Intel chia tách công ty có ảnh hưởng gì với giới công nghệ - Phần 2: Cuộc chơi bán dẫn

Lư Thế Nghĩa
25/9/2024 14:44Phản hồi: 26
Intel chia tách công ty có ảnh hưởng gì với giới công nghệ - Phần 2: Cuộc chơi bán dẫn
Những câu chuyện ở phần 1 đã cho thấy rằng đối với Intel, trong hơn nửa thế kỷ "lặn ngụp" thì x86 mới là linh hồn hay "chén cơm" chính của công ty này. Intel không có x86 cũng như Microsoft không có Windows, Apple không có macOS/iOS hay Alphabet không có Google Search. Nhưng x86 chỉ là một trong hai cánh tay của Intel, cánh tay còn lại chính là các nhà máy sản xuất chip (fab).

Cuộc chơi bán dẫn


Có thể nói rằng trong thuở đầu gian khó (chả công ty startup tự thân nào giàu ngay từ lúc mới lập), Intel cũng phải trải qua những giai đoạn cố khẳng định mình khi Silicon Valley tràn ngập đối thủ. Vào thời điểm PC được IBM trình làng, Intel vẫn là "hạt cát", lúc đó mới chỉ là một trong các nhà cung cấp chip xử lý cho IBM. Moore và Grove cùng thấy rằng nếu không "độc quyền" việc bán chip x86, kịch bản chip nhớ sẽ lặp lại như nó đã từng với các đối thủ châu Á.

intel-newsroom-global-investment-1.jpg
Số lượng fab sản xuất chip hiện có của Intel

Nhưng để "độc quyền" không đơn giản chỉ "nói" mà phải kết hợp với "làm". Dàn lãnh đạo Intel cũng hiểu được "số lượng là một loại chất lượng", sản phẩm tốt sẽ chẳng có ý nghĩa thực tế nếu không có hàng để bán, còn sản lượng thấp đồng nghĩa với thị phần bé. Vậy là Moore và Grove đồng thời dồn lực xây thêm nhiều fab để sản xuất chip. Khi Dell, IBM, Compaq, HP cảm thấy hài lòng với số hàng nhận được từ Intel thì cơ hội "bán được hàng" cho các đối thủ khác cũng giảm xuống.


Q1 2024, AMD đạt kỷ lục thị phần chip x86 trước Intel

Theo thống kê của Mercury Research, lần đầu tiên trong cả thập kỷ qua, "người tý hon" AMD đạt 20.6% thị phần chip x86 toàn cầu trước "gã khổng lồ Goliath" Intel. Nhưng trước khi đi sâu vào báo cáo của Mercury…
tinhte.vn


Trên thực tế điều này áp dụng đúng cho trường hợp ngược lại - Intel từng dấn thân vào mặt trận chip di động nhưng nhanh chóng bị đánh bật bởi Qualcomm, Samsung, MediaTek... Lẽ đơn giản vì (1) chip Atom không đủ tốt bằng ARM khi chạy giả lập trên Android và (2) Intel không thể cung cấp đủ sản lượng như các đối thủ. PC và server vẫn là "chén cơm" chính thì Intel không thể nào chia quá nhiều sản lượng cho mobile được. Chuyện tương tự áp dụng cho AMD khi phải canh đo cần sản xuất bao nhiêu chip Ryzen, EPYC và Radeon.

Dựa trên triết lý trên, trong hơn nửa thế kỷ, Intel là một trong những công ty chịu bỏ tiền nhiều nhất cho việc nghiên cứu công nghệ bán dẫn mới, biến nó trở thành "mũi dùi" tick-tock khiến cho AMD bị hụt hơi và đuối dần. Trong khi AMD chỉ có 1 fab 300 mm ở Dresden (Đức) thì Intel có gấp 4-5 lần số lượng trên. Và quan trọng hơn cả, khi fab A của Intel đang áp dụng công nghệ mới nhất, thì các fab khác vẫn có thể đang sản xuất dựa trên node cũ hơn. Đặc trưng này giúp việc sản xuất của Intel ít bị gián đoạn nhất. Còn phía AMD, mỗi lần nâng cấp fab là phải dừng dây chuyền lại. Chưa kể việc quay vòng vốn của Intel sẽ dễ thở vì công nghệ cũ có thể dùng được lâu hơn, với AMD, điều này rất khó.

Globalfoundries-Dresden copy.jpg
Fab 300 mm duy nhất AMD có trước khi chia tách công ty

Sau cùng, tới 2008, AMD sau khi không gồng được lỗ từ việc chạy đua fab nữa, đã chấp nhận chuyển thành fabless (dù cựu CEO Sanders từng bảo "real men have fabs"). Có điều, AMD không phải công ty duy nhất bị đuối sức với cuộc chơi này. Giờ đây, Intel chính là kẻ đang hụt hơi vì chạy đua công nghệ (Samsung dường như cũng đang rơi vào tình trạng này).

Trong bán dẫn có một đặc trưng nghiệt ngã - trừ phi anh đầu tư "đúng" từ đầu, anh sẽ thành công, nhưng "sai" một nhịp, anh sẽ "té rất đau". Điều này nghiệm đúng cho cả những cái tên khác như UMC, Nikon, Canon. Một ví dụ nổi tiếng là việc phát triển công nghệ in litho bước sóng 157 nm (DUV là tên gọi cho 193 nm, EUV là 13.5 nm). Ban đầu 157 nm được xem là bước kế thừa sau 193 nm để vẽ những mạch in nhỏ hơn 180 nm. Nhưng khi kỹ thuật i193 đề ra nhằm nâng cấp dây chuyền 190 nm có sẵn thì 157 nm dần dần bị bỏ quên. Những công ty đã bỏ cả núi tiền và nghiên cứu 157 nm ôm những khoản lỗ chổng vó và gần như không thể phục hồi. Intel dù không đi vào vết xe 157 nm, vẫn "té đau" ở 10 nm khi cố gắng áp dụng DUV và double patterning để sản xuất chip. Hệ quả như chúng ta đã biết, việc chậm trễ áp dụng EUV vào sản xuất đã khiến Intel tụt lại sau Samsung lẫn TSMC.

Một Intel không fab sản xuất?

CEO Intel Pat Gelsinger xác nhận đang lên kế hoạch tách Intel thành hai công ty độc lập

Không còn là tin đồn như cách đây 15 ngày, cái ngày mà Intel chia tách thành 2 công ty độc lập đang dần hiện hữu trước mắt, khi chính CEO Intel Pat Gelsinger đã viết trên trang blog của công ty rằng ông và đội ngũ của mình đang lên kế hoạch để tách…
tinhte.vn

Quảng cáo


Fab sản xuất chip là thứ đã đi liền với Intel ngay tự thuở lọt lòng, ngay từ khi công ty này còn chưa ra đời 8086, nhưng để tới cục diện như hôm nay cũng là kết quả của nhiều yếu tố. Trong đó như mình từng phân tích, là sai lầm của CEO tiền nhiệm - Brian Krzanich - khi quá tự tin với năng lực sản xuất 14 nm và không đầu tư đúng đắn cho 10 nm. Đồng thời bản thân Intel cũng trở nên khinh thường đối thủ khi AMD gần như rơi vào phá sản trong giai đoạn 2010. Việc những gã khổng lồ khác như IBM hay Sun dần lui vào dĩ vãng cũng là một yếu tố làm Intel thấy bản thân "vô đối". Hầu hết các siêu máy tính trên hành tinh đều xài chip Intel là minh chứng cho điều đó.

Nhưng "ăn mày dĩ vãng" là một cái tội và cái tội này quật ngã rất nhiều người. Yahoo, BlackBerry, Nokia là vài cái tên có thể nhắc tới. Trong khi Intel nghĩ mình "vô đối" thì TSMC và AMD âm thầm thay đổi. Đặc biệt hơn, dù đây chỉ là suy đoán của bản thân, nhưng mình cho rằng Intel đã sai lầm khi tuyển Jim Keller lẫn Raja Koduri từ AMD về. Dù đây là những guru công nghệ, ít nhiều gì họ cũng từng làm việc sâu sát với Lisa Su - người đã vực AMD dậy khỏi con tàu đắm. Cả 2 khi về Intel đã "vẽ vời" không ít các dự án tiền tỷ và hầu hết cho tới nay, doanh thu mang lại không bao nhiêu mà chi phí đầu tư quá nhiều. Đáng nói hơn là sau khi Raja về thì Intel ngưng sản xuất Xeon Phi - vốn đang là sản phẩm thành công trên mặt trận HPC - mà thay bằng dự án Ponte Vecchio cho tới nay rõ ràng là một thất bại. "Con ngựa thành Troy" của AMD quả thật lợi hại!

Intel-Vision-2022-Ponte-Vecchio-Top-3.jpg
Ponte Vecchio, một trong các dự án "đốt tiền" do Raja Koduri khởi xướng

Quay lại chuyện fab sản xuất, điều rõ ràng là việc đầu tư vào công nghệ bán dẫn mới càng ngày càng đắt đỏ. Riêng cỗ máy EUV Low-NA hiện tại của ASML đã xấp xỉ 200 triệu USD. Đó là chưa tính tới các máy móc khác như etching, photoresist, photomask, công cụ kiểm định... Chính khoản đầu tư khổng lồ này đã khiến AMD bỏ cuộc gần 2 thập kỷ trước, phải bán mình tách ra GlobalFoundries để cắt lỗ. Và hiện tại, lịch sử đang lặp lại cho Intel hay cụ thể hơn là Intel Foundry. Gần như không khó để thấy nâng cấp fab đang là khoản đốt tiền nhiều nhất ở công ty này, thêm vào đó, sự nóng lòng của các cổ đông còn như thêm dầu vô lửa - mà điều này, vốn bất lợi cho sản xuất.

Cần nhớ rằng, GlobalFoundries đã từng nghiên cứu node 7 nm để sản xuất chip cho AMD. Nhưng khi chi phí tăng lên quá nhiều, cổ đông GlobalFoundries (lúc này do người Arab nắm số đông) tỏ ra không hài lòng. AMD cũng không đủ kinh phí để "trợ cấp" GlobalFoundries "nuôi" tiếp dự án trên. Vậy là mọi thứ dừng lại và node bán dẫn cao nhất công ty này đang có là 12/14 nm FinFET. AMD về sau chuyển hẳn sang thuê TSMC gia công, GlobalFoundries cũng ngưng gia công tiếp cho AMD sau khi hợp đồng chip 14 nm kết thúc.

Vậy nếu Intel tách ra 2 công ty con - Intel Foundry và Intel Chip (tạm gọi như thế) thì thế nào? Vấn đề trước hết, công ty mẹ sẽ nắm bao nhiêu cổ phần ở công ty con? Intel Chip có bao nhiêu quyền quyết định với Intel Foundry? Giả dụ ban lãnh đạo Intel không muốn kịch bản AMD & GlobalFoundries lặp lại, họ sẽ phải chấp nhận cho Intel Foundry thua lỗ trong vài năm, vì đầu tư dây chuyền mới rất tốn kém.

Quảng cáo



asml-twinscan-exe-5000-pilot-intel-tinhte-5.jpg
Cỗ máy Low-NA EUV của ASML có giá 180 triệu USD

Nhưng chủ nghĩa tư bản có chấp nhận được mãi điều này? Giả định Intel Foundry không kịp cung ứng các wafer mới nhất cho Intel Chip? Intel Chip buộc phải dựa vô TSMC để ra mắt các sản phẩm tiên tiến nhất? Lúc này câu chuyện AMD sẽ tái hiện lại. Ở tình huống nào đó, ban lãnh đạo Intel Foundry có thể sẽ xem xét lại có cần chạy đua bán dẫn tiếp với TSMC, hay dừng lại như GlobalFoundries đã làm...

Các ảnh hưởng với giới công nghệ


Có một chuyện mà không nhiều người ít để ý tới là ngoài USA CHIPS Act, chúng ta còn có European Chips Act. Về cơ bản nó cũng tương tự phiên bản ở Mỹ, với mục đích đem sản xuất chip về với châu Âu. Uỷ ban Châu Âu (EC) cũng sẽ có các chính sách trợ vốn, ưu đãi về thuế... để thu hút các hãng bán dẫn sản xuất chip tại đây. Intel như một lẽ tất nhiên, cũng "cắn" một phần lớn khi là một trong các tập đoàn chính được EC ưu đãi. 2 năm trước, công ty này cho biết sẽ đầu tư hơn 33 tỷ USD để xây nhà máy và trung tâm R&D trên cựu lục địa, trong đó, giai đoạn đầu tiên là xây một nhà máy 17 tỷ USD tại Đức.

intel-ireland-fab34-2-16x9.jpg.rendition.intel.web.1920.1080.jpg
Nhà máy sản xuất của Intel nằm tại Ireland được nâng cấp mở rộng

Để tiện so sánh, TSMC mới có kế hoạch xây một nhà máy 10 tỷ USD khác và Infineon là 2 nhà máy với số vốn 5 tỷ Euro, cũng tại Đức. Có thể thấy khác biệt đáng kể như thế nào giữa Intel với các công ty khác đi đầu tư vào châu Âu.

Vấn đề là các khoản đầu tư này được đưa ra từ trước khi các rắc rối của Intel hiện rõ trong báo cáo tài chính gần đây. Mà việc đầu tư xây dựng nhà máy không phải sớm chiều là xong, nhiều công trình mất tới 4-5 năm để có thể chính thức vận hành. Ngay như dự án fab Arizona 12 tỷ USD của TSMC được "trồng" từ 2020 cho tới nay mới bắt đầu thấy "hái được quả".

Như vậy nếu Intel thực sự chia tách công ty, và Intel Foundry phải tự mình "tìm sữa", điều đó có nghĩa các dự án xây fab dang dở sẽ đối mặt với nhiều rủi ro bị trì hoãn. Một chi tiết đáng nói ở đây là Intel Foundry thực tế chưa có nhiều khách hàng. Bản thân GlobalFoundries sau khi mua lại Chartered Semiconductor mới trở thành hãng gia công lớn thứ 4 thế giới (sau TSMC, Samsung, UMC) đồng thời tiếp nhận được "nguồn khách hàng" sẵn có từ công ty Singapore này. Việc này có nghĩa "để tồn tại", Intel Foundry cũng phải vắt giò lên tìm đầu ra sản phẩm (ngoài Intel Chip).

Thế khó khăn ở chỗ nếu các node bán dẫn mới của Intel Foundry gặp trục trặc trong việc đẩy nhanh khai thác công nghiệp, thì khả năng hoàn vốn sẽ ngày càng hẹp lại và công ty này sẽ phải cắt bớt chi phí mua sắm trang thiết bị cũng như xây tiếp các nhà máy đang dang dở. Trong một số kịch bản, Intel Foundry có thể sẽ giống với GlobalFoundries - bỏ rơi nghiên cứu các công nghệ mới mà tập trung khai thác tối đa các công nghệ đã "trưởng thành" về hiệu suất lẫn sản lượng.

asml-nxt2000-678x4522x.jpg
Phần lớn chip dân dụng đang được sản xuất trên những tiến trình bán dẫn cũ có năng suất ổn định

Với bản thân chính phủ Mỹ hay EC mà nói, yêu cầu cơ bản là mang sản xuất chip trở lại các lục địa trên, không bắt buộc phải là công nghệ mới nhất (thực tế rất nhiều con chip ứng dụng công nghiệp vẫn đang sản xuất trên tiến trình cũ). Nhưng việc này cũng đồng nghĩa nhu cầu nghiên cứu công nghệ bán dẫn mới sẽ ít có cơ hội hơn khi tập khách hàng tiềm năng ngày càng hẹp hơn. Cũng như công nghệ in litho 157 nm đã chết yểu vì sau cùng, không ai có "hứng thú" với nó nữa. Hiện tại tuy Intel đang sở hữu cỗ máy High-NA EUV mới nhất do ASML sản xuất, nhưng khi Intel Foundry phải tự mình "gồng gánh", còn Samsung vật lộn ở 2 nm, có thể thấy chỉ duy nhất TSMC là có khả năng theo đuổi những cỗ máy gần 400 triệu USD này.

Trở lại Intel Chip (hay Intel đang bán chip), trong khi kịch bản "cơm không lành canh không ngọt" với Intel Foundry, một khả năng lớn là sản lượng của công ty này sẽ giảm đáng kể. Intel Chip sẽ giống với AMD hiện nay, khả năng cung ứng chip ra thị trường tương đương với sản lượng wafer mà đối tác gia công (ví dụ TSMC) có thể đáp ứng. Nếu điều này quả thực xảy ra, thì theo quy luật cung cầu của thị trường, giá chip trong tương lai sẽ biến động đáng kể (theo hướng đắt đỏ hơn) do nguồn cung bấp bênh. Hãng nào dám trả nhiều tiền hơn để được gia công chip sẽ là hãng làm chủ thị trường.

Intel chia tách công ty có ảnh hưởng gì với giới công nghệ - Phần 1: Lịch sử
26 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Y chang thằng motorola lúc cực thịnh toàn làm vớ vẫn ...10+++++ thứ j đâu
Mấy thứ rác rưởi của intel mà viết thành bài cũng hay thật 😂😂😂😂
Tách ra rồi 1 nửa ngồi vẽ bánh. 1 nửa thì…. chả ma nào đặt hàng sx trên cái dây chuyền lạc hậu ko cứu nổi chính inTèo !
Intel nhận ra giới hạn của DUV thì bị chậm chân vài năm so với đối thủ, trong thời gian chậm chân đó đã chịu thay đổi triển khai đầu tư xây dựng các Fabs úng dụng EUV mới nhất của TSML rồi thì Intel cũng quay trở lại đường đua thôi, kiến trúc x86 vẫn tồn tại phổ biến thì sao mà lụi tàn được. Intel có sẵn kinh nghiệm sản xuất chip thì cũng nhanh chóng áp dụng vào dây chuyền mới nhanh thôi. Ngoài x86 còn phải nghiên cứ GPU để cạnh tranh AI nữa
@pikupi TSMC, ASML, đâu ra cái thể loại TSML vậy?
@pikupi Theo cảm nhận của mình thì Intel ko thể nào trở lại đường đua và cũng ko cạnh tranh nổi TSMC. Nhà máy của Intel toàn ở Mỹ với châu Âu thì riêng việc giá đã khó cạnh tranh rồi, chưa kể công nghệ đi sau, bọn châu Âu còn lắm bánh vẽ về môi trường,... Nói chung là mình thấy ko khả thi lắm, giờ bỏ cái fab thì tiếc tiền đầu tư, nghiên cứu mà ôm lấy nó thì gồng nợ nổi ko đây.
@nhunhien89 có tham gia gia công sản xuất chip là có sự cạnh tranh là có cuộc đua, chỉ là ai đứng 1 2 3 thôi. Tôi éo hiểu mấy ông thần cho rằng Intel chết trong khi đang xây các Fabs tiên tiến chục tỷ đô??? trên thế giới này mấy công ty nắm được vừa thiết kế kiến trúc vừa gia công như Intel?
@pikupi Intel chết thì chả chết, còn riêng mảng gia công chip thì mình thấy nó khó cạnh tranh nổi thôi, nó còn mảng x86. Trước chip của nó gần như là độc quyền từ thiết kế tới gia công, thị trường giờ đã khác. Chip ARM cũng dần hỗ trợ PC, sản xuất nó cũng chẳng còn độc quyền. Đợi xem Intel sẽ làm gì tiếp theo.
Cũng 1 phần chạy đua công nghệ quá nhanh, nếu như "Phần lớn chip dân dụng đang được sản xuất trên những tiến trình bán dẫn cũ có năng suất ổn định" thì cứ sx v cho người dùng
Vì chạy đua theo xu hướng người dùng nên mới ra như v
@chuthoong610 không chạy theo cổ đông nó tế sống thằng CEO luôn bạn.
Bán hết Intel qua AMD r. Cái trò mèo e core p core làm máy tính chạy tác vụ nhẹ cũng bị khựng. Qua AMD nó mượt gì đâu.... Nhưng Intel phải sống... Nó mà chết thì tụi AMD lại chơi bài 8c8t từ năm này qua tháng nọ thì thua 🤣🤣🤣🤣
@zozolozozove Intel không chết được đâu. Vì cấp chính phủ vẫn cần bảo mật cho nên chỉ cần chính phủ Mỹ và đồng minh đặt hàng CPU chuyên bảo mật thì Intel vẫn sống khỏe chì là thua 1,2 đời trainsitor thôi. Đại loại giống như cty chuyên sx vũ khí cho Mỹ như Lockheed Martin.
xàm rồi
Rip
Máy làm chip ngon nhất thì mua rồi, nhà máy cũng đang chuẩn bị xây rồi, giờ chỉ có vận hành máy để làm ra số lượng nhiều và sản phẩm tốt để có lời thôi, chờ chắc 4 năm nữa là xây xong nhà máy và dây chuyền sản xuất sẽ ổn định.

Và 4 năm nữa thì TSMC, AMD, SAM, Qualcomm, Apple . . .sẽ tiến bộ đến mức nào ?
@Methanol đám kia lệ thuộc vô TSMC cả, TSMC méo nhồi được trans thì cả đám dậm chân tại chỗ thôi

mà thẳng thắn việc nhồi trans tới hạn mnr, còn vài node nữa là thằng nao cũng same như nhau cả, quan trọng thằng nao công nghệ đóng gói 3D hiệu suất cao hơn thôi
Sai lầm lớn nhất là thuê Raja Koduri. Bọn manager với director Ấn cực tởm.
@anhtuannd cái nhà máy iP ở Cà Rì hình như cháy cmnr, chả biết sản xuất được bao nhiêu =)))))))
@anhtuannd AMD mất 2 ông đó thì phất lên.
Intel thuê 2 ông đó về thì sụi xuống.
"Trong bán dẫn có một đặc trưng nghiệt ngã - trừ phi anh đầu tư "đúng" từ đầu, anh sẽ thành công, nhưng "sai" một nhịp, anh sẽ "té rất đau". Điều này nghiệm đúng cho cả những cái tên khác như UMC, Nikon, Canon. Một ví dụ nổi tiếng là việc phát triển công nghệ in litho bước sóng 157 nm (DUV là tên gọi cho 193 nm, EUV là 13.5 nm). Ban đầu 157 nm được xem là bước kế thừa sau 193 nm để vẽ những mạch in nhỏ hơn 180 nm. Nhưng khi kỹ thuật i193 đề ra nhằm nâng cấp dây chuyền 190 nm có sẵn thì 157 nm dần dần bị bỏ quên. Những công ty đã bỏ cả núi tiền và nghiên cứu 157 nm ôm những khoản lỗ chổng vó và gần như không thể phục hồi. Intel dù không đi vào vết xe 157 nm, vẫn "té đau" ở 10 nm khi cố gắng áp dụng DUV và double patterning để sản xuất chip. Hệ quả như chúng ta đã biết, việc chậm trễ áp dụng EUV vào sản xuất đã khiến Intel tụt lại sau Samsung lẫn TSMC."

Đoạn này đọc thấy nó rối rối, có phải dây chuyền 157nm dự tính được triển khai thì xuất hiện kỹ thuật i193, có thể in mạch nhỏ hơn 180nm. vậy là dây chuyển 157nm bị lãng quên.
@thanh4177 chủ yếu cái i193 nm có thể triển khai trên dây chuyền 193 nm đã có sẵn, chỉ cần nâng cấp một số phương tiện máy móc. còn 157 nm thì phải mua sắm lại toàn bộ tất cả
suýt nữa đọc thành cuộc chơi bán d.â.m
Cười vô mặt

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019