Mình để ý đến dự án game Stray từ lâu lắm rồi. Cụ thể là năm 2015, khi những hình ảnh đầu tiên mô tả góc nhìn của một chú mèo leo trèo trong ngõ ngách chật hẹp được đăng tải lên Twitter. Khi đó dự án game indie này còn có tên mã là HK_Project, và đồ hoạ đầy chi tiết, màu sắc cùng nhân vật chính lạ thường là thứ thu hút sự chú ý của biết bao nhiêu người, dĩ nhiên có cả mình.
Tua nhanh đến ngày 19/7/2022, sau quãng thời gian 7 năm im hơi lặng tiếng, HK_Project cũng trở thành sản phẩm thương mại, đổi tên là Stray, và điều tuyệt nhất là những cảm nhận đầu tiên khiến mọi người bị ấn tượng đều được giữ nguyên trong phiên bản game chính thức.
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2022/07/6061264_20220720150111_1.jpg)
Chú mèo hoang của chúng ta lỡ chân ngã xuống đường ống cống, lạc đàn, và vô tình phát hiện ra thành phố dưới lòng đất, nơi chỉ còn những “người bạn” máy móc của loài người. Vì sao họ mắc kẹt ở đây? Phía trên mặt đất có gì? Và vì sao những chú robot còn sót lại ở Dead City lại e sợ những sinh vật kỳ dị mà họ đặt tên là Zurk? Đấy là những câu hỏi mà game đặt ra, không phải cho chú mèo, mà dành cho chính người chơi, để điều khiển chú mèo đi cùng với chú robot B12 tìm câu trả lời.
Tua nhanh đến ngày 19/7/2022, sau quãng thời gian 7 năm im hơi lặng tiếng, HK_Project cũng trở thành sản phẩm thương mại, đổi tên là Stray, và điều tuyệt nhất là những cảm nhận đầu tiên khiến mọi người bị ấn tượng đều được giữ nguyên trong phiên bản game chính thức.
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2022/07/6061264_20220720150111_1.jpg)
Chú mèo hoang của chúng ta lỡ chân ngã xuống đường ống cống, lạc đàn, và vô tình phát hiện ra thành phố dưới lòng đất, nơi chỉ còn những “người bạn” máy móc của loài người. Vì sao họ mắc kẹt ở đây? Phía trên mặt đất có gì? Và vì sao những chú robot còn sót lại ở Dead City lại e sợ những sinh vật kỳ dị mà họ đặt tên là Zurk? Đấy là những câu hỏi mà game đặt ra, không phải cho chú mèo, mà dành cho chính người chơi, để điều khiển chú mèo đi cùng với chú robot B12 tìm câu trả lời.
Quảng cáo
Hiếm khi những “con sen” mới được trải nghiệm một trò chơi điện tử khác hoạ nhân vật “hoàng thượng” tinh tế đến vậy. Từ gạt đồ trên bàn, leo trèo chạy nhảy đến cào ghế, cào thảm hay thậm chí là dụi chân người khác, chú mèo trong Stray đều làm được hết, đã thế còn theo lệnh của anh em nữa kìa, miễn là có cơ hội. Thêm nữa, cách di chuyển và ứng xử của “mèo ảo” trong Stray thực sự giống mèo xịn, chứ không chỉ là một mô hình xinh xắn nhiều lông cho anh em xoa xuýt như trong Cyberpunk 2077.

Chỉ riêng lệnh nhảy để leo lên những chỗ cao, hoặc đáp đất, chú mèo của chúng ta dừng chừng nửa giây lấy đà rồi tót lên cũng lại là một điểm đầy chân thực khác mà các nhà làm game người Pháp dày công tinh chỉnh cử động nhân vật. Và cũng không thể nhảy nhót lung tung được, chỉ đến đúng vị trí mép tường, cục nóng điều hoà hay mái nhà thì chú mèo của chúng ta mới chịu nhảy.
Đọc đến đây, có thể áp những kiến thức biên kịch điện ảnh để đưa ra kết luận rằng nhân vật chính của Stray quá nhạt nhẽo, không có cá tính riêng, không có diễn biến nội tâm, nói chung là không có sự phát triển của nhân vật. Cũng đúng thôi vì chúng ta điều khiển chú mèo mà, đã thế chú mèo này còn ứng xử hệt như 9981 chú mèo khác. Nhưng vấn đề là, nhân vật chính của Stray hoàn toàn không phải chú mèo anh em dắt đi mọi nơi.

Thay vào đó, nhân vật chính của Stray là thế giới đầy chi tiết và đa sắc màu nơi những chú robot “Companion” từng giúp ích cho loài người sinh sống. Các nhà làm game lấy cảm hứng từ Cửu Long Trại Thành, khu dân cư nhà cửa san sát nhau ở Hồng Kông. Từng căn nhà san sát nhau, từng đường ống nước đến những cái lan can thò ra khỏi ban công, tất cả tạo ra một bầu không khí ngột ngạt nhưng kích thích sự khám phá vô cùng.
Bản thân những chi tiết ấy đều không chỉ để làm cảnh, tạo ra không gian đậm chất cyberpunk với ánh đèn neon le lói đánh xuống những vũng nước. Trái ngược lại hoàn toàn, gần như tất cả mọi chướng ngại và vật thể xuất hiện trong màn chơi đều cho phép chú mèo của chúng ta trèo lên để khám phá. Muốn leo lên những chỗ cao hoàn toàn không khó, khi chỉ cần nhảy pắp một cái là lên được ống nước, rồi điều hoà nhiệt độ, rồi cứ thế bám theo bất kỳ bề mặt nào mà chú mèo có thể chạm chân tới, cho đến khi đến được đích.

Quảng cáo
Và cái đích trong Stray thường chỉ có 1, với màn chơi mô phỏng thế giới mở cho phép anh em khám phá tự do, nhưng đường đi lại tương đối tuyến tính. Thế giới này đủ rộng và có chiều sâu để triển khai cả một hệ thống nhiệm vụ phụ, nơi chú mèo sẽ giúp đỡ những chú robot mắc kẹt ở Dead City. Nhờ hệ thống nhiệm vụ như thế này, game có chiều dài tương đối ổn, thay vì chỉ khoảng 4 đến 5 tiếng đồng hồ cho chuỗi nhiệm vụ cốt truyện chính của Stray.
Và game tương đối tôn trọng trí thông minh của người chơi, khi quyết tâm không cầm tay chỉ việc bằng những mũi tên objective như Assassin's Creed. Thay vào đó hầu hết thời gian anh em sẽ phải tự tìm đường đến với mục tiêu cần làm, rồi sau đó sẽ là những câu đố có phần đơn giản nhưng lại rất logic với khả năng của một chú mèo. Và dĩ nhiên, điều đó cùng lúc cũng khiến game hấp dẫn hơn khi anh em có lý do để khám phá mọi ngóc ngách của Dead City.

Như đã đề cập, trong game chúng ta cũng có kẻ thù, ấy là những sinh vật đáng sợ tên là Zurk. Chúng đã biến đổi gen để “ăn thịt” được cả những sinh vật sống lẫn robot. Đáng sợ hơn là chú mèo của chúng ta sẽ không có giải pháp nào để chiến đấu, mà chỉ có hai cách là né sự hiện diện của Zurk, hoặc chạy cho nhanh để không bị bám vào để bị “game over”. Chính những màn ẩn nấp né đàn Zurk này là điểm trừ gần như duy nhất của trò chơi. Mà cũng không trách được các nhà làm game. Mèo thì làm gì bết dùng tay để làm nhiều việc như ném đá đánh lạc hướng hay chiến đấu với địch. Vậy là những màn ẩn nấp được triển khai đúng nghĩa đen khi anh em sẽ phải điều khiển chú mèo và người bạn B12 rón rén vượt qua chướng ngại. Cảm giác đối đầu với cả một đàn Zurk đôi khi cũng khá căng thẳng và áp lực, tạo ra những cảm xúc khác cho một trò chơi về cơ bản là có nhịp độ nhẹ nhàng.
Dần dần sau này khi diễn tiến câu chuyện, anh em cũng sẽ có giải pháp chống lại bọn Zurk, không phải lúc nào cũng nín thở rón rén như ban đầu nữa.

Quảng cáo
Cách điều khiển nhân vật đơn giản cũng giúp anh em bỏ nhiều thời gian hơn cho việc tìm đường và giải đố. Có một thứ Stray rõ ràng đã thành công, đó là bắt anh em phải tư duy như một chú mèo, tìm mọi điểm bám để di chuyển đến nơi mong muốn, cho dù là theo chiều dọc hay chiều ngang. Và cùng lúc đó, anh em sẽ càng thêm ấn tượng với thành quả lao động của các nhà làm game, tạo ra một thế giới đầy chi tiết, đôi khi với những gam màu đầy tươi tắn, xanh lam của bầu trời, xanh lá của cây cỏ, thứ mà những chú robot của chúng ta đã lãng quên từ rất lâu, hay thậm chí là còn chưa bao giờ nhìn thấy.

Thứ khiến mình bất ngờ hơn khi chơi Stray không phải lối chơi, vì nó không có thứ gì quá mới mẻ ngoại trừ nhân vật chính mà chúng ta điều khiển. Thay vào đó là chất lượng đồ họa có phần ấn tượng đối với một tác phẩm game indie, kinh phí ở mức vừa phải. Hình ảnh của game tôn trọng tới mức tối đa định hướng mỹ thuật ban đầu của trò chơi. Từng căn hộ nhỏ với rèm hạt, robot thì đa dạng thể loại, có chú mặc gilet làm bartender, có chú thì đội nón, cùng phong cách, bầu không khí giống hệt như những hình ảnh khắc họa trong những bộ phim xưa ở Hong Kong. Thêm nữa, nếu như những ánh đèn neon đặc sản Hong Kong những năm xưa cũ đã tạo cảm hứng cho phong cách cyberpunk được dịp tỏa sáng mấy chục năm qua, điều tương tự cũng hiện diện trong Stray, nhưng theo cách mô tả cái thế giới suy tàn khi chỉ còn vài chú robot còn sót lại.

Nhưng từng khung hình đều được mô tả đầy quyến rũ, không áp những bộ lọc màu rực rỡ, mà tập trung hơn cho từng chi tiết. Kể cả khi vẫn chỉ dùng Unreal Engine 4, trên PS5 và PC, từng khung hình của game kết hợp chất lượng texture vật thể với cách ánh sáng tác động lên chính những vật thể ấy. Phản chiếu đèn neon xuống từng vũng nước vẫn là screen space reflection, nhưng điều đó khiến game nhẹ hơn nhiều so với giải pháp dùng ray tracing.
Hệ quả là máy tính “làm việc” của mình với Core i5-12600K và Radeon RX 6750 XT vẫn chịu được game ở độ phân giải 4K, thi thoảng có những đoạn nhiều cây cỏ, nhiều vật thể có thể tác động vật lý thì FPS sụt xuống 40 đến 45 FPS, còn lại thì vẫn ổn định ở ngưỡng 60 FPS. Dĩ nhiên với cấu hình chơi game 2K thì mình cũng không khuyến khích anh em bắt chước, mà điều đó dùng để mô tả game tối ưu rất tốt trên PC.

Một điều hơi đáng tiếc nữa, giống Sifu cách đây ít lâu, Stray cũng là một dự án game indie với quy mô nhân sự và kinh phí hạn chế. Điều đó được mô tả ngay trong thời lượng của game. Nếu không làm bất kỳ nhiệm vụ phụ nào, anh em hoàn toàn có thể chạy cốt truyện chính trong 4 đến 5 tiếng. Chịu khó khám phá thế giới để đắm mình trong khung cảnh hậu tận thế thì sẽ lâu hơn. Nhưng không giống như những game roguelike, mà Sifu chính là ví dụ điển hình, Stray dễ hơn rất nhiều, và điều đó cũng tác động trực tiếp tới thời gian chúng ta được vào vai “hoàng thượng”.
Tổng kết lại, Stray có tạo ra những đột phá đối với thể loại game nhập vai hay không? Có chứ, mấy game cho anh em nhập vai mèo chuẩn thế này? Nhưng cùng lúc, cũng không thể vì sự ấn tượng khi “sen” được vào vai “boss” mà lờ hết đi những khuyết điểm của game được.

Nhưng may mắn là, những khuyết điểm ấy quá nhỏ so với sự duyên dáng, quyến rũ mà cả gameplay lẫn đồ họa của Stray đem lại cho anh em. Nói đây là trò chơi được mong chờ nhất tháng 7 cũng không phải nói quá. Chỉ riêng việc được tự do di chuyển tới mọi ngóc ngách của từng con hẻm nhỏ, chính xác như những gì những chú mèo ngoài đời làm được đã đủ để thôi thúc các anh em tìm đến tác phẩm này rồi. Và kế đến, cốt truyện cùng cuộc phiêu lưu của chú mèo lạc đàn sẽ khiến anh em dính chặt trên ghế nhiều giờ đồng hồ liên tiếp.
Hiện tại Stray đang bán trên Steam, giá 265 ngàn Đồng: https://store.steampowered.com/app/1332010/Stray/
Stray on Steam
Lost, alone and separated from family, a stray cat must untangle an ancient mystery to escape a long-forgotten cybercity and find their way home.
store.steampowered.com