1. RAZER Blade 14 2021: đi ngang đời ta, mua được giá hời

Khởi đầu “lận đận” của một kết thúc “đẹp”
Câu chuyện càng thú vị hơn khi nó đã thành sự thật với một cách tiếp cận hoàn toàn do cơ duyên. Đó là một ngày đẹp trời gần đây, chiếc HP Pavilion gaming 15 của mình bị tạch màn hình. Thực sự thì mình đã chán ngấy cái màu Xanh lá, muốn xa lánh em nó từ lâu bởi cái trọng lượng 2.3Kg đi kèm kích thước quá cỡ và độ dày thì như thời 10 năm trước. Và ngày ấy cũng đã tới…Thú thật từ lâu đã thích Macbook Pro 14 M1 vì danh bất hư truyền và do đang sài iPhone/ iPad rồi nên nghĩ rằng MAC sẽ khiến đồng bộ tốt / làm media nhanh / tập lập trình iOS, rồi Silicon M cũng sẽ hỗ trợ cài Windows tốt thôi,…
Nhưng mình quên đi rằng, MÌNH LÀ AI? Một một dân Kỹ thuật trong môi trường công nghiệp (mình có review Ở ĐÂY), cũng dựng video chơi chơi. Chính điều này đã chấm dứt ham muốn, nếu nói về tính thực dụng làm việc Kỹ thuật thì Thinkpad có lẽ là lựa chọn hàng đầu. Vốn dĩ cũng rất khát và chưa được thử dòng X1 trứ danh, X1 Extreme gen 3 hoặc X1 Carbon Gen 10 được mang ra bàn cân với quá nhiều đắn đo. Cuối cùng, mình chốt hạ X1 Carbon Gen 10 vì ưu tiên chọn 14" và cực kỳ nhỏ, nhẹ.

- Hiệu suất tản nhiệt của máy không tốt khi vừa sạc pin và chạy render 1 đoạn video 4K trên Adobe Premiere
- CPU / GPU tích hợp có dấu hiệu giảm xung nhịp hoặc duy trì mức thấp khi nhiệt tăng cao
Mình đã mang ra cửa hàng làm cho ra lẽ… Anh kỹ thuật đã cài cắm các kiểu từ cài Win 10 up lên 11 rồi cài trực tiếp 11 mất nửa ngày cũng vẫn y ở đó. Đó là công ty HH (xin giấu tên) ở Phú Nhuận.

Nhận lại 100% tiền và rời đi với suy nghĩ để kiếm cửa hàng khác mua X1 Extreme Gen 3.
Và…. Anh tôi xuất hiện!

Chốt deal hời cùng anh tôi
Anh ấy đã giúp mình mất thêm 2 ngày để tìm hiểu kĩ càng hãng “Rắn 3 đầu”, cùng hàng loạt các bài Review chuyên sâu nước ngoài về Razer Blade 14 2021. Không lẽ lại quay lại với “Xanh lá”, có quá nhiều điểm hấp dẫn:- Hàng mua ít sài, mà giá nghe thơm tho hết cỡ
- Màn hình 14", nặng bằng X1 Extreme gen 3 mà cấu hình thì khủng hơn
- Thiết kế nhôm nguyên khối chắc nịch, build ở cái tầm không ngờ tới
- Nghe danh chíp AMD mát đã lâu, thử cái.

Thực hư ra sao? Vâng! Sau đây cùng mình chia sẻ chi tiết thêm lý do tại sao chọn em nó… Và những trải nghiệm thực tế hết sức thú vị.
2. Lý do chốt deal: thiết kế đỉnh nhưng thực dụng, hiệu suất cao

Thiết kế: một laptop Gaming và Sáng tạo di động - Không sai
Mang trong mình trứng khủng long nhưng lại ôm gọn hài hòa với thiết kế “UniBoby” với kích thước 319.7 x 220 mm và chỉ dày 16.8 mm. Khối nhôm CNC liền mạch và sơn Anode mờ mịn làm nên cảm giác ma mị mỗi khi rờ vào. Nếu nói “Macbook chạy Windows” cũng không ngoa chút nào vì phong cách vuông vức và tối giản tựa như các dòng Macbook Pro gần đây.Mặc dù 14" nhưng với trọng lượng ~1.7Kg là một con số ngang ngửa X1 Extreme Gen 3 (15.6") mà trước mình đã cân nhắc, không nặng - không nhẹ để đánh đổi một cấu hình khủng + hiệu năng tản nhiệt thì điều đó là xứng đáng.

- Logo rắn 3 đầu xanh sẽ phát sáng khi sử dụng cũng là một sự khác biệt, như kiểu Macbook ngày xưa.
- Viền 2 bên siêu mỏng ~3mm nhưng vẫn được ôm cứng cáp bởi khối nhôm. Mặc dù viền trên có hơi dày do chứa IR camera cho Windows Hello.
- Màn hình 14" 2.5K /165Hz /sRGB 99.9% / Delta E<2. Chưa bàn tới chất lượng màu sắc nhưng riêng cái độ sáng >300 nit + phủ chống lóa khi ra ngoài trời khá ổn áp.

- Bàn phím với lối thiết kế hiện đại như các mẫu Ultrabook ngày nay với điểm nhấn là hệ thống đèn nền Chroma RGB (phần sau nói kĩ hơn)
- Touchpad đủ đẹp, đủ rộng và đủ cao cấp khi phủ lớp kính cho cảm giác di chuột cực kỳ mượt mà
- Hai dải loa thiết kế đối xứng tương tự như Macbook Pro hay DELL XPS 15 để âm thanh đập thẳng vào tai

Mặt dưới cũng sắc xảo và cực kỳ tinh gọn với 2 quạt 2 bên đi kèm họng phà hơi nóng thoát nhiệt được giấu kĩ ngay bản lề khi mở máy ra phần nào đó làm giảm hiệu quả tản nhiệt. Nhưng bù lại, fit cao su mặt lưng làm dày như một vách ngăn của hơi nóng - lạnh và điều này cũng làm con máy vững chãi hơn khi đặt trên bàn.
Quảng cáo

Cổng kết nối: đầy đủ, thực dụng cho dân kĩ thuật như mình
Cạnh trái ta có một cổng sạc chuyên dụng kèm củ sạc 230W đi theo, jack 3.5mm, 1 cổng USB A, 1 cổng Type C, đều là 3.2 gen 2 (không có Thunderbolt vì chip AMD) nhưng vẫn hỗ trợ sạc nhanh PD lên đến 100W.- Với dân kỹ thuật và đặc biệt là lập trình nhúng, cổng USB A tối quan trọng bởi hầu hết các mạch nạp chip đều còn đang sài cáp này.
- Mình cũng luôn thích máy có cổng 3.5mm để khi cần có thể gắn tai nghe / loa

Cạnh phải, cũng tương tự nhưng có thêm 1 cổng HDMI 2.1. Một lần nữa, nó lại là lý do hợp lý khi mà ở công ty mình hoặc đi đâu đó vẫn còn trình chiếu bằng cổng này rất phổ biến.
- Với việc trang bị 2 cổng USB A và Type-C đối xứng 2 bên có hỗ trợ sạc PD, nó cho phép mình kết nối rất thuận tiện với thiết bị, cục sạc PD 65W mới mua cầm đi ra ngoài khá tiện.

Còn đây là cục sạc 230W theo máy, đành để nó ở nhà bởi không khác gì "cục gạch" đúng nghĩa đen nặng 800gr

Cấu hình: mạnh mẽ, có thể dùng lâu dài
- AMD Ryzen 9 5900HX (3.30GHz, up to 4.6Ghz, 8C, 16T)
- 16GB DDR4-3200MHz memory (on board)
- Nvidia GeForce RTX 3070 GPU (8GB VRAM, 100W TGP)
- 1TB SSD (M.2 NVMe PCIe 3.0 x4)
Tổng kết lý do mua
- Là laptop chạy Windows
- Thực dụng để phục vụ công việc đặc thù kĩ thuật và đôi khi phải di chuyển: chuẩn 14", không quá nặng, đa năng cổng kết nối, kích thước gọn, mà cấu hình phải tương đối mạnh.
- Vì nó đẹp, chất lượng build xịn nên có cảm hứng và tin tưởng dùng lâu dài
- Nó cùng hệ nhà em thích RGB, đèn đóm.
- Đỏ mua được thôi, đen quên đi với giá 25tr. Cũng là cơ hội sửa sai với X1 Carbon Gen 10, một sự thế chỗ hoàn hảo cho X1 Extreme Gen 3
3. Thực tế dùng cho công việc và giải trí: dư giã, cảm xúc

Sức mạnh: nó lại quá hợp lý cho một Kĩ sư DEV nhúng và thích dựng phim
Thực tế, chắc nhiều anh em coder cũng hiểu là với dân lập trình, CPU rất quan trọng trong việc build project: nhiều nhân, tăng tốc và đa luồng càng mạnh càng tốt.Dưới đây là Video so sánh nhanh build cùng 1 Project nhẹ nhàng bởi phần mềm IAR EWARM (trình biên dịch code nhúng chip ARM 32 bit) trên Razer Blade 14 và PC trên công ty mình để cân kèo xem sao? Cả 2 đều có xung cơ bản từ 3.3 Ghz đến Turbo 4.6 Ghz, chỉ khác nhau cơ bản số nhân - số luồng.
Quảng cáo
(Vẫn biết so sánh chipset Laptop với PC là khập khiễng, nhưng hiện tại mình không có máy khác để test)
Trên Ryzen 5900HX của mình hoàn thành ~2.5s (từ giây 8.5 đến 11)
Trong khi Core i7-8700 (8th) trên PC hoàn thành ~3s (từ giây 11 đến 14)
==>Như vậy, rõ ràng 5900HX tỏ ra hiệu quả trong tác vụ đa luồng. Đương nhiên rồi, 16 luồng phải hơn 12 luồng nếu cùng xung nhịp. Tuy nhiên, nếu phải tăng tốc liên tục thì cái nào tản nhiệt tốt sẽ thắng và nhu cầu của coder thì lâu lâu mới biên dịch 1 phát nên Ryzen 5900HX đúng là mạnh so với nhu cầu của mình.
- Còn vấn đề RAM - Phải nói như thế nào nhỉ? Dư sài, 16GB RAM là tiêu chuẩn an toàn tối thiểu của anh em kỹ thuật bọn mình. Vì công việc DEV phần cứng, Firmware không chỉ mở nhiều phần mềm một lúc mà mở rất nhiều Tab duyệt web để nghiên cứu thông tin.
- SSD mới là điều tuyệt vời (so với con HP cũ chạy HDD), nó làm máy nhẹ, không còn tiếng quay rú khi chép dữ liệu nặng. Quan trọng, mình cảm giác dữ liệu an toàn hơn, tốc độ nhanh miễn bàn. Khi bạn làm thiết kế 3D (file dữ liệu rất nặng) như Solidwork chẳng hạn, bạn bấm lưu 1 cái mà nó xoay vòng vòng thì mất hứng lắm.

Nhiệt độ: ấn tượng, khó làm quạt chạy ồn
Ryzen 9 5900HX được SX trên tiến trình 7nm của TSMC, trải nghiệm thực tế nó mát hơn các laptop chạy Intel như HP Pavilion gaming trước đây hay là X1 Carbon Gen 10 vừa trải nghiệm. Phần nào lý giải được tại sao RAZER luôn chọn chip AMD cho Blade 14 serial: hiệu suất cao cho một laptop Gaming 14"



Pin và sạc USB-C: đủ dùng, tiện lợi
May mắn thay quả pin 61.6Wh bên trong máy mình tháo ra thấy chưa phù, check battery report cũng còn 99%. Bữa chủ nhật đem đi cafe lướt Web, lên bố cục bài viết rồi mang đi quay review ngoài công viên (max độ sáng) chắc cũng 4 tiếng mà còn 20% pin, vậy là quá ổn cho một laptop ưu tiên không gian tản nhiệt. Một lần nữa với mình, lựa chọn nền tảng AMD và màn mình 2K là quyết định đúng đắn.Như đã nói phần trên, củ sạc PD Ugreen 65W mình mua hoàn toàn đáp ứng nhu cầu ra ngoài làm việc nhẹ nhàng mặc dù sạc có chậm hơn củ 230W theo máy. USB-C có sạc PD quá đã, chỉ cần mang 1 cục sạc nhỏ gọn với sợi C-C + đầu nối C-Lightning là cân hết cho Laptop / iPad / iPhone / Tai nghe,....

Giá trị Nghe - Nhìn: nhiều cảm xúc, hứng thú làm việc
Đầu tiên phải nói là màn hình 14" độ phân giải 2560x1440 với tỉ lệ 16:9 có có chút thua thiệt khi mà RB14 đời 2023 đã có tùy chọn 16:10 như các dòng ultrabook mới đây. Mình đã thử qua X1 Carbon Gen 10, phải thừa nhận tỉ lệ 16:10 cho hiệu quả làm việc tốt hơn.
- Độ phân giải 2.5K đủ mịn (~202 PPI) và cân bằng tiết kiệm pin khi so với màn hình 4K. Mình thích điều này, nó cho phép mình có nhiều pin hơn khi ra ngoài.
- Phủ chống lóa nhưng vẫn rất rực rỡ với độ bao phủ màu 99.9% sRGB / độ sai màu Delta E<2, điều này một lần nữa lại phù hợp với con màn ở nhà của mình là ProArt PA279CV.
- Độ sáng >300nit, ở video đầu bài mình quay ngoài trời nhưng vẫn nhìn rõ rất ưng bụng.
- Tần số quét 165 Hz là cái gì đó rất có tương lai với mình, có thể sẽ nổi hứng chơi Game.





Trải nghiệm không như ý: Synapse, DisplayPort, tỉ lệ màn hình,… - tiểu tiết, tạm chấp nhận
Nhân vô thập toàn, đồ vật cũng vậy sẽ không hoàn hảo.- Phần mềm Razer Synapse đôi khi hoạt động chưa ổn định khiến LED RGB nhảy lung tung hết, hình nền cài đôi khi cũng mất. Có lẽ họ đã nhét quá nhiều chức năng All-in-one vào.
- Khi Pin yếu tầm <50% thì kết nối USB-C (DisplayPort) tới màn sẽ hay bị Disconnect và ngưng sạc luôn, và lúc đó đành cắm sạc 230W. Mình chưa rõ vấn đề ở cổng C màn hình hay do máy ưu tiên sạc Pin nên việc xuất màn 4K bị chập chờn. Mặc dù Razer triển khai cấu hình sạc nhanh PD 3.0 lên đến 20V @5A trên cả 2 cổng C nhưng theo mình tìm hiểu trên Reddit nhiều anh em nói có vấn đề và thường chỉ nhận 65W. Cái này sẽ test thêm xem sao.
- Nếu phải chọn giữa tỉ lệ 16:10 hay là tần số 165Hz, thì mình ưu tiên chọn 16:10 vì mình mua để làm việc. Nhưng thôi, 16:9 có sao, được cái này mất cái kia.
- Thiếu khe thẻ SD là một bất tiện, tuy nhiên mình cũng có sẵn đầu đọc USB 3.0 multi card nên cũng không phải vấn đề lớn.
- Bàn phím của một laptop Gaming nhưng thua xa Thinkpad, nút nguồn ngay cạnh nút Del hay nhấn nhầm.

4. Kinh nghiệm cho anh em đi mua Laptop
Bản thân đã trải qua nhiều lựa chọn sai lầm, nên cũng khôn hơn xíu. Riêng về lựa chọn con máy trong bài này đúng hơn là một may mắn, vượt xa kỳ vọng của 1 laptop dưới 30tr. Anh em có thể tham khảo thêm các yếu tố dưới đây.Vấn đề chung hay mắc
- Hãy lựa chọn OS (MAC, Windows) là tiêu chí hàng đầu phục vụ nhu cầu, vì nó quyết định khả năng đáp ứng. Như mình là dân kỹ thuật cũng mơ mộng Macbook rồi cũng dẹp luôn, công bằng mà nói Windows đang phục vụ rộng khắp các ngành nghề: kỹ thuật, IT, media, văn phòng, gaming…
- Lựa chọn nền tảng CPU: nếu cần sức mạnh vừa phải cân bằng với thời lượng pin và nhiệt độ thì mình nghĩ AMD là lựa chọn tốt hơn Intel ở thời điểm hiện tại
- Lựa chọn bộ nhớ dư giả một chút để ít ra còn sài được 3-4 năm chứ đổi máy/nâng cấp hoài mệt lắm (mỗi lần cài Win sợ thiếu cái này cái kia, Driver không tương thích rồi mất công mò mẫm). Trong đó, 16GB RAM + 1TB SSD là tiêu chuẩn (chắc định nói dùng Cloud, xin thưa mình từng bị làm hỏng cả Project khi Syns). Lỡ tốn thêm xíu nhưng dùng thoải mái mà tính ra lại tiết kiệm, vì nếu sau này bạn nâng cấp thì cái đang gắn trong máy bán lại rất thấp.
- Lựa chọn phân khúc: theo mình nên mua những dòng đầu bảng của 1-2 năm trước hàng 2nd còn hơn mua mấy con tầm trung mới nhất. Tất nhiên, cái này tùy khả năng tài chính. Anh em có tiền thì cứ quất con đầu bảng mới nhất. Còn các em sinh viên thì nên cân nhắc phù hợp tầm trung được rồi.
- USB-C: hỗ trợ DisplayPort và sạc PD là 2 tiêu chuẩn buộc phải có từ nay trở về sau, nó rất là tiện.
- Mua hàng 2nd: Lựa chọn cửa hàng uy tín và đối với cả Win hay Mac đều nên RESET PC nhé, biết đâu dính MDM hoặc mail doanh nghiệp.
Các nhu cầu đặc thù
- Với Coder: ưu tiên CPU mạnh, nhiều nhân vì nó tiết kiệm khá thời gian để Build project nặng. Còn anh em làm mảng AI máy học thì card đồ họa rất quan trọng cho việc tính toán phức tạp.
- Laptop 14" hiệu suất cao: Ngoài RAZER, nếu đã yêu thích 14" nhỏ gọn mà lai giữa Gaming và Công việc thì Asus Rog Zephyrus G14 cũng được đánh giá rất cao với thiết kế ngầu hơn và giá mềm hơn.
- Chơi Game thứ thiệt: mình không chơi game nhưng hiểu rằng điều quan tâm nhất vẫn phải là hệ thống tản nhiệt, nó quyết định độ ổn định và trâu bò theo thời gian. Nếu như RAZER cân bằng thiết kế và hiệu năng, thì các dòng truyền thống nổi bật như: DELL Alienware, Lenovo Legion,… với khả năng tản nhiệt rất ấn tượng mà giá cũng hợp lý là lựa chọn tốt hơn.
- Làm kĩ thuật, hãy thực dụng: Đừng ham hố mấy dòng 2-in-1 cảm ứng 360, rồi là màn 4K. Nó chỉ được cái mắc tiền, mỏng manh dễ vỡ, nhanh hết pin. Vì mình đã từng mua con HP Spectre 15 X360 và phải bán gấp vì luôn phải “nâng niu”. Với mình, Thinkpad dòng X1 Extreme, P, T luôn là sự lựa chọn đầu tiên rồi đến DELL precision. Cái này, tùy tài chính và khẩu vị anh em.
5. Chia sẻ thêm về góc làm việc ở nhà
Mình không dùng PC vì thấy không cần thiết và mất công cài phần mềm, đồng bộ dữ liệu với laptop rất phiền.

Chúc anh em có những sự chọn lựa ưng ý! Xin chào và hẹn gặp lại!
***Update 17/10/23: Mình đã đổi sang ROG G14 2022 vì USB-C thực sự có vấn đề, mời đọc thêm
https://tinhte.vn/thread/lai-doi-sang-rog-zephyrus-g14-2022-cung-vi-bo-qua-giai-db-cuoc-thi-review-ly-do-mua-may-tinh.3726554/

Lại đổi sang ROG Zephyrus G14 2022, cũng vì bộ quà giải ĐB cuộc thi Review lý do mua máy tính | Viết bởi williamcuong282
#reviewlaptop
#lydomua