TTBC2024

TTBC2024


Infographic: Pháp Điển là gì? VN công bố bộ Pháp Điển

Nam Air
7/11/2024 5:1Phản hồi: 7
Infographic: Pháp Điển là gì? VN công bố bộ Pháp Điển
Thuật ngữ Pháp điển (codification) có gốc là một từ Latin “Codex” - là sách đóng gáy - một phát minh của người La Mã nhằm thay thế cho sách ống cuộn trước đó. Như vậy, pháp điển từ thời cổ đại có nghĩa là tập hợp các văn bản pháp lý có cùng một chủ đề dưới hình thức một “Codex”- cuốn sách. Thuật ngữ pháp điển hoá cũng không còn xa lạ trong cả lý luận và thực tiễn pháp lý quốc tế.

Năm 2013 là năm bắt đầu xây dựng Bộ Pháp điển và cũng là năm đầu tiên các bộ, ngành, địa phương thực hiện kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết. Đến nay, sau 10 năm, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 3 kỳ hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước, trong đó kỳ hệ thống hóa văn bản thứ 3 (2019- 2023) vừa được hoàn thành.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, "Pháp điển” là một từ Việt cũ, một danh từ dùng để chỉ một bộ luật, tương tự như chữ "Code” trong tiếng Anh. Bộ luật khác với các văn bản pháp luật khác về quy mô, tính toàn diện, tính hệ thống, tính ổn định và giá trị pháp lý cao của nó. Vì vậy, việc có được những bộ pháp điển lớn, hoàn chỉnh để có thể sử dụng lâu dài, ổn định là mong muốn của nhiều người, nhiều quốc gia.

Thực tế lịch sử nhà nước và pháp luật cho thấy, ngay từ thời cổ đại, một số quốc gia trên thế giới đã xây dựng thành công những bộ luật lớn mà cho đến ngày nay vẫn được coi là di sản của văn hoá pháp lý thế giới (Bộ luật Hamurabi cách đây gần 4000 năm là một minh chứng điển hình). Xu hướng xây dựng Bộ pháp điển tiếp tục phát triển khá mạnh mẽ trong những giai đoạn tiếp theo và cho đến nay. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
tinhte-phap-dien-vietnam.jpg
Như vậy, "pháp điển” cần được hiểu là bộ luật, hàm chứa trong đó hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ cụ thể. Theo Từ điển thuật ngữ Lý luận nhà nước và pháp luật năm 2008 thì "Pháp điển hoá là hình thức hệ thống hoá pháp luật trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật, các chế định luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành luật theo trình tự nhất định, loại bỏ những mâu thuẫn chồng chéo, các quy định lỗi thời và bổ sung những quy định mới. Kết quả của pháp điển hoá là văn bản quy phạm pháp luật mới trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy phạm pháp luật cũ mà điển hình là bộ luật”.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật của mỗi nước là khác nhau nên khái niệm pháp điển trong hệ thống pháp luật và các hình thức tiến hành pháp điển ở nước ta và trên thế giới cũng còn có các quan niệm khác nhau. Nhưng nhìn chung về cơ bản có thể chia thành hai hình thức pháp điển chính, đó là: Pháp điển về mặt nội dung và pháp điển về mặt hình thức.

Pháp điển về mặt nội dung (hay có người còn gọi theo các cách gọi khác như: Pháp điển lập pháp, pháp điển truyền thống, pháp điển có tạo ra quy phạm mới v.v….) là việc xây dựng, soạn thảo một văn bản pháp luật mới trên cơ sở rà soát, hệ thống hoá, tập hợp các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vào văn bản đó với sự sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng các Bộ luật của nước ta như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự; Bộ luật lao động…. được thực hiện theo hình thức pháp điển này. Cách thức pháp điển này giống như hoạt động lập pháp thông thường.

Pháp điển hình thức (còn được gọi là pháp điển không làm thay đổi nội dung văn bản) là cách thức tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật tại nhiều văn bản khác nhau thành các bộ luật theo từng chủ đề, với bố cục logic, phù hợp, có thể kèm theo những sửa đổi, điều chỉnh cần thiết nhằm làm cho các quy định này phù hợp với nhau. Về nguyên tắc, quá trình sửa đổi, điều chỉnh trong quá trình pháp điển chỉ nhằm mục đích tạo nên sự hài hòa giữa các quy định, đảm bảo trật tự của bộ pháp điển mà không nhằm tới mục đích tạo ra những chính sách pháp luật mới và các quy định pháp luật đang có hiệu lực được tôn trọng một cách tối đa.

Về công tác pháp điển của Việt Nam, tại Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật quy định: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”. Như vậy, hoạt động pháp điển ở Việt Nam hiện nay là pháp điển về hình thức, theo đó cơ quan có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp đầy đủ các quy phạm pháp luật từ cấp Thông tư trở lên đang còn hiệu lực vào Bộ pháp điển theo trật tự hợp lý và thường xuyên, kịp thời cập nhật quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển hoặc loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển mà chưa đặt ra việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật thay thế hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Nguồn Báo điện tử Chính phủ
7 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Cuối cùng cũng có
Chồng chéo, lằng nhằng, khó hiểu. Sao Luật nước ngoài nó đơn giản và dễ hiểu thế ko biết
@không_bị_sốt Nước ngoài mà mày nói là nước nào, bộ luật nào?
@không_bị_sốt Cứ theo luật Mỹ cho nhanh nhỉ, đỡ phải làm gì cho mất công ra
Đây là dành cho từng quốc gia thì ai cũng biết rồi.
Klq lắm nhưng Theo bần đạo được biết thì có 1 số đạo luật áp dụng chung cho thế giới đang được Trung quốc biên soạn và dùng tiếng Trung luôn.
Anh em nên học thêm tiếng trung để có nhiều cơ hội việc làm và mở mang kiến thức
Dùng 1 từ Hán Việt, xong lại phải dẫn giải nghĩa bằng 1 từ latin cho người Việt hiểu? Nếu tiếng Việt mà không có, hay dùng chữ vay mượn mà nó khó hiểu quá thì bỏ luôn chứ cố dùng làm gì. Thiếu gì từ đồng nghĩa để có thể thay thế trong các ngữ cảnh khác nhau. 30 năm qua tôi chưa dùng và chưa nghe từ "pháp điển" lần nào mà vẫn diễn giải bình thường đấy thôi.
Có thể hiểu đơn giản là từ điển pháp luật. Mỗi đề mục sẽ liệt kê các văn bản QPPL mà người dân cần chấp hành, cơ quan Nhà nước cần áp dụng, vd xây nhà cần thực hiện các quy định gì.
Cách làm này ko mới, giống website thư viện pháp luật đang làm. Nhưng trước đây là dân sự làm, có tính phí, và luật sư giúp chuyện này. Còn sau này pháp điển xây dựng hoàn thiện, thì Cục Kiểm tra văn bản chỉ cần cập nhật hàng năm, người dân cũng dùng đc free luôn.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019