Không phải TV 4K nào cũng như nhau, cũng như không phải TV FullHD nào cũng tương tự như nhau ngày trước. Tuy nhiên, với các TV 4K thì sự khác biệt thật sự là rất lớn, không chỉ về công nghệ chung của các nhà sản xuất mà người ta còn đưa ra rất nhiều chuẩn khác nhau về công nghệ hiển thị. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn một số những thông tin cần biết về TV 4K, cũng như cảnh báo về những TV 4K “giả” có thể xuất hiện trong thời gian tới.TV UHD là gì?
TV UHD là các TV có độ phân giải thật 4K (QuadHD, 3840x2160, khoảng 8 triệu điểm ảnh) hoặc 8K (Super High Vision, 7680x4320, khoảng 33 triệu điểm ảnh). Theo IBU, 4K là giai đoạn đầu và giai đoạn 2 sẽ là 8K, nhưng tất cả vẫn nằm trong UHD.
Trên thế giới có rất nhiều tổ chức khác nhau về điện tử, họ chịu trách nhiệm quy chuẩn và quy định rõ từng chuẩn công nghệ khác nhau. Về TV, tổ chức ở Mỹ là CEA (đơn vị tạo ra CES), châu Âu là Digital Europe/EBU và quốc tế là Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế IBU. Trong tất cả các tổ chức này, CEA & Digital Europe là dễ nhất khi họ quy định TV 4K bắt buộc phải có độ phân giải 2160p trở lên, cho phép khung hình 24/30 fps trở lên, không yêu cầu về HDMI, độ sâu màu 8bit. Trong khi đó, các tổ chức khác yêu cầu độ sâu màu phải từ 10bit trở lên hay thậm chí là TV phải có HDR.
Yêu cầu của các tổ chức trên thế giới về TV 4K
Tại sao lại có độ phân giải thật và độ phân giải giả:
Thông thường, mỗi một điểm ảnh trong 8 triệu điểm ảnh trên được tạo ra từ 3 điểm ảnh phụ: một điểm ảnh phụ (subpixel) màu đỏ, xanh lá và một xanh dương (RGB). Như vậy, một TV 4K sẽ có 3840x2160x3 = 24,883,200 triệu điểm ảnh phụ. TV FullHD có 1920x1080x3= 6,220,800 triệu điểm ảnh phụ.
Theo định nghĩa của các tổ chức lớn trên thế giới thì TV 4K phải có ít nhất 8 triệu điểm ảnh chính và 24 triệu điểm ảnh phụ, Hiện nay trên thị trường thế giới bắt đầu xuất hiện một số dòng TV với độ phân giải 2880x2160, và thay vì sử dụng 3 điểm ảnh phụ RGB thì các TV này sử dụng 4 điểm ảnh phụ: RBGW (thêm màu trắng - White). Và khi bạn nhân lên, chúng ta sẽ thấy số điểm ảnh phụ của các TV này là: 2880x2160x4, cũng là 24 triệu điểm ảnh phụ.
Con số màu nhiệm 24 triệu điểm ảnh phụ này lại “vô tình” trùng với 24 triệu điểm ảnh phụ của màn hình 4K 3840x2160, chính vì vậy nó được nhiều nhà sản xuất lập lờ làm người dùng bị hiểu lầm. Thực chất việc bổ sung điểm ảnh phụ không xấu, bản thân Sharp là một nhà sản xuất TV lớn cùng dùng điểm ảnh phụ màu vàng trên các TV Quattron của họ để tạo thành cấu trúc RBGY trên các TV FullHD để tạo ra chi tiết tốt hơn trước kia, với tổng điểm ảnh phụ là 1920x1080x4, tương đương khoảng 8 triệu điểm ảnh phụ. Sau đó Sharp lại tiếp tục dùng kỹ thuật Pixel Mapping để chia các điểm ảnh phụ ra làm đôi để tạo ra 16 triệu điểm ảnh phụ.
Cách sắp xếp RGB truyền thống bên trái và RGBY bên phải, bạn đang thấy một điểm ảnh mỗi bên
Quảng cáo
Trong hình này mình khoanh các điểm ảnh cho các bạn dễ hình dung, lần lượt từ trái qua phải ở trên là RGBW của điểm ảnh số 1, RGBW của điểm ảnh số 2, phía dưới là một nửa BW của điểm ảnh số 3, RGBW của điểm ảnh số 4 và một nửa WR của điểm ảnh số 5
Nếu bạn mua máy chiếu, hãy cũng kiểm tra thật kỹ thông tin trước khi quyết định mua. Một nhà sản xuất lớn là JVC cũng gọi máy chiếu của họ là eShift 4K/UHD dù nó chỉ dùng tấm nền FullHD. Lý do JVC làm vậy là họ dùng một cơ chế quang học đặc biệt cho phép dịch chuyển tấm nền 1/2 điểm ảnh lên xuống trái phải để tạo hình ảnh 4K, tất nhiên là có giá rẻ hơn 4K thật nhưng chất lượng sẽ thua kém một chút.
Tất nhiên, các hãng lớn như LG, Samsung, Sharp... đều công bố rõ sản phẩm của họ nhưng một số thương hiệu nhỏ lại không như vậy và thường mang tính mập mờ nhiều hơn.
4K nâng cao:
Bên cạnh các yêu cầu về độ phân giải thì những tổ chức uy tín còn bổ sung thêm một số yêu cầu phức tạp hơn, chẳng bổ sung thêm HDR, bổ sung nhiều màu sắc hơn, dải màu rộng hơn hoặc tốc độ khung hình 60fps trở lên. Tuy vậy, việc bổ sung thêm nhiều khung hình mỗi giây sẽ đòi hỏi nhiều băng thông hơn, và khi đó thì các TV sau này sẽ phải dùng HDMI 2.0.
Nhiều màu sắc hơn: hầu hết các TV hiện tại chỉ hỗ trợ 8 bit màu, nhân với 3 subpixel xanh dương, xanh lá và đỏ cơ bản bạn sẽ có 24 bit tổng cộng, tức hình ảnh (2^24) 16 triệu màu như chúng ta thấy hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu thấy xuất hiện một số TV cao cấp, hỗ trợ tới hơn 1 tỷ màu. Vậy con số 1 tỷ màu này ở đâu ra?
Quảng cáo
Với các TV hỗ trợ 1 tỷ màu, mỗi điểm ảnh phụ sẽ có 10 bit màu, tức mỗi tín hiệu sẽ chứa 10 bit màu khác nhau cho mỗi điểm ảnh phụ, và như vậy bạn sẽ có 2^10 =1024 cấp độ hiển thị cho mỗi màu cơ bản, suy ra có 1024 x 1024 x 1024 = hơn 1 tỷ màu sắc khác nhau.
Hơn thế nữa, các tổ chức lớn đã quy chuẩn TV sau này sẽ hỗ trợ tới 12 bit màu, tức 4096 cấp độ hiển thị khác nhau cho một màu, khi đó các TV thế hệ mới sẽ hỗ trợ tới hơn 68 tỷ màu sắc, một con số kinh khủng.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng vội lạc quan quá, những công nghệ trên sẽ chỉ xuất hiện trên những dòng sản phẩm cao cấp nhất, và kể cả TV hỗ trợ thì việc nội dung 10 bit màu hay 12 bit màu xuất hiện vẫn còn khá xa vời.
HDR:
Nếu như 10 bit màu bị coi là phí phạm, UHD bị coi là không thật sự cần thiết nếu ngồi xa thì HDR là một tính năng hứa hẹn sẽ thay đổi rất nhiều cách màn hình hiển thị. Đúng như tên gọi của nó, HDR sẽ làm cho màu đen đen hơn, màu trắng trắng hơn, màn hình sáng hơn (ví dụ JS9500 của Samsung có độ sáng 1000nit, cao hơn rất nhiều so với các TV không có HDR chỉ khoảng 100 trên TV thường tới 400nit trên các TV cao cấp), hình ảnh trở nên bớt gắt và đều hơn, hiển thị được những khung cảnh mà TV không thể hiển thị trước kia, và đặc biệt nhất là chúng không yêu cầu các nhà sản xuất chương trình phải chỉnh sửa nổi dung, dùng những máy quay đặc biệt để tạo ra hình ảnh HDR mà tất cả đều được TV xử lý theo thời gian thực. Tất nhiên, tạo ra những nội dung có sẵn HDR vẫn tốt hơn là TV phải xử lý, cũng tương tự nội dung 4K gốc sẽ tốt hơn FullHD upscale lên 4K nhưng HDR vẫn làm việc khá tốt với những nội dung hiện có.
Do có quá nhiều vấn đề phức tạp về bộ xử lý, về thuật toán cũng như chi phí mà hiện tại HDR chỉ mới xuất hiện trên một vài dòng sản phẩm cao cấp nhất của các hãng sản xuất TV. Nếu TV Samsung của bạn có công nghệ Peak Illuminator Ultimate, Sony của bạn là X-Tended Dynamic Range, LG là Ultra Luminance… thì xin chúc mừng, TV đó hỗ trợ HDR.Tuy cùng gọi là HDR, mỗi nhà sản xuất lại có cách tinh chỉnh khác nhau tùy thuộc vào cách mà họ nghĩ khách hàng sẽ thích. Hiện tại chưa có một nhà sản xuất hay một tổ chức nào đưa ra được một tiêu chuẩn HDR thống nhất cho các TV. Cá biệt có Dolby muốn thống nhất với Dolby Vision nhưng họ chỉ mới được một số lượng rất ít hãng sản xuất ủng như Vizio, Sharp, Phillips. Một tổ chức khác cũng muốn hợp chuẩn điều này, tạo ra tiêu chuẩn UHD không chỉ về chất lượng hiển thị mà còn về nội dung và phân phối các nội dung đó: UHD Alliance.
Kết luận:
Với 4K và 8K, tất cả vẫn còn đang nằm ở tương lai. Có nhiều người vẫn khuyên các bạn không nên mua màn hình 4K vì nó không cần thiết và lãng phí. Trên thực tế, không có một câu trả lời chính xác nào cho việc đó mà nó còn tùy vào nhu cầu của chúng ta. Các TV 4K hiện tại cũng đã có thuật toán xử lý hình ảnh khá xuất sắc để nâng độ phân giải (ảo) nhằm đạt chất lượng hiển thị tốt hơn trước kia.Cá nhân mình vẫn lựa chọn một chiếc TV 4K 55” thay vì TV FullHD 60” dù trải nghiệm 60” thật sự lớn hơn rất nhiều so với 55”.
Bên phải là logo của Digital Europe còn trái là CEA
Về việc mua TV 4K, hiện tại Việt Nam chưa có thật nhiều mẫu sản phẩm 4K “giả”, thậm chí là không có hay chỉ xuất hiện ở những khu vực sát bên giới tuồn về nhưng các bạn hãy thật sự cẩn thận khi mua, đặc biệt là với các thương hiệu lạ. Tính đến thời điểm này, các TV 4K từ các hãng Samsung, Sony, LG… ở Việt Nam đều là 4K thật. Nếu bạn mua TV mà thấy tem hợp chuẩn của Digital Europe hay CEA thì hãy an tâm là chúng là 4K thật 3840x2160.
Tìm hiểu thêm về màn hình 4K máy tính
Tìm hiểu thêm về 4K