Máy nước nóng năng lượng Mặt Trời - Tổng hợp chi tiết

NTV8888
11/10/2019 4:18Phản hồi: 20
Máy nước nóng năng lượng Mặt Trời - Tổng hợp chi tiết
Như đã hứa trong bài trước, hôm nay em tranh thủ tổng hợp chút thông tin về Máy nước nóng năng lượng Mặt Trời – một ứng dụng khác của Năng lượng tái tạo, mà hiện giờ đã rất phổ biến ở rất rất nhiều nhà, hộ Gia đình… Chính vì nó quá phổ biến, và mọi người đã thấy được lợi ích của nó, nên em không phân tích về hiệu quả tài chính nữa, mà tập trung vào tổng hợp thông tin, giải pháp kỹ thuật, và hướng xử lý các vấn đề thường gặp phải, để các bác trên khắp các vùng ở VN, với điều kiện khí hậu thời tiết khác nhau… có thể sử dụng được như một giải pháp năng lượng hiệu quả.

Em đã đọc kha khá bài viết trên internet, có rất nhiều thông tin lặp lại, hoặc chỉ nêu ra đặc điểm, hoặc chỉ nêu ra một giải pháp của hệ thống nước nóng… mà không nêu rõ tại sao như thế. Điều này dẫn đến thay vì chọn một hệ thống phù hợp nhất với nhu cầu gia đình, thì mọi người lại chọn một hệ thống tưởng như tiết kiệm nhất. Ngôi nhà – công trình có ý nghĩa cả cuộc đời mỗi người, ngoài 10 tiếng mỗi ngày làm việc, di chuyển ngoài xã hội, thời gian còn lại hầu hết của mọi người là ở nhà. Vì vậy, việc đầu tư xứng đáng cho hệ thống điện, nước của ngôi nhà mình ở có ý nghĩa và vai trò cực kỳ quan trọng, gúp cho cuộc sống của tất cả thành viên trong Gia đình tiện nghi hơn, thoải mái hơn, tái tạo sức lao động cho mỗi thành viên để làm việc khác.

Thay vì nhắc lại các nội dung đã có trên internet, em sẽ nêu các vấn đề ít được nêu ra đối với hệ thống nước nóng NLMT này, đồng thời nêu ra các giải pháp cho các vấn đề về NNNLMT mà các bác đã gặp phải. Thông qua các thông tin này, hy vọng em có thể giúp các bác hiểu hơn về hệ thống, để các bác đã, đang và sẽ có ý định đầu tư trong thời gian tới có thể chọn được hệ NNNLMT phù hợp với nhu cầu Gia đình mình. Trước tiên em xin khẳng định, hầu hết mọi yêu cầu về hệ thống nước nóng trong Gia đình đều có giải pháp thực hiện, giúp cả gia đình các bác có nước nóng sử dụng cho các mục đích tắm, giặt giũ, đun nấu, sinh hoạt… trong mọi điều kiện thời tiết. Em thấy có rất nhiều bác kêu đầu tư hệ NNNLMT này gặp bất tiện, lúc trời nóng thì nước nóng quá, trời lạnh thì lại không có nước nóng, đặc biệt các bác ở ngoài Bắc. Cá nhân em đánh giá đó là do nhà cung cấp đưa ra giải pháp chưa tới, chưa tư vấn kỹ cho các bác nhằm đáp ứng được các yêu cầu mà các bác đưa ra. Trong bài này em sẽ cố gắng đưa ra một số giải pháp để các bác tham khảo, nhằm giải quyết bài toán trên.


Bài viết này rất dài, tổng hợp từ máy nước nóng, hệ thống ống kết nói, các thiết bị trong hệ thống... Tuy nhiên chỉ nêu được một phần sơ lược. Rất mong các bác đọc, xem, cùng thảo luận, nêu các yêu cầu và góp ý giải pháp… để bài viết có nhiều thông tin hữu ích hơn ạ. Với gần hai mươi năm chuyên thi công các hệ từ nhỏ (150l -320 l cho quy mô gia đình) đến cả vài chục ngàn lít cho cả bệnh viện (108, Từ Dũ…) Khách sạn (Majestic, Winsor…), Hồ bơi… thì bên em đã nâng tầm lên thành giải pháp rồi, nên cũng tự tin để tư vấn, trao đổi cùng các bác.


I. NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG
Để hiểu nguyên lý làm việc của Hệ thống NNNLMT, trước tiên ta tìm hiểu bản chất của nó, hiện tượng đối lưu. Trong phần này em nêu tập trung vào đối lưu chất lỏng:

I.1 Nguyên lý đối lưu:
Đối lưu là sự truyền nhiệt bằng các dòng chất lỏng hoặc chất khí, đó là hình thức truyền nhiệt chủ yếu của chất lỏng và chất khí.

Cơ chế của sự đối lưu là trọng lực và lực đẩy Ác-si-mét. Khi được làm nóng (truyền nhiệt bằng hình thức dẫn nhiệt) lớp chất lỏng ở dưới nóng lên, nở ra, trọng lượng riêng trở nên nhỏ hơn trọng lượng riêng của lớp nước ở trên, nên nổi lên, còn lớp nước lạnh ở trên chìm xuống thế chỗ cho lớp nước này để lại được đun nóng.... Cứ thể cho tới khi cả khối chất lỏng nóng lên.

Nguồn: https://loigiaihay.com/ly-thuyet-doi-luu-buc-xa-nhiet-c59a10517.html#ixzz5ki7xMbkl

Mời các bác xem thí nghiệm thực tế với hai trường hợp, nước nóng ở phía dưới, và trường hợp sau là nước nóng ở phía trên trong clip sau:



Như vậy, áp dụng nguyên lý đối lưu để phần nước nóng nổi lên trên, phần nước lạnh chìm xuống dưới, nước được luân phiên làm nóng trong bộ phận thu nhiệt (collector) và áp dụng việc làm nóng nước từ phía trên thì khả năng trao đổi nhiệt, mất nhiệt của khối nước nóng phía trên cho khối nước lạnh phía dưới diễn ra rất chậm để làm bình bảo ôn (bồn nước nóng), hai bộ phận trên là hai phần chính quan trọng nhất của Máy nước nóng Năng lượng Mặt Trời (MNNNLMT)

Quảng cáo



I.2 Nguyên lý hoạt động

I.2.1 Nguyên lý hoạt động Máy NNNLMT

I.2.1.1 Dạng ống:


may nuoc nong NLMT.png

I.2.1.2 Dạng tấm phẳng


nguyen-ly-hoat-dong-may-nuoc-nong-nang-luong-mat-troi-tam-phang.jpg

Quảng cáo



Sau khi lắp đặt hoàn tất, nước lạnh từ Bồn nước lạnh chảy đầy vào bồn nước nóng và các ống thủy tinh (ống chân không), ống đồng (dạng tấm phẳng). Sau khi hấp thụ Bức xạ nhiệt từ Mặt Trời, nước trong các ống thủy tinh và trong ống đồng bị đốt nóng, giãn nở khiến khối lượng riêng của nước giảm đi, hiện tượng đối lưu xảy ra. Nước nóng nổi lên trên, đi lên bồn nước nóng, và nằm ở phía trên bồn nước nóng. Trong bồn nước nóng, do đường cấp nước lạnh nằm ở nửa dưới bồn, đường ra nước nóng nằm nửa trên bồn nước, nước nóng nằm phía trên của nước lạnh, nên không xảy ra hiện tượng đối lưu (clip youtube), mà chỉ xảy ra hiện tượng truyền nhiệt giữa nước nóng và nước lạnh. Khi nước nóng được sử dụng, trong bồn sẽ bị hụt nước, và nước lạnh được liên tục bổ sung vào trong bồn, tiếp tục chu trình làm nóng nước.
20 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
I.2 Các bộ phận cấu thành của Hệ máy nước nóng NLMT

I.2.1 Bộ phận hấp thu nhiệt.

Hiện nay, trên thị trường có hai dòng sử dụng làm bộ phận thu nhiệt chủ yếu là dạng Ống và dạng tấm phẳng

I.2.1.1 Dạng Ống.

Áp dụng nguyên lý trên, Dạng ống lại phân chia thành hai loại phổ biến khác là ống chân không thường và ống dầu. Ống dầu phổ biến tại các nước có mùa đông lạnh, có tuyết. Nguyên lý hoạt động của ống dầu là sử dụng các loại dầu có nhiệt độ sối thấp, khi nhận bức xạ mặt trời, nhiệt độ dầu tăng lên, bay hơi và theo ống kim loại bay lên trên. Tại đây, hơi dầu có nhiệt độ cao làm tấm kim loại nóng lên, và tỏa nhiệt vào nước trong bồn. Đồng thời hơi dầu bị mất nhiệt, ngưng tụ thành dạng lỏng chảy về phần bên dưới ống.

dang ong.jpg

Với cấu trúc trên, sẽ hạn chế được việc nước bị đóng băng trong ống hấp thu nhiệt vào mùa đông, gây hỏng ống chân không.

Tại Việt Nam, ống chân không phổ biến hơn rất nhiều so với ống dầu. Một số nguyên nhân như sau:
  • - Giá ống chân không rẻ hơn ống dầu.
  • - Nước sinh hoạt sử dụng trong hệ thống nước nóng không có chất lượng ổn định, có thể gây nên việc ăn mòn phần bên trên ống dầu, gây xì dầu vào trong nước.
  • - Khó kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và thay thế khi ống dầu bị lỗi.
  • - Một nguyên nhân nữa là ống dầu phù hợp với các nước thuộc khu vực ôn đới, hàn đới hơn là nhiệt đới, do khả năng bị tuyết phủ trên bộ phận hấp thu nhiệt, gây hư hỏng ống.
Cấu tạo ống chân không:

Đặc điểm của dạng ống chân không này như sau:
  • - Vỏ bằng thủy tinh chất lượng cao, chống sốc nhiệt tốt.
  • - Lớp phủ đặc biệt (màu nâu, tím, đỏ… mà các bác thấy ở ống) giúp tăng khả năng hấp thụ nhiệt từ bức xạ mặt trời, đồng thời giảm khả năng thoát nhiệt dưới dạng bức xạ hồng ngoại tỏa ra môi trường.
  • - Lớp chân không: Giúp ngăn cản khả năng truyền nhiệt. Vì vậy, khi nước trong ống có nhiệt độ lên đến 70 độ - 90 độ C, nhưng ta chạm vào thành ống bên ngoài vẫn bình thường
Ưu và nhược điểm của hệ thống máy NNNLMT sử dụng ống chân không

Ưu điểm:

  • - Giá thành rẻ hơn nhiều so với hệ tấm phẳng (bằng 30% - 50% so với hệ tấm phẳng ở cùng quy mô sử dụng.
  • - Khả năng làm nước nóng lên nhiệt độ cao cao hơn so với tấm phẳng. Khi mới đưa vào sử dụng, hệ thống có thể tạo được nước nóng lên đến 75 – 90 độ C. Nguyên nhân ở đây là do hệ thống hấp thu nhiệt có lớp chân không giảm khả năng thoát nhiệt ngược ra môi trường.
  • - Dễ dàng vận chuyển, lắp đặt.
  • - Dễ dàng thay thế ống chân không khi bị bể ống.
Nhược điểm:

  • - Do có lớp chân không, nên hệ thống bị suy hao khả năng làm nóng nước theo thời gian. Sau một vài năm, không khí dần lọt vào lớp chân không, khiến khả năng ngăn cản truyền nhiệt ra môi trường suy giảm. Nước nóng trong hệ thống bị thoát nhiệt ra môi trường, lớp phủ đặc biệt hấp thụ nhiệt cũng bị suy giảm tính chất của mình.
  • - Bị lắng và đóng cặn tại đáy ống, vệ sinh ống khó và mất thời gian. Khi vệ sinh ống cần chú ý cẩn thận vì dễ bể, nước nóng gây bỏng.
  • - Ống chân không dễ bị bể trong quá trình vận chuyển và sử dụng.
  • - Khó tích hợp với các thiết bị khác như bơm tăng áp để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng (sẽ được phân tích kỹ trong phần sau)
  • - Việt Nam không sản xuất ống chân không này, gần như 100% ống chân không được nhập từ Trung Quốc.
  • - Bồn nước phải gắn liền với ống chân không, vì vậy ở quy mô Gia đình, khi lắp MNNNLMT thì phải lắp cả hệ thống, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của căn nhà.
I.2.1.2 Tấm phẳng

Cấu tạo của tấm phẳng:

  • - Kính cường lực Low – Iron. Đây là lớp kính bên trên tấm phẳng, loại kính cường lực Low – Iron này có tác dụng tăng khả năng hấp thụ bức xạ mặt trời. Đồng thời giúp chống chọi các tác động ngoại lực như mưa, gió… bảo vệ lớp hấp thụ nhiệt bên dưới.
  • - Thành phần hấp thụ nhiệt: thường là tấm đồng mạ chrome mặt trước (màu đen) và Nikel mặt sau. Tấm đồng có ưu điểm truyền nhiệt rất tốt và nhanh. Lớp phủ mạ Chrome và Nikel giúp tăng khả năng hấp thụ bức xạ nhiệt làm nóng tấm đồng, đồng thời giảm việc phát ngược bức xạ nhiệt ra môi trường.
  • - Ống đồng nguyên chất (ống đồng 1): Được nối, gắn vào tấm hấp thụ nhiệt thông qua phương pháp hàn siêu âm nhằm đảm bảo khả năng truyền nhiệt tốt nhất. Khi tấm hấp thu nhiệt tiếp nhận bức xạ nhiệt từ mặt trời, nóng lên, truyền tới ống đồng và làm nóng nước trong ống đồng này.
  • - Ống góp (ống đồng 2 + 3): Thường được chế tạo bằng đồng nguyên chất, với đường kính lớn hơn nhiều so với ống đồng hàn với tấm hấp thu nhiệt (ống đồng 1). Ống đồng 2 có chức năng lấy nước lạnh từ bồn xuống và cấp nước cho ống đồng 1. Ống đồng 3 có chức năng thu gom nước đã làm nóng từ ống đồng 1 và chuyển về bồn nước nóng.
  • - Khung nhôm: Thường là khung nhôm định hình có độ thẩm mỹ cao, bền với điều kiện thời tiết mưa nắng ở Việt Nam.
  • - Tấm tôn + bông thủy tinh cách nhiệt: Do cả hệ thống thu nhiệt tiếp xúc với không khí, nên khi nhiệt độ nước càng cao, thì khả năng mất nhiệt ra môi trường càng lớn. Để hạn chế việc này, người ta sử dụng bông thủ tinh cách nhiệt để lót bên dưới lớp thu nhiệt và ống góp. Lớp dưới cùng là lớp tôn cố định mặt dưới của tấm thu nhiệt. Đây cũng là lý do tại sao mà máy NNNLMT tấm phẳng không tạo ra nước nóng có nhiệt độ cao bằng máy dạng ống chân không.
Ưu Nhược điểm của Máy nước nóng hệ tấm phẳng:

Ưu điểm
  • - Bền hơn rất nhiều so với máy dạng ống chân không, khi chất lượng nguồn nước ổn định, có thể từ 12 năm trở lên.
  • - Có thể chịu được áp lực lớn, từ 3 bar đến 6 bar – tùy thiết kế. (mức tối đa cho nhu cầu sử dụng cho quy mô hộ Gia đình – Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4519:1988 về hệ thống cấp thoát nước.
  • - Dễ dàng tích hợp với các thiết bị khác, đặc biệt là bơm tăng áp. Chỉ cần một bơm tăng áp có thể tăng áp cho cả đường nước nóng và nước lạnh (em sẽ phân tích kỹ trong phần giải pháp).
  • - Có thể tách rời bồn nước ra xa tấm phẳng thu nhiệt, và kết nối thông qua hệ ống và bơm cùng hệ thống cảm biến để điều khiển mô phỏng hiện tượng đối lưu. Điều này rất hữu ích cho nhà biệt thự, khu nhà cao cấp, do chỉ có tấm hấp thu năng lượng nằm trên mái nhà, sẽ đảm bảo hệ thẩm mỹ cho tòa nhà.
  • - Dễ dàng vệ sinh, vệ sinh bên ngoài chỉ cần dùng khăn ẩm lau bề mặt kính để giúp hấp thụ tốt hơn. Vệ sinh cặn lắng bên trong bằng cách tháo đường ống kết nối tấm phẳng với bồn, sau đó cho vòi phun khí nén vào để thổi hết các cặn lắng ở ống góp bên dưới.
  • - Khó bị bể, hư hỏng trước các tác nhân bên ngoài như mưa, vật la va đập.
  • - Tính an toàn của hệ thống máy tấm phẳng cao hơn hẳn so với hệ ống, từ độ bền, khả năng chịu tác động, đến những nguy hiểm khi sự cố xảy ra.

Nhược điểm:
  • - Giá cao, từ gấp 2 đến 3 lần so với hệ ống chân không.
  • - Nhiệt độ làm nóng nước không bằng ống chân không mới, nước được làm nóng lên khoảng 60 – 70 độ C, ở nhiệt độ cao hơn, tốc độ thoát nhiệt ra môi trường cũng nhanh hơn.
@NTV8888 Cho em hỏi em ở Nghệ An nên dùng ống dầu hay ống chân không hơn ạ
NTV8888
ĐẠI BÀNG
4 năm
@hoangthuan18 Ở Việt Nam mình rất ít thấy ống dầu á Bác. Ống dầu có nhiều nhược điểm như làm nóng chậm hơn, chất lượng nước k0 chuẩn và ổn định nên dễ ăn mòn phần kim loại bao bọc lớp dầu, gây lủng. Kể cả khi dầu tràn ra bình cũng khó phát hiện... Còn ưu điểm của nó thì lại k0 có nhiều ý nghĩa ở VN - đất nước nhiệt đới. Bác cứ quất ống chân không bình thường là ổn ạ Bác. ^_^
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
I.2.2 Bồn nước nóng

Cấu tạo:

Bao gồm 3 lớp:

Lớp ngoài cùng: Thường bằng nhựa, inox 201, 304, thép mạ. Vỏ bồn có các tác dụng sau:
  • - Làm khung cứng, vững bảo vệ cho lớp PU foam và ruột bồn bên trong.
  • - chống lại các tác nhân môi trường như mưa, gió, độ ẩm, khói bụi, các tác nhân ăn mòn trong không khí…
  • - Tạo tính thẩm mỹ cho bồn nước cũng như cả hệ thống nói chung.
Lớp PU foam: PU foam có tên đầy đủ là polyurethane foam, là một loại nhựa dạng bọt được tạo từ hai loại chất lỏng chính là Polyol và hỗn hợp các chất polymethylene, polyphynyl, isocyanate. PU foam được đánh giá là một trong những vật liệu cách nhiệt tốt nhất hiện nay, với nhiều ưu điểm khác như thi công nhanh, bám tốt trên nhiều loại bề mặt, không bắt lửa, có thể dùng cho sinh hoạt (đệm mút), trong gia đình như vách chống nóng… PU foam được phối trộn và được phun vào phần giữa vỏ bồn và ruột bồn với thiết bị phun áp lực cao, nhằm tạo lớp cách nhiệt tốt cho bồn nước nóng.

Tham khảo PU foam tại đây:


Nhằm đảm bảo khả năng giữ nhiệt tốt, lớp PU foam này nên dày tối thiểu 50mm. Đối với hệ lớn, bồn nước nóng dùng cho quy mô công nghiệp, lớp PU foam này có thể dày từ 100mm trở lên, nhằm đảm bảo khả năng giữ nhiệt (bảo ôn) cho nước trong bồn tốt nhất.

Ruột bồn: Đây là bộ phận rất quan trọng của bình bảo ôn nước nóng, vì nó tiếp xúc trực tiếp với nước mà chúng ta sử dụng. Thường lớp ruột bồn sẽ được sản xuất từ inox 304, là kim loại đạt tiêu chuẩn dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, Inox 304 lại không chịu được nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Với các loại nước này sẽ xảy ra hiện tượng điện hóa, và thải vào nước kim loại, gỉ sét. Vì vậy, đối với nước bị nhiễm phèn nhẹ, có nhiều giải pháp xử lý (sẽ nêu trong mục các vấn đề gặp phải), và sử dụng bồn chịu được phèn. Trên thị trường hiện nay có hai giải pháp là ruột bồn PPR:
bon PPR.jpg

Loại thứ hai là ruột bồn bằng thép tráng men (hàng cao cấp), tương tự như một số loại nồi, chảo tráng men trên thị trường.

Ruột bồn càng dày thì khả năng chịu áp lực nước càng cao, thường dòng máy ống chân không không chịu được áp thì ruột bồn dày khoảng 0.5mm trở lên, còn bồn chịu áp dày từ 1.2mm trở lên.

Dù một hệ nước nóng có kín thế nào đi chăng nữa, và kể cả khi không sử dụng nước nóng trong bồn, thì việc thất thoát nhiệt vẫn luôn xảy ra, thông qua bức xạ nhiệt, truyền nhiệt qua các ti, van, qua không khí bao quanh bồn… khiến cho nước trong bồn nguội đi. Ngay cả bình thủy (phích nước) được chế tạo nhằm làm giảm sự mất nhiệt rất tốt, cũng chỉ chứa nước nóng được từ 48 đến 72h, khi đó nước bị mất nhiệt về tương đương mức nhiệt của môi trường. Vì vậy, đối với các khu vực có mùa mưa hoặc mùa đông kéo dài, lượng bức xạ mặt trời khoảng thời gian này thấp, thì cần phải có các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo đáp ứng nước nóng thường xuyên và liên tục cho sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong Gia đình.

I.2.3 Hệ thống khung chân

Thường khung chân được làm bằng thép mạ, inox. Các hệ thống được cung cấp trên thị trường đã được nghiên cứu ra hệ chuẩn, đáp ứng việc dễ dàng lắp đặt, vận chuyển, đảm bảo chịu lực tốt và an toàn. Tuy nhiên em cũng bổ sung thêm một số thông tin thêm để các bác tham khảo:

- Đối với máy ống, ống thụ nhiệt có dạng trụ tròn, trong đó chỉ có một nửa phía bên trên là hấp thụ được bức xạ nhiệt mặt trời để làm nóng nước. Bên cạnh đó, giữa các ống có khoảng cách, khiến hệ thống không hứng được hoàn toàn lượng bức xạ này, gây lãng phí. Vì vậy, đối với một số hệ thống máy nước nóng NLMT dạng ống sẽ được trang bị thêm tấm phản quang. Tấm này có tác dụng phản xạ lại bức xạ mặt trời xuyên qua khoảng trống giữa các ống, và bật ngược lại mặt dưới của ống chân không hấp thu nhiệt. Việc này làm tăng đáng kể hiệu suất làm nóng nước của hệ thống. Tấm này cũng khá đơn giản, các bác có thể tự làm thêm cũng được, như sử dụng tấm tôn sáng đặt dưới lớp ống để phản xạ lại bức xạ này, hoặc các bác có thể lựa chọn hệ máy nước nóng có tấm phản xạ này ngay từ đầu.

- Thông thường, đối với nhà mái bằng, hệ khung chân không cần phải bắt chặt vào sàn. Tuy nhiên, đối với mái ngói và mái tôn, cần phải gia cố thêm để đảm bảo hệ thống vững chắc, không trượt đổ gây mất an toàn.

I.2.4 Phụ kiện hệ thống và kết nối.

I.2.4.1 Ống kết nối giữa bồn nước và hệ thu nhiệt:

Các hệ máy phổ biến trên thị trường hiện nay đang sử dụng 2 loại ống phổ biến là ống đồng và ống PPR nước nóng. Dù sử dụng loại ống nào, các bác cũng nên yêu cầu bên nhà cung cấp cuốn kỹ bằng ống gen và băng keo vải (tương tự ống máy lạnh) nhằm đảm bảo độ bền, chống tác động từ tia UV và môi trường.

I.2.4.2 Ống thông khí.

Được lắp cho hệ ống chân không và hệ tấm phẳng không chịu áp. Ống này phải chịu được nhiệt độ cao, thường là ống PPR nước nóng, một đầu lắp vào bồn nước nóng, đầu còn lại phải cao hơn mặt nước lạnh trong bồn nước lạnh. Ống này giúp thoát khí, làm nước từ bồn nước lạnh chảy sang bồn nước nóng dễ dàng, đồng thời tạo không gian cho lượng nước nóng trong bồn nước nóng dãn nở ra, sinh khí được thoát ra ngoài dễ dàng. Các bác lưu ý một đầu ống này phải cao hơn mặt nước bồn nước lạnh, nếu không sẽ bị chảy thoát hết nước từ bồn nước lạnh qua bồn nước nóng và qua ống thông khí này. Gắn cố định ống thông khí này vào một cột chắc chắn, nhằm tránh gió thổi nghiêng, đổ. Đồng thời ống này phải đảm bảo không bị bịt. Đã có trường hợp côn trùng chui vô làm tổ hoặc mắc kẹt trong đó, vì nhiều lý do nên nó bị bịt lại, khiến áp trong hệ thống cao, gây bể, nổ vỡ ống chân không.

Đối với hệ tấm phẳng chịu áp và có sử dụng bơm tăng áp, sẽ không sử dụng ống thông khí này, mà sử dụng van xả áp bên trên. Nước lạnh sẽ được bơm tăng áp đẩy vào bồn nước nóng khi nước trong bồn nước nóng được sử dụng và hao hụt đi.

I.2.4.3 Van xả áp.

Thường lắp phía trên của bồn nước nóng, và áp dụng cho hệ tấm phẳng chịu được áp có gắn bơm tăng áp. Khi áp lực trong bồn vượt quá ngưỡng áp cho phép, van sẽ được kích mở để xả bớt áp nén trong bình, nhằm bảo vệ hệ thống được an toàn, chống nứt vỡ, móp méo…

Nếu hệ tấm phẳng mà không sử dụng bơm tăng áp hoặc hệ không chịu áp, thì cần sử dụng ống thông khí đã nêu bên trên để nước lưu thông tự nhiên (bồn nước phải nâng cao hơn so với máy nước nóng)
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
I.2.4.4 Van một chiều:


van mot chieu.jpg


Là loại van bảo vệ cho hệ thống nước, khí, cho phép dòng chất lỏng hoặc khí đi qua van này theo một hướng nhất định và ngăn cản dòng theo hướng ngược lại. Van một chiều được sử dụng để bảo vệ các thiết bị như ống dẫn, máy bơm, bồn nước, bình nước nóng. Ngoài ra, van một chiều còn có tác dụng ngăn ngừa sự thất thoát, mất mát chất lỏng, khi khi có sự cố rò rỉ, xì chảy ống dẫn.

Trong hệ thống máy NNNLMT, van một chiều bắt buộc phải lắp trên đường nước lạnh, trước khi cấp vào bồn nước nóng. Ngoài ra, Nên lắp một đoạn ống PPR dài tối thiểu 30 cm trên đường nước lạnh, ngay trước van một chiều. Điều này giúp cho nước nóng không chảy ngược ra khỏi bồn nước nóng vào đường nước lạnh, đồng thời nhiệt độ của van một chiều không làm biến dạng đường ống nước lạnh kết nối vào bồn nước nóng, gây rò rỉ nước.

Van một chiều cũng có thể lắp vào đường nước nóng ra, giúp nước nóng chảy ra theo một hướng. Khi áp từ hệ thống ống nước trong nhà cao đột biến, nước sẽ không bị đẩy ngược về bồn, gây ảnh hưởng đến máy NNNLMT.

I.2.5 Bồn nước lạnh.

Với những ưu điểm vượt trội của mình, hiện tại bồn nước lạnh đã thay thế hết các bể nước trên mái, thậm chí còn thay thế luôn cả bể tích nước âm sàn. Có rất nhiều thương hiệu đã khẳng định được chất lượng và uy tín của mình, và được đa số mọi người tin dùng. Đối với hệ thống nước nóng lưu thông tự nhiên, cần lắp đặt bồn nước lạnh cao hơn bồn nước nóng, nhằm giúp nước lạnh dễ dàng lưu thông qua bồn nước nóng để chờ làm nóng nước. Đối với hệ thống sử dụng bơm tăng áp, thì bồn nước lạnh có thể đặt ngang hoặc thấp hơn bồn nước nóng, tuy nhiên cần chú ý cột nước bơm cao giới hạn của bơm tăng áp để có phương án đặt bồn phù hợp.

I.2.6 Ống kết nối vào hệ thống.

Một căn nhà được xây dựng mới cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề cấp thoát nước nhằm đảm bảo căn nhà hoạt động bình thường, tiện nghi trong thời gian dài. Các hệ thống nước trong nhà bao gồm cấp nước lạnh và nóng, thoát nước thải, thoát nước mưa, thông khí

Hiện tại, có 2 loại ống được sử dụng phổ biến nhất cho các hệ thống nước trên phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đó là ống uPVC (thoát nước thải + thông khí + cấp nước lạnh(có thể)) và ống PPR (cấp nước nóng + nước lạnh). Em xin phép nêu vài đặc điểm sơ bộ của các loại ống này, cho nó liền mạch với bài, và phù hợp với đường nước nóng ạ.

so sanh ong PPR và PVC_Page_1.jpg so sanh ong PPR và PVC_Page_2.jpg
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
I.2.7 Các vật tư kết nối ống:

I.2.7.1 Ống uPVC


Phu kien uPVC.jpg


I.2.7.2 Ống PPR

Phu kien PPR.jpg


Lắp đặt hệ thống NNNLMT vào cần đảm bảo các yếu tố sau:
  • - Kích thước ống phù hợp với hệ thống cấp nước có sẵn của căn nhà, đồng thời phù hợp với các kích thước có sẵn của hệ thống MNNNLMT.
  • - Thẩm mỹ: Các đường ống bố trí hợp lý, sử dụng các phụ kiện như co, tê, nối, góc… để kết nối đường ống với nhau, đảm bảo thẩm mỹ cho hệ thống nước nóng nói riêng, và thẩm mỹ của tòa nhà nơi lắp đặt nói chung. Đồng thời thuận tiện cho gia chủ khi sinh hoạt, tránh vướng víu, va chạm trong quá trình sử dụng và sinh hoạt.
  • - Dễ dàng sửa chữa, khắc phục khi có sự cố xảy ra:
o Cần lắp đặt các ống rõ ràng, mạch lạc, dễ dàng xác định chức năng, nhiệm vụ của từng ống (nước lạnh vào, nước nóng ra, nước lạnh xuống…) nhằm dễ dàng xác định nguyên nhân sự cố, cũng như thuận tiện xử lý, khắc phục khi có sự cố xảy ra.

o Cần lắp các van khóa tại các đường nước nóng, lạnh, nhằm cô lập hệ thống nước nóng khi có sự cố xảy ra, ví dụ như xì bồn, hư van giảm áp, hoặc khi cần súc rửa, vệ sinh bồn.

o Nên sử dụng racco trong hệ thống NNNLMT tại vị trí đường nước lạnh vào và nước nóng ra, nhằm dễ dàng tháo và lắp lại bồn nước nóng khi cần xử lý. Việc này cũng giúp tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống NNNLMT, giảm mối nối, bởi nếu không có racco, khi cần tháo bồn ra, thợ sẽ phải cưa rời đoạn ống kết nối, sau đó lắp lại bằng một phụ kiện kết nối khác.

o Cần chẻ nhánh đường ống cấp nước lạnh vào hệ thống NNNLMT hợp lý, để khi cần có thể cô lập hệ thống máy này ra khỏi hệ cấp nước lạnh cho căn nhà, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của Gia chủ.
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
I.2.8 Bơm tăng áp.

Máy bơm nước tăng áp là loại máy bơm được sử dụng để tăng áp lực nước lưu thông trong đường ống, giúp nước chảy ra tại đầu vòi được mạnh hơn, nhiều hơn so với khi không dùng máy bơm.

Hiện tại, các máy bơm tăng áp sử dụng cho quy mô Gia đình thường là loại máy bơm tự động. Nguyên lý hoạt động của nó là dựa vào cảm biến dòng chảy hoặc áp suất nước thay đổi trong đường ống. Khi các bác mở vòi nước, thì sẽ làm dòng nước trong đường ống di chuyển, khi vượt một mức cho phép, thì máy bơm sẽ tự động bật và tạo ra áp lực thêm trong đường ống, đẩy lượng nước di chuyển mạnh hơn. Khi các bác khóa vòi nước, dòng chảy ngừng lại, bơm cũng tự động ngừng.

Khi nào cần sử dụng bơm tăng áp:
  • - Khi vòi sen chảy nước yếu
  • - Khi mở van vòi rửa yếu
  • - Nước vào máy giặt yếu
  • - Nước vào bình máy nước nóng yếu.
Nguyên nhân chủ yếu là do bồn nước lạnh trên mái thường không đủ độ cao, ngoài ra, đường ống cấp nước trong nhà quá dài, nhiều đường rẽ, gấp khúc, đường kính ống nhỏ… khiến tổn thất áp trên đường ống cao. Việc lắp đặt bơm tăng áp này tương đương với việc các Bác đưa bồn nước lên cao. Ví dụ bơm tăng áp Panasonic duy trì áp suất tối thiểu 1.1 kg/cm3

bom Panasonic.jpg

Điều này tương đương với việc các bác nâng bồn nước lên cao tối thiểu thêm 11m, tương đương với nóc nhà 3 tầng

quy doi mH2O sd.jpg

Vì vậy, nước ở vòi hoa sen, máy giặt… ở tầng áp mái sẽ khá mạnh, đảm bảo việc sử dụng nước của Gia đình các bác được dễ dàng và thoải mái.

Phân loại:

I.2.8.1 Máy bơm tăng áp cơ:


Máy bơm tăng áp cơ là loại bơm tăng áp sử dụng rơ le cơ học (dạng má vít) để bật, tắt máy bơm. Nguyên lý hoạt động của loại bơm này dựa vào sự thay đổi áp suất của nước trong hệ thống đường ống. Khi các bác mở vòi nước, nước chảy ra khỏi vòi khiến áp suất trong đường ống giảm đi, xuống dưới một mức cài đặt (như hình trên là 1.1 kg/cm3), rơ le nhảy về bật cho bơm chạy. Áp trong đường ống được duy trì trên mức tối thiểu 1.1 kg/cm3 này (có thể cao hơn). Khi bác đóng vòi nước lại, áp suất trong đường ống tăng lên, vượt qua mức cài đặt trên là 1.8 kg/cm3, rơ le bị nén lại, 2 má vít tách nhau ra ngắt điện cấp cho bơm làm bơm tắt. Phần áp cộng thêm này được tích trong bình tích áp. Bình tích áp đi kèm với máy bơm có tác dụng giữ áp trong hệ thống đường ống ổn định, duy trì trong mức cài đặt. Nếu sử dụng bình tích áp lớn, thì bình tích áp có thể làm giảm số lần đóng mở bơm, tăng tuổi thọ cho bơm.

Ưu điểm bơm tăng áp cơ:
  • - Giá thành rẻ
  • - Áp nước luôn duy trì cao hơn mức cài đặt, nên khi mở vòi nước là có nước sử dụng mạnh ngay, trong mọi điều kiện sử dụng.
  • - Phổ biến, dễ dàng mua, lắp đặt, sửa chữa.
  • - Chất lượng bền bỉ, đã được khẳng định trong nhiều năm.
  • - Dễ dàng căn chỉnh mức cài đặt cho rơ le.
Nhược điểm:
  • - Nhược điểm lớn nhất là tiếng ồn khi hoạt động. Đặc biệt là tiếng rơ le đập vào nhau tạo thành tiếng tạch tạch, gây khó chịu cho Gia đình, đặc biệt trong đêm.
  • - Do có bình tích áp, hệ thống luôn duy trì áp lực cao trong đường ống, dễ gây bể, rò rỉ, nếu thành ống mỏng. Trường hợp đường ống rò rỉ nước, lượng nước thất thoát nhanh, bơm hoạt động liên tục, gây lãng phí.
I.2.8.2 Bơm tăng áp điện tử:

Là loại bơm sử dụng rơ le điện tử để nhận biết dòng chảy, từ đó bật tắt điện cho máy bơm. Nguyên lý hoạt động là khi ta mở vòi nước, dòng nước chuyển động trong ống, vượt qua một vận tốc nhất định, hệ thống cảm biến sẽ nhận biết, và khởi động máy bơm. Khi ta đóng vòi nước, dòng chảy sẽ ngừng lại và rơ le sẽ ngắt điện, làm máy bơm ngừng hoạt động.

Ưu điểm:
  • - Hoạt động rất êm.
  • - Độ bền cao.
  • - Khi không sử dụng, máy không duy trì áp suất trong hệ thống đường ống, nên khó gây vỡ ống.
  • - Khi bể chứa hết nước, không có dòng chảy, bơm sẽ ngừng, do đó không làm cháy bơm.
Nhược điểm:
  • - Giá thành cao hơn so với bơm tăng áp sử dụng rơ le cơ.
  • - Không duy trì áp lực nước liên tục, nên nếu các phòng ở xa, sau khi mở vòi phải mất một lúc để bơm khởi động, và đẩy nước áp lực cao tới.
  • - Phải lắp bơm thấp hơn bồn nước lạnh, khuyến cáo thấp hơn từ 1.5m trở lên để hệ thống cảm biến bơm hoạt động tối ưu.
I.2.8.3 Bơm tăng áp biến tần:

Là loại máy bơm tăng áp có sử dụng biến tần – công nghệ biến đổi tần số dòng điện để tự động điều chỉnh số vòng quay của trục máy bơm, từ đó sẽ duy trì sự ổn định áp lực trong các điều kiện mở vòi nước lớn hay nhỏ, mở một hay nhiều vòi nước. Đây là loại bơm hiện đại, có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với hai loại bơm nêu trên. Nguyên lý làm việc của bơm tăng áp biến tần là sử dụng rơ le điện tử cảm biến áp suất. Khi các bác mở vòi nước, rơ le điện tử sẽ nhận biết sự thay đổi áp suất và tín hiệu này được chuyển tới bộ phận điều khiển, kích hoạt bơm hoạt động (tương tự bơm điện tử). Ưu điểm của bơm biến tần là có thêm thiết bị điều khiển vòng quay của động cơ máy bơm để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khi các bác mở vòi nươc nhỏ, bộ phận điều khiển biến tần sẽ điều chỉnh số vòng quay của bơm ở mức thấp, ví dụ là 500 vòng/phút, nhằm đảm bảo áp lực duy trì ở mức cài đặt. Khi các bác mở vòi lớn, hoặc mở nhiều vòi cùng lúc, biến tần sẽ điều khiển bơm tăng số vòng quay động cơ lên, ví dụ 800 vòng, 1.000 vòng, 1.200 vòng, nhằm duy trì ổn định áp suất trong đường ống, đủ cung cấp cho các vòi sử dụng.

Ưu điểm:
  • - Hoạt động rất linh hoạt, khi mở nhỏ, lớn, ít hoặc nhiều thiết bị sử dụng nước.
  • - Sử dụng tiện nghi, áp lực nước luôn ổn định, không quá mạnh cũng không quá nhẹ.
  • - Tiết kiệm điện.
Nhược điểm:
  • - Nhược điểm lớn nhất là giá thành rất cao. Hiện tại có một số dòng máy bơm có biến tần của Trung Quốc có giá thành dễ chịu hơn.
  • - Chi phí thay thế, sửa chữa rất mắc.
I.2.8.4 Bơm tăng áp mini.

Các loại bơm tăng áp nêu trên là máy bơm tăng áp tổng, dùng cho cả căn nhà, công suất khá lớn. Tuy nhiên, có một số Gia đình hiện nay không có nhu cầu sử dụng bơm tăng áp lớn vậy, mà chỉ có nhu cầu sử dụng tăng áp cho một nhà vệ sinh, hoặc một thiết bị sử dụng như máy giặt. Khi đó bơm tăng áp mini là sự lựa chọn hoàn hảo. Bơm tăng áp mini tương tự như bơm tăng áp điện tử, hoạt động rất êm ái, công suất nhỏ, không tốn nhiều điện, lực nước vừa phải, lắp đặt dễ dàng, linh hoạt. Thường được lắp ngay gần nơi có nhu cầu tăng áp để giảm thất thoát trên đường ống. Nhược điểm của loại bơm này có lẽ là khi lắp nổi, dễ gây mất thẩm mỹ của khu vực đó, đồng thời cần cẩn thận trong việc phòng chống rò rỉ điện.

Trên đây em đã nêu sơ bộ về hệ thống nước nóng NLMT. Với các thông tin trên, em chỉ bổ sung thêm vào rất nhiều những bài viết giới thiệu về hệ thống nước nóng này, để các bác có thể dễ dàng hơn lựa chọn một hệ thống phù hợp với nhu cầu của Gia đình. Phần tiếp theo em sẽ nêu một số tính toán, cũng như giải pháp xử lý đối với các vấn đề thường gặp phải khi lắp đặt hệ thống NNNLMT này.
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
II. Xác định Hệ thống Nước nóng phù hợp.

Hệ thống nước nóng là một phần của hệ thống cấp thoát nước trong tòa nhà, để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, tùy theo mục tiêu và nhu cầu sử dụng, nước nóng và nước lạnh được hòa vào nhau để tạo ra nước có nhiệt độ phù hợp, như tắm, rửa chén… Vì vậy hệ thống nước nóng sẽ tuân thủ theo TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ CẤP NƯỚC BÊN TRONG - TCVN 4513: 1988.

Để xác định được lượng nước nóng phù hợp, trước tiên cần xác định được nhu cầu sử dụng nước sạch đáp ứng đủ cho sinh hoạt. Em xin điểm lại một số thông tin cơ bản trong bộ tiêu chuẩn này, có liên quan đến mục cấp nước trong nhà và nước nóng, để mọi người có thể hiểu sâu hơn. Trong những mục dưới đây, em tập trung nêu:
  • - Đối tượng mục tiêu là căn hộ, nhà ở, biệt thự, khách sạn…
  • - Tập trung vào hệ thống cấp nước, không tính toán bao gồm cho mục tiêu phòng cháy chữa cháy, thoát nước.
II.1 Về nhu cầu sử dụng nước sạch

Về nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt được thể hiện trong bảng rút gọn sau đây

tieu chuan dung nuoc.png

Căn cứ vào các thông tin như số người trong nhà, thiết kế căn nhà, phương án bố trí các thiết bị vệ sinh và đường ống nước, đặc thù cấp nước tại khu vực xây dựng… bên thiết kế và thi công căn nhà sẽ tính toán ra lưu lượng nước, từ đó xác định đường kính ống phù hợp. Một số thông tin cần lưu ý như sau:
  • - Tốc độ nước chảy trong đường ống thép cấp nước sinh hoạt bên trong nhà không vượt quá các trị số sau:
o Trong đường ống chính và ống đứng : từ 1,5 đến 2 m/s;

o ống nhánh nối với các thiết bị vệ sinh 2,5 m/s;

o Quy chuẩn cấp thoát nước 1999 chỉ cho phép lấy vận tốc tối đa là 3m/s.​

Điều này sẽ làm giảm tiếng ồn khi nước chảy trong ống.
  • - áp lực nước làm việc của các dụng cụ vệ sinh trong hệ thống cấp nước sinh hoạt không được lớn quá 60m (tương đương 6 bar). Trường hợp áp lực trong đường ống quá lớn thì phải thiết kế để giảm áp lực nước.
  • - Áp lực nước tự do cần thiết của các vòi nước và dụng cụ vệ sinh tối thiểu 1m ; vòi xả chậu xí kiểu không có bình xả tối thiểu là 3m ; mạng lưới hương sen tắm tối thiểu là 4m.
Các bác có thể tham khảo thông tin thêm sau đây từ bài giảng của thầy Nguyễn Thống:

tieu chuan cap thoat nuoc.png

Quy đổi giữa mH2O, bar, atm… tham khảo tại đây:

quy doi m nuoc ra bar.jpg

https://www.convertworld.com/vi/ap-suat/


Do nước chảy trong hệ thống ống bị ma sát với thành ống, qua các vị trí co, cút, tê, giảm… dòng nước cũng bị mất áp dần, khiến trải nghiệm sử dụng nước tại gia đình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi đánh giá, các bác nên lựa chọn vị trí bất lợi nhất để kiểm tra, đánh giá, nếu thấy nước ra không được như ý thì nên tìm phương án khắc phục để trong quá trình sử dụng được thoải mái hơn.

Ví dụ, tại một nhà vệ sinh sát mái, sử dụng ống PVC phi 21 để cấp nước, tổng chiều dài đường ống khoảng 20m, giả sử hệ thống đi qua 3 tê, 5 co, 2 giảm, 1 van, chênh lệch độ cao giữa bồn nước và vị trí mở vòi được tạm tính là 4m và 5m (cho vị trí vòi xả và sen), bồn nước ở trên mái cấp xuống, lưu lượng nước khoảng 39 lít/phút, ta có 2 bảng tính tổn thất áp lực như sau:
Pipe 1.jpg

Pipe 2.jpg

Từ bảng trên cho thấy, với điều kiện ống như trên, và lắp đặt với các phụ kiện đã nêu, tổn thất áp trên đường ống lên đến 5.646 mH20, khiến vòi sen không thể chảy ra nước mạnh được, vòi xả cũng rất yếu, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng nước tại Gia đình các Bác.
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
III. Các vấn đề thường gặp phải khi lắp đặt hệ thống nước nóng NLMT và hướng khắc phục

Hệ thống NNNLMT có rất nhiều ưu điểm, và đã chứng minh được tính hiệu quả và tác dụng của nó. Ví dụ như tận dụng nguồn năng lượng miễn phí, dồi dào và gần như vô tận từ Mặt Trời, giảm lượng điện năng sử dụng để làm nóng nước, từ đó gián tiếp giảm lượng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá (tạo ra điện). Hệ thống tạo ra lượng nước nóng dồi dào, với đủ các quy mô từ 100 lít đến hàng chục ngàn lít/ngày đêm (có hệ thống bổ trợ), đáp ứng cho các nhu cầu sinh hoạt đa dạng như nấu nướng, tắm, giặt, vệ sinh, rửa chén bát. Bên cạnh các ưu điểm cũng còn tồn tại các nhược điểm dễ thấy như:
  • - Phụ thuộc vào ánh nắng mặt trời. Đối với các khu vực có các mùa rõ rệt như ngoài Bắc, thì mùa hè rất nóng, nhu cầu nước nóng không nhiều thì hệ thống lại sản xuất ra nhiều nước nóng, trong khi mùa đông kéo dài, thì hệ thống lại sản xuất ra rất ít nước nóng, không đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng của Gia đình.
  • - Do hoạt động dựa trên nguyên lý đối lưu tự nhiên, nên bồn nước lạnh phải cao hơn bồn nước nóng để nước lưu chuyển dễ dàng.
  • - Yêu cầu cân bằng áp giữa hai đường nước nóng lạnh…
Trong các mục dưới đây, em sẽ cố gắng nêu ra các phương án giải quyết cho các vấn đề thường gặp. Các bác đọc và cho thêm ý kiến đóng góp, bổ sung để bài viết dần hoàn thiện hơn nhé ạ.

III.1 Để có nước nóng trong mọi điều kiện thời tiết.

Đây là yêu cầu đầu tiên và chính đáng khi đầu tư hệ thống nước nóng trong mọi tòa nhà, đặc biệt vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, nhu cầu nước nóng càng cấp thiết hơn. Bình nước nóng chạy điện rất linh hoạt, khi cần là có thể bật để sử dụng, tuy nhiên lượng nước tạo ra hạn chế, chỉ đáp ứng nhu cầu tắm, và khá tốn điện.

Phương án khắc phục:

Bổ sung Điện trở gia nhiệt + CB điện: Một cây điện trở phù hợp (từ 1 kW đến khoảng 5 kW) được lắp bổ sung vào bồn nước nóng, và điều khiển bằng CB điện tự động (có đo dòng rò). Khi lượng nước nóng từ hệ thống NNNLMT không đủ cho sinh hoạt, thì chủ nhà có thể bật CB lên để cây điện trở này đốt gia nhiệt nước trong bồn nước nóng. Khi sử dụng xong có thể tắt đi, tương tự như máy nước nóng bình thường.

Ưu điểm
  • - Giá thành rẻ.
  • - Dễ thi công, thao tác.
Nhược điểm:
  • - Lãng phí lượng nước nóng do điện trở phải làm nóng cả bồn nước nóng, và nước lạnh bổ sung trong quá trình sử dụng.
  • - Rất tốn điện.
  • - Trong trường hợp quên tắt CB, điện trở liên tục gia nhiệt vào bồn, khiến nước nóng lên liên tục tới điểm sôi, tác động xấu tới bồn, lớp bảo ôn cũng như các đường ống dẫn nước. Trường hợp xấu có thể gây chạm, chập thanh điện trở, gây rò điện và cháy bồn.
Bổ sung điện trở và bộ điều khiển nhiệt độ.

Bộ điều khiển này gồm tập hợp các cảm biến nhiệt độ, MCB kiểm tra dòng rò, đảm bảo an toàn hệ thống và bộ phần mềm điều khiển. Nguyên lý hoạt động của bộ điều khiển này như sau:
  • - Điện trở và cảm biến nhiệt độ được lắp vào bồn nước nóng.
  • - Khi nhiệt độ nước trong bồn xuống dưới một mức nhiệt độ cài đặt nhất định (ví dụ 45 độ - mức này có thể điều chỉnh được), điện trở sẽ được kích hoạt, gia nhiệt nước nóng trong bồn.
  • - Sau khi nước trong bồn đạt đến một mức nhiệt độ nhất định (ví dụ 55 độ - mức này có thể điều chỉnh được), hệ thống điều khiển sẽ ngắt điện, điện trở ngừng hoạt động.
  • - MCB kiểm tra dòng rò, khi điện trở kích hoạt, dòng rò vượt mức cho phép, MCB tự động nhảy nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
- Tuy nhiên, trường hợp vào ngoài giờ cao điểm như nửa đêm, lúc này nhu cầu nước nóng của cả nhà không nhiều, khi nước trong bồn xuống thấp hơn mức cài đặt (ở đây là 45 độ), hệ thống điện trở bật lên làm nóng cả bồn nước 220 lít lên 55 độ thì rất lãng phí cả nước và điện, do nhu cầu sử dụng của bác không nhiều. Trong khi hệ thống sẽ được gia nhiệt nước nóng từ Mặt Trời vào sáng hôm sau. Hệ thống điều khiển này sẽ giúp các bác xử lý vấn đề trên. Các bác có thể cài đặt thời gian cho phép để điện trở hoạt động. Thường là 3 khoảng thời gian trong ngày, ví dụ như từ 5h30 – 7h30, 11h – 13h và 17h – 22h. Trong thời gian này, nếu nhiệt độ nước dưới mức cài đặt (ở đây chọn 45 độ) thì điện trở sẽ bật. Ngoài thời gian trên, nhiệt độ nước dưới mức 45 độ, điện trở cũng sẽ không hoạt động. Điều này sẽ giúp gia đình tiết kiệm rất nhiều điện. Nếu các bác cần nước nóng vào các khung giờ bên ngoài, thì đơn giản điều chỉnh lại thời gian cài đặt là xong. ^_^

- Ngoài ra, nếu các bác muốn kiểm tra, kiểm soát hệ thống tốt hơn nữa, có thể lựa chọn bộ phần mềm điều khiển có app trên điện thoại. App này giúp các bác nắm được thông tin nhiệt độ nước tại bồn hiện đang bao nhiêu. Dễ dàng bật tắt hệ thống từ xa thông qua wife, thay đổi các thông số cài đặt về thời gian điều khiển, nhiệt độ để điện trở hoạt động.

Ưu điểm:
  • - Quản lý hệ thống tự động, tối ưu.
  • - Dễ dàng thiết lập, cài đặt
  • - Hệ thống nước nóng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sử dụng mọi lúc, mọi nơi.
Nhược điểm:
  • - Chi phí cao: Một bộ điều khiển + điện trở tùy loại có giá từ vài triệu đến chục triệu đồng.
  • - Bên lắp đặt cần có kinh nghiệm, và có khả năng bảo hành, sửa chữa khi cần.
  • - Bồn nước nóng phải có chỗ gắn điện trở và cảm biến.
Tính toán lượng điện tiêu thụ để làm nóng 100 lít nước từ 45 độ lên 55 độ C (tăng 10 độ C).

Năng lượng của 1 kWh điện là: 1.000 W * 3.600s = 3.600.000 J =3.600 kJ.


Nhiệt lượng cần làm nóng 100 lít nước từ 45 độ lên 55 độ C là (tạm thời bỏ qua phần nhiệt lượng làm nóng bồn, tạm coi nước gần nguyên chất có nhiệt dung riêng là 4.18 kJ/kg.K

Q = G x C x (t2 – t1) = 100 x 4.18 x (55-45) = 4.180 kJ.

Lượng điện năng cần tiêu thụ để làm nóng lượng nước trên là:

A = 4.180/3.600 = 1.16 kWh.


Vậy, để làm nóng lượng nước trong bồn là bao nhiêu lít, lên bao nhiêu độ là có thể dễ dàng tính ra. Ví dụ làm nóng 220 lít trong bồn lên 10 độ cần 2.32 kWh điện.

III.1.1 Lắp song song với máy nước nóng điện.

Đối với các hộ Gia đình đã đầu tư máy nước nóng (chạy điện), và không muốn tốn thêm chi phí lắp thêm điện trở và bộ điều khiển bên trên, có thể sử dụng phương án đấu nối hệ thống máy NNNLMT và máy nước nóng lại với nhau. Phương án thực hiện như sau:

- Trên đường nước nóng từ máy NNNLMT đi xuống, ta lắp thêm một Tee phân đường nước nóng từ hệ NNNLMT thành 2 nhánh. Nhánh chính xuống các vòi bình thường, và nhánh rẽ nối vào đường cấp nước lạnh vào của máy nước nóng. Nhánh nước này có lắp thêm khóa. Bình thường, ta sẽ khóa đường nước đi qua máy nước nóng, và sử dụng nước từ hệ NNNLMT bình thường. Khi lượng bức xạ mặt trời yếu, không đủ làm nóng nước, ta khóa đường nước nóng qua vòi, mở khóa đường nước vào máy nước nóng, để máy nước nóng làm nóng nước.

o Ưu điểm
  • § Tận dụng được máy nước nóng sẵn có.
  • § Chủ động điều phối nước.
  • § Trong điều kiện ánh nắng yếu, hệ NNNLMT vẫn làm nóng nước, nhiệt độ nước lúc này cao hơn so với nước ngoài môi trường từ 5 – 10 độ trở lên. Vì vậy, việc sử dụng nước nóng từ hệ NNNLMT qua máy nước nóng sẽ làm giảm lượng điện tiêu hao làm nóng nước lên, tiết kiệm hơn so với sử dụng nước lạnh bình thường.
o Nhược điểm
  • § Phải đấu nối đường nước nổi, gây mất thẩm mỹ căn nhà.
  • § Nước nóng qua máy nước nóng chỉ phục vụ cho nhu cầu tắm, còn rửa chén bát, giặt giũ thì khó đáp ứng hơn.
III.1.2 Sử dụng bồn gia nhiệt phụ

Để làm nóng lượng nước trong cả bồn nước nóng sẽ gây tốn điện, và lãng phí khi không sử dụng hết lượng nước nóng này, vì vậy có thể sử dụng một bồn trung gian có dung tích nhỏ hơn (ví dụ 50 lít). Nước nóng sẽ chảy từ bồn nước nóng qua bồn gia nhiệt (bồn phụ), và qua hệ thống đường ống nước nóng cấp cho căn nhà. Khi nước nóng không đủ cấp cho nhu cầu, ta kích hoạt điện trở trong bồn gia nhiệt (bồn phụ) hoạt động. Do lượng nước trong bồn này ít, nước sẽ làm nóng nhanh hơn, và sử dụng tối ưu hơn.

Ưu điểm
  • - Tiết kiệm điện
  • - Sử dụng lượng nước vừa phải
Nhược điểm
  • - Chi phí đầu tư ban đầu đội lên cao
  • - Kết nối khó khăn
  • - Vẫn phải sử dụng các phương án khác kết hợp.
Do các nhược điểm của phương án này nhiều, nên chỉ được áp dụng phổ biến ở quy mô công nghiệp, còn quy mô hộ Gia đình thì không cần thiết.

III.1.3 Sử dụng Heat pump.

Các phương án nêu trên đều cần sử dụng điện trở để chuyển điện năng thành nhiệt năng bổ sung trực tiếp cho nước nóng trong trường hợp nước từ hệ NNNLMT cấp không đủ cho nhu cầu. Về lâu dài, vẫn tiềm ẩn rủi ro rò điện. Mặc dù có nhiều thiết bị bảo vệ an toàn cho người sử dụng và hệ thống như aptomat, MCB tự động… nhưng có rất nhiều gia đình vẫn không an tâm. Hiện tại, ở quy mô công nghiệp, phục vụ cho khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, ký túc xá… bên cạnh việc ưu tiên sử dụng bức xạ mặt trời để làm nóng nước, thì một thiết bị khác được lựa chọn để cấp bù nhiệt cho nước là bơm nhiệt (Heat pump). Nguyên lý hoạt động của Heat Pump ngược lại với nguyên lý của điều hòa không khí, có thể nâng hiệu suất làm nóng nước lên gần 400%. Do chủ yếu sử dụng ở quy mô công nghiệp, cũng như có rất nhiều điều để nói về Heat Pump, em xin hẹn một bài khác nói rõ về thiết bị này.
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
III.2 Xử lý Nước chảy ra tại vòi yếu, chậm.

Trường hợp này phải sử dụng bơm tăng áp cho hệ thống. Các thông tin về bơm tăng áp em đã nêu bên trên. Khi lắp cho bơm tăng áp vào đường nước, các bác cần lưu ý một số vấn đề sau:
  • - Tuyệt đối không lắp bơm tăng áp trước Hệ NNNLMT dạng ống chân không. Với áp lực của bơm tăng áp, trường hợp nhẹ, nước sẽ bị đẩy lên theo đường ống thông hơi tràn ra ngoài. Nếu nặng hơn sẽ gây bể ống. Do giữa 2 lớp thủy tinh của ống thu nhiệt là một khoảng chân không (đã phân tích ở trên) nên khả năng chịu áp lực, va chạm rất kém.
  • - Hệ máy NNNLMT tấm phẳng không chịu áp, các bác cũng không lắp bơm tăng áp phía trước hệ máy, vì nước trong bồn nước nóng sẽ theo ống thông hơi thoát ra ngoài.
  • - Với các hệ NNLMT dạng ống + dạng tấm phẳng không chịu áp, các bác có thể lắp đặt bơm tăng áp ở phía sau máy nước nóng. Tuy nhiên, hệ thống sẽ tồn tại nhiều rủi ro, khi ống thông hơi bị bít nhỏ lại, khi bơm hoạt động khiến áp trong bồn nước nóng giảm xuống, gây rủi ro vỡ ống.
  • - Với các hệ NNNLMT dạng ống + dạng tấm phẳng không chịu áp, các bác có thể lắp bơm tăng áp ở bên phía cấp nước lạnh của tòa nhà. Các bác lắp như sau: Nước lạnh từ bồn nước lạnh xuống, chẻ Tee, trục chính cấp nước lạnh cho tòa nhà, nhánh rẽ vào máy nước nóng NLMT. Bơm tăng áp lắp sau Tee này. Tuy nhiên, lắp kiểu này sẽ dẫn đến hiện tượng chênh áp lớn giữa vòi nước nóng và vòi nước lạnh. Gia đình các bác sẽ khó để căn chỉnh hòa trộn giữa hai dòng nước để ra được nước có nhiệt độ phù hợp. Bên cạnh đó, biên độ điều chỉnh của vòi sẽ nhỏ, nhưng đầu ra nước sẽ có nhiệt độ chênh nhau nhiều, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng. Có một số trường hợp đã xảy ra trong thực tế khách sạn cao tầng, vòi nóng lạnh thông nhau, khi mở vòi nước, áp trong đường nước lạnh quá cao, tràn sang đường nước nóng, ép nước nóng khó chảy ra khỏi vòi. Một phương án khác là lắp hai bơm tăng áp riêng biệt cho cả đường nước nóng và nước lạnh, bên đường nước nóng lựa chọn bơm tăng áp chịu được nhiệt độ cao. Tuy nhiên cách này cũng không tối ưu, dễ tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt khi mở vòi bên nước nóng, sẽ khiến nước nóng chảy mạnh ra, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
  • - Các Bác có điều kiện tài chính thì nên đầu tư MNNNLMT dạng tấm phẳng chịu áp. Đây là phương án tốt nhất, và chỉ cần đầu tư một bơm tăng áp nước lạnh dùng chung cho cả hệ thống. Nguyên lý lắp đặt như sau: Nước xuống từ bồn, qua van khóa, T chẻ nối tắt qua bơm vào đường nước lạnh sau bơm. Ý nghĩa của Tee chẻ này là khi bơm gặp sự cố, các bác có thể khóa đường nước qua bơm lại, để nước lạnh đi theo đường tắt này xuống nhà, sử dụng bình thường. Sau Tee là racco, và qua bơm tăng áp Sau bơm tăng áp này là một racco, một Tee chẻ nữa, đường chính dẫn nước lạnh cấp xuống nhà, đường rẽ nhánh chảy vào bồn nước nóng. Phương án này có ưu điểm là áp lực trong đường nước lạnh và nước nóng tương đương nhau, cùng do bơm tăng áp đẩy, khác nhau một chút do tổn thất trên đường ống và chênh lệch độ cao giữa hai đường nước.
III.3 Khi Bồn nước lạnh đặt thấp hơn bồn nước nóng.

Đây là một trường hợp phổ biến luôn gặp, kể cả nhà mới xây hoặc đã hoàn thiện lâu rồi. Theo nguyên lý tự nhiên, bồn nước lạnh cấp phải cao hơn bồn nước nóng, để khi nước trong bồn nước nóng giảm đi, bồn nước lạnh có thể cấp kịp thời bổ sung vào bồn nước nóng, để chờ làm lạnh. Có những phương án xử lý sau:

Nâng cao bồn nước lạnh lên. Các bác có thể đặt tiệm đo đạc, hàn một bộ khung chân khớp với bồn nước lạnh mà nhà các bác sử dụng, thường nâng cao thêm từ 1.2m – 1.5m là phù hợp với máy nước nóng. Phương án này cũng giúp áp nước trong vòi chảy của các bác tăng thêm tương ứng.

Trong một số trường hợp, việc nâng bồn nước lạnh lên cao là không khả thi, ví dụ như không còn không gian nâng bồn nước lạnh lên, vị trí lắp đặt máy nước nóng là nóc tum, mái ngói ngôi nhà. Trường hợp này tùy thuộc vào MNNNLMT nhà các bác sử dụng để có phương án xử lý như:

Máy nước nóng dạng ống + tấm phẳng không chịu áp: Có thể lắp bồn nước phụ như trong hình:

binh-phu(1).jpg

Dung tích bình phụ này khoảng 30 – 60 lít. Tuy nhiên, do còn có phao bên trong bồn nên lượng nước thực tế trong bình nước phụ sẽ chứa được ít hơn so với dung tích chứa của nó. Bình nước phụ có lắp phao giống như bồn nước lạnh thông thường, khi nước trong bồn giảm đến một mức độ nhất định, sẽ kích hoạt rơ le để bơm nước bơm lên bồn. Bồn nước phụ càng nhỏ, lượng nước chứa trong bồn càng ít, tần suất bơm nước cấp nước lên bồn phụ càng nhiều. Ngoài ra, còn có rủi ro nước trong bồn nước lạnh quá nóng, tạo áp suất cao trong bồn nước nóng, điều này khiến van một chiều khó mở ra hơn, khi bắt đầu sử dụng nước nóng, áp suất trong bồn nước nóng mới giảm xuống, tạo không gian cho nước lạnh trong bồn tràn vào, kéo dài thời gian làm nóng lượng nước này.

III.3.2 Máy nước nóng NLMT dạng tấm phẳng chịu áp.

Đây lại là một lợi thế của hệ thống này, khi lắp đặt rất linh hoạt. Chỉ cần một bơm tăng áp, độ cao chênh lệch bồn nước nóng và bơm tăng áp không quá lớn (dưới 4m) là bơm tăng áp có thể đẩy nước lạnh lên trên bồn nước nóng bình thường. Do hệ thống ở vị trí cao nhất, nên áp trong hệ thống chủ yếu do bơm tăng áp tạo ra, khắc phục được hầu hết các nhược điểm của bồn phụ bên trên.
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
III.4 Nhà đã hoàn thiện, muốn lắp thêm máy NNNLMT

Vấn đề này khá phổ biến, do máy nước nóng NLMT mới phổ biến tầm mười năm trở lại đây. Ngày xưa khi làm chỉ có một đường nước lạnh cấp xuống, hiện tại muốn lắp thêm Máy nước nóng NLMT để có nước nóng dùng thoải mái hơn. Việc này khá đơn giản, hiện tại có rất nhiều đại lý, đội thi công điện nước nhận làm việc này. Bên thi công sẽ đến khảo sát trực tiếp nhà các bác, trao đổi về các phương án thi công, đi đường ống, chi phí, và kết nối các thiết bị vệ sinh theo yêu cầu của các bác. Tùy vào thực tế căn nhà, nhưng việc thi công này khá phức tạp do phải khoan tường để bắt vít cố định đường ống, đi nổi đường ống ngoài tường làm giảm thẩm mỹ căn nhà… Các bác cân nhắc giữa lợi ích và các vấn đề phát sinh, chi phí, từ đó quyết định lựa chọn bên thi công ạ.

III.5 Nếu sơ ý làm bể một vài ống thủy tinh chân không, cách khắc phục tạm thời như thế nào để vãn có nước sử dụng trong lúc chờ thay ống mới.

Do là ống thủy tinh, lại có lớp chân không ở giữa, nên khả năng chịu va đập của ống này rất kém. Ống có thể bị bể khi có tác động va đập bên ngoài, hoặc thay đổi nhiệt độ nước đột ngột. Trường hợp ống bị bể, các bác cần thực hiện theo trình tự sau:
  1. - Ngay lập tức tránh xa khỏi bồn, không để nước nóng bắn vào người gây bỏng, vì nước trong bồn rất nóng, có thể lên đến hơn 90 độ.
  2. - Tắt hết CB điện nối điện trở và bộ điều khiển điện trở của bồn.
  3. - Các bác cứ để nước lạnh chảy chậm vào bồn để làm giảm nhiệt độ nước còn lại trong bồn, tránh bị bỏng. Sau khi chắc chắn nước không còn quá nóng, gây nguy hiểm nữa, mới khóa đường nước lạnh lại.
  4. - Quét dọn các mảnh vỡ đi, để nó cứa vào lại khổ, nhiều chất không tốt khi vào người đâu á. Bỏ luôn phần đầu ống nối với bồn đi.
  5. - Lấy phần cuối ống (phần có chỏm cầu và có mấu ấy ạ), thường phần này gần đất, khó bể đến phần này. Nếu còn dài thì rất tốt. Ca bác quay đầu này lại, nhét vào trong lỗ của bồn nước nóng đó ạ. Nếu khó nhét, các bác có thể dùng nước rửa chén, hoặc dầu gội đầu pha hơi loãng bôi lên thành ống, để dễ nhét vào hơn.
  6. - Xả nước lại vào bồn xem có bị xì chảy không, nếu kín là tạm ổn rồi á bác. Các bác có thể sử dụng tạm vài ngày tiếp trong lúc chờ thay ống mới vào. Hiện ống thủy tinh chân không phi 58 rất phổ biến trên thị trường. Có thể dễ dàng mua và thay thế, giá chỉ tầm trên dưới 200k/ống. Tuy nhiên, em nghĩ các bác nên liên hệ bên thợ, thêm công khoảng 100k – 200k nữa để thợ mang đến thay thế cho. Điều này đỡ cho các bác phải di chuyển xa có khả năng bể ống, khi thay thế không cẩn thận có thể bị bỏng, với thợ làm lâu năm vẫn có thể bỏng như thường, do chủ quan. Ngoài ra, sau khi thay thế xong, thợ có thể hỗ trợ các bác vệ sinh sơ hệ thống máy nước nóng. Do ống dốc khá lớn, cặn lắng ở dưới đáy khá nhiều đó ạ.
III.6 Ống chân không bị hư, làm sao nhận biết được ống nào bị hư.

Ống chân không gồm 2 lớp thủy tinh, việc một ống bị nứt, lủng một lỗ nhỏ có thể khó khiến nước rò rỉ ra để các bác phát hiện, tuy nhiên làm mất lớp chân không ngăn cản việc truyền nhiệt ra. Một ống bị hư sẽ làm nước trong bồn thoát nhiệt nhanh, qua một đêm có thể khiến nước trong bồn không còn nóng nhiều nữa, ảnh hưởng đến việc sử dụng của Gia đình vào sáng hôm sau. Vậy làm sao để biết một ống bị hư? Các bác quan sát phần chỏm cầu và núm ở đầu mỗi ống, có lớp phủ màu bạc. Ở điều kiện ống tốt, lớp chân không còn nguyên vẹn, lớp phủ màu bạc này sẽ có ánh bạc bình thường. Nếu không khí bị lọt vào, gây suy giảm hoặc mất lớp chân không, lớp phủ màu bạc này sẽ biến chất, chuyển màu xỉn.

III.7 Có nước nóng sử dụng luôn mỗi khi mở vòi.

Các bác có bao giờ đặt câu hỏi, tại sao ở nhà mình, khi mở vòi vào buổi sáng một lúc sau mới có nước nóng. Nhưng nếu vào ban ngày, buổi tối, khi sử dụng liên tục, thì mở vòi ra là có nước nóng rất nhanh. Khi ở khách sạn cao cấp, mở ra chỉ tầm 5 – 20 giây sau là có nước nóng luôn rồi, thời gian chờ rất ngắn. Ngược lại, những khách sạn nho nhỏ, hoặc bình dân, thì có khi chờ vài phút mới có nước nóng chảy ra, thậm chí nhiều lúc còn nghĩ hết nước nóng rồi không ạ???

hoi nuoc nong.gif

Nguồn: Internet.

Do nước chảy trong đường ống nước nóng sẽ bị mất nhiệt theo thời gian, khiến nước trở nên nguội đi. Khi mở vòi nước, lượng nước này cần phải xả ra hết và thay thế bằng nước nóng từ bồn nước nóng chảy xuống, khi đó ta mới có nước nóng để sử dụng. Nếu đường nước nóng dài, như nhà nhiều tầng, nhiều phòng, thì thời gian này khá lâu, có thể kéo dài cả phút, gây lãng phí nước khi phải xả hết lượng nước này ra, ngoài ra cũng làm khó chịu khi sử dụng. Vì vậy, phương án bơm hồi được sử dụng. Bơm sẽ được cài đặt theo công thức x phút chạy y phút ngừng, và thiết lập trong các khung giờ cao điểm mà chủ nhà có thể chủ động thiết lập được. Ví dụ nhà các bác có 3 khung giờ cao điểm là 4h30 – 8h, 10h – 14h, 17h – 24h. Tức chỉ trong các khung giờ này bơm mới hoạt động. Và khi bơm hoạt động x phút, sẽ tạm ngừng trong y phút và lại chạy lại trong x phút. Con số x, y này sẽ được tính toán và tư vấn bởi bên cung cấp, dựa vào kích thước đường ống, chiều dài ống, công suất bơm… Phương án sử dụng bơm hồi này rất được ưa chuộng tại các biệt thự, villa, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, ký túc xá… Ở quy mô Gia đình, lượng nước được bơm hồi bơm về sẽ đấu nối lại vào đường nước lạnh, để cấp vào bồn nước nóng. Điều này rất bình thường, vì nước trong đường ống thường có nhiệt độ cao hơn so với nước lạnh, và khi nước nóng trong đường ống được thu hồi về, thì nước nóng từ bồn sẽ chảy ra bổ sung, điều này tạo một vòng khép kín, không ảnh hưởng đến hoạt động hệ thống.
NTV8888
ĐẠI BÀNG
5 năm
III.8 Nhu cầu nước nóng nhiều hơn so với khả năng cung cấp của hệ thống.

Ở quy mô gia đình, thường các hệ thống máy nước nóng chỉ có công suất khoảng 300 – 400 lít trở xuống, đủ cung cấp cho hộ Gia đình từ 10 – 15 người sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp nhu cầu nước cao hơn, như nhà nghỉ nhỏ, có sản xuất kinh doanh cần nhiều nước nóng. Nếu nhu cầu không nhiều, đơn giản các bác chỉ cần lắp 2, 3 hệ nước nóng là được. Khá đơn giản và nhanh. Còn nếu nhu cầu nhiều hơn, cao hơn, thì có thể sử dụng hệ thống được thiết kế riêng như quy mô công nghiệp. Tùy theo các yêu cầu và ngân sách mà quý khách sẽ được xây dựng một phương án phù hợp.

III.9 Lắp đặt Máy NNNLMT trên mái ngói, mái tôn

Việc lắp trên mái ngói, mái tôn phức tạp hơn khá nhiều so với mái bằng. Trước khi lắp đặt cần khảo sát kỹ hệ thống xà gồ, kết cấu mái, khả năng chịu lực… để có phương án liên kết, gia cố với mái phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn, bền bỉ theo thời gian.

III.10 Nước sử dụng bị phèn.

ở Thành phố sử dụng nước thủy cục, vấn đề này không lớn, tuy nhiên có rất nhiều vùng thuộc Long An, Đồng Nai, Sài Gòn… sử dụng nước giếng khoan, bị nhiễm phèn rất nặng. Bồn trong bằng inox 304 không có khả năng chống chịu nước nhiễm phèn này. Sau một thời gian ngắn sử dụng, bồn inox sẽ bị gỉ sét, ăn mòn tan vào trong nước. Lúc này nước không còn đảm bảo an toàn cho sử dụng sinh hoạt. Theo thời gian, bồn bị ăn mòn gây lủng bồn, rò rỉ nước. Thành ống thủy tinh sẽ bị đóng cặn gây giảm hiệu suất hấp thu nhiệt. Một số phương án xử lý như sau:

10.1 Sử dụng hệ thống lọc khử phèn. Nước nhiễm phèn sẽ làm rỉ sét cả bồn nước nóng và bồn nước lạnh

10.2 Sử dụng bồn nước chịu được phèn.

Trong trường hợp nước bị nhiễm phèn nhẹ, hoặc hệ thống lọc phèn không triệt để, nhưng vẫn đủ dùng cho sinh hoạt, việc sử dụng nước nhiễm phèn này về lâu dài vẫn gây gỉ sét, hư hại bồn nước. Hiện nay, trên thị trường đang có một số dòng sản phẩm chịu được phèn này như:

10.2.1: Ruột bồn PPR

bon PPR 2.jpg

PPR chịu được nhiệt độ cao, và chống được nước phèn. Hiện trên thị trường, dòng này chủ yếu dùng cho bồn dạng ống thủy tinh chân không.

10.2.2 Bồn tráng men.

Ruột bồn được làm từ thép tráng men, dày hơn 2mm. Với đặc điểm này, bồn có rất nhiều ưu điểm như rất bền bỉ với các thể loại nước, chịu được áp rất cao, có thể lên đến 6 bar. Bồn tráng men thường là sản phẩm cao cấp, được sử dung cho các biệt thự, villa, bởi chịu được áp lực cao, bền, dễ kết nối với các loại bơm áp lực cao, phân phối nước đi khắp căn nhà.

VI. KẾT LUẬN

Một bài viết dài, dù em cố gắng đưa vào nhiều thông tin, kiến thức thực tế… nhưng chắc chắn còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là phần hình ảnh thuyết minh. Và cũng có thể có một số thông tin chữ rõ ràng. Em sẽ cố gắng bổ sung trong những comment sau để làm rõ hơn. Rất mong các Bác xem, thảo luận và góp ý để bài viết hoàn thiện hơn ạ.

Trong bài này, em chỉ tập trung vào hệ NNNLMT quy mô Hệ Gia đình, vì nó thiết thực, và phù hợp với nhu cầu lắp đặt của các hộ Gia đình nhất. Đối với quy mô lớn hơn, hoặc những yêu cầu đặc thù, do tính phức tạp trong mục đích sử dụng (hồ bơi, khách sạn, bệnh viện, trường học...), yêu cầu của chủ đầu tư, đặc thù của tòa nhà lắp hệ nước nóng, và cả phương án tạo ra nguồn nước nóng (NLMT, heat pump, đốt dầu, đốt gas…). Với mỗi công trình, cần khảo sát kỹ lưỡng, trao đổi các yêu cầu và khả năng đáp ứng, tài chính… để lên phương án phù hợp.

Chúc các Bác cùng Gia đình có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ, ấm áp và tràn đầy tiếng cười nhé. ^_^
techmanpro
ĐẠI BÀNG
4 năm
không biết dùng có hay hỏng hóc j không nhỉ các bác
NTV8888
ĐẠI BÀNG
4 năm
@techmanpro Gửi bác @techmanpro : Theo như mình làm, thì máy NNNLMT tốt, bền, và hiệu quả lắm á bác. Có những máy 10 năm, 12 năm vẫn ổn, xài ngon lành. Về độ bền thì dạng ống chân không (rất phổ biến hiện nay) không bền bằng tấm phẳng, do nó bị suy giảm hiệu suất làm nóng nước (không khí lọt vào trong lớp chân không). Thứ hai nữa là nó dễ bể ống. Tuy nhiên, việc thay thế ống khá đơn giản, mình đã ghi rõ trong bài bên trên đó bác. 😃

Ưu điểm của nó thì cực linh hoạt, có thể không sử dụng điện (mức an toàn cao nhất), hoặc có bộ phận gia nhiệt bằng điện hỗ trợ, giúp giảm chi phí tiền điện làm nóng nước. ^_^
Bác ơi nhà em đang xây nhà bác cho em xin sdt em nhờ tư vẫn cách lắp được không ạ? vì đứa em em lắp chả hoểu sao mùa hè toàn nước nóng - chả có nước lạnh mà dùng ý!!! huhu em sợ thế lắm!!! em cảm ơn bác!!!!
NTV8888
ĐẠI BÀNG
4 năm
@duonganh84 Chào Bác @duonganh84 : Xin lỗi Bác, cuối năm mình chạy công trình nhiều, với bên này ít tương tác quá, nên không biết bác comment. Để mình inbox Bác, Bác cần hỗ trợ, hay làm rõ cái gì thì mình trao đổi cụ thể ạ.
hangmv97
ĐẠI BÀNG
4 năm
như này mùa đông ko có nắng thì toang à các bác
NTV8888
ĐẠI BÀNG
4 năm
@hangmv97 Không ạ bác, có nhiều phương án bổ sung, mình có nêu rõ trong bài đó bác, ví dụ như xài thêm điện trở, lắp nối tiếp vào máy nóng lạnh... ở quy mô lớn hơn thì xài thêm heatpump gia nhiệt ạ. 😃
Bài viết của NTV8888 rất hữu ích cho người tiêu dùng Việt Nam.
Lúc đầu mình cũng lăn tăn nhiều vấn đề, nhưng sau khi đầu tư ít thời gian đọc và tìm hiểu qua thì cuối cùng cũng chọn cho GD được 1 hệ thống.
Nhưng khổ nỗi bài toán hiện nay và là câu chuyện ngân sách đầu tư sao cho hợp lý.
Bởi cái nào cũng có ưu & khuyết ( hàng tốt thì giá cao .... ).
Chắc phải nghiên cứu về bài toán đầu tư như bọn phương tây...
khucchumy
ĐẠI BÀNG
2 năm
Van 1 chiều nên dùng van bằng đồng hay inox?

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019