Review TV Sony Bravia 43X8500F - Xuất sắc trong tầm giá

tuanpekoe
21/12/2020 5:54Phản hồi: 0
Review TV Sony Bravia 43X8500F - Xuất sắc trong tầm giá
Xin chào các bạn, nhân cuộc thi viết Review TV Sony do Tinhte tổ chức, mình xin được viết một bài trải nghiệm sau 1 năm sử dụng Tivi Sony Bravia 43X8500F này. Năm ngoái mình mua nhà mới nên sắm con Tivi mới. Nhà mình dùng Sony gần 15 năm nay rồi nên khá tin tưởng về độ bền và chất lượng hình ảnh. Mình không thích Samsung lắm nên không mua Tivi Samsung. Mặc dù Tivi Samsung được tích hợp nhiều công nghệ hơn. Thời điểm mình mua là ngày 29/9/2019, nhưng mua về để đấy, chưa dung vì chưa chuyển đến ở nhà mới. Thực sự bắt đầu dùng là tháng 12/2019.

Tóm tắt thông số kỹ thuật:
  • Kích thước 43 inch
  • Màn hình 4K 3840 x 2160 pixel, tấm nền VA, LED viền.
  • Hệ điều Android TV 9.0
  • Bộ nhớ 16GB

1. Thiết kế tổng thể

[​IMG]
Dòng Sony 8500F này thì đi theo hướng thiết kế tối giản, không quá bóng bẩy và cầu kỳ lắm. Thiết kế tổng thể với các đường nét vuông vức, sắc cạnh. Với mức giá hơn 12 triệu thì mình không đòi hỏi quá cao về thiết kế của Tivi. Cơ bản là khá ổn khi đặt trong phòng khách. Viền Tivi được thiết kế mỏng, khoảng 6-8mm, chưa thực sự mỏng như các Tivi phân khúc cao cấp nhưng cũng đã đủ để làm mình hài lòng.
Viền Tivi có màu đen hơi nâu, được làm bằng chất liệu nhôm hoặc thép. Cầm vào cho cảm giác chắc chắn, không bị ọp ẹp. Chân đế được thiết kế chữ V, màu bạc, có 4 điểm tiếp xúc, rất chắc chắn. Mình có lắp thử để xem nhưng không dùng chân đế bởi vì mình treo Tivi lên tường. Ở cạnh dưới của Tivi có đèn báo trạng thái On/Off và đèn nháy khi có tín hiệu từ Điều khiển (Remote). Cá nhân mình đánh giá việc chọn màu trắng cho đèn này là khá tinh tế, phù hợp với tính thẩm mỹ của hầu hết người dùng.

Dòng chữ Bravia được in mờ ở góc trên bên trái, nhìn kỹ mới nhận ra được. Logo Sony chính giữa cũng khá đơn giản. Nói chung nếu bỏ cái Logo Sony đi thì chắc không ai nhận ra đây là 1 chiếc Bravia của Sony.

2. Chất lượng Hình ảnh
Sony65X850FTopCorner.jpg
Đây là lần đầu tiên mình sử dụng Tivi 4K, mình rất ấn tượng về độ mịn của hình ảnh khi nhìn thấy chiếc 8500F này lần đầu tiên. Hình ảnh mịn và màu đẹp hơn rất nhiều so với Tivi Sony FHD ở quê đang dùng. Độ phân giải của màn hình này là 4K (3840 x 2160) và sử dụng công nghệ LED viền, không phải là Full Array. Một số công nghệ nổi bật mà Sony tích hợp vào chiếc Tivi này bao gồm:
  • Bộ xử lý 4K HDR X1™️
So với Series 7000 thì Series 8500 được trang bị riêng con chip X1 HDR. Theo như mình tìm hiểu thì Sony có 2 dòng bộ xử lý là 4K X1 và 4K HDR X1. Bộ xử lý 4K X1™️ là công nghệ sử dụng thuật toán cao cấp để giảm nhiễu và tăng chi tiết cho ảnh. Bộ xử lý 4K HDR X1 mới phát triển có khả năng xử lý hình ảnh trong thời gian thực cao hơn 40% so với Bộ xử lý 4K X1™️. Con Chip này giúp nâng cao chất lượng màu sắc mà độ mịn của hình ảnh 4K. Chỉ được trang bị ở những dòng Tivi phân khúc tầm cao trở lên.
  • Motionflow™️ XR 800 Hz
Công nghệ này giúp tạo ra và chèn thêm các khung hình giữa các khung hình ban đầu. So sánh các yếu tố trực quan chính trên các khung hình liên tiếp rồi tính toán từng khoảng khắc chuyển động trong các cảnh phim. Từ đó mang lại màu sắc điện ảnh chân thật, độ nét được cải thiện hiệu quả và sinh động hơn. Tần số sử dụng là 800 Hz.
Nói tóm lại công nghệ này áp dụng với những cảnh phim hành động nhanh, giúp nó hiển thị rõ nét mà không bị mờ.
  • 4K X-Reality™️ PRO
Công nghệ xử lý hình ảnh 4K X-Reality™️ PRO nâng cấp mọi điểm ảnh cho độ rõ nét vượt trội. Các kỹ thuật giảm nhiễu tiên tiến và một cơ sở dữ liệu mẫu hình đặc biệt đảm bảo từng cảnh hiển thị một cách chi tiết và chân thực. 4K X-Reality™️ PRO sử dụng đa dạng các kỹ thuật giảm nhiễu để hình ảnh sắc nét và tinh tế hơn. Hãy xem các cảnh trở nên rõ nét, mượt mà và tự nhiên hơn.
Nếu tín hiệu đầu vào đạt chuẩn 4K, tivi sẽ tái tạo chính xác sự sắc nét và mượt mà của hình ảnh. Trong khi đó, nếu tín hiệu đầu vào có độ phân giải Full HD, tivi sẽ nâng cấp sao cho đến gần chuẩn 4K nhất bằng cách tăng độ phân giải, tăng độ nét và giảm thiểu tối đa tình trạng nhiễu hình.
  • TRILUMINOS™️ Display
Cải thiện cường khả năng hiển thị và tăng khả năng phối màu 1 cách chuẩn xác hơn trên các dòng Tivi Bravia. Các đèn nền màu trắng sẽ được thay thế hoàn toàn bằng các bóng màu LED màu xanh sau đó sẽ cho đi qua 1 màng lọc được tạo nên từ các chấm lượng tử, và sẽ tạo ra nhiều màu sắc khác nhau tùy theo từng bước sóng được cung cấp.
Công nghệ TRILUMINOS™️ Display này giúp cho phần đèn nền LED phát ra ánh sáng tinh khiết hơn và tông màu tự nhiên hơn, chủ yếu là các màu khó tái tạo như màu đỏ, xanh lá cây.
  • Light Sensor
Tivi Sony 8500F có trang bị cảm biến ánh sáng để điều chỉnh độ sáng của Tivi theo môi trường xung quang. Đây là một chức năng mình đánh giá rất quan trọng, mang lại sự dễ chịu cho người xem Tivi khi bật hoặc tắt đèn trong nhà.

3.Âm thanh
Âm thanh của Tivi thì thực sự mình không đánh giá cao, dòng 8500F này được trang bị 1 cặp loa 10W+10W. Công nghệ mà Sony trang bị cho dòng này là Clear Audio + và S-Force Front Surround. Clear Audio + là một công nghệ âm thanh đặc biệt, công nghệ này có thể tìm ra được dòng nhạc mà người dùng đang phát, sau đó chọn những phạm vi âm thanh tốt nhất để truyền tải để có trải nghiệm âm thanh tốt nhất có thể.

Quảng cáo


Do nhu cầu âm thanh của mình cao hơn loa mặc định, để tăng chất lượng nghe nhạc và xem phim mình đã trang bị cho chiếc Tivi này 1 bộ Soundbar Samsung HW-M360 có công suất 200W. Mình không chọn Soundbar của Sony vì giá khá cao, trong khi đó mình có thể chọn 1 bộ Soundbar của Samsung với mức giá dưới 2 triệu và cho âm thanh rất ổn.
Đối với các bạn thích nghe Loa hoặc Tai nghe Bluetooth thì có thể phát âm thanh qua Bluetooth. Chất lượng truyền âm thanh qua Bluetooth khá ổn định. Có một điểm cần lưu ý là khi kết nối Tivi Sony với Loa/Soundbar thì Tivi vẫn phát ra tiếng Feedback của System Sound khi sử dụng điều khiển qua loa tích hợp của Tivi mà không qua Loa/Soundbar.

4. Điều khiển
IMG_1981 v2.jpg
Mình muốn nói qua một chút về chiếc điều khiển (Remote), vì thực ra điều khiển mới chính là thứ chúng ta tương tác với Tivi nhiều nhất. Chứ không phải là bản thân chiếc Tivi.
  • Thiết kế
Mã của chiếc điều khiển này là RMF-TX310P. Thiết kế của chiếc Remote của Tivi 8500F này khá thực dụng, góc cạnh vuông vức, như 1 chiếc hộp chữ nhật vậy. Tổng thể thì thiết kế không có gì đặc sắc, chỉ mang lại cảm giác cứng cáp, chắc chắn. Nếu so với tính nghệ thuật của Điều khiển Samsung thì chưa bằng. Nhưng chính sự đơn giản này lại có 1 cái lợi ích đó là nếu bị hỏng thì mua điều khiển thay thế rất đơn giản và khá rẻ.
  • Phím ấn
Các phím ấn có độ đàn hồi tốt, khoảng cách tách biệt rõ ràng, dễ ấn và không bị nhầm. Tuy nhiên nếu có cách nhập văn bản bằng cách kết hợp gõ chữ bằng phím số thì sẽ tốt hơn. Vì nếu mình muốn tìm một cụm từ trên Youtube mà dùng phím ảo thì hơi chậm.
  • Giọng nói
Chức năng nhận diện giọng nói làm mình khá bất ngờ. Vì khi mình tìm kiếm bằng đọc 1 câu bằng tiếng Anh thì khả nhận diện giọng nói rất nhạy và chính xác. Mình không rõ là Micro nằm ở trên điều khiển hay nằm trên Tivi nữa. Vì điều khiển của mình bọc 1 lớp Nilon chống nước nhưng vẫn nhận diện giọng nói rất tốt.
  • Chức năng
Hai nút mình dùng nhiều nhất chắc là Back và Home. Mình chỉ muốn gợi ý cho một số người mới sử dụng đó là nên sử dụng thêm các nút phía dưới nữa đó là Play, Forward, Backward, Exit nữa. Sẽ rất tiện dụng khi xem Youtube hoặc dùng chương trình Player nào đấy.

5. Cổng kết nối

Quảng cáo



IMG_2021.JPG
Sony 8500F được trang bị khá nhiều cổng kết nối, trong đó có: 01 Antena, 04 cổng HDMI, 03 USB, 01 Audio Out, 01 Optical Audio, 01 IR Blaster, 01 Ethernet, 01 bộ Component In. Đối với mình như vậy là quá đủ cho nhu cầu.
  • HDMI
Điểm mình chưa thích là HDMI 1 nằm phía sau Tivi, mà thực tế bây giờ mấy ai còn cắm ra phía sau Tivi nữa, chủ yếu là để sát tường hoặc treo trên tường. Như vậy cổng này xem như vô dụng. Tivi này được trang bị 1 cổng HDMI ARC giúp xuất ngược âm thanh ra loa ngoài. Ngoài ra Tivi này còn hỗ trợ HDMI Enhanced format nữa, nhưng mình chưa có thiết bị phát Video 4K phù hợp nên chưa trải nghiệm được tính năng này.
  • IR Blaster
Chức năng này dùng để điều khiển Set-top-Box bằng chính điều khiển của Sony, nhưng mình cũng chưa có thiết bị nào phù hợp để trải nghiệm.
  • Optical Audio
Đây là 1 cổng yêu thích của mình, mình đưa tín hiệu của Tivi ra Soundbar bằng cổng Optical Audio này. Theo mình thì truyền tín hiệu Audio bằng cách này sẽ ổn định và đảm bảo chất lượng âm thanh hơn cách truyền qua Bluetooth. Vấn đề nho nhỏ với cái cổng này là nó nằm phía sau Tivi, thực sự thì mình muốn nó nằm bên cạnh hơn để dễ kết nối.
  • USB
Trong 3 cổng USB thì có 1 cổng là 3.0/3.1, còn 2 cái còn lại là 2.0. Cơ bản là ít dùng cổng này, trừ khi cắm USB để nghe nhạc hoặc xem phim chất lượng cao.
  • Ethernet
Mình muốn tín hiệu mạng luôn ổn định nhất do đó mình dùng mạng dây chứ không dùng Wifi, mặc dù bộ phát Wifi có khả năng phát 5Ghz. Cổng này không có đèn báo, nếu cổng Ethernet này có đèn báo tín hiệu thì tuyệt vời hơn nữa.

6. Truyền hình
Mình rất hiếm khi sử dụng truyền hình DVB-T2 để xem, chủ yếu vẫn xem các nội dung qua Internet. Mình chỉ sử dụng để xem giải V-League, vì xem qua VTVGo rất lag. Đây là đều tối kỵ khi xem đá bóng. Hiện tại mình đang sử dụng Antena tàu bay Model TB105 KD. Sử dụng nguồn điện AC 220V để kích sóng cho ổn định, bắt được 40 kênh.
Cơ bản thì chức năng truyền hình cũng không có gì để nói nhiều. Chất lượng tín hiệu ở khu vực mình sống khá ổn định và chất lượng hình ảnh truyền hình HD khá ổn.

7. Phần mềm
IMG_1986 v2.jpg
  • Android TV
Khi mua về thì Tivi được cài sẵn Android 7.0. Sau đó mình cập nhật luôn lên Android 8.0; giao diện của bản này hoàn toàn khác biệt so với bản 7.0. Và cách đây ít hôm mình đã cập nhật lên 9.0. Đây thực sự là 1 điều tuyệt vời khi luôn được cập nhật lên bản mới nhất. Mình hi vọng sẽ còn được cập nhật lên các bản Android cao hơn nữa. Để review phần mềm thì chắc phải viết 1 bài riêng để đánh giá chi tiết. Nhưng tóm gọn lại thì mình hoàn toàn hài lòng với chiếc Tivi Sony chạy Android này.
  • Chromecast Built-in
Chức năng này ngày xưa khá được nhiều người dùng nhưng gần đây thì mình thấy ít ai sử dụng vì khả năng tìm kiếm trên Tivi đã quá xuất sắc. Bây giờ chắc ít ai sử dụng điện thoại để Cast một nội dung lên Tivi nữa. Thay vì đó dùng Voice Search là cực kỳ thuận tiện rồi, trừ khi bạn muốn Cast văn bản hoặc một bức ảnh từ điện thoại lên Tivi.

8. Bảo hành
Vừa rồi thì mình có trải nghiệm dịch vụ bảo hành của Sony nên mình cũng muốn chia sẻ một chút. Như mình đã nói ở trên mình mua từ cuối tháng 9 nhưng đến tháng 12 mới dùng và mình phát hiện ra có các đốm mốc đen ở bên trong màn hình. Khi phát hiện lỗi thì mình đã gọi cho TTBH của Sony và chọn dịch vụ bảo hành tại nhà. Nhân viên BH của Sony đến khá đúng giờ tuy nhiên khi thay Panel mới thì khi Test lại phát hiện ra lỗi hở sáng. Do đó nhân viên BH hẹn quay lại vào hôm sau với một chiếc Panel mới. Và khi thay Panel lần 2 này thì mọi chuyện đã được khắc phục. Lại nét như Sony J
Do đó mình có một góp ý nhỏ cho các bạn là Tivi mua về nên sử dụng thường xuyên, mình đã thấy một số Tivi mua về ít sử dụng nên bị các viết nấm mốc bên trong màn hình. Mình cho điểm dịch vụ BH này của Sony là 9/10 điểm.

9. Set-top-box
Cái này ngoài lề một chút, nhưng vẫn liên quan đến Tivi Sony. Đó là mình đang sử dụng 2 thiết bị hỗ trợ cho Tivi là FPT Play và Mac Mini 2010. FPT Play sử dụng để xem các bộ phim trong kho phim của FPT Play. Còn Mac Mini cho các bộ phim chất lượng cao và dung lượng lớn.

10. Tổng kết:
Ưu điểm:

  • Chất lượng hình ảnh đẹp, sắc nét, màu sắc sâu và tương phản tốt.
  • Phần mềm Android tốt, phục vụ được hầu hết nhu cầu của người dùng.
  • Cổng kết nối đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu.
  • Dịch vụ bảo hành tốt.
Nhược điểm:
  • Cổng HDMI và Optical Audio nằm phía sau chưa phù hợp.
  • Điều khiển Sony nói chung khá nhanh hỏng.
  • Loa tích hợp của Tivi cần được nâng cấp thêm về chất lượng.
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019