Nờ ơ nơ nặng nợ...

irtel_neyugn
20/5/2023 11:14Phản hồi: 0
Nờ ơ nơ nặng nợ...
Bài viết ngắn về kinh nghiệm thoát nợ tín dụng của mình 😄

Có khi nào bạn than vãn với ai đó về dư nợ thẻ tín dụng chưa? Mình đoán là Late Y và New Z đều từng trải qua các khoảnh khắc này. Lúc đó sẽ có nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu như:

"Quỵt cho xong được không?"

"Đảo nợ được không?"

"Tại sao không để dành thêm để khỏi nợ?"


Có một mẹo mình đọc trên Bloomberg Wealth là, hãy để dành một khoản tiền bằng với chi tiêu tín dụng của tháng này, và tháng sau bạn sẽ có cảm giác mình đang làm chủ được khoản nợ này. (^_^)

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được chuyện đó, vì hầu hết ở Việt Nam, chúng ta đều đang tiêu dùng trên 50% thu nhập thực tế (với các bạn Late Y hoặc New Z). Các khoản phí, khoản lãi sẽ ăn mòn thu nhập của bản thân. Cho nên có một số mẹo (mà mình là người trực tiếp trải nghiệm) để các bạn tham khảo, hy vọng có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy này.

1. Có chiến lược trong việc thanh toán tín dụng. Nếu bạn đang có nhiều thẻ, hãy cố gắng gom nợ về 1 thẻ và đóng những thẻ không thật sự cần thiết. Chiếc thẻ tín dụng không làm nên phong cách của bạn, người ta chỉ nhìn thấy nó là cục nợ thôi, phong cách bây giờ là thanh toán bằng QR code, tức là từ tài khoản của bản thân, hay nói cách khác người ta sẽ thấy bạn ngầu lòi ra khi không phải mượn tiền để tiêu dùng rồi trả sau.

2. Đặt ra kỷ luật tiêu dùng (cái này rất khó), nhưng có vẻ sẽ giúp ích, hãy gọi điện lên tổng đài thẻ tín dụng, yêu cầu khoá thẻ (có thể viện một vài lý do như để quên thẻ ở đâu đó, mất ví…). Khi đó, nếu chưa sẵn sàng trong việc bỏ thói quen cà thẻ, thì việc chặn thẻ ngay từ đầu sẽ giúp bạn bớt lệ thuộc vào thẻ. Con người ta mau quên, giống như việc bạn quên người đã đá bạn ấy, từ từ sẽ bớt lệ thuộc. Tuy nhiên, trong thời gian khoá thẻ, phải nhớ thanh toán mớ nợ đọng của bạn nhé, không thì toi đấy.

3. Loại trừ các chi phí phát sinh. Các khoản phí thường niên, phí trả chậm, lãi phát sinh khi bạn không thanh toán hết dư nợ trong tháng, là một trong những khoản chi phí tưởng ít, nhưng gom lại là cực kỳ nhiều. Trước đây mình đã từng trả phần tối thiểu, và mình phải trả khoản nợ đấy trong một thời gian rất dài, lãi phát sinh gần bằng khoản nợ. Thẻ tín dụng có một đặc điểm, khi bạn không thanh toán hết khoản nợ trong kỳ, lãi suất sẽ bắt đầu tính luôn cho các khoản tiêu dùng mới. Mà lãi thẻ tín dụng thì cao ngất (29-36%/năm). Nó sẽ làm bạn kiệt quệ không sớm thì muộn.

4. Đừng mê giảm giá và ưu đãi. Đừng vì ưu đãi mà mở thẻ (10% nhà hàng, quán ăn, 5% du lịch, cashback…), các khoản ưu đãi này là mồi câu, thật ra để hưởng được khoản ưu đãi này, bạn phải tiêu dùng ở những chỗ cực kỳ đắt đỏ, và con số tiết kiệm được cũng sẽ bị ăn mòn bởi phần thuế VAT. Các địa điểm áp dụng ưu đãi này đa phần là nó đã kết dư được thuế VAT từ những mục khác, nên chi phí nó bỏ ra để ưu đãi rất nhỏ.

5. Tận dụng miễn phí. Cân nhắc mở thẻ miễn phí phát hành, miễn phí thường niên trọn đời…khi bạn thu nhập trong tầm 60 triệu/tháng trở lại. Khi đó phần tiêu dùng của bạn sẽ đủ để đạt điều kiện miễn phí thường niên. Đừng mở các dòng Platinum, dòng Signature nếu thực sự chưa phải là người có thu nhập cao, nhìn cái thẻ đó ngầu đét nhưng phí thường niên thì đắt lòi mắt. Hào quang từ chiếc thẻ đó tắt nhanh lắm, đặc biệt khi bạn nhận sao kê.

6. Xài ít giữ nhiều. Cà thẻ ít hơn tháng trước, đây là nguyên tắc quan trọng, khi đó thu nhập của bạn sẽ dôi dư, và khoản dư này sẽ tiếp tục tăng cao qua từng tháng. Hãy đắn đo khi mua thêm mỹ phẩm nếu xài chưa hết đợt cũ, đắn đo khi mua thêm quần áo mới nếu đồ cũ còn mặc đẹp, hoặc chưa được bạn thanh lý cho người cần hơn… Nguyên tắc bất di bất dịch, là thu nhập phải cao hơn tiêu dùng. (Cái này ai cũng biết, nói ra thì thừa nhưng phải nhắc lại hoài)

Quảng cáo



Trên đây là một số mẹo mình đúc kết được trong quá trình đưa dòng tiền trở về trạng thái tốt. Chia sẻ với các bạn để có thêm nhiều ý kiến phản biện và kinh nghiệm.

emil-kalibradov-K05Udh2LhFA-unsplash.jpg

"Nợ không xấu, bể nợ mới xấu.”

Mình vẫn dùng thẻ tín dụng để trả góp cho một vài thứ to tát mình cần, bởi vì khi mua đồ bằng một món nợ, bạn sẽ có động lực để làm việc dứt điểm món nợ đó. Còn nợ quá sức để phải kiệt quệ thì ba chấm lắm nhé.

Bài viết là quan điểm dựa trên kinh nghiệm cá nhân, bạn nào có ý nào hay ho có thể bình luận để bổ sung thêm nhé. ^_*
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019