
Cục an toàn vận tải liên bang Mỹ (NTSB) đã vừa công bố một trong những nguyên nhân đầu tiên gây nên vụ tai nạn của tàu vũ trụ SpaceShipTwo (SS2) của Virgin Galactic hôm thứ 6 làm phi công thiệt mạng và 1 người khác bị thương nặng. Tại buổi họp báo hôm nay, chủ tịch NTSB - Christopher Hart cho biết: "Khoảng 9 giây sau khi động cơ khởi động, dữ liệu đo cho thấy hệ thống cánh lượn đã chuyển từ tình trạng khóa sang mở khóa". Dựa trên video ghi lại quá trình phóng tàu, NTSB cho rằng SS2 đã vỡ ra từng mảnh chỉ 2 giây sau khi hệ thống cánh này bật ra. Lúc đó, con tàu đang ở vận tốc trên Mach 1.0, tức là trên tốc độ âm thanh.
Tuy nhiên NTSB nhấn mạnh rằng: "Nguyên nhân trên vẫn chưa phải là kết luận chính thức, việc cánh lượn mở ra chỉ là một sự kiện trong chuyến bay. Vẫn còn rất nhiều điều chúng tôi cần làm rõ và hoạt động điều tra sẽ tiếp tục mở rộng." Các nhà điều tra vẫn đang thu thập các mảnh vỡ của SS2 rơi rải rác trong một khu vực khoảng 5 dặm. Trong số những thành phần đã thu được gồm thùng nhiên liệu, các thùng chứa chất oxy hóa và động cơ, NTSB vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu rò rỉ hay cháy nổ.

2 cánh lượn (tailboom) của SS2 có thể giúp tàu tái xâm nhập quỹ đạo. Trên mỗi tailboom có cánh lái đuôi (rudder) và cánh lái kết hợp (Elevon) được điều khiển bởi bàn đạp và cần xoay trong cabin.
Cánh lượn (feather) được xem là một trong những tính năng an toàn quan trọng của tàu SS2. Hệ thống này cho 2 cánh tailboom của SS2 có thể xoay một góc 65 độ từ phương ngang sang phương dọc. Hệ thống này chỉ được triển khai khi tàu đã đạt độ cao cao nhất, sau khi nó đã ra ngoài khí quyển.
Hệ thống cánh lượn của tàu SS2 trong một chuyến bay thử.
Khi trở lại Trái Đất, hiệu ứng khí động của hệ thống cánh cho phép tàu vận động như một quả cầu lông. Cánh lượn giúp thay thế các hệ thống đẩy nhỏ để điều hướng tàu. Khi triển khai, 2 cánh dựng thẳng lên, đuôi tàu chúc xuống giúp tàu có được trạng thái ổn định và giảm độ cao từ từ. Bạn có thể hình dung như một quả cầu lông khi rơi, các lông của quả cầu luôn hướng lên để đảm bảo quỹ đạo ổn định của nó. Thiết kế cánh này đã chứng minh độ hiệu quả ngay trên nguyên mẫu đầu tiên là SpaceShipOne khi nó thực hiện chuyến bay bán quỹ đạo cách đây 10 năm.
Để kích hoạt hệ thống cánh lượn, phi công phải dùng 2 cần gạt trong buồng lái: một cần để khóa/mở khóa và một cần để kích hoạt. Qua đoạn video ghi lại hoạt động trong buồng lái đã được phục hồi, các nhà điều tra thấy rằng phi công Michael Alsbury - người thiệt mạng trong vụ tai nạn đã gạt cần mở khóa. Hart cho biết hành động này đã được thực hiện sớm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các phi công sau đó đã tiếp tục dùng đến cần kích hoạt. NTSB cho rằng cánh lượn bằng cách nào đó đã được mở ra mà không có sự kiểm soát trực tiếp từ phi công.

Hình ảnh cho thấy một phần cánh lượn đã rơi ra ngoài.
Như vậy, tàu đã mở cánh lượn - một trạng thái để giảm tốc độ trong khi đang lấy độ cao và đạt tốc độ trên tốc độ âm thanh bằng động cơ đẩy. Hình thái khí động học đối lập làm thay đổi các lực tác động lên cấu trúc tàu khiến con tàu vỡ ra từng mảnh sau vài giây. Đây là nguyên nhân đầu tiên, NTSB vẫn đang mở rộng điều tra để đi đến kết luận chính thức về vụ tai nạn.
Christopher Hart tiết lộ nguyên nhân đầu tiên về vụ tai nạn của SS2.