TTBC23

TTBC23


Review chi tiết Synology Photos – công cụ backup ảnh và video tuyệt vời

Ngon Bổ Xẻ
1/9/2023 4:14Phản hồi: 132
Review chi tiết Synology Photos – công cụ backup ảnh và video tuyệt vời
Khi sử dụng ổ cứng mạng NAS thay thế (gần như) hoàn toàn cho các dịch vụ cloud công cộng, Synology Photos đã đáp ứng một nhu cầu mà mình đặc biệt quan tâm đó là sao lưu ảnh và video từ thiết bị di động.

Khi lần đầu mình có ý định mua và sử dụng Synology NAS, mình không tìm được quá nhiều thông tin chi tiết về trải nghiệm thực tế của Synology Photos. Đó cũng là lý do bài viết này ra đời. Trong bài viết, mình sẽ có thêm nhiều so sánh thực tế với Google Photos vì đây cũng là ứng dụng mình dùng rất lâu trước khi chuyển hẳn qua lưu trữ ảnh trên NAS.

Cho bạn nào chưa biết, ổ cứng mạng NAS của Synology có thể hoạt động như một đám mây (cloud), mình có một chuỗi bài viết tất tần tật về ổ cứng mạng NAS cho cá nhân và gia đình, các bạn có thể tham khảo thêm. Ngoài ra, mình cũng đã review rất chi tiết về Synology Drive, một ứng dụng cũng thường được sử dụng để lưu trữ và đồng bộ dữ liệu.

Nhu cầu sử dụng


Trước khi sử dụng NAS, mình thường lưu trữ ảnh trên cloud công cộng và ổ cứng di động, và rất nhiều kỉ niệm đẹp của cá nhân và gia đình đã không cánh mà bay sau 1 lần bị ăn trộm mất cái ổ cứng, và cũng rất nhiều lần khốn đốn khi phải tải rất nhiều ảnh đã lưu trữ trên các đám mây về để chuyển qua một vài nơi khác khi mà các đám mây công cộng đó thay đổi chính sách.
Screenshot-2023-07-01-at-12.16.33.png


Mình có sử dụng Google Photos một thời gian khá dài, kết hợp 2 tài khoản, 1 tài khoản lưu ảnh gốc, định kỳ sẽ chuyển chỗ ảnh gốc đó vào ổ cứng di động để lưu trữ, và tài khoản thứ 2 lưu ảnh “chất lượng cao”, để có thể lưu trữ nhiều hơn với ít chi phí hơn.

Đi đôi với cách sử dụng đó, khá mất thời gian và công sức để chuyển ảnh gốc từ cloud về ổ cứng di động, vì thường chỉ có thể tải 500 files một lần, cũng như tốc độ download không nhanh cho lắm. Tất nhiên, tốc độ backup (upload) cũng vậy.

Đó là những lý do mình cần một giải pháp mới cho việc lưu trữ ảnh và video, với những yêu cầu sau:
  • Backup ảnh, video gốc từ điện thoại đến đám mây và ổ cứng
  • Tốc độ backup (upload) và xem lại (download) nhanh
  • Dễ dàng xem lại, tìm kiếm, quản lý
Và Synology Photos đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản đó, thậm chí còn có thêm một số tính năng hữu ích hơn nữa.

Khả năng backup


Sau khi setup NAS, mình chỉ cần cài phần mềm Synology Photos từ App Store là mình đã có thể sử dụng rồi. Tính năng này hoạt động hoàn hảo, ảnh và video được sao lưu sang ổ cứng mạng NAS nhanh và ổn định, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn về tốc độ truyền tải ở phần sau của bài viết.
Chúng ta cũng có một số các lựa chọn về sao lưu như:
  • Chỉ sử dụng Wifi, nếu tắt lựa chọn này sẽ sao lưu qua Wifi và 4G
  • Chỉ sao lưu ảnh, nếu tắt lựa chọn này sẽ sao lưu cả ảnh và video
  • Có tuỳ chọn tự động đổi tên ảnh theo ngày giờ chụp
  • Ứng xử với file trùng lặp : skip hoặc rename
  • Backup destination – chọn nơi để sao lưu (mình sẽ nói chi tiết hơn ở phần sau)
Synology Photos 1.png
Synology Photos có thể tự động sao lưu dưới nền, bản thân mình thấy tính năng này hoạt động tốt và có phần nhỉnh hơn Google Photos. Đối với iOS và một số dòng máy Android, do có hạn chế của hệ điều hành, việc sao lưu dưới nền có thể sẽ tạm ngưng khi máy đang không cắm sạc, điều này cũng có xảy ra cả khi mình dùng Google Photos.

Synology cũng có thêm giải pháp cho chuyện này, đó là tính năng Focused Backup, đơn giản là mở ứng dụng + cắm sạc + kết nối wifi, tính năng này sẽ tự động làm đen toàn bộ màn hình (với màn hình oled có thể tương đương việc tắt màn hình) và tiến hành backup cho đến khi xong việc mới thôi, ứng dụng lúc này chạy xuyên suốt quá trình để hoàn thành việc backup chứ không đơn thuần là chạy dưới nền nữa.

Quảng cáo


Synology Photos 2.png
Ngoài ra, ứng dụng Synology Photos cũng có tính năng Free Up Space, sẽ giúp chúng ta giải phóng dung lượng bộ nhớ điện thoại bằng cách xoá toàn bộ ảnh và video đã được sao lưu lên ổ cứng mạng NAS, đây cũng là một tính năng mình thường dùng khi còn sử dụng Google Photos.

Tốc độ


Khi sử dụng ổ cứng mạng, tốc độ upload / download sẽ là thế mạnh khi so với các cloud công cộng khác. Mình đã có một bài phân tích và so sánh thực tế tốc độ truy xuất của ổ cứng mạng trong nhiều tình huống sử dụng khác nhau cũng như hướng dẫn tối ưu tốc độ của ổ cứng mạng, các bạn cũng có thể tham khảo lại hai bài viết đó, phần này mình sẽ chỉ tóm tắt lại một vài tình huống sử dụng.

Khi sao lưu ảnh và video lên ổ cứng mạng, server lúc này cơ bản sẽ nằm ngay trong mạng nội bộ và có tốc độ sao lưu rất cao, như trường hợp thực tế mình dùng là xấp xỉ 1Gbps (800-900Mbps). Vì vậy, công việc backup tốn ít thời gian hơn để hoàn thành. Gần như ngay sau khi chụp hình hoặc quay video, mình mở ứng dụng lên đã thấy mọi thứ nằm trên ổ cứng mạng.
ket-noi-noi-bo-nas.jpg
Trong trường hợp đi du lịch trong nước, mọi thứ cũng được backup rất nhanh chóng vì khi này kết nối mình có giữa điện thoại và ổ cứng mạng là kết nối trong nước (server trong nước). Đi chơi cả ngày chụp choẹt tẹt ga, tối về ngủ nghỉ là cho máy cắm sạc chạy backup, sáng hôm sau kiểu gì cũng xong. Đối với Google Photos đôi khi mình không đạt được chuyện đó, tối ngủ để backup sáng hôm sau có lúc vẫn đang dang dở, mình phải đổ ảnh vào máy tính thủ công để giải phóng bộ nhớ điện thoại sẵn sàng cho một ngày mới trong một chuyến đi.
ket-noi-trong-nuoc-nas.jpg
Trong trường hợp đi ra nước ngoài, tuỳ lúc có thể Synology Photos nhanh hơn, có thể Google Photos nhanh hơn, và có những lúc do giới hạn đường truyền của khách sạn, cả 2 đều bị chậm.
ket-noi-cloud.jpg

Quảng cáo


Ngày xưa, mình sẽ sao chép ảnh thủ công vào ổ cứng di động trong trường hợp việc Backup lên các đám mây quá chậm. Còn bây giờ mình sẽ sao lưu tự động không dây với BeeDrive, một thiết bị khác cũng đến từ Synology, đây là một chiếc ổ cứng di động có khả năng biến thành một chiếc NAS giúp mình backup ảnh không dây, mình đã có một bài review chi tiết, các bạn cũng có thể xem thêm tại đây.
BeeDrive.png

Xem lại


Bản thân việc xem lại ảnh và video từ Synology Photos cũng rất nhanh, tất nhiên rồi, tốc độ đường truyền cao sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đó. Ví dụ với 1 cái video Full HD hoặc 4K, nếu mở từ bộ nhớ trong điện thoại chúng ta có thể xem ngay lập tức thì mở từ Synology Photos (nếu file gốc không còn lưu trên điện thoại) có thể sẽ chỉ mất 1-2 giây để tải video với chất lượng gốc, cũng video đó nếu mở bằng Google Photos có thể sẽ mất kha khá thời gian để tải từ server (nếu file gốc không còn lưu trên điện thoại) và có thể chúng ta chỉ đang xem chất lượng thấp hơn như 720p tuỳ tình trạng kết nối.

Đối với việc xem lại ảnh Synology Photos hỗ trợ xem lại ảnh theo dòng thời gian, ngày, tháng, năm tương tự như mọi ứng dụng Photos khác. Ngoài ra, Synology cũng vẫn hỗ trợ xem ảnh theo cả cấu trúc folder, điều này rất tiện lợi với một người có thói quen chia ảnh từ nhiều nguồn vào các folder khác nhau như mình.

Synology Photos 3.png
Việc có thể chuyển đổi qua lại giữa việc xem theo dòng thời gian và xem theo folder mình thấy đặc biệt hữu ích trong nhiều tình huống, đặc biệt là với những trường hợp metadata của ảnh bị sai ngày tháng, mà phần lớn do việc lưu trữ, dịch chuyển dữ liệu trước đây không đúng cách.

Ở đây mình có đề cập lại 1 chút về khả năng sao lưu, đó là khi sao lưu từ thiết bị di động, chúng ta cũng có thể tuỳ chỉnh folder sẽ sao lưu (backup destination), ví dụ 1 folder riêng cho máy điện thoại, 1 folder riêng cho tablet. Ngoài ra, cũng có tính năng tự động tạo folder con theo năm-tháng trong folder sao lưu đã cài đặt (backup destination/2023-08).

Một điểm thú vị nữa đối với Synology Photos đó là có hỗ trợ app để có thể trực tiếp xem ảnh trên Apple TV cũng như Android TV, bên cạnh tính năng Airplay/Cast từ ứng dụng. Tính năng này tuy ít dùng đến nhưng mình thấy hữu ích nha, đã có những hôm cả gia đình mình tụ tập, mở lại ảnh và video từ 10 năm trước trên màn hình lớn để cùng xem với nhau rất vui vẻ và đầy kỉ niệm.

Digital-ads-Synology-Photos-DS220-photo-tv.jpg
Phần xem lại này Synology chỉ có một điểm yếu đó là chưa có khả năng tự tạo ra các đoạn phim, slideshow tự động kiểu đẹp đẽ theo tháng hoặc các dịp, để tổng hợp ảnh hay sự kiện nào đó gán với thời gian như Google Photos và iOS Photos. Nhưng cá nhân mình cũng ít dùng tính năng này nên mình chấp nhận được sự thiếu hụt đó. Còn tính năng slide chạy ảnh từng tấm qua lại Synologo Photos có nha, có điều cũng ít khi mình dùng.

Chia sẻ

Đây vẫn là một tính năng mình đánh giá cao trên Synology Photos. Tương tự như các giải pháp cloud công cộng, chúng ta có một vài chế độ và cài đặt chia sẻ ảnh và video như sau:

-Share Link: ảnh và video được chia sẻ dưới dạng đường link, chúng ta có thể cài đó là link DDNS hoặc QuickConnect trong
-Privacy Setting:
  • Private: chỉ có những người được mời mới được xem (user hoặc group trên NAS)
  • Public – view: ai cũng có thể xem, nhưng không download được
  • Public – download: ai cũng có thể xem và download
- Link Protection
  • Required password: có thể đặt password mới có thể xem
  • Expire on: có thể hẹn giờ hết hạn đường link chia sẻ
  • Invitee List: có thể tuỳ chỉnh danh sách người được mời khi share dạng private và cấp quyền cho những người đó (viewer, downloader, provider)
synology-photos-6.png
Ngoài ra, Synology Photos, cũng giống với Synology Drive, có một khu vực Sharing để quản lý toàn bộ những gì chúng ta được chia sẻ hoặc đã chia sẻ:
  • With me: những gì được chia sẻ với chúng ta
  • With others: những gì chúng ta chia sẻ với người khác
  • Photo Request: tạo đường link để yêu cầu người khác upload ảnh lên NAS
Với Photo request, chúng ta có thể chọn được vị trí sẽ lưu ảnh sau khi có người upload lên, cũng có thể tuỳ chọn add vào album, có thể cài đặt dung lượng file tối đa và cũng có tuỳ chọn thời gian hết hạn cho đường link đó.

Với Synology Photos, mình cũng có thể bật 2 không gian tách biệt:
  • Personal Space: không gian cá nhân
  • Shared Space: không gian chia sẻ
Shared Space để mình xem và quản lý chung ảnh của cả gia đình, còn Personal Space mình dùng để lưu trữ ảnh cá nhân. Shared Space tiện lợi ở điểm là mình không cần cài đặt share thủ công từng album cho mọi người mà chỉ cần cài đặt 1 lần từ đầu, ví dụ với nhóm user family, thì toàn bộ ảnh trong Shared Space đó đều được chia sẻ với toàn bộ mọi người trong nhóm.

Tất nhiên, ứng dụng trên điện thoại cũng vẫn chia sẻ chung menu với hệ thống, mình vẫn hoàn toàn có thể chia sẻ 1 bức ảnh từ Synology Photos bằng cách Airdrop cho một người bạn.

Nhận diện


Synology Photos có khả năng nhận diện khuôn mặt, xác định vị trí chụp ảnh và hiển thị trên bản đồ, và mới gần đây có cập nhật thêm tính năng nhận diện vật thể.

Đối với tính năng nhận diện khuôn mặt và hiển thị vị trí trên bản đồ, mình thấy hoạt động rất ổn, không có gì phải bàn nhiều về 2 tính năng này. Chỉ có một điểm nhỏ với tính năng nhận diện khuôn mặt, Synology Photos đang ở level nhận diện mặt người, còn như Google Photos ngoài mặt người còn có thể nhận mặt thú cưng nữa.

nhan dien vat the.png
Tính năng nhận diện vật thể mới là tính năng mình mong chờ và cũng đã đợi khá lâu rồi Synology mới cập nhật tính năng này hồi đầu tháng 8. Sau vài tuần sử dụng mình có đánh giá như sau:

Ưu điểm: nhận diện vật thể khá chuẩn và chính xác, hỗ trợ rất nhiều trong khả năng tìm kiếm một bức ảnh chứa một vật thể nào đó hoặc khung cảnh nào đó. Có nhận diện được bức ảnh đó là selfie hay screenshot.

Nhược điểm: khả năng nhận diện vẫn có hạn chế nhất định về số lượng ‘keyword’, có lẽ vì toàn bộ ‘thuật toán’ để thực hiện việc nhận diện được lưu trữ trên chiếc ổ cứng mạng chứ không phải một ‘siêu máy tính online’ nào đó như Google nên khả năng nhận diện chưa được tốt bằng.

Một ví dụ tiêu biểu là với Synology Photos, mình có thể tìm thấy ‘forests’ nhưng lại không nhận diện được ‘tree’, trong khi với Google Photos, mình có thể làm được việc đó. Hay là mình chỉ có thể tìm được ‘waterfalls’ chứ không thể tìm ‘water’ hay ‘river’ được. Và cũng đáng tiếc đó là keyword ‘document’ cũng là một dạng mình hay tìm kiếm thì Synology Photos cũng chưa đáp ứng.

Tóm lại ở thời điểm mình viết bài, mình thấy khả năng nhận diện của Synology Photos có tốt, đủ dùng nhưng vẫn chưa thể nào bằng được Google Photos. Tất nhiên mình vẫn rất mong chờ tính năng này sẽ cải thiện thêm trong tương lai.

Update: Mình mới đọc thêm được lưu ý của Synology đó là khả năng nhận diện vật thể chỉ hoạt động với những thiết bị có bộ nhớ Ram 4GB trở lên, các bạn có thể xem danh sách thiết bị hỗ trợ tính năng đó tại đây, một số thiết bị khi bán ra có ram 2GB sẽ phải nâng cấp ram đủ ít nhất 4GB mới có thể sử dụng tính năng này. Vì vậy, các thiết bị dòng j sẽ không hỗ trợ tính năng nhận diện vật thể, một số thiết bị dòng Plus sẽ phải nâng cấp Ram. Còn tính năng nhận diện khuôn mặt có thể hoạt động trên hầu hết các dòng NAS, kể cả dòng j.

Tìm kiếm

Google là gã khổng lồ trong việc tìm kiếm, vì vậy Google Photos có khả năng tìm kiếm bá cháy như tìm kiếm một đoạn text trong bức ảnh chụp một văn bản, hoặc tìm thấy ‘một chú cún màu đen’ (mà cũng đến từ việc nhận diện rất đỉnh). Đó là những gì mà Synology Photos chưa làm được ở thời điểm này.


Những gì mà Synology Photos tìm kiếm được đó là tên bức ảnh, tên folder chứa ảnh đó, tên người được nhận dạng (nếu chúng ta đã add tên người ứng với khuôn mặt), vật thể đã được nhận diện, địa điểm.

Khả năng tìm kiếm cũng chỉ ở mức tàm tạm, mình thường chỉ dùng khi cần tìm vật thể nào đó, còn ngoài ra, tự tìm thủ công theo thời gian hoặc địa điểm có lẽ sẽ nhanh và dễ hơn là dùng chức năng tìm kiếm.

Quản lý


Khả năng quản lý là thế mạnh của Synology Photos, như mình đã chia sẻ ở trên, chúng ta quản lý được theo folder, có thể thêm bớt bất cứ folder nào sẽ nằm dưới trướng của Synology Photos, và vì nằm trên ổ cứng tại nhà, nên việc di chuyển hay sao chép file và thư mục rất dễ dàng. Ngoài ra chúng ta cũng có thể quản lý dữ liệu của Photos như bao dữ liệu khác nằm trên NAS thông qua File Station (giống File Explore).
image-5.png
Bạn muốn sao chép một lượng lớn ảnh và video ra một chiếc ổ cứng di động hoặc USB để có thể đưa cho một người bạn, chỉ việc cắm thiết bị vào cổng USB trên NAS và copy / paste ảnh ra với tốc độ 5-10 Gbps tuỳ theo chuẩn của cổng USB và tất nhiên vẫn giữ nguyên cấu trúc của folder gốc. Tương tự với việc copy theo chiều ngược lại.

Hay khi bạn mới quay chụp bằng máy ảnh xong, có thể cắm trực tiếp máy ảnh / thẻ nhớ vào ‘cloud cá nhân’ và copy ảnh/video vào NAS qua cổng USB là đã có thể xem và sử dụng ở mọi thiết bị khác. Thay vì như cũ là phải cắm vào máy tính để copy ảnh và sau đó mới upload lên cloud.

Ngoài ra, về dung lượng của Synology Photos, vì chỉ là 1 phần của NAS, vì vậy bạn có thể tuỳ biến dung lượng lên mức rất lớn, không bị giới hạn ở các mức cơ bản như 1TB, 2TB của các cloud công cộng, mà thường giới hạn sẽ là mức tối đa mà phần cứng cho phép, và đối với NAS thì con số này thật sự rất lớn, kể cả với những ổ lưu trữ 2-4 khay dành cho gia đình và cá nhân, có thể lên tới 100-200TB.

Tổng kết

Để tổng kết bài viết, mình sẽ tóm tắt lại một số ưu điểm và nhược điểm của Synology Photos, mình chia ra ưu điểm, những điểm cơ bản mà một ứng dụng backup photos nên có và một số nhược điểm mà Synology đang phải đánh đổi hoặc cần cải thiện trong tương lai.


image.png
Với những nhu cầu của cá nhân mình trong việc backup ảnh và video cũng như lưu trữ dữ liệu nói chung, Synology Photos và Synology NAS đáp ứng đủ nhu cầu của mình và đem lại cho mình cảm giác yên tâm và tin cậy khi sử dụng.

Vẫn như bài viết trước, bài viết này mình muốn chia sẻ chi tiết cho những bạn nào đang có nhu cầu tìm hiểu thêm về NAS cũng như những bạn nào đang thấy rằng các mức dung lượng của cloud đã dần không còn đáp ứng được nhu cầu.

Nếu các bạn vẫn đang vui vẻ và hạnh phúc với các cloud, tức là nhu cầu lưu trữ của các bạn vẫn đang được đáp ứng đầy đủ, sẽ không có nhiều lý do để các bạn sử dụng NAS, trừ khi bạn muốn vọc vạch và trải nghiệm nhiều hơn. Món đồ tốt nhất là món đồ phù hợp nhất với nhu cầu.

Các bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin và một vài tính năng nữa của Synology Photos mà mình cũng chưa thể cover hết trong một bài viết này trên trang chủ nha. Nếu các bạn có thắc mắc cần giải đáp thêm về NAS, hay có bất cứ chức năng nào của Photos mà mình chưa đề cập trong bài viết, hãy cứ comment chia sẻ ở bên dưới nha, mình sẽ cố gắng giải đáp hết tất cả.

Bài viết xin được kết thúc tại đây, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi.
Ngon Bổ Xẻ có trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Youtube, Telegram, FacebookGroup chia sẻ deal hời

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

132 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

iolna
TÍCH CỰC
3 months
Mình dùng nextcloud để upload ảnh từ các thiết bị khác vào đó. Sau đó dùng google pixel để download các nội dung đó về rồi upload lên google photo không giới hạn. Tất cả gần như tự động. Nhẹ nhàng và thanh thoát.
hadryan
TÍCH CỰC
3 months
@dbdbdbdg 1TB với 2TB mà ko đủ?
dbdbdbdg
TÍCH CỰC
3 months
@hadryan 1 2TB ăn thua gì
lilw
TÍCH CỰC
3 months
@iolna nextcloud hiện tại cũng là giải pháp của mình để backup ảnh về HDD chạy qua docker. 8TB cũng ko nhiều nhưng chắc chắn là đủ so với mình hiện tại. Bao nhiêu hình ảnh chụp từ thời iphone 2G đến giờ cũng chỉ khoảng 200GB.
iolna
TÍCH CỰC
3 months
@lilw Bạn chụp ảnh không thì cũng không nhiều lắm. Chứ mà toàn quay video 4K HDR như mình thì cứ cắm sạc phát là máy upload bốc khói
Có con xpen 6.2 chạy cả năm làm biếng nâng lên 7.x quá.
cái search của synology photos vẫn còn thua google photos xa lắm
@vqt907 Chắc khó mà theo được, g photos là cloud và được cập nhật thuật toán liên tục Google lại lớn hơn synology gấp mấy lần.
@vqt907 làm sao mà đú mảng AI với google dc , google AI xịn hơn nhiều lại chạy bằng các server AI cực mạnh của google , trong khi cái này chạy trên con Ná bé xíu
lehman1
ĐẠI BÀNG
3 months
@vqt907 chủ đề này đã dc phân tích nát bươm mà ô thớt vẫn ngân nga
@lehman1 Xin link những chỗ phân tích nát bươm để mình đọc với
Mình dùng thì thấy nó ko dùng vs dân media dc. Load raw a7r3 như rùa ko cần nói đến footage. Còn nếu chỉ để lưu jpeg thì gg photo 200gb lưu 8 năm rồi mình chưa xài hết. Ko có khả năng kết nối trực tiếp bằng usbc qua thẳng PC để tăng tốc khi làm việc chứ ở nhà mà còn xài mạng làm gì cho chậm ( cái này 2020 h ko biết có khác gì ko )
@westlifeplaywar Mạng nội bộ khác với mạng internet mà bác, đâu phải cứ qua mạng sẽ chậm đâu, nếu đủ kinh phí chơi card mạng 10Gbps là tốc độ cũng ngang usb 3.2 gen 2 rồi á. Mình chưa cần đến vậy nên nội bộ tốc độ 1Gbps là ngang mấy con hdd rời rồi.
Còn nếu cần load file raw nhanh thì ssd -> hdd -> nas -> cloud
@westlifeplaywar mạng nội bộ mà thua mạng internet thì bạn cang xem lại mạng local của bạn thì đúng hơn.hihi
@huyhoangjo bạn có vấn đề về đọc hiểu hay sao á nhỉ. Câu nào của mình kêu mạng nội bộ thua internet nhỉ.
huungpham
ĐẠI BÀNG
3 months
@westlifeplaywar Bạn dùng dây Lan ấy, băng thông Lan nhanh lắm, hoặc wifi thì nhà mình chuyển hết qua wifi 6. Dĩ nhiên phải tối ưu không gian và càng gần router càng tốt. Thì cũng dc gần 1gb/s
@huungpham Bổ sung thêm cái nữa là LAN cũng dùng dây cat5e trở lên mới nhanh, còn cat5 trở xuống là tốc độ 100mbps cũng chậm lắm
Máy mình vừa cài google photos, vừa auto sync với one drive (có mua gói 1TB) nhưng thỉnh thoảng bị lỗi ảnh như này. Ko biết do 2 thằng xung đột hay bị gì.
Screenshot-20230901-154210-Gallery.png
@Phi-Nhan File png vs jpeg bình thường thui bác. Hồi trước xài google photos còn bị mất hình nữa cơ. Mình chụp 4 tấm có đánh số thứ tự, 1 time sau xem lại mất cmn 1 tấm. Đó là trường hợp mình nhớ rõ nhất, còn mấy tấm nhớ mang máng thì ko dám nói.
@huynhtai52014 Có vụ này luôn à bác
@Ngon Bổ Xẻ Đợt bên apple có vụ gì mà hình của người này lại xuất hiện trong album của người khác ấy.
Cái vụ mất hình ko biết có ai để ý thấy ko hay chỉ mình mình bị.
kiddi5
ĐẠI BÀNG
3 months
@huynhtai52014 Mình mua 1TB OneDrive xong giờ phải xài song song với Google Drive, cạn lời.
888.888
TÍCH CỰC
3 months
Cái nhược điểm là cái ăn tiền nhất mà mình bỏ tiền ra sử dụng thằng google photos.
Khi mà hơn 50.000 tấm ảnh mà chẳng hiểu sau khi thả key word vào nó hiện ra gần như có đủ.
Nhìn chung thì chắc tương lai Synology chắc có update thêm tính năng này vì nó quá tiện
@888.888 Vụ tìm kiếm sẽ được cải thiện khi khả năng nhận diện được cải thiện 😁 mình thấy giờ việc nhận diện của Synology được cơ bản rồi nên tìm kiếm cũng bắt đầu sử dụng được. Chứ trước chưa có cái nhận diện vật thể là chịu luôn toàn tìm thủ công
@888.888 Tìm kiếm ảnh trên Google photos phải nói là vô địch. Photos trên iOS đồng bộ iCloud còn ko ngon bằng.
khoaslim
TÍCH CỰC
3 months
Một mình dùng một con NAS thì hơi thừa một công ty hay một team media thì phù hợp hơn.
@Dr.Son Kkk, làm trực tiếp luôn file nằm trên NAS chứ cần gì chép về, một là folder shared, hai là iSCSI, chép vào NAS vừa phòng chẳng may mất mát, sau nữa là nó lưu các lần thay đổi mình có thể quay về version tại thời điểm nào đó. nói ra là không biết sử dụng NAS rồi
Yasuko
TÍCH CỰC
3 months
@Dr.Son NAS mình chưa dùng cho cá nhân do nhu cầu chưa tới, nhưng tương lai mình sẽ dùng vì đơn giản dung lượng mình cần ngày càng nhiều hơn. Công ty mình đã dùng NAS hơn 10 năm, chỉ thay ổ cứng 1 lần, ngoài ra chưa gặp trục trặc gì cả. Chỉ là mới với bạn nên bạn chưa tin tưởng vào độ bền của nó được thôi. Nếu quay phim chụp ảnh mà không dùng NAS thì có lúc sẽ hối hận không kịp, vì bác chả biết cái ổ cứng die khi nào đâu. Phải có phương án sao lưu, mà so với cloud thì dĩ nhiên NAS sẽ chi tốc độ nhanh hơn và dung lượng tốt hơn. Ngoài ra NAS của riêng mình, không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính sách của hãng. Một ngày đẹp trời nào đó, anh G đổi chính sách. Như đợt upload hình không cho free nữa, dù là ảnh gốc hay đã nén. Mình cảm giác bác ác cảm với NAS và từ chối những ưu điểm của nó. Như mình nói, tuỳ nhu cầu rồi cũng sẽ đổi phương án thôi. 😁😁😁
thanhcsf
ĐẠI BÀNG
3 months
Bác Long cho mình hỏi với những ảnh HEIC hay Live Photos của iPhone khi lên đây thì có giữ nguyên định dạng không hay nó sẽ convert sang định dạng hỗ trợ khác; và các metadata của ảnh có thay đổi gì không?

Ví dụ như mình Airdrop ảnh Live Photos với lựa chọn All Photos Data lên macOS, nó sẽ có một folder chứa ảnh và video để tái hiện Live Photos, thế thì khi import vào Synology Photos thì mọi thứ có được giữ nguyên không, hay là sẽ như thế nào?

Chủ yếu là mình muốn biết có thể giữ nguyên mọi thứ từ Apple Photos sang Synology Photos không, nhờ bác thử giúp mình với nhé.
thanhcsf
ĐẠI BÀNG
3 months
@Ngon Bổ Xẻ Yep, mình muốn tách thêm 1 account để dễ quản lý và hiển thị ảnh trên TV thôi, để chung vào một account xem ở một vài thời điểm tụ tập bạn bè gia đình nó lại không phải ý hay vì không phải cái gì cũng nên được hiển thị trên đó ấy bác
@thanhcsf Vậy cũng có 1 giải pháp thay vì tách 1 account để backup ảnh đó bác có thể share từ account chính cho account phụ (qua shared place)
@Ngon Bổ Xẻ Bác cho em hỏi xí. Xài synology có option nào để sau khi backup lên cloud thì tự xoá ảnh trên đt để giải phóng bộ nhớ ko? Hay phải vào xoá thủ công ạ?
@noinghenah Trong ứng dụng có nút free up space để xoá toàn bộ ảnh đã backup nhé bác ơi. Còn không có tính năng tự động xoá ảnh trên điện thoại
doanvu206
ĐẠI BÀNG
3 months
Bác thêm phần tổng chi phí nữa thì tốt quá, để biết có đủ lúa mà triển luôn.
@Dr.Son Nhất trí 😁
nhqdat
TÍCH CỰC
3 months
@Dr.Son Không tốn nhiều thời gian đâu bạn.
Chỉ trong giai đoạn đầu thôi. Còn lại hệ thống tự chạy, ngay cả check lỗi hay bảo trì cũng chẳng cần mấy. Nếu kỹ tính làm thêm bản backup offline 3-6 tháng chạy một lần.
Bác chủ hay mò mẫm nghiên cứu những tính năng nâng cao nên mới thấy tốn nhiều công như vậy thôi.
Những người dùng NAS chủ yếu là xây dựng trung tâm data (dữ liệu, media, photo) tại nhà. Cái này thuận lợi hơn hệ cloud rất nhiều lần. Việc backup photo chỉ là một tính năng mà thôi.
Độ an toàn dữ liệu thì không bằng cloud (với người dùng NAS cơ bản) nhưng sử dụng thuận tiện và đa chức năng hơn nhiều lần. Ngoài ra, không sợ bị thằng cloud tự xóa data của mình nữa.
Kinamokio
ĐẠI BÀNG
3 months
Google photos là ổn với mình rồi, mua family share cho mn rất rẻ, còn giải pháp nữa là tải hết ảnh vào con google pixel 1 của mình, rồi upload sẽ được chất lượng không giới hạn mà lại free
dbdbdbdg
TÍCH CỰC
3 months
@Kinamokio em cũng phải con pixel chỉ vì gg photos, tiếc là nó chỉ cho free đến pixel 5.
Kinamokio
ĐẠI BÀNG
3 months
@dbdbdbdg Mình dùng máy phụ để backup thôi, ko có nhu cầu nhiều nên sài pix 4a5G vẫn ngon
dbdbdbdg
TÍCH CỰC
3 months
@Kinamokio đúng rồi nhưng cũng ko lâu dài đc bác ạ, sau chắc chỉ để backup ảnh, mà như thế hơi bất tiện 😔
Goolge Photo mãi đỉnh, chưa có anh nào qua nổi
Ngon nhất hiện tại là Google Photos, nhưng bởi đó là sản phẩm của 1 công ty quảng cáo uy tín thấp nhất nghành nên mình lựa chọn iCloud Photos.
hadryan
TÍCH CỰC
3 months
vẫn chậm hơn gg photo vs onedrive
còn muốn nhanh thì phải đầu tư router rồi cap LAN xịn
chưa kể cup điện
@hadryan Router nhà mạng giờ 1Gpbs rồi, dây LAN đi kèm NAS cũng vậy. Còn chậm hơn hay nhanh hơn mình có test chi tiết rồi mà:

https://ngonboxe.com/cong-nghe/phan-tich-so-sanh-toc-do-truy-cap-nas-drive/

Phân tích và so sánh tốc độ truy cập NAS vs Google Drive - Ngon Bổ Xẻ

Trong bài viết trước, mình đã có một so sánh chi tiết sự khác nhau giữa ổ cứng di động, NAS và Cloud nhận được sự quan tâm của nhiều anh em. Trong đó, có một
ngonboxe.com
Yasuko
TÍCH CỰC
3 months
@hadryan Cúp điện, mất mạng... những sự cố này thật ra cũng tương tự như nhau thôi bạn.
ltg14
ĐẠI BÀNG
3 months
Phần so sánh chi phí giữa NAS và GG Photo thì sao bạn? cám ơn
@ltg14 Mình sẽ lên 1 bài riêng về việc này nha
Ip dùng gg photo để lưu ảnh mà giờ dùng đến 3 acc rồi vẫn bị full dung lượng 15G. Có cách nào lưu mà k tính dung lượng k vậy Mọi Người.
@Akay Nhím vậy google sống bằng không khí hả
dbdbdbdg
TÍCH CỰC
3 months
@Akay Nhím làm con gg pixel đời 5 đổ lại thôi bác, up ảnh free lên gg photos
qtunganh
ĐẠI BÀNG
3 months
Mình có tk icloud lâu rồi không sử dụng (do chuyển qua android), có lưu khá nhiều hình trên đó. Có cách nào backup về Nas Synology photo không bác?
@qtunganh Mình nghĩ đơn giản nhất là đăng nhập icloud trên máy tính, tải về máy tính rồi sau đó backup lên nas. Vì trong danh sách các cloud mà synology nas hỗ trợ mình chưa thấy có icloud. Có thể sẽ có một số giải pháp khác nữa
qtunganh
ĐẠI BÀNG
3 months
@Ngon Bổ Xẻ thank bạn, mình để quá lâu nên giờ nó thành nhiều Gb hàng tháng vẫn phải mua gói storage icloud để mỗi việc trữ lại. p/a ngoài p/a down về pc rồi backup lên nas như bạn nói thì mình thấy còn 1 p/a nữa là transfer qua gg photo rồi từ gg photo sync về nas thì tự động hóa hơn. Mình vẫn tìm hiểu thêm còn cách nào hay hơn không rồi quyết 😁
Yasuko
TÍCH CỰC
3 months
@qtunganh Map một folder trên NAS lên máy tính. Lúc backup icloud thì chọn folder đó. iCloud tải về thì tự lên NAS luôn. Chưa thử nhưng nghĩ cách đó chắc được á
TiaMa
ĐẠI BÀNG
3 months
càng đọc càng thấy mất hay
Nhu cầu chỉ cần backup nên chỉ cần có hỗ trợ usb otg là ổn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2023 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019