TTBC23

TTBC23


Review Transcend ESD380C và Drop test SSD chống sốc tiêu chuẩn quân đội

Ngon Bổ Xẻ
1/10/2023 10:26Phản hồi: 21
Review Transcend ESD380C và Drop test SSD chống sốc tiêu chuẩn quân đội
Mặc dù SSD bền hơn HDD khi không có bộ phận chuyển động khi hoạt động, nhưng SSD vẫn có thể hư hỏng do tác động vật lý như khi bị rơi, va đập. Tệ hơn, SSD khi hư hỏng vật lý sẽ rất khó hoặc tốn nhiều chi phí để khôi phục dữ liệu. Và đó là lý do các nhà sản xuất sẽ có những dòng SSD di động bền bỉ, bảo vệ dữ liệu bằng cách chống lại sự hậu đậu của người dùng.

Transcend ESD380C cũng là một sản phẩm như vậy. Đây là một chiếc SSD nhỏ gọn, được trang bị khả năng chống sốc với tiêu chuẩn quân đội Hoa Kỳ MIL-STD-810G. Ngoài ra, ESD380C còn sử dụng giao thức USB 3.2 Gen 2×2 cho tốc độ truy cập tối đa lên tới 2 GB/s với băng thông 20Gbps.

Trong bài viết này, mình sẽ review chi tiết và chia sẻ những trải nghiệm thực tế của bản thân với chiếc ổ cứng này. Ngoài ra, ở phần sau của bài viết mình sẽ thực hiện một loạt các bài test để kiểm tra khả năng chống sốc.

Thông tin cơ bản ESD380C


Dưới đây là một số thông tin cơ bản của Transcend ESD380C, ngoài ra các bạn có thể xem chi tiết hơn ở trang chủ của sản phẩm:
  • Kích thước: 96.5 mm x 53.6 mm x 12.5 mm
  • Khối lượng: 75g
  • Tốc độ đọc-ghi: lên đến 2 GB/s
  • Chuẩn kết nối: USB 3.2 Gen 2×2
  • Đi kèm 2 cáp kết nối: A-to-C, C-to-C
Mức giá của ESD380C là:

  • 500GB: 1,840,000đ
  • 1TB: 2,730,000đ
  • 2TB: 3,830,000đ
  • 4TB: 6,980,000đ
  • Mình tham khảo giá sản phẩm tại gian hàng chính hãng của Transcend trên Shopee và Lazada, các bạn có thể xem tại đây
Phiên bản mình đang sử dụng và sẽ review trong bài viết này có dung lượng 1TB

Ngoại hình và thiết kế


Ngoại hình của ESD380C rất hoài cổ và cũng khá đặc trưng của Transcend, giống với những chiếc ổ cứng di động HDD khi xưa của hãng. Bên ngoài thiết bị là một lớp silicon mềm màu xanh quân đội, bao trọn phần vỏ nhôm bên trong nhằm tăng độ bền, và chống va đập cho sản phẩm.
esd380c-6.JPG
esd380c-2.JPG
Với thiết kế bo cong gần như toàn bộ các mặt, ESD380C cho cảm giác cầm nắm tốt. Lớp vỏ silicon cũng giúp sản phẩm nằm cố định trên mặt bàn cũng như mềm mại với những món đồ khác xung quanh khi mình để chung trong balo. Kích thước của ESD380C chỉ to hơn một chiếc thẻ ngân hàng một chút, bằng 2/3 chiếc ổ cứng HDD 2.5 inch và khối lượng chỉ 75g nhẹ hơn rất nhiều ổ cứng di động HDD có khối lượng 154g

esd380c-7.JPG
esd380c-5.JPG
Tổng thể thiết kế, mình thấy chiếc ổ cứng này khá hài hoà, chỉ có duy nhất cổng kết nối và đèn trạng thái đặt hơi lệch lạc và không cân đối. Sẽ đẹp hơn nếu cổng USB-C và đèn trạng thái được đặt vào chính giữa
esd380c-1.JPG
esd380c-8.JPG
Đi kèm với ESD380C là 2 sợi cáp C-to-C và A-to-C, phù hợp với mọi thiết bị không sử dụng lightning. Mình cũng có thử sử dụng với thiết bị Android hỗ trợ USB-OTG cũng tương thích. Ngoài ra, ESD380C cũng sử dụng được phần mềm Transcend Elite trên máy MacOS, Windows và Android, bổ sung thêm một vài tính năng nữa cho ổ cứng như backup, restore, mã hoá, đồng bộ với cloud và khoá ổ cứng. Mình đã từng chia sẻ khá kỹ về phần mềm này trong bài review về ESD260C.

Khả năng chống sốc

Quảng cáo


ESD380C được hỗ trợ khả năng chống sốc theo tiêu chuẩn quân đội Hoa Kỳ MIL-STD-810G, cụ thể là tiêu chuẩn drop-test MIL-STD-810G 516.6
Mình có tìm hiểu kỹ hơn về tiêu chuẩn này cũng như cách mà Transcend thực hiện các bài kiểm tra. Họ sử dụng 5 sản phẩm, thả rơi 26 lần từ độ cao 1.22m với tất cả các góc và các mặt của sản phẩm. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chống sốc nếu hoạt động bình thường sau quá trình test. [1]

ESD380C Droptest image.jpg
Ngoài ra, bề mặt va chạm trong các bài kiểm tra là ván gỗ ép (plywood) dày 2 inch đặt trên nền bê tông, đây là bề mặt xuất hiện nhiều trong bối cảnh vận tải quân sự [2]. Trong điều kiện thực tế có thể khác, chúng ta có sàn gỗ, sàn gạch, sàn bê tông hay sàn kim loại.

Mình có một lưu ý, ESD380C chỉ được nhà sản xuất công bố về khả năng chống sốc chứ không đề cập gì đến việc chống nước hay chống bụi. điều này cũng là một điểm hơi đáng tiếc vì việc có thể chống nước cũng sẽ tăng thêm an toàn cho chiếc ổ cứng di động.

Tốc độ


Đây là một ưu điểm lớn của chiếc ổ cứng này. ESD380C hỗ trợ giao thức USB 3.2 Gen 2x2 với băng thông tối đa 20Gbps, giúp chiếc ổ cứng này có được tốc độ tối đa khá cao, lên đến 2 GB/s (2000 MB/s)

Nhưng chính tiêu chuẩn này lại cũng chưa được phổ biến khi mà không có quá nhiều thiết bị trên thị trường hỗ trợ. Bản thân các thiết bị mình đang sử dụng, dù có chuẩn ThunderBolt 3 40Gbps nhưng lại chỉ hỗ trợ USB 3.2 Gen 2 (hay tên cũ là USB 3.1) với tốc độ 10Gbps. Vì vậy, mình cũng chỉ test được chiếc ổ này ở mức tốc độ đó.

Quảng cáo



Tuy nhiên, blogger Tiến Sư Thầy cũng có review sản phẩm này và có test được tốc độ tối đa 20Gbps, mình xin trích vài hình ảnh từ bài viết đó để các bạn tham khảo

image-1.png
Nguồn ảnh: Tiến Sư Thầy
image-2.png
Nguồn ảnh: Tiến Sư Thầy

Có thể thấy tốc độ đọc tuần tự có thể lên mức 2GB/s và tốc độ ghi tuần tự chỉ lên được tầm 1.7GB/s nhưng cơ bản đó đã là tốc độ rất cao đối với một chiếc SSD di động rồi.

Mình sử dụng Macbook Pro 2017 với cổng Thunder Bolt 3 hỗ trợ USB 3 tốc độ 10 Gbps để test. Với phần mềm Disk Speed Test của Blackmagicdesign trên MacOS, dung lượng file test 5GB cho ra tốc độ đọc-ghi lần lượt là 929 và 851 MB/s

ESD380C - C - MBP17.png
Vẫn phần cứng đó nhưng khi test trên Windows 10 (Bootcamp) bằng Crystal Disk Mark với setup bài test chạy 3 lần, mỗi lần 4GiB (~4.3GB) dữ liệu, cho ra tốc độ đọc-ghi tối đa là 994 và 937 MB/s.

ESD380C - A - Win10.png
Với bài test tải nặng, mình test với file 250GB. ESD380C thể hiện khá tốt với việc đọc dữ liệu, tốc độ đọc khá ổn định ở mức 950 MB/s. Tuy nhiên với tốc độ ghi, sau 95GB đầu tốc độ cao 900MB/s, có vẻ ổ đã tràn dung lượng SLC cache và suy giảm về tốc 100MB/s và ổn định ở mức đó. Điều này khiến mình khá bất ngờ.

ESD380C File Benchmark.png
Mình bất ngờ ở 2 điểm, đầu tiên là dung lượng SLC cache của ESD380C hơi thấp, chỉ khoảng 10% tổng dung lượng, so với chiếc ESD310C đến từ cùng nhà sản xuất. Chiếc ESD310C mình từng review, dù chỉ là bản 512GB nhưng có có đến 150GB SLC cache, là khoảng 30%. Tất nhiên mức 95GB của ESD380C vẫn cao hơn khá nhiều so với mức 5-50GB của một số SSD đến từ các nhà sản xuất khác mà mình tham khảo được trên ssd-tester.

Điểm bất ngờ thứ hai đó là sau khi tràn SLC cache, tốc độ 100MB/s của ESD380C cũng không phải là một con số ấn tượng, tuy có cao hơn mức 70 MB/s của ESD310C nhưng chưa bằng được như một số mẫu SSD khác có cùng kích thước và phân khúc. Những mẫu SSD đó dù chỉ có dung lượng SLC thấp, nhưng khi tràn SLC tốc độ vẫn có thể đạt đến ngưỡng 300-500 MB/s thậm chí cao hơn nữa.

Tất nhiên, việc copy vài trăm GB dữ liệu cùng lúc cũng không phải là một công việc hàng ngày mà chúng ta thường xuyên làm, nên điểm này cũng có thể sẽ không quá gây khó chịu đối với một chiếc ổ cứng di động. Và chúng ta cũng có một vài giải pháp để phần nào khắc phục được chuyện này đó là:
  • Chia nhỏ file ra để mỗi lần copy một ít, dành thời gian cho ổ cứng giải phóng SLC cache giữa mỗi lần
  • Tiếp tục cắm ổ cứng sau khi copy file lớn xong để controller tự điều tiết dữ liệu từ SLC cache sang các chip nhớ khác, nơi mà dung lượng cao nhưng tốc độ thấp hơn, để lần truy xuất tiếp theo có thể đạt hiệu năng tốt trở lại

Nhiệt độ


ESD380C sử dụng vỏ nhôm, mặc dù bọc 1 lớp silicon nhưng mình thấy tản nhiệt vẫn rất tốt. Nhiệt độ cao nhất mình test được là khoảng 50 độ C và cũng mất nhiều thời gian mới lên đến mức nhiệt đó. Khả năng tản nhiệt của ổ cũng tốt, sau 1 phút từ lúc ngừng đọc ghi dữ liệu, nhiệt độ giảm từ 50 độ còn 46 độ, sau 3 phút còn 43 độ, sau 5 phút ghi nhận 42 độ và ngưng lại ở mức nhiệt đó.

ESD380C #3 Run.png
Mức nhiệt duy trì tốt như vậy sẽ giúp thiết bị hoạt động bền bỉ hơn và không gặp hiện tượng suy giảm hiệu năng vì quá nhiệt. Đây là một ưu điểm của ESD380C mà mình đánh giá cao.

Drop test

Điều kiện test


Chắc chắn mình phải thử nghiệm tính năng này rồi. Mình sẽ thực hiện một số bài test thả rơi mô phỏng một số tình huống thực tế thường gặp như:
  • Rơi từ trên mặt bàn xuống – độ cao khoảng 75cm
  • Rơi từ trên mặt bàn, nhưng ở chế độ đứng làm việc – độ cao khoảng 105m
  • Rơi từ 122 cm như chuẩn quân đội nếu như thiết bị vẫn hoạt động bình thường sau 2 độ cao trước đó
Với mỗi độ cao, mình sẽ vô tình làm rơi, thả mặt lưng, cạnh bên, góc, và cạnh không có silicon bảo vệ, các bài test được tóm tắt dưới bảng sau
image.png

Bàn làm việc của mình kê thêm 2 cái hộp nữa là vừa đủ 122cm để test những bài test ở phần cuối video.

pre-test-esd380c.png
Sàn của mình là sàn gỗ ép 12mm, tất nhiên bên dưới là lót sàn và bê tông. Sau mỗi lần test mình sẽ cắm ổ cứng vào máy tính xem ổ cứng có hoạt động bình thường hay không.

Kết quả test


Mời các bạn xem video quá trình test bên dưới. Mình cũng đã thả rơi hơn khoảng 30 lần chỉ để lấy được 13 cảnh quay cho 13 lần test mà lúc tiếp đất đúng được với vị trí mong muốn của bài test.

Clip mình đã cắt bớt từng lần kiểm tra ổ cứng sau mỗi lần thả rơi để cho đỡ dài dòng, mình để lại lần kiểm tra cuối cùng mà thôi. Lần đầu drop test nên cũng bối rối, toà nói nhầm ‘góc’ thành 'cạnh', anh em thông cảm nhé.



Kết quả không làm mình thất vọng. Sau nhiều lần lên bàn xuống sàn, lên bờ xuống ruộng, chiếc ổ cứng vẫn hoạt động không hề hấn gì. Giao diện bên ngoài sản phẩm có một chút dấu tích của va đập ở phần không được bao bọc bởi silicon. Mình cũng có thử lột silicon ra, phần vỏ nhôm bên trong được bao bọc không xước, không móp, như chưa từng có bài drop test.

esd380c-after-droptest-5.JPG
esd380c-after-droptest-6.jpeg
esd380c-after-droptest-7.jpeg
Các phần không được silicon bảo vệ sẽ có những vết xước, tróc sơn và móp nhẹ. Nhưng ổ cứng vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, với ESD380C các bạn hoàn toàn có thể yên tâm về độ bền bỉ và khả năng chống lại sự hậu đậu của người dùng.

Lưu ý: Tính năng chống sốc để phòng ngừa cho các tình huống không mong muốn, đừng thả rơi chỉ để cho vui, nhà sản xuất không chịu trách nhiệm và có thể sẽ từ chối bảo hành nếu các bạn sử dụng không đúng cách.

Tổng kết

Mình sẽ tóm tắt những ưu và nhược điểm của chiếc ổ cứng này ở bảng dưới


image.png
Transcend ESD380C sẽ là một chiếc ổ cứng di động cứng cáp và bền bỉ, giúp các bạn có thể mở rộng dung lượng lưu trữ, bảo vệ dữ liệu của bạn trước những va đập của cuộc sống. Tốc độ tối đa cao và nhiệt độ thấp sẽ giúp các bạn thực hiện nhiều công việc hiệu suất cao, tất nhiên là chỉ khi thiết bị hỗ trợ USB 3.2 Gen 2x2 rồi. Chứ như iPhone 15 Pro/Max mới ra năm nay cũng sẽ không khai thác được hết tốc độ của chiếc ổ cứng này.

Bài review xin được kết thúc tại đây, hi vọng đã cung cấp được nhiều thông tin hữu ích, cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết. Nếu có thắc mắc hay chia sẻ, các bạn hãy comment ở bên dưới bài viết này nhé

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Facebook, Telegram, YouTubeGroup chia sẻ deal hời

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

21 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Drop test thì trên bê tông chứ nhỉ
@Nsuc Nhà mình lại toàn sàn gỗ 😁 Theo tiêu chuẩn drop test mình chia sẻ trên bài cũng là nền gỗ trên bê tông
@Nsuc Có chống sốc đội thêm giá. Mà thấy memoryzone rẻ hơn 400 cành bản 1TB
https://shopee.vn/Ổ-cứng-di-động-SSD-1TB-Transcend-ESD380C-2000MB-s-TS1TESD380C-i.70701949.19283151432
@Pewnoy Các đại lý thường bán rẻ hơn gian hàng của hãng mà 😁
@Ngon Bổ Xẻ đồ transcend thì ngon-bổ-rẻ rồi bác nhỉ
SSD thì cần gì chống sốc nhỉ ??! Hơi dư thừa nhỉ.
@John Chris Mình thấy có thừa đâu, có trang bị vẫn tốt hơn mà, nhiều khi làm rơi mà chẳng may hỏng thì cũng toi hết dữ liệu. Hầu như mọi hãng đều có các dòng chống sốc như vậy
buiquy1818
ĐẠI BÀNG
2 months
@Ngon Bổ Xẻ Thiết bị chống sốc của mình có nhược điểm là sau một thời gian thì cái lớp silicon bị lão hóa. Dơ kinh khủng. Vậy chọn SSD + box chống sốc có vẻ hợp lý hơn, một hai năm thì thay box khác hoặc tận dụng lại SSD.
@buiquy1818 Cái này đúng là khó tránh với những món từ silicon hoặc vật dụng có cao su, nó lão hoá tự nhiên nên sẽ bị thôi, khác cái là nếu đồ tốt thì 8-10 năm mới bị, đồ không tốt có thể 2-3 năm là bị
cũng ngon á. chắc múc nó về sài.
Cho mình hỏi sustained write speed 100MB/s vậy là ổn ko nhỉ?
@Blitzwaffen Mình thấy hơi chậm, mình đã kì vọng sẽ được tầm 2-300MB/s
Chuẩn quân đội thì drop phải bê tông, cho xe cán qua chưa? Đập mạnh tay thử cái coi?
@truongtuananhhau1 Chuẩn quân đội có nhiều loại khác nhau. Mẫu này không chống mấy loại tàn phá đó bạn nhé.

Còn mua về dùng không phải để đập với để cho xe cán.

Và trong chuẩn drop này là 122m xuống nền ván gỗ ép đặt trên bê tông mình đã đề cập trong bài
trungmum
TÍCH CỰC
2 months
Drop test với cưa đi nào. Haha
@trungmum Vỏ nhôm thôi mà 😁 có phải nhôm quện titan đâu cưa làm chi
lerock
ĐẠI BÀNG
2 months
Transcend chất lượng lởm, xài vài bữa lỗi là hư. Các bro nào muốn bền thì nên kiếm Sandisk. Cắm rút liên tục 10 năm chưa hư.
@lerock Hãng nào cũng có rủi ro lỗi thôi, đồ Transcend mình có mấy món cũng chục năm rồi vẫn ngon
Còn Sandisk chưa chắc đã tốt đến vậy, mới gần đây có vụ tự format mất dữ liệu
esken
ĐẠI BÀNG
2 months
Nhìn quá ổn áp, giá vẫn chưa có discount lớn 😆)))) bỏ vào watchlist
giá hơi mặn
Cười vô mặt
Giá này vote mua Sandisk Extreme V2 E61 gọn hơn mà giá mềm hơn, vẫn chống sốc, chống nước tốt

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2023 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019