Cánh của loài dơi có thiết kế đặc biệt khiến chúng bay nhanh và chao lượn tuyệt vời. Bí mật của đôi cánh dơi đã được một nhóm các nhà khoa học giải mã và họ cho rằng có thể áp dụng vào hệ thống dẫn đường cho máy bay.
Nhóm các nhà khoa học đến từ đại học Johns Hopkins, đại học Columbia và đại học Maryland dẫn đầu bởi giáo sư thần kinh học Cynthia F. Moss đã nghiên cứu về các cảm thụ quan trên loài dơi nâu lớn. Cụ thể là một chuỗi các cảm thụ quan được chia thành từng nhóm xung quanh các sợi lông siêu nhỏ trên cánh dơi. Khi dơi bay, những sợi lông này xù lên bởi sự thay đổi của dòng khí. Cảm thụ quan cho phép dơi cảm nhận được những thay đổi này thông qua cảm giác xúc giác, qua đó dơi có thể phản hồi bằng cách điều chỉnh đường bay.
Để quan sát rõ hơn, các nhà khoa học đã cho cánh dơi tiếp xúc với từng luồng khí thổi đến. Vỏ não chi phối cảm giác xúc giác của dơi phản hồi rất tập trung và nhanh chóng đưa ra từng loạt chỉ thị, điều này cho thấy hệ thống được tối ưu hóa để dơi có thể thực hiện các động tac thao diễn trên không rất nhanh. Các nhà khoa học hy vọng những phát hiện này có thể được ứng dụng vào các hệ thống dẫn đường cho máy bay, chẳng hạn như máy bay không người lái (drone). Bằng cách đọc được nhiễu động khí thổi qua vật cản trên đường bay, máy bay drone vận hành tự động có thể dễ dàng tránh né.
Theo: Đại học Columbia