Nhìn vào danh sách hơn 400 tác phẩm game khác nhau đang có trên dịch vụ Xbox Game Pass của PC, thứ vừa chính thức mở cửa tại Việt Nam với chi phí 59 ngàn một tháng, rất dễ khiến anh em bị ngợp vì không biết chọn game nào để thưởng thức dịp cuối tuần này. Mục đích bài này của mình rất đơn giản, đó là chia sẻ những tác phẩm theo từng thể loại, những cái tên mình chơi thấy vui, nhưng chưa chắc anh em đã để ý, khi bên cạnh chúng là những bom tấn đầy ấn tượng, đi đến đâu cũng thấy nhắc tên.
Mình chọn cách tin rằng, tác phẩm game mới của Playground Games là một trò chơi lái xe ngắm cảnh. Chỉ khác một chỗ là game có những nhiệm vụ cốt truyện, những cuộc đua nghẹt thở chỉ để phục vụ hai điều. Thứ nhất là để anh em kiếm tiền nâng cấp và mua những cỗ xe mới, và thứ hai là để giúp cho cuộc phiêu lưu tới lễ hội Horizon tại Mexico không trở nên nhàm chán.
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2022/04/5929293_Tinhte_Game1.jpg)
Đua xe: Forza Horizon 5
Mình chọn cách tin rằng, tác phẩm game mới của Playground Games là một trò chơi lái xe ngắm cảnh. Chỉ khác một chỗ là game có những nhiệm vụ cốt truyện, những cuộc đua nghẹt thở chỉ để phục vụ hai điều. Thứ nhất là để anh em kiếm tiền nâng cấp và mua những cỗ xe mới, và thứ hai là để giúp cho cuộc phiêu lưu tới lễ hội Horizon tại Mexico không trở nên nhàm chán.
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2022/04/5929293_Tinhte_Game1.jpg)
Quảng cáo
Cùng với dàn xe hùng hậu từ hầu hết tất cả những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, những tính năng độ xe, nâng cấp body và phụ tùng đều quay trở lại. Cùng là một chiếc 911, nhưng anh em có thể biến nó trở thành một con quái vật trên đường nhựa, chiến đấu không thua tay chơi nào trong mỗi cuộc đua, nhưng cùng lúc vẫn có thể biến nó trở thành một chiếc xe chinh phục mọi địa hình hiểm trở, từ những cánh rừng già đến sa mạc thăm thẳm, từ những bình nguyên phóng tầm mắt ra tít tắp đến những con đường lát đá nhìn sang những ngôi nhà cổ kính mang đậm tính lịch sử từ tận cái thời Mexico còn bị thực dân Tây Ban Nha đô hộ…
Forza Horizon 5 không chỉ đơn thuần là một game đua xe. Nó chiều chuộng người chơi và biết anh em cần nhất điều gì. Anh em muốn được tự tay điều khiển những cỗ xe chỉ được thấy trên phim ảnh hoặc trong clip trên YouTube. Từ AMG GT R, Lexus LFA, GTR R34, những siêu xe hàng triệu USD, cho tới những huyền thoại của làng rally hay off road, phần 5 đều có đủ.

Và, chỉ tới khi ngồi vào trong xe, bắt đầu nổ máy để phóng vút trên những con đường cao tốc, anh em mới nhận ra kết quả của quá trình lồng tiếng có thể nói là rất cầu toàn của đội ngũ nhà phát triển. Mỗi chiếc xe, mỗi khối động cơ đều có âm thanh khác nhau. Từ tiếng rít chói tai của khối V10 bên trong chiếc LFA ở vòng tua 9000 vòng một phút, hay tiếng ống xả không lẫn vào đâu được của chiếc Focus RS trang bị khối động cơ I4 turbo,… những người mê xe đều nhận ra những âm thanh mà đối với họ, đó mới là “âm nhạc”, chứ không phải những bản soundtrack sôi động phát trên radio lúc chạy xe.
Hành động: Guardians of the Galaxy
Tên game là “Vệ binh dải ngân hà”, vì thế những chuyến phiêu lưu của họ cũng vô cùng đa dạng về mặt không gian. Những địa danh đã quen thuộc với anh em trong hai phần phim Guardians of the Galaxy, cùng những địa danh mới hoàn toàn được thể hiện một cách vô cùng ấn tượng về mặt hình ảnh và đồ họa. Mỗi hành tinh, mỗi vùng đất đặt chân đến làm nhiệm vụ, là một phong cách mỹ thuật rất riêng không hề giống nhau. Lợi thế của việc phát triển một tựa game tuyến tính thay vì thế giới mở là ở chỗ đó, khi Eidos Montreal có toàn quyền triển khai hình ảnh của mỗi màn chơi đơn lẻ. Từ Knowhere, Xandar cho tới con tàu của Nova Corps, mỗi nơi đều có sự khác biệt, hoành tráng đến mức choáng ngợp.

Lần này, nhóm vệ binh dải ngân hà sẽ phải tìm cách ngăn chặn một lực lượng vô cùng nguy hiểm với khả năng chinh phục toàn vũ trụ, một đội quân mang hơi hướng tôn giáo chứ không chỉ đơn giản là những kẻ có tham vọng thâu tóm mọi hành tinh và dân tộc. Đối thủ chính trong game có tên là “Church of Universal Truth”, với một lời hứa lôi kéo mọi người đến với chúng. Lời hứa ấy là gì mình sẽ để anh em tự khám phá trong game, chỉ spoil nhẹ là “lời hứa” đó tác động được tới cả những thành viên Guardians of the Galaxy.
Quảng cáo

Nhờ gameplay đơn giản, dễ tiếp cận, mình lại có thời gian tập trung và phì cười trước những câu thoại tréo ngoe của cả 5 nhân vật. Suy cho cùng, cảm giác làm “Vệ binh dải ngân hà” không chỉ đánh đấm om xòm, mà còn có cả sự tương tác giữa những người bạn, những người đồng đội nữa. Nhờ đó, Guardians of the Galaxy khắc họa được một cốt truyện vừa quen vừa lạ, có những nhân vật và chi tiết đã rất quen thuộc, kết hợp với những điều mới mà chỉ có fan của truyện tranh mới biết.
Chiến thuật: Stellaris
Cũng là phong cách 4X (Khám phá, mở rộng, khai thác và tiêu diệt) giống hệt như rất nhiều những tác phẩm game chiến thuật khác, Stellaris là một tác phẩm có cộng đồng hâm mộ bên phương Tây rất đông đảo, cho dù đã ra mắt suốt từ năm 2016. Thành công lớn nhất của Stellaris là giải quyết được vấn đề khiến những game chiến thuật 4X khó tiếp cận vì chiều sâu cơ chế gameplay quá phức tạp. Civilization VI thì dễ chơi, nhưng ví dụ như Crusader Kings II thì phải làm quen vài tiếng mới tạm thời hiểu cơ bản.

Stellaris có mức độ phức tạp nằm giữa hai tựa game kể trên. Nhưng cái hay của tác phẩm đến từ một ông lớn của làng game chiến thuật, chính là mục tutorial thân thiện với cả những người chơi mới, lẫn những fan cuồng của thể loại RTS. Giống hệt như nhiều game khác, anh em sẽ bắt đầu với một hành tinh gọi là “nhà”, rồi xây dựng cảng tàu vũ trụ, những con tàu để đi khám phá và xây dựng. Sau đó sẽ phải tính đến chuyện quản lý tài nguyên, không chỉ là những nguồn nguyên liệu như năng lượng và khoáng vật, mà còn cả tầm ảnh hưởng của họ đối với cả dải ngân hà nữa.
Quảng cáo
Khi đã có nền tảng tài nguyên, việc đương nhiên của bất kỳ nền văn minh nào là nghiên cứu khoa học xã hội để đưa cả nền văn minh vào kỷ nguyên mới. Cái hay ở đây không phải là một cây nghiên cứu cố định như trong Civilization VI, mà thành tựu kế tiếp sẽ được chọn một cách ngẫu nhiên, biến mỗi màn chơi trở thành độc nhất, không màn nào giống màn nào, dù cơ chế thì vẫn y hệt.

Vừa phải kiểm soát hành tinh quê hương, vừa phải mở rộng, vừa phải chơi ngoại giao với những hành tinh và chủng tộc khác, những sự kiện bất ngờ trong mỗi màn chơi luôn là những thử thách vô cùng công bằng nhưng cùng lúc lại khiến trải nghiệm của Stellaris hấp dẫn.
Bắn súng: Doom Eternal
Giống như cốt truyện của Doom II, Doom Eternal theo chân anh lính ngoài vũ trụ trở về trái đất, chỉ để phát hiện ra cánh cổng địa ngục đã mở, hàng tỷ sinh linh bị quái vật tiêu diệt, và anh em chẳng có người đồng đội nào sát cánh cùng mình cả. Suy cho cùng, Doom Slayer là “trùm cuối” đối với bọn quái vật mà, cần gì đồng đội?

Doom Eternal “thừa thãi quá mức” ở chỗ, nhà phát triển game không tìm cách lột bỏ hết tất cả sức mạnh của anh em từ phần trước. Những tính năng phải chơi vài tiếng mới mở khóa được trong Doom 2016 như double jump hay cưa máy dùng được ngay khi bắt đầu chơi Eternal. Anh em thậm chí còn được bắt đầu với khẩu shotgun thay vì súng lục như 4 năm về trước. Doom Eternal không bớt gì cả, chỉ có thêm vào những vũ khí và kỹ năng mới cho anh em xài thả ga mà thôi.

Nhiều món vũ khí mới được đưa vào game, mà nếu liệt kê từng món, cũng như cách dùng chúng sao cho hiệu quả nhất, có lẽ chúng ta sẽ có một bài hướng dẫn chơi rất dài. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là “Blood Punch”, giống kiểu “Phồng Tôm đấm phát chết luôn” ấy. Những pha đối mặt với lũ quái vật đông đảo có nhịp độ rất nhanh, và không chỉ cần tới phản xạ vẩy chuột cho trúng mục tiêu, anh em cũng còn phải nhớ điểm yếu của từng con quái vật. Chẳng hạn, Cacodemon chỉ cần một viên đạn nổ từ shotgun là tiêu đời, trong khi bắn súng máy thì rất tốn đạn, Arachnotron thì phải bắn nát turret trên lưng trước rồi muốn làm gì thì làm, còn Hell Knight thì tốt nhất là tránh xa nó ra, đừng để nó áp sát vì bọn này rất trâu máu… Quái vật nào cũng có điểm yếu mà nếu ghi nhớ kỹ, mỗi màn chơi của Doom sẽ đúng chuẩn trừng phạt quái vật địa ngục, không con nào chạm được tới anh em.
Platform: Overcooked 2
Với tác phẩm game thư giãn vui nhộn của Team17, hãng game đã quá nổi tiếng với series game Worms, cho dù là chơi một mình, hai người hay 4 người cùng ngồi trước màn hình, Overcooked 2 cũng có thể chiều anh em, đem lại những tràng cười vô cùng thoải mái.

Những game được nhiều người yêu mến nhất đôi khi lại là những game đơn giản nhất. Tetris là một ví dụ. Overcooked 2 cũng có mức độ đơn giản tương tự. Những màn “nấu ăn” để thi tài với nhau được đơn giản hóa tới từng nút bấm. Bù lại, thử thách là làm cách nào để “nấu ăn” nhanh nhất, cùng lúc vừa tránh chướng ngại vật hay thậm chí là tìm cách… phá đội bên kia. Game này hoặc sẽ thắt chặt thêm tình bạn, hoặc sẽ chính là một tác phẩm phá hoại tình bạn.
Kinh dị: Resident Evil VII
Không phải nói quá khi phần 7 chính xác là tác phẩm cứu rỗi cả series game kinh dị của Capcom. Đến phần 7, Capcom nhận ra rằng thị trường game kinh dị giờ đã rất khác, khi những cái tên xuất sắc nhất đều đi theo hướng kinh dị tâm lý thay vì kinh dị sinh tồn. Vậy là chúng ta có cuộc phiêu lưu toát mồ hôi lạnh của anh bạn Winters tới một khu nông trại bỏ hoang, nơi gia đình Baker sinh sống. Trong cái phần đấy, mình từng có lần viết, rằng đối thủ đáng sợ nhất của anh em không phải là những con quái vật, mà là những cánh cửa, khi không biết phía bên kia căn phòng là bình yên hay bão tố. Nếu không có P.T huyền thoại của Hideo Kojima, có lẽ Resident Evil 7 đã rất khác.

Nó đưa RE trở về xuất phát điểm, khi người chơi phải học cách sợ và trấn an nỗi sợ, kết hợp với những câu đố trứ danh. Với Village của thời điểm hiện tại, Capcom kỳ vọng sẽ học được một điều gì đó từ phần 7 và áp dụng những di sản của các phiên bản trước đó, tạo ra một cuộc phiêu lưu ấn tượng và đầy tính điện ảnh.
Nỗi sợ hãi của Resident Evil trái ngược hoàn toàn với nỗi sợ mà Silent Hill tạo ra và tác động tới tâm lý người chơi. Anh em thấy đấy, Silent Hill của Konami là câu chuyện dằn vặt, giằng xé nội tâm của những kẻ có tội, tự đẩy mình vào địa ngục lương tâm với những con quái vật dị dạng mô tả tội lỗi, dục vọng của chính bản thân, và chỉ có nhận ra những gì mình đã làm, chấp nhận sự trừng phạt xứng đáng, những nhân vật của Silent Hill mới có thể thoát ra được thế giới u mê đáng sợ ấy.

Trong khi đó, Resident Evil lại có cách tiếp cận sự sợ hãi khác hẳn. Nó kết hợp công thức thành công của phim kinh dị Nhật Bản, hình ảnh nhá nhem gây lo âu tột độ, cùng cốt truyện đúng tầm những siêu phẩm điện ảnh Hollywood, một thứ virus chết người biến dân cư cả một thành phố trở thành zombie khát máu. Nói không ngoa, Resident Evil đã tạo ra nền tảng cho những game kinh dị sinh tồn sau này bằng cách khắc họa cơ bản một công thức chung để khiến người chơi bị cuốn vào game từ đầu đến cuối.
Giải đố: It Takes Two
It Takes Two là một game kén người chơi, không phải vì nó khó hoặc thể loại thuộc thị trường ngách. Lý do là vì, để thưởng thức tựa game này, anh em PHẢI có một người đồng đội. Câu chuyện của It Takes Two lấy bối cảnh xung quanh 1 gia đình, 2 vợ chồng Cody và May, 1 bé gái chắc độ tầm 7-8 tuổi gì đó tên Rose. Vào game, chúng ta đã nhận ra được sự xung đột giữa 2 vợ chồng này. Họ cãi vã nhau vì cảm thấy đối phương không dành thời gian cho nhau. Sau cùng, cả 2 đưa đến quyết định ly hôn.

Rose chứng kiến tất cả và tất nhiên là sẽ cảm thấy cực kỳ đau khổ. Nó chạy 1 mạch vào nhà kho để khóc, và trong lúc này, cô bé cầm lấy 2 con búp bê nam và nữ, cho chúng đóng kịch như thể ba mẹ của nó sẽ làm lành và trở về bên nhau. Rồi bỗng nhiên một lời nguyền nào đó đã giáng xuống đầu Cody và May, biến họ thành những con búp bê. Với sự đồng hành của “người hướng dẫn” Dr. Hakim, bạn sẽ hoá thân vào 2 vợ chồng để cùng nhau bắt đầu hành trình để gây sự chú ý với Rose nhằm cầu cứu cô bé hoá giải lời nguyền.

Hai nhân vật, hai phong cách, hai nhiệm vụ, những thử thách mà game đặt ra cho anh em khi thưởng thức It Takes Two là hoàn toàn công bằng. Lối chơi co-op mà game bắt buộc mọi người phải trải qua, không thể hoàn thành tác phẩm này một mình khiến 12 giờ đồng hồ chiều dài của It Takes Two trở thành một trải nghiệm hiện sinh đến phũ phàng, khi mọi thứ diễn ra trong cốt truyện game đều sẽ diễn ra trong chính quá trình anh chị em chơi game cùng người thân: Cãi cọ, hờn dỗi, để rồi tìm được tiếng nói chung và trở nên gắn kết.
Nhập vai: A Plague Tale - Innocence
Cũng là nhà phát triển Asobo, những người tạo ra chấn động với Microsoft Flight Simulator phiên bản mới, nhưng A Plague Tale, tác phẩm ra mắt năm 2019, lại là một tác phẩm mang giá trị truyền thống hơn, khi nó đưa anh em theo chân hai chị em của một gia đình quý tộc bị nguyền rủa, giữa thời điểm “đại dịch đen” với những bầy chuột mang theo mầm bệnh dịch hạch chết người càn quét qua châu Âu quãng giữa thế kỷ XIV.

Kết hợp cốt chuyện có phần giả tưởng với “siêu năng lực” điều khiển đàn chuột của cậu em trai, với những toan tính của những kẻ muốn kiểm soát và sử dụng năng lực này để củng cố quyền lực, phần đầu của series A Plague Tale, với câu chuyện của hai chị em Amicia và Hugo. Dù khi trải nghiệm, thế giới không tạo ra quá nhiều thử thách khó khăn, nhưng hiệu ứng hình ảnh mà các nhà phát triển game đến từ nước Pháp tạo ra đã thành công trong việc khắc họa một thế giới của thời Trung cổ đầy nguy hiểm và đáng sợ.
Roguelike: Hades
Và trong số những game indie xuất sắc nhất năm 2020, Hades là một trong số đó. Không như tên gọi của trò chơi này, anh em sẽ không vào vai chúa tể địa ngục theo thần thoại Hy Lạp, mà thay vào đó sẽ vào vai Zagreus, “hoàng tử bóng tối”, con trai Hades. “Ơ này từ từ Hades làm gì có con?” Đồng ý là như vậy, nhưng cũng theo thần thoại Hy Lạp, Zagreus có lúc được cho là con trai của thần Zeus và Persephone, nhưng cũng có “thuyết âm mưu” nói rằng Zegreus chính là con trai của Hades. Mà thôi, quay lại với cốt truyện game. Vì một lý do nào đó, Zagreus muốn rời khỏi địa ngục, và lẽ dĩ nhiên là Hades không muốn như thế. Chàng hoàng tử sẽ phải chiến đấu qua tầng tầng lớp lớp những căn phòng mê cùng của thế giới bên kia, với một mục đích duy nhất là tìm đường đến với những ông chú ông bác họ hàng của mình trên đỉnh Olympus.

Bước ngoặt của Hades rất đơn giản, nhưng nghe qua rất bực mình: Hết máu, Zagreus hy sinh, mọi thứ sẽ reset về con số 0. Zagreus sẽ quay trở về xuất phát điểm, nghe ông bố Hades chê bai, để rồi sau đó lại khởi hành trốn khỏi địa ngục.

Chơi càng nhiều, chết càng nhiều, chơi lại càng nhiều, cốt truyện của Hades lại càng hé mở rõ ràng và cuốn hút hơn, chứ không phải như kiểu những game khác, chết là cứ phải cố gắng đi lại màn chơi đến khi nào xong thì cốt truyện mới tiếp diễn. Game khó, nhưng không hề gây nản chí, mà trái lại đôi khi mình còn cảm thấy có lúc nên chết để quay về điểm khởi đầu, giải quyết những nhiệm vụ phụ rồi đi tiếp, rất sáng tạo.
Thế giới mở: Yakuza 6
Trên Game Pass PC không có GTA V, nhưng lại có một series tuyệt vời khác của người Nhật Bản, đó là Yakuza. Nhờ vào không gian hẹp hơn GTA rất nhiều, nên cảm giác nhà cửa và cửa tiệm san sát cũng tạo ra được cái cảm giác quan trọng nhất, đó là cảm giác được đứng trong một khu phố sầm uất đông đúc, cửa hàng bán buôn đắt đỏ. Từ những cửa hàng tiện lợi hệt như Circle K để anh em mua đồ ăn nhanh và nước tăng lực, cho đến những quán bar để trải nghiệm cái cảm giác “chill”, ngồi nghe nhạc trong cái không gian vô lo vô nghĩ nhất. Nhưng điểm sáng nhất của những chi tiết trong thế giới mở mà Sega tạo ra trong Yakuza, chính là những nơi làm nhiệm vụ tương tác.

Nhờ vào cái cá tính rất riêng về mặt nội dung và đồ họa, Yakuza có một lượng fan trung thành vô cùng nồng nhiệt, dù rằng lượng fan đó không thể nào đông đảo như so với GTA V. Cứ mỗi phần, anh em lại được các nhà biên kịch, mà trong số đó nổi danh nhất chính là Toshihiro Nagoshi, thêu dệt. Nó khởi đầu bằng một câu chuyện cực kỳ tầm thường, nhưng rồi những nút thắt bắt đầu được đưa ra, tạo nên một câu chuyện rối rắm, đôi lúc phi lý nhưng được triển khai một cách vô cùng mỹ mãn. Và ở trung tâm là những nhân vật chính, những người bị cuốn vào câu chuyện từ lúc bé đến xé ra to.

Và đến phần 6, cuộc phiêu lưu cuối cùng của Kiryu Kazuma vẫn là một câu chuyện đầy âm mưu, thủ đoạn và bí mật, nhưng cùng lúc lại thấm đẫm tình người, hệt như mọi phiên bản khác. Nếu cốt truyện là một điểm sáng của series Yakuza, thì bản chất cách đưa người chơi trở thành một vị khán giả nhiều quyền lực, được phép điều khiển nhân vật chiến đấu cũng là một thứ khiến nhiều người mê đắm cái series kỳ quặc của người Nhật Bản. Mọi đòn đánh, mọi cử động của nhân vật đều sặc mùi testosterone, có thể coi là một dạng tư duy nam tính độc hại (toxic mascuinity) nếu xét tới tiêu chuẩn của cộng đồng hiện giờ, khi người đàn ông phải “ra dáng”, đòn nào ra đòn nấy hệt như phim chưởng, khí độ ngạo thiên phát ra tứ phía. Nhưng ở một khía cạnh khác, Yakuza cũng không thiếu những phút trầm, nơi từng nhân vật phải giằng xé giữa những lựa chọn.
Và nếu ngại việc chưa chơi những phần trước đó để hiểu thêm về nhân vật chính mà đã nhảy vào phần 6 luôn, thì anh em yên tâm, đầu game có tóm tắt tất cả những phần trước để anh em đọc lại.