Màn hình Samsung QD-OLED dùng ma trận tam giác, có thể bị quang sai ở rìa vật thể

AmbitiousMan
24/3/2022 17:24Phản hồi: 3
Màn hình Samsung QD-OLED dùng ma trận tam giác, có thể bị quang sai ở rìa vật thể
Sau khi thất bại với RGB OLED kích thước lớn, Samsung một mực từ chối công nghệ này và đặt cược vào LCD chấm lượng tử. Song, nỗ lực thương mại hóa bằng được White OLED của LG sau khi kế thừa nó từ Kodak (hãng phát minh công nghệ OLED) đã buộc Samsung phải suy nghĩ lại. Trước việc bị các hãng Trung Quốc đánh bật khỏi thị trường LCD, Samsung Display quyết định quay trở lại với OLED bằng 1 cách tiếp cận mới. Màn hình QD-OLED vì thế ra đời, là sự kết hợp của Blue OLED với chấm lượng tử (QDCC), đối đầu với White OLED kết hợp bộ lọc màu (CFA) của LG.

Những sản phẩm QD-OLED xuất hiện


SDC sản xuất các tấm nền OLED mới này và bán cho Samsung Electronics (bộ phận Visual Display phụ trách TV), Sony và Dell. Những sản phẩm đầu tiên trên thị trường gồm có màn hình gaming Alienware AW3423DW, TV Bravia XR MASTER A95K của Sony, TV Quantum HDR OLED QNS95B từ Samsung. Dự kiến, cuối năm nay Samsung có thể còn ra thêm 1 màn hình gaming OLED nữa - G8QNB. Được biết, SDC đã mua kính Astra Glass của Corning làm đế nền cho QD-OLED.

QD-OLED triangle pixel 4.jpg
TV QD-OLED đầu tiên của Samsung ra mắt không kèn không trống, tấm nền 4K 10-bit, 100% DCI-P3, tần số quét 120Hz, chip Neural Quantum Processor 4K, hệ điều hành Tizen, 4 cổng HDMI 2.1 cùng nhiều công nghệ nghe nhìn xịn sò khác. (ảnh: Heise)​

Phản hồi ban đầu về chất lượng hình ảnh của Dell AW3423DW và Sony A95K đều khả quan.

PCWorld đã giật title: “Có màn hình QD-OLED này rồi, bạn sẽ coi phần còn lại là **** hết” (vui thôi, nguyên văn là: “Quantum dot OLED renders rival monitors obsolete”), khi đánh giá mẫu gaming monitor từ Dell. Dù vậy, có vài điểm trừ như text bị răng cưa và viền chữ nhạt màu, HDR chưa thực sự ấn tượng.

Còn Digital Trends đã nhanh chóng chấm 5/5 sao đối với mẫu TV flagship của Sony, thậm chí còn khen màu đỏ trên màn hình này là màu đỏ được tái tạo đẹp nhất trong sự nghiệp đánh giá của anh.


TV QD-OLED đầu tiên trên thế giới liệu có ra gì?​

Cấu trúc điểm ảnh tam giác


Song, cứ ngỡ đây đã là màn debut hoàn hảo của Samsung Display với tấm nền QD-OLED, được hứa hẹn là vượt trội so với các công nghệ panel LCD và White OLED hiện có, thì đã có vấn đề đáng chú ý đầu tiên xuất hiện. Theo báo cáo từ tạp chí Heise nước Đức, họ phát hiện những tấm nền OLED mới này đều sử dụng cấu trúc điểm ảnh lạ lùng, có thể gây ra quang sai ở viền.

Cụ thể, thay vì xếp thành dãy RGB với 3 cột R-G-B thẳng hàng nhau như RGB Stripe truyền thống, Samsung đã cho điểm ảnh xếp theo hình tam giác (triangle). Ở đỉnh trên cùng là subpixel G, 2 góc dưới là subpixel R và B, như vậy hàng trên sẽ chỉ có 1 subpixel và hàng dưới có 2, trong khi khoảng trống màu đen giữa các pixel thì rất lớn.

QD-OLED triangle pixel 3.png
Màn hình LG hơn 70 triệu đồng sử dụng tấm nền do JOLED sản xuất, ma trận RGB Stripe (ảnh: Heise)​

QD-OLED triangle pixel 2.png
Màn hình Alienware có giá bên Mỹ 1,300 USD trang bị tấm nền của SDC, ma trận tam giác (ảnh: Heise)​

Khi đặt cạnh màn hình LG UltraFine OLED Pro 32EP950, vốn trang bị tấm nền RGB OLED in phun của JOLED, thấy rõ sự khác biệt. Tấm nền JOLED có 3 cột R-G-B thẳng hàng nhau đều tăm tắp, các khe trống màu đen cũng hẹp hơn. Còn tấm nền QD-OLED do Samsung sản xuất (trên Alienware AW3423DW) thì nhìn khá loạn do cách sắp xếp hình tam giác kì lạ, khoảng trống thì lớn hơn đặc biệt ở hàng chỉ có subpixel G.

Quảng cáo



*Các tấm nền White OLED của LG sử dụng ma trận RGBW-RGBW sẽ nhìn gần như RGB Stripe. Nếu bỏ hết cột subpixel W đi thì vẫn còn nguyên 3 cột R-G-B.

Theo tạp chí Heise, điều này dẫn đến hiện tượng quang sai ở các rìa vật thể, tức 2 thành phần hiển thị khác nhau tiếp giáp với nhau thì chỗ viền giao giữa chúng sẽ không chính xác nữa. Dường như nhận định này đã làm sáng tỏ phàn nàn ở trên của PCWorld. Khi họ đọc văn bản, rìa các con chữ bị ngả màu hoặc có bóng lờ mờ. Các bạn có thể nhìn vào hình minh họa để thấy rõ hơn.

QD-OLED triangle pixel 1.jpg
Các bạn có thể nhận ra màu sắc thay đổi ở các đường viền khi có 2 vật thể chồng đè lên nhau (ảnh: Heise)​

Khi mảng đen đè lên mảng trắng, rìa sẽ có màu tím nhưng chạy ra phần giao với mảng màu xanh, đường viền lại quay sang màu xanh dương. Khi mảng xanh dương giao với mảng trắng, đường viền ngang chia nửa trên xanh dương dưới xanh lá. Ở phần viền dọc lại là màu xanh dương nhạt hơn. Nếu là con trỏ chuột màu trắng có đường thẳng và dốc, đường viền chỗ giao với nền màu đen sẽ biến ảo 7 sắc cầu vồng, đủ cả đỏ, xanh lá lẫn tím.

Tạp chí Đức nhận định, nó có thể bị chú ý nếu vật thể hiển thị là text hoặc các kết cấu phức tạp, nhất là với giao diện desktop có nhiều vật thể tĩnh hay các con chữ. Song, thỉnh thoảng cũng có thể nhận ra ngay trong game.

QD-OLED triangle pixel 5.jpg

Quảng cáo


Ngay ở sự kiện ra mắt TV OLED mới, các chuyên gia đã nhận ra vấn đề ở giao diện Menu trên màn hình (ảnh: Heise)​

Các chuyên gia của Heise không chỉ nhận ra vấn đề quang sai khi test màn hình Dell, ngay trong sự kiện giới thiệu mẫu TV OLED QNS95B mới của Samsung, họ đã thấy có điều gì đó sai sai ở Menu bằng con mắt tinh tường.

Chữ “Blind” màu trắng trên nền đen đã bị quang sai ở viền. Viền trên các chữ cái có sắc lục còn cạnh đáy lại lộ sắc tử (“tử” là màu tím, chính là pha màu đỏ và xanh lam mà thành). Và nếu săm soi kỹ, hình như ngay cả icon Album nền trắng bên cạnh, viền có màu hơi xanh ở đường vòng bên trên còn vòng phía dưới lại ngả đỏ tím.

Samsung nói gì?


Đại diện Samsung đã trả lời với trang công nghệ FlatpanelsHD về vấn đề này. Công ty thừa nhận các tấm nền OLED này “đều không sử dụng RGB Stripe truyền thống mà là 1 cấu trúc tối ưu khác, nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng về màu sắc và HDR. Họ chọn cấu trúc điểm ảnh mới [tam giác] để tối ưu các đặc tính quang học của màn hình như độ sáng, gam màu và độ bền.”

QD-OLED triangle pixel 6.jpg
Ảnh chụp marco ma trận tam giác lạ lùng trên màn hình OLED mới của Samsung (ảnh: Heise)​

Song, đại diện SDC vẫn khẳng định “mỗi điểm ảnh đều cấu thành từ 3 điểm ảnh phụ cơ bản là Red - Green - Blue.” Do vậy, cấu trúc này vẫn ưu việt hơn loại ma trận Pentile - tồn tại trên 100% màn hình smartphone hiện nay nhưng không có ở TV và màn hình PC.

Công ty nói rằng ma trận điểm ảnh Pentile phải đánh đổi bằng chi tiết và độ chính xác [màu sắc], không bằng màn hình của họ [trên Alienware AW3423DW] có 3,440 x 1,440 pixel với mỗi pixel lại gồm 3 subpixel R-G-B. Tuy sử dụng ma trận tam giác kì lạ, QD-OLED không phải hy sinh chi tiết và độ chính xác như Pentile.

Hơn nữa, hãng còn khẳng định kể cả với RGB Stripe, màn hình vẫn có thể bị lộ dấu vết màu sắc không hoàn hảo như thế này. Chỉ là do công nghệ QD-OLED của họ có tương phản và gam màu rộng quá vượt trội, nên hiện tượng này mới bị phát hiện dễ đến như vậy.

Samsung QD-OLED Display CES 2022.jpg

“Ngay cả với màn hình LCD và OLED sử dụng ma trận RGB Stripe thông thường cũng có thể bị nhìn thấy. Nó có thể lộ ra ở phần rìa 2 cạnh trái và phải khi hiển thị ở độ tương phản rất gắt. Màn hình có tương phản và gam màu xuất sắc như QD-OLED sẽ thúc đẩy hiện tượng này bộc lộ, nhất là khi nó có cấu trúc điểm ảnh mới.”

Hãng thừa nhận có thể nhận ra quang sai ở viền khi tiến lại gần màn hình, song, Samsung cho rằng trong phần lớn các điều kiện thực tế sẽ không phải vấn đề to tát. Còn chuyên gia của tạp chí Đức thì nói họ nhận ra các đường viền quang sai này ngay cả trong video và game, nhưng dễ thấy nhất là khi làm việc ở giao diện desktop (trên màn hình Dell), trường hợp của PCWorld có thể là 1 ví dụ.

Cách soi nó trong thực tế là chú ý phần phụ đề hoặc hàng dài credit cuối mỗi tập phim, chữ trắng trên nền đen sẽ dễ lộ ra màu tím và xanh ở đường viền các ký tự. Do TV thường được xem ở khoảng cách xa, nó có thể khó nhận ra hơn so với màn hình máy tính như Samsung nói thật. Song, Heise cho rằng với danh tiếng của mình và với mức giá hàng ngàn USD, lẽ ra vấn đề này đã phải được xử lý tốt hơn.

Samsung QD-OLED QNS95B.jpg

Hy vọng những gì Samsung nói là đúng!


Vấn đề là trong thực tế của người dùng, liệu họ có nhận ra không? Con mắt của chúng ta chắc chắn không thể nào tinh tường như những chuyên gia được, nhưng có thể 1 lúc nào đấy bạn vô tình thấy hiện tượng lạ trên viền con chữ thì sao? Nhất là khi sử dụng màn hình máy tính, liệu các vết quang sai ở viền text và vật thể có lộ ra dễ dàng hay không?

Ảnh chụp minh họa có thể chưa nói lên hết vấn đề, giống vụ màn hình iPad Pro 12.9 inch bị quầng sáng tóe loe xôn xao 1 thời. Có khi ở ngoài đời màn hình lại long lanh sống động, không nhận ra vấn đề nào. Nếu khó nhận biết đúng như Samsung trấn an thì cũng không đáng ngại. Còn ngược lại, “may mắn” thì bạn cũng đã đọc được bài viết này và chuẩn bị sẵn tâm lý!

Về giá bán, TV Sony chưa công bố chính thức; Samsung bán QNS95B 55 inch 2,200 USD và 65 inch 3,000 USD; Dell bán Alienware AW3423DW 1,300 USD.

3 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hungtrumno
TÍCH CỰC
2 năm
Ối giời ơi luôn. Samsung cứ cố gắng làm khác đi để mà làm cái gì ko biết. Dù có cố biện minh thế nào thì phải thừa nhận luôn là khoảng đen trong thiết kế bố trí điểm ảnh kiểu này là quá nhiều (nhìn hình là thấy rõ rồi), làm sao mà so với 3 dải RGB xếp cạnh nhau như truyền thống được.
Mình có đi xem con A95K rồi, dường như không thấy luôn á bác, chắc do nhìn xa nên vậy.
Tình hình này phải tung Seeder đi tuyên truyền Hình vuông là ngõ cụt, tam giác mới là tương lai!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019