[Khoa học] Biến đổi khí hậu là gì?

MinhTriND
2/4/2018 6:36Phản hồi: 26
[Khoa học] Biến đổi khí hậu là gì?
Những câu hỏi và trả lời bên dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất về biến đổi khí hậu và số phận của hành tinh chúng ta trong tương lai nếu mọi chuyện không thay đổi. Mong là bài viết này phần nào đó giúp mọi người có nhận thức về biến đổi khí hậu - khái niệm có lẽ phần còn rất mơ hồ với đại đa số người dân.

1. Hành tinh sẽ nóng lên bao nhiêu?


Khoảng 1 độ C, nhưng đây không phải con số nhỏ đối với khí hậu

Đầu năm 2017, nhiệt độ Trái Đất được ghi nhận ấm lên khoảng hơn 1 độ C kể từ năm 1880. Các kỷ lục về nhiệt độ cũng liên tiếp xuất hiện trên quy mô toàn cầu. Con số vừa nêu tương ứng với mức nhiệt độ tăng lên của bề mặt của đại dương. Tất nhiên, nhiệt độ vẫn đang dần tăng ở khắp nơi và ngày càng rõ rệt ở Bắc cực hay một số vùng của Nam Cực.

1 độ C thì có vẻ thấp bởi chúng ta có thể đã từng trải qua nhiều sự thay đổi nhiệt độ còn lớn hơn thế trong cuộc sống hằng ngày, từ chênh lệch nhiệt độ ngày/đêm cho đến các sự kiện thời tiết khác nhau hay chuyển mùa. Nhưng khi bạn tính đến nhiệt độ trung bình trên toàn bộ hành tinh trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, khác biệt về nhiệt độ nhỏ hơn rất nhiều và sự thay đổi này thường được biểu hiện bằng một phân số. Do đó, nóng hơn 1 độ C từ thế kỷ 19 đến nay thực sự là một con số khá lớn.


Nhiệt độ nóng lên đáng kể chính là lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn băng của thế giới đang bắt đầu tan chảy còn mực nước biển thì đang tăng với tốc độ nhanh. Nhiệt tích tụ trên Trái Đất do lượng khí phát thải của con người tương đương với nhiệt lượng có thể được sinh ra bởi 400.000 quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) nổ trên khắp hành tinh mỗi ngày.

Các nhà khoa học tin rằng hầu hết và có thể toàn bộ nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu bắt đầu từ năm 1950 đến nay là do lượng khí nhà kính mà con người thải ra môi trường. Nếu lượng phát thải này tiếp tục không được kiểm soát, nhiệt độ Trái Đất cuối cùng có thể tăng gần 4 độ C, khiến cho hành tinh hoàn toàn bị biến đổi, làm suy yếu khả năng hỗ trợ sự sống cho hàng tỷ con người.

2. Rắc rối đối với chúng ta lớn cỡ nào?

Đối với các thế hệ ở tương lai, rắc rối này rất lớn.

Rủi ro trong dài hạn sẽ lớn hơn nhiều so với trong vài thập kỷ tới, nhưng về cơ bản, rủi ro đang bắt đầu hình thành bởi lượng khí thải ra môi trường. Nói cách khác, thế hệ của chúng ta hiện nay đang làm cho thế hệ tương lai trở nên khốn khổ hơn.

Trong vòng 25 - 30 năm tới, các nhà khoa học cho biết khí hậu dường như vẫn giống với ngày nay, mặc dù dần dần trở nên ấm hơn với nhiều đợt nóng có thể lấy đi sinh mạng của những người dễ bị tổn thương. Lượng mưa sẽ lớn hơn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng trong khoảng thời gian giữa những cơn mưa, nhiệt độ sẽ nóng hơn và khô hạn hơn. Số lượng bão có thể sẽ giảm xuống, nhưng những cơn bão được hình thành bằng cách hút năng lượng từ một đại dương nóng hơn sẽ vô cùng mạnh mẽ với sức tàn phá khủng khiếp. Tình trạng ngập lụt ở các vùng ven biển sẽ diễn ra thường xuyên, gây thiệt hại nhiều hơn và điều đó đã xảy ra.

Xa hơn trong tương lai, nếu lượng phát thải vẫn gia tăng mà không được kiểm soát, rủi ro thật sự rất nghiêm trọng. Các nhà khoa học lo ngại những tác động của biến khí hậu nghiêm trọng đến mức nó có thể gây bất ổn cho các chính phủ, tạo ra làn sóng tị nạn, sự tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu của thực vật và động vật và làm tan chảy các chỏm băng cực, khiến cho nước biển dâng cao đến mức đủ để nhấn chìm các thành phố ven biển trên thế giới.

Tất cả những thảm hoạ này có thể xảy ra trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nữa, nhưng các chuyên gia cũng không loại trừ những thay đổi đột ngột, chẳng hạn như sự sụp đổ của nông nghiệp sẽ khiến nền văn minh nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn sớm hơn rất nhiều. Đã có nhiều nỗ lực để giảm phát thải và điều này có thể giúp giảm các rủi ro hay ít nhất là làm chậm lại các hiệu ứng, nhưng dù sao cũng đã quá muộn để xoá bỏ hoàn toàn mọi rủi ro.

Quảng cáo



3. Bạn có thể làm gì để thay đổi tình hình?

"Bay" ít hơn, lái xe ít hơn và đừng lãng phí.

Bạn có thể giảm lượng khí thải carbon của mình bằng nhiều cách đơn giản, và hầu hết những cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền. Hãy sử dụng những ổ cắm có thể theo dõi mức tiêu thụ của thiết bị để tiết kiệm điện, lắp bộ điều nhiệt (thermostat) thông minh, đổi sang dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tắt đèn khi không có nhu cầu sử dụng, lái xe ít hơn bằng cách lập lộ trình hợp lý hoặc tham gia phương tiện công cộng, cố gắng giảm lượng chất thải từ thức ăn và ít ăn thịt.

Có lẽ điều to tát nhất mà mỗi cá nhân có thể để kiềm hãm biến đổi khí hậu là ít đi máy bay lại. Chỉ cần giảm một hoặc hai chuyến máy bay trong vòng một năm, bạn đã có thể góp phần làm giảm lượng lớn khí thải. Nếu muốn, bạn cũng có thể xem xét đến việc mua một chiếc xe điện hoặc xe hybrid, lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, hoặc cả hai càng tốt.

Nếu muốn làm gì đó để bù đắp cho những gì mình đã thải ra môi trường, bạn có thể bỏ tiền ra để chuyển cho các dự án bảo vệ rừng, dự án "hút" khí nhà kính hay đại loại thế. Một số hãng hàng không cũng làm điều này để bù đắp cho lượng khí thải từ các chuyến bay. Tuy nhiên, các chuyên gia không tin việc chuyển đổi cần thiết trong hệ thống năng lượng có thể xảy ra mà không cần có những chính sách mạnh mẽ của chính phủ và quốc gia.

4. Tình huống lạc quan nhất sẽ ra sao?

Quảng cáo



Có vài thứ giúp chúng ta đối phó với biến đổi khí hậu.

Ở tình huống tốt nhất mà các nhà khoa học có thể tưởng tượng được, vài sự kiện có ích sẽ xảy ra: Trái Đất dường như ít nhạy cảm hơn trước khí nhà kính so với niềm tin trước giờ; thực vật và động vật ngày càng trở nên thích ứng hơn với những thay đổi; ý chí về mặt chính trị của xã hội loài người phát triển mạnh mẽ hơn nhiều nhằm kiềm chế lượng khí thải và những đột phá công nghệ vượt bậc sẽ giúp hạn chế mức khí thải và giúp loài người thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một số đột phá về công nghệ hiện nay đã làm cho năng lượng sạch trở nên hấp dẫn hơn. Ví dụ như ở Mỹ, than đã và đang mất dần vị thế chủ chốt trong nhu cầu năng lượng về tay của các nguồn khí tự nhiên, bởi các kỹ thuật khai thác mới đã làm cho khí trở nên dồi dào và rẻ hơn. Khi khí tự nhiên đóng một vai trò nhất định trong việc cung cấp điện, lượng khí thải sẽ giảm đến một nửa. Ngoài ra, chi phí dành cho năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời đã giảm nhiều đến mức trở thành nguồn điện rẻ nhất ở một vài nơi trên thế giới.

Thật không may, các nhà khoa học và các chuyên gia về năng lượng cho rằng tỷ lệ xảy ra của tất cả những viễn cảnh tuyệt vời trên có lẽ không cao lắm. Trái Đất có thể tỏ ra ít nhạy cảm hơn đối với khí nhà kính nhưng chỉ một chút. Hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ gây ra hỗn loạn trong thế giới tự nhiên và điều đó khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, theo quan điểm của các chuyên gia, nếu chỉ trông chờ vào những kỳ vọng tốt đẹp nhất mà không có kế hoạch cụ thể để đối phó với tình hình sẽ đưa con người về cả hành tinh vào tình huống vô cùng nguy hiểm. Họ tin rằng cách duy nhất để hạn chế rủi ro là ngăn chặn lượng phát thải càng nhiều càng tốt.

5. Liệu việc giảm lượng thịt trong khẩu phần ăn có thực sự mang lại lợi ích cho khí hậu?

bien_doi_khi_hau_tinhte_01.gif

Có, đặc biệt là với thịt bò.

Mọi ngành nông nghiệp khi vận hành đều thải ra một lượng khí nhà kính góp phần làm nóng hành tinh, nhưng nhiều nhất là sản xuất thịt và và đặc biệt nhất là thịt bò. Một số phương pháp sản xuất thịt gia súc đòi hỏi phải có một lượng lớn diện tích đất, đồng nghĩa với nạn phá rừng cũng tăng lên. Để thực hiện điều này, cây cối thường bị đốt cháy, giải phóng CO2 vào khí quyển. Trong khi đó, các phương pháp khác đòi hỏi một lượng lớn nước và phân bón để trồng thức ăn cho bò.

Bò bản thân nó đã thải ra một lượng khí mê-tan nhất định. Đó là loại khí nhà kính tiềm ẩn có thể gây nên sự ấm lên toàn cầu trong ngắn hạn. Việc tiêu thụ thịt đang ngày càng trở nên gia tăng trên toàn thế giới khi dân số không ngừng tăng lên và sự phát triển kinh tế giúp cho người ta giàu có và có khả năng mua thịt nhiều hơn.

Đây là xu hướng đáng lo ngại. Các nghiên cứu phát hiện nếu cả thế giới bắt đầu ăn thịt bò theo tỷ lệ mà người Mỹ đang có, và thịt được sản xuất bằng các phương pháp thường được sử dụng tại Hoa Kỳ, điều đó có thể xóa đi bất cứ cơ hội nào nhằm kiềm chế mức khí thải dưới giới hạn quốc tế về sự nóng lên toàn cầu. Sản xuất thịt lợn hay thịt gà đều tạo ra lượng khí thải thấp hơn so với sản xuất thịt bò. Vì vậy, giảm tiêu thụ thịt, hoặc chuyển từ ăn bò hay lợn sang gà trong khẩu phần ăn là những động thái tích cực mà bạn có thể thực hiện để giảm nhẹ tình hình.

6. Trong trường hợp xấu nhất, chuyện gì sẽ xảy ra?


Thật khó để có thể lường trước những gì sẽ xảy ra và đó cũng là là một trong những lý do các nhà khoa học đang thúc giục chúng ta bằng mọi giá phải cắt giảm lượng khí thải, họ muốn hạn chế khả năng xảy ra những tình huống xấu nhất.

Có lẽ nỗi sợ hãi lớn nhất chính là sự sụp đổ của ngành sản xuất lương thực, kéo theo đó là tình trạng giá cả leo thang và nạn đói hàng loạt. Vẫn không rõ điều đó sẽ diễn ra như thế nào bởi những người nông dân có thể tìm cách thay đổi cây trồng và kỹ thuật canh tác đến một mức độ nào đó nhằm thích nghi với những biến đổi của khí hậu. Nhưng cho đến nay, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều vụ mùa thất bát gây ra bởi sự thay đổi bất ngờ của khí hậu. Cách đây 1 thập kỷ, một đợt tăng giá lúa gạo trầm trọng đã gây ra những cuộc bạo động về lương thực trên toàn thế giới và dẫn tới sự sụp đổ của ít nhất một thể chế ở Haiti.

Một khả năng khác nằm ở sự tan chảy các tảng băng khiến cho mực bước biển lên nhanh chóng, buộc người dân phải rời bỏ nhiều thành phố lớn trên thế giới, gây thiệt hại hàng tỷ đô la và nhiều tài sản khác.

Các nhà khoa học cũng tỏ ra lo lắng về các sự kiện thiên nhiên - yếu tố rất khó để dự đoán. Gió mùa Châu Á có còn là thứ đáng tin cậy? Hàng tỷ người hiện nay đang phải phụ thuộc vào gió mùa để có nước phục vụ cho mùa màng, do đó, mọi gián đoạn đều có thể dẫn đến tình trạng thảm khốc. Một khả năng khác chính là sự chuyển dịch của các dòng hải lưu đại dương trên quy mô lớn, dẫn đến sự thay đổi khí hậu đột ngột và triệt để trên khắp các lục địa.

7. Một bước đột phá về công nghệ sẽ giúp chúng ta?


Bill Gates cho rằng chúng ta không nên quá lệ thuộc vào công nghệ.

Khi nhiều công ty, chính phủ và các nhà nghiên cứu đều ra sức đi tìm giải pháp cho vấn đề, cơ hội để có các tiến bộ kỹ thuật lớn ngày càng trở nên gần gũi hơn. Nhưng ngay cả các chuyên gia tỏ ra lạc quan về những giải pháp công nghệ cũng cảnh báo hầu hết nỗ lực hiện có vẫn chưa thấm tháp vào đầu cả.

Chi phí dành cho nghiên cứu các nguồn năng lượng mới còn khá thấp. Mặt khác, ngân sách cho việc nghiên cứu nông nghiệp đã bị trì trệ dù biến đổi khí hậu đặt ra nguy cơ ngày càng to lớn trong khả năng cung cấp lương thực. Về vấn đề này, những chuyên gia công nghệ như Bill Gates cho rằng việc chấp tay cầu xin và hy vọng những phép màu công nghệ có thể cứu rỗi cho số phận của hành tinh không phải là chiến lược nên theo đuổi. Theo ông, chúng ta chỉ nên tiêu tiền cho những thứ có thể tạo ra lợi ích thật sự.

8. Nước biển sẽ dâng cao đến đâu?


Vấn đề thực sự không nằm ở mực nước biển mà là tốc độ gia tăng.

Nước biển đang dâng cao dần với tốc độ khoảng 0.3 mét mỗi thế kỷ. Điều đó gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng ở các khu dân cư ven biển, buộc chính phủ và người dân phải chi ra hàng chục tỷ đô la để chống sạc lở. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng của mực nước biển là thứ mà chúng ta có thể kiểm soát được nếu có những biện pháp kịp thời, theo các chuyên gia.

Nếu lượng khí thải vẫn không được kiểm soát trong thời gian tới, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ sớm đạt ngưỡng tương tự như những gì đã trải qua ở một kỷ nguyên trong quá khứ được gọi là Pliocene (thế thượng tân), khi băng tan và đại dương tăng lên khoảng 24.4 mét so với ngày nay.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc đốt tất cả các nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất sẽ làm tan chảy toàn bộ những tảng băng ở các cực, khiến cho mực nước biển dâng cao hơn khoảng 49 mét trong một khoảng thời gian chưa xác định được. Nhiều chuyên gia tin rằng ngay cả khi lượng khí thải bị chặn đứng vào ngày mai, việc mực nước biển dâng lên khoảng 4.6 - 6.1 mét là điều không thể tránh khỏi.

Vấn đề cốt lõi có lẽ không nằm ở việc đại dương sẽ tăng lên bao nhiêu mét mà là tốc độ tăng sẽ nhanh như thế nào. Và với việc này, các nhà khoa học vẫn chưa thật sự có câu trả lời đúng đắn nhất. Thông tin hữu ích nhất tính đến thời điểm hiện tại xuất phát từ việc nghiên cứu lịch sử Trái đất, cho thấy tốc độ gia tăng có thể đạt ngưỡng 0.3 mét sau mỗi thập kỷ, và đây được xem trường hợp xấu nhất. Ngay khi tốc độ gia tăng giảm xuống, nhiều thành phố lớn của thế giới cuối cùng cũng bị nhấn chìm. Các nghiên cứu cho thấy việc cắt giảm lượng khí thải lớn có thể làm chậm lại quá trình gia tăng, giúp cho chúng ta có thêm thời gian để kịp thích nghi với những biến đổi.

9. Các dự đoán có thật sự đáng tin cậy không?


Dù không hoàn toàn chính xác nhưng chúng đều được suy luận từ một nền tảng khoa học vững chắc.

Ý tưởng cho rằng Trái Đất nhạy cảm với khí nhà kính đã được khẳng định qua nhiều khía cạnh khoa học khác nhau. Ví dụ, vật lý cơ bản cho thấy sự gia tăng lượng khí carbon dioxide sẽ làm tích tụ nhiều nhiệt hơn từng được phát hiện vào thế kỷ 19 và cũng đã được kiểm chứng qua hàng ngàn thử nghiệm được tiến hành trong các phòng thí nghiệm.

Tất nhiên, khoa học về khí hậu cũng chất chứa những điều không chắc chắn. Trong số đó, điều gây tranh cãi nhất là những hậu quả của việc nóng lên toàn cầu và hệ luỵ sau đó. Dự báo đưa ra sau những phân tích của máy tính về cơ bản chỉ cung cấp cho các nhà khoa học một loạt những tình huống có thể xảy ra ở tương lai, chứ không mang tính tuyệt đối.

Nhưng ngay khi những dự báo trên máy tính đó không tồn tại, một lượng lớn bằng chứng cũng có thể cho thấy điều mà các nhà khoa học nói không hoàn toàn sai. Một số minh chứng quan trọng nhất đến từ các nghiên cứu về những điều kiện khí hậu trong quá khứ. Từ trước đến nay, lượng carbon dioxide trong không khí vẫn dao động một cách tự nhiên, và mỗi khi hàm lượng khí nhà kính này tăng lên, Trái Đất cũng nóng lên, băng tan và nước biển dâng.

Tuy vậy, không thể dùng những gì đã diễn ra trong quá khứ để dự đoán tương lai, bởi con người đang bơm carbon dioxide vào không khí nhiều hơn so với những gì thiên nhiên đã từng.

10. Vì sao mọi người hoài nghi về biến đổi khí hậu?

bien_doi_khi_hau_tinhte_02.gif

Hầu hết các vụ "tấn công" vào khoa học khí hậu đều xuất phát từ những người theo chủ nghĩa tự do và những cá nhân với tư tưởng chính trị bảo thủ. Thay vì đàm phán về những chính sách về môi trường và cố làm cho chúng trở nên phụ thuộc vào các nguyên tắc của thị trường tự do, họ đã cố gắng tìm cách đã phá bỏ mọi thứ.

Vai trò của hệ tư tưởng này trong xã hội được đẩy lên cao nhờ các khoản tiền lãi thu được từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Lập luận khoa học của nhóm người này thường liên quan đến việc thu thập dữ liệu, chẳng hạn như nhiệt độ hay băng ở biển trong ngắn hạn nhưng lại bỏ qua những hệ quả lâu dài.

Ý tưởng cực đoan nhất của những người theo chủ nghĩa phủ nhận biến đổi khí hậu là cho rằng các nhà khoa học đang tham gia vào một trò bịp bợm với quy mô toàn cầu để lừa công chúng, từ đó giúp các chính phủ có thể kiểm soát cuộc sống của người dân hiệu quả hơn. Khi tranh luận trở nên căng thẳng hơn, nhiều công ty dầu mỏ và than đá đã bắt đầu tránh xa việc đưa ra những động thái công khai nhằm phủ nhận biến đổi khí hậu, nhưng một số vẫn đang ngầm hỗ trợ tài chính cho chiến dịch của các chính trị gia tán thành những quan điểm như vậy.

11. Những sự kiện thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu không?


Có nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Các nhà khoa học đã công bố những bằng chứng có tính thuyết phục cao về việc khí hậu ấm dần lên đang khiến cho tần suất hoạt động của sóng nhiệt ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn. Ngoài ra, biến đổi về khí hậu cũng làm cho những cơn bão mạnh mẽ hơn và lũ lụt ở ven biển do mực nước biển tăng đang đe dọa đến đời sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới

Mặc dù vậy, ở nhiều trường hợp khác, mối liên kết giữa nóng lên toàn cầu và các xu hướng thời tiết không mấy rõ ràng hoặc ít nhất là có vấn đề. Thiếu dữ liệu về thời tiết trong quá khứ là một phần của vấn đề này nhưng mặt khác, các nhà khoa học cũng không rõ dạng sự kiện thời tiết nào có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

12. Ai sẽ hưởng lợi từ sự ấm lên toàn cầu?


Ở một khía cạnh nào đó, sẽ có người được hưởng lợi.

Những quốc gia rộng lớn nhưng đa phần lãnh thổ là những vùng băng giá, chẳng hạn như Canada hay Nga sẽ là nơi nhận được một số lợi ích kinh tế từ ấm lên toàn cầu. Nông nghiệp, khai thác tài nguyên và nhiều thứ khác sẽ bắt đầu phát triển ở những quốc gia như vậy.

Dù được hưởng lợi ở vài lĩnh vực nhưng bên cạnh đó, họ cũng nhận lại không ít thiệt hại. Cháy rừng và làn sóng của người tị nạn từ những quốc gia kém may mắn hơn sẽ là vấn đề rất lớn mà chính phủ cần phải đối phó.

13. Liệu còn hy vọng nào để cứu vãn tình hình hay không?

Nếu bạn chia sẻ cho khoảng 50 người những gì bạn hiểu về biến đổi khí hậu, mọi chuyện có thể thay đổi đấy.

Từ những năm 1980, các nhà khoa học đã cảnh báo cần có những chính sách mạnh mẽ để hạn chế mức khí thải. Đáng tiếc những cảnh báo này sau đó bị bỏ ngoài tai và khí nhà kính tích tụ trong khí quyển từ đó đến nay đã gây ra những tác động đáng kể đến tình hình khí hậu hiện tại. Mọi chuyện có vẻ như đã quá muộn.

Ngày càng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chính phủ của các quốc gia thể hiện sự đồng tâm của họ nhằm làm gì đó để cải thiện tình hình, thông qua Thỏa thuận Khí hậu Paris. Mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định này nhưng các nước còn lại vẫn đang nỗ lực.

14. Nông nghiệp ảnh hưởng như thế nào đến biến đổi khí hậu?


Những áp lực tạo ra cho môi trường xuất phát từ nông nghiệp là rất lớn. Chẳng hạn, nhu cầu về thịt bò và thức ăn gia súc trên toàn cầu khiến cho những người nông dân ngày càng triệt phá rừng.

Mặc dù một số quốc gia đã tăng cường kiểm soát nạn phá rừng và cũng đã thu được những kết quả đáng kể, song nhiều nơi trên thế giới vẫn đang diễn ra nạn phá rừng rất nghiêm trọng, điển hình như ở Indonesia.

15. Nước biển liệu có dâng lên ở khắp nơi trên hành tinh?


Nhiều người trong chúng ta tưởng tưởng đại dương trông như một bồn tắm với mực nước không đổi. Tuy nhiên trên thực tế, mực nước biển không đồng nhất với nhau ở những khu vực khác nhau. Gió và nhiều yếu tố khác có thể làm cho nước tụ lại nhiều hơn ở điểm này nhưng lại ít hơn ở điểm kia.

Ngoài ra, những tảng băng khổng lồ ở Greenland và Nam Cực cũng tạo ra lực hấp dẫn trên biển, kéo nước về phía chúng. Khi những tảng băng này tan chảy, mực nước ở khu vực gần đó sẽ giảm xuống trong khi lượng nước còn lại sẽ được chuyển đi xa hơn. Một khu vực có chịu ảnh hưởng của việc nước biển dâng hay không phụ thuộc vào tốc độ tan chảy của băng, hướng gió, dòng chảy cũng như các yếu tố liên quan khác.

16. 'Khí thải carbon' là gì?


Lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tạo ra bởi hoạt động của con người được gọi tắt là khí thải carbon. Sở dĩ có tên gọi này bởi vì cả 2 loại khí nhà kính phổ biến nhất là carbon dioxide và mêtan, đều có chứa carbon. Có nhiều loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính, chúng không nhất thiết phải có chứa carbon nhưng thường được gọi tắt luôn là khí carbon.

Cho đến nay, yếu tố lớn nhất gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu chính là đốt các nhiên liệu hóa thạch để phát điện và phục vụ cho ngành công nghiệp vận chuyển. Quá trình này liên quan đến việc “lôi” lượng khí carbonic tồn tại hàng triệu năm dưới lòng đất lên và đưa nó vào khí quyển, gây nên những hậu quả kéo dài hàng thế kỷ. Metan thậm chí còn có khả năng giữ nhiệt tốt hơn CO2 nhưng nó không tồn tại lâu trong không khí. Metan được khai thác ở các đầm lầy, có từ sự phân hủy của thức ăn ở bãi chôn lấp, từ chăn nuôi hoặc do rò rỉ.

Mặc dù khí thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch là vấn đề chính nhưng bên cạnh đó, phá rừng cũng là hành động góp phần không nhỏ trong việc phát thải khí nhà kính, đặc biệt là ở những vùng nhiệt đới. Hàng tỷ tấn carbon được lưu trữ trong cây và khi rừng bị phá, phần lớn cây cối sẽ bị đốt cháy, đưa carbon đó vào khí quyển dưới dạng CO2.

Nguồn: The New York Times
26 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

dẹp mấy thằng như formosa đi là thay đổi ngay ấy mà 😁
TQ nó xả thải lớn nhất thế giới mà chính nó lại chả nóng ra ngoài không khí bị ô nhiễm.
Hằng năm xả thải nhiều hơn nhưng lại có năm nóng năm lạnh, thế nó mới lạ.
Từ "biến đổi khí hậu" đâu phải là từ đầu tiên được sử dụng.
Nó là "Global warming", nhưng sau đó trái đất bỗng lạnh đi, thế là cánh tả phải thay thế Global warming bằng Climate change, lol.

À mà dẫn cái nguồn The New York Times thì 😆
Chắc NYT đã quên mất Solyndra đã được Obama tung hô thế nào rồi đội nón ra đi kèm theo nửa tỉ đô tiền thuế của dân Mỹ mất rồi.
@Ryzkie vì những người ko tin vào biến đổi khí hậu như bạn mà họ mới phải đổi từ global warming sang climate change đấy
nghoangtin
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Minh Chung Hứa Thì có cái định nghĩa BĐKH mới có nhiều cách để kiếm chác. Nào là thuế bảo vệ môi trường, chi cho việc nghiên cứu BĐKH, chống BĐKH. Rồi quốc tế đẻ ra các hiệp ước về xả thải để chèn ép hay kìm hãm nhau...
@Minh Chung Hứa Hahaha lý do này vui vẻ nhỉ
ufdb
CAO CẤP
6 năm
Klq nhưng mà cái giao diện mới nhìn rối quá, thêm nữa là đang bị lỗi muốn xem tin cũ hơn ko đc 😔
@ufdb Giao diện rối -> máy chạy nặng -> thải nhiều C02 -> trái đất nóng và bị hủy diệt.
Cảm ơn tinh tế.
ctthou
TÍCH CỰC
6 năm
Cái giao diện mới nhìn chả biết bài nào cũ, bài nào mới. Rối mắt vãi.
@ctthou Tinh Tế nên làm cho giao diện gọn gàng hơn, giúp máy load nhẹ hơn, giảm khí thẩi, đỡ gây ô nhiễm khí hậu.
Làm giao diện nặng nề là đang giết chết hành tinh xanh đấy. Thật ko đùa.
Chưa nói tới đâu xa ma thấy giờ ở sài chạy xẻ mỏi mắt mà tìm được cái cây . Cv thì ngày càng nhỏ lại . Nắng và nóng
vn_soft
CAO CẤP
6 năm
Và us đã rút ra
tieutu911
TÍCH CỰC
6 năm
Giờ mõi năm mõi nóng hơn. Năm sau lại lập kỷ lục mới. các nước nghèo đặc biệt là các hộ nghèo không có tiền gắn điều hòa là khổ. Mình thì nghèo nên làm mấy cây quạt hơi nước cho đỡ tốn tiền điện
Những nỗ lực làm hạn chế tác hại của biến đối khí hậu – với giả thiết là nó có thật và đang xảy ra – sẽ không có tác dụng mấy khi các khẩu hiệu về kinh tế luôn được tung hô.

Giảm đi lại bằng máy bay nghe thì dễ nhưng đứng trên quy mô toàn cầu thì gần như không thể. Các hãng luôn đạt mục tiêu cũng như các kế hoạch để lượng khách đi lại và doanh thu càng ngày càng tăng, không có hãng nào lại tính cả bước bớt lợi nhuận và tăng doanh thu từ từ, bền vững. Điều này cũng đúng cả với các tập đoàn công nghệ hay các công ti sản xuất sản phẩm, dịch vụ.

Con người lại đang kì vọng vào các giải pháp khoa học mới nhằm ngăn chặn Trái Đất nóng lên. Điều này có vẻ hợp lí, nhưng nghĩ xem, công sức cũng như phần rác thải từ các thành tựu mới liệu nó có làm thay đổi được cả thế giới? Người ta cứ kêu gọi sử dụng điện thay nhiên liệu hóa thạch, nhưng mà sản xuất điện và lưu trữ điện (pin, ắc quy) cũng độc hại chẳng kém nhiên liệu hóa thạch, thậm chí còn độc hại và khó phân hủy hơn nhiều. Tư duy của con người khá kì lạ: hi sinh tự nhiên để tạo ra các thành tựu phục vụ đời sống, để rồi lại phải dùng chính những thành tựu đó để cứu lấy cái tự nhiên đã bị phá hủy.

Nhiều quốc gia tham gia vào hiệp định COP21, nhưng liệu những nỗ lực đó có ý nghĩa không, hay chỉ là những hiệp định giấy, vì tăng trưởng kinh tế vẫn là nỗ lực của mỗi quốc gia? Không thể vừa có kinh tế vừa giữ được môi trường ở xã hội hiện đại.

Thế nên cách thực tế nhất là mỗi cá nhân cắt giảm nhu cầu, mức tiêu thụ của bản thân. Bớt sử dụng điện không có nghĩa là tiết kiệm điện, mà nó sẽ giúp giảm áp lực nên nhu cầu điện năng, để nhu cầu phát triển cùng nền tảng công nghệ một cách từ từ. Lượng năng lượng cả thế giới tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng, nhưng cắt giảm tiêu thụ sẽ làm cho mức tăng ấy chậm lại để công nghệ có thể đáp ứng. Hiện nay do nhu cầu tăng quá nhiều mà công nghệ chưa bắt kịp nên buộc chúng ta sử dụng các công nghệ cũ hơn như nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân.

Tóm lại với niềm tin rằng biến đổi khí hậu là có thật thì cá nhân mình chỉ cố gắng cắt giảm nhu cầu bản thân chứ chẳng hi vọng gì bố con chính phủ nào hết. Toàn là nói suông, dẹp! 😃

Tiện thể anh em tận hưởng đi là vừa, thời điểm này vừa có hòa bình vừa có công nghệ vừa có thiên nhiên. Ít năm nữa đừng đẻ con nữa không chúng nó khổ 😁
@Ngô Tùng Dương Dài vãi, đọc mệt vãi, chỉ thấy cái hình :D ở dưới cùng là đc. :D
Trái đất đang sốt lên để tiêu diệt loài vi khuẩn mang tên human
Jaywalk
TÍCH CỰC
6 năm
ở trong nhà mỗi người, nếu bật 1 lúc tất cả thiết bị điện, cả nấu bếp. Vậy là 1 nhà như vậy sẽ thải ra rất nhiều các loại khí nóng...thậm chí khi chúng ta đi tiểu, amoniac lập tức tỏa ra...ăn mặn đái khai...phải chế biến nhiều thực phẩm khi nấu ăn ở nhà rồi khi rửa đổ hết xuống bồn thông ra cống...rõ ràng con người đang thải vào thiên nhiên không phải là nhỏ nhiều loại tạp chất, tốt có, xấu có nhưng xấu nhiều hơn tốt!
tăng lên cho mùa đông đỡ lạnh 😆))
Túm lại ở VN vẫn có câu. Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Nên dân việt vẫn đẻ sòn sòn. Mà lắm người thì lại đốt phá thôi.
làm video đi bác ơi đọc chết người luôn á
Trirangsun
ĐẠI BÀNG
6 năm
Chúng ta tích khí, nhưng không được đan điền, thế là bớt đi được một lượng CO2 rồi. 😁
Mỹ đã nghiên cứu biến đổi khí hậu là do trái đất, con ng ko đủ quyền năng để thay đổi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019