MQA - Có phải tương lai của stream nhạc âm thanh độ phân giải cao?

Seraphic_Wings
1/9/2017 4:35Phản hồi: 0
MQA - Có phải tương lai của stream nhạc âm thanh độ phân giải cao?
mqa_new_logo.jpg

Tại IFA 2017, LG đã giới thiệu mẫu smartphone flagship mới nhất của họ là V30 và Sony đã tung ra 2 dòng sản phẩm máy nghe nhạc Walkman mới là NW-A40 series và NW-ZX300. Điểm chung của 2 mẫu sản phẩm này chính là việc chúng hỗ trợ bộ giải mã MQA. Ở bài viết này, tôi xin được giải thích kĩ hơn về cái gọi là MQA này.

thumb_879_default_small.png thumb_865_default_small.png


MQA là cách gọi tắt của “Master Quality Authendicated”, đây là một công nghệ mã hoá, giải mã âm thanh độ phân giải cao Hi-Res mới ban đầu được một công ti Hi-Fi ở Anh là Meridian Audio phát triển và sau đó được sở hữu bởi MQA Ltd, cho phép nén các file âm thanh Hi-Res, vốn có dung lượng rất lớn, xuống dung lượng vừa đủ để tiết kiệm bộ nhớ cũng như để stream nhạc trực tuyến. Về bản chất, chúng ta cần hiểu thế này: tuy là một dạng mã hoá/giải mã âm thanh mới, nhưng MQA KHÔNG SỬ DỤNG ĐỊNH DẠNG ÂM THANH MỚI, tất cả các file âm thanh MQA, trong quá trình thu âm từ âm thanh tương tự thành âm thanh số, đều được mã hoá dưới dạng PCM (Pulse-code Modulation), tức là kiểu mã hoá phổ biến nhất hiện nay, vì vậy, MQA sẽ sử dụng các định dạng nhạc lossless phổ biến nhất hiện nay là FLAC của Xiph, ALAC và AIFF của Apple, cũng như WAV của Microsoft/IBM.


Khác với các file nhạc Hi-Res thông thường, các file nhạc MQA sẽ có thêm phần mở rộng .mqa bên cạnh đuôi file âm thanh lossless truyền thống (VD: nhạc MQA FLAC sẽ có đuôi .mqa.flac, nhạc MQA ALAC sẽ có đuôi .mqa.m4a,…). Vì vậy, các trình nghe nhạc lossless phổ biến như foobar2000 trên PC hay các ứng dụng nghe nhạc lossless/Hi-Res trên điện thoại hay máy nghe nhạc đều có thể mở được, miễn là chúng hỗ trợ Hi-Res Audio.



Phương thức hoạt động của MQA được hãng gọi với cái tên “Music Origami” - nghĩa là “gấp nếp” các dữ liệu âm thanh lại, gói gọn chúng vào một gói dữ liệu nhỏ hơn. Trước tiên, các file âm thanh thu trong studio dưới độ phân giải 24bit 96kHz hoặc 24bit 192kHz hay cao hơn sẽ được đưa qua bộ mã hoá MQA: ở đó, những dữ liệu chứa tương đối ít năng lượng ở các dải tần cao (xấp xỉ từ 20 ~ 30kHz hoặc cao hơn) se được nén lại và “nhúng” vào dòng data stream ở các dải tần thấp hơn, tạo thành các “layer” dữ liệu. Khi đó, các dữ liệu âm thanh sẽ tồn tại trong gói dữ liệu có tần số lấy mẫu rơi vào khoảng 44 ~ 48kHz và được phân phối trên các trang web bán nhạc hay dịch vụ nghe nhạc trực tuyến.

MQA-Encoder-192kHz.png
Sơ đồ phương thức "Music Origami" của MQA

Tiếp theo sẽ là phương thức giải mã. MQA Ltd quy định 3 phương thức giải mã: MQA Core Decoder, MQA Renderer và MQA Full Decoder.


MQA Core Decoder là bộ giải mã các tín hiệu MQA bằng cách “mở nếp gấp một lần”, nghĩa là chúng sẽ nhận file âm thanh đã mã hoá MQA, lấy các dữ liệu chính được nhúng từ lần mã hoá và thực hiện phát lại đầy đủ các dữ liệu đó ở đúng vị trí tần số ban đầu. MQA Core Decoder xuất hiện trong các máy nghe nhạc MQA hay các phần mềm hỗ trợ giải mã, đối tác chiến lược sử dụng MQA Core Decoder trên các thiết bị phát nhạc bao gồm Onkyo, Pioneer, Sony của Nhật Bản và LG của Hàn Quốc, và đối tác phần mềm bao gồm Tidal, Audirvana và Roon. MQA Core Decoder chỉ hỗ trợ tối đa tần số lấy mẫu 88.2kHz hoặc 96kHz, các file có tần số lấy mẫu lớn hơn 96kHz sẽ bị downsample xuống 88.2kHz hoặc 96kHz
mqa-core-decoder.png
Screen Shot 2017-09-01 at 09.45.01.png
MQA Core Decoder trên phần mềm Audirvana trên MacBook Pro phát bài Tennis Court của Lorde định dạng 24bit 192kHz. DAC sử dụng không phải DAC MQA nên giới hạn tần số lấy mẫu ở 96kHz

MQA Renderer là bộ giải mã các tín hiệu MQA, phương thức hoạt động của chúng giống với Core Decoder, tuy nhiên bộ render trong thiết bị giải mã này có thể “mở nếp gấp 2 lần hoặc hơn”. Điều này nghĩa là các file MQA có tần số lấy mẫu ban đầu lớn hơn 96kHz có thể được giải mã và phát lại ở đúng độ phân giải ban đầu của nó nếu DAC hỗ trợ tần số lấy mẫu đó. Tuy nhiên, các thiết bị MQA Renderer cần phải được sử dụng cùng với các phần mềm nghe nhạc hỗ trợ giải mã MQA, nếu sử dụng với phần mềm thường chúng sẽ chỉ cho ra âm thanh 48kHz. Đại diện tiêu biểu bao gồm các mẫu USB DAC cầm tay như AudioQuest Dragonfly hay Meridian Explorer.

Quảng cáo


mqa-renderer.png


MQA Full Decoder là sự kết hợp của MQA Core Decoder và MQA Renderer trong một thiết bị duy nhất. Nghĩa là chỉ cần bạn có file MQA, chúng sẽ cho ra luôn tín hiệu gốc ban đầu trước khi được gấp nếp. Đại diện tiêu biểu bao gồm các music server rất đắt tiền của Aurender, Cary Audio, Mytek hay Meridian.

mqa-full-decoder.png


MQA có những ưu điểm và nhược điểm sau

Ưu điểm

  • Cho phép lưu trữ âm thanh Hi-Res ở dung lượng vừa đủ, tiết kiệm bộ nhớ và cho phép stream nhạc trực tuyến nhanh hơn (VD: 1 file 24bit 96kHz không nén dài 4’ có dung lượng vào khoảng 130MB, cũng file trên nhưng mã hoá MQA sẽ có dung lượng 56MB)
  • Đem đến một tương lai mới cho các dịch vụ stream nhạc trực tuyến: biến việc stream nhạc Hi-Res trở thành hiện thực.

Nhược điểm

Quảng cáo



  • Các OEM sử dụng công nghệ MQA phải trả phí sử dụng, bộ mã hoá MQA không được công khai rộng rãi
  • Thiết bị phát nhạc MQA hiện tại còn khá đắt đỏ:
  • Phần mềm nghe nhạc MQA là Audirvana (Dành riêng cho máy tính Apple Mac) có giá lên tới $78 và bộ phần mềm nghe nhạc Roon có giá bản quyền lifetime lên tới $499
  • Dịch vụ stream nhạc MQA Tidal Master có giá $15/tháng, chỉ hỗ trợ máy tính nhưng trong tương lai có thể hỗ trợ trên các máy Android
  • Các mẫu máy nghe nhạc MQA của Onkyo và Pioneer có giá dao động từ $300 ~ $700, nhưng may mắn thay Sony có mẫu A40 hỗ trợ MQA với giá khởi điểm đã công bố $220
  • Điện thoại phát nhạc MQA bao gồm Onkyo Granbeat DP-CMX1 có giá tại nhật là 99,900 yên (tương đương $1000) và LG V30 hiện đã công bố giá ở châu Âu là 930 euro
  • Các music server hỗ trợ MQA như Cary Audio DMS-500 có giá lên tới $5000 (xấp xỉ 123 triệu VND)
  • Là kiểu mã hoá lossy nên sẽ phần nào ảnh hưởng nhẹ đến chất lượng âm thanh ban đầu
  • Đối tác cung cấp nguồn nhạc MQA chưa được nhiều lắm: Content Producer bao gồm Warner Music Group, Universal Music Group và Sony Music Entertainment, content provider bao gồm 7digital, Tidal, Onkyo Music (ở US, UK, Đức), e-onkyo (ở Nhật Bản) và HIGHRESAUDIO
Danh sách các đối tác của MQA hiện tại có thể xem ở đây: http://www.mqa.co.uk/customer/our-partners


Nói chung, MQA đã ra mắt 2 năm nhưng vẫn còn khá mới, đồng nghĩa với việc chúng còn phải được cải thiện khá nhiều. Nhưng với sự ra đời của nó, ngành công nghiệp âm thanh cũng như các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đã có thêm một bước phát triển mới, đem đến việc thưởng thức âm thanh số độ phân giải cao gần gũi với người tiêu dùng hơn.

Biên tập và dịch từ MQA Ltd.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019