TTBC2024

TTBC2024


Quang Trung và nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo

boyanchoi
9/7/2008 1:28Phản hồi: 8
Không ngạo nghễ như Caesar - một vị hoàng đế La Mã cổ đại - nhưng Quang Trung hoàng đế có một niềm tin mạnh mẽ vào chiến thắng cuối cùng mà đội quân của ông có thể giành được trước kẻ thù. Đó là những chiến thắng được xây dựng từ nghệ thuật dụng binh thần tốc, táo bạo và nắm chắc thời cơ.

Thế kỷ 16, Đại Việt chìm trong chia cắt: hết cuộc chiến giữa tập đoàn phong kiến Trịnh-Mạc cho đến cuộc đối đầu triền miên giữa dòng họ Trịnh-Nguyễn. Cuối thế kỷ, cục diện đàng trong đàng ngoài chính thức hình thành và kéo dài mãi từ đó đến gần hai thế kỷ sau.

Đất nước lâm nguy, vua chúa cả hai miền chỉ lo vơ vét của cải, ăn chơi hưởng lạc, khiến nhân dân lầm than. Trong bối cảnh ấy, không ít cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Tuy nhiên, chưa cuộc khởi nghĩa nào thắng lợi.
Năm 1771, trên vùng Tây Sơn Thượng Đạo (An Khê, Gia Lai ngày nay), 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ phất cờ khởi nghĩa. Được nhân dân ủng hộ, trong vòng 12 năm, từ 1777-1789, nghĩa quân Tây Sơn liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách: lật đổ 2 tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn; đánh tan 5 vạn quân Xiêm và đè bẹp 29 vạn quân Thanh Xâm lược.
Trong suốt chặng đường chiến đấu, Nguyễn Huệ đã không chỉ chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc mà còn là một nhà cầm quân tài ba. Những gì ông làm, không phải vị tướng nào cũng thực hiện được.
Táo bạo - Đòn phủ đầu không ngờ
Một trong những điểm nổi bật trong cách dụng binh của Nguyễn Huệ là sự kết hợp giữa tài chỉ huy quân sự và tính cách cá nhân: táo bạo, thần tốc và vô cùng tự tin.
Trong cuộc phản kích tiêu diệt quân Xiêm (1785), thay vì chọn khúc sông Mỹ Tho có địa hình thuận lợi cho việc phục kích như đoạn từ Cái Bè đến Bình Chánh Đông, ông lại chọn khúc Rạch Gầm - Xoài Mút - một khúc sông rộng và địa hình trắc trở hơn để đặt phục binh.

Còn trong cuộc tiến công từ Phú Xuân ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh (1789), Nguyễn Huệ - khi đó đã là vua Quang Trung - chọn cách tấn công vào Thăng Long từ phía Nam. Đó là khu vực quân Thanh bố phòng cực kỳ kỹ lưỡng. Nhưng đó cũng là hướng quân Thanh chủ quan nhất, vì chúng đinh ninh rằng mình ít có khả năng bị tấn công, thế nên ông đã quyết định ra đòn phủ đầu.
Đợt phản kích quân Thanh theo hướng này diễn ra rất chóng vánh: chỉ trong vòng 6 ngày, kể từ khi xuất binh (Đêm 30 tết) đến khi tiêu diệt hoàn toàn quân Thanh trong trận Đống Đa (ngày mồng 5 tết).
Biến thần tốc thành sức mạnh
Nhưng sự táo bạo chỉ phát huy được sức mạnh của nó nếu cuộc tấn công được triển khai nhanh chóng, thần tốc và bất ngờ.
4 năm sau trận chiến một ngày ở Rạch Gầm - Xoài Mút, đội quân của Nguyễn Huệ lại làm nên một điển hình mẫu mực trong lần truy diệt 29 vạn quân Thanh năm 1789.
Nếu không tính đến cuộc hành quân nhanh kỳ lạ và đến giờ vẫn còn gây nhiều tranh cãi của đội quân Tây Sơn từ Phú Xuân ra Bắc, thì chỉ nguyên cuộc phản kích quân Thanh trong vòng 6 ngày Tết Kỷ Dậu 1789 cũng đã là một bài học tuyệt vời trong kho tàng nghệ thuật quân sự.
Đêm 30 tết, quân Tây Sơn bí mật vượt sông Gián Khẩu, tiêu diệt gọn địch ở đồn tiền tiêu và cả nhóm quân do thám. Đêm mồng 3 tết, quân của ông bí mật vây đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây). Quân giặc bất ngờ, hoảng sợ hạ khí giới đầu hàng. Mờ sáng 5 tết, trong khi cánh quân Tây Sơn do đích thân Quang Trung chỉ huy bắt đầu tấn công đồn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) thì một cánh quân Tây Sơn khác nhắm thẳng vào đồn Đống Đa (Hà Nội).
Cùng lúc với hai chiến thắng đó là hàng loạt chiến thắng khác: chiến thắng Đại Áng, chiến thắng Đầm Mực, chiến thắng Nhân Mục, chiến thắng Hạ Yên Quyết. Các cuộc tấn công trên đều diễn ra một cách nhanh chóng và dồn dập đến độ quân Thanh không kịp trở tay. Chúng không còn có thời gian để thông báo, hỗ trợ hay ứng cứu nhau.
Cách đánh bất ngờ, thần tốc này luôn là tâm điểm trong binh pháp của ông. Đó là cách để bù đắp sự chênh lệch trước những đội quân đông hơn mình gấp nhiều lần. Hơn thế nữa, không chỉ là người "nhạy cảm" với thời cơ, ông còn biết cách tạo ra thời cơ để tận dụng tối đa thế mạnh của mình.
Nắm chắc thời cơ
Cuối năm 1788, quân Thanh đưa quân vào nước ta dưới danh nghĩa giúp nhà Lê dẹp loạn. Với sự bảo trợ của vua Lê Chiêu Thống, cánh quân Thanh được nhiều nhân sĩ trung thành với nhà Lê ủng hộ, nhân dân Thăng Long chưa biết nên theo ai: Tây Sơn hay vua Lê. Tình thế hoàn toàn bất lợi cho quân Tây Sơn.
Nhận được tin Lê Chiêu Thống "mời giặc vào nhà", Nguyễn Huệ nhanh chóng làm lễ, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngay sau đó, ông tập hợp quân đội, Bắc tiến, diệt quân Thanh. Tất cả những chuyện lên ngôi hoàng đế, triệu tập quân đội, rồi xuất binh chỉ diễn ra trong vòng... 1 ngày.
Với một vị tướng nhiều kinh nghiệm trận mạc, hoàng đế Quang Trung đã nhìn thấy: đây là thời cơ tốt để chinh phục lòng dân và tiêu diệt địch.
Sau này, trên đường ra bắc, ông đã dừng lại ở Nghệ An để lấy thêm quân và tham khảo ý kiến La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp về thời cơ và cách đánh quân Thanh. Câu trả lời của Nguyễn Thiếp khiến Nguyễn Huệ rất ưng ý. Nguyễn Thiếp nói: "Quân Thanh đến từ xa không biết tình hình quân ta mạnh hay yếu thế nào, không biết thế nên chiến hay nên thù thế nào. Vả nó có bụng khinh địch, nếu đánh gấp không quá 10 ngày sẽ phá tan; nếu trì hoãn một chút thì khó lòng được nó".
Hơn thế nữa, quân Thanh sẽ sớm lộ rõ âm mưu xâm lược. Đó là lúc đội quân Tây Sơn sẽ có được sự ủng hộ và giúp sức của nhân dân.
Về phía giặc, sau khi vào Thăng Long dễ dàng, quân Tây Sơn thì đã rút mãi về tận Tam Điệp (Ninh Bình) - Biện Sơn (Thanh Hóa), lại thêm được nhiều quan quân nhà Lê ủng hộ, càng gần Tết, quân Thanh càng khinh đối thủ.

Quảng cáo


Tất cả những điều đó góp phần khẳng định: đó là thời cơ tốt nhất để tận diệt quân Thanh. Cùng với việc củng cố quân đội, đốc thúc việc hành quân nhanh chóng, ông còn lưu tâm đến việc làm kiêu binh địch, khiến địch ngày càng chủ quan, tự mãn. Sự thất bại của quân thù chỉ còn là vấn đề thời gian.
Anh hùng nước Nam
Lúc tuyển thêm binh ở Nghệ An, Nguyễn Huệ đã đưa lời dụ tướng sĩ:
"Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chính luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ"
Ông hối thúc ba quân hãy đánh sao cho quân thù không còn mảnh giáp, đánh sao cho chúng không còn đường về, đánh sao cho chúng nhận ra rằng nước Nam là có chủ. Và đội quân "cốt tinh, không cốt đông" của ông tiến vào Thăng Long đúng với khí thế ấy.
Hoàng Lê nhất thống chí miêu tả sự thất bại của quân Thanh: "Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết ..., thây ngổn ngang đầy đồng, máu chảy thành suối. Quân Thanh đại bại".
Những mũi tấn công sắc sảo của quân Tây Sơn luôn giáng cho quân địch những đòn chí mạng. Bởi thế, chỉ một trận Rạch Gầm - Xoài Mút mà quân Xiêm sau này "sợ quân Tây Sơn như sợ cọp". Còn nhà Thanh cũng tắt luôn âm mưu xâm lược nước Nam từ trận đại bại đó.

Quảng cáo


(Theo VNN)
8 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Vua Quang Trung mà sống thọ thì không biết đất nước sẽ còn phát triển như thế nào nữa bác nhỉ. Có khi nước mình lại có thêm mấy tỉnh của thằng tàu. Thật tiếc là Ngài đi sớm quá.
Bác ơi. Mấy tỉnh đó có lấy được thì cũng không dám ở đâu bác. Mấy tỉnh đó to hơn cả nước mình mà. Lấy rồi mình thành Tàu hết
Trong mấy anh hùng dân tộc VN thì Quang Trung xứng đáng được đánh giá cao nhất về tài năng quân sự vì ông luôn chủ động tấn công thần tốc, dùng tài điều binh, quyết tâm sắt đá và tinh thần quân sĩ để vượt qua điểm yếu về số lượng (và trong chiến dịch xuân Kỷ Dậu là cả điểm yếu về chất lượng nữa - quân phần lớn mới tuyển ở Nghệ An trên đường hành quân). Thắng lợi của ông dựa trên tài năng chiến trường chỉ huy đánh tan quân địch chứ ko phải nhờ "vườn ko nhà trống", điều kiện khí hậu và địa hình nhiều sông ngòi, hay phòng ngự/lẩn tránh chờ quân địch tự thua.

Đặc biệt, trong chiến dịch xuân Kỷ Dâu, các tướng lĩnh cầm đầu quân Thanh như Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh, Sầm Nghi Đống đều là những danh tướng lập nhiều chiến công. Khi nghe tin Hứa Thế Hanh bị giết, Càn Long đã vô cùng thương tiếc, điều này chính sử nhà Thanh có ghi lại.

Một điểm nữa mà ít thấy sử Việt nói đến là 2 thằng cha Chiêu Tăng và Chiêu Sương (chỉ huy quân Xiêm) sau khi bị Quang Trung hủy diệt ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút chạy bán mạng về Thái, có thể do sợ tội đã giết vua, cướp ngôi, và lập ra triều đại bây giờ vẫn đang tồn tại ở Thái Lan.

Nếu Quang Trung ko mất sớm thì sao? Ko thể kết luận vội vàng là "nước ta sẽ phát triển" v.v... được. Nhiều người cho rằng VN với Quang Trung sẽ nuốt được lưởng Quảng của Tàu. Nhưng nuốt được thì e rằng mình sẽ bị đồng hóa và đang bi bô nỉ hảo hết rồi. Nền văn minh - văn hóa Trung Quốc có sức mạnh ghê gớm lắm.

Theo mình hiểu, Quang Trung là con người rất tàn bạo, gian hùng. Người dân Bắc Hà dưới thời Tây Sơn e rằng vô cùng cực khổ dưới chế độ tàn bạo nên họ mới luôn trông ngóng Nguyễn Ánh hàng năm thuận gió dong thuyền đem quân ra đánh. Nói vậy ko phải là hạ thấp Quang Trung, những công lao góp phần thống nhất đất nước, đánh tan quân Xiêm và quân Thanh để bảo vệ độc lập của nước nhà là ko thể phủ nhận. Nhưng cũng nên hiểu đúng về 1 con người vĩ nhân, 1 giai đoạn lịch sử phức tạp.

Bản thân mình rất ngưỡng mộ Quang Trung về tài năng quân sự. Nếu bác nào nghiên cứu kỹ 1 chút về chiến dịch tấn công Nguyễn Ánh lần thứ 6 (ko thành vì Quang Trung mất sớm) sẽ thấy ý tưởng và quyết tâm hết sức táo bạo của ông.
viettreo
TÍCH CỰC
16 năm
Để biết thêm về tài cầm quân của vua Quang Trung mời đọc bài sau: Link
viettreo
TÍCH CỰC
16 năm
Theo một số nhà nghiên cứu thì Lưỡng Quảng là đất của nhiều sắc dân thuộc chủng tộc Việt (phân biệt với chủng Hán ở Hoa Bắc). Hoa Nam có cả trăm sắc dân thuộc chủng Việt như thế nên được gọi chung là Bắch Việt. Thời thịnh vượng, Triệu Đà hợp nhất Bắch Việt thành đế quốc Nam Việt với lực lượng hùng mạnh đã từng đánh thắng đội quân thiện chiến của Tần Thủy Hoàng. Lạc Việt chúng ta chỉ là 1 trong số cả trăm sắc dân Bách Việt như vậy, địa bàn sinh sống ban đầu thuộc thương du và Bắc Bộ ngày nay. Theo thời gian, ngoại trừ Việt Nam chúng ta vẫn còn giữ bản sắc của chủng tộc thì hầu hết các sắc dân khác ơ Nam Hoa đã bị đồng hóa với dân Hán cả rồi. Khả năng Hán hóa của người TQ thật ghê gớm! Thế mới thấy Dân Việt mình quật cường thế nào. Trong lịch sử dân mình, Vua Lý Thường Kiệt cũng đã từng đem quân đánh qua tận Quảng Đông Quảng Tây nhưng sau đó cũng phải kéo về vì không đủ lực để giữ đất này. Vua Quang Trung cũng manh nha qua lấy đất nhưng việc chưa thành thì chết lúc mới 38 tuổi.
Lý Thường Kiệt ko phải vua mà bác. Thời đó cụ chia quân 2 cánh sang đánh phá các cơ sở vật chất chuẩn bị chiến tranh của Tống và hợp vây tiêu diệt thành Ung Châu (là Nam Ninh - thủ phủ tỉnh Quảng Tây bây giờ), ko động chạm mấy đến Quảng Đông ngoại trừ mấy đồn trại biên giới. Mục đích phá hoại là chính chứ ko phải tấn công giữ đất nên nói "sau đó cũng phải kéo về vì không đủ lực để giữ đất này" dễ gây hiểu nhầm.
Ai về Bình Định không nào, về thăm bảo tàng Vua Quang Trung ở Tây Sơn không nào?
Ai có cần hướng dẫn viên du lịch free không nào?
ki nào em ghé ra đó pác hướng dẫn cho em nha

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019