Đèn (LED) này hỏng có thay được bóng không?
Đây có lẽ là câu hỏi của thế hệ cuối 8x, đầu 9x như mình, hoặc trước nữa. Vì thời đó mình cũng như các bạn, thường phải đi mua bóng sợi đốt mỗi khi bóng bị cháy.
Bóng đèn sợi đốt do Edison phát minh từ 1879, có tuổi thọ khoảng 1.000 giờ.
Sau này, bóng sợi đốt đã được thay thế bằng các loại bóng đèn khác như huỳnh quang, halogen, và phổ biến nhất hiện nay là đèn LED.
Đối với đèn bàn LED, có 2 loại trên thị trường:
- Loại thay thế được bóng: phổ biến nhất là loại dùng đui xoáy E27, mọi người hay gọi là đèn Pixar. Đèn loại này thì có thể gắn thoải mái các loại bóng đèn LED (gọi chính xác là LED bulb), và kể cả bóng sợi đốt đời cũ:
Đèn Pixar
Các loại bóng đèn đui xoáy E27 có thể sử dụng với đèn Pixar, từ trái sang: 2 chiếc đèn LED bulb trang trí 4W, 2 chiếc đèn LED bulb 9W và đèn sợi đốt 40W
- Loại không thay thế được bóng: là loại sử dụng các chip LED. Có rất nhiều loại chip LED như SMD, COB, DIP... nhưng đối với đèn dân dụng, phổ biến nhất là chip SMD. Loại này thường có tuổi thọ cao, từ 10.000 giờ đến 50.000 giờ. Các bạn cứ thử chia cho 4-8h mỗi ngày, rồi chia cho 365 sẽ ra sau nhiêu năm thì cần mua đèn mới.
Một số loại đèn cao cấp như Dyson có tuổi thọ bóng LED là 180.000 giờ
Ở trên là tuổi thọ của bóng LED. Những chiếc đèn có thương hiệu sẽ có thông số này. Vấn đề ở đây là các hãng thường chỉ BH đèn từ 1-3 năm mà thôi. Kể cả đèn bàn Dyson có tuổi thọ 180.000 giờ thì hãng cũng chỉ BH 2 năm.
Lí do là Driver để duy trì sáng cho đèn có tuổi thọ thấp hơn, vì thế Driver sẽ hỏng trước khi bóng LED hỏng. Ngoài ra còn tùy thuộc vào điều kiện của người dùng nữa.
Vì vậy, nhưng ai sợ hết bảo hành rồi sau đó đèn có thể bị hỏng (tương tự điện thoại hay bất kì đồ điện tử nào khác) thì có thể chọn mua đèn Pixar. Loại này đúng nghĩa: ngon-bổ-rẻ. Bạn có thể mua bóng LED bulb 9W là có thể dùng ngon rồi (lát nữa mình sẽ review chi tiết ở dưới).
I. Review các loại đèn bàn
1. Đèn bàn kiểu Pixar có thể thay bóng - đui xoáy tiêu chuẩn E27, bóng LED bulb hoặc sợi đốt
Mình test trong phòng tối và tắt hết các đèn xung quanh, chỉ bật đèn cần test. Vị trí là để máy quang phổ trên bàn chỗ trung tâm đèn rọi vào. Đèn của mình dùng để test cũng khá cao, bóng đèn cách mặt bàn 50cm (bạn nào có đèn thấp hơn thì đèn sẽ gần bàn hơn, cường độ ánh sáng sẽ cao hơn - và ngược lại)
- Bóng 1: Bóng LED 4W chip COG no-name(giá khoảng 15-20k/ bóng): độ hoàn màu CRI 82Ra nhưng rất tối, cường độ ánh sáng chỉ đạt 136LUX.
- Bóng 2: Bóng LED 4W chip COG có-name (giá khoảng 50k/ bóng): độ hoàn màu CRI 83Ra cùng công suất 4w nhưng cường độ ánh sáng 300LUX, hơn gấp đôi loại bóng no-name.
Bóng LED chip COG thường dùng cho đèn trang trí, ảnh cũ hồi mình còn setup đèn màn hình kết hợp với đèn trang trí 😁
- Bóng 3: Bóng LED 9W của Osram, ánh sáng vàng nhiệt độ màu 2700k, độ hoàn màu CRI 81Ra, cường độ ánh sáng 720LUX - quá đủ để làm việc
- Bóng 4: Bóng LED 9W của Rạng Đông, ánh sáng trắng nhiệt độ màu 6100k, độ hoàn màu CRI 83Ra, cường độ ánh sáng 870LUX - cũng rất tốt.
- Bóng 5: Bóng sợi đốt 40W, nhiệt độ màu 2500k, độ hoàn màu CRI 99Ra. Thể hiện màu sắc chân thực nhưng rất tối - cường độ ánh sáng chỉ 200LUX, còn tối hơi chiếc bóng LED chỉ 4W ở trên. Nếu bạn muốn đủ sáng để học tập thì phải chọn loại có công suất lớn hơn. Nhưng hiện nay, bóng đèn sợi đốt đã gần như đã tuyệt chủng vì độ bền thấp, nóng và tốn điện năng…
Quảng cáo
====>Kết: Với những ai muốn một chiếc đèn bàn ngon, bổ, rẻ thì chỉ cần chọn 1 đèn Pixar giá khoảng 150k, cộng với bóng LED bulb 9W chính hãng 50k nữa là ngon. Tuyệt đối tránh mấy loại bóng LED bulb no-name giá tầm 15-20k.
Một số thương hiệu bóng Led bulb mình đề xuất: Philips, Opple, Osram, Rạng Đông..., ánh sáng vàng để bảo vệ mắt, giá chỉ tầm 50-60k cho loại thông dụng nhất 9w mà thôi.
Anh em sợ mua hàng no-name, hàng pha ke... thì nên vào Shopee Mall / Lazada Mall của những thương hiệu trên mà mua. Cái này quá dễ rồi, mình ko để link ở đây.
Tuổi thọ của các bóng LED bulb chính hãng là khoảng 10.000 - 15.000 giờ, mỗi ngày bạn dùng 4 giờ thì sau 7-10 năm mới phải thay bóng. Nếu số đen mà hỏng sớm thì vài năm thay bóng hết 50k cũng không vấn đề gì.
2. Đèn bàn sử dụng chip LED không thể thay bóng
Đây là loại phổ biến nhất hiện nay, và mình cũng đã và đang sử dụng 4 loại khác nhau:2.1. Đèn kẹp no-name và đèn bàn Xiaomi 1s
- Đèn bàn Xiaomi 1s (ảnh bên phải) hồi mình mua khoảng 700k: độ hoàn màn CRI 95, cường độ ánh sáng chỉnh linh hoạt tối đa khoảng 1200Lux, trong ảnh mình chỉ chỉnh khoảng 700Lux
- Đèn kẹp no-name (ảnh bên trái): mình mua trên shopee giá ~300k, ban đầu dùng rất ngon nhưng về sau đèn bị nhấp nháy, nhìn vào rất mỏi mắt. Mọi người nên tránh mua những chiếc đèn LED giá rẻ, không có thương hiệu kiểu này.
Đèn bàn Xiaomi 1s quá ngắn, nếu dùng với màn hình máy tính sẽ bị lóa màn hình.
Quảng cáo
Đèn Led kẹp no-name bị nhấp nháy sau một thời gian sử dụng (xem trên máy tính sẽ thấy đèn bị nhấp nháy rõ hơn)
2.2. Đèn bàn Panasonic (mã NNP63933191)
Giá trên trang chủ 3,2tr nhưng thực tế mình mua chỉ 2tr. Thông số của hãng: công suất 12W, CRI 80Ra, tuổi thọ bóng Led 20.000 giờ. Bảo hành 2 năm.Mình để nguồn sáng cao hơn mặt bàn 54cm, nếu để nguồn sáng thấp hơn hay cao hơn cao độ này thì cường độ ánh sáng sẽ tăng lên hay giảm đi.
- Ảnh trái: chế độ WORK - ánh sáng trắng, bật max công suất: cường độ ánh sáng ~1000 LUX, độ hoàn màu CRI 82Ra
- Ảnh giữa: chế độ STUDY - ánh sáng trung tính, bật max công suất: cường độ ánh sáng lên đến 1700LUX, độ hoàn màu CRI 85Ra
- Ảnh phải: chế độ RELAX - ánh sáng vàng, bật max cuông suất: cường độ ánh sáng 750LUX, độ hoàn màu CRI 83Ra
Mình nghĩ khi dùng chế độ này, nên giảm cường độ ánh sáng xuống, có thể sáng quá cũng làm bạn mỏi mắt.
Đèn bàn Panasonic có 3 chế độ sáng ở chân đế, điều chỉnh cảm ứng, hoàn thiện bằng nhôm rất đẹp
2.3. Đèn bàn Ergo Edge
Sau tất cả thì đây là loại cuối cùng của mình. Loại này cũng hoàn thiện bằng nhôm, thiết kế 5 thanh - 7 trục xoay linh hoạt, có 2 phiên bản: sử dụng kẹp và đế. Em dùng loại chân kẹp cho đỡ tốn diện tích trên bàn. Loại kẹp giá cũng rẻ hơn loại chân đế: 1,45tr.Thông số của hãng: công suất 18w (nguồn sáng chính 12w, nguồn sáng phụ 6w), CRI 95Ra, tuổi thọ bóng Led 50.000 giờ. Thời gian bảo hành 3 năm 1 đổi 1 trong suốt thời gian BH.
Mình để nguồn sáng cao hơn mặt bàn 62cm, xoay đèn sao cho không bị loát màn hình/ chói mắt là đủ cường độ ánh sáng khoảng 500Lux - đủ cường độ ánh sáng tiêu chuẩn để học tập.
Mình cao 1m78 và dùng màn hình 32inch. Với những ai thấp hơn hay dùng màn hình nhỏ hơn thì cao độ nguồn sáng sẽ thấp hơn ==> cường độ ánh sáng sẽ cao hơn.
- Ảnh trái: ánh sáng trắng, độ hoàn màu CRI ~93Lux
- Ảnh giữa: ánh sáng trung tính, độ hoàn màu CRI ~94Lux - mình thường bật đèn ở chế độ này.
- Ảnh phải: ánh sáng vàng, độ hoàn màu CRI ~95Lux
Đèn Ergo Edge có 2 nguồn sáng, nhưng có lẽ chỉ thích hợp với những ai có nhu cầu đặc biệt, cần phát sáng rộng. Mình dùng máy tính thì 1 nguồn sáng là đủ, rất ít khi mình bật cả 2 nguồn sáng thế này vì nó rất chói mắt.
II. Review các loại đèn màn hình
Loại đèn này mình cũng đã dùng 3 chiếc.
Lần lượt từ trên xuống: Baseus Pro (giá ~500k), Yeelight Pro đời cũ (mình mua tầm 1,6tr) và Yeelight Pro bản 2022 (giá ~1,8tr)
1. Baseus Pro
Đây rất có thể là chiếc đèn đầu tiên đến tay nhiều người, vì giá của nó thuộc tầm trung và thương hiệu cũng khá có tiếng. Và mình nằm trong số đó :DLoại này nếu chỉ chiếu sáng bàn, gõ phím… thì nó vẫn ok. Nhưng với nhu cầu thỉnh thoảng đọc sách, viết lách như mình thì chiếc đèn này lại khá tối. Mình đo bằng máy đo cường độ ánh sáng thì ánh sáng trên bàn chỉ khoảng 200Lux- như vậy là quá thấp so với tiêu chuẩn để đọc viết 500Lux.
Baseus Pro có cường độ ánh sáng 200 Lux, khá tối nhưng vẫn đủ sáng khi chỉ dùng với bàn phím.
2. Yeelight Pro đời cũ/ đời mới
Thời điểm mình mua chiếc Yeelight Pro đời cũ thì lúc đó đời mới chưa ra. Bản đời cũ này có nhược điểm là đôi khi điện không cấp đủ cho đèn. Cộng với việc dây theo đèn khá dài và có chất lượng ko cao, vì thế đèn hay bị treo khi sử dụng. Mình đã dùng củ sạc 18W của Xiaomi mà thỉnh thoảng đèn vẫn bị treo. Nhưng dùng củ sạc 66W của Huawei thì lại ngon.Cuối cùng thì mình thanh lý cái đời cũ và dùng cái đời mới, củ sạc riêng, hoàn toàn không bị treo nữa. AE có ý định mua loại này thì nên mua loại đời mới, đắt hơn vài trăm k nhưng đỡ bực mình.
Yeelight Pro đời mới thì ngon, đủ sáng, mình đo là hơn 400lux, gần bằng tiêu chuẩn Việt Nam 500Lux nên cũng khá yên tâm.
Yeelight Pro có cường độ ánh sáng >400 Lux, sáng hơn Baseus Pro nhiều.
3. Nhược điểm chí mạng của đèn màn hình
Có một vấn đề trên các hội nhóm chia sẻ là khả năng hỏng màn hình khi sử dụng đèn loại này làm mình khá lo lắng. Bởi cái Baseus Pro thì khá nhẹ, nhưng cái Yeelight Pro đời mới thì nặng hơn nhiều.Có nhiều loại đèn khác nhau, màn khác nhau - mình thì dùng màn loại “siêu mỏng cánh” của LG, để lên trên cái đèn khá nặng nên cũng hơi ghê. Thực tế khi sử dụng thì nó có viết xung quanh chỗ đặt đèn lên.
Mình nghĩ những ai dùng màn hình có viền dày và đèn không quá nặng thì vẫn có thể dùng đèn màn hình bình thường.
Đọc thêm vài bài thấy có bác đã ra đi cái màn và phải chế thêm cái tay đỡ đèn cho cái màn hình (mới) làm mình hơi sợ và quyết định không dùng loại này nữa.
Ảnh bên trái là màn hình của mình xuất hiện vết khi đặt cái đèn Yeelight Pro lên; ảnh bên phải là của 1 bạn trên nhóm fb đã chế cái tay bằng sắt để đèn không tì vào màn hình (mới).
Các loại máy đo mình sử dụng
- Máy đo cường độ ánh sáng: chỉ đo được cường độ ánh sáng. Cái này mình mua 300k trên shopee, thông số không chính xác lắm. Thường cao hơn thực tế khoảng 50-100 Lux
- Máy quang phổ Hopoocolor HPCS320: đo được tất cả các thông số ánh sáng: cường độ ánh sáng, nhiệt độ màu, độ hoàn màu CRI... Cái này giá trên Amazon khoảng 500$, mua trên taobao thì rẻ hơn chút, order lại nhanh hơn.
- App đo cường độ ánh sáng trên điện thoại: nói chung là không chính xác, tùy app tùy điện thoại mà nó cho ra kết quả khác nhau.
Mate 40pro cho kết quả gần chính xác nhất. Iphone 14pro max thì kết quả quá thấp, P10 Plus thì lại quá cao so với thực tế
Tổng hợp độ hoàn màu CRI của một số đèn / ánh sáng mình đã từng dùng sắp xếp từ thấp đến cao:
- Đèn Pixar bóng Led bulb 9W: 81-83Ra
- Đèn Led Panasonic NNP63933191 : 82-85Ra
- Đèn Led no-name shopee 300k đã bị nhấp nháy: 87Ra
- Đèn màn hình Baseus Pro: 91Ra
- Đèn màn hình Yeelight Pro: 95Ra
- Đèn bàn Xiaomi 1s: 95Ra
- Đèn bàn Ergo Edge: 95Ra
- Ngoài trời (âm u): 98-99Ra
- Bóng đèn sợi đốt: 99Ra
- Lửa: 99-100Ra
Hà Nội mấy hôm nay hơi âm u nên CRI không lên được 100Ra
Test thử với bật lửa