[Review Phim] The Platform: Chủ nghĩa tư bản và mối liên hệ với xã hội thời COVID

Dungle968
15/5/2020 16:34Phản hồi: 1
[Review Phim] The Platform: Chủ nghĩa tư bản và mối liên hệ với xã hội thời COVID
[​IMG]

Tựa gốc: El Hoyo (dịch: Cái Hố)
Tựa Việt: Hố Sâu Đói Khát
Đạo Diễn: Galder Gaztelu-Urrutia
Biên kịch: David Desola, Pedro Rivero
Thể loại: Viễn tưởng, kinh dị, giật gân
Phát hành: 06/09/2019 (TIFF), 20/03/2020 (Netflix)
Thời lượng: 94 phút

Quốc gia: Tây Ban Nha

The Platform


Ra mắt lần đầu tiên tại Liên hoan phim quốc tế Toronto 2019 (Toronto International Film Festival - TIFF), bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia, The Platform được đánh giá là một bộ phim dễ tiếp cận thuộc thể loại kinh dị - giật gân và mang nhiều yếu tố ẩn dụ, châm biếm sâu cay về sự bất cân bằng giàu nghèo trong xã hội. Sáu tháng sau đó, khi khán giả đại chúng được tiếp cận với bộ phim qua nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix, đây cũng chính là thời điểm cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch COVID đang ngày càng chuyển biến phức tạp. Thời gian này các quốc gia trên thế giới buộc phải yêu cầu người dân thực hiện cách ly tại nhà và giãn cách xã hội. Trong tình cảnh trên, dường như những giá trị trong câu chuyện mà The Platform mang lại đã khác đi rất nhiều.

Video review:




Cái Hố


“There are three types of person. Those at the top, those at the bottom… and those whose fall.”
“Ở đây có ba loại người. Những người ở trên, những người ở dưới… Và những người ngã xuống.”

Chúng ta được dẫn dắt qua cốt truyện chính của bộ phim dưới góc nhìn và tư tưởng đạo đức của nhân vật chính – Goreng. Goreng, thủ vai bởi Ivan Massagué, một nhân vật tính tình hiền lành, có phần ngây thơ. Anh tỉnh dậy giữa một phòng giam lớn, trống trải, được đánh số “48” trên tường. Trong phòng không có gì hơn ngoài hai chiếc giường, một bồn rửa, một toilet và một cái hố giữa phòng kết nối các tầng lại với nhau. Bạn cùng phòng của Goreng, một người đàn ông có tuổi, trịch thượng tên là Trimagasi (Zorion Eguileor). Trimagasi, người sẽ giải thích cho Goreng về cách vận hành của nơi đang giam giữ họ, một hệ thống nhà tù thẳng đứng theo chiều dọc được gọi là “Cái Hố”. Cứ mỗi ngày một lần, một khối xi măng lớn mang một bữa tiệc thịnh soạn từ tầng cao nhất xuống các tầng dưới qua cái hố ở giữa phòng và chỉ dừng lại ở mỗi tầng một ít phút để những người ở các tầng có thể ăn uống.

[​IMG]

Nhưng cách vận hành này lại tồn tại một vấn đề, những người bên dưới sẽ phải ăn đồ thừa của những người bên trên. Trên lý thuyết, nếu như người ở mỗi tầng chỉ ăn đúng phần mình cần thì sẽ có đủ đồ ăn cho tất cả mọi người (nhưng chẳng ai làm vậy cả). Những “tù nhân” sẽ được đổi tầng vào mỗi tháng, có nghĩa là họ có thể ăn uống thoả thuê vào tháng này, nhưng cũng có thể chết đói vào tháng sau, và bị đẩy vào tình thế phải ăn lẫn nhau để sinh tồn. Những người may mắn được xếp vào những tầng trên sẽ ngay lập tức ăn một cách ngấu nghiến, thậm chí là dẫm đạp lên đồ ăn để thoả cơn đói mà họ đã phải chịu đựng khi ở các tầng dưới. Nhưng khi kém may mắn bị xếp vào những tầng dưới, họ lại chửi rủa những “tên khốn” bên trên vì đã không chừa cho họ một thứ gì trong khi bản thân họ cũng làm những điều y hệt như vậy. Khi đối mặt với tình hình hiện tại, các “tù nhân” trong nhà tù “Cái Hố” luôn xem lỗi không phải từ họ mà là từ những “kẻ bên trên” hoặc “kẻ bên dưới”. Theo chân Goreng, câu chuyện dần được làm rõ, chính lòng tham và nỗi sợ hãi của con người mới là thứ đặt nên những quy luật và lối hành xử trên cho các “tù nhân” trong nhà tù này.

Quảng cáo




Chủ nghĩa tư bản cực đoan: Cái giá cho sự tự do


“Hunger unleashes the madman in us. It’s better to eat than be eaten.”
“Cái đói giải phóng gã điên trong chúng ta. Thà làm kẻ ăn người khác còn hơn là bị ăn.”


Lấy đề tài phê phán, châm biếm vấn đề khoảng cách giàu nghèo đang gây nhiều nhức nhối trong xã hội, The Platform cũng có những nét tương đồng với các bộ phim đã khai thác rất thành công chủ đề trên như: Snowpiecer (2013), Parasite (2019), Joker (2019). Trong các phim kể trên, tuy có nhiều khác điểm khác biệt ở góc nhìn và bối cảnh khi so sánh The Platform với bộ phim Snowpiercer nhưng giữa chúng vẫn có một điểm tương đồng cốt lõi nhất so với các phim còn lại. Đó chính là cách mà hai bộ phim sử dụng hình ảnh ẩn dụ để tạo nên bối cảnh cho phim. Trong khi Snowpiercer dùng hình ảnh các toa tàu theo phương ngang thì The Platform lại dùng các tầng để ngăn cách con người với nhau theo phương dọc. Đây chính là phép ẩn dụ lớn nhất xuyên suốt bộ phim.

[​IMG]

Tương tự như chuyến tàu băng giá trong phim Snowpiercer, nhà tù “Cái Hố” là một phiên bản mô phỏng hoàn hảo của một xã hội tư bản, với những người bên trên là người giàu, những người bên dưới là người nghèo. Trong xã hội đó tồn tại các quy luật, có quy luật cho phép mỗi người mang một món đồ tuỳ ý đến nhà tù, điều này cho ta một cái nhìn ngắn gọn về những con người trong xã hội này. Rất nhiều người mang theo vũ khí; Goreng, một người ngây thơ, mang theo một quyển sách; Imoguiri, một người phụ nữ cô đơn, mang theo một con chó; Baharat (ông này bị *a vào mặt :v), một người có ý chí, mang theo một sợi dây; Và những kẻ ngu ngốc mang theo những thứ ngu ngốc như là một cái ván lướt sóng. Tuy không nhiều, nhưng quy luật này cho ta thấy được đây là một xã hội có những người đang sống và có suy nghĩ. Và có một quy luật gần như quy định tất cả, đó chính là quy luật vật chất chỉ đi một chiều từ trên xuống dưới. Quy luật này ảnh hưởng trực tiếp lên cái cách mà những con người được kể ra ở trên suy nghĩ dẫn đến cái cách người ta đối xử với nhau trong nhà tù này. Họ chỉ còn đối xử với nhau như là người ở trên hoặc kẻ ở dưới, từ đó định hình nên những bản chất riêng của xã hội này.

Quảng cáo


Với xã hội thu nhỏ này, các nhà biên kịch đã dùng cái đói để thể hiện điều tiêu cực nhất của con người trong một xã hội tư bản, đó chính là lòng tham. Trong xã hội Chủ nghĩa tư bản không có chỗ cho từ thiện. Điều này khiến cho Goreng bị Trimagasi chất vấn liệu Goreng có phải là “Cộng sản” khi anh ta có ý chia sẻ đồ ăn với những người bên dưới. Bên cạnh đó, trong cái xã hội với định nghĩa của sự tự do được nêu rõ rằng, mọi người đều được trao cho cơ hội là như nhau. Bạn có thể trở nên giàu có bất cứ lúc nào, ngược lại bạn cũng có thể mất trắng chỉ trong một đêm. Để rồi khi có dịp “lên voi” ai cũng tranh thủ vơ vét hết sức có thể, bởi vì trong cái thời kỳ kinh tế khó khăn này, đâu ai biết được mình sẽ “xuống chó” lúc nào. Còn nếu rơi vào tình cảnh không được may mắn, thì con người ta lại chửi rủa và mong chờ vào cái sự từ thiện mà bản thân họ cũng sẽ không bao giờ muốn cho đi. Vậy nên cũng chẳng còn ai quan tâm đến ai nữa, dù là người ở trên hay kẻ ở dưới.


Mối liên hệ với xã hội trong thời COVID


"Change never happens spontaneously.”
“Sự thay đổi chẳng bao giờ có thể tự phát được.”


Khi cả thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID, khiến cho mọi người phải ở trong nhà, kinh tế dần trở nên khó khăn, và các nhu yếu phẩm bắt đầu trở nên thiếu hụt thì The Platform lại trở nên thức thời hơn bao giờ hết. Người ta thấy được cái cách hành xử giữa người với người giống hệt như bộ phim đã mô tả. Họ để lòng tham khiến bản thân vơ vét hết mọi nhu yếu phẩm và chẳng để lại gì cho những người yếu thế hơn, như người già, người tàn tật, người vô gia cư,… Họ để nỗi sợ hãi của bản thân tạo nên lòng vị kỷ dẫn đến xa cách, kỳ thị lẫn nhau. Điều này khiến cho bỗng nhiên những nỗi sợ từ một bối cảnh giả tưởng như trong The Platform trở nên rõ ràng hơn, thật hơn qua những sự kiện ngoài đời thật.

[​IMG]

Tuy vậy, cho dù được ra mắt vào thời điểm nào thì The Platform cũng đã nêu lên những câu hỏi giá trị cho một vấn đề thực tế, thức thời và không thể tránh khỏi của xã hội. Và câu trả lời cũng sẽ rất khó để có thể tìm thấy.


Giá trị nghệ thuật


Mặc dù với bối cảnh và hiệu ứng hình ảnh đơn giản, The Platform là một tác phẩm điện ảnh với phần nhìn được xử lý rất ấn tượng. Tận dụng không gian chật hẹp, bị giới hạn về chiều sâu và độ đa dạng cảnh quay, đạo diễn Galder đã phát huy sự sáng tạo qua những góc máy kịch tính, sắp xếp ánh sáng tài tình và những hiệu ứng được sử dụng một cách hợp lý khiến cho người xem vẫn có được cảm giác ngạc nhiên từ những cảnh phim cho cảm xúc mạnh và khó quên.

[​IMG]

The Platform vẫn sẽ là một bộ phim thuộc thể loại kinh dị - giật gân đáng để thưởng thức mà không cần phải đào sâu vào các tầng lớp ý nghĩa của bộ phim. Các biên kịch đã làm rất tốt trong việc dẫn dắt cốt truyện. Xuyên suốt mạch truyện luôn có các thông tin mới, các câu hỏi mới cần được trả lời để hấp dẫn người xem. Ngay khi một vấn đề vừa được giải quyết thì vấn đề kế tiếp đã được khéo léo thêm vào mạch truyện. Yếu tố kinh dị - giật gân được thể hiện một cách vừa phải qua các nỗi sợ như: Claustrophobia: Hội chứng sợ không gian kín, Paranoia: bệnh hoang tưởng, ảo giác có ai sẽ hãm hại mình. Kết hợp cùng với phần âm thanh được biên soạn xuất sắc làm cho cảm giác sợ hãi khi xem phim có tính thuyết phục, và dễ làm cho người xem đồng cảm với nhân vật hơn.

Đáng tiếc, một số tình huống truyền đạt thông tin chưa được xử lý tốt, xảy ra việc xuất hiện một số lỗ hổng trong mạch logic của cốt truyện, làm cho người xem phải đoán mò rằng chuyện gì đã thật sự xảy ra. Tuy nhiên, điều này xảy ra khá ít trong suốt mạch phim, nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm xem phim, cũng như mức độ hiệu quả trong tác dụng kể chuyện của bộ phim.


Kết


The Platform hiện đang được phát hành trực tuyến trên nền tảng Netflix, với điểm đánh giá của các trang đánh giá phim: 7 điểm trên IMDB; 82% điểm tươi trên Rottentomatoes; các chuyên giá khó tính của trang Metacrtic cũng hào phóng cho bộ phim số điểm là 73.

[​IMG]

Là một bộ phim kinh dị - giật gân lấy đề tài nhà tù và chủ nghĩa tư bản, thật đáng ngạc nhiên khi The Platform lại là một bộ phim có tính giải trí cao. Ra mắt vào thời điểm mà sự cảm thông giữa người với người đang bị thử thách hơn bao giờ hết, nếu có bộ phim nào phù hợp nhất với thời điểm này thì đó chính là The Plaform.





Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ark_ff9
CAO CẤP
4 năm
"Chủ nghĩa tư bản đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ, và chủ nghĩa xã hội đã đi trước 1 bước."

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019