Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Một bài viết hay về TMĐT

hula
13/11/2015 10:18Phản hồi: 0
Một bài viết hay về TMĐT
NHỮNG THÁCH THỨC MỚI KHI KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VOUCHER TẠI VIỆT NAM

Những voucher giảm giá tại các quán ăn, nhà hàng đã không còn xa lạ với người Việt so với cách đây khoảng 5 năm khi TMĐT bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Nhưng cho dù các doanh nghiệp TMĐT kinh doanh voucher dịch vụ đã bắt đầu có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam thì hình thức kinh doanh này vẫn được đánh giá là còn nhiều thách thức và khó khăn cho các doanh nghiệp.


Khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ hậu cần (logistic)


Phần hậu cần bao gồm: khâu giao hàng, thái độ của nhân viên giao hàng, hỗ trợ chăm sóc khách hàng của bộ phận tổng đài đến các chính sách hoàn trả lại tiền ( nếu có) vẫn được coi là một phần quan trọng của TMĐT nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh voucher giảm giá nói riêng. Theo thống kê của Social Heart, dịch vụ giao hàng và dịch vụ khách hàng ( chiếm lần lượt 26,4% và 19,1%) là hai yếu tố được quan tâm của khách hàng khi mua sản phẩm TMĐT. Vì vậy, quy trình này phải đảm bảo thân thiện, nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh voucher giảm giá vẫn chưa thể hoàn thiện được quy trình này. Bên cạnh sự cố chậm giao hàng dẫn đến voucher hết hạn khuyến mại, nhiều doanh nghiệp còn rất trì trệ trong việc hoàn trả tiền cho khách hàng khi khách muốn hủy đơn hàng dẫn đến những tai tiếng không đáng có.


Cuối tháng 7 vừa rồi, Adayroi ra mắt phiên bản Beta với slogan: Tốc đô, niềm tin và tất cả đã chứng tỏ doanh nghiệp này đã phải tập trung nguồn lực rất mạnh để giải quyết vấn đề hậu cần này. Thế nhưng, Adayroi có thật sự đảm bảo được chất lượng dịch vụ hậu cần khi sản phẩm ra mắt chính thức vẫn là một dấu hỏi lớn.






dịch vụ voucher vẫn đang gặp khó khăn trong khâu hậu cần
Tư duy khác nhau của các nhà cung cấp (merchant) kinh doanh dịch vụ nhà hàng đối với doanh nghiệp TMĐT

Tại sao tôi phải dùng từ “tư duy khác nhau” bởi lẽ nếu như bản chất của các mô hình kinh doanh groupon ( mua theo nhóm), bán voucher trên thế giới đều được các nhà cung cấp nhận định là một kênh trung gian giúp marketing, quảng cáo sản phẩm với khách hàng thì ở Việt Nam, tư duy đó lại không thống nhất. Các nhà cung cấp kinh doanh dịch vụ nhà hàng ở Việt Nam được chia làm 2 loại:

Loại 1 : Nhà cung cấp coi các doanh nghiệp bán voucher như một kênh bán hàng để gia tăng lợi nhuận nhiều hơn là một kênh quảng cáo, marketing giúp họ xây dựng thương hiêu và tìm kiếm khách hàng thân thuộc .Vì vậy, họ tạo ra những set ăn có giá trên trời, nhiều khi cao hơn cả giá trong menu sau đó vờ giảm giá cao để thu hút người mua voucher. Hay nếu có việc giảm giá thực sự thì đi kèm với nó là giá nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cũng giảm theo. Bởi rõ ràng, những nhà cung cấp như vậy phải tính toán rất kỹ các chi phí hoa hồng phần trăm cho bên thứ ba (các doanh nghiệp kinh doanh voucher), chi phí nguyên liệu, phục vụ mà vẫn có lãi nên mới có câu chuyện khách hàng tố nhà hàng “treo đầu dê bán thịt chó”, chất lượng bữa ăn không như quảng cáo của nhà hàng và của những doanh nghiệp kinh doanh voucher.

Loại 2: Một số nhà cung cấp lại coi việc hợp tác với doanh nghiệp TMĐT bán voucher giảm giá là một hành động bán rẻ thương hiệu của họ.

Quảng cáo



Điều này lỗi một phần do các doanh nghiệp TMĐT khi mới hoạt động kinh doanh tại VN đã có chiến lược tập trung vào thỏa thuận hợp tác với những nhà hàng bình dân mà bỏ qua hệ thống nhà hàng cao cấp, nổi tiếng (cũng có thể vì doanh nghiệp TMĐT không thể hợp tác được với họ thời kỳ đầu vì những nhà hàng dạng này đều có bộ phận làm marketing, truyền thông rất chuyên nghiệp) .

Đồng thời ,việc có quá nhiều khách hàng phản ánh về chất lượng không đảm bảo của nhiều nhà hàng có mặt trên các hệ thống website giảm giá là một nguyên nhân khác khiến các nhà cung cấp có “tiếng tăm” lo ngại khi hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh voucher.

Tóm lại, kẻ thì coi website giảm giá như một cái chợ để bán hàng, kẻ thì phớt lờ nó đã khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử đứng trước một bài toán nan giải: Làm sao để thỏa thuận với các nhà cung cấp đưa ra mức giá rẻ nhất, hấp dẫn nhất mà mình vẫn có lời nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của những voucher nhà hàng giảm giá trong hệ thống của mình?

Niềm tin của khách hàng lung lay


Đây cũng được xem là hệ quả tất yếu bởi tư duy sai lệnh của nhà cung cấp muốn tìm kiếm lợi nhuận từ những voucher giảm giá như đã nói ở trên và việc kiểm duyệt nhà hàng không cẩn thận từ các doanh nghiệp TMĐT.

Rất nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc khi họ sử dụng voucher và bị phân biệt đối xử. Những câu chuyện thế này xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn trên mạng xã hội. Anh Nguyễn Duy- thành viên trong diễn đàn webtretho bức xúc: Mình là người bỏ tiền ra mua voucher nhưng khi trải nghiệm dịch vụ lại cứ như phải đi xin xỏ, khụy lụy trước các nhà hàng.

Quảng cáo



Thực tế cho thấy, khi vào nhà hàng có sử dụng voucher, nhân viên bao giờ cũng hỏi khách hàng có sử dụng voucher không thì từ đó mà xác định thái độ với khách hàng. Người không sử dụng voucher được chào đón như thượng đế, người sử dụng voucher lại như “con hủi” bị xa lánh.

Thêm nữa, tình trạng số lượng và chất lượng những bữa ăn mà khách hàng sử dụng voucher đều không đảm bảo. Tình trạng đồ ăn không tươi, thiếu đồ ăn hay nhà hàng cân không đúng gram là những câu chuyện “thường ngày ở huyện” được chia sẻ.


Những lời quảng cáo hoa mỹ của các nhà hàng và đơ vị kinh doanh voucher không như thực tế
Nhớ lại thời kỳ đầu khi dịch vụ kinh doanh groupon, bán voucher giảm giá mới xuất hiện ở Việt Nam, các chuyên gia từng nhận định những doanh nghiệp như thế này sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng Việt chưa quen với hình thức mua bán online và vẫn thích những sản phẩm “sờ tận tay’. Nhưng cho đến bây giờ, khi voucher đã trở nên quen thuộc hơn thì doanh nghiệp lại tiếp tục gặp thách thức khi khách hàng quay lưng và mất niềm tin vào sản phẩm.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Thách thức sẽ càng lớn hơn khi thị trường trở nên nhỏ bé, chật hẹp. Đối thủ mới: Adayroi với sự hậu thuẫn của tập đoàn Vin group bắt đầu cuộc chơi như một lời tuyên chiến trực tiếp với những kẻ đi trước như Hotdeal, muachung, nhommua. Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận sự xuất hiện của các website TMĐT đặt bàn, chỗ luôn kèm ưu đãi như: Pasgo. Dịch vụ này đã và đang giải quyết tốt những vấn đề “nan giải” mà các doanh nghiệp voucher đang gặp phải. Chi phí hậu cần gần như bằng 0, khuyến mãi hấp dẫn như các voucher đã làm và khách hàng cũng không phải thực hiện quy trình mua bán voucher, thanh toán, giao nhận phức tạp đã khiến dịch vụ này dù mới kinh doanh đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng. Hay như dịch vụ deliverynow, chonmon.vn cũng là một loại hìnhTMĐT tập trung kinh doanh dịch vụ ăn uống với hình thức giao hàng tại nhà. Dịch vụ này cũng được dự đoán là sẽ tiếp cận được những khách hàng thích ngồi một chỗ mà vẫn mong muốn được thưởng thức những món ăn nhà hàng hấp dẫn.
Thật quá sớm để nói trong cuộc cạnh tranh này ai sẽ là người chiến thắng tuy nhiên, chắc chắn rằng, kẻ nào kiểm soát và nắm giữ được chất lượng nhà hàng chính là kẻ có thể tạo nên một thương hiệu lâu bền trong trái tim khách hàng Việt.


Cạnh tranh khộc liệt giữa các nhà kinh doanh TMĐT
Tạm kết


Khi chi phí marketing, truyền thông và dịch vụ hậu cần ở Việt Nam vẫn cao so với các nước khác , các doanh nghiệp voucher buộc phải thỏa thuận tăng tiền hoa hồng từ các nhà cung cấp lên từ 10%-20%. Đối với nhà cung cấp, họ cũng không thể đảm bảo số lượng và chất lượng những bữa ăn như hình ảnh và mỹ từ được quảng cáo trên các website giảm giá do họ đã giảm giá gần như “kịch sàn” cho khách hàng, cho đơn vị kinh doanh voucher mà thậm chí vẫn phải bù lỗ. Sự lòng vòng và việc phải phụ thuộc lẫn nhau trong một tổng thể quy trình khiến khách hàng là người thiệt thòi nhất cùng với đó là uy tín các doanh nghiệp TMĐT kinh doanh voucher bị ảnh hưởng nghiêm trọng . Chưa kể, trong giai đoạn hiện tại, những doanh nghiệp này phải cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với các đối thủ TMĐT khác như Pasgo (đại diện của dịch vụ đặt chỗ, đặt bàn), deliverynow (dịch vụ gọi món) hay Lingocard ( dịch vụ sử dụng thẻ kèm ưu đãi).

Theo ý kiến của người viết, trong vài năm tới, TMĐT sẽ phát triển với hình thức kinh doanh ngày càng đa dạng nhưng chỗ đứng của các voucher giảm giá trong ngành dịch vụ ăn uống sẽ trở nên khiêm tốn hơn và dần đi đến bão hòa.



Tác giả: Chim non
Link: http://blog.pasgo.vn/se-chia/nhung-thach-thuc-moi-khi-kinh-doanh-dich-vu-an-uong-cua-cac-doanh-nghiep-voucher-tai-viet-nam/
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019