Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến cơ chế chuyển hóa đường (glucose) trong cơ thể. Hiện nay trên thế giới có khoảng 350 triệu người mắc phải và con số vẫn đang liên tục tăng. Căn bệnh này có thể gây nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như mù lòa, suy thận, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị hiện tại thường để lại những tác dụng phụ không mong muốn như béo phì hoặc gây ra các tổn thương ở gan. Tuy nhiên, tin vui cho các bệnh nhân này là mới đây một nhóm nghiên cứu đến từ đại học Heinrich Heine, Đức, dẫn đầu bởi giáo sư Eckhard Lammert, đã vô tình phát hiện ra rằng Dextromethorphan (DXM) - thành phần hoạt chất phổ biến trong các loại thuốc trị ho có thể tăng khả năng sản xuất insulin của cơ thể, từ đó giúp điều trị căn bệnh này một cách hiệu quả. Và trên hết, loại dược chất này đã quá quen thuộc và được sử dụng rộng khắp do vậy chúng ta không cần phải quá lo lắng về tác dụng phụ do nó gây ra. Kết quả của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Medicine.
Insulin là một hóc môn từ tuyến tụy. Khi tuyến tụy tiết insulin vào máu, nó lưu thông như một “chìa khóa” giúp mở cửa cho glucose vào các tế bào, cung cấp dưỡng chất cho tế bào hoạt động hoặc chuyển đổi chúng thành chất béo khi cần lưu trữ và tích tụ. Quá trình này cũng giúp giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, cơ thể trở nên kháng với insulin hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đó.
Đi tìm nguyên nhân gây ra sự rối loạn này, nhóm các nhà khoa học phát hiện thấy trên các tế bào tiết ra insulin (gọi là các tế bào Beta) ở trong tụy của những bệnh nhân tiểu đường có chứa một loại thụ thể có tên NMDA. Loại thụ thể này được tìm thấy trên khắp các hệ thần kinh, chúng tham gia vào quá trình truyền tin tế bào (cellular communication) và cũng có vai trò trong việc duy trì sự sống của các tế bào thần kinh. Dự đoán chính các hoạt động của NMDA là nguyên nhân, nhóm nghiên cứu tiến hành thực hiện ức chế hoạt động của các thụ thể này trên chuột và các tế bào tuyến tụy của con người với kỳ vọng khả năng sản xuất insulin sẽ bị suy giảm. Tuy nhiên, điều mà họ thấy lại hoàn toàn ngược lại, quá trình này thực ra lại làm tăng khả năng giải phóng insulin của các tế bào Beta và thậm chí còn tác động tích cực giúp chúng tồn tại được trong khoảng thời gian lâu hơn.
Phấn khích bởi kết quả trên, các nhà nghiên cứu quyết định tiến hành những thử nghiệm để xem liệu Dextromethorphan - hoạt chất chủ yếu trong thuốc ho, có thể có những tác dụng tương tự không? Cần biết rằng, DXM trị ho bằng cách tạo các ức chế lên thụ thể NMDA ở trên hành tủy (medulla oblongata), một phần của cuống phổi. Sau một quá trình điều trị lâu dài sử dụng DXM cho các mẫu chuột mang bệnh tiểu đường tuýp 2, các nhà khoa học nhận thấy lượng insulin đã tăng cao, số lượng các tế bào Beta sản xuất insulin trong tuyến tụy cũng tăng lên đồng thời khả năng kiểm soát đường trong máu của chúng cũng được cải thiện. Các thử nghiệm sau đó tiếp tục được tiến hành trên 20 bệnh nhân nam cũng cho kết quả rất khả quan. Theo đó, không những mức insulin được cải thiện mà khả năng dung nạp glucose của cơ thể cũng tăng cao.
Với những kết quả đầy hứa hẹn này, các nhà nghiên cứu đang hướng đến những thử nghiệm trên quy mô lớn hơn từ đó giúp xác định tính hiệu quả thực sự của DXM. Tuy nhiên, một khuyến cáo nho nhỏ là dù các loại siro ho chứa DXM được bày bán rất nhiều trên các hiệu thuốc, các bệnh nhân tiểu đường cũng không nên tự ý mua về uống trước khi các thử nghiệm lớn hơn được thực hiện.
Nguồn: IFLscience