Tập đoàn công nghệ Nhật Bản Ricoh đã phát triển thành công loại polymer áp điện có thể chuyển hóa áp lực và rung động thành điện năng với hiệu suất cao. Đây là loại vật liệu cực kỳ dẻo, linh hoạt và bền, hứa hẹn sẽ được sử dụng trong rất nhiều thiết bị điện tử khác nhau, đặc biệt là tạo tiền đề cho sự phát triển của dự án Internet of Things trong tương lai không xa.
Áp điện (Piezoelectric) là một hiện tượng vật lý biến đổi trực tiếp năng lượng điện thành năng lượng cơ học và ngược lại. Vật liệu áp điện có 2 dạng chính là gốm và polymer. Cả 2 đều hoạt động dựa trên nguyên tắc là sử dụng các biến dạng cơ học để tạo ra dòng điện và dùng để cung cấp cho các thiết bị khác, chẳng hạn như cảm biến rung hoặc áp lực. Tuy nhiên, cả 2 loại vật liệu này tồn tại những nhược điểm riêng. Gốm có hiệu suất chuyển hóa năng lượng cao, nhưng lại có trọng lượng nặng, dễ vỡ và thường có chứa chì - vốn là một chất độc hại. Trong khi đó, polymer áp điện nhẹ, dẻo và bền hơn nhưng lại có hiệu suất chuyển hóa không cao.
Tuy nhiên, Ricoh tuyên bố rằng họ đã vượt qua được rào cản ấy và tạo ra một loại cao su tạo năng lượng thế hệ mới, đảm bảo các đặc tính dẻo, nhẹ, bền và hiệu suất cao. Loại polymer này không chỉ bền hơn gốm mà còn bền và dẻo hơn các loại polymer khác. Ricoh tiết lộ rằng thế hệ polymer mới có thể tồn tại qua hàng triệu lần sử sử dụng trong các bài thử nghiệm. Mặt khác, nó cũng vô cùng nhạy cảm dù đó là áp lực mạnh hay nhẹ nhằm đảm bảo hiệu suất chuyển hóa năng lượng tối đa.
Hiện tại, hãng vẫn chưa công bố nguyên lý hoạt động cũng như thành phần và thông số chi tiết của loại polymer áp điện nói trên. Họ chỉ cho biết sẽ tiến hành thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa, nhằm xem xét tính khả thi khi thương mại hóa. Dù vậy, đây là một kỹ thuật tạo năng lượng đầy hứa hẹn và đáng để chờ đợi. Nó không chỉ được trang bị trong các cảm biến, thiết bị năng lượng, nhiều thiết bị điện tử mà rộng hơn là tạo tiền đề cho sự phát triển của Internet of Things vốn đang rất cần những vật liệu nhỏ, nhẹ, mỏng như có hiệu năng cao.