
Nvidia giờ này có lẽ đang hoan hỉ, không chỉ vì họ đã ký kết được thỏa thuận gần như lớn nhất lịch sử ngành công nghệ, chỉ sau việc Dell mua lại EMC giá 67 tỷ USD, ngang ngửa với thương vụ Avago mua lại Broadcom (37 tỷ USD), IBM mua lại Red Hat (34 tỷ USD) hay chính thương vụ trước đây khi Softbank mua lại ARM (31,4 tỷ USD). Họ hoan hỉ còn vì họ đã củng cố được vị thế của mình trong tương lai gần, khi việc bỏ ra 40 tỷ USD mua lại ARM từ tay SoftBank sẽ giúp họ đứng ở vị trí thống trị ngành chip bán dẫn trong nhiều năm tới.

Trong khoản tiền 40 tỷ USD mà Nvidia bỏ ra để mua lại ARM từ tay SoftBank, Nvidia sẽ chuyển giao khoảng 21,5 tỷ USD giá trị cổ phiếu của Nvidia, 12 tỷ USD tiền mặt vào thời điểm hiện tại, tối đa 5 tỷ USD Nvidia chi trả cho SoftBank trong tương lai gần và 1,5 tỷ USD chi trả cho toàn bộ nhân sự tại ARM. Theo nhiều nguồn tin, thương vụ giữa Nvidia và SoftBank liên quan tới ARM đã được đàm phán từ hồi tháng 7.
Và trong lúc chúng ta cứ mải tranh cãi về cuộc chiến giữa Intel và AMD, Nvidia mới bất ngờ tung ra đòn đánh khiến tất cả mọi người bừng tỉnh và nhận ra, 10 năm tới, ông vua ngành chip bán dẫn sẽ không phải Intel hay AMD, mà là Nvidia.
Nhất cước bình thiên hạ
Vì sao Nvidia lại chọn ARM, vì sao họ chịu trả hàng chục tỷ USD để thực hiện thương vụ lớn nhất lịch sử ngành chip bán dẫn, và vì sao lại là bây giờ?

Đầu tiên là về tiền bạc. Nvidia không thiếu tiền mặt để thực hiện thương vụ này. Nhờ vào hai thị trường phần cứng, sản xuất chip xử lý cho trung tâm dữ liệu và cho thị trường phần cứng PC chơi game, nhu cầu bùng nổ giữa thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến việc kinh doanh của Nvidia diễn ra vô cùng suôn sẻ. Hệ quả là, giá cổ phiếu của họ đã tăng gấp đôi, biến họ trở thành công ty niêm yết trên sàn chứng khoán thành công thứ nhì trong toàn bộ các tập đoàn trong danh sách S&P 500 Index, chỉ sau Carrier Global Corp. Ngay cả Microsoft lẫn Apple đều không có kết quả ấn tượng như vậy trong năm 2020, dù giá trị vốn hóa của Nvidia ở thời điểm hiện tại chỉ “vỏn vẹn” 300 tỷ USD, chỉ hơn Intel Corp, ông vua cũ của thị trường chip bán dẫn có 50%, và còn xa mới chạm được tới tầm cỡ của Amazon, Microsoft hay Apple.

Thứ hai là về thời điểm. Nvidia có thể đang cố gắng tận dụng khoảng thời gian SoftBank đang gặp khó khăn và thay đổi chiến lược kinh doanh. Trong nỗ lực thay đổi chiến lược đó bao gồm cả việc bán những tài sản mà SoftBank sở hữu với quy mô lớn. Chính bản thân SoftBank cũng đang gặp trục trặc, như theo tờ Financial Times đưa tin rằng có thể SoftBank sẽ trở lại làm một công ty tư nhân không niêm yết trên sàn chứng khoán, sau kết quả kinh doanh không mấy khả quan của họ.

Thứ ba là về chọn lựa. 10 năm tới, thương vụ Nvidia – ARM sẽ thay đổi về mặt cơ bản toàn bộ ngành chip bán dẫn trên thế giới, khi tuyệt đại đa số những chiếc điện thoại trong tay anh em đang sử dụng ngày hôm nay đều được trang bị chip xử lý, dù nhà sản xuất khác nhau, nhưng kiến trúc đều đến từ bàn tay thiết kế của các kỹ sư tại Arm Holdings, Anh Quốc. Điều tương tự cũng đang xảy ra với thị trường thiết bị IoT hay máy tính trang bị chip kiến trúc ARM. Khoản tiền ARM Holdings thu về từ các nhà sản xuất chip bán dẫn sử dụng kiến trúc của họ để phát triển sản phẩm, từ nay sẽ không coi là doanh thu của SoftBank nữa, mà là của Nvidia.
Củng cố thị trường cũ, tiến đánh thị trường mới
Quan trọng hơn, Nvidia là nhà sản xuất chip bán dẫn, còn SoftBank là một tập đoàn đa ngành, từ viễn thông, dịch vụ công nghệ, tài chính, truyền thông, nhưng hoàn toàn không phải một nhà sản xuất chip xử lý. Nvidia hoàn toàn có thể kiểm soát thị trường chip bán dẫn phục vụ hàng tỷ thiết bị trên thế giới, đơn giản vì kiến trúc ARM giờ quá phổ biến. Những người, công ty hay tập đoàn không đồng thuận với Nvidia giờ còn hai lựa chọn, x86 hoặc RISC-V. Với ARM trong tay, Nvidia có thể tiếp tục tiến đánh thị trường chip xử lý di động với dòng sản phẩm Tegra từng không thành công trong quá khứ.

Đó là về mặt đối ngoại. Còn về đối nội, sở hữu ARM, Nvidia sẽ bù khuyết được một lỗ hổng rất lớn mà cho đến giờ họ chưa tìm ra cách khắc phục. GPU của Nvidia có rất ít đối thủ cạnh tranh trên thị trường, họa hoằn thì có AMD. Nhưng GPU của họ thành công bao nhiêu, thì sự thiếu hụt mảng CPU của họ đang khiến Nvidia đau đầu bấy nhiêu. Ngoại trừ trường hợp chiếc máy Nintendo Switch, bất cứ khi nào người tiêu dùng mua GPU của Nvidia, họ đều phải trang bị CPU của hãng khác, hoặc Intel hoặc AMD. Đầu năm nay khi giới thiệu hệ thống xử lý deep learning siêu mạnh của họ, DGX A100, Nvidia buộc phải trang bị CPU AMD Epyc trong mỗi cụm máy chủ xử lý, đơn giản vì họ đâu có sản xuất CPU?
Tương tự như vậy là với tham vọng tiến đánh thị trường chip xử lý AI hay deep learning. Nếu ARM đã chứng tỏ được khả năng về mặt hiệu năng cùng với mức độ tiêu thụ năng lượng thấp, thì Nvidia với khả năng thiết kế những con chip tăng tốc xử lý deep learning đang được đánh giá rất cao thời gian qua hoàn toàn có thể hưởng lợi từ thương vụ này. Hãy tưởng tượng card đồ họa RTX trong tương lai xử lý game 4K, 8K, hiển thị độ phân giải cực cao thông qua DLSS xử lý qua tensor core, mà chỉ tốn điện bằng ⅓, ¼ hiện giờ. Hay anh em có thể thấy cỗ siêu máy tính mạnh nhất hành tinh ở thời điểm hiện tại, Fujitsu Fugaku, đó chính là tiềm năng khi ARM thực sự được tối ưu cho từng nhu cầu.

Sở hữu ARM, dần dần Nvidia sẽ có thể nhúng tay vào tất cả những chip bán dẫn hiện diện trong một chiếc smartphone, một chiếc laptop, tablet, máy tính desktop, và cả thị trường máy chủ đám mây nữa. CEO Jensen Huang đã không ít lần dành tặng những lời có cánh cho kiến trúc ARM, nói rằng chúng “có hiệu năng vô cùng ấn tượng” và có khả năng “nâng cấp lên hiệu năng xử lý rất cao trong thời gian tới” khi trao đổi với các nhà đầu tư vào tháng trước.

Cùng lúc đó, bỏ ra 40 tỷ USD để sở hữu ARM cũng cho phép Nvidia tiến đánh những thị trường mới mẻ hơn. Thay vì mua bản quyền sử dụng kiến trúc ARM như những tập đoàn khác, sở hữu luôn ARM cho phép Nvidia có thêm tiếng nói trong việc thiết kế kiến trúc chip bán dẫn mới, nhúng cả giao diện phần mềm và ngôn ngữ lập trình của họ vào thiết kế của ARM, từ đó tăng khả năng chuẩn hóa phần cứng và công nghệ của Nvidia trong tương lai.
Liệu thương vụ có diễn ra suôn sẻ?
Ở một khía cạnh khác, anh em cũng có thể thấy tác động domino quá lớn từ thương vụ Nvidia – ARM. Thương vụ này về cơ bản sẽ yêu cầu sự chấp thuận của nhiều quốc gia, từ Mỹ, Anh, Trung Quốc cho đến Liên minh châu Âu để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Mỹ hẳn sẽ không có vấn đề gì, một công ty Anh về tay một tập đoàn Mỹ, quá là ổn rồi. Nhưng ở khía cạnh khác thì Trung Quốc hoàn toàn có thể lên tiếng và khiến thương vụ này trở nên phức tạp, khiến tình hình chiến tranh thương mại một lần nữa thêm rối ren.

Đó là đối với các nhà lập pháp. Còn với các đối tác, dù to như vậy nhưng trong tương lai, Apple, Samsung hay Qualcomm cũng sẽ phải chuẩn bị tinh thần làm việc với không chỉ ARM để mua bản quyền kiến trúc thiết kế chip xử lý, mà còn phải làm việc với cả Nvidia, người bất ngờ có tiếng nói khá dõng dạc và có trọng lượng. Không loại trừ khả năng những ông lớn của ngành công nghệ sẽ lần lượt phàn nàn về tính trung lập của Nvidia, và khả năng họ sẽ thêm thắt những công nghệ của riêng mình vào thiết kế chip bán dẫn của ARM.
Mong là anh em chưa quên scandal giữa Nvidia với Samsung và Qualcomm, khi Nvidia nhượng quyền chip xử lý Tegra, vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Snapdragon quãng năm 2013. Apple cũng suýt ra tòa với Nvidia, nhưng may thay vụ kiện không được diễn ra. Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà từ đó tới nay, MacBook, iMac hay Mac Pro tuyệt nhiên không hiện diện lựa chọn card đồ họa Geforce hay Quadro, và bản thân driver macOS cũng không hỗ trợ GPU Nvidia từ thế hệ kiến trúc Maxwell (GTX 980 Ti) trở về sau.

Lấy gì đảm bảo rằng Nvidia sẽ không lợi dụng vị thế của mình để trói buộc các đối tác của ARM? Chỉ có thời gian mới trả lời được cho chúng ta câu hỏi ấy. Nhưng ở một khía cạnh khác cũng rất đỗi công bằng, thì ở thời điểm hiện tại, Nvidia đã hoàn toàn xứng đáng được gọi tên là ông vua của ngành chip bán dẫn trong tương lai gần.
Tham khảo Bloomberg