Hôm nay trong đống hình lưu trữ trên OneDrive, mình được nhắc Lumia 1020 - siêu phẩm cuối của Nokia với nền tảng Windows Phone và cũng là chiếc smartphone tới tận bây giờ đâu đó vẫn thấy anh em nhắc đến khi nói về camera.
Đó là vào tháng 7 năm 2013, khi đó thị trường điện thoại thú vị hơn giờ rất nhiều bởi bên cạnh iOS và Android còn là Windows Phone và BlackBerry OS. Smartphone thiết kế đa dạng và tính năng mới cứ liên tục được các hãng chạy đua, chụp ảnh di động khi đó vẫn chưa phải là một trào lưu lớn đến mức gần như bão hòa như bây giờ trong khi cấu hình cũng không phải là thứ được quan tâm hàng đầu. Sự sáng tạo được phát huy và các hãng muốn giành giật vị thế dẫn đầu phải tìm ra sự khác biệt.
Nokia khi đó được dìu dắt bởi Stephen Elop - một con người rất thân cận với Microsoft, rất thân với Steve Balmer - cựu CEO của Microsoft và cũng là một người sau này được xem là "kẻ gián điệp" khi đã chọn Windows Phone thay vì Android khiến Nokia nguyên thủy biến mất, Microsoft mua lại rồi phải bán tháo cho HMD Global.
Nokia ở thời điểm 7 8 năm về trước vẫn là Nokia mà chúng ta từng biết, những chiếc máy tung ra vẫn rất đậm chất Phần Lan và ngay cả dòng Lumia dù chạy Windows Phone - một hệ điều hành thứ 3 thay vì Symbian thì nó vẫn rất "Nokia" với thiết kế bầu bầu, vỏ bằng polycarbonate - một chất liệu nhựa được sử dụng phổ biến trên smartphone cao cấp thời đó với nhiều màu sắc trẻ trung. Đây cũng là điểm nhận dạng đặc trưng của Nokia so với những đối thủ như HTC với vỏ nhôm nguyên khối trên One M7 huyền thoại, Samsung Galaxy S3 S4 mỏng thanh lịch, Sony Xperia Z hay "Zép Ultra" thiên về chất liệu kính hay BlackBerry với Q10, Z10 vẫn còn nguyên chất dâu đen. Huawei, Oppo, Vivo hay Xiaomi còn mới o oe nằm nôi chớ không hổ báo như giờ đâu.
Đó là vào tháng 7 năm 2013, khi đó thị trường điện thoại thú vị hơn giờ rất nhiều bởi bên cạnh iOS và Android còn là Windows Phone và BlackBerry OS. Smartphone thiết kế đa dạng và tính năng mới cứ liên tục được các hãng chạy đua, chụp ảnh di động khi đó vẫn chưa phải là một trào lưu lớn đến mức gần như bão hòa như bây giờ trong khi cấu hình cũng không phải là thứ được quan tâm hàng đầu. Sự sáng tạo được phát huy và các hãng muốn giành giật vị thế dẫn đầu phải tìm ra sự khác biệt.

Nokia khi đó được dìu dắt bởi Stephen Elop - một con người rất thân cận với Microsoft, rất thân với Steve Balmer - cựu CEO của Microsoft và cũng là một người sau này được xem là "kẻ gián điệp" khi đã chọn Windows Phone thay vì Android khiến Nokia nguyên thủy biến mất, Microsoft mua lại rồi phải bán tháo cho HMD Global.

Nokia ở thời điểm 7 8 năm về trước vẫn là Nokia mà chúng ta từng biết, những chiếc máy tung ra vẫn rất đậm chất Phần Lan và ngay cả dòng Lumia dù chạy Windows Phone - một hệ điều hành thứ 3 thay vì Symbian thì nó vẫn rất "Nokia" với thiết kế bầu bầu, vỏ bằng polycarbonate - một chất liệu nhựa được sử dụng phổ biến trên smartphone cao cấp thời đó với nhiều màu sắc trẻ trung. Đây cũng là điểm nhận dạng đặc trưng của Nokia so với những đối thủ như HTC với vỏ nhôm nguyên khối trên One M7 huyền thoại, Samsung Galaxy S3 S4 mỏng thanh lịch, Sony Xperia Z hay "Zép Ultra" thiên về chất liệu kính hay BlackBerry với Q10, Z10 vẫn còn nguyên chất dâu đen. Huawei, Oppo, Vivo hay Xiaomi còn mới o oe nằm nôi chớ không hổ báo như giờ đâu.
Quảng cáo

Windows Phone dù trước đó đã được các hãng như HTC, Samsung, LG tham gia nhưng chính Microsoft đã phá hỏng mọi thứ khi thiết bị chạy Windows Phone 7 lại không thể nâng cấp lên Windows Phone 8 dù chỉ mới ra mắt không lâu. Thế nên phải đến Lumia 920 - ra mắt năm 2012 thì Windows Phone 8 mới bắt đầu có chỗ đứng một chút. Người dùng là fan của Nokia cũng như những con người yêu thích Windows Mobile xưa kia một lần nữa cho Windows Phone 8 cơ hội và thật sự hệ điều hành này rất tốt. Có thể nói Microsoft đã dùng chính Nokia để trở lại thị trường, sửa sai với Windows Phone 8 nhưng cũng khiến HTC bất mãn vì sự ưu ái cho Lumia. Lợi thế được Microsoft hậu thuẫn, sau Lumia 920 và Lumia 820 thì Nokia tung loạt những chiếc Lumia khác đáng chú ý như Lumia 720, 520 giá rẻ, Lumia 925 khung nhôm cực đẹp, Lumia 928 (Icon) dành cho nhà mạng Verizon và Lumia 1020.

Một trong số những lý do mà người ta mua Lumia khi đó chính là ảnh chụp ra rất đẹp nếu so với các đối thủ cùng phân khúc. Điện thoại thời điểm 7 8 năm trước mình nhớ chưa có cái trào lưu xóa phông, cũng không có những thứ như camera góc rộng, selfie chỉ mới hơi phổ biến thôi. Mình có cảm giác lúc đó việc chụp ảnh trên điện thoại là một điều gì đó thật nghiêm túc với những ai thật sự quan tâm và cùng với sự chuyển dịch từ DSLR hay những mẫu camera compact sang điện thoại thì như một thói quen, ai cũng muốn được chỉnh, được kiểm soát tốt hơn về những thông số khi chụp. Lumia thì thật sự lấy điểm ở phần này khi ứng dụng Lumia Camera được làm rất tốt. Nó có thiết kế nhiều vòng tròn cho phép chỉnh đủ từ khẩu tới tốc, khiến người dùng sáng tác được tốt hơn và hồi đó Tinh Tế cũng đã có những cuộc thi ảnh trên Lumia như vậy.

Sự ra đời của Lumia 1020 thì mình nghĩ nó cũng là nhằm đáp ứng cho nhóm người dùng yêu thích chụp ảnh trên di động nhưng cũng là thứ mà Nokia buộc phải làm. Xuất phát từ PureView 808 - chiếc siêu phẩm chạy Symbian cuối cùng mà nhiều người giờ vẫn còn giữ xài để chụp ảnh, Lumia 1020 là kẻ thay thế bởi lẽ: Nokia thời 2012 2013 đang nắm giữ đến những 3 hệ điều hành di động gồm Windows Phone, Asha cho thiết bị giá rẻ và Symbian Belle OS. Belle OS về vai trò thì nó tương tự Windows Phone tức chỉ dùng trên thiết bị cảm ứng cao cấp nên để đơn giản hóa hệ sinh thái, Nokia chuyển sang Windows Phone và bỏ Symbian. Lumia 1020 là flagship có vai trò lớn cho sự chuyển dịch này bởi nó vừa được trang bị công nghệ máy ảnh PureView và vừa chạy Windows Phone 8.
PureView là một công nghệ ảnh độc quyền của Nokia bởi nó bao gồm vi xử lý hình ảnh trên chip để thực hiện các tính năng như scale, lấy mẫu, xử lý nhiễu, zoom kỹ thuật số kèm với công nghệ quan học gồm đèn flash xeon, cảm biến ảnh độ phân giải cao, chống rung quang học và đặc biệt là các lớp thấu kính Zeiss.

Mô hình cụm camera của Lumia 1020.
Lumia 920 và những chiếc Lumia 925, 928 trước đó đã cho ảnh rất tốt rồi thì Lumia 1020 đẩy chuyện chụp ảnh trên di động đi xa hơn với PureView. Lumia 1020 được trang bị cảm biến BSI 41 MP - cải tiến lớn trên camera smartphone lúc đó vốn đa phần là CMOS và độ phân giải phổ biến là 12 MP. Không chỉ dừng lại ở cảm biến lớn và mới, Lumia 1020 còn có hệ thống 6 lens của Zeiss, có chống rung quang học, khả năng zoom quang 6x và đèn flash Xeon. Tất cả những thành phần này được đặt trong một cụm tròn, lồi lên và chiếm một không gian lớn tại mặt sau.
Quảng cáo

Mình không xài Lumia 1020 ngay khi mới ra, phải đợi đến khi có người bạn bán rẻ lại mới đủ khả năng. Tuy nhiên trải nghiệm của mình với chiếc máy này cũng rất thú vị và khiến mình khó quên. Cái mình nhớ nhất là thiết kế ngộ nghĩnh của nó (hao hao con Minion Stuart 1 mắt 🤣), màn hình AMOLED rất rực nhìn ảnh trên màn hình thì thấy sai sai mà khi đem lên máy tính lại đúng và cảm giác tự tin khi đưa máy lên chụp ở mọi điều kiện ánh sáng. Như tấm hình trên mình chụp ở trường RMIT vào năm 2014, một trong những tấm hình mình rất thích vì nó cân đối.

Thêm 1 thứ mà giờ mình không còn thấy trên camera của điện thoại đó là màng trập cơ!
Cũng phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh, người dùng Lumia 1020 lúc đó còn có phụ kiện là một chiếc báng cầm với nút chụp vật lý, bấm nửa nút lấy nét như máy ảnh xịn. Chiếc báng này còn có pin tích hợp để mở rộng thời gian sử dụng. Khi xưa mình cũng thường xuyên dùng Lumia 1020 với chiếc báng này dù hơi cồng kềnh.

Tuy nhiên, chiếc Lumia 1020 cũng có nhiều nhược điểm, 1 là pin chuối và 2 là phần mềm Lumia Pro Camera xử lý ảnh rất chậm. Chụp xong tấm ảnh anh em phải đợi hơn 1 giây để thấy được tấm ảnh ra sao và những ai xài Lumia 1020 hầu như đều quen với việc này. Anh @tuanlionsg là một người dùng Lumia 1020 khá lâu và ảnh nhận xét rằng:
Quảng cáo
"Cảm biến ảnh 41 Mpx của Lumia 1020 trên nền WP8 là một đột phá chất lượng hình ảnh của Nokia trên chiếc điện thoại đỉnh cao của năm 2013. Màn hình không đạt chất lượng cao như các màn hình Full HD nhưng độ sắc nét và khả năng hiển thị rất tốt dưới ánh sáng mặt trời là điều ấn tượng. Có nút chụp cứng và chạm màn hình rất thuận tiện với khuynh hướng chụp ảnh hiện nay. Tính năng zoom số 2.7x lossless ít suy giảm chất lượng hình ảnh là tính năng nổi bật của 1020. Tuỳ chỉnh các thông số tốc độ màn trập, ISO, cân bằng trắng, khoảng cách điểm nét, bù trừ sáng thuận tiện trên màn hình được đánh giá rất cao, tuy chưa thật sự trọn vẹn. Hệ điều hành WP không hỗ trợ nhiều phần chụp ảnh, nhưng Nokia tận dụng tốt lợi thế của ống kính và các ứng dụng chụp ảnh Pro Cam. Chế độ Smart Cam cũng cho phép chụp Best Shot, chọn 1 trong 10 thú vị cũng như chế độ tạo hình động Cinemagraph của 1020. Tuy nhiên, 1020 không có chế độ HDR.
Nokia Lumia 1020 cho chất lượng hình ảnh ấn tượng so với bất kỳ điện thoại nào trên thị trường. Nhưng, thời gian khởi động và thời gian xử lý giữa hai lần chụp liên tục là một cảm nghiệm về sự chạm chạp khó chịu. Dẫu sao không có chiếc điện thoại phục vụ bạn như một chiếc máy ảnh."
Mình lại nhận thấy rằng Lumia 1020 đã ít nhiều tạo ra trào lưu về chụp ảnh cao cấp trên điện thoại. Những chiếc máy bây giờ đều có những tính năng có thể nói là vay mượn từ Lumia 1020 cũng như dòng Lumia khi xưa chẳng hạn như khả năng điều chỉnh nhiều thông số như tốc độ, phơi sáng, bù trừ EV ... và từ đây mở rộng sang nhiều tính năng khác như slo-mo, xóa phông. 41 MP của Nokia Lumia 1020 to là thế nhưng cuộc đua về độ phân giải cảm biến vẫn tiếp diễn.

Đến thời điểm này thì công nghệ đã thay đổi quá nhiều, những thiết kế như Lumia 1020 khi xưa không còn nữa mà đổi lại là những chiếc điện thoại mỏng, vật liệu chế tạo cũng cao cấp hơn. Thay vì 1 camera thật to thì điện thoại giờ đi theo xu hướng nhiều camera, phần mềm cũng được cải tiến cực tốt nhờ AI thành ra chúng ta có thể dễ dàng có được tấm ảnh đẹp mà không cần mất nhiều công sức. Nokia sau này cũng từng đưa PureView trở lại trên chiếc Nokia 9 với 6 camera nhưng không được biết đến nhiều như thời Lumia 1020 nữa.
Clip giới thiệu ấn tượng của Lumia 1020.
Mình đôi khi nhớ lại cái thời sôi nổi của smartphone và Lumia 1020 cũng như những chiếc máy khi đó thật sự khiến mình khó quên. Nokia giờ với mình không còn là Nokia xưa nên mình không xài chiếc Nokia chạy Android nào bởi thiết kế hay tính năng không có gì đột phá và cũng khó mà trách HMD Global bởi thị trường smartphone bây giờ đầy may rủi, một hướng đi riêng tạo sự khác biệt có thể đem lại thành công hoặc thất bại vĩnh viễn.
Anh em đã từng xài Lumia 1020 bao giờ chưa và có ai còn giữ chiếc máy này để chụp ảnh không? Hãy khoe những tấm ảnh chụp cho mọi người cùng xem với nhé.