LÒNG TỪ BI VÔ HẠN và HAI ĐIỀU THIỆN TỐI CAO
Có 2 điều mà Đạo Phật gọi là điều thiện tối cao mà ta phải ghi lòng tạc dạ.
Thứ nhất, Phật dạy chúng ta phải làm vô số điều thiện mà không bao giờ được chấp công. Không bao giờ được kể công, làm rồi quên liền, làm mà coi như không làm. Giúp người mà coi như không giúp. Bố thí mà coi như không bố thí. Đây là đạo đức trên cả đạo đức, là cái đặc điểm thứ nhất.
Có người bảo tôi phải có tiền nhiều thì mới bố thí được chứ! Xin thưa, đúng là ta phải có cái gì thật nhiều, thật dư dã mới có thể cho đi được. Nhưng nếu ta không có nhiều tiền thì hãy cho đi lòng yêu thương, lời ái ngữ, một bàn tay ấm, một cái cười hiền, một ánh mắt cảm thông …. Ta làm được không? Ta sẽ không thể bố thí, không thể cho đi nếu trong lòng ta không có những thứ đó.
Thứ hai, ta làm tất cả điều thiện không phải vì sợ hãi bị tạo nghiệp mà đau khổ hay đọa địa ngục; không phải vì để tích phước cho cá nhân ở kiếp sau; không phải vì để hưởng quả báo cõi người, cõi trời. Mà vì lòng từ bi, ta đem tất cả các điều phúc thiện ta làm được đó hồi hướng cho khắp chúng sinh cùng hướng về Giác Ngộ, Giải Thoát, Vô Ngã.
“Chúng con không cầu phước báo nhơn thiên,
Chúng con chỉ cầu hướng đến Vô Thượng Bồ Đề.”
(Sám hối)
Đây là đỉnh cao của điều thiện. Cho nên nói tới ăn hiền ở lành, thương người giúp người, bố thí cúng dường còn cần phải xem lại cái mục đích của ta khi làm việc đó. Rất nhiều người còn tự cao khi lập quỹ từ thiện mang tên mình mới chịu bỏ tiền ra; còn mưu cầu cúng dường nhiều để nổi bật, để được các sư Thầy ưu tiên giải quyết các nhu cầu cúng kiến của gia đình; còn so đo “Tôi làm nhiều còn chị làm ít”; còn khinh thị “Tôi tới chùa đã 10 năm còn bà mới tới có vài lần, lạy còn chưa biết sao cho đúng cách thì mong gì Phật chứng cho”…
Nên biết rằng ta đã may mắn đến như thế nào khi ta được là con của Phật, vì ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni không ai dạy cho ta thấy tột cùng của điều thiện như thế. Muốn được như vậy không phải dễ, cũng không thể một sớm một chiều mà làm được. Bất kể mỗi ngày ta tụng bao nhiêu thời kinh, cầu nguyện hồng danh của các Đức Phật bao nhiêu lần và bái lạy bao nhiêu cái, chưa làm được hai điều trên thì ta chưa lĩnh hội được cái tinh túy nhất của Đạo Phật. Cho nên dù là tu sĩ ở chùa hay là cư sĩ ở nhà, hàng ngày ta phải luôn tinh tấn tu sửa bản thân để thoát khỏi tham, sân, si, đố kỵ, nghi ngờ, kiêu ngạo và luôn nuôi dưỡng lòng từ bi vô hạn, vô điều kiện với tất cả muôn loài vạn vật. Và chỉ khi đó ta mới có thể nói mình đã bước theo đúng con đường giác ngộ để giải thoát khỏi mọi khổ đau, sinh tử mà Đức Phật đã chỉ ra. Thiết nghĩ đó cũng là đó cũng là điều mà các tôn giáo chân chính khác muốn giáo dân của mình thực hiện để cùng hướng đến “Lòng yêu thương vô hạn của Đấng Tạo Hóa dành cho muôn loài vạn vật”.