hôi. Ngoài ra, bàn phím hầu như không flex, trừ khi cố tình nhấn thật mạnh xuống mới thấy vỉ phím lõm nhẹ và điều này nâng cao trải nghiệm gõ khi mình có thể gõ nhanh, chính xác mà không cảm thấy bàn phím bị bồng bềnh. Đèn bàn phím có 2 mức sáng, mức 1 là đủ để quan sát các ký tự.

Quảng cáo


tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 6.jpg
Layout của bàn phím gọn gàng với hầu hết phím được giữ kích thước tiêu chuẩn 15 x 15 mm. Hàng phím điều hướng trong văn bản và web nằm ở ngoài cùng bên phải, 4 phím điều hướng thiết kế ổn dễ bấm, phím nguồn tích hợp, nằm cạnh nút Delete, lỡ nhấn nhầm thì vẫn không bị tắt máy hay Sleep bởi cơ chế của phím này là nhấn giữ.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 pointstick.jpg
Để điều khiển trỏ chuột thì trên chiếc Zbook Firefly 14 G8 có 2 cách, 1 là dùng núm pointstick cùng với 2 phím chuột rời đặt phía trên bàn rê. Đây vẫn là thiết kế mà mình thích trên những chiếc máy trạm hay máy doanh nghiệp bởi trong nhiều tình huống mình vẫn xài chiếc núm này thay vì bàn rê, nhất là khi cần phải di chuyển chuột trong quãng đường dài hay tay bị ướt. Tuy nhiên trên một số mẫu máy đời mới của HP thì pointstick không còn được trang bị, mình lấy ví dụ như chiếc Zbook Studio 15 G8 hay Zbook Firefly 14 G9 thì HP đã bỏ pointstick ưu tiên cho bàn rê cỡ lớn. 2 phím chuột đi kèm pointstick vẫn giữ nguyên cái thiết kế hơi cong, bề mặt mịn mịn mềm mềm và cảm giác nhấn rất êm có từ nhiều thế hệ trước.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 12.jpg
Kích thước bàn rê là 11 x 6 cm, bề mặt phủ kính rất mượt và bàn rê dạng ClickPad với 2 phím chuột tích hợp. Riêng bàn rê trên dòng EliteBook hay Zbook thì HP làm nó rất ngon, kiểu bàn rê phủ kính này thì HP đã trang bị cho EliteBook từ năm 2012 và nó cho độ rít thấp, độ chính xác cao. Bàn rê trên Zbook Firefly 14 G8 không ngoại lệ, nó vẫn chính xác và hỗ trợ đa điểm với độ trễ thao tác thấp.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 18.jpg
Nhìn chung thì trải nghiệm gõ và rê trên Zbook Firefly 14 G8 khiến mình hài lòng. Mình nghĩ nếu anh em có cơ hội ra cửa hàng trải nghiệm máy trưng bày thì cũng sẽ có cảm nhận tương tự. Một cái laptop mà bàn phím hay bàn rê quá chán thì nó ảnh hưởng khá nhiều đến cảm xúc và hứng thú của chúng ta khi làm việc. Anh em có thể nói rằng chuyện này giải quyết được bằng phím rời hay chuột nhưng nhiều khi không gian không cho phép, để máy trên đùi thao tác thì bàn phím và bàn rê trên máy vẫn mang lại giá trị lớn.

Hiệu năng của máy trạm mỏng nhẹ có tốt?

Cấu hình của chiếc Zbook Firefly 14 G8 khá đa dạng, có 2 tùy chọn CPU là Core i5-1135G7 và Core i7-1165G7, cả 2 đều 4 nhân 8 luồng, thuộc dòng Tiger Lake-UP3 với TDP tối đa 45 W, phiên bản Core i7 có xung cơ bản 2,8 GHz, tối đa 4,7 GHz đơn nhân còn phiên bản Core i5 thì xung cơ bản thấp hơn 400 MHz và tối đa ở 4,2 GHz. Bộ đệm của Core i7-1165G7 là 12 MB, Core i5-1135G7 là 8 MB. Đây là 2 con CPU rất thú vị bởi với nó khá là ngang kèo nhau chứ không thua xa như các thế hệ Core trước đây. Trong nhiều trường hợp thì hiệu năng đa nhân của Core i5-1135G7 lại vượt Core i7-1165G7. Chiếc máy mình dùng chạy Core i5-1135G7, TDP 35 W.

Là máy trạm di động nên tùy chọn GPU ngoài Intel Iris Xe Graphics tích hợp còn có NVIDIA T500 4 GB GDDR6. Về cơ bản thì NVIDIA T500 là một biến thể của GeForce MX450 nhưng được tối ưu để chạy các ứng dụng CAD/CAM tốt hơn. Phiên bản này có 896 nhân CUDA, dù dùng kiến trúc Turing nhưng không có nhân Ray Tracing hay Tensor. 4 GB bộ nhớ GDDR6 kết nối với bus 64-bit cho băng thông 80 GB/s. Trên Zbook Firefly 14 G8 thì GPU này chạy ở tối đa 25 W.

CrystalDiskMark.jpg
Máy có 16 GB RAM và là RAM hàn chết trên bo mạch. Tuy nhiên nếu chọn cấu hình không có GPU rời thì máy vẫn dùng RAM rời SO-DIMM, anh em có thể nâng cấp được tối đa 64 GB DDR4-3200. SSD trang bị là ổ WD PC SN730 dung lượng 512 GB và vẫn còn trống 1 khe M.2 hỗ trợ ổ PCIe 3.0 x4. Tốc độ của chiếc ổ này khá tốt, đọc tuần tự đạt 3400 MB/s và ghi tuần tự 2700 MB/s. Phần còn lại của cấu hình là card Wi-FI 6 AX201 và Bluetooth 5.0. Pin có dung lượng 53 Wh.

Với cấu hình Core i thế hệ 11 dòng Tiger Lake-UP3 cùng GPU rời là T500 thì chiếc máy này không quá mạnh. Tuy nhiên điều mình kỳ vọng là nó có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của một người dùng chuyên nghiệp khi di chuyển. Mình dùng nó làm việc hàng ngày và test thử một số phần mềm:



Có thể thấy hiệu năng của chiếc máy này rất ổn, Cinebench R15 và R20 cho thấy Core i5-1135G7 trên Zbook Firefly 14 G8 thậm chí còn mạnh hơn Core i7-1165G7 trên XPS 13 9310. Trước đây mình từng chia sẻ về việc Core i5-1135G7 mạnh hơn Core i7-1165G7 nên kết quả trên không quá ngạc nhiên. Một trong những lý do khiến Core i5-1135G7 thường vượt hiệu năng của Core i7-1165G7 là nó có mức xung thấp hơn và dễ đạt được cũng giữ được mức xung này hơn so với Core i7-1165G7. Nhiều chiếc Ultrabook có hệ thống tản nhiệt hạn chế sẽ khiến Core i7-1165G7 chạy dưới sức, không thể duy trì xung đa nhân cao trong thời gian dài từ đó khiến kết quả Cinbench thường thấp hơn so với Core i5-1135G7. Trên Zbook Firefly 14 G8 thì xung đa nhân của CPU ở 3,8 GHz, đơn nhân 4,2 GHz. Đôi khi nó có thể ăn đến 46 W, đa phần tình huống sử dụng thi chỉ ăn khoảng 30 W. So với Ryzen 7 PRO 5850U hay Core i5-1250P thì Core i5-1135G7 vẫn thua đáng kể về hiệu năng đa nhân, Ryzen 7 PRO 5850U có 8 nhân Zen 3 trong khi Core i5-1250P có 12 nhân gồm 4 nhân P Golden Cove và 8 nhân E Gracemont.

Tương tự với Blender, mình cho chạy render sample BMW với Blender 3.1 thì thời gian hoàn thành bài test của Core i5-1135G7 là 596 giây, tốt hơn so với Core i7-1165G7 nhưng vô địch vẫn là Ryzen 7 PRO 5850U với chỉ 331 giây.

Đó là với Cinebench và Blender về hiệu năng render đa nhân, thực chất là để kiểm tra hiệu năng tối đa của CPU còn một chiếc máy như Zbook Firefly 14 G8 thì hiển nhiên không phù hợp để render. Với PCMark 10 đánh giá hiệu năng tổng thể thì câu chuyện lại khác, chiếc Zbook Firefly 14 G8 thua cả 3 mẫu máy được so sánh. Với các tác vụ văn phòng hay hội thoại video được mô phỏng trong PCMark 10 thì xung đơn nhân cao sẽ mang lại lợi thế và Core i5-1135G7 với xung đơn nhân 4,2 GHz thấp nhất trong số các CPU được so sánh.



Về hiệu năng đồ họa, Specviewperf 13 là bài test tiêu chuẩn đối với máy trạm di động khi nó bao gồm một loạt các ứng dụng đồ họa kỹ thuật, mô hình hóa 3D và chuyển động cũng như các công cụ phân tích cần nhiều sức mạnh tính toán. Một chiếc workstation di động nhỏ gọn sẽ khó mà mang lại trải nghiệm mượt mà khi xoay chuyển mô hình trong viewport khi GPU được trang bị chỉ là T500. Dù vậy, T500 không như MX450 khi nó được tối ưu về mặt driver thành ra với những ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp như 3ds Max, Creo, Maya, Siemens NX, Solidworks thì ở độ phân giải FHD, tỉ lệ khung hình vẫn đạt khá cao. Những ứng dụng còn lại đạt tỉ lệ khung hình rất thấp và thực tế chúng đều là những ứng dụng rất nặng, chẳng hạn như viewset Energy chạy trên ứng dụng mô hình hóa địa chấn nguồn mở OpendTect hay ứng dụng mô hình hóa 3D Autodesk Showcase. Tuy nhiên có thể thấy sự khác biệt giữa T500 với những GPU tích hợp như Vega 8 trên Ryzen 7 Pro 5850U hay Iris Xe G7 96EU của Core i7-1165G7, T500 vẫn cho hiệu năng cao hơn đáng kể và phù hợp để trang bị cho máy trạm di động mỏng nhẹ. Trên Zbook Firefly 14 G8 thì T500 ăn tối đa 22 W.

004 HP Zbook Firefly 14 G8 compo.jpg
Hệ thống tản nhiệt của Zbook Firefly 14 G4 đơn giản với 2 ống đồng và 1 quạt dành cho cả CPU lẫn GPU. Theo quan sát của mình, GPU khi full load có nhiệt độ tối đa khoảng 72 độ C, CPU khi full load ở 87 độ C, max ở 91 độ C trong vài giây PL1. Trong tình huống sử dụng bình thường thì CPU chỉ ăn chưa đến 20 W, nhiệt độ ở 48 - 50 độ C. Khi stress test bằng AIDA64, CPU duy trì xung đa nhân ở 2,4 GHz, chỉ ăn tầm 17 W và nhiệt độ các nhân ở 54 - 56 độ C. HP đã giới hạn công suất của CPU nhằm cân bằng giữa hiệu năng và nhiệt độ, giảm áp lực cho hệ thống tản nhiệt vốn bị hạn chế về kích thước.

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 25.jpg
Bề mặt vỏ của Zbook Firefly 14 G8 khá mát mẻ, mình cho stresst test và đo nhiệt bằng súng bắn nhiệt thì khu vực chiếu nghỉ tay không quá 30 độ C, bàn phím khoảng 37 độ C, khu vực nóng trên 40 độ C ở phía trên ngay khe thản nhiệt và mặt đáy tại vị trí này. Vì vậy nếu anh em làm việc nặng thì tốt nhất nên để máy trên bàn, đừng để trên đùi.

PCMark8 Home Battery 4h26p.jpg
Về thời lượng pin, hơi tiếc là chiếc máy này chỉ có pin 53 Wh - một mức dung lượng khá ít so với những chiếc laptop 14" hiện tại vốn đã có pin từ 60 Wh trở lên, thường là 66 Wh hay một số đã đạt 75 Wh. Sử dụng làm việc văn phòng với các tác vụ soạn thảo và web, độ sáng màn hình 50% thì thời lượng pin đo được đạt 5 tiếng 37 phút, từ 100% sạc đầy đến 15% báo sạc lại. Với phần mềm PCMark 8, cho chạy bài test Home mô phỏng các tác vụ văn phòng, hội thoại video, chỉnh sửa ảnh đơn giản và web game, độ sáng màn hình 50% thì thời lượng pin đạt được là 4 tiếng 26 phút, cũng từ 100% xuống 15%. Như vậy thời lượng sử dụng pin của Zbook Firefly 14 G8 khá tốt nhưng chưa phải là xuất sắc do hạn chế về dung lượng pin. Thế hệ G9 mình thấy HP còn cắt pin xuống 51 Wh, CPU là Alder Lake-U và cũng có tùy chọn GPU rời, chưa rõ thời lượng pin sẽ ra sao.

Phần mềm trên HP Zbook Firefly 14 G8 cũng có vài thứ hay

OS resiliency.jpg
Có thể nói là hầu như máy trạm nào cũng được cài sẵn một đống phần mềm, đa phần là các phần mềm quản lý thiết bị và bảo mật. HP có giải pháp Wolf Security, tiền thân là Security Suite can thiệp sâu xuống tần BIOS. Phần mềm này mình thấy nó chạy liên tục rà quét từng file, không khác gì phần mềm diệt virus với các công cụ như Malware Protection, Threat Containment, OS Resiliency, App Persistence. Có cái tính năng Sure Click khá khó chịu, mỗi khi nhấp mở file .exe là nó sẽ hỏi có đảm bảo tin tưởng không. Biết là nó nhằm phòng ngừa phần mềm độc hại nhưng nó không loại trừ thông minh mà sẽ luôn hỏi dù là phần mềm chính chủ tải về. Nếu muốn tắt thì phải vào App Persistence vô hiệu hóa.

HP EasyClean.jpg
Một cái app nhỏ mà mình thấy có lý là Easy Clean. Trong tình huống anh em muốn vệ sinh nhanh máy thì có thể mở app này nhấn nút Lock, bàn phím, bàn rê, màn hình cảm ứng nếu có sẽ bị vô hiệu hóa tạm thời. Nó sẽ tự động mở lại trong vòng 2 phút hoặc nhấn tổ hợp Shift + Alt + L.

HP Zbook Firefly 14 G8 nên xài khi nào?

tinhte HP Zbook Firefly 14 G8 3.jpg
Nhìn chung về thiết kế, trải nghiệm sử dụng và hiệu năng thì Zbook Firefly 14 G8 là một chiếc máy rất đáng để xài. Anh em sẽ bị thuyết phục bởi cảm giác gõ của bàn phím, độ mượt của bàn rê và cái thiết kế chắc chắn nam tính. Hiệu năng không quá cao, chỉ đủ dùng nhưng giá trị sẽ nằm ở độ bền và độ ổn định qua thời gian. Nếu anh em muốn một chiếc máy trạm di động nhưng vẫn cần hiệu năng đủ tốt thì mình nghĩ Zbook Firefly 14 G8 chỉ ở mức chấp nhận được bởi cấu hình của nó chỉ tương đương một chiếc Ultrabook có GPU rời. Những dòng như Zbook Studio sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu vừa di động vừa hiệu năng. Nhưng nếu anh em nghĩ đến một chiếc laptop có chất lượng như máy trạm và muốn dùng như một chiếc máy văn phòng, làm việc hàng ngày thì Zbook Firefly 14 G8 hoàn toàn đáp ứng tốt.
50 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

có ai giải thích nghĩa của từ "máy trạm di động" không
từ máy trạm dùng để chỉ máy vi tính để bàn
từ máy tính xách tay dùng để chỉ laptop
mình kiến thức kém đọc từ "máy trạm di động" là hình dung đến con CPU để bàn nhưng vì "di động" nên liên tưởng đến các CPU có kích thước nhỏ gọn, để dàng mang đi gắn chỗ này, gắn chỗ khác.
@bestofstrongman Em này xài cho kỷ sư xd .cơ khí .kiến trúc...một loại máy bền khoẻ .tương thích các phần mềm cad/cam/render...mục đích chính làm việc tại workshop. Ngoài ra 1 yếu tố nữa là để né bản quyền . 1 license SolidWorks hơn 100t/ năm...
@bestofstrongman workstation, chính xác nôm na hiểu là "laptop chạy GPU chuyên dụng để render" cho dễ hiểu
@bestofstrongman Workstation là máy trạm, nó chỉ những máy tính có khả năng làm việc liên tục, bền bỉ.... Chứ ko phải là máy tính để bàn. Chẳng qua trước đây thường chỉ máy tính để bàn mới đáp ứng được nhu cầu đó. Sau này máy tính xách tay cũng có thể làm được nên mới có thêm chữ Mobile Workstation, di động dễ dàng hơn
@allstreet máy trạm rất ok nhưng vấn đề cân nặng là rào cản đối với thiết bị di động như laptop. Mình cũng thích dùng máy trạm vì trâu bò, vòng đời lâu nên tính ra giá tương đối mềm. Em này 1.3kg ~ macbook air 2017 phù hợp với mình 😆
G9 14/16' bỏ nút trái phải hơi chán. Nhẹ hơn chút thì đáng mua hơn gram
@cosmos47 Gram nó dành cho tập khách hàng riêng. Kiểu nhân viên kinh doanh cần máy mỏng nhẹ nhanh đi gặp khách hàng, đối tác.
Mình đang dùng gram16 thay cho HP omen 15 đây. Dùng gram rồi không muốn đổi sang máy khác luôn vì quá mỏng nhẹ, không cần mang sạc vẫn đủ mạnh để làm việc.
14", nặng 1,3kg, chạy Maya ngon lành, cũng thú vị đấy
Con này thiếu khe cắm sim nếu có thì hay, màn cũng chỉ 60hz quá dở. Sạc thuần type-c thì ngon, đỡ tốn chỗ cho jack kim truyền thống. Thay dc dc mỗi ssd thôi, dành cho ai cần máy hiệu năng cao 1 tẹo nhưng nhẹ, dễ di chuyển
VO7T
TÍCH CỰC
một năm
@allstreet type C ko đủ công suất sạc cho mấy con này.
@VO7T 65w kìa, type c công suất lên vài trăm rồi. Chiến tốt
.acu.
TÍCH CỰC
một năm
@VO7T máy mình type C 130W nè
so với G14 hay M16, hay dòng này đang ế
Mình đang có 1 em HP Zbook Firefly 14 G8 bản max option dư dùng. Bác nào quan tâm inbox mình
@user1618022402897 Nhắn Zalo cho mình với 0903639884
@user1618022402897 còn k bác , sẵn nổ giá cho em lun ạ
Luôn thích thiết kế và build của mấy con hp zbook với dell precision. Nhược điểm là nó là workstation nên kiếm phiên bản màn hình 4k hơi khó, đa số toàn màn full hd. Cá nhân mình thì thấy Hp lựa tấm nền màn hình đẹp hơn của dell. Dell toàn chọn mấy tấm nền nhợt nhạt lắm.
@caocaolatre199x Chất lượng build tương đương. Nhưng thấy Zbook nhìn đẹp hơn
Sao thấy ế quá trời ? Mình cũng tính mua mà ko thấy ai xài
Hóng trên tay bản G9 mới 😁
namdh7
TÍCH CỰC
một năm
@blacksun2511 ☀️ Mời bác
Skjermbilde 2022-12-06 092654.png
@namdh7 khét lèn lẹt bác uii, cho ae xin bài review để xuống tiền ạ 😁
Máy này để xài văn phòng chứ chơi game, đồ họa đâu có nổi đâu ?????
Máy phèn, apple chip MM gì đó ngon hơn, mua về còn render 2D thủ được, chứ mấy cái máy kiểu này làm nhiều việc quá ko có chuyên môn.
ESKA_84
ĐẠI BÀNG
một năm
tầm tiền đấy thì thấy nhiều lựa chọn đáng mua hơn
qhi
TÍCH CỰC
một năm
Máy Z này thì bán sang nga là hợp lý nhất.
Có cài được win 11 không?
thằng HP ảo tưởng giá lắm
@jamestran Xàm. Về chất lượng nó và dell tương đương, luôn có những dòng đối trọng nhau. Chẳng qua là ở ta cứ nghĩ dell là nhất. Như xe máy thì cứ nghĩ Honda là chuẩn mực
thinkpad vả cho banh xác
Viền quá dày so với Dell Precision 5570.
Yukio™
ĐẠI BÀNG
một năm
Dòng này thì đẹp thật, nhưng như kiểu Elitebook rename ấy, mà lại còn gọi với cái tên mỹ miều là "máy trạm di động"
Viền vẫn hơi đay

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019