Người ta "in" ra những chi tiết cực nhỏ trên CPU như thế nào?

Duy Luân
9/2/2022 0:6Phản hồi: 37
Người ta "in" ra những chi tiết cực nhỏ trên CPU như thế nào?
Con CPU, GPU hay bất kì bộ xử lý nào, kể cả chip RAM, chip nhớ trong SSD thật ra đều là những mạch điện siêu phức tạp, trong đó có các bóng bán dẫn, những đường nối điện rất bé ở mức nm. Kể cả bóng bán dẫn thật ra cũng được hình thành nhờ vào hàng loạt những đường cắt rồi sau đó bổ sung thêm một số vật liệu khác. Vậy làm sao người ta có thể tạo ra những đường này?



Lưu ý trước khi đọc tiếp: 10nm, 7nm, 5nm, 3nm chỉ là tên gọi cho những tiến trình sản xuất chip, nó không đại diện cho bất kì kích thước vật lý nào trong con chip, không phải là kích thước bóng bán dẫn, không phải là khoảng cách giũa các cực, không phải là khoảng cách giữa các vây fin của bán dẫn. Hiện nay các bán dẫn dùng trong chip hiện đại là 3D, mà vật thể 3D thì không thể đo bằng chỉ 1 chiều được.

Rồi, giờ vào việc nào.

Quá trình quang khắc (photolithography) diễn ra như thế nào?


Mời các bạn nhìn vào một con chip thì thực tế trông nó sẽ thế nào nha. Lưu ý đây là một con chip khác cũ rồi, chứ các SoC hiện đại ngày nay sẽ càng phức tạp và càng nhỏ hơn nữa



Bạn có thấy những đường nối này không? Nó là các đường mạch để cấu thành một con chip, zoom sát vào nữa thì người ta sẽ thấy các bóng bán dẫn nhỏ xíu nằm bên dưới. Mình đưa cái video này để bạn có thể hiểu được là những thứ này nó nhỏ tới mức nào.

Để tạo ra được những đường nét này, người ta sử dụng quy trình quang khắc, bao gồm việc in ra các đường mong muốn, rồi xử lý hóa chất để tạo hình. Phần này sẽ hình dung rõ nhất khi bạn xem video này, chứ giải thích bằng chữ thì dài và khó hiểu lắm.



Những cái đường được quang khắc này (pattern) là thứ sẽ giúp hình thành nên các linh kiện điện tử cũng như các mạch nối trong CPU. Nhìn qua video thì đơn giản nhưng thực tế người ta sẽ làm việc này vài chục lần, tạo ra cả chục lớp khác nhau thì quá trình litho mới hoàn tất.

Làm sao người ta có thể in được những đường ngày càng nhỏ và sát nhau?


Nhưng vấn đề là máy in quang khắc chắc chắn sẽ có mức giới hạn của nó, trong khi các hãng thiết kế chip thì muốn chip ngày càng bé hơn => tức là bóng bán dẫn cũng nhỏ nhỏ đi, vậy làm sao người ta có thể vượt qua giới hạn này?

Ví dụ cụ thể: các máy quang khắc hiện nay sử dụng tia Extreme Ultraviolet (EUV) loại xịn nhất của ASML có thể khắc được các đường nhỏ nhất vào khoản 13nm. Nhưng giờ chúng ta cần những đường nhỏ hơn nữa để tạo ra những con chip có khả năng đáp ứng được các dây chuyền sản xuất càng lúc càng bé như 10nm, 7nm, 5nm, 3nm thì làm thế nào?

Quảng cáo



Con số 13nm ở trên là giới hạn “độ phân giải” (nguyên văn: resolution limit) của những cỗ máy quang khắc được ASML sản xuất, những cỗ máy này đang được Intel, Samsung, TSMC và nhiều công ty chip lớn trên thế giới mua về sử dụng. Do kích thước chip ngày càng nhỏ, số bóng bán dẫn trên 1 đơn vị diện tích ngày càng tăng lên, các máy quang khắc cũng phải thu nhỏ “độ phân giải” cho tương ứng.

Trong thế giới của các hãng sản xuất bán dẫn, họ dùng kĩ thuật tên là multi-patterning, tức là thực hiện biến đổi nhiều lần thay vì chỉ thực hiện 1 lần. Cứ qua mỗi khâu in, khắc ăn mòn, làm đầy (deposition), rồi lại khắc, ăn mòn, làm đầy… các đường mạch sẽ càng gần nhau hơn, nhỏ hơn. Đây cũng là cách mà các hãng làm chip có thể tăng được mật độ bóng bán dẫn trên mỗi mm vuông đấy.

Multi-patterning này có thể được làm 2 lần (double patterning), 3 lần (triple patterning) hay thậm chí nhiều hơn. Khi ra mắt dây chuyền 20nm, TSMC đã sử dụng double patterning để sản xuất ra chip 20nm đấy. Hay như công ty LAM Research, họ nghiên cứu kĩ thuật multi-patterning có thể khắc được những đường nhỏ và tăng mật độ lên gấp 4 lần so với việc chỉ dùng 1 lần quang khắc. Với những con chip NAND vertical, các ô nhớ được sắp theo chiều dọc để tăng mật độ lưu trữ, và người ta cũng dùng multi patterning để tạo ra cấu trúc bán dẫn 3D cực kì phức tạp cả theo phương dọc và ngang.

contenteetimes-images-edn-ic-design-multi-patterning-sub-5-nm-saqp-fabrication-f3.png
Đây là hình ví dụ của một phần bán dẫn được khắc theo phương pháp self-aligned quadruple-patterning (SAQP).

a: Các đường trục màu đỏ được vẽ ra trên bề mặt cứng
b: Lớp điện môi đầu tiên được phủ lên (dielectric spacer deposition)

Quảng cáo


c: Ăn mòn lớp điện môi để mở ra những đường trục mới và lớp bên dưới của nó
d: Ăn mòn đường trục và chuyển các đường spacer đầu tiên vào lớp dưới, tạo ra đường trục thứ hai
e: Phủ lớp điện môi thứ hai bao
f: Ăn mòn lớp điện môi thứ hai để mở ra những đường trục thứ hai

Bạn cũng có thể xem video bên dưới để hình dung về quy trình này dễ dàng hơn



Ngoài SAQP, người ta còn dùng nhiều kĩ thuật khác nữa như SAB, SADP, SALELE để sản xuất ra những con chip ở mức 5nm trở xuống. Bạn có thể tìm hiểu thêm về 4 phương pháp này tại link. Còn trong khuôn khổ bài này thì dừng ở đây thôi chứ không thì phức tạp lắm 😁

Tóm lại, quá trình multi patterning giúp tạo ra những đường nhỏ hơn trong hệ thống mạch điện của một con chip, vượt qua cả giới hạn nhỏ nhất mà máy in litho có thể in được, nhờ vậy người ta có thể tiếp tục sáng tạo nên những con chip ngày càng nhỏ và giảm sự phụ thuộc vào độ phân giải của máy in litho.

fin_pitch.jpg

Và để có thể xử lý được nhiều lớp, nhiều tầng như vậy, người ta cũng dùng mỗi tầng một mask - một bản đồ để biết cần vẽ nên các đường như thế nào. Một con chip Intel 14nm có thể cần tới 50 mask. Hay một con chip 3nm mà ASML đề cập làm tham chiếu sẽ cần đến 80 lớp khác nhau, trong đó 26 lớp phải in bằng máy EUV, còn lại thì dùng máy DUV.

Thách thức của việc xử lý nhiều lớp này đó là:
  • Tốn thời gian, sẽ tăng chi phí sản xuất
  • Sản lượng sẽ giảm đi
  • Độ chính xác khi in, khắc sẽ phải giữ ở mức rất cao, sai số chỉ trong vòng 1nm, nếu không thì chip sẽ hỏng

Thế nên việc thu nhỏ chip không hề dễ dàng, có rất nhiều thách thức về mặt vật lý và kĩ thuật mà các công ty phải trải qua để tạo ra các sản phẩm tốt hơn, đó là chưa bàn đến chi phí và các khía cạnh kinh doanh. Bản thân các hãng làm máy sản xuất chip như ASML cũng phải cố gắng để cải thiện hệ thống, tăng sản lượng và tăng độ chính xác. Thật tốt khi vẫn còn đang rất nhiều người làm việc để chúng ta có thêm những con chip mạnh mẽ, tiết kiệm điện.
37 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Trước cứ nghĩ khắc 1 lần là xong.
se7en2008
TÍCH CỰC
2 năm
@KemlyExpress Đài Loan nó bị Tàu hăm he đủ điều mà người ta vẫn tìm ra ngành công nghệ đột phá chi phối cả thế giới. Đài Loan thì có CN bán dẫn; Hàn Quốc thì điện thoại, giải trí; Triều Tiên thì Hột nhân; Việt Nôm thì có buôn hàng Tàu lừa người Việt.
Mỗi quốc gia có 1 thế mạnh riêng.
Đọc bài xong thấy mấy nhà sản xuất toàn nghệ nhân điêu khắc ở mức độ nano 😁 bài hay và nhiều thông tin cũng như dẫn nguồn bổ ích. Cám ơn chủ thớt
Đúng là có công nghệ lõi trong tay một năm bán vài chục cái máy là đủ sống 🤣
"Lưu ý trước khi đọc tiếp: 10nm, 7nm, 5nm, 3nm chỉ là tên gọi cho những tiến trình sản xuất chip, nó không đại diện cho bất kì kích thước vật lý nào trong con chip, không phải là kích thước bóng bán dẫn, không phải là khoảng cách giũa các cực, không phải là khoảng cách giữa các vây fin của bán dẫn. Hiện nay các bán dẫn dùng trong chip hiện đại là 3D, mà vật thể 3D thì không thể đo bằng chỉ 1 chiều được."
Đoạn này có mùi quảng cáo cho anh Tèo rồi???
@tranhieu.ksxd hãng nào cũng vậy chứ riêng Intel đâu 😁 mình team Apple Silicon nhé hahah
Đây mới gọi là công nghệ lõi đúng không?
Kjd.1412
ĐẠI BÀNG
2 năm
Này giống như làm pcb nhưng ở cấp độ nanometer 😆
Nhưng mình vẫn không hiểu bằng cách nào các mạch bán dẫn lại có thể lập trình được.
Kjd.1412
ĐẠI BÀNG
2 năm
@hackieuhay cổng AND, OR, NOR, NAND, cả flip-flop mình cũng biết, thiết kế mạch encode, decode từ mấy cái cổng logic mình cũng làm qua rồi, nhưng đó chỉ là những mạch logic có chức năng cố định, còn cơ chế nào dể con vi điều khiển hoạt động theo những dòng lệnh lập trình thì mình vẫn chưa hiểu.
@Kjd.1412 Muốn hiểu thì tham khảo khóa này thử
https://youtube.com/playlist?list=PLnRl-W3gZI79kfp8E7lcDkImtMHA6FIfr
Cách đây 30 năm mổ 1 con CPU nhìn thấy những sợi dây vàng bé tí câu vào những con chip bé tí là thấy ngầu rồi ,giờ mổ ra chỉ là cục "nhựa đen thui" ,nên giờ ve chai mua lại những con CPU cổ với giá cao để đập ra lấy vàng ..Con đời mới giờ không ai mua ve chai nữa vì họ nói toàn "đồ mủ"!!!
Hay
không thể hình dung 100 năm sau công nghệ sẽ phát triển cỡ nào
TTris
TÍCH CỰC
2 năm
@Methylamine Ở năm 1922 cũng có người nói như bạn vậy đó.
Họ chưa bao giờ thấy được việc này 😆))
ipconfig
ĐẠI BÀNG
2 năm
Thật ra các đồ điện tử đều do chúa tạo ra. Chứ tôi chả tin mấy cục silicon lại biết làm toán. Chúa tạo ra một đống các "nhà khoa học" chỉ nhằm lừa chúng ta rằng khoa học có thật.
Nam mô a di đà phật.
@ipconfig Thế bạn biết sao bạn abcxyz lại có thể tạo ra con người không
ipconfig
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Ma Vương _ MT Do chúa tạo ra thôi bạn. Ông ấy cấy vào đầu mọi người ý nghĩ abcxyz là có con người mới 😔
phuoc_pk
ĐẠI BÀNG
2 năm
Mình nghĩ mod hiểu nhầm về multiple patterning. Mình nghĩ Multiple patterning là cách người ta giải quết để tăng mật độ trên một mask layer chứ hok phải là cách người ta in nhiều lần để thu nhỏ kích thước.
Theo mình hiểu, trên những dây chuyền sản xuất nm, việc in quang khắc những mạch điện rất khó khăn dễ lỗi vì 2 dây quá gần nhau nên người ta chuyển qua làm multiple patterning.
Ví dụ double patterning, trên cùng 1 mask layer, có 1 hàng 4 dây theo thứ tự 1,2,3,4, người ta sẽ dùng 2 tấm photo quang khắc 1,3 xong rồi 2,4. cách này sẽ giảm thiểu lỗi khi in tấm photo 1,2,3,4 cùng 1 lúc nhưng nó lại có lỗi khác sinh ra là dùng 2 tấm photo sẽ có sai số, nhưng có lẽ tỉ lệ lỗi thấp hơn.
@phuoc_pk thực ra 2 cái b nói tăng mật độ và thu nhỏ kích thước là 1 đấy. Thu nhỏ kích thước giữa các đường khắc sẽ giúp tăng mật độ mà.

Mình xem bài viết so sánh giữa công nghệ 14nm Intel và 5nm TSMC thì nét khắc gần như là nhỏ như nhau, khác nhau mỗi khoảng cách giữa các nét khắc thôi.
binh95
ĐẠI BÀNG
2 năm
Ban nào đã từng làm qua nghề in lụa thì sẽ hiểu cái giai đoạn giai đoạn phủ chất cản quang lên bề mặt vật liệu (là cái khung lụa) rồi chiếu sáng bề mặt vật liệu đó xuyên qua cái một khuôn có chứa những nội dung ta muốn in ra, sau khi được phơi sáng thì chất cản quang sẽ bị đông cứng lại ở những nơi không bị các nội dung nằm trên khuôn che lấp (những chỗ bị đông đặc này khi đem in sẽ không cho mực xuyên qua).
Sau đó người ta sẽ tẩy bỏ chất cản quang chưa bị đông đặc đi, trên bản lụa sẽ trở thành một tấm cản mực ngoại trừ những cái nội dung ta muốn in ra.
Đem tấm lụa này lắp vào khung rồi ép lên giấy, cho mực lên mặt trên rồi dùng con lăn để miết cho mực xuyên qua những chỗ đã tẩy chất cản quang không đông đi (chính là những nội dung ta làm trên khuôn chắn sáng) ta sẽ được 1 bản in.
Cái này tương tự như việc cho acid xuyên qua những vùng không được che chắn trên mặt wafer để nó ăn mòn SiO2 tạo ra những đường rãnh trên đó vậy, ngoại trừ việc kích thước các chi tiết in trên chip nhỏ hơn trên bản lụa hàng triệu lần và người ta cũng dùng chất cản quang loại khác vì chất này phải chống được acid fluorhidric trong khi in lụa chỉ cần chất cản quang không cho mực đi qua mà thôi.
mrdrg10
TÍCH CỰC
2 năm
Chia sẻ mọi người 1 clip này nếu đọc xong thấy vẫn ko hiểu tổng quan. Ở giữa clip có minh hoạ rất trực quan cho công nghệ quang khắc
@mrdrg10 Tham khảo thêm danh sách phát này để hiểu sao tắt bật lại có thể tính toán, âm thanh, hình ảnh được
Khá là rối não, nên nhớ khi nào thoải mái nhất hãy xem
https://youtube.com/playlist?list=PLnRl-W3gZI79kfp8E7lcDkImtMHA6FIfr
Những bài như này mới thấy sự khác biệt giữa thế hệ cựu mod và đám mod mới
Cười vô mặt
Máy cái mái in quang khắc này thực sự là kỳ quan công nghệ, tầm quan trọng cực cao. Các máy này mà bị phá hủy hết thì con người trở về thời kỳ đồ đá sắt vụn.
cuongdth
ĐẠI BÀNG
2 năm
rất thích những video cung cấp kiến thức chuyên sâu như này, tuy có vài chổ khó hiểu nhưng mà thay vì đi đọc tài liệu nhiều thì xem video của Duy Luân cũng nắm được ý chính và concept.
ThanhDo Az
ĐẠI BÀNG
2 năm
Chỉ có thể nói là quá khủng khiếp. Dù đã biết nó từ lâu nhưng mỗi lần thấy hay nghe nói ở đâu lại thấy như những người tạo ra nó như ở thế giới khác. Còn mình như bị lôi từ lòng đất ra vậy

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019