Phương pháp giáo dục trẻ con của người Do Thái có gì hay?

VNKids
13/6/2022 3:17Phản hồi: 2
Phương pháp giáo dục trẻ con của người Do Thái có gì hay?
Người Do Thái nổi tiếng trên thế giới về sự thông thái, khả năng ghi nhớ và khả năng làm giàu. Rất nhiều người có khả năng kinh doanh kiệt xuất và đa số họ thông thạo từ hai thứ tiếng trở lên. Làm thế nào một dân tộc không chiếm quá 1% dân số thế giới lại đóng góp nhiều ý tưởng và sáng tạo đột phá nhất cho nhân loại? Trong thế kỷ 20, người Mỹ gốc Do Thái chiếm khoảng 3% dân số Mỹ nhưng giành 27% số giải Nobel khoa học của Mỹ và 25% giải thưởng khoa học máy tính Turing. Họ chiếm hơn nửa số nhà vô địch cờ vua thế giới. Người Mỹ gốc Do Thái là nhóm dân tộc có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Theo danh sách của Forbes trong 400 Tỷ Phú Hoa Kỳ có đến 48% là người gốc Do Thái và có đến 40% quỹ từ thiện tại Mỹ cũng do người Do Thái thành lập.
image.png
Có một thắc mắc muôn thuở IQ (chỉ số thông minh) của người Do Thái cao là bẩm sinh hay do giáo dục? Nếu nói là do bẩm sinh thì không còn gì để bàn nhưng nếu là do cả hai thì chúng ta hãy xem cách giáo dục trẻ em của người Do Thái có gì hay hơn các dân tộc khác trên thế giới?

Từ ngàn xưa người Do Thái đã xem tri thức là loại vốn đặc biệt mà không ai có thể cướp mất của mình, nó lại có thể sinh ra vốn liếng và của cải. Các bà mẹ Do Thái dạy con từ trong bụng mẹ. Họ thường nghe nhạc, chơi đàn, hát và… làm toán cho đến khi sinh con ra. Các thai phụ làm vậy vì tin rằng bằng cách đó sẽ làm đứa bé sau này trở nên thông minh. Người mẹ chọn ăn hạnh nhân, chà là, uống dầu cá và ăn cá vì tin rằng những thực phẩm đó sẽ giúp cho con phát triển bộ não. Và đứa trẻ ngay khi chào đời, lúc còn nằm trong nôi đã được “dạy dỗ” theo những cách đặc biệt như người lớn thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng cách nói chuyện, kể chuyện, đọc thơ, đọc truyện, cho xem những hình ảnh để kích thích và tăng cường sự phát triển não bộ. Từ 1 tuổi khi vừa bắt đầu biết nói trẻ đã phải học thuộc lòng , ghi nhớ mà không cần hiểu rất nhiều bài thơ ca, kinh thánh. Họ cho rằng có hai loại ghi nhớ là ghi nhớ vô thức và ghi nhớ có ý thức. Trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng ghi nhớ vô thức càng cao cho nên từ 0 đến 3 tuổi trẻ càng được rèn luyện để ghi nhớ vô thức càng nhiều càng tốt. Sau đó nhờ sự kèm cặp giáo dục kỷ lưỡng của bố mẹ mà trẻ học giỏi toán, thơ ca, hội họa, thuộc làu kinh thánh, có nế nếp sinh hoạt học tập với năng suất cao trước khi chính thức vào học tập ở trường lúc 6 tuổi.
Đó chính là một nền tảng giáo dục vững chắc để người Do Thái phát triển vượt bậc và nổi tiếng như một một dân tộc ưu việt nhất thế giới. Phương pháp giáo dục này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu giáo dục hiện đại rằng thời gian từ 0-6 tuổi là thời kỳ tốt nhất để trẻ học ngôn ngữ, dù là hai hay ba loại ngôn ngữ cùng một lúc hay học song song với nhiều môn học khác.
image.png

Khoa học hiện đại đã chứng minh quan điểm này là đúng và trong vài chục năm qua những phương pháp giáo dục cho giai đoạn này cũng được áp dụng và mang lại những kết quả rõ rệt cho trẻ em các nước khác chứ không chỉ riêng với trẻ em Do Thái. Trong khoảng 100 năm gần đây, khởi đầu bởi các nhà giáo dục tiên phong như Tiến Sĩ người Ý là Maria Montessori mà hệ thống giáo dục dựa trên phương pháp Montessori đang được áp dụng ở rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới; nhà giáo dục hiện đại người Mỹ Glenn Doman đã nỗi tiếng với phương pháp dạy trẻ bằng thẻ nhớ; Tiến Sĩ Sally Ward với “Cùng con học nói”, hay các nhà giáo dục người Nhật như Ibuka Masaru trong quyển “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”; Shichida với “33 phương pháp phát triển não bộ cho trẻ” và “Các phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi” v…v…. đã cung cấp cho chúng ta những cơ sở lý luận vững chắc và những bằng chứng thực tế về kết quả của việc giáo dục trẻ em từ sớm là rất đúng.

Dù muốn hay không các bậc ông bà, cha mẹ Việt Nam chúng ta cũng nên thay đổi cách nhìn nhận về độ tuổi để có thể bắt đầu dạy trẻ. Chúng ta cũng có câu “Dạy con từ thuở còn thơ “ nhưng đa số chúng vẫn rất mơ hồ với thời điểm bắt đầu dạy này là mấy tuổi? Đã có rất nhiều sự bất đồng ý kiến trong gia đình về việc này. Trong khi bố mẹ dạy trẻ thì ông bà bênh vực hay ngăn cản với lý lẽ “Cháu mới 3 tuổi, còn nhỏ đâu biết gì mà bảo” “Ngày xưa bố mẹ đã dạy mày nên người như thế mà bây giờ mày bảo thế là sai sao?” Xin thưa rằng có thể nó đúng cách đây vài chục năm nhưng chắc chắn là cũng cần điều chỉnh lại để phù hợp với thời đại ngày nay. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khoa học máy tính, thông tin và sự kết nối toàn cầu trong chỉ vài thập kỷ nay đã buộc mọi hoạt động kinh tế, chính trị xạ hội phải thay đổi theo một cách chóng mặt và văn hóa, giáo dục không phải là ngoại lệ để có thể dậm chân tại chỗ.

image.png
Phương pháp “Học mà chơi, chơi mà học” chúng ta nghe đã quá quen mà có áp dụng được bao nhiêu? Con em chúng ta ở Việt Nam hiện nay học bù đầu bù cổ; học từ sáng đến 9 giờ tối chưa về tới nhà; học thêm luôn cả thứ Bảy, Chủ Nhật để cố lấy điểm cao, có thứ hạng tốt và vượt qua các kỳ thi; để đạt những thành tích mà nhà trường và cha mẹ kỳ vọng. Theo cách này trẻ đã bị biến thành những con mọt sách, những cái “máy học”. Thử hỏi nếu trẻ không được phát triển toàn diện và theo năng khiếu riêng một cách đúng đắn thì làm sao có thể trở thành những người thực sự tài giỏi, sáng tạo và khác biệt trong tương lai? Chúng ta thường khiến cho con cháu mình thêm áp lực khi chỉ biết so sánh ”con nhà mình” với “con nhà người ta” mà không tìm hiểu con nhà người ta đã được nuôi dạy theo cách nào, đã phát triển ra sao qua từng giai đoạn.

Nền giáo dục nước nhà vì nhiều lý do đã tụt hậu khá xa so với các nước tiên tiến. Có bao nhiêu cử nhân tốt nghiệp với mảnh bằng đại học bước vào đời với một sự ngơ ngác đáng thương bởi những gì họ học được chỉ là một mớ lý thuyết suông không đủ dùng với nhu cầu sử dụng lao động thực tế bên ngoài? Có bao nhiêu người được đào tạo nghề ở các trường cao đẳng đủ tự tin để nộp đơn đi làm việc ở nước ngoài với cái tay nghề còn non yếu và cái vốn tiếng Anh học suốt 12 năm mà vẫn chưa giao tiếp được?

Nếu chúng ta nhận thấy sự ưu việt “Phương pháp giáo dục trẻ con của người Do Thái “ và “Dạy con từ thuở còn thơ” là đúng và phù hợp với các nghiên cứu khoa học hiện đại thì hãy tự giáo dục con cái mình từ sớm, hãy tranh thủ “thời gian phát triển vàng từ 0 đến 6 tuổi” của trẻ, tranh thủ lúc trẻ hãy còn ở nhà để nuôi dạy trẻ đúng cách, giúp trẻ phát triển tốt nhất có thể với hy vọng trẻ sẽ phát triển vượt bậc về sau. Đừng bắt đầu quá trễ vào lúc 6 tuổi và hoàn toàn phó thác việc giáo dục con trẻ cho nhà trường và xã hội. Còn nuôi dạy trẻ thế nào cho đúng cách theo từng giai đoạn thì lại là một vấn đề lớn và thú vị để thảo luận. Hẹn gặp lại các bậc phụ huynh có cùng mối quan tâm về việc giáo dục trẻ trong các bài viết về sau.
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bài viết hay mà không ai đọc hết nhỉ
VNKids
ĐẠI BÀNG
2 năm
@dangkhoa_2808 Cám ơn bạn đã khuyến khích. Thời nay người ta thích nhìn hình hơn thích đọc chữ. Nhìn hình thì phải tếu tếu vui vui cho dù nó vô nghĩa hay cục súc. Những người viết quá nghiêm túc bị coi là thiểu số lạc hậu và lập dị nên chẳng được mấy quan tâm. Chẳng dám phàn nàn vì tất cả là duyên. Gió tầng nào gặp mây tầng đó. TVNKids trân trọng biết ơn bạn lần nữa.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019