Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Intel bổ sung 3 phiên bản chip nhúng dòng R, tích hợp GPU Iris Pro 580 và bộ đệm eDRAM kiểu mới

bk9sw
3/5/2016 8:22Phản hồi: 27
Intel bổ sung 3 phiên bản chip nhúng dòng R, tích hợp GPU Iris Pro 580 và bộ đệm eDRAM kiểu mới
Intel đã vừa bổ sung 3 vi xử lý mới dành cho các nền tảng nhúng và các hệ thống tích hợp cao thuộc dòng R gồm Core i5-6585R/6685R và Core i7-6785R. Những vi xử lý này đều dùng kiến trúc Skylake, tích hợp lõi đồ họa hiệu năng cao và bộ đệm eDRAM tích hợp kiểu mới.

Dòng vi xử lý nhúng mang hậu tố R được thiết kế dành cho những chiếc máy tính All-in-One, máy tính cỡ nhỏ và các loại máy tính tích hợp có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng 65 W. Cả 3 phiên bản dòng R-series mới đều có thiết lập 4 nhân, tích hợp vi xử lý đồ họa thế hệ thứ 9 hay Iris Pro 580 (GT4e) với 72 đơn vị thực thi EU, 128 MB eDRAM, hỗ trợ chuẩn RAM DDR4-2133 chạy kênh đôi, hỗ trợ giao tiếp PCIe 3.0 và trình xuất ra 3 màn hình cùng lúc. Mức tiêu thụ điện năng của phiên bản vi xử lý mới sẽ không vượt quá 65 W, đây là mức TDP thông thường của dòng chip R.

Congatec.jpg

Các vi xử lý thuộc dòng R mới đều dùng nền tảng bán dẫn Skylake-H, như vậy là giống với dòng Xeon E3 v5. Nhiều nhà sản xuất máy tính mô-đun như Congatec đã sử dụng các vi xử lý Intel Xeon E3-1510M v5 trên sản phẩm của mình (hình trên) và các vi xử lý dòng R cũng sẽ có thiết kế tương tự như vậy. Chúng ta có thể thấy đế chip dài hơn với phần lớn bán dẫn dành cho iGPU và phần đế chip bổ sung dành cho bộ đệm eDRAM. Dưới đây là bảng so sánh các vi xử lý nhúng thuộc dòng Intel R-series:

So_sánh_CPU_dòng_R.png

Các vi xử lý mới đều có xung nhịp cao hơn so với các phiên bản tiền nhiệm thế hệ Broadwell và thấp hơn đối chút so với các phiên bản thuộc dòng K mở khóa xung. Tuy nhiên, các vi xử lý mới cũng sở hữu nhiều điểm cải tiến về kiến trúc, tác động đến hiệu năng xử lý với các ứng dụng thực tế.


Điểm đáng chú ý đầu tiên là Intel vẫn giữ nguyên kích thước bộ đệm L3 với các phiên bản vi xử lý dòng R thế hệ Skylake. Các phiên bản vi xử lý dòng R thế hệ Broadwell có một phần bộ đệm L3 được dùng cho eDRAM nên dung lượng bị cắt mất 2 MB. Trong khi đó, dòng R thế hệ Skylake giữ nguyên kích thước bộ đệm nhờ phương thức tích hợp eDRAM kiểu mới nên phiên bản i7-6785R với 8 MB L3 cache sẽ tương đương với i7-6700K và i5-6685R/6585R với 6 MB L3 cache sẽ tương đương với i5-6600K.

Scale.jpg

Tiếp theo, các vi xử lý mới dùng kiến trúc Skylake sở hữu năng lực xử lý song song và IPC (số lượng chỉ thị trên mỗi chu kỳ) cải tiến. Điều này có nghĩa chúng sẽ mang lại hiệu năng tổng thể tốt hơn. Bên cạnh đó, một tính năng quan trọng của vi kiến trúc Skylake là công nghệ Speed Shift - cho phép đẩy xung xử lý lên cao trong một khoảng thời gian rất ngắn để có thể thực hiện nhanh một tác vụ (chỉ mất từ 1 đến 3 ms so với 30 đến 100 ms nếu không có Speed Shift), nhờ đó mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn và tiết kiệm điện năng. Công nghệ Intel Speed Shift đòi hỏi hệ điều hành phải hỗ trợ và hiện nay chỉ có Windows 10 là có thể khai thác công nghệ này nhằm cải thiện tốc độ phản hồi.

Một khía cạnh quan trọng nữa của các vi xử lý Skylake tích hợp iGPU là bộ đệm eDRAM,
đây cũng là yếu tố khiến chúng được gọi là Crystalwell. Cần lưu ý là kể từ thế hệ Haswell thì Intel đã bắt đầu tích hợp vi xử lý đồ họa cao cấp Iris Pro trên một số phiên bản CPU và những vi xử lý này cũng khai thác công nghệ bộ đệm eDRAM hay còn gọi là L4 cache.Với cách thiết lập này, eDRAM đóng vai trò như một bộ đệm bổ trợ cho L3 cache. Các dòng cache từ bộ đệm L3 có thể được đưa vào eDRAM để đọc lại nhanh hơn mà không cần phải truy xuất vào bộ nhớ chính. Tuy nhiên, nhược điểm của cơ chế này là dữ liệu trước khi đưa vào eDRAM buộc phải được đọc trước, do đó phát sinh độ trễ khi đọc dữ liệu khiến hiệu năng của CPU vẫn không cải thiện nhiều so với các thế hệ vi xử lý trước. Mặc dù vậy, eDRAM vẫn phát huy hiệu quả với các tác vụ đồ họa và game bởi các yếu tố vẽ vân (texture) được đọc lại thường xuyên.

28_575px.jpg

Đối với các vi xử lý Skylake thì bộ nhớ eDRAM đã được đặt riêng thành một phần của chuỗi xử lý, nằm giữa System Agent (thành phần chứa các mạch điều khiển giao tiếp như PCIe, DMI, DRAM, …) và bộ nhớ DDR. Điều này có nghĩa eDRAM sẽ đóng vai trò như một bộ đệm DRAM với băng thông 50 Gbps cho mỗi hướng truy xuất vào LLC (Last Level Cache) và cũng có thể thực hiện hoạt động đọc/ghi sớm đối với các thiết bị cần truy xuất bộ nhớ thông qua các System Agent, chẳng hạn như qua giao tiếp PCIe. Nhờ đó, cách hoạt động mới của bộ nhớ eDRAM có thể cải thiện đáng kể hiệu năng trong mọi hoàn cảnh sử dụng .

Điểm cải tiến đáng chú ý cuối cùng của các vi xử lý Skylake dòng R so với các thế hệ trước là việc được trang bị lõi đồ họa rất mạnh với số lượng đơn vị thực thi (EU) nhiều hơn. Một số thử nghiệm được các trang công nghệ thực hiện năm ngoái cho thấy vi xử lý đồ họa Iris Pro 6200 - dòng iGPU cao cấp nhất của thế hệ Broadwell chỉ có hiệu năng cao hơn đôi chút so với các card đồ họa rời giá rẻ. Trong khi đó, với lõi đồ họa thế hệ thứ 9 GT4e thì Iris Pro 580 trên Skylake có đến 72 EU, (Iris Pro 6200 chỉ có 48 EU), nhờ đó đạt hiệu năng tính toán cao nhất trong các thế hệ iGPU của Intel với chỉ số 1,1 TFLOPS. Ngoài ra, Iris Pro 580 còn sở hữu engine đa phương tiện cải tiến, hỗ trợ biên/giải mã video độ phân giải UHD bằng HEVC hay VP9 codec.

Theo: AnandTech
27 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

kungfu9
CAO CẤP
8 năm
intel ngày càng khó hiểu ra...gây khó chọn cho người dùng quá.
@kungfu9 cái này cho dòng all in one thì cứ mặc định cho dòng all in one đi . còn nếu muốn lắp dàn máy thì chứ chờ đại trà tìm hiểu sau cũng được
@kungfu9 cũng thấy vậy.Đơn giản lap hay des cứ quất đại con mới nhất hỗ trợ card rời.Gì thì đời cũng nhanh cũ
Hyper But
TÍCH CỰC
8 năm
Cái đồ họa tích hợp của dòng R này - bản SKYLAKE tương đương với card đồ họa nào vậy các bác.
CARD tích hợp chắc phải chạy 2 or 4 thanh ram bus cao mới dc hiệu năng cao! chứ chạy 1 thanh ram thấy yếu sinh lý lắm
@[HD]YêU cÔnG NgHệ mấy con vga on mới h chạy cũng tạm nhưng cứ làm em vga rời đảm bảo bớt gánh nặng cho ram và CPU chạy phà phà ngay
Đồ họa tích hợp chắc cũng cỡ gt 740,(mình nghĩ vậy), sẵn tiện các bác cho e hỏi con hd 7950 vs r9 270 con nào mạnh hơn ạ??
@Phúc_Nguyễn_1996 7950 mạnh hơn, 270 chỉ ngang 6870 thôi. 7950 ngang với 280 rồi
@Phúc_Nguyễn_1996 Xem link sau:
http://gpuboss.com/gpus/Radeon-R9-270-vs-Radeon-HD-7950
@suvival198 Cảm ơn bạn
@masadsad Cảm ơn bạn
Nói thật thời pentum mình còn biết chứ bg mình ko thể nhớ nổi
tan512
TÍCH CỰC
8 năm
Thằng CEO của Intel mà nhớ hết tất cả dòng chip do tự nó sx mới lạ đấy. Các đặt tên làm người dùng phổ thông ngu nay càng ngu. Ai rành chút thì và cpuboss chọt chọt chét chét được xíu, chứ mù công nghệ gặp tên chip Intel dễ điên lên lắm. Genk từng có 1 bài nói về cách đặt tên chip kém tinh tế của Intel :v
Haizzz
P/p sky giờ đa phần là 6500 xt.
Con này k rõ như nào
trên 6500 một chút nhưng lại dưới 6600k
Đặt tên thì rối vđ.
_LION_kinG_
ĐẠI BÀNG
8 năm
Cái này có bán cho người dùng đâu mà cần người dùng hiểu
còn nhà sản xuất thì mấy cái mã này còn dễ hiểu chán đấy
Intel đặt tên chip ngày càng rắc rối và khó nhớ 😕
CEO nhớ làm gì mã CPU?
mã CPU của intel chỉ nhằm mục tiêu marketing sản phẩm thôi
người dùng cứ nghĩ core i7 là mạnh nhất (gặp rất rất nhiều người ko rành về phần cứng) nhưng i7 dòng U thì...thua cả core i3, Như vậy intel đã thành công rồi
CPU boss là trang so sánh hiệu năng CPU lởm đừng tin
@hieupy89 nhiều người khoe mua laptop i7-U với một sự tự tin không hề nhỏ 😁, ngoài ra con bảo máy t card màn hình 2GB luôn (gt630m chẳng han)
fu09fjtnhj
TÍCH CỰC
8 năm
Intel nó bắt buộc phải ra chip mới để bán chứ. Đặt lắm tên cho mọi người lựa chọn. Chứ như đứa nào cũng mua cái máy tính dùng 7 năm không hỏng Intel có mà chết đói
đẻ nhiều cũng là cách để đẩy doanh số bán hàng 😁
Razor11
CAO CẤP
8 năm
Người dùng phổ thông ra bao nhiêu dòng thì cũng chỉ biết i3, i5, i7 thôi 😁
MrTy85
ĐẠI BÀNG
8 năm
Để coi AMD Zen core xuất hiện coi sao, dù sao cũng mong AMD có thể lấy lại thế cân bằng...
Lắm dòng thế nhỉ, nào HQ, U, Y,....R. Nhờ Mod nào viết cho 1 bài tổng hợp về các hậu tố này của chip Intel đi, từ ý nghĩa, hiệu năng và so sánh từng cái một coi cái hậu tố nào ngon nhất.
@uandi1818 Hình như TT từng có 1 bài về vấn đề này rồi thì phải
@MinhThang97 Uh có, nhưng đã lâu rồi, mình thấy trong bài đó còn thiếu mấy dòng ra sau này nữa, vả lại cũng không có độ so sánh nhiều giữa các dòng.
@uandi1818 http://www.intel.com/content/www/us/en/processors/processor-numbers.html
Nhiều kinh hồn
Intel hack não, tên loạn cả lên, không biết đâu mà lần luôn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019