Mình có 1 tản nhiệt khí CORSAIR A500, trước đó sử dụng cho vi xử lý AMD socket AM4 nhưng hiện tại đang rảnh. Tình cờ mình muốn tận dụng cho cấu hình Core i7-12700K thì mới phát hiện rằng A500 không được hãng cập nhật hỗ trợ, và cũng không có các bộ ngàm mới tương thích vi xử lý LGA 1700. Để không thì phí nên mình quyết định thử mod/độ chế để dùng được cho nền tảng mới, kết quả cũng tạm ổn và chi phí khá rẻ nên chia sẻ với anh em.
CORSAIR ra mắt mẫu tản khí A500 vào năm 2020, dĩ nhiên lúc đó Alder Lake chưa xuất hiện trên đời. Thương hiệu CORSAIR đã quá nổi tiếng với các sản phẩm tản nhiệt nước AIO và cả custom rồi, nhưng air cooler là thứ gì đó rất mới. “Đáng mừng” là sau A500, hãng không ra mắt thêm mẫu tản khí nào khác. Tốt nhất CORSAIR cứ tập trung toàn lực cho tản nhiệt nước - dòng sản phẩm đã nổi tiếng và gắn liền cùng thương hiệu, cũng như thùng máy, RAM, nguồn...

CORSAIR ra mắt mẫu tản khí A500 vào năm 2020, dĩ nhiên lúc đó Alder Lake chưa xuất hiện trên đời. Thương hiệu CORSAIR đã quá nổi tiếng với các sản phẩm tản nhiệt nước AIO và cả custom rồi, nhưng air cooler là thứ gì đó rất mới. “Đáng mừng” là sau A500, hãng không ra mắt thêm mẫu tản khí nào khác. Tốt nhất CORSAIR cứ tập trung toàn lực cho tản nhiệt nước - dòng sản phẩm đã nổi tiếng và gắn liền cùng thương hiệu, cũng như thùng máy, RAM, nguồn...


Quảng cáo
A500 không hẳn là tệ, nhưng giá của nó so với hiệu năng thì không tương xứng, và cũng khó cạnh tranh với những cái tên khác, điển hình như Noctua hay Thermalright. CORSAIR A500 có những điểm nhấn riêng, chẳng hạn như thiết kế đẹp, tiện, hệ thống cố định quạt kiểu trượt giúp tương thích dễ dàng kể cả RAM cao. Về bản chất, A500 là tản khí dạng tháp đôi nhưng kiểu monolithic, đi kèm 2 quạt làm mát và được gắn sẵn, phần này đáng khen vì người dùng chỉ việc lắp tản nhiệt lên CPU là sử dụng được, không cần loay hoay gắn quạt.


Thiết kế và sản xuất tản khí đã là 1 điểm lạ ở thương hiệu CORSAIR rồi, nhưng mà vẫn chưa hết, hãng không trang bị quạt LED cho A500. Thật ra trải nghiệm sẽ bị ảnh hưởng nhưng không quá nhiều, anh em nếu thích có thể mua quạt LED về thay thế là được. Ngoài ra, kể từ khi ra mắt, mẫu A500 có hiệu năng không mấy nổi bật, nếu không muốn nói là hơi tệ so với giá bán. Khi Intel ra mắt Alder Lake, CORSAIR cũng im lặng, không tung ra các phụ kiện hỗ trợ tương thích cho vi xử lý mới. Có lẽ hãng đã âm thầm “kết thúc” vòng đời của A500 do phản hồi không tích cực từ thị trường.

Vậy vấn đề của CORSAIR A500 khi gắn với mainboard socket LGA 1700 là gì? Đầu tiên, chúng ta không có backplate tương thích, do khoảng cách các lỗ gắn tản nhiệt trên LGA 1700 đã lớn hơn. Hi vọng chưa kết thúc ở đây đâu, vì ít ra thị trường vẫn còn 1 nhà sản xuất là ASUS. Hầu hết các mainboard của ASUS dành cho thế hệ Alder Lake và Raptor Lake đều thiết kế lỗ tản nhiệt đôi, hỗ trợ cả LGA 1700 và LGA 1200 trước đó. Mình thử luôn A500 với mainboard ASUS, cụ thể là mẫu B660-G GAMING WIFI, thế nhưng nhìn có vẻ ổn, thực chất vẫn còn khoảng hở giữa đế tản nhiệt và IHS, rất mỏng, mình đoán cỡ độ dày 1 tờ giấy A4. Anh em cũng biết là khi lắp đặt tản nhiệt, lực ép xuống CPU sẽ phải đủ lớn, và nếu nó vẫn còn hở khi đã hết răng ốc, khoảng không cần giải quyết không nhỏ.

Với mainboard ASUS B660-G GAMING WIFI, mình có thể sử dụng backplate kèm theo CORSAIR A500, nhưng ốc đệm lại không thể xử lý được. Độ dài phần thân ốc là 10 mm, trong khi mình nghĩ cỡ 8 mm là đẹp. Backplate tương thích với ốc cỡ M3, mình tìm mua 4 ốc M3 dài 20 mm thay cho ốc đệm LGA 1200 của A500, nhưng còn khoảng đệm thì sao? Mình lại tìm mua thêm trụ nhựa có ren M3, dài 8 mm.

Quảng cáo
Những tưởng đã giải quyết được, nhưng với 8 mm, phần ngàm bắt tản nhiệt sẽ cấn các tụ điện ở khu vực VRM xung quanh CPU, mình phải chêm thêm 1 chút. Chỗ này mình sử dụng long đền kim loại dày 1 mm, phía trên ngàm thì thêm 2 long đền nhựa dày 1 mm nữa. Lý do mình thêm long đền nhựa là để hạn chế độ dài của ốc M3 khi xuyên qua backplate. Chúng ta có 2 cách để gắn 4 ốc trụ M3 này: gắn từ trên xuống như mình, hoặc gắn ngược từ dưới lên. Gắn từ trên xuống thì 20 mm hơi dư, nhưng từ dưới lên thì lại hơi ngắn 1 chút, và cần phải sử dụng lại ốc cố định ngàm đi theo tản nhiệt để khóa phía trên.

Đây là hình ảnh sau khi đã lắp đặt ngàm giữ tản nhiệt, mọi thứ hoàn hảo, phần đệm hạ xuống 1 mm, đồng thời cũng không cấn tụ.

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp thì mình phát hiện là có thể sử dụng được ngàm và backplate LGA 1700 của mẫu tản nhiệt Thermalright Assassin King 120 SE. Vấn đề ở chỗ là nó vẫn hở, và cần phải thay thế trụ đệm như cách trên đây, tuy nhiên được cái là anh em sẽ có thể sử dụng với bất kỳ mainboard LGA 1700 nào mà không nhất thiết là ASUS. Mình có dạo Shopee và liên hệ hỏi thăm, các nơi cung cấp ngàm + backplate đa dụng đều không có cỡ tương thích với Corsair A500, vì khoảng cách giữa các tâm lỗ không phổ biến.

Quảng cáo
Kết quả sau khi mod, kem tản nhiệt đã dàn đều và lực ép tốt.


Mình cũng thử nghiệm luôn CORSAIR A500 với vi xử lý Intel Core i7-12700K, mainboard ASUS ROG Strix B660-G GAMING WIFI, nhiệt độ phòng có máy lạnh khoảng 28 độ. CPU chạy phép thử của AIDA64 và dựng hình Cinebench R23 trong 10 phút, TDP khoảng 175 W, kết quả nhiệt độ cao nhất dao động khoảng 85 độ C. Mình chuyển qua Prime95 và dĩ nhiên là A500 không thể chịu nổi được nhiệt độ khi vi xử lý chạy ở TDP 220 W.

Nhìn chung mình thấy CORSAIR A500 là 1 tản khí tạm ổn, nhưng nó sẽ ổn hơn nếu như giá bán từ đầu không quá đắt. Trong trường hợp đó, người dùng sẽ chào đón nhiều hơn, các đánh giá cũng khác và biết đâu CORSAIR tiếp tục hỗ trợ cho sản phẩm này thì sao. Theo những gì mình tìm kiếm trên mạng thì chưa có trường hợp nào sử dụng được CORSAIR A500 với LGA 1700 cả, hoặc cũng có thể người ta không chia sẻ, nhưng với mình, đây là giải pháp đầu tiên để tận dụng tản nhiệt cũ cho vi xử lý thế hệ mới.