Máy Mac bị chậm sau một thời gian sử dụng, làm sao bây giờ?

Duy Luân
22/6/2014 18:15Phản hồi: 202
Máy Mac bị chậm sau một thời gian sử dụng, làm sao bây giờ?
OS_X_bi_cham.jpg
Máy MacOS X là những hệ thống rất tốt, độ ổn định cao và chúng ta có thể không cần cài lại hệ điều hành thường xuyên. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng vẫn có lúc chúng ta cảm thấy chiếc máy tính của mình dường như chạy chậm đi rất nhiều so với trước đây, biểu tượng chờ bảy màu xuất hiện thường xuyên hơn, việc mở ứng dụng, xử lý các tác vụ thông thường hay thậm chí mở trang web cũng trở nên chậm chạp. Vậy tại sao điều này lại xảy ra và khắc phục nó như thế nào?

Nói tới lý do thì có nhiều lắm, ví dụ như ổ đĩa bị đầy và nó khiến các hoạt động thông thường của OS X bị chậm hẳn đi. Ngoài ra, các phần mềm bị crash (tức bị đóng và lỗi) cũng có thể khiến các tập tin tạm của hệ thống bị ảnh hưởng, từ đó khiến hiệu năng không còn được như trước. Những phần mềm cũ không xài nữa có thể vẫn còn tồn tại một số tiến trình chạy nền, hoặc bạn không có đủ RAM để giải quyết cho nhu cầu sử dụng của mình. Nếu bạn cũng gặp tình trạng máy Mac trở nên "rùa bò", hãy thử qua 5 cách sau đây:
  • Giải phóng dung lượng lưu trữ
  • Xây dựng lại cấu trúc thư mục hệ thống và dọn bộ nhớ tạm
  • Xóa bớt các app chạy cùng lúc với OS X
  • Xóa bớt các Internet plugin
  • Quản lý RAM tốt hơn (hoặc bổ sung thêm RAM)
Giải phóng dung lượng lưu trữ

Một ổ SSD hay HDD bị đầy luôn khiến hệ thống bị chậm đi, và không riêng gì OS X mà Windows cũng gặp tình trạng này. Bình thường hệ điều hành và app sẽ dùng RAM để lưu những dữ liệu cần thiết cho việc hoạt động của chúng, tuy nhiên song song đó chúng cũng thường xuyên phải truy cập vào HDD hoặc SSD để đọc/ghi dữ liệu hoặc tạo ra tập tin tạm nhằm hỗ trợ cho việc sử dụng của chúng ta. Một ổ lưu trữ bị đầy khiến quá trình này bị hạn chế, hay tệ hơn là không còn chỗ để tạo tập tin tạm, thế nên chúng làm cho hệ thống trở nên chậm chạp thấy rõ.

Để xem dung lượng trống của ổ lưu trữ trên máy, bạn vào  > About This Mac > Storage. Trong cửa sổ mới, bạn dễ dàng thấy được từng loại nội dung chiếm bao nhiêu GB, từ đó quyết định xóa bớt những thứ không cần thiết. Nếu muốn, anh em cũng có thể xài thêm những công cụ hỗ trợ dọn dẹp hệ thống như Clean my Mac 2 (tìm kiếm và xóa tập tin tạm, xóa các tàn dư của app đã gỡ bỏ...) hoặc Gemini (tìm tập tin trùng lắp và xóa chung đi).


Storage.jpg

Xin chia sẻ vài cách mà mình dùng để tiết giảm những gì được lưu trữ trực tiếp trên máy:
  • Với các file phim HD, chúng có dung lượng rất rất lớn, lên tới vài GB. Thay vì lưu thẳng lên HDD/SSD, mình chép chúng ra ổ cứng rời. Khi nào cần xem thì chỉ việc kết nối ổ rời này vào máy là xong, rất nhanh chóng và đơn giản, trong khi chúng ta có thêm rất nhiều không gian trống để dành cho việc cải thiện hiệu năng.
  • Tương tự cho tập tin hình ảnh. Một lần chụp hình về xử lý xong có thể lên tới cả GB, thế nên sau khi xử lý hậu kì xong hết thì mình hoặc upload ảnh lên Flickr.com (bạn có 1TB miễn phí trên đó), hoặc chép ra ổ cứng rồi. Động tác này vừa có tác dụng sao lưu (lỡ bạn mất máy thì dữ liệu vẫn còn), vừa cho phép chúng ta có nhiều dung lượng trên máy hơn.
  • Các tập tin tài liệu, ví dụ như văn bản, bảng tính, file thuyết trình, PDF... có liên quan đến công việc hoặc học hành thì mình đưa hết lên Dropbox (hoặc một dịch vụ lưu trữ trực tuyến nào đó tùy bạn). Có một số file sau khi xài xong thì hiếm khi chúng ta đụng đến nữa, thế nên mình sẽ bỏ chọn việc đồng bộ chúng xuống máy Mac, khi nào cần thì lên mạng lấy lại sau. Tập tin vẫn còn đó chứ không mất đi đâu hết, nhưng mà còn trên mạng, không phải trong ổ HDD/SSD của chúng ta.
  • Tóm lại, những thứ mình lưu thường xuyên trên máy Mac của mình chỉ bao gồm: nhạc, những tập tin tài liệu thường xài nhất, và ứng dụng. Chấm hết.
Xây dựng lại cấu trúc thư mục hệ thống và dọn bộ nhớ tạm

Cấu trúc thư mục (disk directory) là một danh sách các tập tin được lưu trên ổ HDD/SSD của máy kèm theo vị trí chính xác của chúng. Đôi khi disk directory có thể bị "lệch" so với những tập tin thực tế. Ví dụ, khi một ứng dụng bị crash hoặc không thể lưu file hoàn chỉnh, thông tin trong disk directory sẽ không khớp với những gì thực sự có trên ổ của chúng ta. Nhiều tác vụ đọc/ghi bị lỗi và phần thừa thải của chúng sẽ dần dần xuất hiện sau một thời gian xài máy khiến tốc độ truy xuất dữ liệu bị chậm đi trông thấy. Đó là chưa kể đến việc chúng ta không thể mở hay lưu file nữa.

Có rất nhiều công cụ được phân phối trên thị trường để giúp bạn giải quyết vấn đề nói trên, tuy nhiên chúng ta có một giải pháp đã tích hợp sẵn trong Mac rồi: Safe Boot. Chế độ khởi động đặc biệt này sẽ chạy một bài kiểm tra đầy đủ trên ổ cứng của bạn. Nếu có lỗi xảy ra, Safe Boot sẽ cố gắng sửa các vấn đề đó cũng như chỉnh lại những phần không khớp giữa file thật với disk directory. Nó cũng sẽ xóa đi các tập tin tạm và những dữ liệu “rác” còn sót lại, chính vì thế khi bạn boot máy lên ở lần kế tiếp, chúng ta sẽ có một hệ thống sạch sẽ.

Để dùng Safe Boot, hãy tắt hẳn (shut down) chiếc máy Mac của bạn. Sau đó, nhấn nút nguồn để máy chạy lên, và ngay khi bạn vừa nghe âm thanh ồ ồ đặc trưng lúc khởi động thì hãy nhấn giữ phím Shift. Lưu ý là chỉ nhấn Shift khi bạn nghe âm thanh, càng sớm càng tốt, nhưng không phải là trước đó. Khi logo Apple màu xám và một thanh chạy xuất hiện, bạn đã có thể bỏ phím Shift ra. Lúc thanh tiến trình chạy hết, bạn sẽ vào được OS X, khi đó chỉ cần restart lại một lần là xong. Quá trình này có thể mất từ 10 phút đến một tiếng tùy tình trạng hệ thống.

Safeboot.jpg

Để sửa chữa disk directory ở mức độ cao cấp hơn, bạn có thể xài DiskWarrior. Ứng dụng này có thể giúp ích khi máy tính của bạn không thể chạy một cách bình thường và bị lỗi quá nhiều. Tuy nhiên, với nhu cầu bình thường thì Safe Boot là đủ.

Cũng có thể bạn sẽ được khuyên dùng app Disk Utility để “repair permissions”. Ở thời gian trước thì cách này hữu ích, nhưng trong những phiên bản OS X mới đây thì biện pháp sửa phân quyền không còn nhiều tác dụng, thay đổi không rõ rệt và thậm chí là không có gì được cải thiện cả.

Quảng cáo


Xóa bớt các app khởi chạy cùng với OS X

Những ứng dụng khởi động cùng lúc với hệ thống có thể khiến máy rất chậm sau khi mở lên, bởi vì hệ thống vừa phải xử lý việc boot của mình, vừa phải chạy các app đó nữa. Một số app cần thiết như bộ gõ tiếng Việt hay ứng dụng đồng bộ đám mây thì không nói, nhưng các app như Skype, Evernote… thì khi cần chúng ta vẫn có thể chạy chúng lên mà, đâu nhất thiết phải khởi động cùng lúc với OS X. Thế nên bạn hãy bỏ chúng đi bằng cách vào  > System Preferences > Users & Groups.

Login_Items.jpg

Trong cửa sổ vừa xuất hiện, chọn thẻ “Login Items”, nhấn vào biểu tượng ổ khóa ở cạnh dưới màn hình để unlock việc chỉnh sửa rồi bỏ chọn những ứng dụng mà bạn không muốn chạy cùng lúc với OS X. Nếu muốn, bạn cũng có thể bỏ chúng hoàn toàn ra khỏi mục Login Items bằng cách chọn rồi nhấn vào dấu trừ.
Trong ổ cứng của mình, bạn cũng có thể kiểm tra một vài folder như:
  • Macintosh HD > Library > LaunchAgents
  • Macintosh HD > Library > LaunchDaemons
  • Macintosh HD > Library > StartupItems
  • Macintosh HD > Users > Thư mục Home của bạn > Library > LaunchAgents
  • Macintosh HD > Users > Thư mục Home của bạn > Library > StartupItems
Đây là các folder chứa tập tin cấu hình dạng .plist để chạy những ứng dụng nền. Bạn có thể xóa bớt những thứ nào đã cũ hoặc liên quan đến các app bạn đã gở bỏ. Ví dụ, trong ảnh trên, bạn thấy mình đang tô đậm hai tập tin liên quan đến 2 app cũ, mình sẽ xóa chúng đi. Lưu ý rằng chỉ xóa khi bạn chắc chắn biết được tập tin đó thuộc về app nào, nếu không biết thì để yên đừng đụng vào, nếu không có thể gây lỗi cho máy đấy. Sau khi xóa xong thì nhớ restart lại hệ thống.

Ghi chú: Với người dùng OS X 10.7 trở lên, để vào Library, bạn chạy Finder, nhấn phím Option trên bàn phím, vừa nhấn vừa click chuột vào menu Go ở cạnh trên màn hình thì sẽ thấy mục Library xuất hiện.

LaunchAgents.jpg

Quảng cáo


Xóa bớt các Internet plugin

Internet plugin cũng có thể là nguyên nhân làm chậm máy. Chúng được tự động cài khi bạn ghé thăm một số trang web nhất định, nhưng hiếm khi nào được gỡ bỏ. Bạn sẽ không cần plugin RealPlayer từ những năm 2005 bởi định dạng video này không còn phổ biến trên web, vậy tại sao chúng ta lại cho phép nó chạy để làm chậm máy? Hãy kiểm tra một trong hai thư mục sau đây và xóa đi những gì bạn không còn xài.
  • Macintosh HD > Library > Internet Plug-Ins
  • Macintosh HD > Users > Thư mục Home của bạn > Library > Internet Plug-Ins
Internet_Plugins.jpg

Quản lý RAM tốt hơn (hoặc bổ sung thêm RAM)


Máy tính của chúng ta dùng RAM một cách thường xuyên cho hầu hết các ứng dụng mà bạn chạy. Thông thường, càng có dung lượng RAM lớn thì bạn có thể chạy nhiều app cùng lúc hơn, và hiệu năng xử lý của app cũng tăng lên. Tuy nhiên, cũng đừng nghĩ rằng cứ gắn thiệt nhiều RAM vào là tốt, có khi bạn chỉ đang phí tiền mà thôi bởi nhu cầu của bạn không xài tới. Thay vào đó, trước khi bỏ tiền ra nâng cấp RAM, hãy thử qua vài cách sau để quản lý bộ nhớ tốt hơn:
  • Thoát hẳn các app không còn dùng (Command + Q hoặc vào menu Tên ứng dụng > Quit). Nếu bạn chỉ đóng dấu chéo màu đỏ trên cửa sổ thì app nhiều khả năng sẽ không thoát hẳn mà chỉ đóng lại thôi.
  • Khởi động lại máy. Cách này quá dễ dàng, và bạn nên thử nó khi gặp tình trạng máy bị chậm. Mấy bản OS X mới và cả Windows mới thì không còn cần reboot thường xuyên, nhưng nếu có chuyện thì đây cũng là một cách giải quyết vừa nhanh và vừa hiệu quả.
  • Đừng cố gắng mở cả chục tab trong trình duyệt hoặc mở cả đống tài liệu trong khi bạn chỉ dùng cùng lúc 2-3 cái. Đồng ý là bạn sẽ mất ít thời gian hơn để mở file, nhưng trong lúc bạn không xài chúng thì chúng vẫn đang chiếm tài nguyên và khiến công việc của bạn chậm lại đấy. Chỉ mở đúng số tab hoặc file bạn cần mà thôi, cái nào dùng xong rồi thì đóng lại.
RAM.jpg

Nếu tất cả những điều trên không giải quyết được nhu cầu của bạn thì bây giờ mới nghĩ đến việc tăng dung lượng RAM của máy nhé. Hầu hết những chiếc Mac đang bán ra đều có RAM 4GB, đủ cho hầu hết nhu cầu phổ thông. Bạn có thể nâng nó thành 8GB hoặc 16GB để xài thoải mái hơn. Với các bạn xài MacBook Pro thường thì mới nâng cấp được, các bạn dùng MacBook Air và Pro Retina thì không vì RAM hàn chết trên bo mạch chủ rồi.

Có nên cài lại hệ điều hành khi máy bị chậm?


Việc bạn cài lại hệ điều có thể sẽ giúp ích, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Lúc chưa biết đến những thủ thuật bên trên, mình cũng hay cài lại OS X mỗi khi máy bị chậm vì thói quen này có từ thời còn xài máy Windows, tuy nhiên quá trình này tốn nhiều thời gian, lại làm công việc của chúng ta bị gián đoạn. Khi cài lại xong thì hiệu năng đôi khi cũng y như cũ chứ không nhanh hơn được bao nhiêu vì không gian lưu trữ vẫn bị đầy và thói quen mở quá nhiều app cùng lúc. Chính vì thế, trước khi thử format ổ đĩa và reinstall OS X, bạn hãy thử dọn dẹp hệ thống cho sạch sẽ đâu đó cái đã. Nếu lỗi vẫn còn thì hãy nghĩ đến chuyện cài lại nhé.

Đến đây là kết thúc phần chia sẻ của mình, giờ đến lượt các bạn. Khi máy chậm sau một thời gian dài thì bạn sẽ làm gì? Hãy bình luận vào ngay trong topic này để mọi người cùng xem nhé.


Tham khảo: Cult of Mac
202 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Nokia6686
TÍCH CỰC
10 năm
Mình tưởng chỉ có Windows xài 1 thời gian bị chậm đi thôi chứ... 😁
lhlan
TÍCH CỰC
10 năm
@Nokia6686 Hồi trước cũng nghĩ vậy, và phục sát đất mỗi khi có ai đó nói máy Mac không bị chậm theo thời gian.

Bụng bảo dạ: Apple giỏi thật, Microsoft ngu thật, có thế mà làm không ra hồn.

Lại còn có bạn nói Microsoft nó mất dạy, nó cố tình để phải mua hệ mới, chỉ có bác Job là đạo đức cao cả, tấm gương sáng ngời cho anh em dùng hệ điều hành tốt.

Thế mà hoá ra cũng vậy à! Tự trách mình khen nhầm, chê nhầm.

Nhảm quá

Sent from my R829 using Tinhte.vn mobile app
lhlan
TÍCH CỰC
10 năm
@Nokia6686 Hồi trước cũng nghĩ vậy, và phục sát đất mỗi khi có ai đó nói máy Mac không bị chậm theo thời gian.

Bụng bảo dạ: Apple giỏi thật, Microsoft ngu thật, có thế mà làm không ra hồn.

Lại còn có bạn nói Microsoft nó mất dạy, nó cố tình để phải mua hệ mới, chỉ có bác Job là đạo đức cao cả, tấm gương sáng ngời cho anh em dùng hệ điều hành tốt.

Thế mà hoá ra cũng vậy à! Tự trách mình khen nhầm, chê nhầm.

Nhảm quá

Sent from my R829 using Tinhte.vn mobile app
Nokia6686
TÍCH CỰC
10 năm
@anh_saker Mình tưởng cái gì táo cũng đứng đầu chứ nhỉ...
@Nokia6686 Mac cũng như Win thôi, nhưng "định mệnh" đến với Win nhanh hơn Mac =))))
Máy nào cũng thế cả thôi
No problem!
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi làm
Rất hay, Cảm ơn anh Duy Luân nhiều!
mac có ngốn ram như win không nhỉ
quangneu
ĐẠI BÀNG
10 năm
@Nguyễn Lê Trung Minh mình thấy win cũng đâu có ngốn nhiều ram
Cảm ơn anh về bài viết. Rất hữu ích cho máy của em luac này


Gửi từ iPod touch của tôi sử dụng Tinhte.vn
Máy Mac và OS X là những hệ thống
rất tốt, độ ổn định cao và chúng ta có
thể không cần lại hệ điều hành
thường xuyên.
Lại bác DUY LUAN! Viết thiếu ,viêt sai cũng đưa bài lên...hay là mình ngu không hiểu.
@lygjaquan bác ý chỉ mún góp ý để lần sau đừng có díh lỗi chính tả nữa đó mà
@nguyentranlee cảm ơn bạn
@nguyentranlee Chắc là bạn ngu rồi!
Chạy cả năm, không cảm nhận thấy chậm lắm...
có con mac air cũng đang bị tình trạng này

còn cái desktop w8 thì dùng lâu rồi không sao, khác hẳn lúc dùng w7 trở xuống 😃
😆 thế mà các bác Mac User cứ phán như thánh là dùng Mac cả đời không sao.


Sent from my iPad using Tinhte.vn
@KenzDK Cũng có thể nếu người đó chỉ dùng 1 ver Mac duy nhất,vì ver đó phù hợp với cấu hình máy,và biết cách dọn dẹp rác hdh thì làm sao chậm dc,ý mình nói ở đây là đừng có thấy 1 người nói thiếu suy nghĩ mà đánh giá cả 1 cộng đồng,bạn cũng vừa nói các bạn dùng Mac đó thôi
@appleno1 Apple nó có sản xuất mỗi Mac đâu bác. Bác quên là còn iPhone, iPad à. Đúng là không thể vì một cá nhân mà đánh giá cộng đồng. Tuy nhiên ở đây mình đang đề cập tới cả một "tiểu cộng đồng" bạn bè mình dùng Mac. Tự thần thánh hóa cái Mac lên một đẳng cấp gọi là dùng mãi không sao.
huntercd
ĐẠI BÀNG
10 năm
@KenzDK Thần thánh hóa thì không đúng, nhưng thực tế nó là thế này, mình dùng cả lap chạy Mac lẫn lap chạy Win để làm việc, cả 2 máy đều chạy điên cuồng như nhau cả ngày đêm 😁 (do máy làm ăn mà). Có thể nói là cấu hình tương đương nhau, lượng công việc tương đương nhau, thì máy chạy Win luôn bị chậm dẫn đến phải cài lại nhanh hơn máy chạy Mac nhiều. Tỷ lệ khoảng là 1-3 hoặc 1-4 gì đó (tức win chạy 1 tháng phải cài lại chẳng hạn thì mac là 3,4 tháng). Tức là máy mac vẫn chậm dần, nhưng thời gian sẽ chậm hơn máy win nhiều.
P/s: Máy chỉ cài thuần chương trình làm việc, không có game, không có lướt web linh tinh.
@huntercd Xác nhận, mình giống bạn, mà cả hai máy chỉ chậm chứ không phải cài lại.
Máy mac ít khi chạy chậm ( KLQ nhưng chỉ có ipad lên ios 7 là chạy chậm ) 😔
mantico47
TÍCH CỰC
10 năm
Tiện đây các bác cho em hỏi làm sao xóa được mấy file Backup của Iphone Ipad mà luu trong máy nhỉ..... em kiểm tra bằng Disk Expert thì nó tới mấy ghi lận....mong được giúp đỡ
@mantico47 Mở itunes vào preference, trong đó có 1 cái tab backup vào đó xoá là xong.
JaGV
ĐẠI BÀNG
10 năm
@mantico47 Vào iTunes bạn nhé
mantico47
TÍCH CỰC
10 năm
@finalmagic kakkka...Thank's bác.....xóa đi trống được hơn 10G...hihii
mantico47
TÍCH CỰC
10 năm
@JaGV đã làm được.....dùng Mac lâu rồi mà ko biết, thank's bạn
Cám ơn thớt nhé.
Cái vụ mua thêm ổ cứng gắn ngoài cũng là biện pháp hay, nhưng lại thêm 1 khoản tiền ...
Tốt nhất những phần mềm không cần thiết , ít xài thì gỡ ra ... và đừng để auto open
iwanttoplay
ĐẠI BÀNG
10 năm
Mac mini mình chạy chậm quá
Chắc tại ram có 4GB trong khi Processor 2.3 core I7 😔
Đôi khi phải thêm ram hjxx
h2media1
ĐẠI BÀNG
10 năm
bác Luân này nhiều bài thủ thuật chất lượng phết
thanks thớt. Dạo này mac pro của e cũng hay bị dấu tròn 7 màu :v
Like bác Luân.


Sent from my iPad using Tinhte.vn

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019