TTBC2024

TTBC2024


Những quan niệm sai lầm về Linux

cuLong
7/7/2012 15:28Phản hồi: 461
Những quan niệm sai lầm về Linux

Đối với nhiều người dùng phổ thông, Linux là một cái gì đó huyền bí và đáng sợ, nghe đến Linux là đau đầu. Tuy nhiên những quan niệm về Linux từ trước đến nay của họ có đúng hay không? Hãy điểm qua 5 quan niệm sai lầm phổ biến nhất mà rất nhiều người dễ mắc phải.
[prebreak][/prebreak]
  • Sai lầm đầu tiên (1): Linux là một hệ điều hành
Đầu tiên phải khẳng định rõ ràng, Linux không phải là một HĐH. Mà nó chính xác là là một nhân hệ điều hành (kernel), hoặc gọi một cách phổ thông là một nền tảng, là cầu nối giữa phần cứng và một hệ điều hành đúng nghĩa (đối với Linux ta thường gọi là các bản phân phối – Linux distribution), tạo môi trường cho các phần mềm được vận hành trơn tru. HĐH Android cũng được xây dựng và tùy biến dựa trên 1 phiên bản Linux. (Sau đây sẽ nói về Linux chạy trên máy tính cá nhân).

Bầy chim cánh cụt Linux

  • Sai lầm thứ 2: Rất khó tìm driver cho Linux
Nhiều người nghĩ rằng số lượng driver cho Linux là rất ít và khó tìm. Điều này chỉ đúng với một số trường hợp cụ thể, mà driver cho card đồ họa là trường hợp tiêu biểu nhất. Thực tế ta rất khó tìm thấy các bản build beta cho driver Forceware của nVIDIA và driver Catalyst của AMD, tuy nhiên với các bản chính thức thì lúc nào cũng có phiên bản cho Linux cả.
Ngoài trường hợp này ra, hầu như tất cả các nhà sản xuất hiện nay đều viết phiên bản Linux cho driver của mình. Chỉ trừ một số thiết bị quá cũ từ nhiều năm trước đã không còn được hỗ trợ nữa.

Tuy nhiên cần nói rõ, Linux gặp rắc rối với công nghệ Optimus trong MTXT ngày nay (công nghệ chuyển đổi tự động giữa GPU rời và GPU tích hợp của nVIDIA). Hãng này đã ngưng hỗ trợ công nghệ Optimus trong các bản driver Forceware chính thức cho Linux của mình. Việc không hỗ trợ này dẫn đến nhiều phiền toái cho người dùng, khi cả card tích hợp và card đồ họa rời đều cùng chạy, làm hao pin và thậm chí nhiều trường hợp còn bị dính Black Screen of Death (một dạng màn hình khi bị treo của Linux). Tuy nhiên, đây không phải là lỗi của Linux, mà là vấn đề của driver nVIDIA. Cộng đồng Linux đã liên tục yêu cầu nVIDIA công bố các thông số thiết kế về phần cứng của mình để cộng đồng mã nguồn mở có thể bắt tay vào viết driver cho Linux. AMD thì khác, họ không những công bố các thông tin này mà còn hỗ trợ tận tình cộng đồng mã nguồn mở để viết nên các bản driver cho Linux. Và nếu bạn đang dùng máy tính có Optimus trên Linux, hãy theo dõi dự án Bumblebee.


  • Quan niệm sai lầm thứ 3: Linux rất ít các phần mềm
Về số lượng phần mềm, dĩ nhiên Linux không bằng các nền tảng như Windows, nhưng với những ứng dụng phổ thông, và cả những công cụ lập trình chuyên nghiệp, Linux không hề thiếu. Nếu bạn cần trình xử lý ảnh, GIMP sẽ đáp ứng. Nếu bạn cần soạn văn bản, LibreOffice, Google Docs hoặc OpenOffice sẽ giúp bạn. Linux cũng có rất nhiều trò chơi, trình duyệt, biên tập video, xử lý hình vector, chat trực tuyến, các công cụ phát triển và rất nhiều thứ khác nếu bạn chịu khó tìm hiểu trong cộng đồng mã nguồn mở. Tóm lại, những phần mềm nào bạn thường sử dụng trên Windows, thì bên Linux có thể tìm thấy cái tương tự.

Tuy nhiên, có một số lĩnh vực Linux vẫn chưa đủ mạnh. Ryan Pierson, tác giả LockerGnome cho biết, các ứng dụng biên tập/xử lý video trên Linux vẫn chưa đủ khả năng để cạnh tranh với các ứng dụng bên Windows hoặc Mac OS X, sẽ không có Sony Vegas hoặc Adobe Premier trên Linux. Tương lai liệu sẽ có không? Câu trả lời tùy thuộc nhiều yếu tố: trông chờ khả năng biên dịch của cộng đồng mã nguồn mở hoặc trông chờ các công ty thương mại chú ý hơn đến Linux.

Cần lưu ý: Linux là một nền tảng mã nguồn mở, nhưng nó không đồng nghĩa với miễn phí. Ví dụ, bạn có toàn quyền lấy mã nguồn Linux về, biên tập, chỉnh sửa rồi tạo ra 1 HĐH nào đó, và thương mại hóa nó. Phần mềm cũng vậy, dù tác phẩm của bạn là mã nguồn mở thì bạn được quyền bán nó để thu tiền bình thường, không ai bắt buộc phải phân phối nó miễn phí.

Một nền tảng nhiều sắc màu, nhiều lựa chọn và hoàn toàn tự do

Khi nào thì họ sẽ chú ý hơn? Đã có rất nhiều hãng, nhất là các công ty về trò chơi, chú ý đến cộng đồng Linux như nền tảng Steam của Valve, cùng với nền tảng Unity đã hỗ trợ Linux … Có nhiều trò chơi hơn trên Linux sẽ đem lại nhiều tác dụng tích cực, vì gamer sẽ dễ chuyển sang dùng Linux từ Windows. Và khi nhiều người chuyển sang Linux hơn, các nhà phát triển sẽ chú ý và phát triển nhiều ứng dụng chuyên nghiệp hơn cho Linux, khi đó sẽ càng nhiều người dùng chuyển sang xài Linux. Người ta gọi đó là hiệu ứng “quả cầu tuyết”.

  • Sai lầm thứ 4: Linux có thị phần bé nhỏ
Cần phải nói rõ Linux có mặt ở khắp nơi, có thể sát bên mà ta không để ý. Hơn 90% số lượng siêu máy tính chuyên dụng sử dụng nền tảng Linux. Hơn ½ số lượng smartphone chạy Android, vốn dựa trên nhân Linux. Và hơn 60% số máy chủ web chạy trên các bản phân phối Linux.

Chỉ có ở mảng máy tính cá nhân, Linux không có thị phần đáng kể. Và chỉ có thể hy vọng khi số lượng người dùng tăng lên, các công ty phát triển ứng dụng sẽ chuyển sang hỗ trợ cho nền tảng Linux nhiều hơn. Một điều thú vị nữa là thỉnh thoảng trong các chiến dịch quyên góp tiền cho một phần mềm/dự án mã nguồn mở nào đó, cộng đồng Linux đôi lúc thường ủng hộ nhiều hơn phía Windows và Mac OS (tính trung bình số tiền trên mỗi đầu người).

Quảng cáo



  • Quan niệm sai lầm cuối cùng (5): Linux chỉ dành cho các nhà phát triển và người dùng cao cấp, tức là rất khó dùng!
Đây là cái sai lầm lớn nhất. Đúng là rất nhiều các nhà phát triển sử dụng Linux, nhưng các bản phân phối Linux hiện nay đã rất thân thiện, đẹp mắt và dễ dùng, Ubuntu là một ví dụ cụ thể. Đây là bản phân phối Linux phổ biến nhất hiện nay trên PC và giao diện đôi chỗ còn được đánh giá là thân thiện hơn cả Windows. Chỉ cần bỏ thời gian làm quen ban đầu, bạn sẽ dễ dàng làm chủ nền tảng này, tương tự như việc rất nhiều người dùng phổ thông có thể làm quen với Mac OS X khi chuyển từ Windows sang. Và Linux có đủ tất cả những gì bạn cần cho nhu cầu sử dụng thông thường.

Bạn nghĩ sao về giao diện này?

Tuy nhiên việc làm quen một nền tảng mới hoàn toàn thực sự là một khó khăn không dễ vượt qua, vì chúng ta vẫn dựa vào thói quen, tâm lý và định kiến, những gì đang tốt thì rất ngại phải thay đổi, đó là tâm lý chung. Nhiều người nói Linux khó dùng, đơn giản vì họ chưa thử bỏ thời gian để làm quen. Hãy thử làm quen với cách hoạt động của Linux, nó sẽ đem lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị, biết đâu bạn sẽ có cái nhìn khác hoàn toàn về Linux, một trong những nền tảng quan trọng nhất (hiện nay) của nhân loại.

20 năm đáng nhớ của Linux
Nếu còn thắc mắc về sự khác nhau giữa Unix và Linux thì các bạn có thể tham khảo bài viết rất chi tiết về Phân biệt Linux và Unix ở đây.
461 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cũng từng xài Fedora đc vài năm nhưng rồi cuối cùng vẫn chuyển trở lại với winxp và win7 vì chương trình chuyên nghành không chịu chạy trên Fedora.
@haduytintyt235 phần mềm chuyên ngành của mình thì chẳng bao h chạy trên win cả trừ mấy bản nhỏ nhỏ dành cho giáo dục
khoa_pv
ĐẠI BÀNG
12 năm
Tk bài viết rất hữu ích vs gà như em
Linux là 1 hệ điều hành và cũng là 1 kernel dựa trên unix
Tất cả HĐH đều có ông tổ là UNIX trừ windows

@alolyman Về việc nói Linux vừa là hệ điều hành có nhân là chính nó thì ok.
Nhưng việc ngộ nhận kernel dựa trên UNIX thì nhầm lớn rồi bạn. Linux chỉ cố gắng tương thích với UNIX về bề mặt, nó được xây dựng hoàn toàn độc lập với UNIX. Còn bản chất thì chẳng có dây dợ gì đâu.
Ở cái link mà chủ thớt dẫn "phân biệt giữa Linux và UNIX" có bạn mô tả nó với hình ảnh "...giống như 2 chiếc bánh răng có kích cỡ khác nhau nhưng hoạt động ăn khớp với nhau do bề mặt tương đồng". Chắc đó là cách dễ nhất để giúp bạn hình dung ra vấn đề.
@alolyman Bạn này nói đúng nè. bài viết trên sai mất điểm đầu tiền khi nói: "Linux không phải là một hệ điều hành". LINUX RÕ RÀNG LÀ MỘT HỆ ĐIỀU HÀNH.
@Hieu.ITVN Cái hình này cũng gây hiểu nhầm quá 😃
Theo hiểu biết của mình thì UNIX bao gồm nhân + vỏ - kernel + shell. Bao gồm cả shell & tập lệnh util để thao tác với kernel, fs... còn Linux thực tế chỉ là nhân - kernel thôi, không bao gồm shell & util nên không thể xem là OS được. Vì nếu chỉ có nhân không thì bạn không thể nào tương tác với máy tính được. Thường thì mọi người hay gọi những OS sử dụng nhân Linux là Linux OS, mà đúng ra phải gọi là Linux Distribution. Cách dùng từ này đã gây nên hiểu lầm.
@alolyman đáng buồn là người sáng tạo ra Unix Dennis Ritchie http://en.wikipedia.org/wiki/Dennis_Ritchie lại không được nhiều người nhớ đến (nhất là ifans) , có lẽ trong đầu óc ifans chỉ có Steve Jobs thôi... và bây giờ là thím Cook... lol
máy em vẫn xài ubuntu 12.04 song song với win 7, thấy cũng mượt và ít khi nào bị lỗi
@huuvinh_tv cũng khá bất tiện lắm bạn àh ! gặp các chương trình chuyên nghành không chạy trên linux thì cứ chuyển qua chuyển lại hoài mệt. Còn nếu chỉ dùng để giải trí và linh tinh thì ok
@haduytintyt235 với mình thì không ngại gì vì những ứng dụng mình dùng đều tương thích với ubuntu
còn rất nhiều cái sai lầm nữa
Cái đầu tiên nhiều người hay bị lầm nhất ;)
Ngay cả dân IT
richarmarx
ĐẠI BÀNG
12 năm
@kyokarmazen Có lẽ dân IT này mới học năm nhất hoặc tự nhận mình là IT
@kyokarmazen VÂNG, CHÍNH BẠN ĐANG LÀ NGƯỜI NHẦM, VKL KHÍ THÁI
laodaivuong
ĐẠI BÀNG
12 năm
linux bà mẹ vĩ đại của các hđh🆒
Có thêm quyết tâm để cái Ubuntu lên lap cùi rồi. Dạo này cứ băn khoăn mãi.
Cái bạn coi là sai lầm đầu tiên là chưa chính xác.
Linux là 1 HĐH và cũng là tên của hạt nhân HĐH
@VnDigi Linux, ban đầu có tên đầu đủ là GNU/Linux (nhân Linux + GNU userland) nhưng về sâu để nói nhanh (ngắn gọn) người ta quen miệng gọi là Linux. Thế là làm lu mờ đi vai trò của Free Software Foundation (FSF) - tổ chức phát triển ra GNU (1 thành phần quan trọng của Linux OS).
@VnDigi LINUX không phải là 1 HĐH, hệ điều hành mà bạn đang nói đến có tên là GNU/LINUX.
Trong mảng máy tính cá nhân thì rất khó có chỗ chen chân cho linux, đơn giản vì linux không có được một hãng sản xuất phần cứng tốt chống lưng cho giống như Mac OS. Nếu không có thể thị phần của Linux hiện nay còn lớn hơn Mac OS rất nhiều.
Linux hãy lật nhào lão Microsoft đi, chán các loại ..... của mic lắm rồi
@autotechno Dùng thử LINUX đi là bác thấy yêu Windows liền, em dùng rất nhiều hệ điều hành nhưng vẫn phải công nhận không thể tách rời Windows được, mỗi OS có chỗ đứng riêng của nó bác ạ.
MrTux
ĐẠI BÀNG
12 năm
@batuoc931323 Sự thật là nếu cái shell bên Windows nó như báh shell hay zshell bên linux thì mình đã dùng Windows lại từ rất lâu rồi 😃
@MrTux MrTux bên forum Ubuntu phải không nhỉ?. Thực ra thì thời gian dùng Linux của mình còn nhiều hơn Windows, tất nhiên bởi Windows có những thứ mà Linux không thể thay thế được. Lâu lâu ngồi Windows mà chợt "nhớ" Linux thì dùng thằng Cygwin 😃.
@MrTux từ vista trở lên trong win đã có sẵn powershell cũng khá mạnh, tương thích hoàn toàn với các lệnh trên unix luôn
@FullOfLove Cái em powershell này mình cũng từng chạm trán rồi 😃 theo đánh giá cá nhân là không được ngon lắm, nó chỉ dùng 1 số alias, function của POSIX thôi, nhưng hay bị lỗi lắm, với cả làm việc với mấy cái Object cũng rối rắm, không được clear như bên Linux. Có thể do phần nền của nó đã giới hạn nó rất nhiều. Ví dụ với Windows mà cần thay đổi config hệ thống, nếu dùng lệnh thì cũng phải qua một số tool + path dài đằng đẵng của em registry, rồi gedit ... nhưng với Linux thì chủ yếu file config hệ thống là text nên việc xử lý có phần đỡ vất vả hơn, nhất là ở những môi trường cần độ ổn định cao và có khả năng tự sửa chữa như Server.
xibon
ĐẠI BÀNG
12 năm
Đúng vậy, do người ta còn chưa hiểu hết đến Linux nói chung nên vẫn còn nhiều sự do nghị, không quan tâm đến, với ở nước ta còn sử dụng nhiều ..... và keygen nên việc áp dụng Linux vào cũng cần thời gian và cả ý thức....
Black Screen of Death = Màn hình xanh chết chóc của window.
Dùng N900 với N9 gõ lệnh với tìm hiểu kha khá sau đó qua ubuntu thấy cái gì đó quen quen....
nhưng vẫn dùng win vì 3ds max, cad, pts...😁
@quytrong287
Hong hieu gi het 😔

live for freedom!!!
richarmarx
ĐẠI BÀNG
12 năm
@lê trọng như ý Lênh mạng tìm hiểu thêm, chắc sẽ tím thấy cái hay của nó và dùng nó.
1 tình yêu Linux
có nhiều cái giờ mới biết, thanks chủ topic đã chia sẽ.
Linux xài rất hay, thử dùng 1 cách chuyên tâm bạn sẽ mê thôi.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019