Razer DeathAdder V3 Pro: Phong cách tối giản giúp tạo ra một sản phẩm gần như hoàn hảo

P.W
10/12/2022 9:30Phản hồi: 67
Razer DeathAdder V3 Pro: Phong cách tối giản giúp tạo ra một sản phẩm gần như hoàn hảo
Câu đầu tiên có thể sẽ khiến nhiều anh em gamer lão thành cảm thấy hơi chạnh lòng vì một lần nữa nhận ra mình đã già: DeathAdder, một trong những thiết kế chuột chơi game kinh điển đã ra mắt lần đầu từ năm 2006, nghĩa là 16 năm về trước. Gọi nó là kinh điển cũng vì một lý do duy nhất. Có bao nhiêu thiết bị ngoại vi máy tính, mà xét thị trường hẹp hơn là thiết bị gaming, bán được 10 triệu sản phẩm trên toàn thế giới?



Anh em 8x đời cuối, 9x đời đầu, cái thời CS 1.6 còn thống trị làng FPS, trước cả khi Đột Kích bùng nổ quãng 2008 hẳn còn nhớ cái cảm giác đê mê khi được sờ vào lớp vỏ cao su nhám lì của chiếc DeathAdder 3500 DPI, để rồi nhận ra nhấc chuột lên khỏi pad rõ cao mới ngừng nhận tín hiệu. Những anh em đã xài DeathAdder 3500, có bao nhiêu người trong chúng ta đã phải lấy miếng băng dính mờ che lên cảm biến để nhấc chuột nhanh lúc chơi điện tử?

DSC_9203.jpg

Kể từ đó tới giờ, 16 năm, vài thế hệ DeathAdder ra mắt, nâng cấp rất mạnh cả về hai khía cạnh, cảm biến quang học và tính năng kết nối. Sau khi Razer ngừng sử dụng thương hiệu Mamba, thiết kế dựa trên DeathAdder nhưng không dây vào năm 2018, thì đến tận năm 2020, chiếc DeathAdder không dây đầu tiên mới được Razer cho ra mắt.


Anh em không theo dõi tin tức gaming gear, không đổi gear liên tục có thể không tin một sự thật. Trong suốt 16 năm lịch sử chú chuột gaming, đến giờ Razer cũng mới chỉ cho ra mắt đến chiếc DeathAdder thứ 3 hỗ trợ kết nối không dây: DeathAdder V2 Pro năm 2020, DeathAdder V2 X HyperSpeed năm 2021, và trên hình anh em xem là DeathAdder V3 Pro năm 2022.

Ở một khía cạnh nào đó, DeathAdder V3 Pro là cú lột xác choáng ngợp, tạo ra giải pháp hoàn hảo cho cả anh em try hard lẫn những gamer chuyên nghiệp. Và kể từ khi chính thức ra mắt đến giờ, bằng chứng cho thành công của V3 Pro chính là số lượng những người “chơi game kiếm tiền” nổi tiếng thế giới chuyển sang xài chú chuột không dây này, ví dụ như ZywOo, ScreaM hay ropz bên CS:GO chẳng hạn.

DSC_9228.jpg

Trên thị trường gaming chuyên nghiệp, tạm bỏ qua những cái tên siêu nhẹ như Glorious Model O, Cooler Master MM710 hay bên Hàn có Pulsar X2, DeathAdder V3 Pro có hai đối thủ cạnh tranh chính. Một là G Pro X Superlight của Logitech, và thứ hai chính là “ông anh họ" ra mắt trước đây vài tháng, Viper V2 Pro. Sự hiện diện của DeathAdder V3 Pro chính là để trám vào miếng bánh thị phần gaming chuyên nghiệp, nơi pro gamer không chấp nhận bất kỳ một khuyết điểm nào của chuột, kể cả về thiết kế, trong lượng, tính công thái học khi cầm nắm, và sức mạnh của cảm biến.

Ở ngưỡng 63 gram, DeathAdder V3 Pro nặng hơn đúng 5 gram so với Viper V2 Pro, chú chuột định hướng tới những người dùng có bàn tay nhỏ nhắn. Nhưng ở khía cạnh công thái học, cái thiết kế dành cho người thuận tay phải đã quá nổi tiếng của DeathAdder, nhất là phần thân bầu bên cạnh trái để gác ngón đeo nhẫn và ngón út, đối với mình, là thứ đủ để đánh đổi lấy 5 gram trọng lượng chuột.

So với con số 112 gram của Basilisk V3 Pro hay 106 gram của G502 X Plus thì mới xác định được DA V3 Pro nhẹ cỡ nào. Chứ nếu anh em cầm hai chiếc Viper V2 Pro và DeathAdder V3 Pro lên so sánh, chắc chắn cũng sẽ rất khó để xác định chiếc nào nặng hơn. Vậy nên mới nói, nặng hơn trên thông số kỹ thuật, chứ cầm DeathAdder V3 Pro đã tay hơn Viper V2 Pro nhiều.

DSC_9241.jpg

Nhìn hình dáng của chú chuột, rõ ràng Razer không chạy theo câu nói “đừng sửa cái gì không hỏng” như nhiều hãng đang làm. Ngoại hình của DeathAdder V3 Pro được điều chỉnh rất nhiều để phù hợp với dân chuyên, và anh em chơi điện tử “nghiêm túc”, chơi là phải thắng, thắng bằng mọi giá. Vị trí hai nút bấm không còn “loe” ra để tạo ra giá trị thuần túy mỹ thuật, như đầu con rắn hổ nữa. Thân chuột vẫn giữ được nét mềm mại, nhất là vết khoét xuống trên hai nút chuột cho ngón trỏ và ngón giữa không bị trượt, nhưng tổng thể gọn gàng hơn nhiều.

Quảng cáo



Đến cả hai nút chuột cũng được tách riêng ra, chứ không nguyên khối thân trên như những chiếc DeathAdder khác, phụ thuộc vào khả năng đàn hồi của thân vỏ để click. Cái này dám khẳng định là Razer đã có học hỏi từ thành công của G Pro X Superlight, đối thủ trực tiếp với thiết kế cũng thực dụng chẳng kém.

DSC_9215.jpg

Mọi đường cong của chú chuột này đều phục vụ mục đích thực dụng, để trong những pha xử lý căng thẳng nhất, bàn tay có mồ hôi vì căng thẳng tới đâu cũng không bị trơn trượt. Đấy cũng chính là lý do toàn bộ bề mặt nhựa của DA V3 Pro phủ lớp nhám như một tờ giấy viết, pattern vân nổi sát nhau và sần hơn nhiều so với Viper V2 Pro. Sờ chiếc này rất đã và lạ tay, nhưng bù lại dễ bám bẩn, nhất là trên chiếc màu trắng mình đang sử dụng. Đổi lại, vân nhám này khó bám dầu và mồ hôi hơn vân nhám của Viper.

DSC_9211.jpg

Nếu sợ bàn tay quá nhiều mồ hôi, thì 4 miếng dán cao su cho hai cạnh chuột và hai nút bấm cũng vẫn được Razer tặng kèm khi anh em mua món đồ chơi giá hơn 3 triệu Đồng này. Nhưng chỉ có lựa chọn màu đen, dán lên chuột trắng không hợp lắm. Cũng có những giải pháp grip tape khác màu trắng từ các nhà sản xuất thứ ba, ví dụ Corepad chẳng hạn.

DSC_9207.jpg

Quảng cáo



Đó là về ngoại hình. Còn về tính năng kết nối và phần cứng bên trong, Razer không thay đổi bất kỳ thông số nào của Viper V2 Pro, giữ nguyên cảm biến quang học tốc độ tối đa 30.000 DPI, giữ nguyên kết nối duy nhất là Hyperspeed 2.4 GHz kết nối qua dongle, và thậm chí thời lượng pin cũng tương đương với Viper V2 Pro, tức là cỡ 90 tiếng cho mỗi lần sạc, nếu dùng với dongle 1000Hz. Đến cả nút bấm dưới đáy chuột cũng ở y nguyên vị trí của Viper V2 Pro, cho phép vừa bật tắt, vừa đổi tốc độ chuột theo 5 mốc đã chỉnh trước đó qua phần mềm Synapse.

Và như anh em thấy trong hình dưới, bố cục và hình dáng feet teflon của Viper V2 Pro như thế nào, thì DeathAdder V3 Pro y hệt, kể cả miếng teflon nhỏ bao xung quanh cảm biến.

DSC_9243.jpg

Cảm biến 30.000 DPI Focus Pro cho tới thời điểm hiện tại vẫn là cảm biến quang học mạnh nhất mà Razer sở hữu. Với Asymmetric Cut-off, DA V3 Pro cho phép người dùng tuỳ chỉnh lên đến 26 mức độ cao nhấc và hạ chuột tuỳ vào thói quen sử dụng, so với 3 mức như thế hệ Viper trước. Nó sẽ kết hợp với Smart Tracking nhờ vào Focus Pro để có thể duy trì khoảng cách nâng hạ nhất quán cho dù nó được sử dụng trên bề mặt nào, cho phép kiểm soát và độ chính xác cao hơn.

Nếu như không chơi những game bắn súng eSport, không chỉnh chuột cực chậm để mọi cú vẩy chính xác nhất, dẫn đến hệ quả là phải nhấc chuột liên tục vì diện tích pad có hạn, chắc chắn người dùng sẽ không nhận ra lợi ích quá lớn của Asymmetric Cut-off.

DSC_9212.jpg

Còn trong khi đó, Smart Tracking là yếu tố quan trọng nhất giúp Razer có một bộ phận không nhỏ pro gamer chuyển sang dùng cả DA V3 Pro lẫn Viper V2 Pro. Nó vận hành không khác gì tính năng V-Sync trên màn hình, đồng bộ tín hiệu để giảm thiểu tuyệt đối sai lệch vị trí nhận diện tín hiệu khi mắt đọc vận hành, kể cả ở hai ngưỡng tần số nhận tín hiệu 1000Hz với dongle HyperSpeed, và 4000Hz với dongle HyperPolling bán riêng. Không có Smart Tracking, thì không thể bàn tới độ chính xác của cảm biến Focus Pro.

Còn với Motion Sync, cảm biến sẽ đồng bộ hóa các tín hiệu của nó theo khoảng thời gian chính xác mà PC của bạn trích xuất thông tin, đảm bảo bạn sẽ nhận được các thông tin mới nhất về vị trí chuột của mình để theo dõi nhất quán hơn.

DSC_9242.jpg

Kết hợp tất cả những thứ kể trên vào một chú chuột nặng 63 gram, chúng ta có một món vũ khí đáng gờm, tạo cảm giác vẩy chuột tự nhiên nhất có thể, không phải gồng cơ tay kéo chú chuột lúc ngắm bắn. Và ở trong bàn tay của những người chuyên nghiệp, để mô tả dễ hiểu, một khi đã quen với trọng lượng chuột và tùy chọn DPI cùng tốc chuột trong game, thì trọng lượng chuột sẽ tạo ra cảm giác nó… tự di vào mặt địch. Đương nhiên nếu bắn trượt thì đấy là do kỹ năng, không phải do thiết bị. Nói vui theo cách của nhiều anh em trên mạng internet bây giờ, thì "vấn đề ở trên ghế chứ không phải trên máy."

Nhưng cũng cần công bằng, vì DeathAdder V3 Pro không phải chú chuột gaming hoàn hảo. Nó nhẹ, thiết kế công thái học quá ổn, cảm biến thì chính xác, còn thời lượng pin 90 giờ liên tục cũng không chê vào đâu được. Từ lúc cầm chú chuột này xài, mình chưa tắt đi lần nào cả, vì đặt chế độ 5 phút không dùng thì tự động đưa vào trạng thái sleep.

DSC_9206.jpg

Vấn đề của DeathAdder V3 Pro nằm ở chính nỗ lực giảm tối đa trọng lượng chuột. Mình có thể tạm bỏ qua chuyện nó không có đèn hay kết nối Bluetooth, vì không gamer chuyên nghiệp nào cần nó cả. Nhưng cái không thể bỏ qua là anh em sẽ phải cất dongle rất kỹ, vì trên thân chuột không có chỗ cất. Cái này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách khoét một lỗ dưới đáy chuột, đủ không gian nhét dongle vào, nhưng Razer quyết định không làm vậy.

Anh em buộc phải cắm dongle vào máy tính hoặc laptop, hay trên cục stand lót cao su chống trượt để trên bàn, nối với cọng cáp. Sơ hở đãng trí là có khi mất ngay vì nó nhỏ xíu. Lúc nào muốn sạc pin thì anh em phải tháo stand ra cắm dây USB-C vào chuột. Một vấn đề khác chính là ở cọng cáp bọc vải. Chỉ có nó mới cho phép anh em cập nhật firmware cho DeathAdder V3 Pro. Mình thử cáp USB-C khác đầu nhỏ đủ vừa khe kết nối rồi, cắm được, xài được, sạc được, nhưng không update được firmware.

Vấn đề thứ hai của DeathAdder V3 Pro là nút cuộn hơi mềm và dễ lăn. Dùng hàng ngày giải trí công việc thì thích, nhưng tới khi vào những trận đấu căng thẳng, anh em nào quen nhảy bằng con lăn, nhấc chuột thả xuống nếu mạnh tay có thể vô tình kích hoạt con lăn, thế là nhân vật sẽ nhảy lên 1 cái. Chẳng thiếu giải đấu game nơi một cú nhảy cũng định đoạt thắng bại, mà dân chuyên nghiệp thì khó tính, nên cũng cần đề cập.

DSC_9230.jpg

Suy cho cùng, ở mức giá hiện giờ nhiều cửa hàng đang bán DeathAdder V3 Pro, cỡ 3,4 triệu Đồng, nó không rẻ một chút nào cả. Bản thân đây cũng là một sản phẩm đánh vào thị trường ngách. Nó không có đèn RGB, không có những kết nối tiêu chuẩn mà những chú chuột gaming cùng tầm giá khác sở hữu, thay vào đó là một sản phẩm đúng phong cách tối giản, tập trung vào những thứ quan trọng nhất, cho một đối tượng người dùng duy nhất.

Nhưng đối với họ, với những tay chơi cạnh tranh từng hiệp đấu, từng mạng hạ gục, từng pha xử lý để giành lấy phần thưởng hàng triệu USD của nhà vô địch, thì DeathAdder V3 Pro là một trong những lựa chọn tốt nhất. Ở cái thị trường ngách ấy, lựa chọn không nhiều, và đôi khi không thể so sánh tính năng và linh kiện bên trong, mà một người sẽ chọn chuột dựa vào cảm giác cá nhân. Chí ít thì tính đến thời điểm hiện tại, Razer cũng đang có những thành công khi giành được một phần thị trường pro gamer với DeathAdder V3 Pro.

DSC_9240.jpg

Gọi DeathAdder V3 Pro là chú chuột gaming hoàn hảo nhất thời điểm hiện tại, ắt sẽ tạo ra những tranh cãi trong cộng đồng, vì nhu cầu mỗi người một khác. Nhưng có một điều chắc chắn, đây là mẫu DeathAdder xuất sắc và hoàn hảo nhất trong toàn bộ 16 năm lịch sử sản phẩm này kể từ 2006.
67 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

se7envo
ĐẠI BÀNG
một năm
cái phần bọc đen dán thêm là đi theo kèm chuột hay là phải mua ngoài vậy bác ơi
@se7envo Kèm theo đó bác, mọi thứ trong hình í đều bán kèm chuột
Giá cao quá 3,5tr
nf7xxx
ĐẠI BÀNG
một năm
Cầm dòng này sướng tay. Cầm quen tay khó thay sang dòng khác đc.
Vãi chuột. Tầm giá này thì cao thủ hay gamer chuyên nghiệp cũng ít người xài. Dành cho dân review là chính
@farcry2708 đồ razer vừa đắt vừa dỏm bác nhỉ
@toilachi9 Y quan niệm tui luôn đồ màu mè chất lượng vl 😆
Đang yên vị với Logitech G502 X Plus, form DeathAdder thì ok nhưng h thích chuột có chỗ để ngón cái hơn :v
@grozar Con đó chơi tạp rõ ràng ngon hơn chứ bạn tôyyyyy
@grozar Mình cũng mới mua 1 con, chuyển từ G603 sang thấy nhẹ quá lại phải mò đi mua thêm cục tạ 10g và cái nắp đậy, mọi thứ đều ổn chỉ có cái mất kết nối Bluetooth, hơi buồn vì giờ không dùng cho macbook được nữa.
@grozar con 502 x plus thì thôi coi như endgame rồi còn gì 😆
@namphuong000 Chưa đâu bác, với những bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế như em thì chưa perfect được, thay con lăn và bổ sung thêm kết nối bluetooth nữa thì mới ok được.
CuogTR
TÍCH CỰC
một năm
con này thì đẹp và tối giản nhưng lại sợ bẩn khi dùng quá. đang nghiên cứu con lift ông à
@CuogTR à Lift thì đâm luôn ông ơi, ko phải nghiên cứu =))
CuogTR
TÍCH CỰC
một năm
@P.W 1 chai 6 lận xót lắm
CuogTR
TÍCH CỰC
một năm
@P.W @P.W với cũng băn khoăn là cái cao su bọc viền và trên con lăn chuột theo thời gian có bở và rã ra giống với cái dây sạc của apple ko
giá cao quá
Con này màu trắng nhìn đẹp mà sang quá.
Mình đang dùng chuột razer deathadder essential sau gần 5 năm thì hư mất con lăn, còn lại khá là oke
Có silicone chỗ nào trên con này hem
@cosmos47 khum pạn ơy
cái giá cho sự tối giản không hề đơn giản =)))
Thôi t dùng chuột 7000đ có led cuộn và pin rời từ aliexpress đỡ vậy ;))
IMG_20221216_104533.jpg
IMG_20221230_132710.jpg
IMG_20221230_132832.jpg
cho mình hỏi cái DPI có thể gán vào chỉnh trái phải con lăn ko? Mình hay dùng nút DPI mà thấy để ở dưới đáy chuột ko tiện lắm
@confidential17 con lăn đâu có nhích trái phải như Pro Click với Basilisk đâu bác
Rev
CAO CẤP
một năm
mình cũng đang dùng 1 con DeathAdder , khá ngon trong tầm giá 😁
@Rev 3tr5 thì Logitech G502 X có vẻ là 1 đối thủ đáng gờm, lỗi khó chịu nhất của Lo xưa tới giờ là 2click nhưng chuyển qua quang cơ thì hết bị.
Rev
CAO CẤP
một năm
@Haiminh0912 chuột mà bị doubleclick như kiểu nhân phẩm ấy bác, hên xui 😁
@Rev Dùng lâu thì bị thôi bạn, Lo thì bị nhiều nhưng fix lại dễ mà, rp7 xịt vào mà không hết thì thay switch khác là hết.
@Rev Nhân phẩm gì bác. Logitech là chúa luôn ý. Dòng bình dân thì 10 còn hết 7 con. Cao cấp thì đỡ hơn. Lâu rồi ko dùng lại ko biết đỡ hơn chưa
thực sự thích dáng con này, mình có 1 con có dây từ 2013 đến giờ mà phải thay click chuột mấy lần do bị double-click
@toilachi9 Mua đồ về thay thôi bác, dễ mà = )))
@longhons đang xài con anywhere 2s đây, con DA để dự phòng thỉnh thoảng lôi ra xài, còn thay sw cho con DA trước mình thay suốt 😆
@ntlong2603 thay switch DA như nào bạn ơi, mình có con DA Elite mua từ 2018 đến nay có dấu hiệu bị dính chuột trái
@vodanhdaisu Mình order sw omron về rồi lấy tay hàn thay sw, nhà bro có mỏ hàn thì làm chuyện này 5p là xong ấy mà
Razer, IE 3.0 là những con chuột kinh điển bắn CS 😃
Ngày xưa đánh solo DotA được tài trợ 1 con DA tu 2009 xài 5 năm vẫn ngon
PopPyVn
ĐẠI BÀNG
một năm
G304 dùng từ năm nào không nhớ rõ nữa,cảm thấy hài lòng 😃
Quá định, phong cách tối giản mà hiệu quả!
ShiLveR
ĐẠI BÀNG
một năm
Thời chơi CS 1.6, đi thi đấu mà nhìn ai full gear razer là ngầu lòi luôn, tai nghe thì Sen HD555 hoặc SS Siberia, ngày đó đa số chơi IE 1.1A, IE 3.0, ai mà có điều kiện thì chơi DA, SS Ikari.

Set gear đầu đời ngày đó chỉ là con 1.1A, pad razer, tai nghe Siberia, đều là hàng mua 2nd, giờ có điều kiện hơn để mua sắm nhìu món sang chảnh hơn nhưng mà cảm giác set gear mua thời sinh viên nó vẫn có giá trị không thể thay thế đc 😁
@ShiLveR Bác này chắc 9x đời hơi đầu nhỉ, mình 93 nghe bác kể là thấy nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa đu bắn cs1.6 dở như hạch haha. Thời đó cứ 3 hãng Razer, Steelseries, Microsoft tung hoành. Bây giờ thì hầu như SS tụt hẳn lại phía sau, ko còn giữ phong độ, các mẫu chuột cứ tù tù thế nào.
ShiLveR
ĐẠI BÀNG
một năm
@asternartini Mình 87 bác ơi, nhưng mà thời CS 1.6 là đã chơi rồi cũng xách gear đi thi đấu rồi, ngày đó 1st.VN còn tung hoành, thời đó chơi thì chơi game non-steam, server cũng toàn server lậu, nhưng mà buổi tối anh em chơi server riêng với server lậu thì cảm giác đó tới bây giờ ko thể nào có lại dc, vì giờ đứa nào cũng lo cơm áo gạo tiền hết rồi 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019