Hôm vừa rồi đã có một bài tổng hợp khá chi tiết những vấn đề mà Intel đã làm sai, đi nhầm định hướng hoặc thất bại trong suốt quá trình vài năm qua, kết hợp tất cả lại đẩy tập đoàn đến vị thế như bây giờ, vừa phải cắt giảm hàng vạn nhân sự, vừa phải cắt giảm tối đa chi phí vận hành:
Đến hôm nay 30/10, Reuters đã lên một bài phóng sự điều tra rất chi tiết, kể lại những câu chuyện được chia sẻ từ nội bộ tập đoàn Intel trong suốt quá trình kể từ lúc ông Pat Gelsinger trở thành CEO của Intel, cho tới thời điểm hiện tại.
Ba năm về trước, Pat Gelsinger nhậm chức giám đốc điều hành tập đoàn Intel, với kỳ vọng hồi sinh một trong những biểu tượng của ngành công nghệ Mỹ. Nhưng rất nhanh, ông đã mắc phải sai lầm lớn đầu tiên. Khi ấy, theo những nguồn tin giấu tên, Intel có thỏa thuận rất hấp dẫn với TSMC, để đơn vị gia công bán dẫn Đài Loan chế tạo những die chip xử lý mà Intel chưa làm được với mức giá giảm rất sâu.

Quyết định sai lầm, văn hoá chậm thay đổi và thiếu kiên trì khiến Intel tụt hậu trong cuộc đua AI
Intel từng là một thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ. Anh em dùng máy tính chắc đều biết tới logo Intel Inside được dán trên hầu hết các thiết bị máy tính cá nhân. Nhưng rồi những năm gần đây hãng công nghệ này liên tục thất bại trong cuộc đua AI và đâu...
tinhte.vn
Đến hôm nay 30/10, Reuters đã lên một bài phóng sự điều tra rất chi tiết, kể lại những câu chuyện được chia sẻ từ nội bộ tập đoàn Intel trong suốt quá trình kể từ lúc ông Pat Gelsinger trở thành CEO của Intel, cho tới thời điểm hiện tại.
Ba năm về trước, Pat Gelsinger nhậm chức giám đốc điều hành tập đoàn Intel, với kỳ vọng hồi sinh một trong những biểu tượng của ngành công nghệ Mỹ. Nhưng rất nhanh, ông đã mắc phải sai lầm lớn đầu tiên. Khi ấy, theo những nguồn tin giấu tên, Intel có thỏa thuận rất hấp dẫn với TSMC, để đơn vị gia công bán dẫn Đài Loan chế tạo những die chip xử lý mà Intel chưa làm được với mức giá giảm rất sâu.
Phá hỏng cả thỏa thuận giảm giá 40% chi phí gia công chip
Thế nhưng, thay vì chăm chút cho mối quan hệ hợp tác ấy, ông Gelsinger lại chọn cách hy vọng vào việc tự chủ công nghệ gia công bán dẫn của chính Intel. Rồi ông khiến các quan chức TSMC cảm thấy mếch lòng vì những tuyên bố như thế này: “Bạn sẽ không muốn bỏ hết trứng vào chung một giỏ ở một fab đặt tại Đài Loan.” Tuyên bố kể trên được đưa ra vào tháng 5/2021.
Đến tháng 12, trong những nỗ lực kích thích đầu tư cho các fab trên đất Mỹ, ông tuyên bố tiếp: “Đài Loan không phải là một nơi ổn định.”
Trước công chúng, TSMC chối bỏ nhận định này. Nhà sáng lập TSMC, tiến sĩ Morris Chang thì công khai nói trên truyền hình rằng Gelsinger “là một người bất lịch sự.” Còn phía sau cánh cửa tập đoàn, TSMC nói sẽ hủy thỏa thuận chiết khấu với giá trị không thể tin nổi mà họ đã dành cho Intel. Bình thường chi phí gia công một wafer silicon trên tiến trình 3nm TSMC là khoảng 23 nghìn USD. Nhưng TSMC sẵn sàng giảm giá 40% cho Intel trên mỗi wafer họ gia công. Chỉ vì tuyên bố của Gelsinger, tỷ suất lợi nhuận mà Intel có được trên mỗi sản phẩm họ bán ra thị trường đẫ giảm khủng khiếp.
Hiện giờ ngoài mặt, Intel vẫn cho biết họ đang có mối quan hệ hợp tác ổn định với TSMC. Còn TSMC thì vẫn coi Intel là một khách hàng quan trọng.
Những tuyên bố đánh giá thấp tầm quan trọng của TSMC nói riêng và đảo Đài Loan nói chung, trong mắt nhiều người, là một trong rất nhiều những cú bước hụt của Pat Gelsinger trong quá trình tại vị chiếc ghế CEO Intel của ông. Để công bằng, thì ông được thừa hưởng một tập đoàn vốn đã gặp rất nhiều rắc rối, vừa mất đi lợi thế sản xuất bán dẫn, lại vừa phải nhường cho những đối thủ cạnh tranh thị trường chip xử lý smartphone đầy tiềm năng. Đến cả cuộc đua phát triển chip xử lý AI, Intel cũng đang phải bám đuổi AMD và Nvidia.

Đối với CEO Gelsinger, ông tạo ra được kỳ vọng rất lớn đối với tiềm năng sản xuất bán dẫn cũng như sức mạnh phát triển AI trong mắt các đối tác và khách hàng lớn. Nhưng rồi những kỳ vọng đó chuyển thành thất vọng. Có lúc họ mất hợp đồng, có lúc thì phải hủy hợp đồng gia công cho các hãng khác, cũng có lúc Intel không tạo ra được những con chip với hiệu năng như đã hứa hẹn. Những dự báo mà Gelsinger đưa ra trước công chúng về giá trị những thương vụ bán chip AI đều quá cao so với những dự báo trong chính nội bộ tập đoàn.
Quảng cáo
Và cũng giống như TSMC, Gelsinger kỳ vọng Intel sẽ trở thành một foundry gia công bán dẫn cho các công ty khác. Nhưng những nỗ lực rút ngắn khoảng cách về công nghệ và kỹ thuật gia công so với những cái tên hàng đầu thế giới gặp những trở ngại, trì hoãn và những vấn đề kỹ thuật.

Phía Intel khi được Reuters hỏi thì đưa ra tuyên bố chính thức như thế này: “Pat đang dẫn dắt quá trình hồi sinh lớn nhất, táo bạo nhất và có hệ quả to lớn nhất lịch sử nền kinh tế Mỹ. Ba năm rưỡi kể từ khi ông bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi đã có những tiến bộ vượt bậc, và chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.”
Kế hoạch 4 năm
Năm 2023, doanh thu của Intel co lại còn 54 tỷ USD, giảm gần 1/3 so với trước thời điểm ông Gelsinger nhậm chức CEO Intel. Các nhà phân tích đưa ra dự báo, năm 2024, Intel sẽ lỗ 3.68 tỷ USD, lần đầu tiên công ty báo lỗ kể từ năm 1986. Hôm thứ 2 vừa rồi, giá một cổ phiếu Intel đạt ngưỡng 22.92 USD, giảm 2/3 so với thời điểm đỉnh cao là vài tháng sau khi ông Gelsinger nhậm chức CEO.
Những con số kể trên ngay lập tức khiến tất cả mọi người nói về khả năng Intel bị mua lại và những thương vụ sáp nhập tiềm năng. Còn ở thời điểm hiện tại, tin chính thức là Intel đã cắt giảm 15 nghìn nhân sự.
Đương nhiên Intel không để họ bị xao nhãng bởi những tin đồn sáp nhập hoặc bị mua lại khỏi mục tiêu hoàn thành kế hoạch 4 năm triển khai thành công 5 tiến trình bán dẫn để hồi sinh tập đoàn. Intel tuyên bố như thế này, dưới thời ông Gelsinger, họ đã thay đổi quy trình vận hành, có được khoản hỗ trợ lên tới 45 tỷ USD từ chính phủ Mỹ, dẫn đầu thị trường AI PC, và đạt được tốc độ sáng tạo “thần tốc chưa từng có trong lịch sử.”
Quảng cáo

Intel cho biết, tiến trình gia công bán dẫn 18A của họ đang tạo ra những wafer với tỉ lệ chip đạt chuẩn cao, và “kỳ vọng vào năm 2025 sẽ trở thành đơn vị dẫn đầu về gia công bán dẫn toàn cầu” khi tiến trình này chính thức ra mắt. Họ nói rằng, không nên tin tưởng những “tin đồn, thông tin rò rỉ, những thông tin nửa vời và những cuộc phỏng vấn với mục tiêu thu thập những thông tin tiêu cực về Intel.”
Nhưng giữa lúc TSMC vẫn đang phục vụ tốt những khách hàng của họ, những tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh, không nhiều hãng tin tưởng và kỳ vọng tích cực với những nỗ lực phát triển tiến trình gia công bán dẫn của Intel. Theo nhà phân tích Toshiya Hari của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs: “Nếu thứ bạn cần là hiệu năng xử lý, cho dù là hôm nay, ngày mai, năm sau, vài năm nữa, chắc chắn bạn sẽ không đánh bạc với Intel.”

Đương nhiên, bộ trưởng thương mại Mỹ đương nhiệm, bà Gina Raimondo vẫn khẳng định hồi tháng 9, rằng việc tự chủ sản xuất nội địa Mỹ là một chính sách quan trọng để đảm bảo chuỗi cung ứng.
Những khó khăn của Intel cũng là ví dụ ám chỉ cho tình hình chính sách công nghiệp Mỹ. Lời hứa tạo ra dịch vụ gia công bán dẫn đã khiến chính quyền tổng thống Biden có hy vọng rằng Intel sẽ chính là cái tên đưa ngành gia công bán dẫn trở lại đất Mỹ, được Mỹ kiểm soát.
Văn hóa công ty
Chuyến hành trình gắn bó với Intel của ông Gelsinger bắt đầu từ tận năm 1979, khi ông mới 18 tuổi. Dưới sự dìu dắt của Andy Grove, CEO khét tiếng khó tính và yêu cầu cao khi ấy của Intel, Gelsinger mô tả thời ấy đi làm “giống như đi nha sỹ không được dùng thuốc giảm đau.” Sau đó, ông trở thành giám đốc kỹ thuật đầu tiên của Intel, nhưng rời khỏi tập đoàn vào năm 2009 khi Intel tái cơ cấu.
Khi ông rời khỏi tập đoàn từ năm 2009 đến 2021, văn hóa doanh nghiệp cũng thay đổi theo. Không còn văn hóa tranh luận có tính xây dựng với bằng chứng là dữ liệu cụ thể như trước kia nữa. Rồi Intel cũng lần lượt bỏ lỡ không ít những cơ hội khổng lồ tiến vào những thị trường mới. Họ chỉ bám víu lấy mảng được coi là thế mạnh của họ, chip xử lý máy tính cá nhân và máy chủ.

Trong khoảng thời gian ấy, Intel bỏ lỡ cơ hội sản xuất chip xử lý cho iPhone, rồi sau này là bỏ lỡ luôn cơ hội đầu tư cho OpenAI.
Tháng 2/2021, sự trở lại của Gelsinger được coi là cú hích cần thiết đối với Intel. Các nhà đầu tư ăn mừng sự trở lại của ông ở vị trí tổng giám đốc điều hành tập đoàn. Giá cổ phiếu Intel khi ấy tăng gần 7% đúng trong ngày Intel công bố CEO mới. Còn các nhân viên thì vui mừng vì cuối cùng cũng có một người làm công nghệ trở về dẫn dắt công ty.
Trong mắt ông Gelsinger, Intel cần triển khai kế hoạch ở tốc độ điên cuồng. Ông cũng đầy năng lượng, hoạt náo, thậm chí chống đẩy trước khi lên sân khấu nói chuyện tại những sự kiện của Intel tổ chức.

Canh bạc mà ông Gelsinger thực hiện đối với tương lai của Intel được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tháng kể từ khi ông nhậm chức CEO: Một foundry toàn cầu đủ sức cạnh tranh với TSMC. Tháng 3/2021, ông đưa ra lời hứa đầu tư 20 tỷ USD cho hai fab ở Arizona. Tháng 7 năm ấy, ông cho biết Intel sẽ phát triển 5 tiến trình gia công bán dẫn trong vòng 4 năm. Một trong số đó là 18A, một gói những công nghệ gia công bán dẫn đang được phát triển, thứ mà ông Gelsinger kỳ vọng sẽ đưa Intel trở lại ngôi vương.
Ông thúc đẩy các nhà lập pháp ở hạ viện Mỹ cấp những khoản viện trợ cho ngành gia công chip Mỹ. Tháng 1/2022, ông đứng cạnh tổng thống Biden để công bố việc đầu tư thêm 20 tỷ USD cho hai fab ở bang Ohio. Khi ấy, CEO Intel nói với Reuters rằng Intel sẵn sàng đầu tư 100 tỷ USD để biến nước Mỹ trở thành “địa điểm gia công bán dẫn lớn nhất hành tinh.”
5 lý do để tin tưởng
Doanh số chip bán dẫn, kéo theo đó là những thiết bị công nghệ và điện tử bùng nổ giữa thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, khi ai cũng cần laptop và smartphone mới để làm việc ở nhà. Đến mùa xuân năm 2022, giá sản phẩm thương mại tăng mạnh, và khi mọi người trở lại văn phòng làm việc, tình trạng suy thoái của thị trường diễn ra. Doanh thu chip xử lý PC của Intel giảm 25% chỉ trong quý II năm 2022. Rồi họ mất cả thị phần chip xử lý máy chủ vào tay AMD. Giữa lúc đó, Amazon và Google bắt đầu tự phát triển và sản xuất chip xử lý chuyên biệt để dùng trong máy chủ.
Gelsinger kêu gọi nhân viên giữ niềm tin. Trong những đoạn video chia sẻ nội bộ, ông liệt kê 5 lý do để tin tưởng vào Intel. Trong những đoạn video đầu tiên, ông kêu gọi nhân viên “tin tưởng sâu sắc trong trái tim và tâm hồn rằng những ngày tuyệt nhất của Intel sắp tới.”
Intel thì nói rằng Gelsinger “luôn cân bằng sự lạc quan với góc nhìn rõ ràng về những thử thách để đạt được mục tiêu đã đặt ra.”

Với các đối tác và khách hàng, Gelsinger cũng lạc quan. Ông quản lý quá trình thương thảo và ký kết thỏa thuận sản xuất chip cho tập đoàn Alphabet, phục vụ cho dàn xe taxi tự hành Waymo của tập đoàn này. Hai vị CEO Gelsinger và Sundar Pichai đã không thiếu những lần đích thân tự đàm phán thỏa thuận. Nhưng tới khi dự báo về kết quả kinh doanh và nghiên cứu công nghệ của Intel trở nên tồi tệ hơn vào năm 2022, họ phải hủy thương vụ sản xuất chip cho Waymo, và phải trả một khoản tiền phạt sau khi Alphabet dọa kiện.
Sandra Rivera, người từng điều hành nhóm phát triển chip xử lý data center của Intel, hiện giờ là CEO của Altera, đơn vị phát triển chip xử lý thuộc Intel nói rằng, nhóm của cô đã phải hủy thương vụ với Waymo và Alphabet sau khi quá trình tái cơ cấu tập đoàn đã bắt cô cùng nhân sự cấp dưới phải đưa ra “những quyết định về toàn bộ quá trình kinh doanh.”

Tháng 10/2022, Gelsinger công bố việc cắt giảm chi phí vận hành để củng cố Intel, nhưng cùng lúc vẫn đổ tiền xây dựng những fab gia công bán dẫn mới. Khi ấy họ nói rằng, với việc dừng vận hành vài mảng kinh doanh và thanh lọc nhân sự, năm 2023 họ sẽ tiết kiệm được 3 tỷ USD chi phí vận hành.
Dưới sự điều hành của ông Gelsinger, khi ông bắt đầu gia nhập, tổng số nhân sự Intel là khoảng 111 nghìn người. Cuối năm 2022, con số đó tăng lên 132 nghìn người.
Khoảnh khắc ChatGPT
Tháng 11/2022, Intel có một đối thủ cạnh tranh mới, không phải dưới hình thái một tập đoàn mà là những sản phẩm thương mại. Những GPU máy chủ của Nvidia được dùng để vận hành ChatGPT, dịch vụ chatbot AI của OpenAI, thứ có thể tạo ra những dòng văn bản như con người viết ra theo lệnh của người dùng. ChatGPT trở thành ứng dụng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất hành tinh. Còn Nvidia thì có lúc trở thành tập đoàn giá trị vốn hóa cao nhất hành tinh.
Ban đầu, như cái tên gọi của nó, chữ G trong GPU mô tả nhiệm vụ xử lý đồ họa cho máy tính, phần lớn là để chơi game, rồi tới việc sử dụng thiết kế và những tác vụ sáng tạo khác. Nhưng rồi các kỹ sư phát hiện ra rằng, vận hành AI cũng giống hệt xử lý game ở chỗ, cũng là những phép tính số thực dấu phẩy động, cũng là những phép tính phải thực hiện song song đồng thời, và cũng là những phép nhân ma trận rồi tensor giống hệt như xử lý đồ họa trò chơi điện tử.

Với số lượng nhân tính theo đơn vị hàng nghìn, thậm chí hàng vạn, GPU của Nvidia chứng tỏ là một lựa chọn hoàn hảo hơn rất nhiều so với những CPU Xeon Platinum của Intel.
Nhờ đó, trong vòng 8 tháng, giá cổ phiếu của Nvidia tăng gấp 3 lần, tạo ra một tập đoàn giá trị vốn hóa 1 nghìn tỷ USD. Còn về phần Intel, giá cổ phiếu trồi sụt. Lương cơ bản của nhân sự cấp trung bình bị giảm, giới hạn những khoản thưởng. Bản thân CEO Gelsinger cũng chấp nhận giảm lương. Tuy nhiên cổ phiếu và những khoản thưởng ông nhận được trong năm 2023 thì tăng từ 11.6 triệu lên 16.9 triệu USD.
Cùng thời điểm này, Gelsinger đưa ra kỳ vọng rất lớn vào những con chip Gaudi, chip tăng tốc xử lý AI, được Havana Labs của họ phát triển và TSMC gia công có thể trở thành lựa chọn thay thế cho chip của Nvidia.

Những nhóm chuyên trách kinh doanh ở Intel đưa ra ước tính nội bộ là họ có thể đạt được doanh thu chip xử lý AI ở mức khoảng 500 triệu USD. Nhưng trong một cuộc họp với các giám đốc cấp cao diễn ra hồi quý II năm 2023, ông Gelsinger nói rằng con số này không đủ cao. Theo ông, Intel cần phải nói với các nhà đầu tư phố Wall rằng tiềm năng doanh thu chip xử lý AI của Intel phải đạt ít nhất 1 tỷ USD, giữa lúc doanh thu thực của Nvidia ở cùng mảng sản phẩm cao hơn nhiều lần.
Vậy là ông Gelsinger khoe khoang về con số 1 tỷ USD trước công chúng. Tháng 7/2023, khi công bố báo cáo tài chính, ông đã nói với các nhà phân tích thị trường về “sự bùng nổ nhu cầu sản phẩm AI,” rồi cho biết thêm: “Kế hoạch ra mắt sản phẩm và cơ hội của chúng tôi trong năm 2024 đang tăng vọt, kỳ vọng doanh thu đạt trên 1 tỷ USD, và sau đó là tiếp tục tăng trưởng, với chủ đạo là những con chip Gaudi.”
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2024/10/8503271_8x-Intel-Gaudi-3-OAM-in-UBB-1.jpg)
Theo một nguồn tin giấu tên, khi ông Gelsinger công bố thông tin ấy, Intel vẫn chưa đạt được thỏa thuận với TSMC để sản xuất đủ nguồn cung chip xử lý Gaudi trị giá 1 tỷ USD. Sau khi ông Gelsinger yêu cầu đạt mục tiêu 1 tỷ USD, Intel phải tính toán lại, đẩy cả những chip xử lý máy chủ không liên quan tới mảng AI để chiều lòng CEO.
Intel nói rằng những gì ông Gelsinger chia sẻ đồng nhất với dự báo nhu cầu của các khách hàng chứ không phải doanh thu thực tế: “Không có công ty nào biến dự báo thành 100% doanh thu cả. Chúng tôi không xin lỗi vì đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho nhân viên, và chúng tôi sẽ luôn cố gắng vượt qua mục tiêu đã tự đặt ra cho bản thân.”
Đến tháng 1/2024, Intel nói với các nhà đầu tư rằng tiềm năng họ sẽ có những đơn hàng chip xử lý AI trị giá lên tới 2 tỷ USD. Rồi đến tháng 4 vừa rồi, con số thực tế cuối cùng cũng được chia sẻ: 500 triệu USD.

Nhiều lúc, Gelsinger đã nói với lãnh đạo những tập đoàn đối tác của Intel, rằng họ có thể tạo ra những sản phẩm thay thế cho GPU của Nvidia. Trong số những tập đoàn đó có cả Microsoft và Amazon Web Services. Nhưng khi các đối tác hỏi thêm thông tin, thì các giám đốc của Intel không có được dữ liệu cụ thể để chứng minh cho điều đó. Nhiều thương vụ đổ bể vì lý do ấy.
Cùng lúc, Intel cũng gặp khó khăn trong việc triển khai một chiến lược phát triển và bán chip AI hợp lý. Năm 2019, họ đổ tiền nghiên cứu ba dự án cùng lúc: Một GPU của họ tự phát triển, và hai chip xử lý tăng tốc tính toán mô hình AI từ hai startup họ đã mua lại và sáp nhập vào tập đoàn. Không có dự án nào trong số đó cho phép Intel thu hẹp khoảng cách với Nvidia và AMD hết.
Khó khăn trong gia công bán dẫn
Gelsinger vẫn giữ vững tầm nhìn và kế hoạch của ông bất kể những khó khăn mà Intel vấp phải. Còn Intel thì khoe về những dự án mở rộng và xây mới fab gia công bán dẫn với kinh phí lên tới hơn 60 tỷ USD.
Mùa hè năm nay, CEO Intel phải ra lệnh tạm hoãn kế hoạch xây dựng vài dự án fab bán dẫn. Cùng lúc, tham vọng của Intel với 18A, đem nó sản xuất chip cho các hãng khác cũng đang bị đặt dấu hỏi. Nhiều nguồn tin không chính thức mô tả việc đối tác của Intel không hài lòng với những gì mà những con chip sản xuất trên tiến trình 18A tạo ra.

Đó là Broadcom. Đối tác sản xuất cả chip phục vụ trong ngành cơ sở hạ tầng mạng lẫn phần mềm này đã đặt mua chip sản xuất trên tiến trình 18A. Nhưng khi ký kết hợp đồng, tiến trình này của Intel chưa sẵn sàng gia công thương mại cho đối tác bên ngoài. Tỷ lệ chip xử lý 18A đạt tiêu chuẩn Broadcom đặt ra, theo nguồn tin hồi tháng 9 của Reuters, chưa đầy 20%. Con số này còn thua cả tỷ lệ chip đạt chuẩn khi TSMC bắt đầu quá trình gia công thử nghiệm một tiến trình mới.
Broadcom thì nói họ chưa kết thúc giai đoạn xác thực chất lượng chip mà Intel sản xuất cho họ.
Cùng thời điểm Reuters dẫn nguồn tin mô tả những rắc rối giữa Intel và Broadcom, Intel đưa ra thông cáo báo chí khẳng định năm 2025 vẫn sẽ là thời điểm tiến trình 18A được thương mại hóa, và đã cung cấp công cụ thiết kế chip để các đối tác và khách hàng tạo ra những thiết kế chip gia công trên tiến trình này.

Một tài liệu được rò rỉ gần đây của một nhà cung ứng cho Intel thì nói rằng, 18A sẽ bị trì hoãn. Đối tác này cho biết vẫn đang đợi bộ công cụ thiết kế chip xử lý mà họ cần từ phía Intel. Các khách hàng tiềm năng thì không kỳ vọng nhiều vào việc Intel sẽ thương mại hóa được tiến trình 18A cho tất cả mọi đối tác và khách hàng vào năm 2025. Tất cả sẽ phải đợi đến năm 2026.
Apple và Qualcomm, cùng vài khách hàng tiềm năng khác của Intel, vì lý do kỹ thuật, đã từ chối tiến trình 18A.
Giữa tháng 9, trả lời phỏng vấn Reuters, ông Gelsinger thừa nhận Intel còn nhiều việc phải làm, nhưng vẫn tự tin vào kế hoạch hồi sinh tập đoàn của ông: “Tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ làm được. Những gì diễn ra 3 năm qua chứng tỏ điều đó. Nó sẽ trở thành hiện thực.”
Theo Reuters