Mười chỉ số cơ bản các Web site TMĐT cần theo dõi

ixx2u
5/12/2007 10:21Phản hồi: 6
Mười chỉ số cơ bản các Web site TMĐT cần theo dõi
Trong bữa cafe với chủ nhân của một site Tuyển dụng, tôi chợt nhận ra mọi người đều so sánh sự thành công của Site trên chỉ số Alexa. Ngay cả Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại Việt Nam) cũng đề xuất sử dụng chỉ số Alexa để xếp hạng về chất lượng của Web site bộ, ngành.

Vậy Alexa cho phép biết những gì? Alexa cho biết tỉ lệ số trang xem/ truy nhập, xu hướng và số người truy nhập trên toàn thế giới vào một site với giới hạn bộ đếm này chỉ kích hoạt trên trình duyệt web có cài tool bar Alexa. Tuy nhiên một thực tế là tại Việt Nam không có nhiều người cài toolbar này trong khi đó người truy nhập chủ yếu từ Việt Nam, mặt khác việc tự tăng số lần xem trang đối với Alexa là rất dễ dàng nên Alexa rất khó có thể trở thành thước đo chất lượng của một Web site và càng không thể đo sự thành công của một Web site.



Để đánh giá chất lượng một Web site Thương mại điện tử thì cần nhiều hơn những chỉ số của Alexa. Chúng tôi đề xuất 10 chỉ số quan trọng các trang TMĐT nên theo dõi.

1. Tỉ lệ người truy nhập mới: Hầu hết mọi người đều không để tâm đến tỉ lệ hoán chuyển người truy nhập cũ và mới. Bằng cách đánh giá riêng tỉ lệ hoán chuyển người truy nhập mới, bạn mới có thể nhìn thấy rõ hơn hiệu lực của những công cụ tìm kiếm hay các chiến dịch quảng cáo của công ty.


2. Tỉ lệ quay lại của người truy nhập cũ: Không phải ai cũng mua hàng của bạn trong lần đầu tiên truy nhập Web site, chỉ có nội dung tốt, hấp dẫn mới có nhiều người quay lại Web site. Bằng cách theo dõi tỉ lệ này, bạn có thể biết Web site của bạn có được nhiều khách hàng quan tâm hay không, từ đó có chiến lược đối với nội dung Web site.

3. Số trang xem/ truy nhập: tỉ lệ này phản ánh sự hấp dẫn site đối với người xem. Việc tăng tỉ lệ trang xem/ truy nhập chỉ ra nội dung của bạn đang được người đọc quan tâm bằng việc người xem dành thời gian để xem các trang. Tuy nhiên một tỉ lệ cao cũng có thể là do quy trình thanh toán và xem sản phẩm phức tạp quá mức cần thiết.

4. Số hàng/ đặt hàng: Bạn nên có một công cụ theo dõi bao nhiêu hàng được xem trên một lần đặt hàng. Điều này giúp bạn tìm hiểu được hành vi của người mua hàng để từ đó đưa ra chiến lược marketing và bán hàng phù hợp hơn.

5. Giá trị đặt hàng trung bình: Tuỳ theo từng lĩnh vực kinh doanh mà giá trị đặt hàng trung bình sẽ khác nhau, chính vì vậy mục tiêu về giá trị trung bình của bạn cũng khác nhau. Tuy nhiên nếu bạn đo lường giá trị này thường xuyên, bạn sẽ có thông số giữa các năm, điều này hỗ trợ cho marketing rất nhiều.

6. Tỉ lệ bỏ Web ngay khi truy nhập: Sự kiện này xảy ra khi một người truy nhập một trang trên site của ban và cũng ngay lập tức họ nhấn chuột rời bỏ Web site ra không quay trở lại. Tỉ lệ bỏ Web cao có thể do nhiều yếu tố trong đó có các yếu tố thời gian tải Web chậm, nội dung không phù hợp với người truy nhập, thiết kế giao diện không cuốn hút, ...
Bạn nên theo dõi liên tục tỉ lệ bỏ Web này trong các trang Web quan trọng bao gồm trang chủ và những trang có SEO hoặc PPC.

7. Thời gian tải trang Web: Như đã đề cập, thời gian tải trang Web chậm có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ bỏ Web ngay khi truy nhập cao. Bạn nên kiểm tra thời gian tải trang Web với nhiều tốc độ kết nối hoặc với các công cụ kiểm tra trực tuyến.

8. Nguồn truy nhập vào Web site của bạn: Với công cụ Google Analytics cho phép bạn theo dõi nguồn truy nhập theo 3 danh mục: Truy nhập trực tiếp (bằng cách gõ trực tiếp URL Web site của bạn), Truy nhập từ kết quả tìm kiếm (kết quả trả về bao gồm cả SEO và PPC), cuối cùng là từ các site tham chiếu (từ bất cứ site nào liên kết đến Web site của bạn). Tuỳ theo mỗi site mà tỉ lệ truy nhập có khác nhau, tuy nhiên nếu số lượng người truy nhập trực tiếp tăng lên, điều này đồng nghĩa với thương hiệu của bạn đang được nhiều người quan tâm.

Quảng cáo


9. Số lượng đặt hàng trên mỗi khách hàng trong một năm: Con số này cho bạn biết một người khách hàng đặt hàng bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian. Đây là một công cụ tốt cho phép bạn xác định bạn nên chi bao nhiêu tiền cho marketing hoặc làm marketing lại.

10. Tỉ lệ huỷ bỏ thanh toán/ giỏ hàng: Bạn nên đo lường tỉ lệ phần trăm số khách hàng rời bỏ thanh toán/ giỏ hàng trong từng bước thanh toán. Chẳng hạn: bao nhiêu phần trăm khách hàng rời bỏ sau khi đưa sản phẩm vào giỏ hàng? Sau khi nhập thông tin hoá đơn, vận chuyển? Sau khi nhập thông tin thẻ tín dụng? Tỉ lệ rời bỏ quá cao là dấu hiệu của quy trình thanh toán không tốt.

Trong bài tiếp theo tôi sẽ đưa ra các chỉ số đánh giá một Blog.
Bài viết có tham khảo Web site Web Marketing Today, Bộ Thương Mại Việt Nam

Nguồn http://my.opera.com/iguru
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bạn tổng hợp hay quá. có gì mới nữa ko bạn
Trả lời các câu hỏi

Đã có rất nhiều bạn gửi PM tới mình hỏi về phân tích Web để phục vụ Marketing. Mình tập hợp lại và phân loại ra nhiều câu hỏi, trong đó có ba chủ đề được quan tâm nhiều nhất như sau:

  1. Công cụ phân tích dữ liệu trực tuyến là những công cụ nào?
  2. Phương pháp phân tích trải nghiệm, hành vi của khách hàng là gì?
  3. Giải pháp kết hợp xây dựng Mar, Sales dựa trên các số liệu phân tích được từ người truy cập?

Như bạn biết, với kênh Internet, giờ đây đã hình thành một loại hình Marketing mới, e-Marketing. Do môi trường khác nhau nên phương pháp làm việc cũng khác nhau nhiều.



Trong khả năng có thể, mình trả lời các câu hỏi trên như sau:

1. Công cụ phân tích dữ liệu trực tuyến.
Hiện tại trên thế giới có rất nhiều công cụ Phân tích dữ liệu trực tuyến như thời gian tải, thời gian xem từng trang, % rời bỏ site ngay khi mới đến. Có những công cụ miễn phí, có những công cụ tính phí.

Miễn phí phải kể đến : Google Analytics, có phí Hitslink, ClickTracks, IndexTools,... bạn có thể search từ web statistics hoặc web anlytics để tìm kiếm thêm.

2. Phân tích trải nghiệm của khách hàng, hành vi của khách hàng
Nếu bạn coi công ty bạn đặt tại SG là một văn phòng thực, vậy bạn thử suy nghĩ văn phòng ảo bạn nên làm Marketing như thế nào. Mô tả đơn giản, để mọi người biết văn phòng thực bạn phải công bố báo chí, rải tờ rơi,... văn phòng ảo cũng vậy, bạn phải làm on-page SEO, off-page SEO, e-PR, e-Marketing với mục đích mọi người biết đến bạn. Với Internet bạn có một môi trường dễ theo dõi hành vi khách hàng hơn mà không phải tốn kém nhân sự. Quay trở lại văn phòng ảo, bạn thử suy nghĩ xem, ở đời thực bạn theo dõi khách hàng như thế nào, bạn đưa vào môi trường Internet các mô hình phân tích đó.

Trên đây là những phần cơ bản nhất để phân tích hành vi của khách hàng, tuy nhiên với Internet bạn cần nhiều hơn thế. Mỗi khách hàng có một "kinh nghiệm mua hàng trực tuyến" khác nhau. Ví dụ: Họ hay dùng màn hình 17", họ là dân shopping chuyên nghiệp nên họ thích nhìn thanh công cụ đơn giản, nằm tay phải, họ hiểu màu xanh lá cây là mời gọi nhấn vào, .... Nếu bạn hiểu các kinh nghiệm của họ, bạn sẽ đưa ra được nhiều giải pháp về giao diện, chức năng, phương pháp theo dõi, các quy trình hỗ trợ TMDT tại site tốt hơn rất nhiều.

Ví dụ từ 10 chỉ số mình đã đề cập bạn có thể kết hợp chúng để ra những chỉ số khác:
Số lượng bỏ Web ngay khi truy nhập/ Số lượng truy nhập trang chủ
Số lượng bỏ trang một sp ngay khi truy nhập/ Số lượng truy nhập trang sp đó
Số lượng bỏ trang sp ngay khi truy nhập (người mới)/ Số lượng người mới
Số lượng bỏ trang sp ngay khi truy nhập (người cũ)/ Số lượng người cũ

3. Giải pháp kết hợp xây dựng Mar, Sales dựa trên các số liệu phân tích được từ người truy cập
Phần này khá rộng lớn nhưng mình sẽ đưa một ví dụ để làm sáng tỏ thắc mắc Em nghe họ nói đến công cụ phân tích site về dữ liệu KH: số trang truy cập, thời gian truy cập,... các công cụ phân tích tính tương quan giữa sản phẩm họ view và khả năng mua hàng của họ. Chẳng hạn người view các sản phẩm cao cấp có thể họ là người có thu nhập cao. Trong phần cross-selling họ sẽ đưa ra các sản phẩm bổ sung/ khác đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng này." của bạn.

Giả thiết, Site của bạn có 100 mặt hàng, bạn muốn phân tích mức độ quan tâm, mua sp O của khách hàng trực tuyến. Chúng ta có hai chỉ số:
- Số lượng người vào một trang sp O ở cấp độ 2 (X)
- Số lượng người vào trang chủ của Web site (Y)

Mình có một tỉ lệ A = X/Y (thực tế mình sử dụng những công thức khá phức tạp và rất nhiều kiểu biểu đồ để theo dõi, đây chỉ là ví dụ minh hoạ, tính ứng dụng không cao nhưng phần nào giúp bạn hiểu hơn về công việc phân tích dữ liệu trực tuyến, một công việc không đơn thuần là đo số lần truy cập, số lần xem trang, số thành viên đăng ký,...)

A = 1, có thể xẩy ra các trường hợp sau: sp của bạn marketing tốt (lưu ý, marketing không chỉ có ngoài Web site, mà chính ngay trong Web site bạn cũng có thể market), 100% khách hàng quan tâm sp O. Vậy tại sao bạn không thử giảm giá nhẹ đồng thời PR để thu hút nhiều người hơn nữa nhỉ? Đây chỉ làm ví dụ vì có nhiều cách đạt tăng trưởng doanh số khác theo chiến lược của từng cty.

A>1 rất nhiều lần, đại đa số khách hàng họ rất quan tâm sp này, họ truy cập thẳng địa chỉ URL của sp O. Họ không thích xem các thông tin khác, vào site của bạn chỉ vì họ muốn xem thông tin về sp O. Vậy tại sao bạn không đưa O ra trang chủ, đồng thời thử bán các sp phụ trợ cho O?
- Nếu X tăng rất cao, Y giảm rất thấp: Bạn đưa các sp liên quan đến O ra trang chủ luôn nhé (điều này sẽ giúp trang bạn tăng thứ hạng nhanh). Nếu tỉ lệ khách hàng vào xem O là chính thì bạn có thể bỏ các sp khác. Tập trung vào O.
- Nếu X tăng rất cao, Y giữ nguyên: bạn phải kết hợp với nhiều công cụ khác để đưa ra quyết định chính xác.
- Nếu X giữ nguyên, Y giảm rất thấp: Khách hàng chủ yếu vào để xem O thôi, mình hơi ái ngại với bạn, bạn xem lại marketing nhé. Nếu không site của bạn sẽ đi vào dĩ vãng đó.

A>1 sấp xỉ 1, nhiều khách hàng quan tâm sp O. Để xác định bao nhiêu % người quan tâm thực sự để từ đó đưa ra chiến lược Mar tại site, bạn phải kết hợp thêm với các chỉ số khác.
- Nếu X tăng, Y giảm: Tỉ lệ quan tâm sp này đang tăng lên, mọi người vào site của bạn chỉ quan tâm sp này. Bạn nên bỏ thêm chi phí marketing, tạo ra các sp bổ sung, liên kết các sp thay thế khác vào trang này.
- Nếu X giữ nguyên, Y giảm: 100 sp của bạn đang kém hấp dẫn rồi đó, khách họ chỉ quan tâm sp O thôi. Bạn nên bán các sp tương tự O hoặc bán các sp bổ sung. Làm marketing kiểm tra mức độ quan tâm của khách tới 99 sp còn lại, nếu vẫn không tăng chỉ số thì nên loại bỏ 99 sp kia.
- Nếu X tăng, Y giữ nguyên: Có nhiều lý do, Bạn marketing với URL của trang chủ nên tăng số lượng vào trang chủ; các sp khác cũng đang được quan tâm; nếu dùgn chỉ số người cũ, bạn thấy % là người cũ. Chúc mừng bạn, bạn đang có một lương fan hâm mộ ổn định đó, bạn nên xúc tiến mạnh thêm.

A<1 rất nhiều, thôi chết, sp O không được ai quan tâm cả hoặc đường dẫn đến sp O quá rắc rối. Giải pháp, bạn tối ưu lại cấu trúc Site, đưa O ra trang chủ, đưa O vào sp đề xuất với các sp đang được khách hàng quan tâm,...
- X giảm rất thấp, Y tăng rất cao: Bạn cũng nên xem lại cấu trúc site, các quy trình hỗ trợ TMĐT có tốt không. Nếu tốt rồi thì sp O nên cho đi thôi, giữ lại làm gì.
- X giảm rất thấp, Y giữ nguyên: bạn nên kết hợp với các chỉ số khác để đưa ra quyết định chính xác.
- X giữ nguyên, Y tăng rất cao: có thể bạn đang có nhiều sp khác được quan tâm, bạn nên xác định sp nào được quan tâm nhất và marketing tốt cho nó, đồng thời liên kết sp O vào đó để giới thiệu với khách hàng.

A<1 không quá nhiều, bạn phải kết hợp với các công cụ khác để xác định khách hàng vào có thực sự họ quan tâm không? Họ mua không? Ví dụ chỉ xem hàng/ mua hàng để biết khách hàng vào chỉ để xem hay họ thực sự có nhu cầu.

Mark Twain có nói: "People commonly use statistics like a drunk uses a lamp post -- for support rather than illumination". Trên đây chỉ là ví dụ và giải pháp minh hoạ, trong thực tế khi đưa ra một giải pháp đòi hỏi nhiều thông tin hơn chỉ một chỉ số, kết hợp nhiều kiến thức hơn chỉ là chỉ biết về Marketing. Hy vọng các ví dụ này giúp bạn hiểu rõ hơn.

Code:
Thương mại điện tử không phải là Web site bán hàng và lượng truy nhập. Đây là một kênh kinh doanh mới, một nền kinh tế mới, một cuộc sống mới.
Hy vọng trong hội nghị TMĐT VN thời gian tới mình có thể nói nhiều hơn về những nghiên cứu này nếu mọi người chưa chán TMĐT 😃.

Các bạn có thể xem thêm các bài nghiên cứu không mang tính thảo luận và được công bố tại iGURU Blog hoặc Web site chính thức của iGURU
Trả lời thành viên

Mình có nhận được thư của một thành viên OpenShare. Sau một số lần PM, bạn đã gửi cho mình một số dữ liệu dưới đây và đề nghị phân tích giúp. Bạn cũng đồng ý mình công khai dữ liệu và chia sẻ giải pháp cùng các bạn.

Dữ liệu mình nhận được từ ba nguồn Direct Traffic, Referring Sites, Search Engines. Trước hết mình sẽ phân tích Direct Traffic.




Dựa vào các dữ liệu Direct Traffic chúng ta có thể biết sự quan tâm của người truy nhập đến Site của chúng ta như thế nào từ đó đưa ra giải pháp cung cấp nội dung và Marketing. Con số 23.93% số lượt truy nhập là trực tiếp trong đó có 51.28% người lần đầu tiên truy nhập. Như vậy số người truy nhập trung thành (những người vào xem web site của bạn từ 2 lần trở lên) là 11.66%.
Đây là con số đáng báo động, chỉ có 19/166 truy nhập là những truy nhập trung thành với Web site của bạn. Con số xấp xỉ như vậy đã kéo dài trong nhiều tháng. Hiện tại Web site đã hoạt động được 14 tháng, với chính sách không PR, không Marketing, chỉ để mọi người truy nhập Forum và tự nói với nhau về Web site của bạn, con số này thể hiện nội dung của bạn không hấp dẫn người sử dụng.
Con số thời gian trung bình trên Site là 6:42 phút, số trang xem trong mỗi lần visit là 5.33 trang, chứng tỏ những người truy nhập trực tiếp họ rất quan tâm tới các nội dung của bạn, nhưng lần sau họ có vào không thì con số hàng tháng, quý sẽ trả lời. Nhưng nếu tỉ lệ quay lại là 11.66% của 166 kéo dài thì chứng tỏ nội dung Forum của bạn hoặc có bài viết sâu nhưng ít cập nhật, hoặc phạm vi quá rộng nên ít bài viết chất lượng hoặc khả năng quản lý kém nên có nhiều bài viết spam hoặc chiến lược cung cấp nội dung trên Forum không phù hợp với xu thế, … nên tỉ lệ quay lại quá thấp trong khi thời gian trung bình và số trang xem lại thể hiện những người truy nhập trực tiếp rất quan tâm tới nội dung của bạn.
Việc bạn xác định những người thường xuyên truy nhập là ai, từ đâu tới, trình độ văn hoá, họ quan tâm URL nào là việc bạn nên làm ngay.
  • Nếu họ là mod thì không bàn cãi nữa, bạn nên cải tổ đội ngũ quản trị
  • Nếu họ là những thành viên ngày nào cũng truy nhập Forum của bạn, điều này chứng tỏ Forum vẫn có sức hút nhất định với một nhóm người trung thành. Bạn nên tìm hiểu nội dung nào được mọi người quan tâm và thu hẹp lại Forum, tập trung phát triển nội dung để phục vụ nhóm người đó thật tốt sau đó mới mở rộng ra. Nếu có thể bạn mời họ về làm Mod hoặc kêu gọi sự đóng góp các bài key từ họ.
  • Nếu họ là là một nhóm hỗn hợp nhưng không phải ngày nào cũng vào, một tháng có thể chỉ vào 2 lần. Bạn nên tìm hiểu những URL nào được quan tâm nhất từ nhóm người này. Sau đó bạn tập trung phát triển các nội dung đó. Trường hợp này bạn nên chuẩn bị một kế hoạch tài chính, nhân sự đủ mạnh để vận hành Forum, nếu không đủ lực thì bạn lại quay về trường hợp 2.
Tỉ lệ rời bỏ Web site ngay 25,64% thể hiện trong số 39 lần truy nhập thì có 10 người bỏ ngay Web site của bạn khi nhìn thấy nó hiện ra. Có thể do nhiều lý do.
  • Forum của bạn mình đã kiểm tra, thời gian tải > 3 giây, như vậy nếu mạng chất lượng kém thì thời gian tải sẽ là khá lâu. Có thể đây là một trong những lý do khiến họ bỏ đi chăng. Bạn tham khảo bài viết 14 phương pháp giúp tải nhanh Web site trên Blog iGURU để tối ưu trang Web hơn.
  • Trang chủ của bạn trình bày nội dung không cuốn hút người đọc hoặc khiến họ hiểu nhầm, khiến họ nhìn thoáng qua không thấy nội dung họ quan tâm nên họ rời bỏ. Trong vòng 2 giây, người truy nhập sẽ quyết định có xem trang Web hay không đó. Nên việc nhờ một chuyên gia tư vấn về giải pháp cung cấp nội dung và GUI là điều rất quan trọng với một forum như của bạn.
  • Nội dung của bạn không phù hợp với những người truy nhập. Nếu xẩy ra điều này thì bạn nên tái cấu trúc và xây dựng lại chiến lược cho Forum. Hoặc bạn đang mở quá rộng phạm vi của Forum nhưng không đảm bảo chất lượng, hoặc bạn tập trung vào những chủ đề không cuốn hút, hoặc lời quảng cáo của bạn tại đâu đó khác hoàn toàn với nội dung bạn đang có, hoặc tên miền hoặc title của bạn khác với nội dung đang cung cấp.
Forum là một diễn đàn, thường diễn đàn tập trung vào một số lĩnh vực, chủ đề nào đó. Người truy nhập họ đã truy nhập trực tiếp là do họ kỳ vọng họ sẽ tìm kiếm được một thông tin nào đó trùng với nhận thức của họ về Forum. Nhưng kết quả hiện tại có 25,64% rời bỏ, chứng tỏ bạn không thực hiện tốt công việc Marketing, cung cấp nội dung cho Web site.
Tuy nhiên khi nhìn vào các con số trung bình của toàn bộ Site thì bạn đang Marketing theo phương pháp lan truyền trên các site khác và SEO khá tốt. Nếu bạn đồng thời làm được cả việc xây dựng chiến lược và thực thi việc cung cấp nội dung trên Forum và Marketing là điều rất tốt; còn không bạn nên đầu tư cho nội dung của Web site. Bạn nên nhớ:

Link is Queen, Content is King.

Chúc bạn thành công


Sally, www.iguru.vn; http://my.opera.com/iguru
m500
ĐẠI BÀNG
17 năm
Bài viết của bạn rất hay, lâu rồi không lên đây. Mình cũng đang tìm hiểu về TMĐT và Maketing Online.
Trong bài trước mình đã phân tích về Direct traffic, hôm nay mình phân tích về Referring Sites với mong muốn đánh giá hiệu quả e-marketing cho Forum của bạn.


Những thông tin mình có được như sau:
Visits: 41
% of Site Total: 24.26%
Pages/Visit: 5.51
Site Avg: 3.38 (62.86%)
Avg. Time on Site: 00:05:59
Site Avg: 00:03:42 (61.28%)
% New Visits: 85.37%
Site Avg: 86.39% (-1.19%)
Bounce Rate: 24.39%
Site Avg: 45.56% (-46.47%)
Web site là một Forum, không làm PR nhiều, các tháng trước con số cũng xấp xỉ.


Các chỉ số của Referring Sites cho chúng ta biết hành vi của những người truy nhâp vào Web site của bạn đến từ các Web site, ứng dụng khác. Điều này cũng thể hiện hiệu quả của công việc e-Marketing của bạn thông qua Internet. Chúng ta bắt đầu với số lượt truy nhập và số rời bỏ web site ngay khi truy nhập. 41 lượt truy nhập và có 24.39% rời bỏ lập tức khi vào Web site. Chứng tỏ 45,56% người nhận quảng cáo, PR của bạn không phải phân khúc thị trường của bạn. Điều này đồng nghĩa bạn đã quẳng qua cửa số 24.39% số tiền quảng cáo, PR trên Internet*. Con số này có thể chấp nhận được nhưng mình đề nghị bạn nên xây dựng lại chiến dịch quảng bá tập trung hơn vào phân khúc thị trường của bạn để giảm thiểu việc phung phí chi phí quảng bá.
Số trang Web được đọc là 5.51 trang, thời gian đọc trang Web/ mỗi truy nhập là 5:59 phút chỉ số này thể hiện nội dung của bạn được người đọc quan tâm. Nếu trừ đi số người rời bỏ Web site ngay khi mới truy nhập là 24.39% thì số trang được xem là 7.29 trang, thời gian mỗi lần truy nhập xem Forum của bạn là 7:39 phút. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng dịch vụ và nội dung, bạn nên đánh giá lại những việc sau:
  • Cấu trúc Web site có cho phép người truy nhập tìm thông tin dễ không?
  • Có nhiều hình thức tìm kiếm không?
  • Thiết kế giao diện có dễ tìm thông tim không?
  • Quy trình đọc bài viết, đăng ký, đăng nhập, đăng bài viết, theo dõi bài viết, theo dõi thành viên, … có phức tạp không?
  • Nội dung có dễ theo dõi không?
Bạn nên sử dụng chức năng Poll hay Voting để khảo sát hoặc viết bài đề nghị thành viên góp ý cải thiện hệ thống hoặc cung cấp dịch vụ chat, blog để thành viên trao đổi, dựa vào đó lấy thông tin.
Để chuyển hoá số truy nhập theo hình thức Referring Sites về Direct Traffic, nghĩa là chuyển thành truy nhập trung thành, bạn phải cung cấp nội dung tốt hơn cho họ. Một trong những việc đơn giản bạn có thể làm là nội dung các bài viết nên có link đến các bài viết đã viết trước đó để thành viên truy nhập được nhiều thông tin hơn, hiểu hơn về Forum.
Chỉ số truy nhâp mới là 85.37%, điều này thể hiện chiến dịch e-marketing của bạn có hiệu quả khá tốt. Rất nhiều người bị thuyết phục bởi thông tin của Forum, họ tò mò hoặc bị hấp dẫn và nhấn vào liên kết để truy nhập thẳng vào Forum của bạn. Con số 35/41 truy nhập là lần đầu tiên truy nhập vào Forum nói lên một trong những điều sau:
  • Nội dung trên Forum có chất lượng nên nhiều người sao chép và gắn vào Web site, dịch vụ khác
  • Bạn đang âm thầm làm e-Marketing, nhưng bạn lại thông tin với mình rằng bạn không làm những hoạt động đó :p
Để có chỉ số Referring Sites cao hơn mình đề xuất bạn 9 việc bạn nên làm:
  1. Sử dụng dịch vụ quảng cáo PPC (Pay per click)
  2. Đặt quảng cáo của bạn trên các eZines khác
  3. Tặng quà (eBooks, eCards, sản phẩm) đồng thời gắn liên kết tới site của bạn vào và thu tập email, tên của người nhận quà.
  4. Gửi email quảng bá (gửi theo phương pháp hợp lệ)
  5. Trở thành chuyên gia (tìm các site cho phép trả lời mọi người và bạn trả lời tại đó)
  6. Tham gia vào các diễn dàn, blog, nhóm thảo luận
  7. Đăng các bài báo chất lượng lên báo điện tử, trang thông tin điện tử
  8. Viết công bố báo chí
  9. Tham gia mạng xã hội
Sử dụng tài liệu từ: www.iguru.vn
Trong bài tiếp theo mình sẽ phân tích luồng truy nhập từ Search Engines. Chúc bạn thành công.
bài viết rất hay, rất hữu ích cho những người đang muốn tìm hiểu về TMĐT

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019