Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Nhạc Jazz và nghệ thuật ứng tấu trong Jazz

toilaquangsi
14/9/2020 1:42Phản hồi: 65
Nhạc Jazz và nghệ thuật ứng tấu trong Jazz
Jazz là dòng nhạc thật đặc biệt, nhiều người chê nhưng kẻ nào đã thích, đã “ngấm” loại nhạc này rồi thì sẽ khó mà buông bỏ nó.

Với phần đông các anh em, nhạc Jazz vẫn còn lạ lẫm (phần vì Jazz không phổ biến tại Việt Nam, hoặc nghe thử Jazz thấy… “chẳng hiểu gì!”).

Trong bài viết này, mình sẽ cung cấp cho anh em một phần giải thích ngắn gọn về “Jazz là gì?” và chia sẻ vì sao một số anh em còn cảm thấy Jazz nghe “ngáo”, “loạn”.

Jazz là gì?


Lược sử, “Jazz được khai sinh ở New Orleans vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi người Mỹ gốc Phi kết hợp văn hóa bản địa với các nhạc cụ Châu Âu.”

image.jpg
Original Dixieland Jazz Band - nhóm nhạc thu âm đĩa Jazz đầu tiên vào năm 1917

Trước hết, Jazz đặc biệt vì sự đổi mới không ngừng của các nghệ sĩ xuyên suốt lịch sử của dòng nhạc này. Xuyên suốt 100 năm, các nghệ sĩ không chỉ nỗ lực cách tân Jazz ở góc độ kỹ thuật nội tại mà còn đi tìm sự đổi mới bằng cách kết hợp những chất liệu nghệ thuật của các dòng nhạc khác. (Rock, Funk, World Music,…)

Tuy vậy, trên hết thì đặc trưng của Jazz nằm ở chỗ, nó chú trọng tới tính sáng tạo và sự thể hiện phong cách cá nhân trong quá trình biểu diễn thông qua nghệ thuật ứng tấu.

Thế nào là nghệ thuật ứng tấu?


Jazz đặc biệt ở chỗ, mọi bản nhạc Jazz mà anh em nghe sẽ đều bao gồm một phần solo ứng tấu mà trong đó, người nghệ sĩ chơi các giai điệu nảy ra trong đầu mình ngay tại khoảnh khắc trình diễn. Tất nhiên, phần ứng tấu này phản ánh sự sáng tạo, kỹ thuật của người nghệ sĩ thông qua tập luyện, sự tương tác của các nhạc cụ trong band và cả cảm xúc của người nghệ sĩ tại khoảnh khắc biểu diễn.

Miles-First.jpg
Miles Davis Quintet 1956-1959 (Quintet: nhóm ngũ tấu gồm 5 nhạc công)

Cùng một bản “Autumn Leaves” kinh điển nhưng anh em sẽ không bao giờ nghe được 2 phiên bản giống nhau, kể cả cùng một nghệ sĩ (vì ứng tấu thay đổi theo cả thời điểm biểu diễn).

Quảng cáo


Bản “Autumn Leaves” của Chet Baker (trumpet) & Paul Desmond (saxophone) với đoạn ứng tấu rất mượt mà, dễ cảm


“Autumn Leaves” của Jazz pianist người Nhật Ryo Fukui với cách tiếp cận phức tạp hơn về hòa âm


“Autumn Leaves” của Cannonball Adderley & Miles Davis đặc trưng giai đoạn Hard Bop với giai điệu lắt léo

Bill Evans - nghệ sĩ piano vĩ đại của nhạc Jazz, từng nói về nghệ thuật ứng tấu rằng: ứng tấu cũng như hình thức vẽ tranh tốc ký của Nhật, chỉ những bản vẽ với nét vẽ thật tự nhiên, tập trung trong cảm xúc mới có thể truyền tải đúng cái hồn của nghệ thuật này. Để làm được điều này, người nghệ sĩ phải phải luyện tập khắc khổ và kỷ luật trong nhiều năm trời, phải cảm được cái đẹp của vẽ tranh tốc ký.
Tapies2.jpg
Nghệ thuật vẽ tranh tốc ký Nhật Bản

Quảng cáo


Ứng tấu cũng vậy, nghệ sĩ chơi những giai điệu tức thời ngay lúc biểu diễn và mỗi nốt nhạc đều phản ánh cảm xúc và sự sáng tạo, mà tất nhiên, là kết quả của sự luyện tập kỉ luật, cảm hứng âm nhạc và phong cách cá nhân của nghệ sĩ ấy.

Ứng tấu không chỉ đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện, nghệ sĩ phải có khả năng lắng nghe và thể hiện được cảm xúc của bản thân ngay tại khoảnh khắc biểu diễn. Chính vì vậy, ứng tấu trong Jazz rất tự nhiên và sáng tạo, thể hiện phong cách mỗi nghệ sĩ khác nhau.

Vì sao Jazz nghe “chẳng hiểu gì!”?


Rất nhiều lần mình nghe anh em nói, “Jazz có giai điệu khó nghe quá!”, “Nhạc Jazz nghe chẳng hiểu gì cả!”. Là một người nghe và mê Jazz nhiều năm, điều mình quan tâm nhất khi nghe các anh em nói như này là, Jazz là một dòng nhạc rất đáng thưởng thức, kể cả khi không có (và không cần có) hiểu biết sâu về nghệ thuật, anh em cũng nên thử qua.

Về cơ bản, 2 yếu tố khiến anh em thấy Jazz khó nghe là:

- Anh em nghe Jazz như cách nghe Pop, Rock mainstream (không có ý so sánh). Các nghệ sĩ nhạc Jazz cũng như nhạc Cổ điển, chơi các sáng tác trong tâm thế biểu diễn cho khán giả tập trung nghe và thưởng thức với một chút kiên nhẫn. Anh em sẽ không thấy nó hay nếu anh em vừa nghe Jazz vừa đi siêu thị hay vừa tắm.

- Anh em tiếp cận Jazz chưa hợp lý. Các nghệ sĩ Jazz (đặc biệt thời kì sau 1950s) thường khai thác các âm nghịch để khai thác nhiều giai điệu và hòa âm phức tạp hơn. Các anh em bắt đầu nghe Jazz mà nhảy vào nghe các album kiểu này thường sẽ chê Jazz là “tẩu”, “dở hơi”. Bắt đầu với các bản Jazz nhẹ nhàng, dễ nghe dễ cảm là điều anh em cần. (Tham khảo playlist 3 bài cho mỗi giai đoạn của Jazz mình để ở dưới nhé!)

Sự phát triển của Jazz theo thời gian: (tham khảo một bài viết chi tiết khác tại đây)


Xuyên suốt 100 năm ra đời và phát triển, Jazz luôn được cách tân qua từng thập niên.

Thời kỳ Early Jazz:

tinhte_early_jazz.jpg
Một ban nhạc tại New Orleans thời bấy giờ

Giai đoạn mới ra đời, sự tồn tại của Jazz còn mang tính cục bộ, chỉ dừng lại ở khu vực New Orleans với các nhóm brass band. (tên phổ biến của Jazz thời kì này là Early Jazz)

(3 bản Early Jazz (Spotify) anh em nên thử)

Thời kỳ Swing Jazz:

Thập niên 30s, Jazz nổi tiếng ở các đô thị lớn với hình ảnh các dàn Big Band chơi các bản nhạc nhảy điệu “swing”. (tên phổ biến của Jazz thời kì này là Swing Jazz)

Duke_Ellington_Orchestra_header1.jpeg
Duke Ellington và dàn Big Band của mình

(3 bản Swing Jazz (Spotify) anh em nên thử)

Thời kỳ Bebop:

tinhte_charlie_parker_dizzy_gillespie.jpg
Charlie Parker & Dizzy Gillespie - 2 nhân vật quan trọng bậc nhất trong thời kỳ Bebop của Jazz

Năm 40s, nhạc Bebop ra đời với nhịp điệu nhanh, tiết tấu lắt léo được biểu diễn bởi những nhóm nghệ sĩ nhỏ hơn (khoảng 5 người) biểu diễn các sáng tác với cấu trúc quen thuộc là: “giai điệu - từng nhạc cụ solo ngẫu hứng - giai điệu chính” khiến Jazz trở thành dòng nhạc để người nghệ sĩ chủ yếu phô diễn kĩ thuật cá nhân.

(3 bản Bebop (Spotify) anh em nên thử)

Thời kỳ Cool Jazz & Hard Bop (1950s):

tinhte_art_blakey_moanin.jpg
Moanin' của Art Blakey là album hard bop tiêu biểu, thu âm rất hay

Thập niên 50s, Cool Jazz, Hard Bop ra đời để làm chất liệu nghệ thuật của Jazz phong phú hơn, các nghệ sĩ Jazz thực sự thể hiện sự sáng tạo và cảm xúc cá nhân qua nhiều cách (đa dạng các chất liệu nghệ thuật, tập trung vào giai điệu nhiều hơn,...), khiến nhiều người đánh giá đây là một trong những giai đoạn rực rỡ nhất của Jazz.

(3 bản Cool Jazz/Hard Bop (Spotify) anh em nên thử)

Các thời kỳ sau:

tinhte_fusion_jazz.jpg
Chick Corea, một trong những pianist quan trọng của nhạc Jazz thời kỳ sau

Sau khoảng thời gian này, Jazz tiếp tục phân nhánh và phát triển nổi trội ở một số dòng con (Free Jazz, Avant-garde, Jazz Fusion), tuy nhiên sự phổ biến của Jazz bị suy giảm rất nhiều với việc Rock n Roll mà sau đó là Rock và Pop dần thống trị các thị trường âm nhạc.

(3 bản Jazz Fusion (Spotify) anh em nên thử)

Tạm kết:

Jazz hiện còn kén người nghe, nhưng nó chắc chắn là dòng nhạc đáng thưởng thức.

Để nghe Jazz, điều anh em cần là bắt đầu với các sáng tác dễ nghe dễ cảm hơn, và quan trọng nhất, “good things take time”, hãy kiên nhẫn khi bắt đầu làm một điều gì mới và mình tin anh em sẽ thấy được niềm vui khi cảm được dòng nhạc đầy tính nghệ thuật này.
65 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Cảm xúc mà dòng nhạc này mang tới không quá dồn dập mà thấm 1 cách từ từ nên yêu cầu người nghe phải có sự kiên nhẫn. Nói chung thì mình thấy đây là 1 dòng nhạc hơi kén người nghe.
@Cửu Thiên Đúng vậy, khi đã ngấm Jazz rồi thì thường sẽ khó dứt. Tuy vậy mình nghĩ việc nghe qua các một số bản Jazz phổ biến để có cảm nhận chung là rất nên cho các anh em nghe nhạc (vì Jazz hay mà hehe)
@Cửu Thiên Nhạc jazz là j? là nhạc của mấy tay nhạc sĩ phê thuốc chơi như đúng rồi 😃
Đúng là nhạc này rất kén người nghe, m nghe đủ thứ nhạc mà riêng nhạc Jazz nhai ko nổi, nghe mau chán.
mrqd
TÍCH CỰC
4 năm
@Cửu Thiên Sếp mình bảo: Này cậu, có cái nhạc quái gì mà nó cứ chọc chọc lỗ tai, phọt phọt phẹt phẹt thế? Thế là hết dám mở.
remyminh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@c0mmand0 Nhầm rồi chú. Khi chơi nhạc Jazz mà cắn thuốc là nghe như shit ngay. Giống như nghe nhạc Jazz, chơi nhạc Jazz cũng cần rất tỉnh táo và tập trung. Cái mà nhạc công thường cắn thuốc khi chơi là nhạc Blue. 2 cái khác nhau.
remyminh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@mrqd Thì đúng rồi. Chú mở nhạc jazz ở văn phòng nơi người ta cần tập trung làm việc thì chẳng khác nào búa bổ vào tai. Nhạc Jazz cần tập trung, thực sự thư giãn và không vướng bận suy nghĩ nào khác khi nghe.
Thường nhạc pop, rock ứng tấu nốt chỉ cần tập âm giai trong cùng một cung còn Jazz thì ứng tấu luôn cả hợp âm, một đoạn ngắn thôi mà hợp âm thuận, nghịch đủ cả.
New Orleans còn nổi tiếng về ẩm thực Creole pha trộn nhiều nền văn hoá như Tây Phi, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ.
lucky luke
TÍCH CỰC
4 năm
Lược sử, “Jazz được khai sinh ở New Orleans vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi người Mỹ gốc Phi kết hợp văn hóa bản địa với các nhạc cụ Châu Âu.”
Đây không phải là câu giải đáp "Nhạc Jazz là gì?", mà là nguồn gốc nhạc Jazz

"Trước hết, Jazz đặc biệt vì sự đổi mới không ngừng của các nghệ sĩ xuyên suốt lịch sử của dòng nhạc này. Xuyên suốt 100 năm, các nghệ sĩ không chỉ nỗ lực cách tân Jazz ở góc độ kỹ thuật nội tại mà còn đi tìm sự đổi mới bằng cách kết hợp những chất liệu nghệ thuật của các dòng nhạc khác. (Rock, Funk, World Music,…)
Tuy vậy, trên hết thì đặc trưng của Jazz nằm ở chỗ, nó chú trọng tới tính sáng tạo và sự thể hiện phong cách cá nhân trong quá trình biểu diễn thông qua nghệ thuật ứng tấu."
Đây cũng không phải câu giáp đáp "Nhạc Jazz là gì?" luôn, mà là một trong những tính chất của nhạc Jazz.

Kết luận: Lạc đề, hay người viết chỉ copy nguồn.
mrqd
TÍCH CỰC
4 năm
@lucky luke Nhạc jazz là sự kết hợp mang tính tự do tùy ứng của 1 hay nhiều nhạc công với 1 hay nhiều nhạc cụ điển hình là contrabass, bộ gõ, bộ kèn, guitar, piano... Nó có gốc gác bình dân và thuờng có các giai điệu mang đậm iếu tố vùng miền mà nó sinh ra pha chút âm nhạc chính thống như cổ điển. (Tôi nghe và định nghĩa như vậy chứ hoàn toàn không trich dẫn từ bất kì nguồn nào). Nghe jazz như thấm vào bản nhạc mà không rõ nội dung chủ đề của nó và đúng vậy, cảm giác lơ mơ, đậm đặc khói thuốc, đôi khi pha âm u khiến ta lãng quên, cũng đôi khi dậm dựt nhưng mà thứ dậm dựt để mà quên đi hơn là 1 sự hứng khởi.
minhmge
ĐẠI BÀNG
4 năm
@lucky luke Jazz là thể loại nhạc trong đó bao gồm một số điều quan trọng như sau:
+ Nhịp và tiết tấu: Cơ bản thì nhấn vào nhịp lẽ, nên nếu ai quen nghe nhạc pop các kiểu thì không quen với việc đảo phách như vậy. Kiểu như mình muốn họ đánh ở chỗ đó, nhưng họ lại để im lặng rồi đánh ở phía sau or trước nhịp đó 1 xíu.
+ Hòa âm: Dùng hợp âm mở rộng (có những nốt quãng rộng làm mình nghe lâng lâng, hợp âm cơ bản chỉ có 3 nốt, cái này có thể 5 6 nốt), 2 là dùng những quãng nghịch, có nốt thăng giáng, đặc biệt các quãng gần chủ âm như b9, #9, #2, b2,.. làm mình cảm giác căng thẳng, khó chịu, như đi lạc vào đâu đó. Nhưng rồi cũng sẽ về "nhà" ở kết bài.
+ Ứng/biến tấu: Nghệ sĩ nhạc Jazz khá thoải mái trong việc reharmonization (hòa âm lại), hay là chơi những đoạn ngẫu hứng thêm thắt vào melody (giai điệu bài hát), cùng với ngẫu hứng (thường là ngoài lúc chơi melody thì sẽ có vài khuông nhạc cho các nghệ sĩ sáng tạo, đánh trên cái vòng hợp âm của bài hát đó) . Nên chúng ta thấy mỗi bản nó rất khác nhau, nghe rất mới lạ.
bb_1990
ĐẠI BÀNG
4 năm
@minhmge Có lẽ cần chút hiểu biết về âm nhạc sâu hơn chút, cũng có nhiều người có khả năng cảm nhận và suy nghĩ về giai điệu tự nhiên nhưng m nghĩ đa số là khó. Hoặc có thể bên Mỹ họ cũng được thấm trong môi trường âm nhạc đa dạng hơn các nước khác nên tiếp nhận dễ hơn.
Mình trước đây chỉ nghe một cách thụ động, nhưng khi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về nhạc lý và kỹ thuật của nhạc công thì thấy nhiều cái chi tiết nhỏ nhỏ hay hơn. Bài viết có lẽ không muốn đi sâu vào chi tiết kỹ thuật vì phần lớn phải sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành.
minhmge
ĐẠI BÀNG
3 năm
@bb_1990 Người sống trong môi trường âm nhạc từ nhỏ, thì sẽ dễ chơi nhạc hay hơn. Trong đầu của họ luôn có groove (ám chỉ 1 cách phiêu theo âm nhạc, đánh nhạc đúng nốt, đúng tiết tâu mà không có groove thì làm người ta không phê được, không muốn nhún nhảy theo). Một yếu tố thêm nữa họ gọi là dynamic (cách mình nhấn mạnh/nhẹ/vừa khác nhau trong mỗi nốt, nhất là các nhạc cụ dây như guitar or đàn piano cơ,...), người chơi nhạc lâu năm phải kiểm soát cực tốt thì mới thể hiện được đúng ý đồ của mình. Bạn nghe nhạc nhiều thì phải chú ý đến cái này, đây là dễ phân biệt nhất của dân nghiệp dư với chuyên nghiệp.
Jazz đa dạng trong cách ứng biến, xử lý của nhạc công làm cho nó có rất nhiều màu sắc tùy thuộc vào khả năng của người nghệ sĩ không có khuôn khổ nhất định. Nghe Jazz quen thì sẽ yêu luôn Jazz
vào quán cafe mà chủ bật nhạc jazz thì cảm thấy chill dã man luôn ý 😁
@megatroll Tôi không phải fan của âm nhạc nhưng bước vô quán cafe thì nhạc trữ tình của hải ngoại vẫn đỡ hơn là đám nhạc trẻ bảy màu.
Hijeep Vox
ĐẠI BÀNG
4 năm
mới nghe Jazz khoảng 7 năm trở lại , lần đi mua cd của một cậu ở Tân Bình , thấy khá nhiều nghe thử chọn được đúng cafe blue của P.B,2 día của S.K,... thật là hời vì sau này biết Cafe blue khá đắt ( cậu bán dĩa thì chỉ nghe rock nên những dĩa Jazz ai cho nên khg nghe và bán ) ca sĩ tôi thích nhất là Nina Simone
ChillaGuy
TÍCH CỰC
4 năm
Sao cứ phải cố hiểu rồi tự định nghĩa lum la nhỉ?
Còn người khác thấy "khó" nghe thì đó là sở thích, mindset cảm thụ khác, sao cứ phải giải thích thuyết phục.
À mà 2020 rồi, thể loại nào cũng có cả trăm phân nhánh chứ không chỉ vài ba cái đâu.
Jazz mà khi đã nghiện thì chill lắm, làm ly whiskey với thuốc lá trong khi nghe nhạc Jazz là phê lắm.
Autumn19
ĐẠI BÀNG
4 năm
Quen với rock và rap rùi. Nghe ko quen được
vhhai_c3
TÍCH CỰC
4 năm
Anthony Benedetto (Tony Bennett) với bản "If I Ruled the World" và đoạn Cameo trong phim Bruce Almighty của Jim Carrey ạ 😊
Cái này nghe dc là nghiện lắm đấy
Jazz đúng là rất khó nghe. Cá nhân em chỉ nghe đc loại smooth jazz kiểu như Kenny G thôi.
Rất đáng đọc. Tks đã chia xẻ
Dành cho các bác hoài cổ 😁
remyminh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@asterix0108 Cái này hơi sai. Jazz vẫn đang phát triển đến hiện tại, vẫn sáng tạo ra cái mới chứ ko chỉ có cổ điển đâu.
Một bài viết hay và đáng đọc, nhiều thông tin mới. Đặc biệt không có lỗi sai chính tả.
Ban đầu mình cg ko thích nghe Jazz vì hồi trc nghe qua loa tivi, loa vi tính. Nghe chán chết. Nhưng sau hồi chơi âm thang loa đài các kiểu. Dàn âm thanh nghe Jazz khác hẳn, tiếng nhạc cụ nghe rất là hay, có bác nào cảm nhận như em ko. Nhạc Jazz tóm lại phải nghe trên các thiết bị âm thanh tốt tái hiện chi tiết nhavj cụ mới thấy cái hay của nó. Và nghe trong tĩnh lặng.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019