[Nhiều kỳ] Những lời khuyên và hướng dẫn cho người muốn dùng Linux

thetuxlover
6/2/2014 13:25Phản hồi: 2
Nghe tên mình chắc các bạn cũng biết mình là fan Linux rồi :rolleyes:. Vì có kha khá kinh nghiệm và sự yêu thích cuồng nhiệt với Linux, thấy box Linux vắng teo nên mình đưa ra vài lời khuyên và hướng dẫn cho những bạn có ý định chuyển qua Linux, hi vọng sẽ lôi kéo thêm nhiều người yêu thích dòng họ HĐH mã nguồn mở gây nhiều khiếp đảm này:

[Kỳ 1] Những lời khuyên chung cho người muốn chuyển qua sử dụng Linux:


Đa phần những người mới "nhập môn Linux" đều là người quen dùng Windows muốn thử cảm giác mạnh hoặc muốn thoát khỏi những gọng kìm sặc mùi lợi nhuận của Microsoft. Vì thế, điều dễ đoán là họ hay cảm thấy chán nản khi không thể làm việc được với Linux như khi dùng Windows. Để không thấy thất vọng và khó chịu sau khi chuyển qua Linux, khi "mọi sự đã rồi", bạn nên ghi nhớ những điều này:

-Nếu đã quyết định sẽ dùng Linux, bạn đừng nghĩ tới Windows. Đừng mong đợi sẽ gặp một giao diện quen thuộc giống Windows hay các thao tác, tính năng tương tự Windows. Nếu bạn đã quyết định sẽ dùng Linux nhưng vẫn nghĩ tới Windows, tốt nhất bạn nên bỏ mọi ý định liên quan đến Linux, vì nếu không chắc chắn bạn sẽ thấy thất vọng.

-Hãy tìm hiểu hệ thống của bạn thay vì mong đợi mọi thứ được làm thay cho bạn. Nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về XServer, hệ thống file của Linux/UNIX, bash và desktop environment của bạn. Rất nhiều người dùng Linux có thái độ có phần "khinh miệt" đối với người dùng Windows vì họ cho rằng người dùng Windows thích "ăn sẵn". Điều này thật ra không sai.


-Giao diện dòng lệnh thật ra rất tuyệt vời. Nó giúp bạn hoàn thành mọi tác vụ với độ chính xác tuyệt đối và tốc độ không thể sánh được. Khi chạy một dòng lệnh, bạn biết chính xác nó sẽ làm gì, kết quả của nó sẽ như thế nào, chứ không phải click chỗ này chỗ kia để thử nghiệm như khi dùng giao diện đồ họa. Đa phần người dùng Windows khi chuyển qua Linux rất sợ giao diện dòng lệnh, nhưng hãy tập sử dụng nó, và bạn sẽ thấy dùng nó thoải mái hơn rất nhiều. Hãy xem ví dụ sau, khi một người dùng Ubuntu muốn cài đặt phần mềm Mozilla Firefox:
+Giao diện đồ họa: Vào trang của Mozilla tải file deb về chạy để cài đặt, hoặc tìm Firefox trong Software Center và cài đặt.
+Giao diện dòng lệnh: gõ lệnh
Code:
sudo apt-get install firefox
và nhấn Enter.
Bạn thấy cách nào nhanh hơn?
Vả lại, đa phần thời gian người dùng thông thường như các bạn sẽ không sử dụng trực tiếp bash mà sẽ thông qua một terminal emulator ngay trong giao diện đồ họa.

-Đừng đổ lỗi cho Linux chỉ vì phần mềm yêu thích của bạn không hỗ trợ nó hoặc card đồ họa của bạn không được nhận diện. Vấn đề này không phải do kernel không hỗ trợ tốt driver, mà là do những người viết phần mềm và driver không có ý định hỗ trợ Linux. Nếu bạn cần phải hợp tác với những người dùng Microsoft Office, ĐỪNG dùng Linux, vì LibreOffice sẽ không giúp bạn thao tác hoàn toàn thoải mái với các file MSOffice đâu. Điều này, mình nhắc lại, không phải lỗi của Linux hay LibreOffice. Microsoft Office sử dụng những định dạng mã nguồn đóng không tuân theo bất kỳ bộ tiêu chuẩn quốc tế nào, trong khi LibreOffice thì có. Hoặc hãy giả lập Windows trên Linux.

-TUYỆT ĐỐI ĐỪNG BAO GIỜ login vào tài khoản root trừ khi bạn bắt buộc phải làm vậy. Sự phân cách về quyền hạn của tài khoản là một trong những yếu tố tạo thành sự an toàn gần như tuyệt đối của Linux.

-Có rất nhiều dekstop environment/window manager khác nhau, mỗi cái trong số chúng lại thường có cách bố trí giao diện khác nhau. Một số DE, ví dụ KDE Plasma và Cinnamon, có cách bố trí mặc định rất giống Windows, bạn có thể muốn thử qua chúng trước nếu muốn làm việc với một hệ thống Linux được nhanh chóng. Hãy thử qua tất cả và chọn ra cho mình một DE ưng ý nhất.

-Các distro khác biệt nhau chủ yếu ở DE và package manager. Bạn hãy tìm hiểu về các khái niệm package, repository và package manager để chọn ra cho mình một package manager ưng ý, từ đó giúp chọn ra một distro mình thích nhất.

-Đừng bao giờ ngừng tìm hiểu. Bạn càng học hỏi nhiều hơn về Linux, sẽ càng thấy nó rất bao la, hấp dẫn. Linux được phát triển bởi cả một cộng đồng to lớn, vì lợi ích của chính cộng đồng đó chứ không phải vì một công ty đang cố tạo ra lợi nhuận. Bạn sẽ càng yêu thích Linux khi "giác ngộ" triết lý mã nguồn mở.

Quảng cáo



còn tiếp
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

[Kỳ 2] Cơ bản về Linux
1. Hệ thống file

"In UNIX everything is a file"


Mọi thứ trong một hệ thống Linux đều là file. Mỗi lệnh bạn chạy thực tế là một chương trình có file thực thi. Thậm chí các thiết bị gắn ngoài cũng được Linux xem như file. Mọi thứ bạn làm trên Linux đều liên quan tới một hay một số file nào đó. Linux sắp xếp các file trong một cây thư mục. Hệ thống file Linux có thư mục gốc là root (/). Trong root có thêm nhiều thư mục khác, nhưng với nhu cầu sử dụng bình thường, bạn chỉ cần để ý đến những thư mục này:
/bin: là thư mục chứa file thực thi của các lệnh
/etc: chứa các file thiết lập hệ thống
/dev: chứa liên kết tới các thiết bị gắn ngoài
/home: thư mục chứa dữ liệu của người dùng. Thông thường /home được mount trên một phân vùng riêng để hạn chế mất dữ liệu. Một số distro, như openSUSE, bắt buộc bạn phải tạo phân vùng riêng cho /home.
Toàn bộ dữ liệu cá nhân của bạn như phim, nhạc, hình ảnh, tài liệu sẽ được đặt trong thư mục /home/username với username là tên tài khoản của bạn.
/usr: chứa các file thực thi và dữ liệu liên qua tới hệ thống của người dùng. Ví dụ, file thực thi của các chương trình bạn cài đặt sẽ được đặt ở đây.
Khi đặt tên file và thư mục cũng như khi nhập lệnh, bạn cần lưu ý Linux phân biệt chữ viết hoa và viết thường. Ví dụ, "Downloads" và "downloads" là hai thư mục khác nhau.

2. Người dùng và quyền của người dùng

Mỗi người dùng của một hệ thống Linux bắt buộc phải có một tài khoản, bao gồm một tên tài khoản (username) và password. Mỗi tài khoản thuộc một group, mỗi group có những quyền hạn của riêng mình. Ví dụ, tài khoản root có quyền đọc, ghi và xóa file hệ thống, trong khi các tài khoản thuộc nhóm users chỉ có thể đọc.
Tài khoản root có quyền làm mọi thứ với hệ thống, kể cả phá hoại. Đây là một tài khoản đặc biệt và chỉ nên được dùng để bảo trì hệ thống. Bạn không bao giờ nên log in vào tài khoản này để tránh vô tình làm hư hệ thống, mất dữ liệu, thông tin cá nhân hay phá hoại. Nếu cần chạy lệnh với quyền root, bạn dùng lệnh
Code:
su -c command
với command là lệnh bạn cần chạy, hoặc dùng chương trình sudo thường có sẵn trong mọi distro:
Code:
sudo command
3. Shell

Các hệ thống UNIX/Linux cũng như Windows đều có một chương trình nhận lệnh từ người dùng và thực hiện nó. Các chương trình tương tự như thế này được gọi là shell. Ví dụ, shell của Windows 1.0 là MS-DOS Executive, của Windows 3.1 là Program Manager, Windows NT trở lên là Windows Explorer, và của đa số các distro Linux hiện nay là bash (Bourne Again Shell).
bash sẽ tiếp nhận mọi thứ bạn gõ vào, xử lý chúng và chuyển tín hiệu đến cho kernel thực hiện. Nếu bạn đang dùng một desktop environment/window manager, bạn thường sẽ giao tiếp với bash thông qua một terminal emulator (ví dụ GNOME Terminal hay Konsole).

4. Các lệnh cơ bản trong shell


ls (list): Liệt kê nội dung của đường dẫn hiện hành.
cd (change directory): Thay đổi đường dẫn. Ví dụ, cd .. đưa bạn về thư mục cao hơn 1 bậc, hay cd /home/username/Downloads đưa bạn đến thư mục Downloads của bạn.
mkdir (make directory): Tạo thư mục. Dùng mkdir -p để tự động tạo các thư mục cha trong đường dẫn.
rm (remove): Xóa file/thư mục. Để xóa toàn bộ thư mục trong đường dẫn, dùng rm -r.
ln (link): Tạo liên kết giữa 2 file. Khi 1 file bị thay đổi, file kia cũng thay đổi theo. Liên kết chỉ mất khi cả 2 file bị xóa. Cú pháp: ln /folder1/old_file /folder2/new_file
shutdown: tắt máy tính.
Em dùng Linux mà vẫn dùng Office của bác Bill mà ;) tại quen tay rồi dùng Libre không có thuận

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019