[Phụ kiện camera] Về kính lọc cho ống kính máy ảnh, phân loại và công dụng

tuanlionsg
8/5/2021 11:9Phản hồi: 31
[Phụ kiện camera] Về kính lọc cho ống kính máy ảnh, phân loại và công dụng
Kính lọc (filter) là một phụ kiện gắn thêm vào ống kính. Khác nhau giữa chúng chủ yếu là về công dụng, mục đích sử dụng và hiệu ứng của nó khi ánh sáng đi qua. Vì là gắn thêm vào ống kính, nên sẽ có tác động vào chính nguồn sáng đi vào ống kính, tạo ra những thay đổi nhất định. Sự thay đổi đó là do ý muốn của người sử dụng cần thiết và chọn đúng loại kính lọc để có bức ảnh kết quả như ý. Đây là bài chia sẻ cho anh em tham khảo, tuỳ nhu cầu và ý muốn để trang bị thêm cho mình kính lọc phù hợp.



Nói chung về kính lọc


Về hệ thống kính lọc cho ống kính máy ảnh, chúng ta thấy khá đa dạng sản phẩm và phân loại công nghệ. Chẳng hạn: Các loại kính lọc dùng cho mục đích bảo vệ ống kính thường được gọi là kính lọc tráng phủ lớp UV, có hãng đầu tư lớp tráng phủ HD nano để đảm bảo chất lượng; nhóm Cir-PL với thiết kế với tính năng riêng được dùng thông dụng khi chụp phong cảnh; nhóm kính lọc ND đa dạng hơn để chụp với tốc độ màn trập chậm hơn bình thường; Một số loại kính lọc đặc chủng khác như IR / IR cut (infrared) là loại sử dụng cắt bước sóng ánh sáng để thu nhận hình ảnh kiểu hồng ngoại như cách anh em hay lột cảm biến để chụp diệp lục của cây xanh. Gắn filter IR thì sẽ tiện hơn nhiều lần và hiệu quả. Có loại Half ND điều tiết tương phản vùng sáng/ tối để phân tách phần màu chủ thể… và các nhóm kính lọc liên quan đến hiệu ứng và màu sắc khác. Tất cả các loại đều có nhiều đường kính tuỳ chọn thông dụng từ 52 55 58 62 67 72 77 82 (mm), một số loại đặc thù có kính thước nhỏ từ 37mm - 112mm.

4.jpg

Về hình dạng của kính lọc


  • Loại tròn vặn vào trước ống kính
    Là loại kính lọc hình tròn, gắn trực tiếp vào phía trước đầu ống kính. Khác nhau về đường kính, độ dày, và các loại thông dụng là kính lọc bảo vệ (UV), CPL, ND hoặc các loại hiệu ứng, kính lọc màu.
5.jpg

  • Loại thả vào đuôi ống kính
    Là loại có đường kính nhỏ thả vào khe nhỏ ở đuôi ống kính, và thường là với ống kính tele / super tele có đầu ống kính kích thước lớn vượt quá đường kính kính lọc thông dụng.
3.jpg

  • Loại vuông / chữ nhật gắn vào giá đỡ (holder)
    Là loại có hình dáng là một miếng kính vuông có tỷ lệ phổ biến là 4x4 / chữ nhật 4x6, được sử dụng với một giá đỡ gắn ở phía trước ống kính. Loại này vì gắn qua một giá đỡ nên có thể di chuyển để thay đổi hiệu năng đặc trưng của các loại kính lọc. Hiệu quả trong loại ảnh phong cảnh.
collage 1.jpg

Về chất lượng của kính lọc


Thị trường xưa nay có các hãng kính lọc đã tạo được uy tín như B+W, Heliopan xuất sắc về chất lượng và đắt tiền. Có mặt ở thị trường Việt Nam muộn hơn nhưng không kém chất lượng thậm chí cạnh tranh ở một số dòng cao cấp là Hoya hoặc Tiffin cũng tạo niềm tin chất lượng và giá hợp lý. Các loại kính lọc vuông có các nhãn hiệu như Singh-Ray, Hi-tech, Lee … là các nhãn hàng chất lượng cao. Có một số dòng kính lọc được thiết kế rất đặc biệt như B+W đã có uy tín, hoặc như Hoya Filters Nano HD cao cấp, hoặc các sản phẩm cao cấp khác được tráng phủ rất nhiều lớp (super multi-coated), có lớp tráng phủ tĩnh điện, để có được tính năng chống bám bẩn, không loang nước/ chất lỏng kiểu như hiệu ứng lá sen mà vẫn đảm bảo được chất lượng ánh sáng đi qua.
14.jpg

Thiết kế chất liệu càng ngày các nhà sản xuất làm mỏng hơn, giảm đi cảm giác thô kệch ở đầu ống kính, hạn chế sự suy giảm lượng sáng đi qua kính lọc rất thấp, có độ cứng cao hơn các loại thông thường. Đặc biệt là kính lọc dùng để bảo vệ ống kính, hoặc là không dùng, hoặc là nên dùng loại cao cấp có chất lượng cao như vậy.
13.jpg

Quảng cáo



Mình trải nghiệm và thấy rằng, khi đã dùng kính lọc để chụp hình là anh em đã có đòi hỏi kết quả hình ảnh khá cao, về mặt đáp ứng hiệu quả thị giác và cả về chất lượng của chính bức ảnh. Phụ kiện gắn thêm liên quan đến ánh sáng là rất quan trọng. Nên, suy xét về chất lượng của một thấu kính khi mua sử dụng là nên cẩn thận. Có nhiều loại trên thị trường, mình vẫn thấy tiền nào của đó, hoặc cùng chất mà xấp xỉ không nhiều. Nên ưu tiên chất lượng cao về kính lọc, hoặc không sử dụng kính lọc khi chụp hình.



Về kính lọc bảo vệ ống kính (UV / Skylight)


Câu trả lời là có và không.

Đây là loại kính lọc trong suốt được sử dụng đơn giản là chỉ để bảo vệ thấu kính mặt trước ống kính, như: đề phòng va chạm rủi ro dễ tạo ra trầy xước ống kính, nứt vỡ, tích tụ bụi bẩn, cát mịn… bề mặt ống kính. Như đã nói bên trên, ngày nay các hãng vẫn sản xuất loại này, cải tiến về chất lượng rất cao để đảm bảo lượng sáng đi qua.
16.jpg

  • Có. Rất cần. Khi bạn thường đi chụp ở môi trường cát bụi… là người cẩn thận, bảo vệ đồ dùng của mình, nhất là ống kính rất nhạy cảm với mọi thứ bên ngoài khi đã mở nắp. Đặc biệt, bạn là người đi du lịch, gió bụi hay cát mịn bay vào bám ở bề mặt ống kính, phải lau chùi thì tổn hại cho lớp tráng phủ nếu không đúng cách. Nhưng, nếu có… gắn kính lọc công dụng bảo vệ ống kính thì bạn cần mua một kính lọc chất lượng, tốt, có thể giá sẽ cao hơn các loại thông thường một chút, nhưng nên như thế. Đừng tiếc để tốn nhiều hơn.
  • Không. Ngày nay, các ống kính đều có lớp tráng phủ mặt trước rất tốt, không như ngày xưa dễ bong tróc khi lau chùi… Nên việc gắn thêm một thấu kính phía trước là thừa. Nên sẽ không nên dùng một kính lọc không chất lượng, không những không có lợi mà tổn hại thêm; hoặc là bạn rất hiếm khi đi chụp. Mua máy rồi cất kỹ. Hoặc chỉ chụp trong nhà cho người thân gia đình, không ra ngoài trời, không chụp dã ngoại, không đi chụp ở những môi trường gió bụi, mưa, cát… có sự tác động dễ gây tổn hại cho ống kính. Cũng có nhiều người gắn kính lọc để bảo vệ khi di chuyển thôi, khi chụp thì sẽ tháo ra, sử dụng kính lọc thay thế cái nắp đậy.
17.jpg

Quảng cáo



Thực tế, thì người dùng rất đắn đo khi chọn mua hàng cao cấp cùng loại, giá cả có thể xấp xỉ hoặc hơn kém chút, nhưng cả hai đều tốt. B+W được ưa chuộng do thương hiệu truyền thống từ sớm ở VN, nhiều người dùng; Hoya thì được tiếng là liên tục cải tiến với công nghệ của hãng chuyên quang học ống nhòm, thiên văn, hiển vi… và có các nhãn hiệu khác cũng nhiều tính năng mới, mỏng hơn, cứng hơn, đa dạng và hiệu quả thực tế hơn.

3936414_Workshop_chia_se_ve_kinh_loc_filter_-_Camera.tinhte.vn-48.jpg

Về kính lọc CPL (Circular polarizing filters)


Có một loại kính lọc rất cần cho mọi người chụp ảnh, đặc biệt những người thích chụp phong cảnh thì gần như nên có, đó là kính lọc Polarizing. Đây là kính lọc có cấu trúc đặc biệt không giống các kính lọc khác, hiệu ứng màu sắc không thể hoặc rất khó thực hiện giả lập trong phần mềm xử lý hậu kỳ. Một trong những công dụng nhiều người biết của kính lọc Polariser là ngăn chặn các tia phản xạ từ bề mặt phẳng phi kim loại như gương kính, mặt nước. Khi gắn kính lọc này, gần như máy ảnh có thể lấy nét xuyên qua mặt gương, mặt nước mà không bị phản chiếu, giảm chói, nổi khối cảnh vật… Thường thì Filter Polarizer giảm khoảng 2 khẩu. Chẳng hạn bạn chụp một cảnh đúng sáng với khẩu f/11 và tốc độ màn trập 1/125giây, thì khi gắn filter polarizer, vẫn giữ khẩu f/11 thì tốc độ màn trập sẽ là 1/30 giây.
18.jpg
Thường dùng kính lọc CPL khi:
  • Chụp xuyên mặt nước, xuyên gương kính (kính xe hơi chẳng hạn), loại trừ được ánh sáng phản chiếu bề mặt.
  • Giúp bão hoà màu sắc đầy đặn hơn, loại trừ ánh sáng phản xạ.
  • Giúp kiểm soát được ánh sáng phản xạ tuỳ mức độ bằng cách xoay các mức trên kính lọc để chụp bề mặt sáng bóng, gương kính xe hơi bị ướt, phản chiếu thân xe...
  • Giúp chụp tốc độ màn trập chậm hơn khoảng 0.75 -2 khẩu khi cần thiết
  • Khi chụp ảnh phong cảnh, mây trời cuồn cuộn… hầu hết các tình huống khi gắn kính lọc phân cực (polariser) đều giúp cho ảnh ấn tượng hơn.

12.jpg

Các trường hợp hiệu quả khi chụp mặt nước soi bóng có tính chất phản chiếu hình ảnh màu sắc xung quanh, chụp bề mặt gương ở văn phòng ra ngoài cảnh vật có filter polar sẽ không bị soi bóng vào gương, chụp xuyên gương xe hơi, vật thể thuỷ tinh, ... Cir Polarizer phổ biến hiện nay ngoài thị trường có hai vòng xoay, một vòng gắn cố định vào đầu ống kính, một vòng để bạn xoay đến cung nào tuỳ theo đối tượng chụp cho hiệu quả ưng ý nhất. Các trường hợp này, nhờ kính lọc polariser, bạn có thể kiểm soát được sự các bề mặt phản chiếu, giảm độ chói sáng.
11.jpg

Về kính lọc ND (Neutral density)


Thường dùng khi chụp ảnh phong cảnh, vùng nước chuyển động như biển, sông, thác… bạn chụp một khung hình có sự chênh lệch ánh sáng, gắn ND filter thì bạn giảm đi lượng sáng đi qua trong cùng thời lượng, như vậy bạn kéo dài được thời gian cửa trập máy ảnh mở, và hiệu ứng “phơi sáng” với thời gian dài được thực hiện. Chẳng hạn chụp ban ngày với thác nước đổ trở thành dải lụa mềm mại mà không bị hiện tượng overexposure ta hay gọi là “cháy sáng”, dòng sông với hiệu ứng đóng băng, hay hiệu ứng nước mềm mại phẳng mịn phủ qua những tảng đá rong rêu trước ngược sáng bình minh… chụp hiệu ứng động - tĩnh giữa ban ngày trong phố thị, chụp pháo hoa ban đêm… Rất nhiều ứng dụng thực hành nhiếp ảnh với kính lọc ND, thoả sức sáng tạo.

3936386_Workshop_chia_se_ve_kinh_loc_filter_-_Camera.tinhte.vn-20.jpg
Có loại ND phân cấp (Graduated neutral density / GND) chia độ tối dần từ hai phần của thấu kính, được sử dụng khi khung ảnh có vùng ánh sáng mạnh (mặt trời bình mình/ hoàng hôn) và phần ánh sáng yếu (vùng đất hoặc cây cối). Bằng cách gắn GND vào mặt trước ống kính, cân bằng được độ tương phản cho khung ảnh có độ chênh sáng như vậy được hiệu quả hơn. Các loại kính lọc này cũng có nhiều mức độ khác nhau (stop - giảm khẩu) có độ chuyển từ vùng sáng đến vùng tối. Cũng như ND, loại này hiệu quả đặc biệt cho việc chụp ảnh phong cảnh có tiền cảnh tối và bầu trời sáng.
9.jpg

Chọn mua kính lọc với các công nghệ nói ở trên, tinh xảo từ thiết kế chất liệu thấu kính, các lớp tráng phủ tĩnh điện chống bám bụi bẩn hay hơi nước, mục đích chính vẫn là để chất lượng ánh sáng tốt đi qua ống kính vào cảm biến, độ sắc nét chi tiết được đảm bảo, lượng sáng đều khắp diện tích, cản các loại ánh sáng hồng ngoại và khả kiến như nhau, màu sắc chính xác hơn, độ bền sử dụng cao. Bạn có thể sắm cho mình ND hoặc GND tuỳ nhu cầu và mục đích chụp ảnh.
10.jpg

Về kính lọc hiệu chỉnh màu


Ở ngoài thị trường có loại kính lọc hiệu chỉnh màu này. Trước đây, thời máy ảnh dùng phim thì loại này được sử dụng rất nhiều, đặc biệt khi chưa có phần mềm xử lý ảnh như PS. Nay, loại này hiếm được dùng hơn. Đó là các kính lọc thay đổi nhiệt độ màu ấm / lạnh, đổi màu hoặc bù màu làm nổi bật một màu sắc nhất định… dùng để thay đổi tăng cường màu sắc cho khung hình. Tất cả bộ lọc màu này ngày nay có thể làm trong khâu hậu kỳ bằng phần mềm, nên có thể chỉ được dùng với anh em chụp ảnh phim, không hậu kỳ. Anh em tham khảo cho biết.
7.jpg

Về kính lọc chụp cận cảnh (Close-Up)


Là loại kính lọc có hiệu ứng phóng đại dùng như giải pháp thay thế ống kính macro để chụp cận cảnh các vật thể nhỏ. Dùng một kính lọc hoặc ghép nhiều kính lọc này lại với nhau để chụp với ống kính bình thường sẵn có, và không thường xuyên chụp macro vì có thể tháo lắp khi cần mà thôi. Tuy nhiên, các kính lọc này không thể có khả năng phóng đại như ống kính macro chuyên dụng, chất lượng hình ảnh cũng không thể tương đương, nó chỉ như kính lúp giúp phần nào chụp cận cảnh vật thể hơn thôi. Giải pháp “ít tiền” cho một nhu cầu ở mức hiệu quả nhất định mà thôi.
6.jpg
8.jpg

Về kính lọc có hiệu ứng đặc biệt


Phổ biến nhất là kính lọc tia sao, giúp tạo thêm sự lấp lánh của các nguồn sáng như đèn đường, đèn Noel, một điểm sáng và có thể cả mặt trời … tạo ra từ hai, bốn, tám tia sáng. Loại này ngày nay cũng ít thông dụng, vì có thể tạo tia sáng trong phần mềm hậu kỳ ảnh rất dễ dàng. Tia do kính lọc cũng ít tự nhiên, khác với tia sáng được chụp khi khép khẩu nhỏ (f/11 - f/22) của nguồn sáng đèn đêm là bằng cách khép khẩu chụp tốc độ cửa trập chậm tạo hiệu ứng ảnh rất tự nhiên, lượng tia tương ứng theo số lá khẩu.
DSC00281-2.jpg
1-2.jpg
31 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thông tin hay, tks bác chủ 👍🏽
hongphuc9x
TÍCH CỰC
3 năm
Bài của bác Tuấn chất lượng quá
MrLightX
ĐẠI BÀNG
3 năm
Mình đang tìm các loại kính lọc CPL, có loại nào 2 tr đổ xuống mà không bị giảm chất lượng hình ảnh không các bác ?
phongdinh89
ĐẠI BÀNG
3 năm
@QuangHho Bác nghiên cứu thử filer của hãng Meco nhé
kduycntt
ĐẠI BÀNG
3 năm
@QuangHho Filter CPL của Marumi bán bên Nhật 1 cặp có 300 k VND, gắn vô chụp trời xanh ngắt, về phản chiếu thì chỉ giảm phần nào thôi, nếu quên điều chỉnh độ phản chiếu có khi ảnh chụp ra màu nhạt hêch.
xyzmen
CAO CẤP
3 năm
Bài của anh Tuấn thì luôn chất lượng.
Tiện cho mình hỏi cách làm hiệu ứng kéo hình ảnh qua lại thì làm cách nào ạ?
@xyzmen Chèn 2 hình giữa code:
Thử xem được không nha bạn.
xyzmen
CAO CẤP
3 năm
Thanks anh Tuấn. Cho mình xin đoạn code được không ạ?

Mình gửi hình vì gõ nó ko hiện ra.
71EC9C20-F30C-4090-BE4C-1150E40AD76C.jpeg
Sẵn em bổ sung thêm 1 tip là nên mua filter có kích thước lớn nhất theo ống kính mình có. Nếu găn trên len nhỏ hơn thì mua thêm step up để dùng lại chứ không cần mua lại filter đó
12_11_59_16_10_2013.jpg
ht12
ĐẠI BÀNG
3 năm
@zombie01 Chính xác luôn, mình mua xong rồi mới nghĩ tới chuyện này
@zombie01 Cảm ơn bạn.
nghiemanhtuc
ĐẠI BÀNG
3 năm
@zombie01 Vậy bác đã nghĩ tới trường hợp tối góc do dùng step up chưa ?
@nghiemanhtuc Mình chưa bị bác. Nhưng mình không phải chụp dịch vụ nên crop lại tí cũng chẳng sao. Còn hơn phải xuống tiền mua thêm cái filter khác.
nghiemanhtuc
ĐẠI BÀNG
3 năm
@zombie01 Vậy chắc bác chụp dải từ 35 đổ lên rồi :3
ht12
ĐẠI BÀNG
3 năm
Tối qua mới thức tới 2h sáng nghiên cứu mấy cái này xong giờ mới thấy bài này
@ht12 Oh, bổ sung cho bài thêm đầy đủ bạn nhé <3
ht12
ĐẠI BÀNG
3 năm
Anh cho hỏi thêm là nếu chụp da người ngoài nắng thì xài CPL hay ND cho da mềm hơn với đỡ gắt hơn?
phongdinh89
ĐẠI BÀNG
3 năm
@ht12 CPL nhé bác
@ht12 Mình thấy một số bạn dùng CPL
nghiemanhtuc
ĐẠI BÀNG
3 năm
@ht12 soft filter hoặc khéo thì bác có thể dùng ống DC =))
Trantucuong
ĐẠI BÀNG
3 năm
@ht12 1. Cái này bạn tìm hiểu thêm về kính lọc Soft focus & Diffusion và (low) Contrast control xem vì bạn muốn da mềm và đỡ gắt, mình không rõ vì không phải tay chuyên nghiệp.
2. Còn chụp dưới nắng gắt thì mình nghĩ nên dùng kính lọc ND để giảm độ sáng trong khi vẫn mở khẩu lớn được, có loại giảm từ 0.1, 0.2 đến 1.0, 1.5, ... fstop. Để chế độ chụp chân dung, giảm sharpness, contrast, Saturation thêm nếu cần.
3. Việc dùng CPL có thể giúp giảm 1-2 fstop nhưng nó làm tăng contrast và Saturation thì không hợp với chân dung.
vtbhappy
ĐẠI BÀNG
3 năm
Thanks bác chủ. Bài hay quá
@vtbhappy Cảm ơn bạn ủng hộ.
phongdinh89
ĐẠI BÀNG
3 năm
Em thấy dân chuyên phong cảnh hay xài cao cấp là của hãng Nisi, thấp hơn là hãng Benro
aod_1176411
ĐẠI BÀNG
3 năm
CPL nào ok các bác nhỉ
về phần cứng cũng có nhiều filter phết nha
long_pn
TÍCH CỰC
3 năm
Đang dùng kính lọc ND để quay video trên điện thoại, mục đích chống hiện tượng video bị giật khi tốc độ màn chập bị đẩy lên cao.
Trantucuong
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bài viết của bác bác rất dài nhưng chưa có nội dung. Em cũng đang băn khoăn về vấn kính lọc. Và hướng đến Hoya, Marumi do giá cả dễ chịu cho ống kính phi 82mm của em. còn B+W, Heliopan thì rất tốt nhưng giá quá cao.
1. Về CPL thì thấy Hoya có UX, Fusion, HMC, HD Nano. Marumi có Fit&Slim, DHG, Super DHG, Exus nên băn khoăn về ưu nhược điểm của những dòng này để lựa chọn.
2. ND 1000 (giảm 10 fstop) thì nên chọn hãng nào, loại nào?
3. UV chỉ để chống bụi, xước, vô tình chạm vào nên em mua Marumi DHG, nhiều lúc chụp thì tháo ra.

Những thông tin đó mới quan trọng, nên rất mong là bác Tuấn có nhiều kinh nghiệm chia sẻ cho mọi người để biết để mua.
Ví dụ: Hoya HD Nano giá hơn 3tr, còn dòng UX giá chỉ bằng 1 nửa vậy hiệu ứng chặn tia phản xạ có giống nhau không? có nên đánh đổi?
Trước em cũng hay đọc Camera Tinhte thời bác Thanh, nhưng giờ chỉ giới thiệu không có nội dung nên không tha thiết vào đây nữa. Ví dụ như mấy tháng trước tìm hiểu về Sigma art 24-70 mà không một trang đánh giá nào của VN nói về vấn đề bụi, đến khi chuẩn bị mua đi mượn được mới thấy nhiều bụi quá nên phải chạy sang các diễn đàn nước ngoài thì mới có thông tin mình cần. Còn viết chung chung thế này thì nên để hãng hoặc nhà bán hàng viết.

Cảm ơn bác Tuấn.
thích nhất CPL đi đâu chụp cũng ra ảnh sắc nét nổi khối
giờ mới biết có kính lọc cận cảnh
Kính để chụp phơi sáng hoàng hôn nên mua loại nào giờ mọi người

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019