Những bức tranh phong cảnh màu sắc nhiều thử nghiệm về không gian của David Hockney

blueJune
24/10/2022 3:32Phản hồi: 15
Những bức tranh phong cảnh màu sắc nhiều thử nghiệm về không gian của David Hockney
David Hockney (sinh năm 1937) là một nghệ sĩ đương thời người Anh nổi tiếng với những bức tranh đã từng được bán giá hàng triệu đô. Tuy đã 85 tuổi nhưng ông vẫn không ngừng làm việc chăm chỉ từ sáu tới bảy tiếng mỗi ngày, với quan niệm nghệ sĩ thực sự không thể là những kẻ ưa thích việc nhàn rỗi.

Trong sự nghiệp của mình, Hockney đã nhiều lần phá bỏ phong cách cũ của chính mình để nghiên cứu về cách thực hành hội họa mới. Ông luôn gắn liền thử nghiệm của mình với phong cảnh trong suốt cuộc đời dù đây là một chủ đề nghe có vẻ cũ kỹ và nhàm chán. Nhưng khi ngắm nhìn những bức tranh của họa sĩ, người xem không thể không công nhận sự lôi cuốn toát ra từ chúng. Đó có thể là do màu sắc, ánh sáng hay những thử nghiệm về không gian và bố cục trong tranh của ông.

Những thử nghiệm này có được phần lớn xuất phát từ việc ông đã chuyển nơi sống, di chuyển qua lại giữa các quốc gia và thành phố. Ông lớn lên ở Bradford, phía Tây Yorkshire và học ở Royal College of Art tại London. Khi hồi tưởng lại vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Hockney đã gặp khó khăn khi tìm cách tiếp cận mới cho những bức tranh của mình: làm thế nào để tạo ra không gian, cảnh vật, bố cục mà giữ nguyên được những trải nghiệm độc lập và chủ quan về thực tế của ông? Trong giai đoạn này, ông không bày tỏ sự quan tâm về mặt không gian trong tranh của mình và vẫn theo những lối cũ của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism). Chẳng hạn trong bức tranh The Cha Cha Cha that was Danced in the Early Hours of 24th March 1961, nhân vật nhảy múa và trôi dạt trong không gian và cảnh quan không có đường chân trời của phối cảnh tuyến tính.

Cha-cha-cha-David-Hockney.jpg
The Cha Cha Cha that was Danced in the Early Hours of 24th March 1961, sơn dầu trên toan, David Hockney

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi ông chuyển sang sống tại Los Angeles, Mỹ vào năm 1964. Trên bờ biển Thái Bình Dương, Hockney đã khám phá ra một thế giới mới và quan trọng nhất, chính là màu sắc. Thay vì bầu trời phủ kín mây và những ngày mưa của Anh là một Los Angeles ngập tràn ánh nắng, nơi ánh sáng mạnh hơn bất kì ánh sáng nào ông từng thấy trước đó. Ánh sáng và màu sắc mạnh mẽ là một cặp đôi hoàn hảo cho sự tìm kiếm hào hứng, mở ra những tiềm năng hứa hẹn cho họa sĩ. Vẫn là những không gian và đối tượng tương tự thời ông ở Anh nhưng màu sắc đã bão hòa hơn nhiều do ánh sáng của California. Và không gian ngày càng nhỏ hẹp hơn qua từng năm, một phần do ảnh hưởng từ những họa sĩ người Mỹ vẽ màu chẳng hạn như Morris Louis (1912-1962). Có thể thấy điều này trong bức California Art CollectorRocky Mountains and Tired Indians.
the-california-art-collector.jpg
California Art Collector (1964), acrylic trên toan, David Hockney
David-hockney-rocky-mountains-and-tired-indians.jpg
Rocky Mountains and Tired Indians (1965), acrylic trên toan, David Hockney

Sau khi vẽ một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của mình A Bigger Splash, Hockney đã tự mình đặt câu hỏi về chủ nghĩa tự nhiên: Làm thế nào để vẽ những thứ, đặc biệt là ánh sáng và màu sắc, theo cách ‘thực’ nhất có thể. Đối với ông, càng tiến sâu vào chủ nghĩa này, ông càng đến gần hơn với sự tự do. Ông cho rằng nhiều họa sĩ đã tự bẫy chính mình khi chọn những khía cạnh rất hạn chế của hội họa và chuyên môn hóa vào những khía cạnh này. Không có vấn đề gì với cái bẫy này nếu như họ có dũng khí để rời khỏi nó.

a-bigger-splash-david-hockney.jpg
A Bigger Splash (1967), acrylic trên toan, David Hockney

Phải mất một thời gian, Hockney mới nhận ra chính mình đã rơi vào cái bẫy đó. Chủ nghĩa tự nhiên đối với nghệ sĩ lúc đó như một sự kết thúc, quá ít thách thức và tiềm năng. Đó cũng là lý do tại sao ông đã trở thành một trong những họa sĩ tiên phong của thế kỷ 20: ông chủ động bỏ lại chủ nghĩa tự nhiên phía sau. Điều này không hề dễ dàng vì lúc đó nghệ sĩ người Anh đã 40 tuổi và là một trong những họa sĩ được yêu thích nhất của thế giới, những bức tranh đầy sắc màu theo chủ nghĩa tự nhiên đã đem lại cho Hockney danh tiếng, tiền bạc và sự uy tín đủ để sống hết phần đời còn lại. Nhưng niềm cảm hứng lại rời bỏ ông. Ông không biết làm gì với bản thân mình, chỉ di chuyển liên tục và càng lúc dành càng nhiều thời gian để thiết kế bối cảnh cho các vở kịch và opera.

Và rồi sự đột phá đã đến với ông khi vẽ lại bản in Kerby (After Hogarth) Useful Knowledge (1974) của William Hogarth khi có cách tiếp cận mới về phối cảnh: “Một cách phá vỡ mọi quan điểm cũ trước đây của tôi về chủ nghĩa tự nhiên”. Ông bắt đầu khơi gợi lại sự tò mò vốn có.

Kerby (After Hogarth) Useful Knowledge-David-Hockney.jpg

Quảng cáo


Kerby (After Hogarth) Useful Knowledge (1974), sơn dầu trên toan, David Hockney

Tuy nhiên, một cú đột phá ngoạn mục hơn cả phải kể đến thời điểm ba năm sau, khi Hockney nghiên cứu kĩ lưỡng các tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan, Vincent van Gogh. Hockney không chỉ ngưỡng mộ Van Gogh về khả năng vẽ màu hay những nét cọ có thể nắm bắt cả ánh sáng và không gian cùng lúc, mà ngoài ra, đó còn là tài năng, giống như Rembrandt và Picasso, có thể tóm gọn bản chất của bất kỳ cảnh nào bằng những đường nét rất đỗi giản đơn. Hockney nói lời chia tay với chủ nghĩa tự nhiên và bắt đầu kết hợp những cảm giác về không gian mà ông đã phát triển đầu những năm 60 với phối cảnh ngược trong bức Kerby, theo đó là cảm giác chắc chắn của ông về màu sắc. Ông dấn thân vào một con đường mới mẻ, rộng mở và nhiều hứa hẹn mà không chắc chắn có những điều gì đang chờ đợi mình phía trước.

canyon-painting-david-hockney.jpg
Canyon Painting (1978), acrylic trên toan, David Hockney

"Bức tranh về không gian" thực sự đầu tiên của Hockney là Canyon Painting. Ông sử dụng bối cảnh kịch tính của miền nam California để tạo nên một tổng hợp độc đáo của phong cách, màu sắc và phối cảnh, khiến không gian như bị đốt cháy và mọi đối tượng trong tranh hòa quyện với nhau. Một trong những bước phát triển quan trọng khác của nghệ sĩ là bức Santa Monica Boulevard, cũng được vẽ không lâu sau đó. Bức tranh dài hơn sáu mét, có một sự khác biệt hoàn toàn với phong cách phối cảnh tuyến tính truyền thống của châu Âu, và trên thực tế là khác tất cả các dạng thức phối cảnh đầy quyến rũ khác. Chúng ta nhìn thấy một dãy nhà sơn màu sáng nhưng trần trụi và nằm thẳng tới mức dường như chính dãy nhà đó tạo nên đường chân trời. Santa Monica Boulevard như một bức tường, một bối cảnh sân khấu mà không có điểm biến mất nằm ở trung tâm. Họa sĩ đã chặn tầm nhìn của người xem, bắt chúng ta phải di chuyển mắt dọc theo bức tường, đi từ trái sang phải hoặc ngược lại. Không giống như chúng ta thường xem nghệ thuật phương Tây. Và thực ra, bức tranh gần giống như những bức tranh cuộn truyền thống được tán thưởng bởi các nghệ sĩ của thế kỷ 12, 13, như Xia Gui và Ma Yuan của Trung Quốc và Tokiwa Mitsunaga và Fujiwara Takanobu của Nhật Bản. Những bức tranh đó không có phối cảnh cố định, giống như bản thân chúng là một phong cảnh, người xem có thể đi vào từ bất kì điểm nào và lang thang tự do tùy ý thích.

EXH.163117-1200px-72dpi.jpg
Santa Monica Boulevard, 1878-1980, acrylic trên toan, David Hockney
Xia_Gui_-_Pure_and_Remote_View_of_Streams_and_Mountains_-_right_half.jpg

Quảng cáo


Pure and Remote View of Streams and Mountains (chi tiết một góc tranh) (thế kỷ 13), mực trên giấy, Xia Gui.

Ông cho rằng góc nhìn tuyến tính (linear perspective: tất cả các đường thằng song song trong tranh sẽ hội tụ tại một điểm biến mất duy nhất trên đường chân trời) này của nghệ thuật châu Âu hạn chế các khả năng của nghệ thuật vì nó hạn chế người xem tập trung vào một điểm nhìn duy nhất. Bức tranh vì thế trở nên quá tĩnh và không thay đổi, dường như điểm nhìn này là cách duy nhất để nhìn thấy sự thật và nó đại diện cho một sự thật hoàn toàn tuyệt đối. Nhưng đối với Hockney, nghệ thuật phải tạo ra các phối cảnh mới, những tự do mới. Từ 1980 trở về sau, chúng ta không bao giờ nhìn thấy phối cảnh tuyến tính trong tranh của họa sĩ nữa.

Sau khi đã ở Los Angeles 20 năm, ông quay trở về quê hương Yorkshire với suy nghĩ đây sẽ là một chuyến đi không mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, sự quay lại này khiến ông nhận ra rằng cách nhìn của mình đã bị cố định bởi những năm tháng ở Los Angeles. Thiên nhiên nước Anh hóa ra vốn rất khác biệt so với cách ông nhớ về nó. Hockney đột nhiên cảm thấy biết ơn phong cảnh tràn ngập sự sống của tuổi thơ mình. Ông nói: “Ở miền nam California nếu bạn ra ngoài vẽ, điều duy nhất thay đổi là những cái bóng khi chúng di chuyển. Còn ở đây (phía Đông Yorkshire), những cái bóng không phải lúc nào cũng ở đó nhưng những thứ khác sẽ liên tục đổi thay."

Đó là điều đặc biệt ở Yorkshire: không giống như Los Angeles, những phong cảnh xưa cũ ở đây không chịu tác động kiểm soát từ con người. Thiên nhiên liên tục thay đổi trước mắt bạn; ánh sáng trốn tránh người ngắm nhìn nó, những đám mây lướt ngang trời, gió biến cây cối thành những vũ công ballet và những chiếc bóng đổ có hình dạng khác nhau. Nó gần như là đối cực của Los Angeles, nơi ánh sáng và cảnh vật đứng yên và khi nhìn chúng, bạn nhận thức được về chuyển động của mình. Môi trường thiên nhiên ở Yorkshire thay đổi nhanh đến nỗi nó trở thành một thách thức đối với họa sĩ để nắm bắt chuyển động đặt lên một bức tranh tĩnh.

hockneypainting1.jpg
David Hockney đang vẽ The Arrival of Spring in Woldgate, East Yorkshire năm 2011, phiên bản 3 (2011). Ảnh: deyoung.famsf.org

Theo sau đó là series tranh The Tunnel vẽ một lối đi duy nhất qua những cánh rừng, bao bọc bởi cây cối và hoàn toàn thay đổi diện mạo của nó qua mỗi mùa. Hay series Woldgate Woods, hình dạng quen thuộc của cây cối và lối đi có thể dễ dàng nhận thấy nhưng màu sắc thay đổi trong mỗi bức tranh. Hockney đã quay trở về cái gốc của nghệ thuật đương đại: câu hỏi về việc làm thế nào và ở mức độ nào, màu sắc và hình dạng có thể bổ trợ nhau và tạo ra các ý nghĩa mới cho tranh. Và chuyến đi Yorkshire so với vài tháng dự định ban đầu đã kéo dài tới hơn 15 năm. Thay đổi địa điểm một lần nữa lại khiến Hockney thay đổi cách ông quan sát, đưa ông quay trở về những gì cơ bản nhất.

Bốn bức tranh bên dưới đều cùng một khung cảnh là Woldgate Woods, nhưng màu sắc đã thay đổi qua từng mùa và theo năm tháng.
woldgate-woods-mar30-april21.PNG
Woldgate Woods, 30 tháng Ba - 21 tháng Tư, 2006, sơn dầu trên 6 tấm toan, David Hockney
woldgate-woods-26-27-30-july2006.jpg
Woldgate Woods, 26, 27 & 30 tháng Bảy, 2006, sơn dầu trên 6 tấm toan vẽ, David Hockney.
more-felled-trees on wold gate-2008.jpg
More Felled Trees on Woldgate (2008), sơn dầu trên hai tấm toan vẽ, David Hockney
david-hockney-woldgate-woods-2006.jpg
The Arrival of Spring in Woldgate, East Yorkshire vào 2011, sơn dầu trên 32 tấm toan vẽ, David Hockney

Hockney lấy những cảnh vật thực tế là xuất phát điểm nhưng ông đã đưa ra những góc nhìn mới, những bức tranh mới, khác xa với chủ nghĩa tự nhiên. Ông biểu hiện nghệ thuật của mình qua những cảm nhận của con người khi đứng giữa không gian, ánh sáng và thời gian - tất cả những ý tưởng và cảm nhận đều xuất phát từ đây. Và để có những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp đặc trưng, họa sĩ đã di chuyển địa điểm, quan sát và nghiên cứu qua nhiều năm, tạo nên những thay đổi và đột phá trong suốt sự nghiệp của mình.

Một vài bức tranh phong cảnh khác của David Hockney


Các bạn có thể xem thêm rất nhiều tranh phong cảnh, chân dung và các nghiên cứu của họa sĩ trong suốt sự nghiệp của mình theo từng năm qua The David Hockney Foundation.

Tham khảo sách Hockney - The Joy of Nature - Van Gogh (2021), NXB Thames & Hudson, The David Hockney Foundation
15 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Ảo lắm
Tranh đẹp ở ánh mắt kẻ có rất rất nhiều tiền
ta đăng hơn tuần, giờ mới lên đề xuất nhỡ, rồi còn bức tranh em đâu rồi blueJune
@Nougatt Em có vẽ được tranh đâu ạ =))
@blueJune tranh em chứ k phải tranh em vẽ, em thì anh biết vẽ xấu là chắc rồi
dzungpm
ĐẠI BÀNG
một năm
thích các bài của bác quá, có thể cho e xin nguồn tham khảo nhiều hơn về hội họa & photography đc ko ạ?
@dzungpm À thật ra mình nghĩ bạn nên tìm kiếm theo chủ đề và địa điểm, dòng thời gian của lịch sử nghệ thuật chứ nguồn thì đa dạng lắm. Ví dụ bạn có thể tìm kiếm "famous artists of modern art in England" chẳng hạn thì nó sẽ ra những cái tên, bạn lại đi tìm tiếp tên của các nghệ sĩ, nó sẽ ra các bài tiểu sử, những giai đoạn khám phá nghệ thuật của nghệ sĩ đó rồi nó lại giới thiệu sách vở từ mấy bài này. Cứ dần dần là ra nhiều lắm bạn ạ. Vẫn là từ google thôi, quan trọng là bạn quan tâm chủ đề và phòng cách như nào á 😁 Dựa thêm vào các phong trào nghệ thuật của thế giới như: Cổ điển, Phục Hưng, Hiện đại, Hậu Hiện đại rồi Đương Đại, v.v.,,, để cụ thể hơn.

Bạn có thể bắt đầu từ cuốn Câu chuyện nghệ thuật đã xuất bản tại VN của Gombrich để có một cái nhìn tổng quan rồi thấy thích thời nào, từ đây như bách khoa toàn thư để tìm kiếm.
@dzungpm Nhiếp ảnh đương đại thì bạn có thể xem thêm tại các web: LensCulture, PhMuseum, aperture, matca.vn, Magnum photos,... còn ảnh từ ngày xửa ngày xưa thì mình tự tìm theo giai đoạn để ra các bài viết từ nhiều nguồn khác nhau.
Man404
TÍCH CỰC
một năm
Tham khảo gì dịch sách ra lên bài, giờ làm content creator cũng nhàn ha.
@Man404 Bác thông cảm, mình chỉ là dân không chuyên yêu thích nghệ thuật nên tìm hiểu từ các nguồn, tổng hợp rồi chia sẻ lại thôi 😃 chứ nếu là người nghiên cứu hay phê bình nghệ thuật thì đã khác.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019