Máy tái chế rác thải thực phẩm và rác thải hữu cơ Ichini

Ngon Bổ Xẻ
14/8/2024 16:28Phản hồi: 56
Máy tái chế rác thải thực phẩm và rác thải hữu cơ Ichini
Mặc dù nhà mình gần như không có thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn, vì đã có thói quen nấu đến đâu ăn hết đến đó, tuy nhiên rác thải thực phẩm khi sơ chế và một số loại rác thải hữu cơ vẫn còn nhiều, bỏ đi rất phí phạm, vì thế mình sử dụng máy tái chế thực phẩm Ichini để có thể tái sử dụng rác thải thực phẩm thành phân bón cho cây cảnh trồng quanh nhà.

Tất nhiên, nếu có nhà đất với sân vườn, không gian rộng rãi, ủ thức ăn thừa thành phân bón theo cách truyền thống có thể sẽ hiệu quả hơn, nhưng mình đang ở một căn hộ chung cư, không có nhiều không gian để ủ phân cũng như sợ việc ủ phân có thể gây ảnh hưởng đến những căn hộ xung quanh, vì vậy mình chọn giải pháp sử dụng máy tái chế.

Bài viết này mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về máy tái chế rác thải thực phẩm Ichini và bên cạnh đó mình sẽ cung cấp những thông tin mình tìm hiểu được về việc tái chế rác thải thực phẩm sao cho đúng cách, để thân thiện hơn với môi trường.

Rác thải thực phẩm ảnh hưởng đến môi trường thế nào?


Mê-tan (Methane – CH4), là một loại loại khí nhà kính rất mạnh, thường phát thải ở các bãi chôn lấp, là kết quả của quá trình phân huỷ chất thải hữu cơ trong điều kiện kị khí (là điều kiện thiếu hoặc không có oxy).
kenny-landfill-methane.jpg

Do tốc độ phân hủy nhanh, chất thải thực phẩm tại các bãi chôn lấp góp phần tạo ra nhiều khí mê-tan hơn bất kỳ vật liệu chôn lấp nào khác. Ước tính rằng 58% khí thải mê-tan thoát ra từ các bãi chôn lấp là đến từ rác thải thực phẩm [EPA]

Giảm rác thải thực phẩm thế nào?


Tại Việt Nam, có lẽ chúng ta đã luôn được học từ ông bà, cha mẹ về việc không lãng phí thực phẩm, nhưng mình cũng vẫn xin đề cập một vài giải pháp chính để hạn chế rác thải thực phẩm theo quy trình từ chợ đến bàn ăn như [FDA]:
  • Có kế hoạch mua sắm thực phẩm phù hợp, mua đủ và mua có kế hoạch, kiểm tra tủ lạnh trước khi mua để không mua dư thừa.
  • Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh việc hư hỏng trước khi kịp sử dụng
  • Khi nấu nướng, định lượng vừa đủ để không dư thừa thực phẩm, tránh thức ăn thừa sau bữa ăn
Bản thân gia đình mình cũng đang áp dụng như vậy nhằm giảm thiểu rác thải thực phẩm. Nấu bữa nào ăn hết bữa đó, gần như không còn thực phẩm dư thừa hàng ngày.

Tuy nhiên, có một dạng rác thải thực phẩm mình không thể giảm thêm đó chính là rác thải khi sơ chế, ví dụ như là như khi nhặt rau hay gọt vỏ trái cây… Và đây là những thứ rác thải mà mình thấy nên tìm cách để tái chế vì còn nhiều giá trị sử dụng thay vì mang đi vứt bỏ. Ngoài ra, khi trồng cây, lúc tỉa cành, tỉa lá, hoặc lá úa cũng chính là các loại rác thải hữu cơ vẫn còn chứa nhiều năng lượng và giá trị sử dụng.

Cách để tái sử dụng tốt nhất những loại rác thải thực phẩm và rác thải hữu cơ với trường hợp của mình đó chính là biến chúng thành phân bón để cây cảnh trong nhà có thể hấp thụ.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể xem thêm hướng dẫn cách giảm tác động môi trường từ thực phẩm từ EPA, vì trước khi tái chế, cũng có thể có một số giải pháp tốt hơn như cho vật nuôi ăn chẳng hạn:
vi-epa-wasted-food-scale-detailed-vie.png
Nguồn ảnh: Wasted Food Scale | US EPA

Ủ phân bón

Ủ phân bón kiểu truyền thống được phân ra 2 dạng chính theo bản chất của quá trình phân huỷ đó là ủ phân kị khí và ủ phân hiếu khí.

Quảng cáo


  • Trong quá trình ủ phân kị khí, quá trình phân huỷ diễn ra khi không có hoặc có rất ít Oxy, các vi sinh vật kị khí chiếm ưu thế và phát triển các hợp chất trung gian gồm mê tan, axit hữu cơ, hydro sunfua và nhiều chất khác, nhưng vì không có oxy nên các hợp chất này tích tụ và không chuyển hoá thêm được nữa [FAO]. Ví dụ, quá trình phân huỷ sinh học của glucose kị khí sẽ là: C6H12O6 → 3CH4 + 3CO2 [BioCycle]
  • Quá trình ủ phân hiếu khí diễn ra khi có đủ oxy, trong quá tình này, các vi sinh hiếu khí phân huỷ chất hữu cơ tạo ra CO2 , amoniac, nước, nhiệt và mùn, sản phẩm cuối cùng sẽ tương đối ổn định. Mặc dù ủ phân hiếu khí có thể tạo các hợp chất trung gian nhưng các vi sinh vật hiếu khí sẽ phân huỷ chúng thêm lần nữa [FAO]. Ví dụ, quá trình phân huỷ sinh học của glucose hiếu khí sẽ là: C6H12O6 + 6O2 → 6CO2 + 6H2O [BioCycle]
landfill-vs-composting.jpg
Nguồn ảnh: Rise Foundation, Việt hoá bởi Ngon Bổ Xẻ

Đó là những cách chính để từ thực phẩm chúng ta có được phân bón theo như tài liệu của FAO, và ủ phân hiếu khí cũng là cách được khuyến cáo, vì sẽ tránh được phát thải khí mê-tan, trừ khi các bạn có thể thu hồi lượng mê tan đó để làm biogas thay vì thải thẳng ra môi trường.

Khí mê-tan cũng là một loại khí nhà kính, nhưng mê-tan có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển mạnh gấp 28-30 lần khí CO2 khi so sánh trong thời gian 100 năm, và mạnh gấp 84-86 lần khí CO2 khi so sánh trong thời gian 20 năm [EPA, UNECE]. Đó là lý do vì sao không nên thải rác thải thực phẩm đến các bãi chôn lấp, cũng như nên hạn chế việc ủ phân kị khí mà không có phương án thu hồi mê-tan làm biogas.

Với những cách truyền thống, việc ủ phân có thể kéo dài từ 2 – 6 tháng, sẽ tốn khá nhiều thời gian và không gian. Ngoài ra, cũng có một số phương pháp khác để ủ phân bón như là ủ bằng giun, thông qua enzym khi các chất hữu cơ đi qua hệ tiêu hoá của giun, hoặc ủ phân bằng men như phương pháp Bokashi, nhưng những phương pháp này cũng có sẽ có một số nhược điểm nhất định.

Như chia sẻ ở đầu bài, mình đang ở một căn hộ chung cư, không có nhiều không gian để ủ phân cũng như không có kinh nghiệm, ủ phân không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và những căn hộ xung quanh, vì vậy mình chọn giải pháp sử dụng máy tái chế.

Máy tái chế rác thải thực phẩm Ichini

Quảng cáo


Với máy tái chế rác thải thực phẩm Ichini, mình có thể tái chế rác thải thực phẩm và rác thải hữu cơ thành một sản phẩm có thể sử dụng như phân bón một cách dễ dàng và tiện lợi. Dù sau khi máy chạy, kết quả thu được chưa hẳn đã là phân bón, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn về sản phẩm thu được và cách sử dụng ở phần sau.

Ngoại hình


Máy tái chế thực phẩm Ichini có dạng khối hộp, kích thước cũng không quá lớn, chỉ 35x30x28 cm, to hơn nồi cơm một chút xíu.
ichini-thung-rac-08.JPG
Phần nắp cũng mở lên khá giống với nồi cơm.
ichini-thung-rac-09.JPG
Bên trong lòng là lòng nồi kim loại khá dày và nặng, có tay xách ở trên và dưới đáy là trục xoay để nghiền nhỏ thức ăn và các chất hữu cơ.
ichini-thung-rac-10.JPG
Phần trục nghiền này cũng làm từ kim loại, rất cứng cáp, không phải dạng lưỡi dao để xay cắt mà sẽ chạy chậm chậm nhưng có nhiều lực để nghiền nhỏ thực phẩm.
ichini-thung-rac-12.JPG
Bên trong lòng nồi sẽ có thanh gia nhiệt, dùng để sấy khô thực phẩm, và chính giữa là ngàm động cơ để dẫn động cho tay nghiền ở trong lòng nồi.
ichini-thung-rac-13.JPG
Đáy nồi cũng sẽ có ngàm để kết nối trục xoay bên trong với động cơ.
ichini-thung-rac-15.JPG
Nắp nồi cũng có thể tháo ra để vệ sinh được.
ichini-thung-rac-18.JPG
Ngoài ra, máy còn có nhiều cảm biến để nhận diện xem đã có nồi nằm trong máy chưa, đã đóng nắp hay chưa, đã chốt khoá hay chưa.
ichini-thung-rac-14.JPG
Bảng điều khiển của máy ở mặt trước, trên cùng là một núm vặn để khoá và mở khoá phần nắp, muốn mở nắp máy, phải vặn núm đen sang mức mở khoá rồi bấm nút trắng ở giữa mới có thể mở nắp được. Ngược lại, khi đóng nắp, phải vặn núm đen sang mức khoá mới có thể khởi động máy.

Trong quá trình máy chạy, chỉ cần xoay khoá sang chế độ unlock máy sẽ tạm dừng, đương nhiên nếu mở nắp là phải xoay sang unlock thì máy đã ngừng rồi, khi khởi động lại phải xoay sang chế độ lock mới có thể khởi động máy.
ichini-thung-rac-22.JPG
Phía bên dưới có nút nguồn to và rõ ràng. cùng một màn hình hiển thị 3 bước hoạt động của máy là Sấy, Nghiền và Làm nguội. Dưới cùng là một nút để chạy chế độ tự vệ sinh và nút để reset bộ lọc không khí.

Phía sau lưng máy sẽ có một bộ lọc than hoạt tính để lọc mùi thực phẩm trong quá trình máy chạy.
ichini-thung-rac-04.JPG
Bên trong bộ lọc khử mùi là rất nhiều than hoạt tính, và cũng dễ dàng có thể thay thế phần than hoạt tính này vì Ichini có bán riêng.
ichini-thung-rac-05.JPG
Ngoài ra, ở dưới đáy cũng có một bộ phận để hứng nước đọng trong quá trình xử lý, nếu có.
ichini-thung-rac-06.JPG
Máy có đi kèm hướng dẫn sử dụng tiếng Việt có đầy đủ các thông tin, và vẫn cẩn thận có thêm 1 miếng cảnh báo những thứ không được cho vào máy như xương to, cây gỗ, vỏ sò vỏ ốc…
ichini-thung-rac-24.JPG Còn các thực phẩm khác như trái cây, rau, cơm, thịt, cá, hải sản, bánh mì, phô mai, vỏ trứng, bã cà phê, bã trà…, máy đều có thể xử lý.

Nguyên lý hoạt động


Nguyên lý hoạt động của máy cũng rất đơn giản, chỉ gồm 3 bước đó là sấy khô, nghiền nhỏ và cuối cùng là làm nguội. Tuỳ vào nguyên liệu đầu vào mà sản phẩm đầu ra sẽ có hình thái khác nhau.\
ichini-thung-rac-26w.JPG
Nhưng điểm chung của sản phẩm đầu ra đều là vụn nhỏ và rất khô. Các loại thực phẩm, rác thải hữu cơ, sau khi được máy xử lý sẽ trở thành những mảnh vụn hữu cơ khô và sạch sẽ.
ichini-thung-rac-27w.JPG
Máy có thể giảm 80-90% thể tích và khối lượng rác thải hữu cơ. Ở những nước có đánh phí rác thải hữu cơ theo khối lượng như Hàn Quốc, các loại máy xử lý dạng này cũng được sử dụng khá phổ biến cho mục đích giảm khối lượng rác thải.

Mình cũng có đo lượng điện tiêu thụ, nhìn chung, với các loại rác thải thực phẩm cơ bản như rau, vỏ trái cây, vỏ trứng, máy sẽ chỉ tiêu thụ khoảng 1-1.1 kWh điện, và tốn khoảng 6-7 tiếng để vận hành tuỳ vào lượng rác thải đầu vào.
ichini-thung-rac-28w.JPG
Trong quá trình máy hoạt động, máy sẽ có hút không khí vào và thổi không khí ra để làm nóng và sấy khô thực phẩm theo nguyên lý sấy thông hơi, vì vậy, dù có than hoạt tính để hấp thụ mùi, vẫn có thể có mùi thức ăn lọt ra nếu đó là các loại thực phẩm có nhiều gia vị nặng.

Nhưng thực tế, mình thường chỉ sử dụng để xử lý rác thải thực phẩm sơ chế, nên thường sẽ có những mùi rất thơm như mùi tinh dầu cam từ vỏ cam hoặc mùi rễ ngò thoang thoảng gần không gian máy. Và sau khi máy chạy xong xuôi sẽ hơi có mùi khét khét của chất hữu cơ bị rang khô.

Ngoài ra, mình có 1 tip để tránh bị mùi khi sử dụng máy, đó là mình coi nó là cái máy, chứ không coi nó là cái thùng rác. Tức là mình sẽ chỉ cho rác thực phẩm vào khi mình xử lý, chứ không vứt rác thực phẩm vào và để đó gom vài ngày, vì quá trình gom đó sẽ có thể gây ra mùi hôi thối do thực phẩm tự phân hủy.

Nếu cần gom để đủ cho 1 mẻ để xử lý, mình sẽ cho rác thực phẩm vào một hộp kín và cất trong tủ lạnh để bảo quản, không để thực phẩm tự phân huỷ, về bản chất chưa vứt thì chưa phải rác mà vẫn là nguyên liệu, khi lượng nguyên liệu này đủ nhiều rồi mình mới cho vào máy để xử lý. Với cách sử dụng như vậy mình đảm bảo sẽ không bao giờ có mùi hôi thối tự phân huỷ, sẽ chỉ có mùi thơm tự nhiên của nguyên liệu và sau đó là mùi hơi khét của sản phẩm đầu ra.

Sản phẩm thu được – chưa hẳn là phân bón


Sản phẩm thu được là các mảnh vụn hữu cơ đã được sấy khô và nghiền nhỏ. Các bạn lưu ý, đây là vụn hữu cơ khô, về bản chất nó vẫn là các hợp chất hữu cơ có cấu trúc phức tạp chứ chưa phải là phân bón có cấu trúc đơn giản mà cây có thể hấp thụ được ngay. Chỉ khác là đã sản phẩm thu được đã giảm thể tích và khối lượng đi nhiều lần.
ichini-thung-rac-30w.JPG
Khác với trước khi xử lý, các mảnh vụn hữu cơ này đã được làm khô nên độ ổn định cao, dễ dàng bảo quản và lưu trữ để sử dụng sau này. Chúng ta chỉ cần cho vào hộp kín (mục đích là để nó khô) là có thể lưu trữ lâu hơn mà không lo bị phân huỷ sinh ra mùi khó chịu.

Trong quá trình sấy và nghiền, nhiệt độ cao đã tiêu diệt hết vi khuẩn và sấy khô làm độ ẩm của sản phẩm đầu ra ở dưới mức mà vi khuẩn hay nấm mốc có thể phát triển.

Đồng thời, vì được nghiền nhỏ nên cũng sẽ giúp quá trình phân huỷ sau này trở nên dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn so với hình thái ban đầu là rác thải thực phẩm tươi.

Cách bón cây với sản phẩm thu được


Nguyên tắc chính khi sử dụng sản phẩm thu được đó là trộn các vụn hữu cơ này vào đất để quá trình phân huỷ tiếp tục được diễn ra trong lòng đất giúp các vụn hữu cơ thật sự được chuyển hoá thành phân bón. Đồng thời, phủ một lớp đất lên bề mặt để tránh bị nấm mốc hay thu hút côn trùng, chuột bọ. Các bạn có thể tham khảo một số cách sau:
  • Cách 1: Trộn đều vụn hữu cơ với đất rồi phủ một lớp đất lên trên, vẫn thi thoảng tưới nước như đang chăm 1 cái cây để duy trì độ ẩm cho đất. Sau 2 tuần hoặc lâu hơn có thể trồng cây vào.
  • Cách 2: Trộn các vụn hữu cơ này với đất và lót ở phần đáy chậu rồi phủ thêm một lớp đất lên trên trước khi trồng cây vào. Sau một thời gian, khi cây phát triển, rễ cây đâm sâu xuống có thể hấp thụ dinh dưỡng và sinh trưởng.
  • Cách 3: Nếu chậu đủ lớn hoặc có vườn rộng, có thể đào hố ở quanh chậu cây, xa gốc cây, và trộn các vụn hữu cơ này với đất bên dưới và lấp hố lại. Sau 2 tuần hoặc lâu hơn có thể xới khu vực hố đó lên để trộn đều với đất ở xung quanh chậu cây.
ichini-thung-rac-31.JPG
Khi trộn với đất, các vi sinh và động vật có trong đất (như giun đất) sẽ tiếp tục phân huỷ các mảnh vụn hữu cơ thành phân bón và giúp đất màu mỡ hơn. Thời gian xử lý thường sẽ là 2 tuần hoặc lâu hơn, tuỳ vào “sức khoẻ” vốn có của đất và lượng vật chất hữu cơ cần xử lý.

Tương tự như các loại phân bón khác, chúng ta sẽ cần điều chỉnh lượng sử dụng sao cho hợp lý, vì bón quá nhiều sẽ khiến thời gian phân huỷ lâu hơn cũng như có thể sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất. Ngoài ra, các bạn cũng vẫn có thể đem vụn hữu cơ để làm nguyên liệu ủ phân theo cách truyền thống, sẽ giúp thời gian ủ phân nhanh hơn khi so với thực phẩm chưa qua xử lý.
Còn dưới đây là những cách sử dụng không được khuyến cáo:
  • Không bón mặt, không rải các vụn hữu cơ này lên mặt đất, vì khi có hơi ẩm của đất hoặc khi ta tưới cây, vụn hữu cơ đủ ẩm, với mức năng lượng dồi dào có sẵn, sẽ dễ mọc nấm mốc và cũng có thể phát ra mùi thu hút các loại côn trùng và chuột bọ.
  • Không bón trực tiếp gần gốc và rễ cây, vì quá trình tiếp tục phân huỷ của các vụn hữu cơ này có thể sinh nhiệt và gây ảnh hưởng hoặc hỏng rễ cây.
drying and grinding.jpg
Bón mặt bằng vụn hữu cơ có thể gây nấm mốc. - Ảnh được cắt ra từ video "Drying and Grinding Food Scraps as a Waste Diversion OptionTransform"

Tổng kết

Bản thân mình cũng đã sử dụng các vụn hữu cơ này để bón cho cây theo cách 3 ở phần trên có đề cập, sau hơn 2 tuần thấy mọi thứ vẫn rất ổn, cây vẫn khoẻ mạnh, không có mùi phát sinh, cũng không xuất hiện côn trùng hay chuột bọ. Và chắc chắn cách này đơn giản hơn việc tự ủ phân bón từ thức ăn thừa sau khi mình đọc và tìm hiểu một số kĩ thuật về ủ phân.


Đối với gia đình mình, từ khi sử dụng máy tái chế Ichini này, rác thải thực phẩm và rác thải hữu cơ đã được giảm thiểu đến 90-95%, chỉ còn lại những thứ mà máy không xử lý được mình mới phải vứt đi mà thôi.

Sau một thời gian sử dụng lâu hơn, mình sẽ lại tiếp tục cập nhật thêm vào bài viết này về tình trạng sử dụng máy cũng như tình trạng “phân bón” sau khi các vụn hữu cơ đã phân huỷ.

Nếu quan tâm đến sản phẩm này, các bạn có thể tham khảo thêm ở dưới phần comment.

Cảm ơn các anh em đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Facebook, Telegram, YouTubeGroup chia sẻ deal hời

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

56 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Sản phẩm này được bán trên gian hàng chính hãng của Ichini tại Shopee và Lazada, giá tham khảo vào các dịp sale là khoảng 4,500,000đ:

| Shopee | Lazada |


Nếu truy cập Shopee bị lỗi, anh em có thể xem trên website của mình tại đây.
IMG-8429.jpg
@Ngon Bổ Xẻ moá, máy 15 20 củ chưa ăn ai, máy như nồi cơm 5 củ này đùa vui à
@SieuBanana Nguyên lý hoạt động mình thấy tương đương nhau thôi bạn. Cũng chả đùa vui gì, nhà mình ít người cũng gom 2-3 hôm mới xử lý 1 mẻ 😁 thấy nó vừa với nhu cầu rồi
@Ngon Bổ Xẻ hệ thống wf mesh 6e nhà bác đã ngon và ổn định chưa vậy bác,hic?
@haobcyqhdvb Mình chưa dùng 6e, mới dùng 6, cũng dùng hệ AccessPoint chứ không chơi mesh và nó ổn định từ rất lâu gòi 😁
Mẹ mình làm ở viện KHNN miền Nam, mua cái thùng giá rẻ hơn nhiều, không cần cắm điện, đồ hữu cơ như đồ ăn thừa, vỏ chuối, vỏ trứng bỏ vào, rắc men lên rồi ủ, không hề hôi thậm chí nếu có vỏ cam thì còn mùi thơm tinh dầu. Thành phần chiết ra là dung dịch có màu đỏ như nhớt xe máy, dùng để bón cho cây.
@Illuminator2103 gửi 1 chiếc dép
@Illuminator2103 Cám ơn bạn 😁
@Illuminator2103
Hun cái nè
Chi phí bỏ ra quá nhiều so với những thứ nhận lại, thậm chí còn hại môi trường hơn. "Bảo vệ môi trường", "ăn chay", "làm từ thiện".... đây là những khẩu hiệu mà ngày nay người ta rất hay dựa vào đó để lùa gà.
@fioh_tuananh Bạn đọc bài chưa?

Kiềm chế nhưng vẫn có rác thì sao? Nhặt rau, gọt vỏ, lá cây thừa… hay những cái đó cũng ăn được

Mình vẫn nói đây không phải giải pháp tốt nhất, chỉ là giải pháp phù hợp với mình nhất. Và chia sẻ để những ai cũng đang có điều kiện tương tự (ở nhà chung cư chật chội không có nhiều không gian, không có nhiều kinh nghiệm ủ phân…) có thể tham khảo

Còn có nhiều giải pháp khác mình đã chia sẻ trong bài, cũng như những khuyến cáo làm thế nào mới tốt 😃
@fioh_tuananh Đúng rồi. Lần đầu tiên thấy sản phẩm vô nghĩa vậy. Tốn cả 1 kWh điện chỉ để làm cho rác hữu cơ nhẹ đi. Thấy cái hại môi trường gấp nhiều lần cái lợi.
@huygapro Lợi hay hại phải có đánh giá tác động toàn diện bạn ạ.

Ví dụ cùng khối lượng chất thải hữu cơ đó đem vứt đi, sẽ phát sinh ra bao nhiêu mê tan, quy đổi thành bao nhiêu CO2 tương đương. Chưa kể các tác động môi trường khác từ các bãi rác thải chôn lấp

Và khi sử dụng máy này, tính được phát thải do điện năng tiêu thụ, phát thải xuyên suốt vòng đời sản phẩm (từ lúc sx đến lúc thải bỏ), và lượng mê tan tránh được.

Khi có 2 con số đó so sánh với nhau, mới biết cái nào hại và cái nào lợi 😃
@fioh_tuananh Tốn 1 số điện cho 1 lần xử lý rác thải là thấy không thân thiện lắm rồi.
Lin Ga
ĐẠI BÀNG
một tháng
Bảo vệ môi trường kiểu này tốn tiền quá,nhà ai có sân vườn rộng thì làm thùng ủ rác lên men vi sinh thì tiết kiệm hơn. Hàng xóm tao 1 tháng có 25k tiền rác mà cũng vùng vằng không muốn trả😂
Lin Ga
ĐẠI BÀNG
một tháng
@Ngon Bổ Xẻ áp dụng cho nhà ở vùng nông thôn rất hợp lí, bà con mình vứt ra bừa bãi quá mà nông thôn thì xe thu rác còn hạn chế.
@Lin Ga ở Hà nội dù chung cư nhà phố thì chỉ có mấy ông bà thừa tiền rảnh việc mới mua cái máy này. Rác thì đem đi vứt cho nhanh, mua phân hữu cơ bón cây thì mua đầy ra. Riêng tiền điện chạy máy này cũng bằng, thậm chí hơn giá trị chỗ phân hữu cở đc tạo ra rồi. Bảo vệ môi trường chẳng cần đâu xa, đừng "ngu hoa đồng bào" như đám admin ở một vài diễn đàn nào đó đã là tích phúc, tích đức lắm rồi. Lợi dụng truyền thông làm màu, làm lợi cho bản thân là chính, chứ bảo vệ môi trường gì. Nếu đã viết bài thì viết có tâm 1 tý, đã đưa ra sáng kiến thì cũng phải vừa bảo vệ được môi trường, vừa tái chế, vừa tối ưu chi phí. Chứ năng lượng tiêu hao, tiền bỏ ra còn nhiều gấp vài lần thì bảo vệ túi tiền của nhà sản xuất chứ bảo vệ môi trường cái quần què gì.
@fioh_tuananh Trong bài mình nghĩ mình đã cung cấp đầy đủ thông tin rồi 😁 mình cũng không nói đây là giải pháp tốt nhất. Đơn giản là nó đang phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại của mình thôi.
@Lin Ga Bảo vệ môi trường ở đâu khi mà tốn quá nhiều điện cho việc sấy khô này.
Đúng là các loại máy này chỉ phù hợp với các gia đình sống ở chung cư, còn nhà nào có sân vườn thì cứ mang ra đó ủ cho tiện lại đỡ tốn kém.
@asterix0108 Đúng vậy 😁 hợp với chung cư, cuộc sống đô thị. Chứ có sân vườn và không gian thì ủ truyền thống là ổn nhất :D
Lin Ga
ĐẠI BÀNG
một tháng
@asterix0108 chung cư giờ nguòi ta làm cái cửa thu rác ngay hành lang thích vứt lúc nào chả được. Ở nhà phố còn phụ thuộc giờ giấc xe thu rác chứ chung cư 12h khuya ra đổ còn được.
@Lin Ga Câu chuyện là vứt rác thì tiện, nhưng rác thực phẩm sau khi vứt sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường, đặc biệt là với việc chôn lấp rác thải của VN.

Nên nếu tái sử dụng được thì mình nên tìm cách tái sử dụng trước khi vứt
Nhà mình có 4 thùng ủ hữu cơ bằng Vi Sinh, bón cho cây rất tốt. Dịch tiết ra dùng tưới cây.
Lâu lâu có mấy con dòi, mình mở ra cho chim sâu bay vào ăn.
@Hồ Quốc Trí Cách này hình như gọi là Boshaki đúng không bạn?
@Ngon Bổ Xẻ Đúng rồi bạn, mình mua cái thùng ủ rồi mua Men Vi Sinh về ủ. Cách này ko dùng trong chung cư được vì có mùi.
@Hồ Quốc Trí Yepp, mình cũng có tìm hiểu, ngoài có mùi thì phần bã sau này cũng vẫn phải đem vứt hoặc đem chôn đúng không bạn?
mình có cái thùng ,chỉ có rác thực vật thôi ,rắc 1 men vi sinh phân huỷ vừa không mùi hôi vừa phân huỷ mềm tốt cho cây
@anhcom67 Bạn cho mình xin tên cái men vi sinh đó với. Mình mua thùng ủ bokashi + men bán kèm nhưng ủ vẫn mùi kinh khủng, nhất là dịch tiết ra ở đáy thùng dù đã pha loãng nhưng mùi khủng khiếp ko chịu nổi.
@nguyentdzung men này có mùi thơm nhẹ mua trên Laz 25k
20240815-114812[1].jpg
@nguyentdzung mình dùng men này cho hầm cầu khỏi hôi ,cống rãnh cũng bỏ vào cho mất mùi
4tr5 thì mua được bao nhiêu phân bón? có thể trả tiền đổ rác bao nhiêu năm? chưa tính tiền điện, công sức bỏ ra...

CỰC HÌNH.
@nta139 Tiền đổ rác ở VN hiện đang quá rẻ và không hề tính đến các chi phí liên quan đến bvmt. Chưa phân loại được rác luôn.

Nếu cộng hết các loại chi phí để phân loại, xử lý và tái chế rác, chắc chắn tiền đổ rác sẽ không rẻ được như bây giờ.

Không phải tự nhiên mà máy này lại phổ biến ở những nước có quy định nghiêm ngặt về phân loại rác, rác thải hữu cơ và đánh phí rác hữu cơ cao
xgen
ĐẠI BÀNG
một tháng
@nta139 Không tính tiền xử lý rác nên thấy xả rác quá rẻ đúng rồi.
1.1kwh và chạy trong 7h thì tốn đến gần 8kwh cho 1 lần chạy, tương đương khoảng 28k VNĐ (tính mức giá sinh hoạt cao nhất khoảng 3k5/h)
xử lý 1 mẻ rác hữu cơ ít tí teo vậy và tốn đến 28k tiền điện???
chưa tính đến phí vật liệu tiêu hao như cái than hoạt tính kia nữa.
@yamaruan 1.1kWh là đã tính tổng của 6-7h chạy máy nhé bạn, không cần nhân lên nữa. Tức là 2-3k tiền điện / lần xử lý
có máy thì tiện
mà ở chung cư ,chơi trò này cũng hơi bât tiện 😁
ace ở nhà sàn thì chỉ cần 1 thùng xôp ,2 gói tricoderma là okay
😃
Thừa giấy vẽ voi

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019