NHỮNG MẪU CELLPHONE CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG ĐẾN LỊCH SỬ NGÀNH DI ĐỘNG

Eva Adam
24/7/2021 20:40Phản hồi: 0
NHỮNG MẪU CELLPHONE CÓ  TẦM ẢNH HƯỞNG ĐẾN LỊCH SỬ NGÀNH DI ĐỘNG

Bộ đôi kỹ sư của Motorola, Martin Cooper và John F. Mitchell, có lẽ chưa bao giờ nghĩ đến việc phát minh điện thoại di động của mình sẽ tác động lớn như thế nào đến toàn nhân loại. Họ đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên vào ngày 03/04/1973.


Chiếc điện thoại di động đầu tiên chính là Motorola DynaTAC với kích thước to như cục gạch và có giá 4.000 USD. Từ ý tưởng điện thoại di động của Motorola DynaTAC, các thiết bị di động ngày nay đã nhỏ hơn, hiện đại hơn và có giá cả hợp lý hơn.

Để được coi là có tầm ảnh hưởng, không chỉ là doanh số, những chiếc điện thoại đó còn cần phải có một tính năng mới, một chức năng mới hoặc một cách thức hoạt động hoàn toàn mới mang đến sự đột phá, ảnh hưởng lâu dài đến những gì diễn ra sau đó. Đây là danh sách những chiếc điện thoại có sức ảnh hưởng nhất vì các tác động của chúng đối với thị trường.

Motorola StarTAC (1996)


Motorola StarTAC đã đạt được sự thành công ngay lập tức dù có giá lên đến 1.000 USD. Đây là chiếc điện thoại gập dạng vỏ sò phổ biến đầu tiên và đạt tổng doanh số toàn cầu 60 triệu chiếc. Thậm chí, chiếc điện thoại này còn xuất hiện trong những bộ phim và chương trình truyền hình vào cuối những năm 1990 do sự ấn tượng từ việc mở điện thoại ra.

Motorola StarTAC được bán cùng với những mẫu khác trong nhiều năm và sở hữu khả năng gửi, nhận tin nhắn SMS, thông báo rung cũng như thay thế pin bên ngoài. Ở thời điểm đó, nó cực kỳ nhỏ gọn và chỉ nặng 88 gram. Motorola StarTAC đã ảnh hưởng khá nhiều đến những thế hệ điện thoại gập sau này.

Nokia 9000 Communicator (1996)


Nokia 9000 Communicator thực sự đã đi trước thời đại và là cái tên không thể thiếu trong danh sách những chiếc điện thoại quan trọng này. Có thể coi nó như là tiền thân của những chiếc smartphone hiện đại về mặt tính năng, nhưng lại không phải về mặt thiết kế. Nokia 9000 Communicator là một chiếc điện thoại lật sang ngang sang một bên, lấy ý tưởng từ việc kết hợp điện thoại với một chiếc laptop dạng thu nhỏ và modem dữ liệu, hướng đến những người dùng doanh nghiệp.

Các tính năng chính của chiếc điện thoại này bao gồm CPU Intel 24Mhz, 8MB bộ nhớ cho ứng dụng và dữ liệu người dùng. Điểm đặc trưng nhất của chiếc điện thoại này là bàn phím QWERTY đầy đủ cùng màn hình 640x200px. Ở mặt trước, Nokia 9000 Communicator là một chiếc điện thoại đầy đủ chức năng, và khi mở ra, nó trở thành một nền tảng thông minh siêu gọn nhẹ, được dùng để gửi và nhận email, lướt web và chạy các ứng dụng kinh doanh. Nó thực sự là một con quái vật với trọng lượng 397 gram.

Nokia 9000 Communicator có giá bán 1.000 USD vào thời điểm lên kệ.

Nokia 3310 (2000)

Nokia 3310 nổi bật vì hai lý do: độ bền bỉ trứ danh và chức năng trò chuyện giống như nhắn tin tức thì. Nokia 3310 là một bản cập nhật cho chiếc điện thoại Nokia 3210 vốn đã phổ biến vào thời điểm đó nhưng nó thực sự là một bước tiến xa hơn.

Nokia không quảng bá 3310 như một chiếc điện thoại bền bỉ, nhưng nó thực sự lại bền không tưởng. Vỏ nhựa của nó có thể chống chọi với mọi loại "hành hạ". Nokia 3310 cũng có những bộ vỏ Xpress thay thế, cho phép chủ sở hữu tùy biến điện thoại của họ với các màu sắc và hoa văn khác nhau. Chiếc điện thoại này đã khéo léo bổ sung một ứng dụng trò chuyện cho phép người dùng gửi tin nhắn dài hơn mức 160 kí tự thông thường trong tin nhắn văn bản. Điều này đã làm cho Nokia 3310 trở nên cực kỳ phổ biến với những người đam mê nhắn tin. Nokia còn bổ sung thêm nhiều tính năng thú vị khác, chẳng hạn như ứng dụng nhắc nhở, đồng hồ bấm giờ, máy tính cũng như một số trò chơi, như Snake.

Với doanh số toàn cầu đạt 126 triệu, Nokia 3310 không hoàn toàn thành công so với mức 160 triệu của Nokia 3210. Tuy vậy, nó lại là một chiếc điện thoại có sức ảnh hưởng hơn về tổng thể do có các công cụ nhắn tin.

Quảng cáo



Palm / Handspring Treo 180 (2002)


Một số người có thể bàn tán về việc chiếc điện thoại Treo nào là quan trọng nhất. Nhưng Treo 180 chính là thiết bị Treo đầu tiên có thể kết hợp PDA và khả năng gọi điện thoại. Chỉ riêng điều đó đã là một bước tiến lớn đầu tiên cho Palm và Handspring.

Thiết bị này sở hữu một màn hình đơn sắc, cảm ứng điện trở, bàn phím QWERTY cũng như một nắp lật với mục đích che màn hình và có thể hoạt động như loa thoại khi mở ra. Các thông số kỹ thuật khác của thiết bị này bao gồm bộ nhớ 16MB cùng bộ xử lý Dragonball 33MHz. Chiếc điện thoại này đã tạo tiền đề cho sự ra đời của dòng Treo, đặc biệt là Treo 600 và Treo 650, vốn cực kỳ phổ biến với người dùng doanh nghiệp trong những năm 2000.

Motorola RAZR (2004)


Motorola RAZR là một trong những chiếc điện thoại mà hầu hết mọi người đều khao khát có được. Nó đã đưa kiểu dáng gập vò sò lên mức tối đa với các đường nét mảnh mai cùng kết cấu kim loại. Motorola RAZR thời ấy có giá bán lẻ 400 USD.

Đây là một trong những chiếc điện thoại thời trang quan trọng nhất và có doanh số đạt 130 triệu chiếc. Tương tự StarTAC, nó rất phổ biến với những người nổi tiếng cũng như Hollywood. Nhiều đối thủ cạnh tranh cũng đã bắt chước mẫu điện thoại này, tung ra những thiết kế gập vỏ sò của riêng mình. Motorola RAZR đã trở thành một biểu tượng đặc trưng vào thời đó. Gần đây, Motorola cũng đã hồi sinh RAZR với dòng điện thoại màn hình gập của mình.

BlackBerry Curve (2007)

Quảng cáo


Tương tự Palm Treo, nhiều người cũng sẽ tranh cãi, đâu là chiếc điện thoại BlackBerry có sức ảnh hưởng nhất. Liệu đó có phải là 6210 hay 7290 hay không? Nhưng có lẽ, Curve mới chính "quả dâu đen" quan trọng nhất bởi vì nó là sản phẩm thực sự đầu tiên của công ty mẹ Research In Motion trong việc thu hút thị trường đại chúng.

BlackBerry Curve thực sự là một chiếc điện thoại bán chạy đối với RIM. Điều đó đã thành động lực giúp RIM tiếp tục tạo ra nhiều loại thiết bị Curve trong những năm kế tiếp.

BlackBerry Curve được trang bị trackball từ dòng BlackBerry Pearl và thân thiện hơn với người dùng so với những mẫu BlackBerry trước đó. BlackBerry Curve sở hữu bàn phím QWERTY đầy đủ cũng như màn hình màu. Các thông số kỹ thuật khác của mẫu điện thoại này bao gồm bộ xử lý 312MHz, 64MB bộ nhớ, 16MB RAM cùng 1 camera. Một số biến thể có Wi-Fi hoặc GPS. BlackBerry Curve có lẽ là chiếc smartphone đầu tiên của nhiều người.

Apple iPhone (2007)


Chiếc iPhone đời đầu của Apple có lẽ là chiếc điện thoại có ảnh hưởng nhất từng được tung ra thị trường. Nó không phải là sản phẩm bán chạy nhất, cũng không phải là phần cứng tốt nhất, nhưng đó là tập hợp các ý tưởng được thực hiện khá tốt trên một thiết bị.

Thay đổi lớn nhất được Apple mang đến đó chính là thiết kế toàn màn hình. Những chiếc điện thoại thời đó đã có màn hình lớn, nhưng nhiều trong số chúng đều vẫn dựa vào một loạt các nút bấm để điều khiển giao diện người dùng. Với iPhone, toàn bộ giao diện người dùng đã được xử lý trên chính màn hình cảm ứng. Nút Home chỉ dùng để thoát khỏi ứng dụng và đưa thiết bị về màn hình chính. Một tiến bộ lớn khác mà iPhone mang lại đó là trình duyệt gần như được hỗ trợ đầy đủ. Nó mang lại trải nghiệm duyệt web phong phú hơn nhiều khi so sánh với các chiếc điện thoại khác có trên thị trường, vốn thường hiển thị những trang web dưới dạng văn bản. Nó cũng được tích hợp với iTunes Music Store.

Chiếc iPhone đầu tiên đã là bàn đạp cho những chiếc iPhone sau này. Quan trọng hơn, App Store sau đó đã trở thành một thứ mang tính cách mạng đối với cách sử dụng ứng dụng di động.

HTC Dream/T-Mobile G1 (2008)


Đó là với iPhone, còn khởi đầu của Android thì sao? HTC Dream, được bán thông qua T-Mobile với cái tên G1, là chiếc điện thoại Android đầu tiên có mặt trên thị trường.
Thiết bị này có phần cứng khá linh hoạt nhờ cơ chế xoay kỳ lạ điều khiển phần màn hình trượt. Các nút bấm QWERTY khá khó chịu và hiệu năng tổng thể của điện thoại không ổn định. Tuy vậy, nó lại mở ra một thế giới mới cho lĩnh vực smartphone. Chẳng hạn, không lâu sau khi nó lên kệ, nhiều người học được cách mở khóa bootloader để truy cập quyền root. Điều đó đã giúp cho nó ngay lập tức trở thành một lựa chọn thú vị đối với cộng đồng nhà phát triển.

Dream có thể không phải là nỗ lực tốt nhất của HTC, nhưng nó đã giúp họ trở thành công ty tiên phong ban đầu trong không gian Android và tạo ra tiền đề cho hệ điều hành này.

Google Nexus One (2010)



Nexus One cũng do HTC sản xuất dựa trên sự ủy quyền của Google và được ra mắt vào đầu năm 2010. Đây là chiếc điện thoại đầu tiên thực sự đưa ra ý tưởng Android thuần túy bởi nó được cài đặt một phiên bản Android sạch, không sử dụng giao diện của Google hay HTC.

Google bán chiếc điện thoại này trực tiếp đến người tiêu dùng, mở khóa và cho phép họ sử dụng SIM đang dùng, không bị giới hạn bởi nhà mạng. Nó đã đặt nền móng cho kho ứng dụng Google Store cũng như toàn bộ dòng điện thoại Nexus (sau này là Pixel) trong nhiều năm sau đó. Rồi, nó trở thành chiếc điện thoại dành cho nhà phát triển Google, vốn cũng gắn liền với những chiếc điện thoại Nexus và Pixel sau này.

Samsung Galaxy Note (2011)


Cuối cùng là Samsung Galaxy Note, được ra mắt vào năm 2011. Theo đúng nghĩa đen, Samsung Galaxy Note thực sự là một bước nhảy vọt lớn đối với Samsung. Công ty đã hoàn thiện ý tưởng một chiếc điện thoại có màn hình lớn, hỗ trợ bút stylus. Kể từ đó, Samsung đã mang đến thị trường một chiếc Galaxy Note mỗi năm. Đây vẫn là dòng điện thoại đỉnh cao về thiết kế, công nghệ và phần mềm của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc.

Không lâu sau sự xuất hiện của Galaxy Note, kích thước màn hình trung bình của smartphone đã bắt đầu tăng lên. Ngay cả Apple cũng quyết định đi theo Galaxy Note khi trình làng iPhone 6 Plus, chiếc iPhone đầu tiên có màn hình lớn. Samsung Galaxy Note là chiếc điện thoại không thể thiếu trong danh sách những chiếc điện thoại có sức ảnh hưởng lớn nhất bởi nó là người tiên phong trong việc mở ra kỉ nguyên smartphone sở hữu màn hình lớn, khiến những chiếc điện thoại nhỏ bé dần dần biến mất.

(theo Android Authority)
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019