Sennheiser HD800S – Những cảm nhận đầu tiên - Sự chính xác của người Đức

Aeolus Kratos
4/11/2021 8:46Phản hồi: 103
Sennheiser HD800S – Những cảm nhận đầu tiên - Sự chính xác của người Đức
Điểm mình nghĩ cần lưu ý với mọi người trước khi đọc bài viết bên dưới:

- Bài này mình gọi là “Cảm nhận đầu tiên (First Impressions)” thay vì là “Đánh giá chi tiết (Detail Review)”, đơn giản là vì mình chỉ mới dùng HD800S được tầm gần 1 tuần, thời gian chưa đủ lâu và “thấm nhuần” để mình tự tin nói đã hiểu hết ruột gan con HD800S được, nên mọi người cứ xem đây đơn giản là một bài nêu ra những cảm nhận của mình khi lần đầu khui hộp con HD800S và ốp lên tai.

Nếu cả nhà đã sẵn sàng, mình bắt đầu thôi.

1. Mở đầu:

5364448_tinhte_sennheiser_hd_800s_18.jpg


Xin chào mọi người, chắc cũng gần 7 năm rồi mình mới cất công gõ vài dòng cảm nhận về một món audio. Một phần cũng vì dạo này cũng lười, đi làm về cứ thế bật loa lên rồi nghe, cơ mà phần lớn hình như tai càng ngày càng khó tính hay sao đó nên mãi chả có món nào có thể tạo cho mình cảm xúc để dành thời gian ngồi viết như thế này.

Vài dòng kể lể một chút về bản thân, trong chặng đường đam mê audio đã qua, mình đã may mắn có dịp sở hữu cũng như nghe thử rất, rất nhiều tai nghe ở đủ mức giá và loại khác nhau, từ IEM đến fullsize, từ bình dân đến trung cấp và cả rất nhiều flagship. Thời năm 2011-2012 mình đã được nghe HD800 ở nhà một người bạn, một trong những con HD800 đầu tiên ở Việt Nam và có số S/N cực kỳ thấp, mình nhớ không lầm là 003xx, rồi sau đó cũng nghe kha khá hệ thống HD800 với một cơ số headamp trung và cao cấp khác nhau. Dẫu cực kì ấn tượng với cái độ chi tiết kinh người của nó nhưng với 1 hardcore fan vocal và ưu tiên transparency thì với quả hot treble + quả peak ngay 6Khz/10Khz đó thì mình không thể nghe quá 15 phút, bass cũng chả thấy đâu. Sau đó cũng lặn lội qua hàng tá setup tai nghe khác nhau và tìm được chân ái của đời lúc đó là combo Sennheiser HD650 + headamp Bottlehead ....., mình cũng gắn bó với combo này được gần 3 năm.
IMG_1556.JPG

Rồi dòng đời xô đẩy, mình tạm rời xa con đường headphone và qua con đường loa dân dụng, một bước “tiến hóa” thường thấy của mọi audiophile trẻ tuổi, cũng tặc lưỡi tự nhủ là “tai nghe cũng chỉ đến thế thôi, thôi tập trung hết vào loa vậy”. Bẵng đi một thời gian, một ngày đẹp trời nọ, mình có dịp nghe HD820 tại triển lãm nghe nhìn, dẫu chỉ nghe thoáng qua + với cái môi trường siêu ồn ào và hỗn tạp ở triển lãm nhưng mình rất ấn tượng với chất lượng âm thanh lúc đó của HD820, nó rất khác với những gì mình dung về dòng HD800, và thế là sự tò mò và thôi thúc muốn trở lại thử các model tai nghe mới ra lớn dần trong mình.

Sau thời gian dài gắn bó với loa, sẵn nóc nhà cấp kinh phí và ông anh bạn thân yêu ở hãng Sennheiser nhắn nhủ lời đường mật “HD800S mới về hàng và có khuyến mãi sốc kìa Khiêm cưng”, mình đã quyết định lấy HD800S về mà chưa một lần được nghe trước, đúng nghĩa blind buy, đơn giản vì dòng quảng cáo ngắn gọn của hãng: HD800S = HD800 đã fixed được peak ở dải tần 6Khz/10Khz + cải thiện low frequency + tiếng đầm hơn. Trên lý thuyết chính là một con headphone “end-game” theo gu của mình.
Mình kể sơ cái chặng đường mình trải qua phía trên để nhắn nhủ là mấy cái nhận xét của mình sắp viết dưới đây về HD800S là dựa trên một đôi tai đã quen với tiếng của loa dân dụng, dẫu dàn cũng vừa phải thôi: amply Plinius 9200, loa Q Acoustics Concept và quan trọng là mình có dùng sub SVS SB-2000 khi nghe loa, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến cảm nhận của mình về tai nghe nói chung và HD800S nói riêng (mình sẽ nêu chi tiết ở phần dưới). Nên các bạn có thể có những cảm nhận rất khác thậm chí trái ngược với mình.
IMG_1614.JPG

Đối với mình, việc viết review về tai nghe rất khó, có lẽ khó hơn rất nhiều so với amp, DAC…đặc biệt là tai nghe fullsize cao cấp. Một phần là vì những tai nghe này không phải có thể dễ dàng nhận định chỉ qua một thời gian nghe ngắn ngủi, phần khác là vì những người viết review phải có một setup đủ tốt để khai thác hết tiềm năng của những tai nghe này mới có thể viết một bài cảm nhận khách quan và đáng tin cậy được. Đó là lí do vì sao trước giờ mình rất ít khi viết cảm nhận một tai nghe fullsize. Hôm nay có lẽ là một ngoại lệ.

Thôi dài dòng rồi, vào vấn đề chính của bài viết này: Sennheiser HD800S là tai nghe như thế nào.
IMG_1615.JPG

Quảng cáo



2. Hệ thống sử dụng:

Với trở kháng 300 Ohm + cái danh “tai nghe tham chiếu” của mình, HD800S chắc chắn không phải là con tai nghe dễ chơi dễ trúng thưởng, ghim đâu cũng nhảy được, cơ mà tin vui là mình thấy nó cũng không đến nỗi khó nhằn như tiền bối HD800, dưới đây là chi tiết hệ thống mình hiện đang dùng để đánh HD800S:

- Source nhạc: laptop HP Probook, trình phát nhạc Foobar, nhạc lossless + DSD các thể loại
- USB isolator: Schiit Wyrd
- USB to Digital Converter: Singxer SU-6
- DAC: Holo Spring DAC Level 2
- Headamp: Singxer SA-1
- Lọc điện: Clef Powerbridge 10
- Dây dẫn: dây USB Chord/Furutech, dây nguồn Nordost Reddawn LS/Morrow Audio series 3/Furutech 314AG, dây XLR Morrow Audio S3, dây HDMI Wireworld.

Quảng cáo


- Tai nghe: Sennheiser HD800S + dây stock 4.4mm balance đi kèm theo tai

IMG_1559.JPG

Cơ bản mình thấy hệ thống này không phải kinh khủng khiếp gì nhưng cũng khá bài bản và đủ để khai thác kha khá HD800S rồi. Mình chưa nghe HD800S với các high-end tube headamp. Dù cũng không lạ lắm với việc 1 tiền gà 3 tiền thóc nhưng 1 tiền gà mà chỉ ½ tiền thóc cũng đỡ hại thận hơn nhỉ.

3) Thiết kế - Độ thoải mái khi đeo
3.1) Thiết kế:

Packaging của HD800S với mình cơ bản là ổn, gồm tai nghe, manual, một cable 3m jack 6.3mm, một cable 3m jack 4.4mm balance và đặc biệt là 1 USB có file certificate cũng như frequency response của chiếc tai nghe HD800S mà bạn đang sở hữu - một điểm khá tinh tế làm tăng độ luxury cho chiếc tai nghe. Về hình ảnh và thiết kế các bác có thể google và ra hàng tá hình rồi nên em thấy không cần tả lại.
IMG_1558.JPG

Frequency.jpg
Đầu tiên chê cái đã, có các điểm sau mình chưa hài lòng lắm về thiết kế + packaging con HD800S:

- Với mình thì nếu hãng cho 1 sợi balance 4 pin XLR thay cho sợi 4.4mm sẽ ok hơn, vì dù gì cũng ít ai dùng HD800S ghim vào máy nghe nhạc mà sẽ có thiên hướng phối với các headamp balance cao cấp có XLR.

- Cái pad nhung của HD800S siêu siêu bám bụi công với cái thiết kế “open”, mở banh càng thì rất dễ lọt bụi và lông thú cưng vào, nên nghe xong mình khuyến khích nên để trong hộp, chứ không qua thời gian chắc xuống sắc không phanh, đặc biệt các nhà có nuôi chó/mèo.

- Nước sơn của HD800S khá dễ tróc, cần giữ kỹ, cẩn thận chút, đặc biệt ở cái mép tai nghe để lên bàn/headamp.

- Cách tháo cable của HD800S đơn giản là nắm chặt tai nghe + dây và giật ra. Điều này khá dễ dẫn đến việc cable có rủi ro bị đứt ngầm nếu giật quá mạnh hoặc tệ hơn là cái chốt cắm bị kẹt vào housing HD800S, mình chưa hình dung được lỡ bị vậy thì sẽ xử lý như thế nào luôn. Bản thân mình khi thay dây cho 800S đều phải toát mồ hôi hột và rất cẩn thận. Mình thấy nếu hãng thiết kế kiểu dạng 1 khớp lock nhỏ, ấn vào khớp xong jack tự rơi ra sẽ ổn hơn nhiều.

- Cũng vì thiết kế mở banh càng mình nói ở trên nên cách âm HD800S xem như bỏ, gần như những người xung quanh bán kính tầm 5-6m có thể nghe rõ mồn một âm thanh đang phát trong tai nghe, nên mình chống chỉ định với các bác dùng HD800S để xem các thể loại phim tình cảm, hành động lặp lại nhiều lần Nhật Bản.

IMG_1557.JPG

Chê xong rồi, giờ tới khen:

3.2) Độ thoải mái khi đeo:

- Với mình, độ thoải mái của một con tai nghe là ưu tiên hàng đầu khi chọn mua tai nghe, tai nghe có hay đến mấy mà đeo lên đầu bị mệt/nhức đầu/mỏi cổ thì mình cũng chịu. Và mình rất vui khi nhận xét ngắn gọn: cũng như HD800, Sennheiser HD800S là tai nghe thoải mái nhất mình từng được đeo. Mình đã nghe suốt gần 3h đồng hồ khi đang typing review này mà không hề thấy bất cứ sự khó chịu nào.

IMG_1566.JPG

Xong phần thủ tục, giờ tới phần quan trọng nhất – chất lượng âm thanh, quả tai nghe gần 2k$ thì chắc không dở rồi, quan trọng là nó hay ra sao và có đáng với cái pricetag không.

4) Âm thanh
4.1) First Impression & Tonality (Ấn tượng đầu và tổng thể âm):

Trước khi đeo HD800S lên tai mình đã có tí lo ngại nó sẽ sáng quá mức. Và khi mình lần đầu tiên nghe HD800S, ngay khi nhạc bắt đầu phát, mình đã mắt chữ A, mồm chữ O, sốc, sốc thật. HD800S “chiêu đãi” mình bằng thứ âm thanh trong vắt và độ chi tiết khủng khiếp. HD800S thể hiện giọng hát và nhạc cụ với cực kỳ rõ ràng, transparency trong đến mức “phi thực tế”, mình không nghĩ mình lại được nghe thứ âm thanh chi tiết và rõ ràng đến vậy.

Định thần lại, nghe kỹ hơn, thì một vài điểm chưa tốt lắm dần lộ ra. Mình phải thừa nhận rằng, âm sắc của HD800S khi mới khui hộp nghiêng về khía cạnh “phân tích” (analytical) một chút, với gu mình bass thì nó hơi light, âm mids hổng “ngọt” lắm và âm cao vẫn khá sắc. Tuy nhiên, mình đến giờ vẫn nhớ rất rõ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu được nghe thứ âm thanh trong suốt như pha lê và độ trung thực gần như tuyệt đối mà HD800S đem lại.

Tuy nhiên sau tầm gần trăm tiếng play nhạc thì sự sắc nét hơi quá của HD800S đã biến mất. Tổng thể HD800S đã êm hơn; điều đáng ngạc nhiên là dải cao mình thấy không còn lấn át các dải còn lại như HD800, tiếng rất đều, đĩnh đạc và người lớn. Nghe các cụ khoai Tây bảo HD800S cần phải burn in hơn 500h mới ổn định, khiếp, mỗi ngày nghe 10 tiếng thì tận 2 tháng mới ok á? Chịu, mình không chờ đến lúc đó nổi, nôn viết lắm rồi, hehe. Đến lúc 500h có thấy điều kỳ diệu gì thì mình làm thêm 1 bài nữa vậy.

4.2) Bass (Âm trầm)

Dải trầm của HD800S không được nhấn mạnh đặc biệt, mình cũng không ngạc nhiên lắm vì dù gì nó cũng là dòng kế thừa HD800. Bass HD800S không đi theo trường phái “ngạc nhiên chưa”, hoặc “khủng bố” người nghe ngay từ những nốt đầu tiên quả trống gõ xuống. Mid bass và upper bass hơi thiếu cái độ punchy và impact bốc lửa khi nghe các bài quẩy nhiệt. Một phần chắc cũng do gu mình hơi xôi thịt và cũng nghe quen nhạc khi có sub rời ở loa rồi. Cơ mà điểm sáng là phần sub-bass mình thấy đáp ứng đủ những gì người ta mong đợi từ một quả tai nghe gần $2000, xuống cực kỳ sâu, không hề bị roll-off và rất êm. Điều này có thể là do thiết kế dạng open của HD800S, các tai nghe dạng closed-back thì có thiên hướng focus vào mid và upper bass hơn sub-bass.

Nói một cách đơn giản, để mọi người dễ hình dung hơn, dải trầm trên HD800S giống như một hệ thống loa 2.0 high-end, bass rất chuẩn và gãy gọn nhưng lại thiếu đi một chút cái độ hoành tráng và impact ép phê đến rung lồng ngực, rung nhà rung cửa kính của một hệ thống loa 2.1 high-end có sub được cân chỉnh tốt. Tựu chung lại, bass HD800S đi theo hướng gọn gàng, sạch sẽ, cân bằng tốt với trung âm và không bao giờ làm của người nghe phải chú ý. Tuy nhiên mình thấy điều này vô hình chung lại là điểm tốt.

Điều này cho phép người nghe tập trung vào các yếu tố khác trong âm thanh của HD800S hơn và may mắn thay, những mặt này HD800S đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhờ vào âm trường rất đặc biệt (mình sẽ nói sâu hơn ở phần sau) cùng dải bass gọn gàng và không lấn những dải khác, những đoạn nhạc phức tạp được tái tạo một cách dễ dàng và tinh tế. Cơ bản dải bass của HD800S rất rất ổn và thừa sức cân rất rất nhiều tai nghe khác trên thị trường, tuy nhiên mình thực sự phải cực kỳ khắt khe khi đánh giá về các tai nghe cao cấp như thế này. Đối với sở thích của mình, thêm một tý độ punchy/impact ở mid-bass sẽ làm cho dải bass của HD800S trở nên hoàn hảo – một mỹ từ mình không thường xuyên dùng khi đánh giá về âm thanh.
IMG_1612.JPG

4.3) Midrange (Âm trung)

Trong toàn bộ dải tần âm thanh, mình nghĩ midrange chắc là dải mang ý kiến chủ quan và cảm xúc trong mỗi người nghe nhất. Với trung âm thì khái niệm “hay” và “đúng” có thể nó không đi chung với nhau, thậm chí ngược hẳn nhau. “Như thế nào là một trung âm hay” có lẽ là câu hỏi không có câu trả lời chính xác cụ thể. Mình nêu vấn đề này lên để mọi người có thể dễ hình dung hơn về trung âm của HD800S.

Ngắn gọn: Sennheiser HD800S, theo sở thích và cảm nhận của mình, không phải là tai nghe có dải mid “hay”, nhưng nó là một trong những tai nghe thể hiện dải mid chính xác nhất, “đúng” nhất mà mình từng trải nghiệm trên một chiếc tai nghe ở tất cả các phân khúc giá.

Dải trung thấp (lower mids) trong khoảng 250hz-1000hz của HD800S được các kỹ sư Sennheiser tune với sự chính xác đáng kinh ngạc với tone âm cực kỳ tự nhiên, nó không bị dầy quá, cũng không mỏng quá, rất vừa vặn và hoàn toàn không bị overly focused ở giữa đầu – hiện tượng mình thường thấy với các tai nghe tầm thấp khi cố gắng thể hiện sự “thủ thỉ” của giọng hát cũng như cố gắng tái tạo âm hình cho “đẹp”. Mà ngược lại, dải mids của HD800S rất vừa vặn, không bị cương, và đặc biệt nhất là không hề có cảm giác sibilance như khi mình nghe HD800. Điều này mang lại cho các giọng hát, từ giọng nữ cao đến nam trầm và nhạc cụ có độ tự nhiên của âm rất đẹp. Điều tương tự cũng được thể hiện trong dải mid tầm 2Khz – 5Khz, nó có mức năng lượng/độ “cương” rất vừa phải, giúp cho tiếng piano rất đĩnh đạc, độ vang và hài âm của nốt piano rất thật, tiếng guitar điện có độ rung và luyến láy cực kỳ rõ rang, tiếng kèn saxophone có độ dầy và texture tốt, tất cả hòa quyệt lại thành một sự thể hiện midrange rất thực, rất “đời”, mình chưa bao giờ cảm thấy trung âm của HD800S quá forward hoặc quá sáng như mình ban đầu lo ngại. Tuy nhiên, với các bạn thích nghe dải mid kiểu ấm áp tình cảm, thủ thỉ thù thì, tự sự một chút thì nghe qua HD800S sẽ có cảm giác hơi không sống động và giàu cảm xúc.

Thông thường, mình rất khó tính khi nhận xét midrange của tai nghe, nhưng mình thực sự không có nhiều điều khác để nói về âm trung của HD800S, ngồi nghĩ mãi cũng chỉ được vài dòng bên trên. Đơn giản là HD800S sở hữu âm sắc dải midrange rất đẹp mà, đối với mình, nó đã thể hiện rất chân thực với âm sắc trong mọi bài nhạc mà nhạc sĩ muốn gửi gắm, source nhạc thế nào thì HD800S sẽ tiếp đãi bạn nguyên xi món âm nhạc ấy, không thêm mắm muối, nước tương gì cả.

4.4) Treble (Âm cao)

Như mình đã đề cập ở đầu bài, HD800S được hãng giới thiệu “bộ hấp thụ” (absorber) trên driver của mình để làm dịu bớt (tame) phần peak ở dãi 6Khz và 10Khz, điều có thể làm các hardcore fan của HD800 xưa không thích, nhưng với mình, đây là một cải thiện siêu đáng giá và một mình điều này thôi cũng đã làm mình sẵn sàng nới thêm budget và chọn HD800S thay vì HD800 rồi. Và kết quả thực tế mình thấy Sennheiser đã thành công trong việc xử lý những vấn đề đặc biệt này của dải treble. Mình chắc chắn dải treble là một trong những điểm mạnh nhất của HD800S, nó không quá sáng và harsh như HD800, mà đã êm hơn rất nhiều. Độ extend cũng như detail của treble rất tuyệt vời, mình cũng sẽ không tả HD800S là một tai nghe có âm thanh “sắc” hay “sáng”.

Nếu thực sự nhặt sạn, dải treble vẫn cho mình nghe thấy lâu lâu ở vài bài hát và vài điểm, cụ thể ở khúc ~ 5.5Khz và 10Khz trong dải treble vẫn có nhiều năng lượng hơn một chút mà đối với một số người mà quen nghe ấm, dầy, tube amp v.v sẽ cảm thấy hơi “cương” quá.

Nhìn chung, dải treble vẫn là một trong những đặc trưng rõ ràng nhất tạo nên tên tuổi của dòng Sennheiser HD8xx nói chung và HD800S nói riêng, mình chưa được nghe dải treble tràn đầy năng lượng và độ chi tiết kinh khủng khiếp như vậy từ thời HD800 nhiều năm trước.

sennheiser_hd800s_headphones_upgrade_style_wazd.jpg

4.5) Soundstage & Imaging (Âm trường & Âm hình)

Cũng như tiền bối HD800, âm trường và âm hình chắc chắn là khía cạnh mạnh nhất của HD800S; đây là chiếc tai nghe có âm thanh tách biệt, âm trường rộng lớn và âm hình chính xác nhất mà mình từng nghe. Trong khi với hầu hết các tai nghe khác, mình cảm thấy rằng không gian trong các bài hát ít nhiều bị “bóp” lại, đặc biệt là các bản nhạc live/biểu diễn trực tiếp, thì với HD800S, không gian sân khấu lại rộng rãi đến mức mình có cảm giác bị phóng đại. Mình chưa được nghe huyền thoại âm trường AKG K1000, nhưng với các hệ thống tai nghe cao cấp mình đã từng được nghe như Stax SR-009, Hifiman HE-1000 hay Focal Utopia v.v thì HD800S đã thể hiện quy mô không gian âm nhạc ấn tượng hơn cả. Hãy quẳng vào HD800S các bài hát live, các tác phẩm nhạc giao hưởng, và chuẩn bị đắm chìm vào không gian âm nhạc mà nó thể hiện.

Nếu bắt mình phải chọn điểm mình chưa hài lòng về âm trường & âm hình của HD800S, thì mình đôi lúc cảm thấy âm trường dù rất rộng về chiều ngang, nhưng chiều sâu và độ 3D của âm trường đôi lúc vẫn còn hơi thấp, và vì âm trường quá rộng nên một số bài hát cần sự gần gũi (intimacy) thì sẽ thấy hơi rời rạc và chưa thực sự liền mạch và gắn kết.

Để tổng kết về âm trường và âm hình của HD800S, mình dành tặng một nhận xét đơn giản: với một người đã nghe loa một thời gian dài và gần như không nghe tai nghe như mình, khi nghe qua HD800S mình không hề có cảm giác âm thanh bị “bí” và “ngột ngạt”. Mình nghĩ đây là lời nhận xét tuyệt vời nhất dành cho sự thể hiện âm trường và âm hình của HD800S.

4.6) Transparency, Resolution và Detail (Độ trong, Độ phân giải và Độ chi tiết)

Đối với mình, khi nói đến ba thứ - transparency, resolution và detail, thì HD800S đơn giản là chiếc tai nghe thể hiện tốt nhất mình từng được nghe. Từ lúc có HD800S, mình có cảm giác như mọi thứ reset, nghe lại toàn bộ thư viện nhạc của mình như lần đầu được nghe vậy, dù có rất nhiều bài mình đã nghe hàng trăm lần trên rất nhiều hệ thống khác nhau. Cái câu cửa miệng “ủa, trong bài hát này nó có tiếng này hả ta” được mình thốt ra cực kỳ thường xuyên khi nghe HD800S. Khi được phối hợp với hệ thống tốt, xử lý điện và phối ghép bài bản, HD800S trình diễn một thứ âm thanh trong trẻo và chi tiết đến rợn người. Nền âm tĩnh lặng, các nốt nhạc từ từ thong thả tuôn ra cực kỳ nổi bật, dần dần phát triển lên và khi đến cao trào, HD800S thực sự làm mình cảm thấy mình đang được hòa mình ở đó, ngay tại chính sân khấu và làm thính giả trực tiếp vậy. Cần phải nói là hệ thống âm thanh mà làm mình có cảm giác này đến hôm nay chắc chưa đếm hết được bàn tay.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, với transparency, resolution và độ chi tiết kinh khủng khiếp như này thì HD800S cũng là con dao hai lưỡi. Không phải ý gì, nhưng thực sự từ ngày có HD800S thì tần suất nghe nhạc xưa/nhạc Việt của mình ít hẳn, đơn giản bởi cái sự phô chi tiết trần trụi đến phũ phàng của nó. Đừng mong bất kỳ sự “vuốt ve”, “nịnh nọt” nào đến từ driver của HD800S, bạn ủn vào nó bản nhạc chất lượng thu âm tốt, HD800S sẽ tiếp đãi bạn bằng một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn. Ngược lại, nếu bản thu đã cũ, bị mix cương quá mức hoặc nặng hơn là bị lỗi, thì các khiếm khuyết đó sẽ được X10 lên khi nghe qua HD800S.

o9cf1dk_gduo.jpg

5) Tổng kết

Sau khi được trực tiếp sở hữu và trực tiếp trải nghiệm HD800S, mình đã hiểu tại sao nhiều người lại thích HD800S đến vậy và suốt gần 6 năm từ khi ra mắt (đầu năm 2016) đến bây giờ vẫn được nhiều audiophile xem là tai nghe tham chiếu của phân khúc tai nghe cao cấp/đầu bảng. Đã có rất, rất nhiều chiếc tai nghe hàng đầu của các hãng khác đã được ra mắt sau HD800S, với các mức giá gấp vài lần cũng có, và không phải tự nhiên HD800S thường xuyên được đưa ra để so sánh trong các bài review/đánh giá các tai nghe đầu bảng đó.

Tuy nhiên, mình khẳng định lại một lần nữa, HD800S chắc chắn không phải là chiếc tai nghe hoàn hảo, tuyệt đỉnh kung-fu, bạn chỉ cần mua HD800S là xong film, hành trình audio chấm dứt. Mà thực tế hoàn toàn ngược lại, thậm chí HD800S còn không là chiếc tai nghe đắt tiền nhất trong lineup sản phẩm của Sennheiser (trên HD800S có HD820 và HE-1). HD800S là chiếc tai nghe cá tính bậc nhất trong giới headphone, nó thể hiện tốt ở rất nhiều mảng, nhưng cũng có những điểm yếu cố hữu không thể cứu vãn. HD800S là tai nghe có âm thanh trong trẻo, chi tiết và chính xác nhất mình từng được trải nghiệm, và quan trọng hơn là độ thoải mái không có đối thủ trong giới tai nghe fullsize – điều mà mình xem là bắt buộc phải có khi mua một chiếc tai nghe. Mình đã nghe kha khá các tai nghe cao cấp khác mà độ nặng cũng như thiết kế không thoải mái khi đeo đã làm trải nghiệm âm nhạc của mình tụt dốc khủng khiếp.
IMG_1613.JPG

Cuối cùng, có một điều mình muốn chia sẻ về HD800S, mình không biết đã từng chia sẻ điều này hay các bạn đã từng đọc được ở đâu chưa, nhưng mình thấy rằng khi đã tiếp cận với audio ở phân khúc này, thì cái dấu hiệu đặc trưng/điểm gây ấn tượng giữa các thiết bị âm thanh nói chung và tai nghe nói riêng nó không chỉ còn nằm ở âm sắc nữa (tiếng tối/sáng thế nào, bass có ầm ầm không, mid có ấm ngọt không, treble có keng keng không) mà nó nằm ở các đặc tính chuyên sâu và cao cấp hơn, cụ thể là không gian âm nhạc, độ trong trẻo, chi tiết, các đặc tính kỹ thuật khác để thể hiện bài hát “thật” nhất có thể. Thật lòng mà nói, mình từng nghe rất nhiều tai nghe/hệ thống âm thanh khác mức giá thấp hơn HD800S kha khá nhưng vẫn thể hiện âm sắc dễ nghe hơn, các dải tần bass/mid/treble lọt tai mình hơn. Nhưng cuối cùng, mình thấy chính cái không gian âm nhạc, độ trong trẻo và cái “thật” trong âm thanh mới là những thứ kéo người nghe đắm chìm vào âm nhạc, thứ khiến chúng ta như đang trực tiếp ở đó, thưởng thức các màn trình diễn của các bản nhạc bạn yêu thích. Và tất cả các điều này là những thứ HD800S thể hiện cực kỳ tốt, nếu không muốn nói là tốt nhất trong các tai nghe mình từng được nghe.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, việc được đắm chìm vào những giọng hát hay, những hòa âm phối khí tuyệt vời, những cảm xúc được gửi gắm trong các bản nhạc chắc là điều mà không ít người trong chúng ta tìm kiếm. HD800S thực sự đã đem lại cho mình cảm giác mình được ở đó, trực tiếp là một khán giả may mắn được lắng nghe các bản nhạc mình thích, một trải nghiệm rất thật, rất “đời”. Mình tự hỏi không phải đích đến cuối cùng, đỉnh cao hạnh phúc nhất của một audiophile chính là như ta được trực tiếp nghe live các bản thu âm sao.

6) Hậu tổng kết:

Sau khi đã qua tay cũng như qua…tai nhiều tai nghe và hệ thống âm thanh khác nhau, với mình cũng đủ lý trí để vượt qua được cái triệu chứng “ cuồng new-toy” (nôm na là để cảm xúc lấn át lý trí khi được nghe một thứ âm thanh lạ của thiết bị mới), thì thực sự mình cũng không nghĩ sẽ có ngày mình sẽ có thể bỏ thời gian gõ một đống chữ phun trào cảm xúc như thế này. HD800S đã đem lại cho mình những trải nghiệm đáng nhớ và đặc biệt trong hành trình audio dài tập của mình, và chắc chắn con đường sẽ không dừng lại ở đây.

Bài cảm nhận được viết dựa trên đôi tai thẩm âm tự nhận không lấy gì làm xuất sắc lắm và vốn kinh nghiệm về âm thanh vừa phải. Từ ngữ hay cách hành văn có ‘cụt’ quá thì mọi người thông cảm, lâu quá chưa viết review với nay cũng lơn lớn rồi, tự nhận thấy văn chương đã không còn lai láng và mượt mà như trước.

Mình xin cám ơn mọi người đã dành thời gian đọc bài review. Mình rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ mọi người.

Happy Listening!
103 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ajack
ĐẠI BÀNG
2 năm
Một bài viết tuyệt vời!

Mình chưa bao giờ có được những trải nghiệm như thế trong thế giới âm thanh (không DAC, không dây xịn, không headphone cao cấp). Nhưng mà đây mới là điều tuyệt vời của bài viết này! Đó là sự dẫn dắt để người đọc có thể hiểu được hành trình cũng như thú chơi âm thanh nó có thể sâu rộng tới mức nào.

Những ai đang mày mò trong thế giới này, chắc có thể tham khảo bài viết này để có một hướng đi cho mình ban đầu.
@ajack Cảm ơn bạn đã ủng hộ. Đọc những comment như bạn mình rất vui.
Chia sẻ là hạnh phúc bạn hén.
ngoduc
ĐẠI BÀNG
2 năm
Tại sao bài như này mà Mod, Min không cho lên trang chủ nhỉ? 😃
ajack
ĐẠI BÀNG
2 năm
@ngoduc Vậy lại càng tốt!

Nên tránh trang chủ, vì rằng có cả đống thành phần chỉ mong muốn vào comment mà không cần biết nội dung là gì!
@ngoduc Bạn vừa mới nói hôm qua, hôm nay mình thấy tin luôn, linh thật ^^
photo_2021-11-05_10-23-11.jpg
ngoduc
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Aeolus Kratos Chắc ông mod box này ổng biết mềnh!
tutk
ĐẠI BÀNG
2 năm
Mình nghe HD660S + dap Cayin N3 Pro hôm mua tai nghe đó, đã thấy bủn rủn ra rồi, vì thứ âm thanh trong veo, như nghe đĩa than vinyl mà nó thể hiện, nói gì đến HD800S 😌
@tutk Mình đã dùng + nghe 600, 650, 660S, thì thiệt transparency của dòng 8xx nó trên 6xx xa lắm. Điểm mạnh của đám 6xx theo tai mình là tiếng ấm áp, tình cảm và dễ nghe hơn là độ trong và chi tiết.

Mình hay ví von vui kiểu 800/800S là sữa tươi ít đường còn đám 6xx là cà phê đen extra đường vậy 😆)))
Cười vô mặt
Q_K
ĐẠI BÀNG
2 năm
@Aeolus Kratos đang dùng 660s mà bác cứ nói thế, ko lẽ ....
Cười vô mặt
@Q_K haha, mình chỉ đang bàn về transparency thôi bạn. Còn âm thanh nói chung thì đám 6xx thật ra có nhiều ưu điểm hơn cả 8xx mà. Tiếng ấm, ngọt ngào, tình cảm, dễ nghe.

Như mình riêng nội dòng 6xx thì mình thích nhất 650 đơn giản vì nó ấm áp nhất, sau đó 600, con 660S nó không hợp tai mình lắm, gu mình kiểu đã ngọt, đã mùi thì ngọt với mùi cho tới luôn đi, 660S kiểu còn "nhát" quá thôi, hehe
thiết kế ngoài ko đổi qua nhiều năm nhỉ
@choigiky Đúng bạn, chỉ đổi màu sơn, còn lại y xì 😆))
cuong_bmt
ĐẠI BÀNG
2 năm
Hồi xưa trẻ trâu nhớ đọc review bác Khiêm bên voz mua con ath m50, hd 650 chắc cũng chục năm r, giờ bán hết dàn tai nghe r thấy bác review lại vẫn còn tâm huyết quá 😁
@Aeolus Kratos Vì bài đó mà mình mua con M50 😂
@Aeolus Kratos Hồi đó có ông thần Thach , mấy cha SVHouse toàn phang nhạc Yao Si Ting đọc review xong có mà rớt nước dãi . Drama chém nhau những năm 14-15 của mấy hãng tai nghe Việt giờ vẫn nhớ . Bác Khiêm rùa có mấy thớt đc lên sticky còn gì nữa . Giờ vào voz cũ tìm mấy bài review mà toàn lỗi DB , nghĩ ló chán
Cười vô mặt
@zipder @zipder Thời đó cãi nhau ỏm tỏi thế mà lại vui bạn hén, giờ muốn war kiểu thế lại cũng khó, cứ bình bình không sôi động như trước 😆)
@Aeolus Kratos Từ hồi qua voz Tân là f31 xịt hẳn , cũng hơi buồn. Mình ăn nằm ở đấy bao lâu
Im lặng đi
xedieu
CAO CẤP
2 năm
Tránh xa, tránh xa mấy bài viết kiểu này! 😅
Anhkhoa1010
ĐẠI BÀNG
2 năm
Quá đã. Em cũng thích cái mid của Senn. Nó ngọt ngọt mà thật
Bài viết chi tiết và cũng làm nổi bật lên được con tai nghe này. Cũng định làm em này mà hiện tại, vẫn đang hay nghe nhạc pop nên tạm thời bỏ qua em nó ;))
lưu lại, không xem. xem lại lăn tăn nữa thì phiền. :-(
so với combo hd650 + amp đèn bác đang xài thì sao bác thớt? Em cũng đang hd650 + amp đèn, đang tính tích góp tậu con Woo audio wa2, mà nghe bác nhận xét hd800s thấy ham quá.

Với cho xin cái giá hd800s bác đang mua với ạ.
@harryhoang1986 Chắc cũng tùy vào amp đèn bạn đang dùng là amp gì nữa. HD650 thì mình ưng nhất khi đánh với đám Bottlehead (Mainline/S.E.X/.....).

Mình chưa trực tiếp nghe Woo Audio đánh HD650 lần nào, cơ mà kinh nghiệm mình thấy các tai nghe trở cao bạn nên kiếm các con đèn dạng OTL hoặc TOTL mà dòng ra cao 1 chút.

Còn so hệ thống đánh 800S bây giờ của mình so với HD650 + Bottlehead hồi trước thì nó khác luôn về source nhạc (transport/DAC) lẫn xử lý điện đóm nên cũng khó. Mình chỉ sure một điều các điểm về đặc tính kỹ thuật của âm thanh (transparency, detail, resolution, âm trường, âm hình, v.v) của dàn hiện tại nó ở trên dàn HD650 hồi trước của mình nhiều bậc. Còn tonality, âm sắc đồ thì cũng tùy gu.
@Aeolus Kratos mình cũng tay mơ tập tành thôi, đang xài con amp hybird xduoo-ta 20 balanced, bóng gold lion 12AU7, source sony walkman nw-zx300, nguyên bộ đi balanced hết, nghe vocal cũng khá ổn. Đang tính đầu tư con woo wa2 (OTL) cho chạy với hd650, nhưng nghe bác nói thế này lại ham quá, có khi làm con hd800s trước, để ra nghe thử xem thế nào.
Bạn viết hay và chuyên sâu quá. Like bạn!
@Rock and Road Cảm ơn bạn đã ủng hộ
Tai nghe của Sen tầm này thì auto XỊN XÒ rồi!
Ở tinhte thì phải cắm new macbook pro mới đã , dăm ba con AMP/DAC, mấy cái sợi balance sao có thể hay đc 🐧
Cười vô mặt
_killer_oo7_
ĐẠI BÀNG
2 năm
@zipder Cụ phán lại chuẩn 😆)
_killer_oo7_
ĐẠI BÀNG
2 năm
Lâu lắm tinh tế mới có bài chất như vây
Yêu quá
@_killer_oo7_ Cảm ơn bạn đã ủng hộ
junkey
TÍCH CỰC
2 năm
qua mới thấy thiếm post bên voz, đúng là dân chơi
bnc246
TÍCH CỰC
2 năm
e thích cái USB
Mà thật sự nhìn build con này không nghĩ nó 2000$ :v
@Wolfrain hehe, mình cũng có nhiều điểm chưa ưng về build con này bạn ạ
@Wolfrain quan trọng là nó nhẹ nên đeo dc lâu bác. Làm build sang chảnh full nhôm như Airpod Max đeo được 30 phút muốn rớt cái tai.
latoan339
TÍCH CỰC
2 năm
vote 1 sao. mấy bài kiểu này dễ khiến mọi người đau thận
Hay quá bạn, mình cũng nghe tai này, thích lắm mà không biết viết làm sao để anh em hiểu được như bạn. Cám ơn bạn đã chia sẻ.
@cuhiep em cảm ơn sếp Hiệp đã ủng hộ, hehe
Anthony2017
ĐẠI BÀNG
2 năm
@cuhiep mình cũng từng nghe em nó, tiếc là đu đỉnh cripto 2018 nên phải cho cả combo ra đi. hẹn có dịp gặp lại 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019