Hôm qua căn nhà “thông minh” của mình đã bắt đầu thành hình, các phần cứng đã lắp ráp xong, các cảm biến đã bắt đầu hoạt động được. Mình sẽ kể tiếp cho các bạn nghe về những thứ mình đã gặp trong quá trình lắp đặt các món đồ smarthome này để các bạn có thể biết và sử dụng kinh nghiệm đó cho căn smarthome của chính mình nhé.
Khi lắp đặt rèm thông minh, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản là lắp thêm cái mô tơ vô là xong. Nhưng không, nó phức tạp hơn như thế, và phải tới khi lắp đặt mình mới hiểu được hết về cách chúng hoạt động. Rèm của mình là rèm kéo, giống với đa số nhà ở Việt Nam, không phải loại rèm cuộn lên xuống nhé. Loại mô-tơ điều khiển mình dùng là của A-OK, đây là link mua. Mình dùng bản ZigBee, bạn nào không muốn dùng hub trung tâm thì mua bản Wi-Fi cũng được.
Theo đó, một bộ rèm thông minh sẽ bao gồm:
Xử lý vấn đề rèm thông minh khó kéo
Khi lắp đặt rèm thông minh, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản là lắp thêm cái mô tơ vô là xong. Nhưng không, nó phức tạp hơn như thế, và phải tới khi lắp đặt mình mới hiểu được hết về cách chúng hoạt động. Rèm của mình là rèm kéo, giống với đa số nhà ở Việt Nam, không phải loại rèm cuộn lên xuống nhé. Loại mô-tơ điều khiển mình dùng là của A-OK, đây là link mua. Mình dùng bản ZigBee, bạn nào không muốn dùng hub trung tâm thì mua bản Wi-Fi cũng được.
Theo đó, một bộ rèm thông minh sẽ bao gồm:
- Thanh ray, là thanh ngang để kéo rèm qua lại
- Mô tơ, sẽ điều khiển thanh ray để kéo rèm khi cần mở đóng rèm
- Cái rèm của bạn
Mình sử dụng lại cái rèm có sẵn trong nhà, chỉ lắp thêm mô-tơ mà thôi, nhờ vậy mà đỡ tốn tiền và đảm bảo sự liền lạc về nội thất giữa cái rèm và những món nội thất khác. Và khi lắp cái mô-tơ vào rèm, nó sẽ nằm khuất vào bên trong nên nhìn rất đẹp, không bị thô, không bị “máy móc". Kể cả rèm vải mỏng hay vải dày thì nó đều che được cái mô-tơ nên bạn không cần quá lo lắng về thẩm mỹ.
Và nhớ là nếu các cửa nhà bạn sử dụng 2 lớp rèm thì với mỗi cửa bạn phải dùng đến 2 bộ điều khiển lận nhé. Hai rèm không thể dùng chung 1 bộ điều khiển được.
Rèm nhà mình lắp lên khá ngon lành, mọi thứ trơn tru cho tới khi vận hành thử. Có một vấn đề khá nghiêm trọng, đó là các móc rèm có sẵn khá nhỏ, nên khi gắn vào thanh ray mới thì việc di chuyển khá khó khăn. Kéo tay còn thấy khó chứ đừng nói là kéo bằng mô-tơ. Và bởi vì khó kéo nên khi bấm nút đóng rèm, rèm có thể sẽ bị “kẹt”, các móc dính vào nhau không di chuyển, dẫn đến việc rèm không tự đóng lại hết được. Lúc đó thường phải bấm nút đóng rèm thêm lần nữa để mô-tơ chạy tiếp, và cũng có khả năng nó không thể chạy được tiếp thì bạn phải dùng tay để giũ cho các móc rèm cách xa nhau ra thì mới hoạt động được.

Để khắc phục vấn đề này, mình mua các móc rèm to hơn, phù hợp hơn cho thanh ray mới. Các móc rèm này mua ở chợ hoặc ở những nơi bán rèm là có, không phải hàng hiếm gì. Hơi mất thời gian ở đoạn gỡ rèm xuống gắn móc mới vào. Sau khi thay móc xong thì mọi thứ đã chạy ngon đúng như thiết kế, khi mô-tơ nhận lệnh thì đóng mở rất nhanh.
Mấy cái móc này thì rẻ thôi à, chủ yếu nó tốn thời gian của mình vài ngày để đi mua lại móc mới, chạy tới chạy lui rồi hẹn lại bạn kĩ thuật để lên thi công lại.
Xử lý vấn đề công tắc không có dây nguội gây chớp với một số đèn
Nhà mình có 2 cái bóng đèn downlight trong 2 toilet với công suất không quá cao, và khi lắp công tắc ZigBee bản không có dây nguội thì 2 bóng đèn nói trên bị chớp. Hỏi bạn kĩ thuật bên JAVIS thì được biết đây là nhược điểm chung của mọi công tắc thông minh bản không cần dây nguội. Nhưng khắc phục không khó, bạn kĩ thuật lắp thêm mỗi đèn một con tụ điện là xong, chúng chạy lại như bình thường.
Vấn đề này thường diễn ra với những cái đèn công suất thấp mà thôi. Hơn chục bóng downlight khác trong nhà mình sử dụng công tắc thông minh thì không gặp vấn đề gì, mọi thứ chạy ngon.
Nếu nhà bạn dùng được công tắc thông minh bản có dây nguội thì sẽ không bị chớp gì cả. Lúc đó bạn không cần quan tâm mấy, cứ lắp công tắc rồi xài thôi.

Thật ra thì ngay hôm qua mình vừa mua thêm 2 cái bóng downlight mới của Wiz (một hãng con của Philips, đèn chỉnh được màu vàng ←> trắng, dùng Wi-Fi) để thay cho 2 cái đèn trong toilet do tụi nó tối quá, tắm không đã, nhất là lúc rủ bồ tắm chung, nên sau khi lắp tụ xong thì cũng gỡ ra và thay bằng đèn Wiz mới 😆 Đèn Wiz này không bị chớp ngay cả khi không có tụ lắp thêm. Mình sẽ có bài viết riêng về đèn Wiz này sau nhé.

Xử lý vấn đề sóng ZigBee không đủ mạnh với nhà rộng
Mặc định thì trong hệ thống nhà thông minh JAVIS của mình có một cục trung tâm gọi là JAVIS Home Control, nó có kết nối ZigBee để nhận tín hiệu từ các cảm biến gửi về. Tuy nhiên có khả năng nhà bạn có nhiều lớp tường, hoặc diện tích rộng, hoặc cục Home Control phải đặt ở góc khá khuất nên sóng ZigBee bị yếu dần, không thể truyền tín hiệu về được.
Mình bị một tình huống như vậy, đó là cảm biến chuyến động trong toilet phòng ngủ của mình không truyền được tín hiệu một cách ổn định về hub trung tâm. Để xử lý, các bạn JAVIS gắn thêm cho mình một cái repeater ZigBee là xong, cảm biến chạy được bình thường.

Những kịch bản tự động hóa mình đã thiết lập
Ngoài 3 thứ trên, những món khác trong nhà mình hiện tại đã chạy như ý muốn. Hôm qua mình cũng đã thiết lập một số kịch bản tự động hóa cho căn nhà của mình, bao gồm:
- Tự bật đèn khi đi vào toilet. Mình hiện chưa thiết lập tự tắt đèn. hôm qua hơi bận, chưa làm tới
- Tự bật đèn khi mở cửa đi vào nhà, và tự tắt đèn khi đóng cửa
- Tự bật đèn khi có người đi ngang hành lang vào buổi chiều hoặc tối
- Nhấn 1 nút để làm hàng loạt thao tác: mở 2 lớp rèm phòng khách + bật đèn phòng khách + bật máy lạnh + kéo rèm dày trong phòng ngủ. Đây là những việc mà mình thường làm mỗi khi về tới nhà, và bình thường mình phải làm thủ công. Giờ thì mình tận dụng 1 cái nút nằm gần cửa ra vào cho việc đó, tất cả mọi thứ được thực hiện tự động chỉ với 1 nút nhấn. Thật ra nút nhấn này là công tắc còn dư, mình tận dụng nó luôn chứ không cần mua thêm nút kịch bản gì cả.
- Tương tự, khi đi ra khỏi nhà, mình cũng nhấn nút đó thì hàng loạt thiết bị sẽ tự động tắt, rèm tự đóng hết luôn. Không cần phải lo việc đã ra khỏi nhà mà quên tắt đèn trong phòng, quên kéo rèm, quên tắt máy lạnh
Cái này anh em coi video để thấy rõ hơn nha, chứ kể không thì không hay hahaha.
Mình kể sơ với anh em nhiêu đó, còn trải nghiệm chi tiết hơn sẽ có trong Phần 3 nha. Phần 3 mình sẽ chia sẻ về tổng quan hệ thống, cách mình điều khiển từ app JAVIS, cách mình link với Google Home và Apple HomeKit để vận hành cái nhà của mình, và một số trải nghiệm thực tế, ưu nhược điểm của hệ thống JAVIS smarthome. Anh em nhớ chờ xem topic để ủng hộ mình nhé.