Paradox of Hedonism

Duocsikieutrang
27/9/2022 8:39Phản hồi: 0
Paradox of Hedonism
(Nghịch lý khoái lạc)
Hay còn gọi là paradox of happiness (nghịch lý hạnh phúc).

Sáng nay, mình gõ thẳng lên trang nhà của UnD cả nửa tiếng đồng hồ, rồi bấm nút gửi. Nhưng hệ thống không đáp ứng và công việc của cả giờ biến mất. Thoáng bực mình vì tiếc công nhưng lại nghĩ độc giả sẽ đỡ phải đọc những thứ tào lao này (nhưng không thể tránh thứ tào lao khác), mình có cơ hội làm tốt hơn (hoặc tệ hơn tùy người nhận xét) nhưng chắc chắn sẽ ngắn hơn lần post trước.

Kiểu suy nghĩ này là “positive thinking” của anh Martin Seligman, cha đẻ của "positive psychology" dạy từ khi mình theo đuổi khóa học Science of Happiness kéo dài 10 tuần của UC Berkeley, đọc xem hàng trăm giờ nói về đề tài Hạnh phúc của các chuyên gia trong lĩnh vực.

“Mưu cầu hạnh phúc” (pursuit of happiness) được xem là động lực của con người và là “quyền bất khả nhượng” (“unalienable right”), được Cha già dân tộc James Wilson phát biểu long trọng ““Hạnh phúc của xã hội là quy luật đầu tiên của mọi chính phủ”. Được UnH đưa vào Tuyên ngôn Độc lập sau này. Nhưng chủ đề này lại là thứ khó nắm bắt như Nathaniel Hawthorne phát biểu:


"Hạnh phúc giống như một con bướm, khi theo đuổi, luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng nếu bạn yên lặng ngồi xuống, có thể nó sẽ đậu trên vai."

Nghịch lý hạnh phúc hay nghịch lý khoái lạc phát biểu đại ý rằng niềm vui, niềm hạnh phúc thường biến mất khi bạn cố gắng theo đuổi nó một cách trực tiếp. Nói một cách đơn giản, nếu bạn cố gắng tìm kiếm hạnh phúc, kết quả là bất hạnh.

Vào thế kỷ 19, nhà triết học John Stuart Mill trong cuốn tự truyện của mình, nhận xét:

"Nếu tự hỏi bản thân xem bạn có hạnh phúc không, thì bạn không còn hạnh phúc nữa." Gần 100 năm sau, nhà phân tâm học Viktor Frankl đã viết trong “Man’s Search for Meaning” của mình:

“Hạnh phúc không thể theo đuổi được; nó phải xảy ra sau đó. ”

Đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt cho rằng:

"Hạnh phúc không phải là một mục tiêu ... nó là sản phẩm phụ của một cuộc sống tốt." (“Happiness is not a goal...it's a by-product of a life well lived.”)

Năm 1999, một nhóm các nhà nghiên cứu đã gửi email cho bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người trong danh sách khác nhau để hỏi về kế hoạch của họ cho Đêm giao thừa. Họ ghi lại mức độ hoành tráng của bữa tiệc dự định tham dự, mức độ vui vẻ được mong đợi, thời gian dành và tiền bạc dành cho sự kiện của mình. Trong số 475 người đã trả lời trong nghiên cứu, 83 % cảm thấy thất vọng về đêm giao thừa của họ, khoảng thời gian vui vẻ mà họ mong đợi, cùng với bao nhiêu thời gian họ đã dành để chuẩn bị.

Quảng cáo



Có một số cách giải thích.

Một là, mọi người theo đuổi hạnh phúc theo những cách sai lầm, bởi vì con người nói chung không giỏi dự đoán điều gì cuối cùng sẽ khiến mình hạnh phúc. Đây là hiện tượng mà các nhà tâm lý học xã hội Daniel Gilbert và Timothy Wilson đã mô tả: “affective forecasting” (Dự báo cảm xúc).

Chúng ta dự báo rằng thăng chức, mua được căn nhà, sắm được chiếc xe sang, mua được điện thoại, có được người yêu là hạnh phúc và điều này lâu dài mãi mãi. Điều đúng là chúng ta sẽ cảm thấy niềm vui tạm thời nhưng điều này không lâu dài dưới tác động của cái gọi là Quy luật "Hedonic Adaptation" hoặc "Hedonic Treadmill", xu hướng của con người nhanh chóng trở về trạng thái tâm lý ổn định, bình thường sau biến cố tích cực hoặc tiêu cực, hay các thay đổi trong cuộc sống.

Hai là, vấn đề kỳ vọng. Nếu bạn đi xem một buổi hòa nhạc và động lực của bạn là nghe nhạc, có khả năng bạn sẽ đạt được mục tiêu đó. Nhưng nếu mục tiêu của buổi hòa nhạc là để “hạnh phúc”, thì việc nghe nhạc của ban nhạc không còn là lý do chính để tham dự. Điều này vừa làm phân tán sự chú ý khỏi công việc bạn đang làm (nghe hòa nhạc), vừa dẫn bạn đến việc giám sát chặt chẽ xem bạn có hạnh phúc hay không tại bất kỳ thời điểm nhất định nào. Sau đó, bạn kết thúc bằng việc so sánh giữa trạng thái cảm xúc hiện tại của bạn và trạng thái giả định "hạnh phúc hơn" của mình. Và thường kết quả là sự thất vọng. Đó là vấn đề của sự kỳ vọng như George Loewenstein, giáo sư kinh tế và tâm lý học tại Đại học Carnegie Mellon nhận định:

"Hạnh phúc là vấn đề rất nhiều kỳ vọng, không phải là vấn đề của kinh nghiệm khách quan mà ai đó có."

Mọi người có xu hướng thiết lập các tiêu chuẩn hạnh phúc cao cho bản thân khi hạnh phúc là mục tiêu chính của mình. Tiêu chuẩn càng cao càng dễ khiến bạn thất vọng.

Quảng cáo



Tất nhiên, mong muốn hạnh phúc không phải là điều xấu. Nhưng xem hạnh phúc như một mục tiêu trực tiếp cần đạt được thì tạo ra phản tác dụng và nghịch lý.

Các chuyên gia về hạnh phúc khuyên không nên chú tâm nhiều quá vào việc tìm kiếm hạnh phúc mà tập trung vào những thứ mình thấy thú vị như một công việc đam mê, giúp đỡ và đồng cảm với người khác, trân trọng những mối quan hệ bền vững, trải nghiệm những khoảnh khắc bên người thân. Nghĩa là để được hạnh phúc cho bản thân (vị kỷ) thì bạn phải hướng đến người khác (vị tha) với tư cách là một động vật xã hội.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019