Nói đến Lamzu, một trong những cái tên nổi nhất thị trường chuột gaming thời gian qua, thiết nghĩ phải kể cho anh em một câu chuyện làm quà trước đã. Nó có liên quan tới một thương hiệu nhỏ khác, nhưng cũng nổi chẳng kém, đấy là Endgame Gear.
Năm 2019, Endgame Gear ra mắt một sản phẩm tên là XM1. Thiết kế chuột được hãng hợp tác với một huyền thoại CS 1.6 người Đức, Jonas "Johnny R." Bollack. chắp bút thiết kế. Anh em chơi gear lâu năm chắc chắn biết đến một sản phẩm nổi tiếng khác từng được Johnny R. thiết kế: SteelSeries Sensei. Vì lẽ đó, những đường nét từng được coi là hoàn hảo cho một chú chuột gaming FPS cầm kiểu claw grip được tái sinh. Thế nhưng mãi đến đầu năm nay, chúng ta mới có XM2we, phiên bản không dây với vài nâng cấp như switch quang học.
Trong khoảng thời gian đó, thiết kế XM1 đã tạo ra một cuộc chạy đua của những hãng khác, làm thế nào để không dây hóa XM1 và XM1r, rồi ứng dụng những linh kiện cao cấp nhất, trong chassis nhựa với tổng trọng lượng thấp nhất có thể. Pulsar có X2, Ninjutso có Sora, và Lamzu thì có Atlantis. Tất cả chúng đều ra mắt trước cả khi Endgame Gear ra mắt XM2we.
Trong số những chú chuột gaming không dây được ví von là “XM1 clone” này, có lẽ thành công nhất chính là Pulsar X2 và Lamzu Atlantis. Trong một khoảng thời gian dài, Lamzu chỉ có một sản phẩm duy nhất, Atlantis, thiết kế nhỏ hơn gọi là Atlantis Mini, rồi kế đến là cục dongle xinh xinh để vận hành chuột ở tần số gửi tín hiệu 4000 Hz. mãi tới cuối tháng 4 vừa rồi, chúng ta mới có sản phẩm thứ hai từ Lamzu: Thorn, chú chuột công thái học dành cho bàn tay phải.
Năm 2019, Endgame Gear ra mắt một sản phẩm tên là XM1. Thiết kế chuột được hãng hợp tác với một huyền thoại CS 1.6 người Đức, Jonas "Johnny R." Bollack. chắp bút thiết kế. Anh em chơi gear lâu năm chắc chắn biết đến một sản phẩm nổi tiếng khác từng được Johnny R. thiết kế: SteelSeries Sensei. Vì lẽ đó, những đường nét từng được coi là hoàn hảo cho một chú chuột gaming FPS cầm kiểu claw grip được tái sinh. Thế nhưng mãi đến đầu năm nay, chúng ta mới có XM2we, phiên bản không dây với vài nâng cấp như switch quang học.
Trong khoảng thời gian đó, thiết kế XM1 đã tạo ra một cuộc chạy đua của những hãng khác, làm thế nào để không dây hóa XM1 và XM1r, rồi ứng dụng những linh kiện cao cấp nhất, trong chassis nhựa với tổng trọng lượng thấp nhất có thể. Pulsar có X2, Ninjutso có Sora, và Lamzu thì có Atlantis. Tất cả chúng đều ra mắt trước cả khi Endgame Gear ra mắt XM2we.
Trong số những chú chuột gaming không dây được ví von là “XM1 clone” này, có lẽ thành công nhất chính là Pulsar X2 và Lamzu Atlantis. Trong một khoảng thời gian dài, Lamzu chỉ có một sản phẩm duy nhất, Atlantis, thiết kế nhỏ hơn gọi là Atlantis Mini, rồi kế đến là cục dongle xinh xinh để vận hành chuột ở tần số gửi tín hiệu 4000 Hz. mãi tới cuối tháng 4 vừa rồi, chúng ta mới có sản phẩm thứ hai từ Lamzu: Thorn, chú chuột công thái học dành cho bàn tay phải.

Tất cả những chiến lược để Lamzu giảm tới mức tối đa trọng lượng chuột trên Atlantis vẫn hiện diện trên Thorn. Họ chọn cách cắt giảm vật liệu làm đáy chuột, chứ không phải đục lỗ như những giải pháp do Glorious hay Cooler Master ra mắt thị trường.
Những đường cong khung nhựa ở đáy chuột, theo Lamzu, là thiết kế cần lượng vật liệu tối thiểu nhưng tạo ra độ bền tối đa khi sử dụng, không sợ chuột biến dạng. Nhìn qua đáy chuột, thấy rõ cả bo mạch lẫn miếng băng keo hai mặt cố định cục pin. Chính giữa là cảm biến với miếng feet khá bự, trên là nút đổi DPI, và dưới là công tắc nguồn nhỏ xíu. Không giống như Atlantis OG V2 vừa ra mắt cách đây ít lâu, chuột chỉ có một kết nối duy nhất, qua dongle 2.4 GHz.
Kết quả chúng ta có một chú chuột chỉ nặng 52 gram.

Con số này không phải nhẹ nhất thế giới, nhưng là quá đủ để cạnh tranh với những thương hiệu khác. Đến Logitech vừa ra mắt G Pro X Superlight 2 cũng chỉ giảm được 3 gram so với bản cũ, xuống 60 gram.
Nhưng trọng lượng giờ không còn là cuộc đua quan trọng nữa. Cái người dùng cần luôn là khả năng vận hành của cảm biến, độ bền và độ nảy của hai switch cơ học ở hai nút chuột chính, và quan trọng hơn, là thời lượng pin.

Hãy nói về thiết kế và cảm giác cầm nắm trước đi. Điều tuyệt vời hơn cả là Lamzu không bắt chước thiết kế của Zowie EC khi tạo ra Thorn. Một chi tiết rõ ràng chứng minh cho điều đó là phần gồ lên ở thân chuột không chỉ nằm ở phần giữa, mà còn kéo xuống đến tận nửa sau thân chuột.
Quảng cáo
Và chính cái phần gồ lên này tạo ra cảm giác hơi lạ. Rõ ràng số đo của Lamzu Thorn rất gần với EC3 của Zowie, nhưng khi cầm chuột nếu chơi game kiểu palm grip thì Thorn tạo ra cảm giác to chẳng kém gì EC2. Mình thực sự thích cảm giác chơi CS2 với Thorn khi cầm chuột kiểu claw grip, phần gồ nửa sau thân chuột kê rất chắc vào lòng bàn tay, giúp giữ chuột chắc chắn hơn, không sợ lệch trong những tình huống căng thẳng.

Mình không có EC2 và EC3 ở đây, nên tạm so sánh với hai chú chuột mình đang dùng hàng ngày, DeathAdder V3 và G Pro X Superlight. Kích thước của Lamzu Thorn nhỏ hơn hẳn, cầm vừa tay hơn nhiều.

Giống nhiều sản phẩm khác đang có trên thị trường, Thorn cũng dùng cảm biến PixArt PAW3390, và để tận dụng sức mạnh của dongle 4000 Hz, là chip MCU của Nordic Semiconductor, cùng cục pin đủ sức vận hành chuột trong vòng 80 giờ đồng hồ liên tục ở tần số gửi tín hiệu 1000Hz. Và để cân đối chi phí sản phẩm, là hai switch quang học của Huano ở hai nút chuột chính, là encoder Silver TCC trên con lăn, còn hai nút phụ cạnh trái chuột vẫn dùng switch cơ học.

Quảng cáo
Đến đoạn này, phải nói đến cách mà Lamzu Thorn hoạt động cùng với dongle 4K Hz, vốn đã được ra mắt từ thời điểm Atlantis được bán ra thị trường. Cái đáng khen nhất của Lamzu là dongle nào không quan trọng, vì trong phần mềm quản lý tải về từ trang chủ của hãng, có một mục riêng để kết nối chuột với dongle. Tất cả những gì anh em phải làm là ấn giữ ba nút chuột trái, con lăn và chuột phải cho tới khi đèn LED cạnh trái nhấp nháy, rồi chuột sẽ tự động kết nối với dongle.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là, liệu 4000 Hz có đáng để kích hoạt?
Một điều rất rõ ràng, tần suất gửi tín hiệu về máy tính của thiết bị ngoại vi càng cao, thì CPU với cầu nối I/O lại càng phải chịu gánh nặng xử lý tín hiệu ấy. Mình có một bài thử nghiệm rất đơn giản, đó là tắt hết mọi phần mềm đang chạy, để máy tính ở chế độ idle, rồi di chuột ở tốc độ cao, xem áp lực tạo ra của riêng chú chuột này đối với CPU là bao nhiêu. Kết quả, với CPU Intel Core i5 13600K mình đang dùng hàng ngày, đổi polling rate của Lamzu Thorn tạo ra hệ quả như thế này:
- 1000Hz: 2~3% hiệu năng CPU
- 2000Hz: 6~7% hiệu năng CPU
- 4000Hz: 11~13% hiệu năng CPU
Tương tự như vậy, chơi CS2 với Lamzu Thorn ở polling rate 4000Hz khiến game tụt mất chừng 10 đến 15 FPS so với 2000Hz, và tụt khoảng 50FPS so với 1000Hz. Đôi khi hiệu năng CPU mất đi cho đúng một thiết bị chuột gaming là không đáng để đổi lấy độ trễ giảm từ 1.8ms ở 1000Hz xuống còn 0.6ms ở 4000Hz. Điều này đặc biệt đúng với những anh em còn đang sở hữu những cấu hình PC có CPU của vài thế hệ trước.

Ngay cả một con chip CPU tầm trung được đánh giá rất cao trên thị trường PC gaming như 13600K còn phải chịu áp lực từ thiết bị ngoại vi cao như vậy, thì lời khuyên được đưa ra là, với những anh em chơi game kiểu try hard hãy dừng lại ở polling rate 2000Hz, đây là con số hoàn hảo và cân bằng lắm rồi. 2000Hz đủ tạo ra khác biệt so với 1000Hz, và không gây sụt khung hình game như 4000 hay thậm chí là 8000Hz như vài sản phẩm Razer đang có hiện giờ.
Thời lượng pin của Thorn, ở polling rate 2000Hz, mình thử nghiệm dùng liên tục, tắt cảm biến sau 1 phút không sử dụng, tính ra được khoảng 42 đến 45 giờ đồng hồ, tức là sử dụng hàng ngày như mình cỡ 4 ngày là phải sạc một lần.

Lớp coating nhựa nhám cầm rất đã tay, vì thế nên cũng không lo trơn trượt khi chơi game. Nhưng cái mình thích hơn của Thorn là đường cong bên cạnh phải ôm hai ngón đeo nhẫn và áp út, cũng như độ nghiêng vừa phải của thân chuột, giúp bàn tay không bị nghiêng quá nhiều khi cầm chuột, cũng là một chi tiết giúp cầm chuột chắc hơn khi chơi game.
Đương nhiên, nếu lớp phủ nhựa nhám là chưa đủ để giúp chú chuột bám tay, thì vẫn còn bộ grip tape tặng kèm trong hộp. Và thậm chí, vì thiết kế hơi kỳ dị của feet chuột, nhìn như chiếc lá, mà 4 cái feet PTFE có kích thước rất lạ, nên Lamzu cũng tặng thêm một bộ feet nữa cho anh em thay đổi.

Không giống như hồi mình được trải nghiệm Lamzu Atlantis của một người bạn cho mượn, bộ feet kích thước nhỏ này rất hợp với mousepad tốc độ trung bình, hay còn gọi là dạng pad control, lựa chọn phù hợp với phần đông người chơi FPS. Di chuột không bị ì, đủ trơn để vẩy chuột nhanh, và không bắt anh em phải điều chỉnh để tâm nằm đúng chỗ. Nếu tâm không ở đúng vị trí địch, có lẽ chỉ có thể đổ tại kỹ năng.

Và như tiêu đề, cho dù anh em cầm theo kiểu palm hay claw grip lúc chơi game “nghiêm túc”, thì những chú chuột kích thước nhỏ, các ngón tay không phải chới với ôm theo lớp vỏ chú chuột gaming luôn giúp người chơi tự tin điều khiển hơn, nhờ đó phong độ cũng tỏa sáng hơn.
Thorn là một chú chuột cho anh em làm điều đó. Dù thân chuột gồ lên cao hơn hẳn so với những sản phẩm cùng kích thước, nhưng bề ngang chỉ có 65mm giúp ngón tay nằm ở những vị trí dễ chịu hơn, cầm chuột thoải mái hơn.

Nhưng trong khi đó, khuyết điểm cơ bản của switch quang học vẫn còn đó. Mọi chú chuột dùng switch quang học mình từng được thử qua đều có nút bấm tương đối mềm, hành trình nút trước khi switch kích hoạt dài hơn (dù không nhiều) so với switch cơ học. Lamzu Thorn cũng không phải ngoại lệ. Có lẽ đó là lý do Logitech chọn giải pháp switch hybrid, giữ lại độ nảy vô địch của kết cấu cơ học, nhưng với độ bền và độ trễ của cơ chế quang học.
Bù lại, hai nút phụ cạnh trái thì rất nảy, gần như không có “pretravel” của nút. Và nút cũng có kích thước vừa phải, không sợ ấn nhầm, vì chỗ nghỉ tay cho ngón cái rất rộng.

Giống Atlantis, Lamzu Thorn cũng là một sản phẩm xứng đáng được đánh giá cao trong tầm giá. Nó vừa tay rất nhiều anh em Việt Nam, cầm thích, chơi game ổn, cảm biến ngon. Và giống như mọi chú chuột không dây đến từ những thương hiệu mới nổi khác, Lamzu cũng biết cách cân đối cấu hình và linh kiện, để tập trung vào những thứ họ nghĩ là người dùng sẽ cần hơn, ví dụ trọng lượng, tần số kết nối và switch quang học độ bền cao.