Nếu tham vọng tạo ra hệ sinh thái sử dụng hệ điều hành Harmony OS của Huawei là nghiêm túc, thì anh em có thể không tin, nhưng Google cũng sẽ phải dè chừng. Số liệu rõ ràng giấy trắng mực đen, Huawei đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ nhì thế giới, với khoảng 600 triệu người dùng thuộc hệ sinh thái các thiết bị của họ. Vừa rồi, Huawei đã tuyên bố sẽ “chiến” với Google. Họ cho rằng, họ sẽ giành chiến thắng.
Đến thời điểm hiện tại, Google vẫn đang giữ vị thế trung lập với Huawei, không thân, cũng chẳng thù. Bản thân chính phủ Mỹ cũng đã cắt nguồn cung chip bán dẫn cũng như công nghệ Mỹ cho Huawei, và ai cũng đưa ra dự đoán rằng, vì lý do đó, sản lượng smartphone Huawei từ năm sau sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên mọi chuyện có thể sẽ khác. Theo Financial Times, “lệnh cấm vận nghiêm ngặt từ phía Mỹ năm nay đối với Huawei có thể sẽ không đe dọa việc kinh doanh của tập đoàn Trung Quốc nhiều như tưởng tượng,” và theo các nhà phân tích, “mảng smartphone, thứ rất quan trọng đối với Huawei có thể sẽ có cơ hội hồi phục.”
Mọi thứ sáng sủa hơn đối với Huawei đồng nghĩa với việc Google sẽ phải dè chừng với chính hệ sinh thái Android của họ.
Đầu tiên, không một ai biết liệu tương lai của Huawei có sáng sủa như phân tích của Financial Times hay không. Bản thân Bộ thương mại Mỹ, xét ở nhiều khía cạnh, cũng là cơ quan thực hiện những quyết định mang tính chính trị và chính sách từ phía Nhà Trắng, đặc biệt là về vấn đề thương mại với Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng. Cuộc bầu cử diễn ra vào giữa tuần này sẽ phần nào quyết định tương lai của Huawei.
Nếu tổng thống Trump tại vị, Huawei sẽ phải trì hoãn phát triển một chút, thậm chí phải bán mảng smartphone tầm trung Honor của họ đi để tồn tại, thậm chí khả năng chia năm xẻ bảy tập đoàn Huawei để phía Mỹ bớt đi cái nhìn tiêu cực cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu cựu phó tổng thống Biden giành chiến thắng, thì xét đến tình hình hiện tại, dù khả năng hủy bỏ lệnh cấm vận từ Mỹ rất thấp, nhưng cái nhìn thù địch từ phía Mỹ đối với Huawei có thể sẽ có thay đổi lớn. Bản thân ngành công nghệ Mỹ hiện giờ vẫn đang lên tiếng ủng hộ Huawei. Cùng lúc, được chính Trung Quốc chống lưng, Huawei đang tìm cách sản xuất chip bán dẫn trong nước, với giải pháp sản xuất không cần đến cả công nghệ lẫn thiết bị từ Mỹ, vốn là gọng kìm cho phép chính phủ Mỹ gây khó khăn cho Huawei thông qua hai sắc lệnh cấm vận.
Dù gì đi chăng nữa, với tình hình hiện tại, có ghét Huawei tới đâu cũng không thể phủ nhận những bằng chứng nhãn tiền, khi hệ sinh thái thiết bị di động đang thay đổi khá mạnh. Sự thống trị của iOS/Android, thứ gần như không thể lật đổ khi ông Trump đưa ra danh sách đen trong đó có Huawei vào tháng 5/2019, đang có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh. Huawei, nhắc lại, đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ nhì thế giới, và thậm chí đầu năm nay còn đứng thứ nhất nhờ vào sự hồi phục ngắn hạn của thị trường quê nhà Trung Quốc sau đợt bùng nổ dịch COVID-19 lần thứ nhất.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, có hai tác nhân mới toanh có thể sẽ khiến tình hình thay đổi theo hướng có lợi cho Huawei.
Thứ nhất là doanh số smartphone Trung Quốc bán ra trên toàn thế giới đang tăng mạnh, với một phần đóng góp không nhỏ đến từ chính Huawei, tạo đà tăng doanh thu cho tập đoàn Trung Quốc. Cùng lúc, Xiaomi cũng đang thắng lớn, nhanh chóng bắt chước được thành công ở nước ngoài như Huawei. Xiaomi vừa mới chiếm vị trí thứ 3 trong danh sách những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với 46,5 triệu máy bán ra, vượt qua cả Apple (41,6 triệu máy) và đứng sau Huawei, số liệu Quý III theo Business Insider. Cùng lúc, chúng ta có cả BKK, ông lớn phía sau Oppo, Vivo, OnePlus và RealMe, với tham vọng hệt như Huawei và Xiaomi.
Thứ hai là phản ứng của Huawei đối với lệnh cấm vận từ phía Mỹ: Hệ điều hành HarmonyOS thay thế cho Android, và HMS thay thế Google Mobile Services. Tính đến thời điểm hiện tại, tiềm năng của HarmonyOS về cơ bản bị kìm hãm bởi chính lệnh cấm vận của Mỹ, giới hạn khả năng mua chip bán dẫn của Huawei, kéo theo sự ảnh hưởng về doanh số thiết bị mà Huawei sản xuất và bán ra thị trường. Nhưng khi doanh số smartphone Huawei hồi phục trở lại, mọi thứ sẽ thay đổi về mặt cơ bản. Thêm nữa, chính Huawei cũng đã xác nhận rằng HarmonyOS sẽ là một HĐH mã nguồn mở, hướng tới các nhà sản xuất OEM tại Trung Quốc để, trích nguyên văn lời của Huawei, “bắc cầu kết nối giữa Trung Quốc và phương Tây.”
Quảng cáo
Cứ mỗi tháng trôi qua, hệ sinh thái sản phẩm của Huawei lại thâm nhập nhiều hơn vào thị phần của Google, thậm chí giờ có cả ứng dụng bản đồ và công cụ tìm kiếm. Dù rằng Huawei vẫn đang thiếu ứng dụng chứ không nhiều lựa chọn đa dạng như Google Play, nhưng họ đang đầu tư rất mạnh tay để phát triển cộng đồng dev ứng dụng trên toàn thế giới, cùng lúc tiếp tục khai thác công thức smartphone ngon giá hợp lý mà nhiều người tiêu dùng vẫn yêu thích.
Mỉa mai ở chỗ, chính Huawei cũng đang phải cạnh tranh lại với những nhà sản xuất smartphone đồng hương khác ở thị trường quê nhà. Họ đã kịp chiếm lấy thị phần lớn ở Trung Quốc ngay cả khi lệnh cấm vận được phía Mỹ áp dụng. Khi ấy việc không có hệ sinh thái Android và sự hỗ trợ của Google gần như không làm khó được Huawei. Nhưng quý III vừa rồi, lần đầu tiên doanh số smartphone của Huawei giảm trong 6 năm liên tục, giảm tới 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đó thực sự không bất ngờ lắm. Nếu lệnh cấm vận liên quan tới việc mua và sản xuất chip bán dẫn đối với Huawei không được cải thiện theo chiều hướng tốt, thị phần ở Trung Quốc của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo đơn vị phân tích thị trường Canalys: “Nếu chính quyền Mỹ không thay đổi cách nhìn, Huawei có thể sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển hệ sinh thái HarmonyOS và hệ sinh thái phần mềm trên HĐH này, cùng lúc chính phủ Trung Quốc cũng sẽ làm mọi cách để hỗ trợ phát triển sản phẩm nội địa thay vì nền tảng nước ngoài.”
Điều này là điều kiện quan trọng nhất để Huawei tiếp tục tồn tại. Di sản của tổng thống Trump, danh sách đen có cái tên Huawei chắc chắn sẽ khiến thị trường smartphone toàn cầu thay đổi. Suy cho cùng, Mỹ luôn muốn tìm cách bảo vệ hệ sinh thái Google và Apple, bảo vệ tiêu chuẩn và nền tảng phần mềm từ Mỹ, dựa trên sự thống trị của Android và iOS. Bỗng nhiên, sự thống trị này có khả năng bị đe dọa nghiêm trọng.
Quảng cáo
Dẫn lời chủ tịch Huawei, Guo Ping vài tuần trước để kết thúc bài viết: “Thế giới đang tìm kiếm một nền tảng mở mới. Và vì Huawei đã giúp Android thành công, tại sao lại không tạo ra thành công cho chính hệ thống do chúng tôi phát triển… hoàn toàn có khả năng hai hệ thống cùng song hành. Và Huawei hoàn toàn có thể sinh tồn, thậm chí vượt lên dẫn đầu ngay cả trong điều kiện ngặt nghèo nhất.”
Lạc quan luôn là điều tốt, nhưng cơ hội cho Huawei ở mức nào, có lẽ phải chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử diễn ra ngày 3/11 tại Mỹ.
Theo Forbes