Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Out Run tròn 35 tuổi: Chơi game đâu nhất thiết phải căng thẳng hơn thua?

P.W
19/9/2021 8:33Phản hồi: 14
Out Run tròn 35 tuổi: Chơi game đâu nhất thiết phải căng thẳng hơn thua?
Có một cái thời kỳ, trước khi Out Run được phát hành vào tháng 9/1986, thế giới trò chơi điện tử vẫn chưa tìm ra được cách nào để mô tả một trong những niềm vui đơn giản nhưng thỏa mãn nhất của con người của thời kỳ hiện đại: Chạy xe hóng mát. Khi ấy, tiêu chuẩn của game đua xe là Pole Position, phát hành năm 1982 lấy bối cảnh cuộc đua Công thức 1, với không ít những đột phá về công nghệ đồ họa: Hình ảnh giả 3D với những tệp tin sprite đầy màu sắc thay vì góc nhìn thứ 3 từ trên nhìn xuống, tính năng đua phân hạng, và thế giới ảo được dựa trên những đường đua có thật. Nhưng Pole Position không dễ một chút nào, nếu anh em từng chơi trò đó, lỡ đụng phải vật cản bên vệ đường hay tông phải một chiếc xe khác, thì cỗ xe F1 của anh em sẽ nổ tung ngay lập tức.

Out Run không giống như vậy một chút nào cả. Nói theo cách của thời hiện tại, tựa game Nhật Bản rất “chill”. Chơi Out Run giống như mang xe ra đường chạy hóng mát đúng nghĩa đen. Thay vì những đường đua căng thẳng thì đồ họa của game gây ấn tượng mạnh với bầu trời xanh ngát cùng chiếc Ferrari Testarossa mui trần trứ danh của thập niên 80. Nó có hiệu ứng mời gọi người chơi, thay vì tạo ra một thử thách khó nhằn.

Tinhte_Outrun5.jpg

Yu Suzuki, một trong những nhà phát triển game vĩ đại nhất nước Nhật, người tạo ra Out Run, hay những kiệt tác đến từ đội Sega như Virtua Fighter, After Burner hay sau này là Shenmue kể lại: “Không như những game đua xe khác, tôi được phép tạo ra một dòng game lái xe hoàn toàn mới, để tạo ra cảm giác điều khiển chiếc xe chỉ bằng một tay đặt trên vô lăng, ngồi bên cạnh là một cô gái đẹp, nghe những bản nhạc hay trong khi vượt qua những chiếc xe khác."

Giờ này nhắc lại, có lẽ nên gọi Suzuki là một nhà làm game kỳ dị, xét cả trên tiêu chuẩn của những nhà làm game Nhật Bản, xứ sở với những cái tên đáng nể như Suda 51, Yoko Taro hay Hideo Kojima. Ông từng muốn lắp nguyên cả khối động cơ thật vào bên trong khung xe của thùng máy arcade tựa game đua xe máy Hang On, chỉ để tạo ra những âm thanh chân thực nhất cho người chơi khi ngồi lên bản copy của chiếc GP500 2 thì. Nhưng rồi cuối cùng ông phải lắp loa siêu trầm thay vì cả khối động cơ. Yu Suzuki không hẳn là một gamer, nhưng bù lại ông rất mê xe hơi. Chính bộ phim The Cannonball Run của tìa tử Burt Reynold đã tạo ra ý tưởng để Suzuki phát triển Outrun: “Khi ấy tôi nghĩ sẽ vui hơn khi tạo ra một trò chơi đơn giản, mục tiêu cụ thể và đơn giản, đó là phóng chiếc siêu xe tới vạch đích.”


[​IMG]
Đồ họa của game đủ chi tiết và rõ ràng để nhận ra những “đối thủ”: Porsche 911 và Corvette Stingray

Để lấy cảm hứng phô diễn thế giới ảo, ông muốn đi tham quan nước Mỹ, nhưng sau khi nghe có người nói hệ thống đường cao tốc liên bang “chẳng có gì ngoài khung cảnh sa mạc nhàm chán,” thì Suzuki mới chuyển mục tiêu sang tham quan châu Âu để lấy tư liệu khung cảnh. Ông bay tới Frankfurt, thuê một chiếc BMW 520i: “Thuê Ferrari đắt quá, còn thuê Porsche thì không đủ cốp đựng hành lý, vậy là chúng tôi thuê BMW. Nó có cửa sổ trời, tôi có thể lắp cả camera trên nóc xe, và chạy trên Autobahn với tốc độ cỡ gần 200 km/h.” Trong 2 tuần ấy, Suzuki đi thăm Đức, Thụy Sỹ, Ý, Pháp và Tây Ban Nha: “Tôi bị choáng ngợp bởi khung cảnh của Côte d'Azur cùng biển Địa Trung Hải, và cả những con người tốt bụng chỉ đường khi chúng tôi đi lạc nữa.”

Khảo sát thực địa giờ là quy trình gần như tiêu chuẩn của những nhà làm game hiện nay. Nhưng ở cái thời giữa thập niên 1980, đồ họa của game không đủ phức tạp để đặt ra yêu cầu phải đi khảo sát thực địa để mô tả thế giới ảo chính xác nhất. Hệ quả của chuyến đi 2 tuần là, Out Run tạo ra 15 màn chơi, mô tả sự chắt lọc đầy tinh túy của bàn tay người Nhật trong quá trình mô tả địa lý châu Âu, được giới thiệu một cách vô cùng nhẹ nhàng và thư giãn thông qua màn chơi đầu tiên, xa lộ ven biển với hai hàng dừa mát mắt, thứ mà Suzuki thừa nhận là màn chơi ông thích nhất.

Thùng máy arcade của Out Run thực sự là một kỳ quan trong các tiệm game điện tử xèng thời bấy giờ. Phiên bản cao cấp của thùng máy dài 2.1 mét, nặng 350kg, trang bị ghế thủy lực để mô phỏng rung lắc khi va chạm, đủ ấn tượng để người chơi cố tình đâm chỉ để trải nghiệm hệ thống thủy lực ấy.

Tinhte_Outrun6.jpg

Michael Thomasson, sử gia ngành game, người từng sở hữu bộ sưu tập trò chơi điện tử lớn nhất nói: “Tôi nhớ hồi còn nhỏ chơi game đua xe và lái xe, tưởng tượng cảm giác lái xe thật sẽ như thế nào, nhưng đến khi có bằng lái và bắt đầu chạy xe, hóa ra nó chẳng giống một chút nào so với game cả. Nhưng rồi Out Run ra mắt. Mục tiêu hàng đầu của trò ấy là tạo ra cảm giác vui vẻ và tốc độ, nhưng cùng lúc nó cũng là trò chơi đầu tiên mô tả chiều sâu của con đường, với cây cối và chướng ngại chắn tầm nhìn của tài xế. Đối với tôi, nó dường như là trò chơi đầu tiên tạo cảm giác đang điều khiển một phương tiện thật sự.”

Để mô phỏng sai khác địa hình khi chạy xe, Suzuki tạo ra một mô hình lái dựa trên những thông số thật như mô men xoắn, sức mạnh động cơ và khả năng bám đường của lốp, từ đó tạo ra trải nghiệm điều khiển xe tuyệt vời, không gây khó chịu. Còn với đồ họa, ông dùng một công nghệ gọi là Super Scaler, cho phép xoay, phóng to hay thu nhỏ những tệp đồ họa sprite 2D để tạo ra hiệu ứng 3D cho màn chơi, từ đó cho phép thay đổi góc nhìn của bản thân con đường, cây cối hay chiếc xe di chuyển ở tốc độ cao.

Quảng cáo


Tinhte_Outrun3.png

James Newman, giáo sư ngành truyền thông số ở đại học Bath Spa nói: “Out Run không phải game đầu tiên ứng dụng tính năng đồ họa ấy. Trước đó Suzuki đã ứng dụng nó trong Hang On rồi. Nhưng lượng chi tiết trong Out Run cao hơn nhiều, từ đó tạo ra một thế giới ảo đầy đặn và giàu chi tiết hơn. Khả năng phóng to thu nhỏ chi tiết một cách mượt mà tạo ra cảm giác tốc độ rất chân thực. Bản thân phần cứng máy điện tử xèng của Sega thời ấy cũng vượt xa đối thủ về hiệu năng, và Out Run là đỉnh cao của công nghệ kỹ thuật và mỹ thuật game khi đó.”

Màn trình diễn đồ họa ấy được kết hợp với bộ nhạc nền ấn tượng tới mức nó tạo ra được ảnh hưởng rất lớn đối với một thể loại nhạc điện tử đương đại, synthwave. Ba bản nhạc nền gốc của Out Run, Splash Wave, Passine Breeze và Magical Sound Shower đã được remix lại rất nhiều lần, dựa trên rất nhiều thể loại nhạc khác nhau. Ba bản nhạc ấy được Hiroshi ‘Hiro’ Yamaguchi sáng tác: “Tôi tạo ra những bản nhạc nền dựa trên ý tưởng những bản nhạc tôi muốn nghe khi chạy xe, và rất vui vì các fan yêu thích chúng, tới mức đến giờ vẫn nghe và mix lại những giai điệu ấy.”

Tinhte_Outrun2.png

Âm nhạc của Out Run quan trọng tới mức, đó là thứ đầu tiên người chơi được chọn sau khi ấn nút Start. Yamaguchi nói: “Tôi nghĩ ra ý tưởng chọn bản nhạc ngay đầu game với giao diện bật radio trên xe. Tôi nghĩ rằng khi được quyền chọn bản nhạc, thì radio sẽ là ý tưởng hay. Cũng từng có ý tưởng tích hợp giao diện chọn băng cassette để chọn bản nhạc nền chơi game, vốn là thứ phổ biến thời bấy giờ, nhưng ý tưởng này bị từ chối vì áp lực đè lên bộ nhớ trong của thùng máy arcade. Thay vào đó chúng tôi tạo ra một giao diện để chọn bản nhạc một cách tự do." Cũng chính là Yamaguchi đã đặt ra ý tưởng đặt hai loa cạnh tai của gamer, trên phần đỡ cổ của ghế lái để họ có thể thưởng thức âm nhạc ngay trong những tiệm điện tử xèng ồn ào.

Còn bây giờ là chính bản thân chiếc xe xuất hiện trong Out Run, chiếc Testarossa huyền thoại của Ferrari. Bản thân hãng xe Ý hoàn toàn không hay biết gì cũng như không cấp bản quyền hình ảnh để Sega mô tả cỗ xe tiêu biểu của thập niên 80 trong game. Có người cho rằng, Sega cũng đã nghĩ đến việc mua bản quyền hình ảnh chiếc Testarossa từ phía Ferrari, cũng có người cho rằng Ferrari đã gửi thư đến cho Sega, bày tỏ sự không đồng tình với hình ảnh của game. Nhưng rồi sau đó cũng có những phiên bản Out Run mới có bản quyền từ phía Ferrari, dẫn tới khả năng Sega đã trả tiền để Ferrari không khởi kiện. Còn ở phiên bản Out Run mới được làm lại trên Nintendo Switch, thì chiếc xe trông rất khác, chẳng còn chút dáng dấp gì của Testarossa nữa.

Quảng cáo


Tinhte_Outrun4.png

Có lẽ, di sản của Out Run đến tận thời điểm hiện tại vẫn còn phảng phất. Và cũng có lẽ, Out Run khác biệt vì chính bản thân Yu Suzuki không phải là một gamer nhiệt thành: “Tôi chưa bao giờ chơi nhiều game. Thứ tôi muốn làm là tái tạo lại những thứ hấp dẫn của cuộc sống vào thế giới ảo.” Và cách tiếp cận vấn đề ấy của Suzuki đã tạo ra một tác phẩm kinh điển, định hình thể loại game đua xe arcade, với tầm ảnh hưởng trải dài nhiều thập kỷ, từ Test Drive, Need For Speed, Gran Turismo, Project Gotham Racing hay thời gian gần đây là Forza Horizon trên Xbox. Còn trong khi đó, tính năng cho người chơi tự chọn kênh radio nghe nhạc đã trở thành thứ không thể thiếu trong nhiều game như GTA V. Đó là một phần không thể thiếu để tạo ra trải nghiệm riêng của mỗi người trong một trò chơi.

Theo Wired
14 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Giống flight simulator của MS nhỉ. Mình thích kiểu này. Thong thả nhẹ nhàng.
Run4yrlife
TÍCH CỰC
3 năm
Tông tím chủ đạo
😛
Tôi cũng nghĩ vậy cho tới khi tối lúc gần ngủ: Má, nó tức
zackichun
TÍCH CỰC
3 năm
Chơi game thùng vẫn có cái chất riêng nhỉ,nhớ siêu thị quá
@zackichun mình ghét mấy cái máy đó ở chỗ dùng mãi những máy cũ từ năm 80s để kinh doanh, coi thường khách hàng kinh khủng. sẵn mình muốn hỏi có phòng game nào có máy đua xe xịn ko nhỉ
Hot.Buns
TÍCH CỰC
3 năm
không hiểu người xưa đã làm cấu trúc data như thế nào mà họ có thể vẽ đường lúc chạy xe, hay thật
burgboy
CAO CẤP
3 năm
Cảm ơn bài viết thông tin hữu ích về lịch sử game Outrun
Nhảy lên Xe và thưởng thức game. Ko có một sự cạnh tranh nào. giống giống kiểu lái mô phỏng trong thi bằng lái xe nhỉ 😁 game này mà màn hình 3D nữa thì ngon lành cho các anh em muốn xả stress. Một thời đã qua rồi.
nhưng thua ức chế lắm anh ơi
Hồi xưa lần đầu dùng đến máy tính là 1 con 486 và có chơi game này. Lúc đó ko biết nó tên là Out Run mà chỉ nhìn vào cái tên file exe để chạy là outega.exe =))
Anh em cho mình hỏi. Trước đây hồi 200x mình có chơi 1 game đua xe, icon màu vang k nhớ rõ. Dung lượng khoảng 900MB. Khi tai nạn thì tài xế bay ra ngoài người mềm như cọng bún. Game có nhiều đường đua, quay đầu chạy ngược lại hoặc băng vào rừng cũng được (nhưng về đích k công nhận kết quả). Anh em nào nhớ tên game cho mình xin với ạ.
trò này nhớ bị tông xe là 2 người văng ra, xong đứng lên chạy lại vô xe =))
Nickka
TÍCH CỰC
3 năm
nhớ trò này chơi trong siêu thị, vượt qua dốc là người thảy đít lên trên luôn
ồ nhìn ngon và đã nhỉ 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019